TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 223
  • Hôm nay: 198
  • Tháng: 1621
  • Tổng truy cập: 5245625
Chi tiết bài viết

Bức tranh ngành ngân hàng 2016

Năm 2016, sự tăng trưởng của hoạt động tín dụng và huy động vốn sẽ được phản ánh tốt hơn vào lợi nhuận các ngân hàng. Ảnh: TUỆ DOANH

- Vấn đề đáng quan tâm hiện nay là thực chất lợi nhuận của các ngân hàng trong năm qua như thế nào, và triển vọng hoạt động các ngân hàng trong năm 2016 ra sao.

Lợi nhuận năm 2015 bị nợ xấu chi phối

Trong năm 2015, tín dụng hệ thống ngân hàng tăng trưởng đến 18% so với năm 2014, cao nhất trong năm năm trở lại đây. Bên cạnh đó, huy động vốn vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Hai điều này làm cho thu nhập thuần của hầu hết các ngân hàng có sự tăng trưởng tốt. Một số ngân hàng có thu nhập thuần từ lãi tăng vượt trội như VCB tăng đến hơn 30%, ACB tăng hơn 25% so với năm 2014.

Thu từ dịch vụ của các ngân hàng cũng tăng mạnh. Mức tăng thu của hầu hết các ngân hàng trên 15%.

Tuy nhiên, trong năm 2015, các ngân hàng phải trích lập dự phòng lớn, làm cho lợi nhuận tăng trưởng không tương xứng với sự tăng trưởng các mảng hoạt động.

Vì tổng dư nợ xấu bán cho VAMC trong năm 2013, 2014 lên đến 108.000 tỉ đồng trong khi dư nợ VAMC xử lý được  không đáng kể, nên theo quy định hiện hành, các ngân hàng phải trích lập dự phòng 20% cho dư nợ này, tương đương hơn 20.000 tỉ đồng. Bên cạnh đó, với việc quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-4-2015, các ngân hàng đã bị hạn chế trong việc che giấu nợ xấu, buộc phải đưa các khoản nợ xấu về đúng bản chất của nó, qua đó phải trích lập dự phòng cho các khoản nợ này. Đây chính là lý do chi phí dự phòng nợ xấu ở hầu hết các ngân hàng đều tăng mạnh trong năm 2015.  

Năm 2016 sẽ sáng hơn

Có thể nói năm 2015 là năm quan trọng với hệ thống ngân hàng trên khía cạnh minh bạch và xử lý nợ xấu. Bởi lẽ, trong năm này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bắt buộc các ngân hàng đẩy mạnh việc bán nợ xấu cho VAMC nhằm đưa tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3%, đồng thời chấm dứt cho phép các ngân hàng che giấu nợ xấu. Điều này đã làm cho bảng cân đối kế toán các ngân hàng trở nên “đẹp và sạch hơn”, thể hiện “thực chất hơn” hiệu quả hoạt động các ngân hàng so với trước đây.

Năm 2016, sự tăng trưởng của hoạt động tín dụng và huy động vốn sẽ được phản ánh tốt hơn vào lợi nhuận các ngân hàng. Điều này thể hiện ở hai khía cạnh:

Thứ nhất, việc đưa các khoản nợ xấu về đúng bản chất của nó, do đó làm tăng chi phí dự thu nhưng không thu được, dẫn đến làm giảm thu nhập thuần từ lãi của các ngân hàng đã được thực hiện trong năm 2015. Điều này có nghĩa là thu nhập thuần từ lãi được dự báo sẽ tăng mạnh trong năm 2016.

Nếu năm 2015 là năm minh bạch và xử lý nợ xấu thì năm 2016 sẽ là năm quan trọng trong việc tăng trưởng các hoạt động cũng như lợi nhuận của ngân hàng.

