Các doanh nghiệp Trung Quốc đang phải đối mặt với khoản nợ 3,7 nghìn tỷ nhân dân tệ (571 tỷ USD) sẽ đáo hạn vào cuối năm nay trong bối cảnh nhà đầu tư không còn mặn mà với trái phiếu doanh nghiệp.
Những công ty thua lỗ nhiều nhất đang là những công ty chịu áp lực trảnợ lớn nhất. Vì thế, Trung Quốc cần sự hỗ trợ của thị trường để tiếp sức cho các công ty này. Tuy nhiên, lợi tức trái phiếu trong tháng tư đã tăng ở mức nhanh nhất trong hơn một năm qua và tỷ lệ phát hành đã giảm 43% khi các doanh nghiệp hủy kế hoạch bán số trái phiếu trị giá 143 tỷ nhân dân tệ.
Niềm tin của nhà đầu tư sụt giảm đã làm tăng nguy cơ vỡ nợ trên thị trường trái phiếu vốn đã chứng kiến ít nhất 7 công ty không thể trả nợ đúng hạn trong năm nay, bằng cả năm 2015 cộng lại. Mặc dù các ngân hàng quốc doanh có thể hỗ trợ các công ty nhỏ mắc nợ, việc ba doanh nghiệp nhà nước không trả nợ đúng hạn trong ba tháng qua cho thấy chính phủ đang chấp nhận các doanh nghiệp phá sản nhiều hơn khi nền kinh tế giảm tốc.
“Vấn đề lớn nhất của thị trường trái phiếu Trung Quốc hiện nay là thiếu vốn”, Qiu Xinhong, giám đốc tiền tệ của công ty quản lý quỹ First State Cinda có trụ sở Thượng Hải cho biết. “Với số trái phiếu đáo hạn lớn như vậy, nếu doanh nghiệp phát hành không bán được trái phiếu mới để trả nợ trái phiếu cũ, họ sẽ phá sản”.
Các công ty Trung Quốc đag đối mặt với số nợ trái phiếu cao kỷ lục
Các ngành công nghiệp nặng của Trung Quốc đang là nơi phải chịu áp lực trả nợ lớn nhất. Đấy là chưa kể đến các ngành này còn là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất do sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc. Các công ty khai khoáng và kim loại sẽ phải trả khoản nợ gốc trị giá 389 tỷ nhân dân tệ vào cuối năm nay trong khi lợi nhuận thu về chỉ đủ để trả một nửa tiền lãi trong năm 2015. Các công ty điện lực đang nợ 332 tỷ nhân dân tệ còn nợ đáo hạn ở các công ty than đã tăng lên đến 292 tỷ nhân dân tệ.
SDIC Xinji Energy, công ty sản xuất than quốc doanh đã hủy kế hoạch phát hành trái phiếu vào ngày 11/3 và sẽ phải trả khoản nợ 1 tỷ nhân dân tệ vào ngày 15/5 tới. China International Capital Corp. (CICC) cho rằng SDIC là một trong những công ty có nguy cơ vỡ nợ cao nhất trong quý hai năm nay. Fei Dai, phát ngôn viên của SDIC cho biết công ty sẽ dàn xếp các khoản vay ngân hàng và các biện pháp khác để tránh vỡ nợ.
Evergreen Holding Group cũng là công ty có nguy cơ vỡ nợ cao khi có số trái phiếu trị giá 400 triệu nhân dân tệ đáo hạn vào 15/5 tới. Công ty xếp hạng tín dụng Shanghai Brilliance đã hạ xếp hạng tín dụng của hãng đóng tàu trên từ AA- xuống BBB trong tháng 3 năm nay.
Khi mà niềm tin của thị trường giảm sút, ngân hàng sẽ đóng vai trò là cứu cánh cho các doanh nghiệp. SDIC Xinji đang tìm cách vay ngân hàng để trả số trái phiếu đáo hạn trong tháng này. Trong khi đó, chính quyền thành phổ Ningbo, nơi Evergreen đóng trụ sở đã yêu cầu các ngân hàng thương mại hỗ trợ hãng đóng tàu này vào tháng 12 năm ngoái.
Tuy nhiên, dường như chính phủ Trung Quốc đang rút lại các nỗ lực giải cứu quy mô lớn khi nước này tìm cách giảm tình trạng dư thừa công suất ở các ngành công nghiệp nặng. Nhiều khả năng chính phủ sẽ tập trung nguồn lực để giải cứu các công ty lớn trong khi giảm hỗ trợ cho các công ty nhỏ, theo Xia Le, kinh tế gia trưởng phụ trách Châu Á của Banco Bilbao Vizcaya Argentaria.
“Kinh tế Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu các công ty không thể trả nợ trên thị trường trái phiếu và ngân hàng chỉ chọn giải cứu các công ty lớn”, Xia nói. “Vì thế, việc ngày càng nhiều các công ty nhỏ phá sản là điều không tránh khỏi”.