Thứ hai, việc minh bạch nợ xấu đã làm cho nợ nhóm 5 trong báo cáo tài chính các ngân hàng tăng đột biến, đặc biệt là trong quí 3-2015 trong khi nợ nhóm 3, 4 có dấu hiệu giảm đi. Điều này có nghĩa là các ngân hàng đã phải đẩy mạnh trích lập dự phòng cho nợ xấu mà đặc biệt là nợ nhóm 5 trong năm 2015, do đó các ngân hàng này sẽ không phải trích lập thêm dự phòng cho các khoản nợ này trong năm 2016. Trên cơ sở này, nếu không có sự gia tăng đột biến nợ xấu vì lý do khách quan nào đó thì dự phòng trích lập đối với nợ xấu trong báo cáo tài chính của các ngân hàng sẽ giảm mạnh trong năm 2016 so với năm 2015.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, ngược với dự báo dự phòng trích lập đối với nợ xấu trong báo cáo tài chính của các ngân hàng sẽ giảm thì dự phòng trích lập đối với nợ xấu bán cho VAMC sẽ đạt mức cao kỷ lục trong năm 2016. Điều này là do trong năm 2015 các ngân hàng đã đẩy mạnh việc bán nợ xấu cho VAMC với giá trị trái phiếu đặc biệt lên đến hơn 82.000 tỉ đồng (đưa tổng nợ xấu bán cho VAMC theo giá trị trái phiếu đặc biệt lên gần 200.000 tỉ đồng). Vì vậy, các ngân hàng sẽ phải tăng trích lập dự phòng cho hơn 82.000 tỉ đồng trái phiếu đặc biệt. Dự báo khoản này sẽ tăng tối đa khoảng 16.000 tỉ đồng.

Bên cạnh mảng tín dụng và huy động vốn, hoạt động dịch vụ và các hoạt động khác hứa hẹn sẽ tăng trưởng cao và đóng góp đáng kể vào lợi nhuận của các ngân hàng khi mà điều kiện kinh tế ngày càng cải thiện đã giúp cho dịch vụ tài chính ngân hàng ngày càng trở nên phổ biến hơn đối với các thành phần kinh tế, đặc biệt là dịch vụ tài chính cá nhân.

Rủi ro lãi suất và nợ cần chú ý

Mặc dù có triển vọng khả quan trong năm 2016 nhưng ngành ngân hàng vẫn đối mặt với một số rủi ro, đặc biệt là rủi ro nợ cần chú ý duy trì ở mức cao và rủi ro lãi suất ngày càng tăng làm giảm chất lượng tín dụng.

Báo cáo tài chính các ngân hàng năm 2015 cho thấy nợ cần chú ý của các ngân hàng hiện vẫn duy trì ở mức khá cao. Hầu hết các ngân hàng đều có nợ cần chú ý trên 2% tổng dư nợ. Một số ngân hàng có nợ cần chú ý trên 3%. Do vậy, khả năng phát sinh thêm lượng lớn nợ xấu vẫn còn hiện hữu đối với các ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh nợ xấu hiện vẫn duy trì ở mức cao và nền kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với các rủi ro như rủi ro nợ công cao, sự biến động mạnh và bất lợi của các nền kinh tế lớn trên thế giới.

Lãi suất ngày càng tăng cao cũng tác động tiêu cực đến hiệu quả hoạt động các ngân hàng. Lãi suất cao trong bối cảnh lạm phát thấp và kéo dài đi kèm với việc các doanh nghiệp đang ngày càng bị bào mòn khả năng cạnh tranh sẽ làm gia tăng rủi ro chất lượng tín dụng khi mà các doanh nghiệp phải trả chi trả lãi suất thực ngày càng cao trong khi tỷ suất lợi nhuận vẫn duy trì mức thấp.

Một vấn đề cần lưu ý nữa là dù tăng trưởng mạnh nhưng tín dụng chủ yếu tăng vào lĩnh vực bất động sản, cơ sở hạ tầng... còn tín dụng vào hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, cấp vốn lưu động cho doanh nghiệp vẫn tăng chậm. Điều này có nghĩa là hoạt động của các doanh nghiệp chưa thực sự khởi sắc trong khi nói cho cùng thì phần lớn nguồn thu nhập trả nợ dù là của cá nhân hay doanh nghiệp đều từ hoạt động các doanh nghiệp.

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness