TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 223
  • Hôm nay: 198
  • Tháng: 1621
  • Tổng truy cập: 5245625
Chi tiết bài viết

Cách mạng 1989: Sự sụp đổ của đế chế Xô viết- Phần 2

Tác giả Victor Sebastyen - Trần Quang Nghĩa dịch

11.png

PHẦN HAI:  TUYẾT TAN

Moscow, chủ nhật, ngày 10 tháng 3 năm 1985

LẦN THỨ BA TRONG KHÔNG ĐẦY BA NĂM những người quyền lực nhất trong LBXV lại gặp nhau để chỉ định ra một vị Sa hoàng Đỏ mới. Cuối cùng thì Konstantin Chernenko cũng đầu hàng tử thần lúc 7.20 tối sau cuộc chiến đau đớn chống bệnh sưng phổi và khí thũng. Trong vài tuần qua y hiếm khi lộ diện trừ với các bác sĩ ở Kremlin và các người thân cận nhất. Cái chết của y chắc hẳn đem lại sự nhẹ nhõm cho y và gia đình y – và nhất là LBXV. Ngay lập tức, các cán bộ lão thành vội vã rời các biệt phủ của mình ở nông thôn, các căn hộ ở Moscow và các giường bệnh dành riêng cho mình để đưa ra một lựa chọn lịch sử cho đế chế Xô viết và cho lý tưởng cộng sản chủ nghĩa.  Một số nhân vật trong số 18 người đang bắt đầu tề tựu vào khoảng 10 tối đã từng nắm quyền trong một thời gian dài nên không xa lạ gì với nghi thức này. Giờ đây họ được tiếp đón trong một căn phòng ốp bằng gỗ óc chó trên tầng ba của nhà Quốc hội lộng lẫy – căn phòng liền kề với phòng riêng của Tổng Bí thư – và người tiếp đón họ là người trẻ nhất trong nhóm của họ, Mikhail Sergeyevich Gorbachev mới 54 tuổi.

        Theo bản năng các trưởng lão của Đảng thích một ứng viên đồng lứa với mình hơn, vì như thế sẽ an toàn hơn cho vị thế và đặc quyền của mình. Nhưng quan trọng hơn là không có người tin cậy nào lớn tuổi hơn có thể làm tốt trách vụ này. Ustinov đã chết trước đây vài tháng và Gromyko đã nói rõ là minh không tha thiết với vị trí này. Gorbachev đã gánh vác công việc cho Chernenko một cách hiệu quả và năng động trong thời gian y khó ở và hình như ông ta là ứng viên sáng giá nhất. Chỉ mới cách đây một năm ông từng là người thích hợp nhất cho chức vụ nhưng một nhóm các trưởng lão bảo thủ còn nhiều quyền hành lúc đó đã ngăn chận. Lần này người đàn ông trẻ hơn và nhiều tham vọng này có được một đồng minh vững mạnh. Mặc dù Gromyko không muốn làm vua, nhưng ông muốn phong vương.

        Việc sắp xếp được các sứ giả của họ thực hiện. Con trai Anatoli của Gromyko, cũng là một đảng viên đang lên, đại diện cho Bộ trưởng Ngoại giao. Sứ giả thứ hai của Gorbachev, Alexander Yakovlev, là người bạn thân, người cũng sẽ trở thành một trong những phụ tá chủ chốt của ông trong ít năm nữa. Vào buổi chiều cái ngày biết được Chernenko không còn sống bao lâu nữa, con trai của Gromyko đến văn phòng của  Yakovlev. ‘Không rào trước đón sau, tôi sẽ đi thẳng vào vấn đề,’ anh nói. ‘Nếu tôi nói không phải chúng ta cứ coi đây là đề nghị riêng theo sáng kiến của cá nhân tôi. Ý cha tôi là chỉ có Gorbachev có thể dẫn dắt Đảng trong tình hình này. Ông sẽ sẵn sàng ủng hộ cho ý kiến của mình. Đồng thời ông cũng nói ông đã quá ngán làm Bộ trưởng Ngoại giao rồi và thích chuyển ngành. Ông đang tính về Xô viết Tối cao.’ Ý nghĩa đã rõ ràng. Gromyko đề nghị Gorbachev giữ chức cao nhất còn ông ta lên làm Chủ tịch nước (tức Chủ tịch Xô viết Tối cao), một chức vị nghe kêu nhưng thật ra chỉ có tính nghi thức. Gorbachev suy nghĩ về lời đề nghị này không lâu và rồi phái Yakovlev đem thư đến cho con trai của Gromyko. ‘Bảo cha cậu là lúc nào làm việc chung với ông ấy cũng thú vị. Tôi sẽ vinh hạnh với bất kỳ chức vị nào chúng ta có thể nắm trong tương lai. Và bảo ông ấy tôi biết cách giữ lời hứa của mình.’

        Ứng viên cạnh tranh là một trưởng lão khác, Viktor Grishin, 71 tuổi, từng giữ Bí thư thành phố Moscow trong 18 năm qua. Y là sản phẩm của những năm trì trệ – một hiện thân của tất cả những gì sai lầm của thời kỳ Brezhnev, u tối, nặng nề, chây lười và nhớp nhúa. Ai cũng biết y được Chernenko chọn làm người kế vị mình, nhưng lời yêu sách của y bị gạt đi ngay lập tức. Viktor Chebrikov, người đứng đầu KGB, rỉ tai với một số yếu nhân trong phòng họp là, nếu muốn, y sẽ mang đến ngay phòng họp một xấp hồ sơ dày cộm liên quan đến những vụ tham nhũng khủng của Grishin tại Moscow. Ngoài ra còn có những mối liên hệ gia đình không tốt đẹp gì. Trong đó có liên hệ đến Labrenti Beria, tên ác ôn đã cuồng sát vô số người trong thời thanh trừng của Stalin và để rồi chính y bị thất sủng và bị giết chết vào năm 1953. Đứa con gái ngoại hôn của Beria kết hôn với con trai của Grishin.

Gromyko và Gorbachev phát biểu ngắn ngủi trước khi các yếu nhân khác ngồi xuống để bắt đầu sự bầu bán.

        ‘Chúng ta phải đoàn kết lực lượng. Đây là thời khắc quan trọng,’ Gorbachev nói.

        ‘Theo tôi mọi việc điều rõ ràng,’ Gromyko nói.

          Gorbachev đáp lại: ‘Tôi trông chờ vào việc ngài và tôi sẽ cùng hợp  tác.’

        Rồi Gorbachev ngồi ghế chủ tịch như ông đã thường làm mỗi khi Chernenko vắng mặt trong vài tháng vừa qua. Là bác sĩ trưởng Kremlin, bác sĩ Chazov báo cáo chính thức về nguyên nhân cái chết của Chernenko và sau đó rời phòng họp. Gorbachev bắt đầu: ‘Trước hết chúng ta phải quyết định xem ai là Tổng Bí thư . . . Tôi xin các đồng chí hãy trình bày quan điểm của mình về vấn đề này.’ Trong mọi buổi họp như thế này của giới lãnh đạo Xô viết có một nghi thức đã định hình và tại Kremlin, nghi thức ấy càng được tuân thủ triệt để. Qui tắc bất thành văn có từ sau Lenin chết là không ai được bất đồng với người phát biểu đầu tiên, đề nghị tên ứng viên cho chức Tổng Bí thư mới. Andrei Gromyco vào đề ngay. Ông không cần kết thúc lời phát biểu thì mọi người đều biết nhân vật lãnh đạo mới là ai: ‘Tôi xin nói thẳng,’ ông nói. ’Khi nghĩ về một ứng viên . . .ta nghĩ ngay lập tức, tất nhiên, tới Mikhail Sergeyevich. Theo ý kiến tôi đó là một sự lựa chọn tuyệt đối đúng. . .  Khi ta nhìn về tương lai – và tôi sẽ không che dấu sự thật là có nhiều người trong chúng ta khó có khả năng làm chuyện đó – ta phải có một ý thức rõ ràng về hậu quả. Trong đó bao gồm việc chúng ta không có quyền cho phép bất kỳ sự tổn thất nào cho tình đoàn kết của chúng ta.’

        Gromyka ngừng lại. Không thấy ai biểu lộ sự chống đối nào, ông tiếp tục.

        Đồng chí ấy đã có nhiều đóng góp, và hoàn thành xuất sắc. Đồng chí có một đầu óc sắc sảo và sâu sắc, một khả năng phân biệt cái  chính và cái phụ. Một đầu óc phân tích . . . đồng chí là một con  người nguyên tắc và quyết đoán. Đồng chí luôn giữ vững quan    điểm dù bị chống đối và không hề do dự nói ra ý nghĩ của mình vì lợi ích của Đảng . . . Đồng chí thẳng thắn với nhân dân. Nếu là    người Cộng sản chân chính, các bạn sẽ vẫn mãn nguyện, cho dù đồng chí ấy có thể nói những điều mà các đồng chí không thích. Nhưng đồng chí ấy có thể ăn ý với những loại người khác nhau khi     cần thiết . . . Đồng chí ấy không nhìn sự vật với chỉ màu đen hay trắng. Đồng chí ấy có thể tìm ra một màu xám trung gian để đạt   được mục đích. Đối với Gorbachev, duy trì một tinh thần phòng vệ có cảnh giác là nhiệm vụ thiêng liêng. Trong tình thế của chúng ta hiện nay, đây là điều thiêng liêng của mọi điều thiêng liêng.’ 

Gromyko kết luận: ‘Đồng chí ấy có nụ cười duyên dáng, nhưng thưa các đồng chí, Mikhail Sergeyevich cũng có hàm răng sắt.’

        Một truyền thống khác nữa là, sau lời phát biểu đề cử, sự nhất trí phải là trăm phần trăm. Mọi người được mong đợi phát biểu và một số lời tâng bốc khiến Gorbachev bối rối, cứ ngồi cúi đầu, ghi ghi chép chép và thỉnh thoảng nhìn lên mỉm cười gượng gạo. Thủ tướng Nikolai Tikhonov, không ưa gì Gorbachev và gây ảnh hưởng để ngăn cản sự chỉ định ông trong lần họp trước đó, nói: ‘Đồng chí ấy là bí thư đầu tiên am hiểu kinh tế,’ một phê phán không mấy rộng lượng đối với các người tiền nhiệm của Gorbachev. Nikolai Ryzhkov, ngay sau đây sẽ được bổ nhiệm chức Thủ tướng thay thế y, giải thích một quan điểm chung chung: ‘Chúng ta biết rằng nếu chọn một đồng chí lớn tuổi nữa, chúng ta sẽ lập lại những gì chúng ta đã gặp liên tiếp trong ba năm – bắt tay với các lãnh đạo ngoại quốc tại một lễ tang.’

        Khoảng 3 giờ chiều Gorbachev trở lại biệt thự của mình ở vùng quê cách Moscow nửa giờ lái xe. Vợ ông, Raisa, đang đợi ông. Họ có thói quen, gần như bất di dịch, là đi dạo một khoảng ngắn trước khi ngủ – để thư giản và để, như Gorbachev có lần thổ lộ, trò chuyện riêng tư không bị các thiết bị nghe lén quấy rầy. Ông ta nói với vợ là đã được đề cử và mình sẽ chấp nhận. ‘Suốt bao năm mình không thể làm được việc gì quan trọng, trên một qui mô lớn. Nó giống như một bức tường gạch. Nhưng cuộc sống đòi hỏi phải hành động. Chúng ta không thể tiếp tục sống như thế này mãi được,’ ông nói.

Sáng hôm sau một không khí rộn ràng thực sự tràn ngập Moscow. Đúng 7 giờ sáng đài phát thanh Xô viết phát đi Chopin ở mọi nhà ga, báo hiệu có một sự kiện trọng đại sắp xảy ra. Không có tin tức loan báo chính thức, nhưng tin đồn lan nhanh khắp thủ đô là Chernenko đã chết. Không mấy ai lấy làm ngạc nhiên. Cũng không có tin chính thức nào về người kế vị ngay cả trong bộ máy Đảng, cho đến tận giữa trưa có tin một thông báo chính thức sẽ được đưa ra tại phòng hội nghị lát bằng đá hoa đối diện Kremlin trên phía kia của Quảng trường Đỏ. Anatoli Chernyaev có mặt trong đám cử tọa chiều hôm đó. Ông là quan chức cao cấp của Đảng, người mà sau này sẽ đóng một vai trò chính yếu trong chính quyền, một con người luôn canh cánh LBXV sẽ được đổi mới và cải tổ. Kể từ khi Andropov mất, luôn có tâm trạng ‘đợi chờ Gorbachev,’ ông ghi trong nhật ký. ‘Dười thời Brezhnev xứ sở đã rối tung. Dưới thời Chernenko nó thành một trò hề đáng hổ thẹn’.

        Gần một ngàn người ken chật sảnh. Ngay trước bốn giờ chiều những nhân vật chóp bu nhất xuất hiện trên bàn chủ tọa và ngồi dưới bức tranh Lenin cao mười mét khảm đá đỏ và cam rực rỡ. Andrei Gromyko bước tới bục nói trên sân khấu. Ông nói vài lời ca tụng ‘đồng chí Chernenko quí mến vừa ra đi’ và rồi do dự một chút trước khi tuyên bố toàn thể ban lãnh đạo đã đồng thanh cử  . . . Mikhail Sergeyevich Gorbachev’. Sảnh đường vỡ òa tiếng vỗ tay. Hầu hết những người dưới 70 đều mỉm cười và hoan hô một cách nồng nhiệt không chút giả tạo. ‘Tiếng hoan hô cất lên như sóng vỗ và kéo dài một lúc lâu,’ Chernyaev viết. ‘Tình thế bấp bênh đã qua . . . giờ là lúc nước Nga cần có một nhà lãnh đạo tài ba.’

        Tại Washington, cố vấn chính về LBXV của Ronald Reagan, Jack Matlock, chia sẻ một chút nhiệt tình mà dân chúng cảm nhận ở Moscow: ‘Cả ở trong lẫn ngoài nước mọi người đều chán ngán phải nhìn đế chế Xô viết loạng choạng dưới quyền cai trị của những kẻ bất tài bệnh tật,’ ông nói, ‘Gorbachev đến như một làn gió tươi mát. Ông ta đi, nói, và ăn mặc vừa vặn . . . làm lóa mắt thế giới.’

Việc Mikhail Gorbachev leo lên đến đỉnh cao quyền lực tại LBXV là một thành tích phi thường. Nói chung, tại đất nước này, những người có tri thức và tài năng thường bị gạt bỏ bởi một hệ thống chỉ ưu ái cho những tên bợ đỡ và bọn tầm thường. Vậy mà Gorbachev đã đi lên thẳng một mạch và – đáng kể hơn nữa – ông vẫn còn giữ được phần lớn những phẩm chất tốt đẹp của mình.

        Ông sinh ngày 2 tháng 3 năm 1931 tại Privolnoye, một ngôi làng nhỏ trong thảo nguyên màu mỡ về phía bắc dãy núi Caucasus được biết dưới tên Kuban. Từ privolnoye có nghĩa là ‘thong dong’ và theo truyền thống dân miền Kuban nổi tiếng là có tinh thần độc lập. Họ là dân Cossack, không như các nông dân ở hầu hết nơi khác ở Nga, không bao giờ chịu phận nông nô. Dưới thời các Sa hoàng họ được phép sống tự do; bù lại họ được giao nhiệm vụ bảo vệ vùng biên giới phía nam của đế chế Nga khỏi những cuộc đột kích của bọn cướp Hồi giáo. Sau cuộc cách mạng 1917 nhiều người Cossack từ khước quyền cai trị của người Bôn-sê-vich và chiến đấu chống lại Hồng Quân trong cuộc Nội Chiến. Ngôi làng chôn nhau cắt rún của Gorbachev là một nhúm các mái nhà tranh vách đất xiêu vẹo trơ vơ giữa đồng không mông quạnh. Mẹ ông, Maria Panteleyevna, là người phụ nữ mạnh mẽ, bộc trực lấn áp cả người cha hiền lành của Gorbachev, Sergei Andreyevich. Chính bà ngoại Vasilisa của đứa bé mới sinh là người khăng khăng đòi làm lễ rửa tội cho nó, trong thời kỳ mà người Cộng sản ra sức sách nhiều Giáo hội Chính thống.

        Ông ra đời đúng vào thời kỳ Stalin đẩy mạnh một cách không thương tiếc việc tập thể hóa đất đai, một phần trong tầm nhìn của nhà độc tài vĩ đại, nhằm biến một nước Nga nửa phong kiến và chậm tiến thành một LBXV công nghiệp và hiện đại. Việc này gieo đau khổ và khiếp sợ lên toàn đất nước, một số vùng kinh khủng nhất trong đó có bắc Caucasus, được ước tính có đến một triệu người chết vì đói kém trong thập niên 1930. ‘Mùa thu hoạch những thảm sầu’, như sau này được gọi, hoàn toàn là thảm họa do chính tay con người tạo ra. Hàng chục ngàn phú nông, các kulak, bị đuổi khỏi đất đai của mình hoặc bị giết. Nạn đói mang đi những người khác.

Gorbachev sau này thường nhắc lại cảnh nhiều ngôi nhà bị phá hủy ở làng ông trong đó toàn bộ gia đình đều chết vì đói. Trong vùng quanh Privolnoye một nông trại tập thể được thành lập vào mùa hè 1931 và chủ tịch đầu tiên của nó, một nhân vật có vai vế trong vùng lân cận, là Panteley Yefimovich Gopkolo, ông ngoại của bé Gorbachev mới ra đời. Ông ta là người ủng hộ mạnh mẽ hình thức nông nghiệp xã hội chủ nghĩa do tin tưởng mà cũng muốn lợi dụng thời cơ. Khi Gorbachev lên ba, vào năm 1934, ông nội của ông bị kết tội ‘phá hoại kế hoạch vụ xuân’. Ông không chịu tham gia nông trại tập thể – kolkhoz – một phiên tòa ‘nhân dân’ đày ông đi Siberia đốn gỗ. Ông bỏ lại sau lưng một ‘gia đình bị dằn vặt’ chẳng bao lâu sẽ lâm vào cảnh quẫn bách, Gorbachev nói, ‘Phân nửa gia đình bị chết đói.’

        Ông sống được nhờ vào vị thế của ông ngoại. Nhưng vào năm 1937, tại cao trào cuộc Đại Thanh trừng của Stalin trong đó hàng triệu người bị giết chết hoặc bị gởi đến các trại tập trung, Panteley Gopkolo bị bọn mật vụ NKVD đến bắt ngay giữa đêm khuya, và theo thứ ngôn từ quen thuộc của thời đó, bị kết vào tội ‘tham gia tổ chức ngầm phản cách mạng phe Trotsky thiên hữu’. Gorbachev nhớ lại là sau đó ông ngoại bị giam và ‘thẩm vấn 14 tháng liền . . . Ông phải khai những tội mình không hề phạm, và cứ thế. Ơn Trời ông còn sống.’ Nhưng nhà ở Privolnoye đã ‘trở thành một ổ dịch’ vì không ai dám đến thăm sợ liên lụy với ‘kẻ thù của nhân dân . . . thậm chí những bé con hàng xóm cũng không thèm chơi với tôi. Đây là điều ám ảnh tôi đến suốt đời.’ Gopkolo được phóng thích và vào khoảng thời gian Đức xâm lăng nước Nga năm 1941 ông lại được phục hồi. Ông phục vụ gần hai thập niên nữa với chức chủ tịch nông trại tập thể địa phương. Ông khăng khăng đến tận cuối đời là Stalin không hay biết gì về những việc bọn NKVD đang làm’. Gorbachev giữ kín lý lịch không tốt đẹp gì của gia đình, như nhiều quan chức trong cùng cảnh ngộ ở thời ông. Sự kiện này có thể ảnh hưởng không tốt cho Đảng tịch của ông. Cha của Gorbachev nhập ngũ ngay từ đầu cuộc chiến tại mặt trận miền đông. Gorbachev, khi ấy mới 10 tuổi đầu, chỉ gặp lại cha lần nữa hơn năm năm sau. Thị trấn lớn gần nhất, Stavropol, bị quân Đức chiếm đóng, nhưng chỉ trong vòng năm tháng. Privolnoye may mắn thoát khỏi cảnh tàn phá mà nhiều làng mạc ở Nga phải chịu đựng trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại.

        Ông đã nuôi tham vọng ngay từ nhỏ. Chính ông quyết tâm, khi tuổi chưa đầy 14, bỏ ngôi trường làng nhỏ để đi học một trường trung học lớn hơn ở Krasnogvardeiskoye (Thị trấn Vệ binh Đỏ) cách nhà 10 dặm. Mỗi sáng thứ hai ông cuốc bộ đến trường, ở lại suốt tuần với một cặp vợ chồng chủ trọ già, và trở về nhà vào chiều thứ sáu. Những ngày cuối tuần ông phụ giúp mẹ công việc đồng áng. Ông nổi tiếng là học giỏi các môn về học thuật, cũng đứng đầu các môn chính trị và hăng hái chuẩn bị cho tương lai. Đảng nhận ra tài năng của ông và nắm chặt lấy ông, nhào nặn ông, khiến ông trở thành một tín đồ cộng sản thực sự, ngay cả sau khi Đảng Cộng sản Xô viết không còn tồn tại. Trò tiêu khiển chủ yếu của ông sau giờ học là sân khấu. Ông thích diễn kịch và diễn khá tốt. Có những lúc hứng bất chợt, ông định theo nghề sân khấu. Các bạn học của ông nhớ lại, ngay từ thời còn trẻ, ông đã là một người cầm đầu bẩm sinh và được nhiều bạn bè ngưỡng mộ. Họ cũng nhớ một con người đáng tin cậy và vô cùng tự tin, luôn biết mình đúng và có thể chứng minh điều đó với mọi người. ‘Tôi nhớ có lần ông sửa lưng thầy giáo dạy sử ngay trong lớp,’ người yêu thời trung học của ông, Yulia Karagodina nhớ lại. ‘Có lần ông nổi dóa nói với ông thầy “Thầy có muốn giữ lại chứng chỉ hành nghề của thầy không?” Không biết các ông thầy này có ưa gì cậu học trò khinh khỉnh và vênh váo này hay không, ta không rõ. Nhưng, với sự ủng hộ của Đảng, ông được gởi từ một trường tỉnh nhỏ xíu hạng hai đến Đại học Quốc gia Moscow, là đại học hàng đầu của đất nước, để theo ngành luật.

        Luận văn nhập học của ông có tên ‘Stalin là niềm vinh quang chiến đấu của chúng ta, Stalin là đôi cánh bay lên của tuổi trẻ chúng ta’. Vào mùa hè trước khi vô đại học ông bỏ ra hai tháng lao động quần quật trên đồng mang lại thu hoạch, nhờ đó ông được thưởng huân chương cao quí của nhà nước, Huân chương Lao động Cờ Đỏ. Nhưng vào năm 1950 khi ông đến Moscow ông chưa phải là một ngôi sao. Thoạt đầu ông bị coi là tên hai lúa vừa từ nhà quê ra. Phần đông các sinh viên là các con ông cháu cha, sang trọng hơn và có quan hệ rộng rãi. Ông tốn nhiều công sức để chăm chút bề ngoài. Ông là thành viên tích cực nhất của tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản, Đoàn Komsomol, tại đó quan điểm chính trị của ông, theo bạn thân nhất của ông tại đại học, Zdenek Mlynar, là cực kỳ chính thống. ‘Ông đúng là một Stalin-nít chính cống, như mọi người khác vào thời điểm đó.’

    Năm 1953, tại một lớp dạy khiêu vũ vào đầu năm học thứ ba, Gorbachev gặp Raisa Maximova Titorenko, một sinh viên ngành triết nhỏ nhắn, xinh đẹp, tóc đen trẻ hơn ông một tuổi. Bà là một thiếu nữ thông minh, nhã nhặn, thanh lịch – cũng là người Mác-xít kiên trung và tích cực về mặt chính trị, không kém gì ông. Chàng thanh niên Gorbachev yêu ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên, còn bà thì tình yêu đến trễ hơn đôi chút, theo như lời tâm sự sau này của bà. Năm sau họ kết hôn và là cặp vợ chồng gắn bó cho đến khi bà mất vào năm 1999. Ảnh hưởng của bà đối với ông, và đối với tương lai của LBXV sau này, thật là lớn lao.

        Gorbachev được phái về tỉnh cũ của ông là Stavropol, tại đó ông được Đảng cân nhắc nhanh chóng và cắt đặt vào những vị trí cao. Trong ki Raisa dạy chủ nghĩa Mác tại trường bách khoa và đang soạn luận án tiến sĩ về tình hình nông dân trong các trang trại tập thể ở Kuban, đường hoạn lộ của Gorbachev lên như diều gặp gió. Một ảnh hưởng đối với sự nghiệp của ông là ‘báo cáo mật’ do Nikita Khrushchev đọc vào tháng hai 1956, vạch trần những tội ác man rợ của Stalin. Nó gây chấn động đến tâm thức của những người Cộng sản trong đó có Gorbachev, dù đã trải nghiệm những biến cố đau thương của gia đình, mà vẫn luôn tôn thờ Stalin như một bậc thánh. Khrushchev thử đưa ra một loạt những cải cách để vực dậy nền công nghiệp và nông nghiệp đang đi xuống nhưng gặp nhiều sự chống đối nên ông dừng lại. Cặp vợ chồng học hỏi được nhiều từ hai chuyến đi nghĩ dài ngày tại Tây Âu giữa thập niên 1960 – chuyến đầu tiên bằng ô tô dài 3,000 dặm quanh nước Pháp và chuyến thứ hai đi Ý do Đảng tài trợ. Trong LBXV vào thời điểm đó, đối với một viên chức thuộc hạng thấp-trung bình với cô vợ giảng viên như ông được cho cơ hội đi du lịch quá tự do như thế cho thấy Đảng tin tưởng hoàn toàn vào lòng trung thành của ông.

        Vào năm 1967, ở tuổi 37, Gorbachev lên đến chức Bí thư vùng Stavropol – người cai trị đúng nghĩa của gần ba triệu người, có đường dây liên lạc trực tiếp dẫn với các quan chóp bu ở Kremlin. Nhưng vẫn còn một ngàn dặm mới đến ‘Trung tâm’, tức Moscow theo cách gọi thông thường của các đảng viên, nhưng ở đó Gorbachev là một ông hoàng trong lãnh địa riêng của mình. Ngoài tuổi trẻ, tính năng động và hiệu quả, ông còn được tiếng là một viên chức chưa biến chất trong bộ máy quan liêu, vốn đồng nghĩa với trì trệ và tham ô.

        Ông hẳn rất buồn chán khi bao quanh là các cán bộ quan liêu từ hạng ba đến hạng 2 trong tỉnh, nhưng cuộc sống ở Stavropol cũng có những lợi ích về cơ hội. Vùng này có nhiều suối nước nóng chữa bệnh nên nhiều quan lớn bệnh tật từ Kremlin thường lui tới. Những trung tâm spa và dưỡng đường cao cấp nhất dành riêng cho các ông trùm của Đảng tọa lạc trong vùng của ông – và Gorbachev dành nhiều thời gian để tìm hiểu sở thích các vị khách tiếng tăm của mình. Khả năng lấy lòng và tạo ấn tượng đối với người lớn tuổi có  quyền lực là một trong các năng khiếu của ông. Hai người khách thường xuyên lui tới các spa ở Stavropol trở thành các người đỡ đầu chính của ông – Yuri Andropov và Mikhail Suslov. Những lời đồn đãi về tài năng của một thanh niên trẻ, và trên hết là tính Đảng của y đã lan đến Moscow. Gorbachev ra sức giúp lời đồn đi đúng hướng. Sau này ông thổ lộ: ‘Trong những năm tháng đó hết thảy bọn tôi đều liếm mông Brezhnev, hết thảy bọn tôi.’            

        Thói nịnh bợ là một nguyên liệu cốt lõi tạo nên sự nghiệp cho tất cả quan chức trong bộ máy quan liêu, nhưng chưa bao giờ nó quan trọng như trong những năm sau này ở LBXV. Có vài ví dụ kỳ quái về việc Gorbachev lấy lòng các quan trên của mình ở Kremlin. Vào tháng năm 1978 ông viết một bài điểm sách cho một tác phẩm đầy tính khoa trương, gần như không đọc được mà tác giả là Brezhnev, nhưng thật ra là do người khác viết hộ. Chỉ ai không có liêm sĩ mới không phì cười được: ‘L.I. Brezhnev đã thể hiện một tài năng lãnh đạo theo đường hướng Lênin-nít,’ Gorbachev bơm vào:

Công việc đồ sộ hằng ngày của ông hướng đến sự nghiệp củng cố sức mạnh của đất nước chúng ta, nâng cao đời sống của các công nhân và vun đắ nền hòa bình và an ninh các quốc gia . . . trong những trang sách từ tuyệt phẩm của Đồng chí Brezhnev, Đất Trẻ   . . . những bậc anh hào huyền thoại trong những trận chiến vùng Bắc Caucasus được khắc bằng những chữ vàng . . . Nếu xét về số trang, Đất Trẻ không quá dầy, nhưng xét về chiều sâu của nội dung ý thức hệ, về chiều rộng của quan điểm tác giả, tác phẩm đã trở thành một sự kiện lớn lao trong đời sống nhân dân. Tác phẩm đã khơi gợi một âm vang ấm áp trong trái tim nhân dân Xô viết . . . Những người công sản và tất cả công nhân ở Stavropol tỏ lòng biết ơn vô hạn đến Leonid Ilyich Brezhnev vì tác phẩm văn chương mang tính Đảng này.  . .

          Cả Andropov và Suslov đều đưa cho Brezhnev đọc mục điểm sách này và xin ông tạo cơ hôi cho tác giả của nó được gặp. Không đầy sáu tháng sau Gorbachev được triệu hồi về Moscow để đảm nhận một trong những trọng trách quan trọng nhất của Kremlin. Ông được giao nắm nông nghiệp Xô viết, sau cái chết bất ngờ của yếu nhân đầy quyền lực Fyodor Kulakov, cũng là người đỡ đầu của Gorbachev. Gorbachev hiện giờ đang ở ngay trung tâm  quyền lực Moscow nằm trên nấc thang lãnh đạo cao nhất – gần như trẻ hơn một thập niên so với bất kỳ đồng nghiệp nào. Raisa dễ dàng nhận được một công việc học thuật danh giá với chức danh giảng viên triết học cao cấp tại đại học nơi bà tốt nghiệp, Đại học Quốc gia Moscow.

        Những con người tham vọng bao quanh Gorbachev đều nhận ra ông khôn ngoan, sâu sắc và có năng lực, nhưng không ai biết ông đang nghĩ gì. Theo lời Anatoli Sobchak, cũng là một cán bộ Đảng đang lên trong thời gian đó:

Gorbachev là một minh chứng về nhiều điều chúng ta không biết về cảm nhận của một người, chịu quỵ lụy mỗi ngày để làm vừa lòng cấp trên, buộc phải hạ mình mỗi ngày để mưu cầu sự nghiệp. Theo tôi điều bí ẩn là làm thế nào Gorbachev xoay sở được để có thể giữ vẹn bản chất của mình, duy trì khả năng hình thành ý kiến riêng và bảo vệ ý kiến trước sự chống đối của người khác. Hiển nhiên là vì muốn giữ gìn bản ngã của mình mà ông phải mang một chiếc mặt nạ hầu như không thể nhìn xuyên thấu. Ông học được cách che giấu sự khinh thị của mình đối với những ai mà ông khinh bỉ, và nói với họ bằng thứ ngôn ngữ của ông.

          Andropov chăm chút người học trò sủng ái để chuẩn bị cho vai trò tuyệt đỉnh, mặc dù y ngờ rằng Gorbachev có thể bị coi là quá trẻ để được chọn kế nhiệm ngay sau y. Nhưng y vẫn giao cho ông nhiều trách vụ và trải nghiệm hơn, hỗ trợ hiện thực hóa ý định đó mỗi khi xuất hiện chỗ trống quyền lực. Gorbachev sẽ là sự lựa chọn hợp lý. Trong buổi giao thời ngắn ngủi với Chernenko ông điều hành rất chạy những công việc quốc trị hằng ngày. Nhưng ông cần nâng cao hình ảnh của mình trên chính trường quốc nội và quốc ngoại để tạo dấu ấn cho việc kế vị, mà ông tin là sẽ không lâu. Ông muốn tổ chức một chuyến đi nước ngoài được quảng bá rộng rãi cho nhiều người bình luận – điều này sẽ giúp ông đáp trả lại một số chỉ trích từ các quan chức Xô viết cho rằng ông thiếu kinh nghiệm đối ngoại nếu nắm cương vị là người thừa kế ở Kremlin. Ông muốn viếng thăm Washington. Nhưng việc này là không thể vì quan hệ Mỹ/Nga hiện đang giá lạnh, vì thế ông quay sang đồng minh thân cận nhất của Mỹ, nước Anh, trong một nỗ lực mê hoặc một kẻ thù về ý thức hệ kiên cường không kém Ronald Reagan: Bà Đầm Thép Margaret Thatcher.

        Bà sốt sắng tiếp đón ông nếu ông đến. ‘Chúng tôi muốn tìm hiểu về thế hệ tiếp theo của các nhà lãnh đạo Xô viết và đây là một cơ hội lớn,’ cố vấn chính sách đội ngoại của Thatcher là Charles Powell nói. ‘Ở giai đoạn này chúng tôi chưa biết chắc hắn Gorbachev có phải là nhân vật đó không, nhưng trông ông có vẻ là như vậy. Chuyến viếng thăm thật ấn tượng. Ngay từ lần gặp đầu tiên bạn có thể thấy ngay là Thatcher và Gorbachev rất hợp ý nhau . . . thực sự giữa họ có mối giao tình.’ Ông ta rất thích phát biểu – thường dông dài – về mọi chủ đề và mặc dù ông ta không nói điều gì mới hoặc đặc biệt có ý nghĩa về tình hình thế giới, nhưng cách ông nói mới là đáng kể. Thatchet tuyên bố thẳng thắn,’Tôi thích ngài Gorbachev. Chúng tôi có thể ‘làm ăn’ với nhau’ và chuyến viếng thăm hai ngày của ông đến London vào tháng 11 năm 1984 đánh dấu sự khởi đầu trong việc chinh phục giới truyền thông phương Tây của Gorbachev. Ông rõ ràng là một mẫu người chính trị tân kỳ của Xô viết, duyên dáng, dí dỏm, dễ gần, chứ không khó đăm đăm và dễ sợ như các nhân vật mà phương Tây thường biết. Raisa, thanh nhã, ăn mặc hợp thời trang và luôn ở cạnh chồng, hoàn toàn khác biệt với các bà vợ Kremlin lếch thếch thường lui về phía sau đấng lang quân.

        Một ít tuần trước Gorbachev cũng đã gây ấn tượng với  Tổng tháp Pháp Francois Mitterand, đang viếng thăm Moscow, bằng tính nhạy bén và lanh lợi, cũng như dí dỏm và ưa khôi hài, các phẩm chất mà các quan chức Nga thường không hề có. Gorbachev đến hơi trễ trong buổi chiêu đãi Mitterand và Nghị sĩ Pháp Claude Estier tại điện Kremlin. ‘Gorbachev hối hả bước vào, ngồi xuống bàn và xin lỗi vì đến trễ,’ Estier nhớ lại. ‘Ông ta cho biết đang cố giải quyết cho xong một vấn đề trong nền nông nghiệp Xô viết. Tôi hỏi ông vấn đề xuất hiện từ lúc nào và ông đáp nhanh một cách châm biếm: Từ năm 1917.’

        Nhưng những người có quyền lực ở Kremlin không chọn vị lãnh đạo tối cao mới của mình vì khả năng ứng đối của ông ta. Họ tin tưởng ông là một người của Đảng và nghĩ rằng với sức trẻ và năng lực ông có thể bảo vệ nhiệt thành những lợi ích của đế chế Xô viết. Đó là những gì ông hứa hẹn trong bài nhậm chức ngắn ngủi của mình: ‘Không cần phải thay đổi chính sách,’ ông nói. ‘Lộ trình hiện thời là đúng đắn và chính xác là Lenin-nít . . . Việc quan trọng nhất là tăng cường mối quan hệ anh em trong phe xã hội chủ nghĩa vĩ đại.’ Các đồng chí của ông sẵn sàng cho những cải tổ khiêm tốn. Họ không mong đợi những thay đổi mang tính cách mạng. Mikhail Gorbachev là một người Cộng sản từ đầu đến chân. Ông ta hình như không phải là người sẽ làm nhiều hơn bất kỳ ai khác để phá hủy chủ nghĩa cộng sản. 

Bốn ngày sau khi nhậm chức, Gorbachev chủ tọa lễ an táng trọng thị cho người tiền nhiệm của ông ở Quảng trường Đỏ và một đại yến tại sảnh đường bằng đá St George rộng lớn trong điện Kremlin. Đó là lần ra mắt đầu tiên trước nhiều nhà lãnh đạo thế giới của vị Sa hoàng Xô viết mới. Ông gặp gỡ riêng với một số nhân vật cao cấp trong đó có Phó Tồng thống Mỹ George Bush, và Ngoại Trưởng George Shultz trong khoảng một tiếng rưỡi. Thông thường, những ai gặp Gorbachev thường ra về với những ý nghĩ tốt đẹp về ông. Đây là một món quà quí giá mà một chính trị gia luôn muốn có. Một minh họa rõ ràng cho điều này là bức điện mà Tổng thống Reagan đọc vào sáng hôm sau được gởi từ sứ giả của ông đến dự đám tang ở Moscow. Shultz hồ hởi và tràn đầy hi vọng về nhân vật mới ở điện Kremlin: ‘Với Gorbachev chúng ta có được một loại lãnh đạo hoàn toàn khác ở LBXV,’ ông viết. ‘Gorbachev nhanh nhẹn, sôi động, lôi kéo và hiểu rộng. Tôi ra về mà vẫn còn ấn tượng thực sự với ý tưởng sắc sảo, nhiệt tình và năng lực trí tuệ của nhân vật mới này.’ Bush thì thận trọng hơn. Ông mô tả Gorbachev như ‘một nhà buôn ý tưởng ‘sâu sắc’ nhưng ngờ vực liệu có những thay đổi thực sự có ý nghĩa nào ở LBXV không:

Ông ta sẽ đóng gói một dòng hàng mới tốt hơn cho phương Tây tiêu thụ, hiệu quả hơn bất cứ người tiền nhiệm nào của ông ta. Ông ấy có một nụ cười thu hút, đôi mắt ấm áp và cách thức hấp dẫn khi đưa ra một luận điểm khó chịu . . . và rồi quay ngược lại để thiết lập mối giao tiếp thực sự với người đối thoại. Ông cũng rất kiên quyết. Ví dụ, khi tôi nêu ra vấn đề về nhân quyền với ông ta . . . ông ta đáp lại với kiểu ngôn từ thái quá như ta từng nghe – ‘thì trong biên giới nước ngài ngài cũng áp bức nhân quyền đấy thôi’ (ám chỉ việc kỳ thị người Mỹ da đen). Nhưng rồi ông nói tiếp luôn . . . ‘chúng tôi sẽ suy nghĩ về việc đó . . . hãy thảo luận việc đó đi’.

          Trong những ngày tiếp theo lễ nhậm chức, Gorbachev gọi điện cho các lãnh đạo Cộng sản của khối Đông Âu. Tất cả bọn họ đã gọi cho Moscow để cam kết lòng trung thành, như đối với một lãnh chúa. Giờ đây, ngay sau đám tang, ông gặp họ và tuyên bố ông mong muốn ‘những mối quan hệ trên một cơ sở bình đẳng . . . quan tâm hơn đến sự độc lập và chủ quyền của họ. Tôi bảo họ nên gánh vác trách nhiệm nhiều hơn đối với tình hình trong đất nước mình.’ Gorbachev tuyên bố rằng ông có ‘cảm tưởng họ không nghe với thái độ nghiêm túc lắm’. Đáng ra ông không nên ngạc nhiên. Như Jaruzelski nói: ‘Brezhnev cũng dùng những lời lẽ tương tự. Nên lúc đó nó cũng không có ý nghĩa gì nhiều.’          

 

MƯỜI HAI

THANH GƯƠM VÀ LÁ CHẮN *

Đông Berlin, tháng 4 năm 1985

MỖI CHIỀU THỨ BA đúng ba giờ hai người có quyền lực cao nhất ở Đông Đức gặp nhau trong một căn phòng lộng lẫy trên tầng hai của trụ sở Đảng Công sản tại  Werderscher Markt, trung tâm Berlin. Ông trùm của Đảng, Erich Honecker, và ông trùm mật vụ của ông ta, Erich Miekle, luôn bàn chuyện riêng trong vòng một tiếng rưỡi. Trên lịch trình nghị sự chỉ có đúng một vấn đề, an ninh nhà nước, được hai người Bôn-se-vich trọng tuổi này diễn giải là an ninh của Đảng, chính thức được gọi là Đảng Thống nhất Xã hội Chủ Nghĩa.

        Vào mùa xuân 1985 Honecker tán thành một kế hoạch đầy tham vọng, nếu không nói là đầy ác ý, nhằm vào việc lập hồ sơ điện toán hóa để theo dõi mọi công dân trong nước – khoảng 16 triệu rưỡi người. Honecker cứng cỏi, giờ đã 73 tuổi, đã là nhà lãnh đạo tối cao ở Đông Đức trong 14 năm qua. Ông ta quyết tâm hoàn thiện cho được bộ máy rình mò điện toán hóa. Nó phù hợp với quan niệm của ông về một đất nước Đông Đức dẫn đầu, tiến bộ trên lãnh vực hiện đại hóa. Mielke, 77 tuổi, một người lùn béo, cổ bạnh lúc nào cũng nụ cười khinh khỉnh trên môi, thì hoài nghi hơn. Nói chung y không thích ý tưởng này, vốn được bọn trẻ sốt sắng trong cơ quan mật vụ Stasi thai nghén, cơ quan mà ông đã điều hành hơn một phần tư thế kỷ. Mielke tin cậy vào hệ thống các thẻ chỉ số và hồ sơ trên giấy hơn. Ông ưa thích chúng hơn các máy tính, ít nhất là khi có sự cố cúp điện – một cân nhắc quan trọng dưới ‘chế độ xã hội chủ nghĩa thực sự tồn tại’, vốn là con đường chính trị đúng đắn mà người Đông Đức mô tả tình trạng của nhà nước mình.

  • ‘Thanh gươm và lá chắn’ là biểu tượng của lực lượng công an Xô viết ngay từ những ngày đầu cách mạng 1917. Hình ảnh đó được chọn làm huy hiệu của NKVD, tiền thân của KGB sau này.

        Dưới quyền Miekle cơ quan Stasi cất giữ một số lượng hồ sơ ngất ngưởng. Vào cuối thập niên 1980 số lượng đó chiếm đến 125 dặm không gian kệ chứa, mỗi dặm chứa độ 17 triệu tờ, cân nặng 50 tấn. Mỗi xứ sở trong đế chế Xô viết có một lực lượng mật vụ riêng liên kết chặt chẽ theo hình thức cộng sinh với KGB. Không có cơ quan nào toàn diện và nổi tiếng là hiệu quả như cơ quan Stasi. Hầu hết người Đông Đức đều gọi nó bằng cái tên êm tai là Công Ty. ‘Cho dù khi nó không theo dõi bạn không nghe lén bạn, chúng tôi vẫn nghĩ là có thể nó đang làm thế,’ Bác sĩ Matthias Mueller, người lớn lên tại Đông Berlin vào tập niên 1970, nhớ lại. ‘Chúng tôi tin là nó biết tất cả. Đó là điều thần bí của nó, sức mạnh của nó và tầm với của nó.’

        Nó không biết mọi thứ, nhưng nó biết nhiều. Stasi là một trong những ‘công ty’ lớn nhất trong một đất nước ở đó không có tình trạng thất nghiệp chính thức. Vào giữa năm 1975 Stasi có 59,478 nhân viên toàn thời gian có ăn lương. Một thập niên sau số nhân viên lên đến 105,000, không kể những người đưa tin bán thời gian có những mức độ hoạt động khác nhau. Có khoảng 15,000 nhân viên toàn thời gian trong trụ sở gớm ghiếc Normannenstrasse, một nhóm những tòa nhà đồ sộ nặng nề trong quận Lichtenberg ở Đông Berlin. Hơn nửa triệu ‘người đưa tin tích cực’ được Stasi tuyển mộ qua nhiều năm. Tại đỉnh cao của Phát xít Đức người ta ước lượng cứ mỗi 2,000 dân có một đặc vụ Gestapo. Vào giữa thập niên 1980 cứ mỗi 63 người thì có một sĩ quan Stasi hay người đưa tin. Từ thập niên 1970 Đông Đức mở cửa đối với phương Tây, một sự kiện được Honecker và đồng bọn chào đón. Kết thúc sự cô lập của Cộng hòa Dân chủ Đức (CHDCĐ) được xem như là một thắng lợi đối với chính sách ngoại giao của nhà lãnh đạo tối cao. Nó làm giảm sự hoang tưởng của Honecker trên sân khấu quốc tế, cái ý thức cho rằng thế giới không coi Đông Đức là một quốc gia hợp pháp. Song song với việc mở cửa công tác giám sát trong nước sẽ được Đảng coi trọng hơn.

        Khi các công dân rút về ngôi nhà riêng của mình cơ quan Stasi vẫn bám theo họ. Những ai mà vì bất cứ lí do gì lọt vào tầm ngắm của cơ quan sẽ không bao giờ cô độc. Stasi làm băng hoại mối quan hệ của họ và phá vỡ mối tin cậy trong gia đình. Một chỉ thị tối mật từ cấp cao nhất chứa nội dung trần trụi như sau: ‘Các đặc vụ nên tìm cách hủy diệt đối thủ bằng cách làm mất uy tín và tiếng tăm đối thủ một cách có hệ thống . . . tổ chức có hệ thống các phương thức làm đối thủ tiêu tan sự nghiệp và vị thế xã hội để phá vỡ lòng tự tin . . . tạo ra những mối ngờ vực . . . gieo rắc sự thiếu tin cậy và nghi ngờ lẫn nhau . . . khai thác triệt để điểm yếu của cá nhân’.

        Các sĩ quan thi hành những nhiệm vụ đi từ bình thường đến cực kỳ ớn lạnh. Họ hình như nghĩ ra được mọi trò. Ngay cả mùi cơ thể cũng bị thu gom. Tại mỗi trạm cảnh sát và phòng thẩm vấn của cơ quan Stasi trong xứ, các ghế ngồi có dán một lớp bọt biển trên mặt. Thiết bị này thu gom các mùi bốc ra từ cơ thể người bị thẩm vấn. Chúng sau đó được lưu trữ trong các lọ thủy tinh và được dùng để hỗ trợ các quân khuyển trong việc truy tìm phạm nhân nếu cần. Chỉ có một số ít người bị bắt giữ theo cách này. Nhưng không có gì là phí phạm đối với an ninh nhà nước, được phép chi tiêu bốn tỉ Mark mỗi năm – không thấp hơn 5 phần trăm ngân sách quốc gia.

        Đã qua rồi những ngày, vào thập niên 1980, khi dân chúng bị nhốt lâu năm, bị tra tấn về thể xác và bị bỏ cho chết rục xương trong các trại giam. Nhưng vẫn còn việc giám sát dân chúng 24 giờ một ngày. Hầu hết những thông tin được ghi chép tỉ mỉ đến từng chi tiết trong hàng tấn hồ sơ của Stasi đều tẻ ngắt và vô bổ. Nhà văn Lutz Rathenow, người đang soạn một cẩm nang du lịch Berlin, bị theo dõi hàng tháng trời. Kẻ theo đuôi ông ta hiếm khi có được một báo cáo nhiều ý nghĩa hơn báo cáo dưới đây:

        Rathenow sau đó băng qua đường và mua một xúc xích tại một quầy bán rong. Cuộc đối thoại sau đây diễn ra.

         RATHENOW: Làm ơn bán cho một cây xúc xích.

          NGƯỜI BÁN: Có kèm bánh mì không?

          RATHENOW: Có, làm ơn.

          NGƯỜI BÁN: Còn mù tạt?

          RATHENOW: Vâng, cám ơn.

          Không thấy có trao đổi gì thêm.                         

        Cơ quan Stasi lưu trữ một báo cáo gồm 40,000 trang về Wolf Biermann trước khi ông bị trục xuất sang Tây Đức. Hầu hết đều vô dụng trong việc bảo vệ nhà nước khỏi bị lật đổ; Biermann là một người hám gái nổi tiếng, nhưng y không bàn chuyện chính trị tại nhà riêng vì y biết mọi phòng đều có đặt thiết bị nghe lén. ‘W.B. có quan hệ tình dục với một phụ nữ. Sau đó y hỏi cô gái có đói không . . . Cô gái trả lời là mình muốn một ly cô nhắc. Cô nàng là Eva Hagen. Sau đó trong phòng đều im lặng.’

        Ulrike Poppe là một trong số ít nhà hoạt động chính trị trong CHDCĐ. Bà thuộc một nhóm tranh đấu cho hòa bình và nhóm vận động môi trường xem xét mức đô ô nhiễm ở Berlin. Chồng bà Gerd là một nhà vật lý được đánh giá cao. ‘Chúng tôi có một micrô trong căn hộ mình,’ Bà Poppe nói. ‘Đó không phải loại thiết bị nhỏ – một thiết bị lớn nối với một dây cáp dẫn đến một căn hộ khác bên dưới cách hai tầng đến nơi ở của người bị theo dõi. Có một máy quay lắp trong ngôi nhà đối diện, chỉa thẳng vào cửa sổ chúng tôi. Mỗi lời chúng tôi nói, những trận cãi xem đến phiên ai rửa chén, mỗi cuộc trò chuyện với con cái đều bị nghe lén và ghi chép. Mọi người bước vào nhà đều bị quay hình.’

        Họ bị Công Ty sách nhiễu và đưa vào tầm ngắm. Họ mất việc. Các đặc vụ Stasi cố hết sức để phá vỡ cuộc hôn nhân của nhà Poppe và khiến con trai Jonas của họ chống lại cha mẹ mình. Một bản báo cáo của Stasi giải thích cách thức họ đạt được mục đích của mình:

Để xúi giục UP chịu ly hôn với chồng. . . [chúng ta phải] đề nghị nếu bà chịu bỏ mọi hoạt động công ích và ngừng hợp tác với kẻ thù bà có thể được nhận vào học một chương trình cao học . . . Bà cần được cổ vũ trong niềm tin là nếu bà chia tay với chồng bà sẽ ổn định hơn về tài chính . . . Lệnh cấm bà đi du lịch sẽ bị hủy. Để gia tăng mối khủng hoảng hôn nhân, người liên lạc ‘Harold’ sẽ được giới thiệu với bà Poppe trong mục đích tạo dựng mối quan hệ thân mật . . . Phải cản trợ Gerd Poppe trong công việc thăng tiến nghề nghiệp cũng như quan hệ xã hội. Bằng một chiến dịch thư ‘nặc danh’ ông ta sẽ phải bị đối xử phân biệt tại nơi làm việc. . . Bà hiệu trưởng Trường 15 ở Prenzlauer phải dùng ảnh hưởng của mình tác động tích cực lên Jonas Poppe. Thành công của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa sẽ minh chứng, ngay từ trong gia đình họ, sự vô ích của các hành động thù địch của họ.

          Poppe, từng là gương mặt dẫn đầu trong viện nghiên cứu khoa học, giờ phải tìm việc làm bảo vệ trong một hồ bơi.

        Tình huống điên đảo nhất có lẽ là trường hợp của Vera Lengsfeld. Cha của bà từng là sĩ quan Stasi ngay từ khi nó được thành lập sau chiến tranh. Trong suốt thời tuổi trẻ bà là một cán bộ phục tùng và trung thành, nhưng sau đó bà nổi loạn. Bà trở thành đảng viên Đảng Cộng sản nhưng bị khai trừ vào năm 1982 khi bà cải sang đạo Cơ đốc. Bà tham gia nhóm tranh đấu cho hòa bình liên kết với Giáo hội Lutheran, bắt đầu vận động chống việc đặt tên lửa hạt nhân tại Âu châu – bao gồm cả sự có mặt của tên lửa Xô viết tại Đông Đức. Bà liên tục bị theo dõi, ngồi tù nhiều khoảng thời gian ngắn và bị đuổi khỏi viện nghiên cứu xã hội Berlin. Sáu mươi nhân viên Stasi có nhiệm vụ thường xuyên thay phiên theo dõi và báo cáo mọi động tĩnh của bà. Người bận rộn nhất trong công tác này hóa ra là ông chồng của bà, nhà toán học Knud Wollenberger, cha của hai con trai có với bà, người mà xét với bất kỳ khía cạnh nào cũng có vẻ là một người chồng, một người cha gương mẫu. Ông báo cáo cho trưởng nhóm công tác Stasi dưới mật danh ‘Daniel’. Ông chuyển mọi chi tiết về cuộc sống của bà, những lúc họ thân mật, những cuộc trò chuyện trước giờ ngủ, mọi lúc bà nhức đầu, đi chợ, có tâm trạng, bị tổn thương tình cảm và các cuộc điện thoại. Wollenberger gặp, ve vản và cưới bà theo lệnh của cơ quan Stasi. Cuộc hôn nhân hỏng ngay từ đầu,’ bà nói. ‘Cuộc sống gia đình, mọi thứ . . . đều là sự dối trá.’ Thật ‘không thể tưởng tượng được’ khi có thứ đàn ông có thể kết hôn với một người đàn bà chỉ để do thám cô ta và ‘còn không thể hiểu được là y có thể làm cha trong quá trình công tác’.          

          Khi bà phát hiện ra ‘cảm giác như thể đã chết được một lúc rồi sống trở lại . . . điều ngạc nhiên là các báo cáo được viết như thể viết về một người lạ, không phải vợ mình . . . Đối với y tôi là kẻ thù của nhà nước và y đã làm mọi việc để chống lại một kẻ thù là tôi.’ Y nói y là một công dân trung kiên của CHDCĐ và khi Stasi yêu cầu tôi trợ giúp, ‘tôi biết mình không thể nói không’. Y nói rằng mỗi khi ra khỏi nhà đi làm y như ‘đi qua một tấm gương và bước vào một thế giới hoàn toàn khác’. *

        Hàng ngàn dân Đông Đức cảm thấy rằng họ không thể khước từ những việc mà Stasi yêu cầu họ làm. Tất nhiên hồ sơ dày nhất thuộc về các nhà văn, nghệ sĩ, nhà báo, và thành phần kết hôn với người nước ngoài – kể cả các nước thuộc khối Đông. Nhưng họ quan tâm đến các biểu diễn viên thuộc đủ mọi ngành – đặc biệt các nam nữ vận động viên ra nước ngoài thi đấu quốc tế, được xem là cực kỳ quan trọng vì mang lại tiếng tăm cho người cai trị. Các sĩ quan Stasi hình như quan tâm đến mức ám ảnh vào các cuộc thi hoa hậu CHDCĐ – chắc hẳn vì hầu hết bọn họ đều là kẻ mày râu. Tất cả thí sinh tranh tài đều bị theo dõi kỹ. Mức độ người ta muốn tố giác hàng xóm của mình thật đáng lo ngại. Có nhiều báo cáo từ bọn đưa tin chỉ đích danh người quen mà con gái họ có đeo vòng thánh giá, hoặc con trai họ cắt tóc kiểu ca sĩ nhạc rock. Qua thời gian chế độ bắt đầu lo âu tệ nạn tuổi trẻ nổi loạn và, như ở nước Tiệp Khắc lân bang, bắt đầu lên chiến dịch chống lại nhạc rock. Bọn đưa tin báo cáo về những người mà họ theo dõi được hoặc nghi ngờ, đã nhận thư từ Druben – ‘phía bên kia’ (tức Tây Đức).

        Mielke từng là đặc vụ tình báo trong hơn 50 năm. Một tên côn đồ đường phố đã chiến đấu cho người Cộng sản chống lại bọn Phát xít vào những năm 1920, người Xô viết đã bốc y ra khỏi Đức đến Moscow vào năm 1931 sau khi y đã giết hai cảnh sát và huyênh hoang thành tích trong một quán rượu ở Berlin vào một tối. Y trở thành một sĩ quan KGB toàn thời gian. Trong Nội chiến Tây Ban Nha y được thưởng huy chương không, như một đồng nghiệp trước đây nói, ‘vì chiến đấu chống bọn phát xít, mà là giết bọn theo Trotsky và bọn vô chính phủ’. Ngay sau khi Nga giải phóng Berlin, y được phái về giúp thành lập một ‘thanh gươm và lá chắn’ cho Đảng ở Đông Đức. Y tin rằng mình điều hành một tổ chức theo dõi hiệu quả nhất trong thế giới Cộng sản và y có những ý kiến nhất định về công tác tình báo. Các tình báo viên hiệu quả nhất, y cho biết, đơn giản chỉ là những người có mối tiếp xúc nhiều nhất với quần chúng. Stasi chiêu dụ các tài xế xe điện, các bà làm nghề tạp vụ, các bác sĩ và y tá. Giáo viên, chẳng hạn, có khả năng nhận diện tốt những học sinh có gia đình hay xem các chương trình TV Tây Đức – thành phần mà Mielke cho là ‘di tản sang nước khác lúc tám giờ tối’. Từ cuối những năm 1970 dân chúng được phép xem truyền hình Tây Đức. Thật ra chế độ khoan thứ coi nó như là một chứng quên chính trị về đêm. Nhưng dù sao cơ quan Stasi cũng muốn biết các thói quen này. Bọn đưa tin không nhận được nhiều thù lao – xấp xỉ 400 Mác Đông Đức, khoảng 10 phần trăm lương trung bình. Hầu hết không làm việc ấy vì tiền, nhưng từ lòng khao khát được tán thưởng, hi vọng sẽ kiếm được việc làm tốt hơn hoặc một chỗ cho con vào được một đại học xịn hơn. Khi Stasi trở thành một nhà nước bên trong một nhà nước, các trinh sát lại trinh sát các trinh sát khác. Và Milke lưu trữ hàng đống hồ sơ của các quan chức Cộng sản bạn bè y ở CHDCĐ – kể cả người đồng nghiệp lâu năm của y là Erich Honecker, người mà ông trùm Stasi biết là có nhiều bí mật cần giấu giếm.

  • Vera Lengfeld trở thành chính trị gia Dân chủ Cơ đốc sau khi Đức thống nhất và những thói quen ngày xưa vẫn chết cứng với bà. Là một thành viên của Nghị viện bà thường nổi loạn và chỉ trích sự lãnh đạo của Thủ tướng Angela Merkel. Có thời gian Knud Wollenberger gặt hái được chút tiếng tăm trong những xô đối thoại và ông xuất bản được một tập thơ mỏng. Nhưng luật nhân quả đã ra tay trừng phạt. Y bị mắc một dạng Parkinson hiếm gặp khiến người nửa mù và tàn phế.    

Một nhà văn mô tả Stasi như một trạng thái của tâm trí. Đó là một ý tưởng mạnh mẽ để mô tả điều kiện sống trong một nhà nước cảnh sát. Nhưng dân Berlin không cần phép ẩn dụ. Họ đã có Bức Tường. Đó là một biểu tượng bằng bê tông cốt sắt nói lên rằng dân Đông Đức – dân Đông Âu – đang bị giam cầm trong một đất nước bị chia cắt một cách độc đoán. Bức Tường ngăn cách gia đình, hủy hoại những giấc mơ và gần như dập tắt mọi hi vọng. Bức Tường biến Berlin thành một thành phố trong đó những con đường lớn thình lình biến thành ngõ cụt, chỉ vì chính trị. Nếu bạn cố trốn đi không đúng cách thức bạn có thể chết – 119 người đã bị giết khi cố nhảy qua Bức Tường, trèo qua Bức Tường, đào hầm chui bên dưới hoặc bay qua nó. Chướng ngại đầu tiên là bức tường bằng bê tông cao ba mét. Rồi hàng rào bằng kẽm gai và lưới thép cao hai mét sẽ kích hoạt còi báo động khi có ai chạm vào và, tại một số đoạn, sẽ làm đèn pha bật sáng. Bất kỳ ai vượt qua được bức tường phòng vệ này sẽ bước qua một khoảng đất có chôn đầy chông sắt được ngụy trang che giấu. Người trốn thoát sẽ bị lính gác trên tháp canh phát hiện – trên phần biên giới giáp với Tây Berlin, cứ khoảng hai trăm mét là có một tháp canh. Chướng ngại tiếp theo là vùng gọi là ‘dảy đất tử thần’, một diện tích rộng 6 mét phủ cát (in rõ các vết chân đi trên đó) và có quân khuyển Stasi đi tuần tra. Cuối cùng là bức tường Grenz 76 cao ba mét rưỡi (76 là năm nó được dựng lên) phía trên có vắt kẽm gai và ống thoát nước để cho ai leo qua không có chổ bám để tuột xuống. Không có gì hợp lý đối với công trình này. Bức Tường không phân chia khu vực quận, mà chỉ là những khu vực trên đường phố. Nó đơn giản chỉ là những vị trí quân đội Nga tiến đến vào ngày ngưng tiếng súng 6/5/1945. Khi đêm xuống trên một phía của Bức Tường các đường phố được chiếu sáng bằng các đèn pha ma quái theo dõi. Nó là biểu hiện vật lý của nổi lo sợ và hoang tưởng của một số ít người.

        Thật ra đã từng có một biên giới mở ở Đức sau khi hai bên chính được ngăn đôi vào tháng 10 năm 1949, lúc CHDCĐ ra đời. Ở Berlin, dân chúng có thể qua lại như ý muốn. Nhiều người sống bên này nhưng làm việc ở bên kia, sử dụng hệ thống metro U-Bahn và mạng đường ray lộ thiên S-Bahn để đi vòng quanh thành phố. Họ phải ngừng tại những chốt kiểm soát khác nhau, tai đó các biên cảnh Đông Đức kiểm tra giấy tờ của hành khách. Nhưng họ được cho phép đi qua không bị cản trở. Theo thời gian số người rời bỏ Đông Berlin tăng dần khi họ chứng kiến những gì đang xảy ra. Chế độ trở nên độc đoán hơn, đặc biệt sau tháng sáu 1953 khi nổ ra một cuộc đình công trong một ít xí nghiệp rồi biến thành bạo loạn chống chính quyền khiến các xe tăng Xô viết phải dẹp tan. Phía Đông trở nên nghèo hơn nhanh chóng, bị đưa vào khuôn phép, xám xịt hơn, buồn thảm hơn, áp bức hơn so với Tây Đức. Khi Chiến Tranh Lạnh trở nên lạnh giá hơn, nhân dân đi bầu bằng đôi chân của mình – cách duy nhất họ được phép bầu. Vào năm 1961 phong trào bỏ xứ ra đi lên đến một tỉ lệ khủng hoảng. Từ 1955 mỗi tháng khoảng 20,000 người bỏ đi hướng về Tây Đức tại đó họ được nhận ngay quốc tịch. Cộng hòa Liên bang Đức (tức Tây Đức) không công nhận sự tồn tại của CHDCĐ. Giờ đây mỗi tuần khoảng 30,000 người tìm cách di cư và tên Stalin-nít cai trị chế độ Đông Đức, Walter Ulbricht, quyết định phải làm gì đó. Lúc đầu người Xô viết nhất định chống lại ý định đóng cửa biên giới, và nhất là việc xây Bức Tường. Họ lo âu không biết phương Tây sẽ phản ứng ra sao. Nhưng cuối cùng Ulbricht thuyết phục các quan thầy ở Moscow là việc đó cần thiết cho chính sự tồn tại của nhà nước – một ý kiến thật đúng đắn. Hơn ba triệu người đã bỏ trốn CHDCĐ trong chục năm vừa qua, hơn một phần sáu dân số. Phân nửa dưới 25 tuổi, có học vấn, thuộc thành phần ưu tú của quốc gia.

        Khi Khrushchev tin tưởng là người Mỹ không làm gì hơn là phàn nàn về việc xây dựng Bức Tường, ông miễn cưỡng đồng ý. Ulbritch cử người được mình bảo trợ và là cánh tay mặt của mình, Erich Honecker, chỉ huy Chiến dịch Hoa hồng. Đó là một người trung niên đã đặt ra cụm từ ‘Hàng rào bảo vệ chống phát xít’ để mô tả Bức Tường và từ đó trở đi, ít nhất tại nơi công cộng, y không bao giờ gọi nó bằng cái tên nào khác. Chiến dịch được lên kế hoạch trong vòng tuyệt mật – ngay cả đến phân nửa thành phần lãnh đạo Đông Đức không được báo chi tiết. Cuộc xây dựng bắt đầu, rất thình lình, qua đêm, vào ngày cuối tuần 12-13 tháng tám 1961 và tiến hành với tính hiệu quả cực kỳ. Tại trung tâm Berlin, trong vài trăm mét quanh điểm chốt Charlie, rào chận ngăn đôi khu vực Xô viết và Mỹ của thành phố, các công nhân quần quật suốt ngày đêm và công việc hoàn tất trong vòng ba ngày. Lô-gic của lối cai trị Cộng sản đã được thiết lập bằng một biểu tượng xấu xa và vững chắc và sự nghiệp của Erich Honecker gắn liền mãi mãi với công trình bê tông này.                                                           

Đồng nghiệp trước đây và đồng chí một thời trong giới lãnh đạo Đông Đức, Wolfgang Leonhard cho biết Erich Honecker sở hữu đặc tính chủ yếu . . . cần thiết cho thành công trong cương vị một viên chức trẻ tuổi: trí thông minh ở mức trung bình. Trong Đảng Cộng sản theo khuôn mẫu Stalin, bạn phải có một trí nhớ tốt và một khả năng tiếp thu hàng đống nghị quyết để biến chúng thành những chỉ thị, do đó bạn cần có một mức thông minh cơ bản. Bạn không thể đần, như dưới chế độ Phát xít, vì ý thức hệ cộng sản phức tạp hơn nhiều. Nhưng bạn không được quá thông minh, vì người có mức thông minh cao hơn trung bình có khynh hướng thách thức bí quyết và phát hiện những lỗi lầm . . . có thể khiến họ bất tuân phục. Khi hệ thống gặp khủng hoảng những người sáng dạ tiến ra phía trước: Kadar ở Hungary, Dubcek ở Tiệp Khắc, Gorbachev . . . Nhưng trong lúc bình thường, chính những người trung bình là người cai trị: những Ulbritch, những Honecker. Hệ thống đòi hỏi những bọn như vậy.

          Sự kiện trung tâm trong cuộc đời của Honecker là khoảng thời gian 10 năm y sống trong trại giam Phát xít. Nó hình thành con người ông cũng nhiều như thời niên thiếu sống ở Saarland, vùng biên giới giáp với Pháp, tại đó, là đứa con thứ tư trong sáu đứa, ông được dạy dỗ rất nghiêm khắc. Người cha thợ mỏ than của ông, Wihelm – vốn là một người cánh tả cực đoan – mất việc thường xuyên và gia đình thường lâm vào cảnh thiếu ăn. Ông được một thành viên của Đoàn Thanh niên Spartacist, cánh trẻ của Đảng Cộng sản, cứu vớt, đưa ông về dưới trướng của mình, cho ông một lý tưởng để tin tưởng và vào năm 1930, khi Honecker được 18 tuổi, gởi ông đến Moscow để học thêm tại Trường Lenin. Năm năm sau ông được lệnh trở về Đức hoạt động ngầm và thành lập một văn phòng ở Berlin và giữ chức tùy viên cho Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản, Bruno Baum. Sứ mạng đầu tiên của ông kết thúc bằng một thất bại não nề. Mặc dù sau này, khi đã là một thủ lĩnh của Đảng sau chiến tranh, ông hay khoác lác những ‘ngày tháng đó quả là ngoan cường’ và không bao giờ chùn bước trước lý tưởng Cộng sản, nhưng sự thật lại kể một câu chuyện khác. Ông bị bắt trong một tình huống như trò đùa. Ngay sau khi đến Berlin ông sắp xếp để gặp một người đưa tin từ Moscow có nhiệm vụ giao tiền và tài liệu mật. Sau cuộc gặp biết là mình bị theo đuôi, ông hốt hoảng  bỏ chạy đến nổi bỏ lại tài liệu và những chứng cứ phạm tội ở đằng sau. Hôm sau ông bị cảnh sát túm được. Khi bị thẩm vấn, ông khai ra hết các hoạt động ngầm của cộng sản ở Berlin, kể cả tên các thủ lĩnh như Baum, người sau đó bị bắt giam và gởi đến Auschwitz, nhưng sống sót để đóng một vai trò lãnh đạo trong chế độ Ulbritch ở Đông Đức. Còn người đưa tin Nga, Sarah Fodorova, bị tra tấn khủng khiếp nhưng không khai gì cả.

        Một thập niên trong nhà tù Brandenburg đã biến một người đã dày dạn thành một khối đá. Sau chiến tranh người Xô viết đã bỏ qua lý lịch của ông – nhiều người hoạt động từng làm những việc còn tồi tệ hơn. Ông tỏ ra hữu dụng với Ulbritch, người mà Stalin cắt đặt làm ‘thái thú’ trong lãnh địa Đức. Ulbritch thích năng lực của Honecker và ông được nhà lãnh đạo chăm chút để thành người kế vị mình. Ông được cử làm Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản cho đến khi hơn 40, rồi sau đó lên cao dần trong bộ máy của Đảng. Khi Ulbritch bị loại bỏ – một phần do sự tiếp tay của Honecker và đồng bọn – ông trượt người ngon lành vào ghế lãnh đạo, với sự tán thành của Moscow.

        Một con người nghiêm nghị, không biết cười, và kiên quyết với phong thái lạnh lùng và xa cách, ông thích gặp mặt các phụ nữ. Trong lãnh vực tình dục Honecker không phải là trụ cột của tính chính trực Bôn-se-vich thường được yêu cầu đối với một cán bộ Đảng cao cấp. Ông kết hôn ba lần, mặc dù tiểu sử chính thức của ông hơi mơ hồ về khoản các bà vợ của mình. Cuộc hôn nhân đầu tiên, với Lottie Grunel ngay sau chiến tranh, không hề được đề cập trong hồ sơ đảng tịch của y – có thể vì bà là thành phần nghi vấn về mặt chính trị khi là con gái trong gia đình theo đạo Nhân chứng của Jehovah. Bà ta bị suy sụp thần kinh và mất vào năm 1946. Ông e dè khi nói về ngày tháng của cuộc hôn nhân thứ hai, với Edith Baumann, mà ông có lần cho biết là ‘khoảng 1948, nếu như tôi nhớ không lầm’. Ông không nói khi nào thì ly dị. Người vợ thứ ba của ông là người có tham vọng chính trị, Margot Feist nheo nhéo, đã tự mình vươn lên đến đỉnh cao quyền lực trong Đảng. Là Bộ trưởng Giáo dục nhiều năm liền, bà cũng nghiêm nghị như ông và được mọi người trong nước, ngay cả những nhân viên làm việc cho bà, gọi là Phù thủy.

        Một vài thủ lĩnh cao cấp của Đảng biết rõ tật hám gái của Honecker. ‘Ông ta có sở thích là các cô gái tóc nâu trong đồng phục xanh lam,’ thủ lĩnh Đảng Berlin, Gunter Schabowski, tiết lộ. Đồng phục này là của Đoàn Thanh niên Cộng sản. Trùm do thám Markus Wolf, điều hành cục tình báo hải ngoại Đông Đức, cho biết rằng không lâu trước khi Honecker trở thành lãnh tụ tối cao ‘Tôi có lần nhận được một báo cáo từ một người dưới quyền . . . đã bắt gặp Honecker . . . lủi thủi một cách vụng trộm qua những đường phố vắng của Berlin sau khi bảo tài xế lái xe về vào lúc hoàng hôn. Theo tôi chắc hẳn là ông ta lén lút đi gặp một bạn gái bí mật của mình. . .  Có lần tôi nói đùa chuyện này với Erich Mielke [ông xếp của y] “Này, chắc tôi khó lòng lưu lại báo cáo ấy vào hồ sơ” và tôi sắp sửa ném đi báo cáo thì nhận được câu trả lời, “Không, không.  Cứ lưu lại đó. Anh không biết đâu.” Và nó được nhập vào thành một chi tiết không mấy vẻ vang trong hồ sơ của Honecker chứa trong các hộp đỏ của Mielke.’

Đông Đức hình như là điển hình thành công của khối xã hội chủ nghĩa. Ở đó không có xếp hàng mua thực phẩm và hầu như không có tình trạng quẫn bách trong giữa thập niên 1980. Đó là một xã hội có trật tự gồm những công nhân đáng tin cậy, cư trú trong những khu tập thể hình hộp u ám nhưng thiết thực. Trợ cấp phúc lợi từ khi mới ra đời cho đến lúc chết là mơ ước của các xứ còn lại của đế chế Xô viết. Ở đó hình như không có bất đồng công khai. Bọn Stasi đã diệt nó đến tận gốc. Ngay từ nhỏ các trẻ em Đông Đức đã được gieo vào đầu là phải hòa mình và không được đứng riêng ra theo bất kỳ cách nào khiến dễ gây chú ý. Quốc gia hình như vươn cao – nhất là trong thể thao. Chế độ đầu tư một số tiền lớn để mua vinh quang trong các đường đua điền kinh, trượt băng, nhảy ski và bơi lội. Trong Thế Vận Hội Olympic 1980 CHDCĐ đạt 47 huy chương vàng trong khi Anh chỉ có 5 và Pháp được 6. Trong Thế Vận Hội Mùa Đông 1984, Đông Đức đạt 9 huy chương vàng, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác, đánh bại cả Mỹ lẫn Nga. Honecker coi những thành tích này có ý nghĩa cao. Chế độ mãn nguyện vì những tài năng thể thao này tạo cho nhà nước Cộng sản tính hợp pháp mà nó có thể đã thiếu. Có những thành tựu quan trọng khác. Chuẩn giáo dục cao như bất kỳ nơi nào ở Âu châu. Ngoài ra, lực lượng lao động vượt quá chất lượng đối với những công việc khiêm nhượng mà phần đông mọi người được kỳ vọng thi hành. Vào năm 1984 Ngân Hàng Thế Giới thông báo là CHDCĐ có nền kinh tế thành công đứng thứ 12 trên thế giới và đến năm sau CIA loan báo trong một bản ghi nhớ tuyệt mật gởi đến Tổng thống Reagan là tổng sản lượng quốc gia của Đông Đức nhanh chóng tiến gần bằng Cộng hòa Liên bang Đức.

        Nhưng đó là ảo tưởng dựa trên một loạt các dối trá tinh vi. Đất nước đang trong giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng do áp lực nợ nước ngoài. Honecker và một ít kẻ trong giới lãnh đạo cao nhất biết, nhưng tiếp tục vay mượn và tiêu pha bất kể, trong một trạng thái phủ định tuyệt đối. Họ muốn tiếp tục làm nhân dân mãn nguyện với hàng hóa tiêu thụ và phúc lợi xã hội, họ tiêu tốn gấp hai lần so với hầu hết các đồng minh Đông Âu về quốc phòng và ‘an ninh’ – trong đó có Stasi – và họ hình như quên phứt hậu quả. Một trong những chuyên gia tài chính cao cấp của Đảng, Gunter Ehrensperger, đang xem xét bài toán nợ tăng và đến Honecker để cảnh báo về một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng tiềm năng. Tại thời điểm đó nợ nước ngoài tăng gấp 10 lần trong vòng 6 năm. ‘Tôi được ông ta gọi đến một lần nữa vào buổi chiều hôm đó,’ ông nói. ‘Honecket ra lệnh tôi dừng ngay cuộc khảo sát về mấy con số đó. Tôi không được nhận dữ liệu nào thêm . . . và tôi phải phá hủy tất cả cơ sở thống kê trong phòng.’ Manfred Uschner, tùy viên trưởng trước đây của Hermann Axen, một thành viên trong giới lãnh đạo cao nhất, nói rằng những con số được giữ tuyệt đối bí mật, chỉ một số ít thành viên ưu tú mới biết được. Khi có con số nào đến ‘chúng lập tức được trình bày dưới một hình thức không thể đọc được một cách có mục đích.’ Nhanh chóng các tài liệu được gom lại và cắt nát. ‘Chúng tôi phải tranh thủ, rất khẩn trương, liếc qua mức tiền nợ của chúng tôi. Sau đó rõ ràng là CHDCĐ hoàn toàn bị phá sản và không có cách nào thoát ra vòng mắc nợ lẩn quẩn chết người, vay nợ tiếp, rồi tín dụng mới và gánh nặng trả lãi tăng lên.’

        Năm 1983, đất nước tiến đến thời điểm khó có thể trang trải nợ nần. Nó được bảo lãnh qua hệ thống các văn phòng tốt bụng của một nhân vật không ngờ tới: Bộ trưởng – Chủ tịch cánh phải của bang Bavaria, Franz Josef Strauss, đã từng là Bộ Quốc phòng hung hăng của Tây Đức khi Bức Tường Berlin được xây dựng. Trong hàng chục năm Strauss đã bị chế độ CHDCĐ thóa mạ là tên hiếu chiến siêu phản động lúc nào cũng hô hào chế tạo bom nguyên tử cho Tây Đức. Honecker mô tả ông là ‘một tên quân phiệt sẽ không dừng tiến quân qua Cổng Brandenburg để tái chiếm Berlin’. Giờ thì Strauss hoạt động như một người trung gian để giúp sắp xếp một tín dụng 1 tỷ đô la từ một tổ hợp ngân hàng Tây Đức để CHDCĐ có thể đủ trả nợ. Với cơ hội này Honecker đồng ý trả một giá về chính trị cũng như tài chính. Một phần thỏa thuận, mà Cộng hòa Liên bang Đức (CHLBĐ) cam kết giữ bí mật, là CHDCĐ đồng ý cho phép 35,000 người Đông Đức di cư sang phương Tây. Strauss được giới thiệu như một khách danh dự tại khu săn bắn ưa thích của Honecker ở Thuringia, Werbellinsee.

        Người điều đình về phía Đông Đức là một trong những nhân vật kỳ lạ nhất xuất hiện từ chủ nghĩa theo phong cách Xô viết. Alexander Schalck-Golodkowski là một dân phe phẩy trên mức độ thiên anh hùng ca điều hành việc quản lý tài chính ‘khác’ tối mật vì lợi ích của chế độ Đông Berlin mà không cần giải trình. Golodkowski, sinh năm 1932 là con của dân nhập cư Nga ở Berlin, được một gia đình người Đức có tên Schalck nhận làm con nuôi – từ đó có tên kép như trên. Ông bắt đầu làm việc cho Bộ Thương Mại với một chức vụ nhỏ. Nhưng ngay từ đầu ông được phát hiện là một tài năng kế toán sáng tạo và cũng là một thanh niên thận trọng lịch lãm và tin cậy về mặt chính trị. Ông là bộ não phía sau của Văn Phòng Phối Hợp Thương Mại, được biết dưới tên Ko-Ko. Nó có trách nhiệm tìm kiếm ngoại tệ bên ngoài hệ thống qui hoạch bình thường, và Schalck-Golodkowski được trao quyền tự do huy động không hạn chế. Nó khởi đầu là một phương thức tài trợ cho các ông trùm Đông Đức muốn theo phong cách sống ‘phong lưu’ và mua sắm các hàng hóa phương Tây chỉ dành cho một thiểu số có đặc quyền. Chẳng bao lâu nó trở thành phương thức nhờ đó CHDCĐ cố bịt kín các lỗ hổng trong vô số các thất bại về kinh tế. Đến giữa những năm 1980, Đông Đức hoàn toàn phụ thuộc vào Ko-Ko để huy động đủ tiền tệ có thể chuyển đổi được để duy trì khả năng thanh toán từ tuần này đến tuần khác. Như Manfred Seidel, một trong những người ký tên vào chi phiếu của Ko-Ko, nói, đó là nhiệm vụ của tổ chức ‘để sử dụng mọi phương pháp hiện có để kiếm ra ngoại tệ cho CHDCĐ. Vì mục tiêu đó, không có giới hạn hợp pháp nào được xét đến. Đó là trường hợp ở trong và ngoài nước.’

        Công việc của Ko-Ko về kỹ thuật được giám sát bởi Stasi, ở đó Golodkowski được phong cấp bậc Tướng. Nhưng chỉ có ba người đàn ông khác hiểu rõ những chi tiết chính của những vụ thương lượng đáng ngờ của ông. Honecker, Mielke và thủ lĩnh tài chính và công nghiệp của CHDCĐ, Gunter Mittag. Là một người to con, vui vẻ, và thích giao du, Golodkowski hoạt động như kẻ cướp đấu thầu, với các thành tựu to lớn. Ông dựng lên 2,000 tài khoản ảo và hàng trăm công ty ma gian lận ở Đông và Tây cho những thỏa thuận trên thị trường chứng khoán và những giao dịch đá quý và những đầu cơ thương mại về mọi thứ. Golodkowski bảo đảm là nhóm chóp bụ có nhiều tiền mặt thuộc ngoại tệ mạnh để sử dụng. Honecker có một tài khoản, mang số 0628, tại ngân hàng Deutsche Handelsbank ở Đông Berlin, luôn chứa ít nhất một trăm triệu Mark. Nhưng ông không sử dụng số tiền đó hoàn toàn cho mình. Có năm ông gởi 40 triệu Mark mua lương thực cứu trợ vùng Sandinistas Nicaragua. Một lần khác, sự khan  hiếm táo và chuối ở CHDCĐ đã gây ra nỗi bất mãn bên ngoài cửa hàng tạp hóa vì họ đã ngán ngẩm khi có quá ít sự lựa chọn các mặt hàng tươi xanh. Honecker viết một chi phiếu cá nhân hai triệu Mark để nhập khẩu trái cây.

        Một số nguồn gốc của các món tiền tài trợ của Ko-Ko là xấu xa và phạm pháp. Golodkowski thuyết phục các viên chức phụ trách của một số bảo tàng và phòng triển lãm phân loại lại các báu vật ‘không đáng giữ’ của họ. Những thứ không đáng giữ sau đó được bán qua Tây Đức. Hơn 600 họa phẩm từ bộ sưu tập Dresden biến mất trong thập niên 1980. Bọn Stasi tịch biên một số họa phẩm và đồ gốm của sở hữu tư nhân, sau đó đem bán qua phương Tây. Người chủ sở hữu được giao những tờ khai thuế với số thuế to lớn và bịa đặt mà họ không thiếu – và được ra lệnh giao nộp các họa phẩm hoặc một món đồ cổ có giá trị để trả thay.

        Mối quan hệ giữa Đông Đức với Franz Josef Straus tiếp tục, với trò làm ăn phiêu lưu kỳ lạ. Golodkowski gặp Strauss  để thương thảo một thỏa thuận liên quan tới anh em Marz, người điều hành một công ty thịt khổng lồ ở Bavaria. Họ mua một số lượng lớn thịt heo và thịt bò rẻ từ phương Đông, không qua sổ sách nào ở Đông cũng như Tây. Tiền trả do các tên đồ tễ triệu phú lo bằng ngoại tệ cứng mà người đứng đầu Ko-Ko mang về nhà trong các xách tay với tư cách cá nhân.

        Lương tâm của Golodkowski vẫn tương đối trong sạch. Đông Đức sẽ không thể nào duy trì phong cách nó đã bắt đầu quen nếu không có ông – hoặc một ai đó như ông. ‘Đó chỉ là công việc. Tôi phải chưng diện cho ngài Honecker được ăn mặc bảnh bao,’ ông nói.

1

Cái ôm hôn thắm tình anh em xã hội chủ nghĩa giữa Leonid Brezhnev và Erich Honecker

MƯỜI BA

TÔNG ĐỒ CỦA LENIN

Moscow, thứ năm ngày 4 tháng 4 năm 1985

TRONG NHỮNG NGÀY MỚI KẾ VỊ, Mikhail Gorbachev đã chứng tỏ mình là một kiểu lãnh đạo mới của Kremlin. Chiến dịch đánh bóng cho ông đầu tiên được tiến hành ba tuần sau khi ông nhậm chức, ông vận động phong trào chống lại thói xấu Nga đang tràn lan: thói chè chén. Đây là một sự nghiệp cao quý, đáng để tranh đấu cho nó, và ông đi đầu với một tinh thần lạc quan, năng nổ, nhiệt tình, một chút hợm hĩnh và – ngay từ đầu – một hình thức quảng cáo về mặt chính trị. Chiến dịch có những hậu quả sâu rộng, mà ông không tiên liệu, làm đến sớm một cơn khủng hỏang hầu như nghiêm trọng không kém cơn khủng hoảng mà ông cố giải quyết. Đó là cách thức điển hình mà ông phải cai trị trong sáu năm rưỡi về sau.

        Tệ nạn nhậu nhẹt bù khú đã là cơn bệnh của nhà nước từ nhiều thế kỷ, như Pushkin, Dostoyevsky và Tolstoy đã xác nhận. Chắc chắn giờ đây phải tệ hơn thời cuối thế kỷ 20, mặc dù không có con số chính xác về lượng tiêu thụ vodka dưới thời nông nô. Bây giờ trong thời đại Xô viết vừa qua chính thức có 40 triệu người được công nhận là bợm rượu trong dân số khoảng 270 triệu. Con số đó chắc chắn là số ước lượng thấp. Người khổ hạnh Yuri Andropov đã cố gằng chiếu lệ để giảm tệ uống rượu, nhưng ông đã thất bại. Nói chung, người Cộng sản qua nhiều thập niên đã làm rất ít về vấn đề này, cho dù chính các công nhân và người cùng khổ dính vào thói xấu này nhiều nhất. Các chế độ liên tiếp thấy rằng, như các Sa hoàng từng thấy, một đất nước đắm chìm trong men rượu chắc chắn sẽ dễ sai khiến về mặt chính trị. Năm 1984 hơn chín triệu người say xỉn đã bị thu gom từ đường phố LBXV. Chết sớm, vắng mặt trong giờ làm việc, tội ác, nghèo khổ, gia đình tan vỡ là những hậu quả do rượu gây ra, có thể thấy nhan nhản khắp mọi nơi.

        Nhân vật mới ở Kremlin quyết tâm làm một điều gì đó cho họ. Gorbachev triệu tập một nhóm cán bộ cao cấp vào ngày 4/4/1985 và đơn giản tuyên bố những quyết định của mình và kêu gọi mọi người góp ý để thảo luận. Việc cấm rượu không được nhiều người tán thành. Ông kiến nghị tăng giá vodka lên gấp ba. Việc sản xuất bia và rượu vang giảm gần ba phần tư. Một ghi nhận mờ nhạt nêu ra sự thận trọng do Vladimir Dementsev, Bộ trưởng Tài chính, cảnh báo lợi tức nhà nước sẽ bị tụt giảm và kiến nghị đó sẽ để lại một lỗ đen trong ngân sách quốc gia. Ông đến họp mang theo sẵn các số liệu – nó sẽ tiêu tốn 4 tỷ rúp trong năm đó và 15 tỷ trong năm năm sau. Gorbachev không đợi ông nói hết câu: ’Chuyện đồng chí nói không có gì mới. Chúng ta biết không có tiền để chi trả việc đó. Nhưng đồng chí không đề nghị điều gì khác hơn là tiếp tục cho dân chúng say xỉn. Bộ đồng chí đề nghị xây dựng chủ nghĩa cộng sản bằng vodka à?’

        Như vậy là kết thúc cuộc thảo luận. Các biện pháp được đưa ra và Gorbachev đẩy mạnh chiến dịch với lòng quyết tâm – nhưng chỉ đi đến thảm họa. Bên ngoài các tiệm rượu từng hàng dài ngoằn dân mê rượu phái đứng đợi và thị trường chợ đen náo nhiệt nở rộ chỉ sau một đêm. Vấn đề lớn nhất là rượu lậu chưng cất ở nhà. Đường lập tức biến mất trong các cửa hiệu và phải mua theo khẩu phần. Lỗ đen tài chính mà Dementsev đã cảnh báo thậm chí còn sâu hơn cả ông dự phóng. Tỷ số người chết tăng vọt do sự tiêu thụ các loại rượu lậu có độc tố. Các vườn nho nổi tiếng, hầu hết trồng ở Georgia, bị phá hủy và không hề hồi phục. Sau ba năm Gorbachev nhận ra là mình đã sai và liền hủy bỏ chiến dịch rượu, nhưng thiệt hại đã giáng xuống.

        Việc phát động chiến dịch cấm rượu gây sốc cho các lão cán bộ đã yên vị trong văn phòng tiện nghi đã lâu không bằng một sáng kiến khác mà Gorbachev đề nghị tại cùng một phiên họp. Chắc ông đã giấu kín nó trong tâm khảm trong những năm tháng nịnh hót và bợ đỡ mà ông đã từng trải qua dưới  thời Brezhnev. Đến bây giờ ông mới đưa ra, dưới hình thức một thông báo thứ hai, bề ngoài có vẻ bất chợt, nhưng thực  ra đã tính toán trước kỹ lưỡng. Khi gom lấy giấy tờ chuẩn bị lui về phòng riêng ngay kế bên phòng họp, ông bổng buột miệng: ‘Xin các đồng chí đợi một chút. Tôi xin phép được trao đổi ý kiến về . . . nhu cầu tranh đấu một cách có hệ thống thói khoa trường, thói kiêu ngạo, thói tự đắc và tật bợ đỡ.’ Ông tiếp tục nói rằng ông hi vọng ở các cấp cao của Đảng sẽ bớt đi tiệc tùng lãng phí, ít đeo huy chương lên ngực hơn và nói chung khiêm cung hơn. Có người đi họp còn đeo đủ loại huân huy chương, bằng chiến công khiến gian phòng trông thật đáng kinh.

        Gorbachev là nhà lãnh đạo Xô viết đầu tiên đều đặn đi ra ngoài phố gặp gỡ dân chúng và xuất hiện công khai. Ông trông thoải mái khi tiếp xúc thân mật hơn là khi ở những buổi họp mặt chính thức đông đảo tại đó ông thường có khuynh hướng dông dài và thu mình vào các bài nói đậm mùi Mác-xít Lê-nin-nít khó hiểu và buồn thảm. Trước cử tọa vổ tay đôm đốp, cá tính ông bừng sáng; ông trông thoải mái, ấm áp, vui tươi, ý tứ, hoàn toàn lịch lãm. Ông được dân chúng ngưỡng mộ và mỗi lần ông xuất hiện là một sự kiện. Cần chú ý là phu nhân ông hầu như lúc nào cũng kề cận ông, thường chạm vào người ông hoặc cầm tay ông – điều bình thường đối với các nhà lãnh đạo phương Tây, nhưng ở LBXV thì không có tiền lệ. Dân chúng vừa thích thú vừa hứng khởi.

        Chính tại cuộc di hành ở Leningrad vào tháng 5, một vài tháng sau khi nắm quyền, mà hai thuật ngữ vĩnh viễn gắn liền với Gorbachev đầu tiên đi vào tự điển. Perestroika và glasnost  trở thành từ thông dụng trên khắp thế giới. Trong tiếng Nga chúng có ý nghĩa đặc biệt. Khi Gorbachev sử dụng chúng, chúng có nghĩa theo ý ông muốn. Gorbachev không hề muốn từ bỏ chủ nghĩa cộng sản. Ông cho mình là người sẽ cứu vớt chủ nghĩa cộng sản và tinh luyện nó. Trong những ngày đầu perestroika – ‘cải tổ’ – có nghĩa một tiến trình cải thiện tương đối khiêm tốn nhằm tăng cường kỹ luật tại nơi làm việc. Ông phát động một loat những biện pháp mạnh mẽ cho phép các xí nghiệp phát huy sáng kiến và tạo ra những thay đổi kinh tế nhỏ trong việc phân phối hàng hóa đi khắp xứ. Ông loại ra hàng đống bọn tay sai và bè đảng quan liêu bất tài của Brezhnev. KGB hành động chống lại mạng lưới hùng mạnh của các ông lớn thoái hóa trong các nước cộng hòa Trung Á và Gorbachev làm rúng động bộ máy Đảng của Urkraine và các vùng khác. Ông từng bước cho thêm từng chút tính dân chủ vào hệ thống. Ông muốn tổ chức lại các danh sách bầu cử – mặc dù vẫn giữ nguyên tính độc đảng – sao cho dân chúng có thể chọn ứng cử viên Cộng sản vào những cương vị nào đó. Nhưng những việc này không phải là cách mạng. Ông không có ý định bãi bỏ đường lối kế hoạch hóa tập trung, đưa vào nền kinh tế thị trường, hoặc bãi bỏ thế độc quyền của người Cộng sản. Ông chỉ muốn ‘cải tổ’ mọi thứ, nhưng không đụng đến nền tảng.

        Gorbachev tin tưởng vào chủ nghĩa xã hội và một mực cho rằng Lenin đã vạch ra lộ trình đúng đắn, nhưng dự án đã thất bại khi Stalin đi lệch ra khỏi lộ trình và ‘ngộ nhận’ nó. Đó là một ảo tưởng mà Gorbachev và nhiều đảng viên trung kiên cùng chia sẻ. Perestroika, Gorbachev nghĩ, sẽ làm lý tưởng của Lenin quay trở lại. Gorbachev thường nói về Lenin với một thái độ kính trọng như nói với một ‘thiên tài đặc biệt’. Sergei Tarasenko, một viên chức Bộ Ngoại giao sắc sảo và dày dạn kinh nghiệm, nói rằng hầu hết những cán bộ cao cấp trên khắp đế chế Xô viết chỉ nói trên đầu môi những lời dạy của Lenin. ‘Cán bộ nào cũng phải có Lenin toàn tập trong thư viện mình, vì khi viết một bài diễn văn hay lên lớp ai đó thì bắt buộc phải chêm vào một ý kiến của Lenin . . .  Lúc đó y chỉ cần tra cứu danh mục ở cuối quyển sách.’ Giờ đây khó thấy ai còn tin vào những lời dạy này, nhưng Gorbachev thì có. Khi ông trích dẫn Lenin, như thói quen ông thường làm, đó là bởi vì ông nghĩ những lời dạy của người sáng lập LBXV vẫn còn giá trị tại thời buổi của ông dù đã qua bảy mươi năm.

        Gladnost – ‘công khai’ – cũng là một thuật ngữ khác, cần được giải thích. Ông bắt đầu một cách thận trọng, rồi càng về sau càng táo bạo hơn và kết quả là một sự biến đổi theo chiều hướng mà người Xô viết và Đông Âu phải tự nhìn lại bản thân mình. Gorbachev tin tưởng rằng nếu nhân dân biết rõ hơn về cách thức LBXV hoạt động – hay không hoạt động – họ sẽ chọn cách làm nó vận hành tốt hơn. Ông cho rằng không nên có ‘những vết đen’ trong lịch sử Xô viết, tin tưởng rằng nếu công luận biết được sự thật họ sẽ hiểu được những thành tựu của chủ nghĩa xã hội cũng như những sai phạm và đánh giá đúng những người cai trị họ. Đúng là lạc quan điển hình, một số cho là ngây thơ, nhưng ít nhất nó dựa trên một nền tảng đạo lý là dân chúng có quyền được biết. Chính điều này mới có tính cách mạng, trong một nhà nước đã từng được điều hành qua nhiều thập niên do một giai cấp cai trị mắc bệnh hoang tưởng về sự bí mật. Đảng điều khiển thông tin và sử dụng hàng ngàn nhân viên kiểm duyệt để đảm bảo không có gì có thể được in ra hoặc phát sóng nếu không được cho phép. Dưới thời Gorbachev họ vẫn còn làm việc nhưng có ít việc làm hơn.

        Ngay sau khi nhậm chức Gorbachev nói chuyện với nhiều nhóm nhà báo rằng họ nên được tự do vạch trần sự thối nát ở cấp cao, những sai hỏng của hệ thống, và công khai một số tội ác khủng khiếp trong lịch sử. Dần dần, thận trọng, họ bắt đầu tin những lời ông nói và trong thời kỳ Gorbachev xuất hiện vài bài báo điều tra xuất sắc lần đầu tiên trong LBXV vượt quá khuôn khổ tuyên truyền của Đảng và phơi bày một bức tranh chính xác hơn về tình hình quốc gia. Không hẳn là tự do báo chí hoàn toàn. Nhà nước còn sở hữu hầu hết phương tiện truyền thông, không kể còn sản xuất báo chí, tất cả mọi xí nghiệp in lớn và mạng phân phối giấy. Các thủ lĩnh Đảng còn có thể mướn và đuổi các biên tập viên – hoặc thậm chí các nhà báo. Nhưng không khí đã tự do hơn so với bất cứ thời điểm nào khác trong lịch sử Xô viết. Các nhật báo và tạp chí đăng những bài tranh luận sôi nổi, một sự bất kính chưa có tiền lệ đối với các định chế quyền lực và độc giả cuối cùng được cung cấp những thông tin mà mình muốn biết.

        Lượng phát hành tăng vọt. Thành công vượt bực là tuần báo của Vladimir Starkov, Tranh Luận và Sự Kiện. Nó ra đời vào năm 1979 như một ấn bản ít được biết tới dành cho những nhà thống kê và kinh tế, với số phát hành 10,000 bản. Khi biến thành một tờ báo phổ thông, mặc dù vẫn còn tính chuyên môn, kể chuyện về cuộc sống những con người bình thường trong các hảng xưởng và khu dân cư, tại cao điểm cuộc cải cách glasnost của những năm 1980, nó bán ra đến 33 triệu bản. Những chương trình truyền hình hấp dẫn bắt đầu được phát hình. Vẫn còn nhiều tư liệu đậm chất tuyên truyền khô khốc nhưng một số xô thách thức và tươi trẻ nhắm đến khán giả trẻ tuổi được công chiếu – chẳng hạn chương trình Tia Lửa hàng tuần, trình chiếu những tiết mục điều tra đi sâu vào những đề tài trước đây coi là cấm kỵ như bệnh AIDS, những trẻ em đường phố cùng khổ ở Moscow, những hoàn cảnh bi đát của những cựu quân nhân của cuộc chiến Afghanistan, hoặc những gái gọi làm ăn trong những khách sạn ở Moscow. Chính quyền Xô viết cũng ngừng phá những trạm phát sóng của các đài ngoại quốc như BBC, World Service và Deutsche Welle.

        Hàng trăm sách trước đây do một số các nhà văn Nga tài năng nhất sáng tác bị cấm nay được xuất bản tại LBXV lần đầu tiên. Tác phẩm của Alexander Solzhenitsyn trước đây chỉ được in lén lút hoặc được dịch ra tiếng nước ngoài, chỉ chuyền tay trong nhóm trí thức ở Moscow và Leningrad hoặc được các ông trùm Đảng ‘nghiên cứu’. Gorbachev và phu nhân ông là những độc giả ngấu nghiến loại văn học ‘phản động’ mà hầu hết dân chúng Xô viết không được phép đọc. Giờ sách của Solzhenitsyn xuất hiện chính thức được in với số lượng rất lớn và được công chúng có học, vốn từ lâu đói khát loại văn chương trung thực, vồ vập lấy. Cuốn Bác sĩ Zhivago của Boris Paternak ra mắt hợp pháp trong LBXV – khoảng 20 năm sau khi bộ phim cùng tên của David Lean được công chiếu và được liệt vào tác phẩm hàng đầu thế giới. Gây xúc cảm đồng loạt và sâu xa trong những năm gladnost là việc xuất bản tác phẩm Những đứa trẻ khu Arbat, tiểu thuyết mang tính anh hùng ca kể về cuộc sống Xô viết dưới thời Stalin. Quyết định cho phép in hay không là do Gorbachev, và ông đã đồng ý.

        Điện ảnh của Xô viết, vốn từng gặt hái nhiều tiếng tăm từ những ngày đầu của LBXV, nhưng sau đó không sản xuất một tác phẩm nào cho ra hồn trong nhiều thập niên, nay lại hồi sinh. Bộ phim phi thường Sám Hối của Tengiz Abuladze, chống Stalin một cách ẩn dụ, lấy bối cảnh là Georgia vào những năm 1930, đã gây xúc động mạnh, nhưng việc phát hành phim được tinh toán thận trọng. Bộ phim đề cập những chủ đề đương đại và những nhà cải cách ở Kremlin không muốn chọc giận phe bảo thủ trong Đảng, những kẻ mà chỉ nghe đến từ gladnost là đã thất kinh rồi. Sám hối không được phát hành ‘chính thức’ mà chỉ dành cho những khán giả có giấy mời. Chẳng mấy chốc các nhà sản xuất phim đã phát ra nhiều giấy mời đến nổi có đến 25 triệu người được xem phim. Vitali Korotich, tổng biên tập tạp chí tin tức Ogonyok (Ngọn lửa), là người được hưởng lợi nhiều từ chính sách báo chí mới của LBXV. Ông được các chóp bu khuyến khích và cho phép các nhà báo của ông được viết những gì họ muốn. Theo ông, Gorbachev chỉ thành thật phân nửa về chuyện Gladnost. ‘Gorbachev mường tượng trong đầu là chỉ cần tắm táp một ả điếm già bằng miếng bọt biển rồi mặc cho ả quần áo sạch sẻ là có thể tạo cho ả một vẻ gái tân,’ ông nói. Vậy mà những biến chuyển do chính sách gladnost tạo ra quá cực đoan đến nổi, dù nhà lãnh đạo và các cố vấn của ông có lường trước  được hậu quả hay không, chúng đã trở thành một làn sóng không sao ngăn lại được.

Gorbachev muốn tạo ra một dấu ấn trên chính trường thế giới ngay lập tức. Ông tin rằng việc cấp bách đầu tiên của LBXV là không để nó trượt dốc hơn nữa trong việc đối đầu với phương Tây. Ông nhiều lần bảo các cộng sự của mình là ‘các chính sách đối nội và đối ngoại hoàn toàn liên thông với nhau’ – rằng không có cải tổ nào mà ông hi vọng thực hiện được trong nước sẽ thành công nếu không có ‘một môi trường quốc tế thuận lợi hơn’. Các cuộc đàm phán giải trừ quân bị với Mỹ đã dậm chân tại chỗ. Ông muốn nối lại chúng. Một trong những quyết định đầu tiên của ông, không đầy một tháng sau khi nhậm chức, là dừng lắp đặt thêm dàn tên lửa hạt nhân tầm trung SS-20 ở Âu châu. Vì những lý do cá nhân, pha lẫn chính trị và đạo lý ông ra sức gây tiếng tăm là ‘người kiến tạo hòa bình’. Nhưng vấn đề lớn nhất của ông là cách thức người nước ngoài nhận thức về LBXV. Nhà ngoại giao Sergei Tarasenko giải thích:

Chúng ta đã tích lũy một di sản tiêu cực . . . chúng ta phải tự giải

phóng mình khỏi điều đó. Việc đầu tiên chúng ta phải làm là thay đổi hình ảnh của đất nước. Chúng ta phải trở thành một đất nước  ‘bình thường’. Chúng ta không còn có thể đóng vai một nhà nước xỏ lá. Về mọi phương diện chúng ta đều đang đứng trước một bức tường . . . Theo công luận thế giới chúng ta đang đứng ở cấp bậc man rợ. Người ta sợ chúng ta, nhưng đồng thời không ai kính trọng chúng ta. . . Chúng ta là ‘đế chế xấu xa’. Chúng ta phải quay ra khỏi ngõ cụt tự mình đi vào liên quan đến nhân quyền, quyền tự do di cư, Afghanistan và vân vân. Nhưng tất cả điều chúng ta làm là cấu xé nhân dân. Mọi nơi đều xảy ra biểu tình chống Ngoại trưởng Gromyko. Dân chúng ít khi đọc Pravda [Nhân Dân, tờ báo Đảng: ND], nhưng ai cũng đọc Thời báo New York. Người đọc Pravda là Fidel Castro . . . và Hội đồng Hòa bình Thế giới, do chúng ta bỏ tiền tại trợ.

          Gorbachev bãi bỏ học thuyết cũ về vị trí của LBXV trên thế giới. Khi ông bàn về ‘lối suy nghĩ mới’ ông ta thực tâm muốn thế. Ông đổ lỗi cho các người tiền nhiệm đã cô lập LBXV ra khỏi thế giới bên ngoài, trong khi nó phải hướng ra đó nếu muốn tự hiện đại hóa và cạnh tranh với phương Tây. Ông luôn cổ xúy ‘lối suy nghĩ mới’ với các phụ tá, một cụm từ ông sử dụng nhiều hơn cả những từ perestroika hay gladnost. Nhiều quan thầy trong Đảng đã quá quen với luận điệu cũ rích, với khẩu hiệu vô nghĩa từ lãnh đạo của mình, với những chiến dịch giả dối có vận mà không động, cho nên họ cho khẩu hiệu mới của Gorbachev cũng chỉ là những từ rỗng tuếch và tuyên truyền. Nhưng họ đã sai. Khi một số họ nhận ra Gorbachev nói là làm thật, họ bị sốc. Lúc đầu, Gorbachev cẩn thận không thúc ép bọn bảo thủ chung quanh ông – nhiều người trong bọn họ đã chọn ông vào cương vì này. Nhân vật kỳ cựu đứng đầu bộ phận quốc tế của Đảng, Boris Ponomarev, một người có nhiều ảnh hưởng trong đám cận thần Kremlin, nghe nói là đã từng càu nhàu: ‘Suy nghĩ mới là gì chứ? Hãy bắt bọn Mỹ đổi cách suy nghĩ trước đã. . . Không lẽ giờ đây chúng ta chống lại quyền lực, thứ ngôn ngữ duy nhất mà bọn đế quốc hiểu được?’ Nhưng ông ta không dám công khai ý kiến chống đối lãnh đạo của mình, người, mà một khi đã được bầu, có những quyền lực hầu như tuyệt đối. ‘Người nước ngoài khó nắm bắt được mức độ ảnh hưởng mà cương vị Tổng Bí thư tác động đối với tâm thức của người Xô viết,’ Anatoli Gromyko, con trai của nguyên Ngoại trưởng, nói. ‘Bạn thấy đấy, phản đối ông ta, hay tệ hơn nữa, phê phán ý kiến của ông ta một cách công khai – tại thời điểm đó tôi không nghĩ có ai dám làm chuyện đó.’ Valeri Boldin, thư ký riêng của Gorbachev, người tiếp xúc ông mỗi ngày và tháp tùng ông mọi nơi,* nói rằng lãnh vực ngoại vụ là đặc quyền của nhà lãnh đạo và một nhóm nhỏ thân cận được tin cậy. ‘Không ai dám cả gan bước vào lãnh vực quan hệ quốc tế nếu không được mời hoặc được ông ta chỉ thị phải nghiên cứu một chủ đề nào đó.’

        Gorbachev trông cậy vào một hạt nhân gồm những người thân và những người bạn chính trị tâm giao. Người thông minh và tài năng nhất là Alexander Yakolev, nguồn cảm hứng tri thức đằng sau Perestroika và người lắp đặt đứng đằng sau những kỹ năng tinh vi trong bộ máy hành chính của Kremlin. Sinh năm 1923, Yakovlev lớn hơn Gorbachev gần mười tuổi. Trải nghiệm phong phú nhất của ông là thời Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, khi đó ông đóng lon trung úy thủy quân lục chiến. Phân nửa số bạn ông đã chết và ông sống sót nhờ bốn đồng chí ông hi sinh mạng sống của mình để mang thân thể đầy vết đạn của ông ra khỏi trận chiến. Ông bị bán thương tật đến suốt đời.

        Yakovlev tiến lên các cấp bậc trong hệ thống ban bệ, thi hành những trách vụ chính trị tế nhị một cách xuất sắc. Ông hình như sinh ra để là một đảng viên, nhưng vì quá thông minh, ông bắt đầu đâm ra nghi ngờ. Mối nghi ngờ đầu tiên xảy đến vào tháng hai 1956 khi ông được ngồi nghe ‘báo cáo mật’ của Khrushchev trong đó những chi tiết về tội ác của Stalin lần đầu tiên được phanh phui. Mối nghi ngờ cháy bùng khi ông đến Prague sau những ngày Hồng Quân xâm lăng Tiệp Khắc vào năm 1968. Ông làm trưởng ban tuyên truyền của Đảng. Khi ông ba hoa là người Nga đang cứu vớt nhân dân Tiệp khỏi tay đế quốc và phát xít Mỹ, ông không tin một lời nào mình nói. Sau này ông nói rằng việc đè bẹp Mùa Xuân Prague là một dấu hiệu chứng tỏ hệ thống đang tiêu vong’.

  • Boldin là một trong số vài phụ tá thân cận của Gorbachev cuối cùng đã phản bội ông. Y tham gia vào một cú đảo chính (thất bại) chống lại Gorbachev vào tháng tám 1991 trong đó một nhóm bảo thủ quá khích định chiếm quyền ở Moskow khi người lãnh đạo đang nghĩ mát tại biệt thự bờ biển của ông ở bán đảo Crimea. Một trong những điểm yếu của Gorbachev là hay chọn lầm các cộng cự và cố vấn của mình – một sự kiện mà về sau thường trở thành một vấn nạn cho ông.

        Yakovlev là một trong số ít các thành viên trong giới lãnh đạo Xô viết có chút kinh nghiệm về phương Tây. Năm 1958 ông từng là sinh viên trao đổi tại Đại học Columbia. Ông ghét cái năm ông ở Newyork. Ông thán phục những bí quyết và tính đột phá của công nghệ Mỹ, nhưng chán ghét khi buộc phải nghe về tính ưu việt của cuộc sống Mỹ. Ông hay kể lại chuyện có lần bước vào một cửa hàng Manhattan ông bị buộc phải bỏ nón để xem người Nga có sừng trên đầu đúng như lời đồn không. Cha đỡ đầu tương lai của perestroika viết những bài cay độc chống Mỹ đăng trong báo chí Xô viết chứa những lời nhận xét như sau: ‘Các con quái vật độc quyền Mỹ tin rằng sự thống trị thế giới của họ sẽ mang lại những giải pháp tốt nhất cho các vấn đề chính trị quốc tế. Họ coi chiến tranh là chất xúc tác vô song để đạt được mục tiêu này. . . Bọn chế tạo vũ khí và bọn tướng lãnh đã cấu kết nhau tạo thành liên minh với tử thần. . .  các nhà lãnh đạo Mỹ thời hậu chiến đã luôn xử sự như những con gà đá có cựa hạt nhân, luôn chực đánh chủ nghĩa cộng sản và LBXV.’

        Là một ngôi sao đang lên trong Đảng, Yakovlev gặp phải rắc rối lớn vào năm 1972 khi viết một bài báo chỉ trích chủ nghĩa bài Do thái và chủ nghĩa dân tộc Nga. Như một hình thức ‘trừng phạt’ ông được điều đến một nhiệm sở xa xôi cho khuất mắt với tư cách Đại sứ Xô viết tại Canada. Tại chốn lưu đày tiện nghi này, nơi ông cư trú hơn một thập niên, ông bắt đầu suy nghĩ lại về toàn bộ quan điểm thế giới của mình và, trong vòng bí mật, ông viết một bài phê phán chủ nghĩa Mác và Lenin, và trong vòng bạn bè thân ông bắt đầu cho rằng đó là ‘triết lý chỉ liên quan đến người ăn không ngồi rồi, chứ không phải công nhân lao động’.

        Vào năm 1983 Gorbachev, khi đó đang coi về nông nghiệp Xô viết, đang ở Canada trong chuyến viếng thăm chính thức mười ngày và Yakovlev được giao nhiệm vụ chăm sóc ông. Họ đi khắp Canada trên một phi cơ nhỏ, ghé qua những thị trấn và làng mạc ngoài lịch trình, và trở thành đôi bạn thân thiết. Chẳng bao lâu họ thẳng thắn trao đổi về tình hình đất nước Xô viết và nhận ra rằng quan điểm của họ giống nhau một cách kỳ lạ. Yakovlev kể lại trong một lần dừng chân hai người đi dạo hai giờ liền trên những cánh đồng ngô. ‘Tôi lợi dụng cơ hội và thổ lộ với ông những gì tôi nghĩ. Và ông cũng vậy.’ Trong vòng vài tuần sau lần gặp gỡ này, Gorbachev đưa ông về Moskow đứng đầu nhóm chuyên gia cố vấn rất có ảnh hưởng, Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế. Khi Gorbachev trở thành Tổng Bí thư, Yakovlev được cử làm trưởng ban cố vấn của nhà lãnh đạo và là một thành viên then chốt trong bộ máy nhân sự mới của Kremlin. Yakovlev thực chất đã từ bỏ chủ nghia cộng sản – mặc dù chưa bỏ Đảng – và trở thành một nhà dân chủ xã hội. Ông luôn thúc giục Gorbachev ‘tiến thêm nữa’ về hướng cải tổ triệt để. Ông đưa ra những đề nghị nhắm tới việc dân chủ hóa sâu rộng hướng đến việc bãi bỏ tính độc đảng và thực thi những bước đầu tiên tiến tới kinh tế thị trường. Gorbachev chưa sẵn sàng để đi xa như thế – nhưng ông vẫn lắng nghe những đề nghị của Yakovlev, và những nhạy bén về sách lược của ông ta, một cách chăm chú. Điệp khúc mà Yakovlev hay nhắc tới là gọi các nhà nước chư hầu là thứ ‘chủ nghĩa xã hội ăn bám’ và ông thúc giục nhà lãnh đạo đánh giá lại tầm quan trọng của chúng đối với LBXV.

        Thực ra, ảnh hưởng lớn nhất lên Gorbachev là từ phu nhân của ông. Jack Matlock, khi là Đại sứ Mỹ ở Moscow, được một quan chức cao cấp ở Kremlin cho biết – chắc hẳn y muốn những lời y nói sẽ về tới Washington – rằng ‘ông ta không thể đưa ra những quyết định mà không có sự cố vấn của bà’. Nhiều phụ tá của Gorbachev cũng phát biểu như thế. Bà là một phụ nữ thông minh, và không để tâm việc thế giới biết điều đó. Bà là một sự kiện mới mẻ đối với các viên chức Kremlin, mà thoạt đầu không biết xử sự với bà ra sao. Không có vai trò chính thức dành cho một phu nhân của một lãnh đạo Xô viết, nhưng Bodin, người đối phó với bà mỗi ngày – đôi khi nhiều lần mỗi ngày – và không ưa gì bà, nói: ‘Bà ấy nhanh chóng trở thành Đệ nhất Phu nhân của LBXV, hay ít nhất mất ít thời gian hơn Gorbachev để cảm thấy thật sự yên vị là người đứng đầu Đảng và Nhà nước.’

        Khi hai người từ Stavropol dọn đến Moscow – đứa con duy nhất của họ, Irina, đã trong tuổi hai mươi và đã đi xa nhà – Raisa đắm mình vào thế giới của các chuyên gia, cố vấn, các nhóm thảo luận và hội thảo. Bà yêu thích làm trung tâm tri thức của đất nước, nhưng bà cũng thận trọng không để sa đà quá nhiều vào chính trị. Điều đó thay đổi khi phu quân của bà được bầu chọn làm lãnh đạo. Trong khi những phu nhân trước đây ở Kremlin chỉ lo chăm chút việc nhà cửa, Raisa là một người bênh vực nữ quyền thực sự, luôn muốn được đối xử như một người quan trọng. Đó là cách mà Gorbachev nhìn thấy ở bà. Hầu hết những người bao quanh ông đều là nam và trung niên. Nhiều người trong số họ bất mãn vì Gorbachev quá nghe lời bà. Các phụ tá xầm xì với nhau về tính khí hách dịch của bà, sự nhượng bộ thái quá của Gorbachev đối với vợ. Như theo cách Bodin nói, ‘với cá tính nhu hòa và không có khả năng chống đỡ quan điểm của mình, Gorbachev thường thấy mình chịu ảnh hưởng của bà xã . . . bà ta là một nhân vật chính trị theo đúng nghĩa, luôn khẳng định mình’. Cặp vợ chồng vẫn duy trì thói quen tản bộ mỗi chiều tối và một số viên chức bực mình, không chỉ vì ‘kiểu cách người trên’ của bà, mà vì thói quen đó lại đẻ thêm việc cho họ. ‘Ông thường gọi điện vào giờ đã khuya để ra những chỉ thị về những vấn đề đột xuất nảy sinh sau buổi tản bộ tối với Raisa,’ Bodin nói. ‘Thái độ của bà xã ông đóng một vai trò quyết định trong số phận của Gorbachev – và số phận của Đảng và đất nước.’         

2

Gorbachev và phu nhân Raisa

3

Vợ chồng Gorbachev đến thăm trang trại của vợ chồng Tổng thống Reagan

 

MƯỜI BỐN

NHỮNG KÝ ỨC CÂM LẶNG

Budapest, thứ bảy, ngày 18 tháng 1 năm 1986

NGƯỜI XÔ VIẾT NHÌN THẤY một bộ phận trong đế chế của họ có thể là một vùng đất để thử nghiệm một số cải cách do những nhà tư tưởng mới bao quanh Gorbachev đề nghị. Hungary thường được hoan nghênh, nhất là ở phương Tây, như là ‘doanh trại vui vẻ nhất’. Từ ngoài nhìn vào nó hình như trông dễ chịu, mời mọc và ít u ám hơn nhiều so với những nơi khác trong khối xã hội chủ nghĩa. Vào những năm 1970 những hạn chế du lịch đã thư giãn, dù vậy không mấy người dân Hungary có thể tận hưởng được sự tự do ấy vì không đủ tiền đi du lịch những nước ở ngoài khối COMECON. Nhưng biết mình có thể ra đi, không như dân các nước lân cận như Tiệp Khắc hay Romania, cũng là một khác biệt tâm lý rất lớn. Không ai vào giữa thập niên 1980 sợ ghép tội chính trị khi nói chuyện công khai với du khách nước ngoài, về bất cứ chuyện gì. Budapest là thủ đô đầu tiên trong khối Cộng sản có khách sạn Hilton, tạo một cảnh tượng lộng lẫy, thu hút, hiện đại trên bờ sông Danube, được xây dựng trên phế tích của một tu viện cổ. Đó là khách sạn đầu tiên được tiếp đón đoàn hành hương của nhà truyền giáo Mỹ Billy Graham, người cho rằng đây là vùng đất màu mỡ, và nền ẩm thực đặc sắc, đến nổi ông phải trở lại đây ba lần trong thập niên 1980. Đó cũng là khách sạn đầu tiên tiếp đón, vào tháng hai 1984, chuyến viếng thăm của Margaret Thatcher, người được cho phép ca tụng những ưu điểm của chủ nghĩa tư bản tiêu thụ trên đài truyền hình do nhà nước quản. Khoảng thời gian bà ở Budapest, người Hungary lại khoản đãi một vị khách quan trọng khác, một trong những quan thầy của họ ở Nga. Mikhail Gorbachev, lúc đó đang coi về nông nghiệp Xô viết, đi thăm Hungary trong ba tuần để ‘nghiên cứu những thành tựu và kết quả những cải cách của chúng ta’, Miklos Nemeth, một trong những viên chức hướng dẫn ông tham quan, nói. ‘Lúc đó ông nói rằng . . . ông đã chứng kiến nhiều điển hình Hungary mà ông muốn thấy ở LBXV.’

        Từ quan điểm của Xô viết, Hungary xuất hiện như là một biển chỉ đường đi đến một sự chuyển biến được quản lý một cách hợp lý. ‘Nó không mắc nợ ngập đầu như Ba Lan,’ một trong những cố vấn của Gorbachev nói. ‘Nó ổn định, thịnh vượng và có vẻ như không nổ banh bất cứ lúc nào.’ Nhưng Hungary, và nhất là Budapest, phơi bày vẻ ngoài hào nhoáng để che đậy những nan giải từ gốc rễ và chứng loạn thần kinh quốc gia. Một vị khách từ phương Tây, giữa thập niên 1980 đi rảo qua đường phố mua sắm chính ở Budapest với một dân bản địa, Vaciutca, sẽ ngạc nhiên trước phản ứng của người Hungary. Trước tiên có một mức độ tự hào nào đó – cho dù, chẳng hạn, một vài cửa hàng trưng bày một số món xa xỉ của phương Tây không thấy có ở Prague, Warsaw hay Berlin, nói gì ở Moskow hay Bucharest. Rồi, chắc chắn tiếp theo sẽ là những lời phàn nàn, tương tự những lời phàn nàn ta thường nghe ở những nơi khác trong khối xã hội chủ nghĩa: nhà ở quá hiếm đến nổi những cặp vợ chồng li dị rồi bắt buộc phải ở chung hàng tháng hàng năm trời trước khi họ có thể ra ở riêng; những cặp vợ chồng trẻ phải đợi bảy năm có khi hơn nữa mới tìm được một tổ ấm. Dưới chế độ cộng sản giới phụ nữ rất vất vả – ở Hungary cũng như ở mọi xứ sở khác mà ‘chế độ xã hội chủ nghĩa thực sự tồn tại’. Luôn cho là không có tình trạng thất nghiệp, nên thực tế mọi phụ nữ đều làm việc. Nhưng trung bình ở Hungary vào thập niên 1980 phụ nữ được trả lương 30 phần trăm ít hơn nam giới trong khi cùng làm một công việc như nhau – trong xưởng máy hay trong văn phòng. Nói chung các nhà nước Đông Âu là những xã hội có truyền thống trọng nam khinh nữ tại đó các bậc mày râu ít làm việc nhà và phụ nữ phải gánh vác cả việc nội trợ.

        Hungary đã bắt đầu thực nghiệm Cơ chế Kinh tế Mới vào năm 1968, đến đầu năm 1970 thì nó cất cánh. Nó đề ra chính sách ngoại thương bất tập trung và cấp tiến nhất so với các nước trong khối COMECON [Hội đồng tương trợ Kinh tế giữa các quốc gia trong khối xã hội chủ nghĩa: ND]. Nông trang tập thể được cho một số tự do để nông dân có thể tự quản lí. Các nông dân được khuyến khích trồng trọt trên những mảnh ruộng nhỏ của riêng mình bên cạnh nông trang tập thể và được phép bán sản phẩm của mình ra thị trường địa phương. Không có gì ngạc nhiên, được cho tự do, trong vòng một vài năm hầu như sản lượng có được từ những mảnh ruộng nhỏ tư hữu này không kém so với các nông trang lớn. Một số ít độc quyền bị bãi bỏ. Các quản lí xí nghiệp được cho nhiều quyền tự chủ hơn và được khuyến khích tạo ra lãi – một từ trước đây được xem là bẩn thỉu – hơn là chỉ cần đạt đến chỉ tiêu sản lượng được ấn định một cách độc đoán. Một số giá cả hàng hóa tiện nghi được gắn kết với giá trên thị trường thế giới và không còn theo giá cố định phi thực tế trong Kế hoạch Năm Năm. Một số cửa hàng hoặc xí nghiệp thuộc sở hữu tư nhân được cho phép – như khách sạn, cửa hàng may mặc, cung ứng dịch vụ như thợ điện.

        Kết quả có thể lường trước được là sự bùng nổ qui mô của một thị trường thứ hai, thị trường ‘đen’ ở bên ngoài nhà nước vốn không hề được công nhận một cách chính thức. Điều này không chỉ được chế độ bỏ qua mà còn được cổ vũ. Tất nhiên, thị trường chợ đen hoạt động có hiệu quả hơn thị trường chính thức nhiều. Khoảng giữa những năm 1980 khoảng 80,000 thợ tư nhân thỏa mãn gần hai phần ba nhu cầu cho mọi loại dịch vụ từ thợ ống nước đến gái nhảy. Các nhà kinh tế đứng đằng sau Cơ chế Kinh tế Mới cho rằng nếu không có những cải cách này toàn bộ hệ thống Cộng sản sẽ tiêu tán trong cảnh bần hàn – ‘tạo ra sự thiếu thốn’, theo cách nói của Janos Kornai, người xuất sắc nhất của họ. Cơ chế Kinh tế Mới được nhiều người ở phương Tây ngưỡng mộ. Dè dặt hơn, số người ủng hộ nó tăng dần ở các nước như Đông Đức và Tiệp Khắc, nơi mà chế độ đã quay lưng với sự cải tổ. Như Honecker vẫn khăng khăng: ‘Chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản khác nhau và khắc nhau như nước với lửa.’ CHDCĐ, ông ta nói, ‘sẽ không phải là một môi trường để thử nghiệm’.                   

        Một vấn đề lớn đối mặt với Cơ chế Kinh tế Mới: nó không hiệu quả. Sự thịnh vượng của Hungary là một ảo tưởng, như tất cả những thợ xây dựng, tài xế taxi, thợ điện và đầu bếp làm thêm ban đêm, những người quần quật làm thêm công việc thứ hai và thứ ba của mình để trang trải cuộc sống đều hiểu rõ từ những trải nghiệm cá nhân. ‘Mỗi lần có nhà báo hay học giả đến viếng thăm nói với chúng tôi câu chuyện thành công của Hungrary ấn tượng biết bao thì chúng tôi lại phải kiên nhẩn giải thích cho họ hiểu sự thật ra sao và họ trố mắt ngạc nhiên,’ Sandor Zsindely, một nhà hóa học nghiên cứu tại một học viện ở Budapest trong thập niên 1980 nói. ‘Đó không phải là câu chuyện họ muốn nghe. Họ nghĩ rằng chúng tôi chỉ là những người dân Trung Âu đáng thương thích ôm lấy nổi u sầu.’ Công cuộc cải cách thất bại vì nó kết thúc bằng cái tệ nhất của cả hai thế giới. Hungary vẩn chịu sự thúc ép của chủ nghĩa cộng sản mà không có những phúc lợi của chủ nghĩa tư bản. Đảng vẫn chưa sẵn sàng từ bỏ quyền chỉ đạo nền kinh tế từ trên cao, vì sợ mất  quyền lực chính trị. Hungary vẫn bị bắt buộc chấp nhận những phương sách thả nổi y như các nhà nước lân cận vay nợ với qui mô lớn. Vào giữa những năm 1980 nợ nước ngoài của nó là khoảng 18.5 tỷ đô la Mỹ – hơn 200 đô la mỗi đầu người Hungary, xấp xỉ thu nhập hàng năm của người dân trung bình. Xứ sở này có mức nợ tính theo đầu người cao nhất Âu châu.

Vào một buổi sáng ngày 8/2/1986 một nhóm khoảng 400 người đi bộ gần làng Nagymaros, một trong những nơi có phong cảnh hữu tình nhất Hungary. Đó là một ngày lạnh giá, và con đường nổi tiếng này suốt năm lúc nào cũng có du khách đến để ngắm Vòng Cung Danube rực rỡ nơi mà, cách Budapest 15 cây số về hướng bắc, dòng sông hoành tráng uốn khúc qua một thung lũng hẹp trong Vịnh Carpathian. Phong cảnh ở đây đẹp đến sững sờ nhưng hôm đó những người đi bộ không đến đây để ngắm cảnh. Họ đến đó để phản kháng một dự án hợp tác giữa hai nhà nước Hungary và Tiệp Khắc sẽ mãi mãi phá hủy vẻ đẹp của khung cảnh điền dã này. Ngay sau 10 giờ sáng những người tuần hành đến một trảng tĩnh lặng trên bờ sông đã được rào kẻm gai. Đây là địa điểm được lên kế hoạch bắt đầu một con đập thủy điện mới khổng lồ – một đại công trình xây dựng, hai chính quyền giải trình, một trong những dự án đồ sộ mà những người Cộng sản đề xuất sẽ phục vụ nhân loại bằng cách chế ngự thiên nhiên.

        Khi họ tiến gần đến hàng rào nhóm người biểu tình nhận ra mình không cô độc. Hàng chục cảnh sát dẹp loạn án ngữ họ trang bị khiên nhựa và dùi cui. Janos Vargha, người cầm đầu nhóm, trước đây là nhà sinh học 43 tuổi, để râu nay hành nghề phóng viên khoa học, giải trình với cảnh sát đang làm nhiệm vụ rằng đây là ‘cuộc đi bộ hòa bình vì thiên nhiên, chúng tôi không làm gì trái luật, chúng tôi không làm chính trị’. Nhưng họ phớt lờ. Đám cảnh sát đã được lệnh giải tán đám biểu tình. Họ bắn lưu đạn cay và đánh túi bụi khoảng 30 người phản kháng. Khi Vargha trở về Budapest ông nghe tin mình đã bị đuổi việc ở tạp chí Buvar.

        Nhưng nếu chế độ nghĩ rằng họ đã dẹp yên sự phản kháng chống lại dự án đập Nagymaros trị giá 3 tỷ đô la Mỹ, thì họ bắt buộc phải nghĩ lại. Vòng Tay Danube được khắp thế giới biết đến. Tại Hungary nó lôi kéo được sự ủng hộ mạnh mẽ ngay cả từ những người không quan tâm gì đến môi trường, những người thường cho rằng – như đa số người phương Tây trong thập niên 1980 đã làm – thành viên phong trào Xanh Lá là những bọn gàn dở. Trong vòng vài tuần hơn 10,000 người ký tên vào đơn thỉnh nguyện kêu gọi hai chính quyền ngừng lại dự án. Đây là một con số phi thường trong một đất nước tại đó, trong ba mươi năm, từ cuộc cách mạng chống lại người Xô viết 1956, dân chúng đã thận trọng không vượt quá giới hạn mà chủ nghĩa cộng sản Hung câu thúc họ.

        Ý tưởng xây con đập Danube đầu tiên đã được đề cập dưới thời Stalin. Nó gắn liền với những giấc mơ Xô viết lớn nhắm biến những xứ sở nông nghiệp thành ‘quốc gia của sắt và thép’. Kế hoạch bị bỏ dỡ vào thập niên 1950 nhưng được xây dựng lại vào thập niên 1970 và hai nhà nước ký kết văn bản tiếp tục tiến hành dự án vào năm 1979. Nó bao gồm việc xây dựng một hệ thống phức hợp và khổng lồ những con đập, hồ chứa và kênh thoát dọc theo một đoạn sông Danube dài 200 km chạy qua Slovakia của Tiệp và Hungary. Tại điểm này sông Danube chảy tương đối chậm, nhưng điều đó không làm nản chí những nhà lên kế hoạch. Hai ngày một lần nước sẽ bị chặn tại Gabcikovo, một xưởng máy trên bờ Tiệp Khắc, tạo ra một dòng xoáy trong lòng sông. Nước sẽ bị đẩy chệnh hướng vào một con kênh dài bên phía Tiệp Khắc, dẫn đến một con đập thứ hai tại Nagymaros, bên phía Hungary, tại đó có lắp đặt một tua bin khổng lồ tạo ra năng lượng. Nét hấp dẫn chính cho hai nhà nước Cộng sản là hầu hết chi phí xây dựng đều do chính quyền Áo trang trải, với điều kiện họ sẽ hưởng 60 phần trăm năng lượng tạo ra. Đó là một động thái giễu cợt cay độc về phia những người Áo vì chỉ mới vài năm trước đây họ đã lên kế hoạch xây một con đập về phía thượng nguồn tại Hainburg, nhưng phải gác lại vì bị những người trong phong trào môi trường của họ phản đối. Hai chế độ Cộng sản ngở rằng họ sẽ hưởng lợi từ tiền tệ cứng, cho dù năng lượng của họ chỉ tăng một cách khiêm nhường – ở Hungary là đúng 5 phần trăm.

        Ở Tiệp Khắc những người chống đối dự án bị dẹp tan. Ngay lúc chế độ Husak nghe tin về các nhóm phản kháng được thành lập họ liền trấn áp và bắt giam những người cầm đầu. Ở Hungary, lúc đầu chống đối được cho phép. Đảng thận trọng đánh bóng hình ảnh cấp tiến của mình cho phương Tây tiêu hóa và không lường trước được là một sự phản kháng về môi trường sẽ biến thành một mối đe dọa về chính trị. Họ cho phép người chống đối thảo luận công khai trên báo chí nhà nước là dự án sẽ gây hậu quả nghiêm trọng. Vargha lập ra Vòng Tay Danube trong năm 1984 sau khi ông bắt đầu viết một loạt bài báo về tác động sinh thái tiềm năng của kế hoạch. Ông phát hiện là 150,000 mẫu đất sẽ bị ngập lụt, trong đó bờ sông, môi trường sống đầm lầy của 200 loài động vật, và các cánh đồng nông nghiệp chủ yếu. Thị trấn trung cổ, xinh đẹp Visegrad sẽ bị tàn phá, phong cảnh ngoạn mục sẽ bị các nhà máy năng lượng khổng lồ, gớm ghiếc phá hỏng và công nghiệp đóng tàu dọc bờ sông sẽ bị xiêu lệch nghiêm trọng. Lúc đầu Vòng Tay Danube chỉ là một nhóm nhỏ gây chú ý ở nước ngoài hơn là trong nước Hungary. Nhưng khi chi tiết về cuộc thỏa thuận Áo xuất hiện vào cuối năm 1985, giờ đây ba chính quyền hình như ra sức đẩy nhanh tiến độ mặc dù vấp phải chống đối, sức ủng hộ càng lớn nhanh. Cuối cùng, đây là vấn đề phổ biến có thể hiệu triệu được nhân dân Hungary. ‘Việc này có thể đoàn kết nhân dân,’ nhà hoạt động bất đồng chính kiến Miklos Haraszti nói. ‘Chúng tôi có thể nói nhìn kìa, đây là những vấn đề thực sự cụ thể về môi trường, về sức khỏe, về đất đai. Chúng không phải là những điều thuần túy lý thuyết như dân quyền, quyền tự do con người vân vân.’

        Các nhóm chống đối bất đồng chính kiến ở Hungary đã được ban thêm tự do từ giữa những năm 1960, nhưng vẫn còn ít ỏi và không mấy tác dụng. Họ hoạt động trong một bầu không khí không e sợ quá nhiều nhưng chính thức buộc phải quên lãng quá khứ. Những người Cộng sản cai trị, như trong Tiệp Khắc, bằng ‘những ký ức câm lặng’, như cách nói của một nhà văn hoạt động ngầm. Trong ba thập niên đất nước nằm dưới quyền cai trị của một nhà chính trị mưu lược bậc thầy, tinh tế, sắc sảo, Janos Kadar. Ông là người Cộng sản Đông Âu duy nhất được đặt tên cho một chủ nghĩa. Chủ nghĩa Kadar trông cậy vào việc nhân dân có vẻ như đã quên những chấn thương của sự kiện 1956 và đặc biệt vai trò không mấy anh hùng của Kadar trong những sự kiện bi tráng đó. Nhân dân Hungary phải nhận lấy nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa xã hội – cho dù họ không tin tưởng gì – và họ phải chấp nhận thân phận thuộc địa khi có đến 75,000 lính Xô viết đồn trú trong đất nước họ. Bù lại Kadar sẽ cung ứng cho họ phúc lợi vật chất, sự yên bình, ổn định và ít có sự can thiệp của người Nga như ông có thể điều đình với Moscow.

        Những người bất đồng chính kiến được phép hoạt động – bên trong những giới hạn được ấn định kỹ lưỡng. Những trí thức ở trung tâm Budapest được cho phép in chui những ấn bản không được cấp phép và tổ chức các buổi họp. Tất nhiên, họ bị nhân viên mật vụ theo dõi. Nhưng đó không phải là việc đặc biệt phiền hà. Haraszti ước lượng rằng vào giữa thập niên 1980 chắc chắn không có hơn 1000 nhà hoạt động chống đối thường xuyên trên toàn xứ. Các nhóm chính xuất bản hai tạp chí, Beszelo (Người Lên Tiếng) và Hirmondo (Người đưa tin), nhưng cũng có hàng chục tạp chí nhỏ hơn. Mỗi đêm thứ hai ‘tiệm báo lậu’ được mở tại căn hộ ở Budapest của kiến trúc sư Laszlo Rajk. Tại đó các ấn bản báo lậu khác nhau sẽ được trải ra trên mặt bàn dài. ‘Các khách hàng’, mà tên tuổi được giấu kìn, sẽ chọn ấn bản nào mình muốn, và đội photocopy của Rajk sẽ sao ra đủ số cho họ để tuần sau đến lấy. Quả là một hệ thống vô cùng hiệu quả.

        Thỉnh thoảng một nhà văn hay nhà hoạt động nào đó bị cảnh sát mời đến thẩm vấn, nhưng nói chung những người bất đồng chính kiến vẫn được để yên miễn là họ vẫn ở lại thủ đô và chỉ trao đổi trong vòng nội bộ hoặc ngay trong Đảng Cộng sản, tại đó một bộ phận cải cách bắt đầu lớn mạnh. Nếu họ toan khuấy động giới lao động trên đồng ruộng hoặc công nhân trong nhà máy họ sẽ bị chận lại. Tù nhân chính trị cuối cùng là Haraszti vào năm 1973, người xin vào làm việc trong một xưởng máy trong sáu tháng và viết một quyển sách đầy thuyết phục, Một Công Nhân trong một Nhà Nước của Công Nhân, nói về những điều kiện khủng khiếp trong nền công nghiệp Hungary, và sự vô hiệu tồi tệ. Ông bị bỏ tù 8 tháng sau khi sách được lưu hành lén lút. Khế ước xã hội giữa Kadar và nhân dân bị dọa dẫm của ông ta phát huy hiệu quả – trong chừng mực nào đó. Theo thời gian ông trở nên một nhân vật được ngưỡng mộ rộng rãi. Nhưng sự thỏa thuận giờ đây đang tan rã.

Janos Kadar vẫn còn giữa độ tuổi 70, một người đàn ông dễ nhìn, cao ráo, tóc hoa râm, với một phong thái khắc khổ. Tên khai sinh của ông là Janos Czermanik, là con không giá thú, sinh vào ngày 25/5/1912 tại thành phố cảng Fiume, giờ là Rijeka ở Croatia. Mẹ ông là một cô hầu gái Slovak và cha ông là một binh nhì trong quân đội Áo-Hung, bỏ rơi mẹ con ngay từ lúc mới sinh. Ông luôn nhớ đến tuổi thơ khốn khổ của mình. Ông bỏ học năm 14 tuổi và đi học nghề chế tạo công cụ. Ông trôi giạt vào Đảng Cộng sản ở tuổi thiếu niên, khi đó là một tổ chức bị cấm hoạt động dưới thời cai trị độc tài của Đô Đốc Miklos Horthy. Ông tìm được một niềm tin mà ông không bao giờ đánh mất. Là một người tổ chức ngầm của Đảng, ông bị bắt vào năm 1937 và bị giam gần ba năm. Trong chiến tranh, ông điều hành bộ phận ngầm của Đảng, dưới mật danh Kadar (có nghĩa là thợ đóng thùng) mà ông giữ đến suốt đời. Khi Cộng sản chiếm đóng Hungary, ông nổi lên như một cán bộ kiên trung đầy năng lực. Vào đầu thập niên 1950, Stalin cắt đặt người lãnh đạo Hungary là Matyas Rakosi, áp đặt một chế độ tàn bạo nhất trong đế chế Xô viết. Kadar rất thận trọng khi đưa ra những ý kiến nhỏ giọt. Ông có tính khôi hài nhưng rất dè dặt ít khi biểu lộ nó công khai. Một con người vui tính ra mặt với cái nhìn thẳng thắn, nhưng chính vào những năm thanh trừng, khi những người cộng sản quay ra đấu đá nhau, Kadar mới phô bày tính quỹ quyệt và tráo trở nằm trong bản chất của mình. Ông phản bội lại người bạn thân nhất của mình, Laszlo Rajk, theo một cách ớn lạnh và rùng rợn. * Sau đó ông bị buộc phải chứng kiến vụ hành quyết Rajk vào năm 1949. Một vài năm sau đến lượt Kadar là nạn nhân. Bị bắt vì tội phản bội không có thật, ông bị ngồi tù ba năm.

        Trong cuộc khởi nghĩa năm 1956 Kadar lúc đầu đứng về phe cách mạng. Ông trở thành ông trùm Đảng Cộng sản, nhưng vài ngày sau ông trở mặt. Khi người Nga đem xe tăng đè bẹp lực lượng nổi dậy bằng sức mạnh tàn khốc, ông được dựng làm người đứng đầu chế độ Xô viết tay sai. Thoạt đầu ông dùng biện pháp tàn nhẫn. Vào khoảng 300 người gọi là ‘phản loạn và phản động’ bị hành hình. Kadar một mực đòi nhà lãnh đạo chính trị của cách mạng, đối thủ Imre Nagi, phải bị treo cổ – chống lại ý muốn của Moscow. Nhiều năm liền ông là người bị thù ghét nhất ở Hungary. Nhưng qua thời gian và trong từng giai đoạn ông bắt đầu nới lõng bàn tay sắt. Trong đầu những năm 1960 ông thường tuyên bố rằng ‘Những ai không chống lại chúng tôi hãy về phe chúng tôi’, và ông ra sức tranh thủ sự độc lập nhiều như có thể từ Moscow. Ông phát triển một nhãn hiệu chủ nghĩa cộng sản mà cuối cùng đã thu hút sự quan tâm của những nhà cải tổ như Gorbachev, mặc dù ‘doanh trại vui vẻ nhất’ [danh hiệu phương Tây đặt cho Hungary với sự ca tụng] có tỷ lệ tự tử cao nhất Âu châu. Kadar ít khi nhắc về thảm kịch 1956 và khế ước xã hội của ông với nhân dân Hungary hoàn toàn phụ thuộc vào sự giữ im lặng của họ. Nó là một chủ đề cấm kỵ lớn cho những người bất đồng chính kiến và những nhà cải cách của Đảng. Khi lớn tuổi hơn Kadar ngày càng trở nên khó tính và lẩm cẩm hơn.

  • Là cha đỡ đầu cho đứa con trai bảy tuổi của Rajk, Kadar, để tự cứu mình, buộc lòng đến thăm bạn trong nhà giam, và cố gắng moi ra từ y một lời thú tội phản bội. Vụ trao đổi này được bí mật thu âm và một bản sao của nó được công bố vào cuối năm 1990. Đó là một bản thu âm khủng khiếp, nó cho thấy đôi điều về cuộc sống trong một nhà nước cảnh sát chuyên chế

        Khi tin tức kinh tế xấu đi ông điều chỉnh những cải cách mà ông đề xướng rồi ra sức lèo lái. Ông đàn áp thẳng tay Vòng Tay Danube, nhưng khi biết phong trào quá lớn mạnh ông lại tránh đi không đối đầu gay gắt. Ở chốn riêng tư ông tuyên bố rằng mình có ít thời gian dành cho Gorbachev – ‘một tay mới phất’. Ông bắt đầu ra vẻ một Stalin-nít lỗi thời và các cán bộ trẻ đầy tham vọng của Đảng bao quanh ông bắt đầu công khai rêu rao rằng Đồng chí Kadar đã lẩn quẩn ở đây quá lâu rồi.

4

Dân Hung giật đổ bức tượng Stalin trong Cách mạng 1956

5

Xe tăng Xô viết đè bẹp cuộc cách mạng Hung 1956

6

Janos Kadar (đứng) được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Hung 1957, sau cuộc nổi dậy 1956 bị lực lượng Xô viết dẹp tan

 

MƯỜI LĂM

 ‘CHÚNG TA KHÔNG THỂ THẮNG’

 Moscow, tháng 1 năm 1986

 HAI THÁNG SAU KHI Mikhail Gorbachev nắm lấy quyền lực ông giao cho một trong những vị tướng tài giỏi nhất trong Bộ Tư  lệnh Tối Cao một nhiệm vụ tế nhị và tuyệt mật. Anatoli Zaitsev, một thanh niên cao, mảnh khảnh, tóc đen bốn mươi bốn tuổi, được lệnh đến Kabul để tìm một lời đáp trung thực cho câu hỏi: Liệu LBXV có thể thắng trong cuộc chiến Afghanistan không? Zaitsev là một người hoạch định quân sự xuất sắc và mặc dù ông đã chứng kiến một số hoạt động trong cuộc chiến Afghanistan, ông không có trách nhiệm gì với tình hình tồi tệ mà người Nga đang đối mặt trên biên giới đông-tây của họ. Zaitsev trở về Moscow với câu trả lời có đúng một từ: không. Ông kết luận rằng cách duy nhất để chấm dứt chiến tranh về phía Xô viết là bịt kín các đường biên giới của Afghanistan giáp với Iran và Pakistan, để ngăn những chuyến hàng chở vũ khí cho quân Mujahideen và cầm chân bọn du kích lại trong xứ họ. Việc này không thể thực hiện được nếu không gởi thêm hàng trăm ngàn quân chiến đấu trong cuộc chiến đã kéo dài lê thê suốt năm năm rưỡi rồi và đến giờ đã lấy đi sinh mạng của khoảng 7,500 binh sĩ Xô viết.

        Gorbachev đã quyết định phải kết thúc cuộc chiến. Báo cáo của Zaitsev chỉ đơn giản cung cấp cho ông thêm bằng chứng để thuyết phục một số ít bọn quân phiệt cứng đầu trong Kremlim cứ đinh ninh vào thắng lợi của sứ mạng. ‘Câu hỏi không phải là rút lui hay không mà là rút lui thế nào,’ một trong những phụ tá thân cận nhất của Gorbachev, Andrei Grachev, nói. ‘Sự thật đã thành hiển nhiên (đối với phần đông giới lãnh đạo) là chúng tôi không thể tiếp tục trang trải một gánh nặng như thế – về thương vong, chi phí và sự cô lập trên chính trường quốc tế.’ Gorbachev thường nổi dóa với các phụ tá khi họp riêng. ‘Việc này không thể đình hoãn. Ta không thể để cuộc chiến của Brezhnev/Andropov trở thành cuộc chiến của Gorbachev.’ Vậy mà ông vẫn tiếp tục trì hoãn. E ngại sự phản đối của bọn bảo thủ trong nước, ông không tìm ra cách để bảo đảm hòa bình trong danh dự – hoặc ít nhất không muối mặt.

        Andropov đã nhận ra cuộc xâm lăng Afghanistan là điều sai lầm ngay sau khi ông ra lệnh tiến công. Trong thời gian ngắn ngủi ngự trên đỉnh cao nhất ở LBXV, ông đã ra sức dàn xếp một thỏa thuận với Tổng thống Pakistan, Zial-ul-Haq. Quân Xô viết sẽ rút lui, ông đề nghị, nếu người Pakistan chấm dứt yểm trợ cho quân du kích Hồi giáo – ‘bọn khủng bố Mujahideen’ ông gọi họ như vậy. Nhưng khi ông sắp chết cuộc đàm phán vẫn không đi đến đâu. Giờ đây Gorbachev quyết tâm tìm một lối ra. Vào giữa tháng mười 1985 ông triệu tập nhà lãnh đạo Cộng sản Afghanistan, Babrak Karmal, bí mật đến Moscow và đưa ra một lời cảnh báo nghiêm khắc: ‘Đến hè năm sau 1986, ông làm sao tìm cho ra cách tự bảo vệ chính nghĩa của mình bằng chính sức lực minh,’ ông nói. ‘Chúng tôi sẽ yểm trợ các ông, nhưng chỉ bằng vũ khí, chứ không bằng binh sĩ.’

        Người Xô viết đã bất mãn Karmal sau khi cơ cấu y vào cương vị đứng đầu chế độ Afghanistan. Gorbachev đã nhận được nhiều báo cáo từ KGB nói rằng y yếu đuối, thất thường và thiếu quyết đoán. Gorbachev thường nói ‘Karmal đi đứng như cái bánh quy xoắn’, một thành ngữ Nga có nghĩa là người đó đang say xỉn. Bên trong Afghanistan, người cộng sản kiểm soát thủ đô và các thành phố khác, nhưng cho dù có quân đội Xô viết yểm trợ, những vùng rộng lớn xa xôi nơi miền núi đều nằm trong tay của phiến quân Mujahideen. Gorbachev lên lớp cho Karmal cách điều hành một nhà nước Hồi giáo: ‘Nếu ông muốn sống còn ông phải mở rộng nền tảng của xã hội. Quên chủ nghĩa xã hội đi. Thương thảo với những lực lượng thực sự có ảnh hưởng trong nước, kể cả các tư lệnh của Mujahideen. Ông phải làm sống lại đạo Hồi, tôn trọng truyền thống, và ra sức cho nhân dân thấy rằng cách mạng đem lại cho họ những phúc lợi thiết thực.’

  Hai ngày sau Gorbachev gặp gỡ các đồng chí trùm Kremlin và đi thẳng vào vấn đề: ‘Giờ là lúc ta phải ra quyết định về Afghanistan,’ ông nói. ‘Có hoặc không có sự đồng ý của Karmal chúng ta cũng phải nhứt trí đề ra một lộ trình vững chắc cho việc rút quân nhanh chóng khỏi Afghanistan.’ Ông đã chuẩn bị kỹ càng. Gorbachev bắt đầu đọc một loạt những bức thư cảm động ông nhận được từ cha mẹ của các chiến sĩ bị thương hay đã chết. ‘Họ hỏi: “Nghĩa vụ quốc tế ư? Nhân danh ai?” Người Afghanistan có mong muốn không? Có đáng phải hi sinh các con trai của chúng tôi không, những đứa con mà ngay cả chúng cũng không biết tại sao mình bị đưa đến đây. Họ bảo vệ cái gì?’ Gorbachev đã thắng thế. Không một ai lên tiếng ủng hộ việc binh sĩ Xô viết ở lại Afghanistan. Nhưng việc rút quân hóa ra là một tiến trình chậm chạp đau đớn.

Một đồng minh và là người bạn chủ chốt đã trở thành người cộng sự sáng tạo của Gorbachev trong những thay đổi căn cơ trong đế chế Xô viết. Vào tháng sáu 1985, Andrei Gromyko, từ lâu đã là một bộ mặt lạnh lùng của nền ngoại giao Xô viết, được đẩy lên một cương vị không có quyền lực là Chủ tịch nước. Gorbachev gây bối rối cho giới chính trị trên khắp Xô viết khi ông chỉ định người kế vị Gromyko: Eduard Shevardnadze. Việc đó cũng làm choáng váng tân Ngoại trưởng, người không muốn tin vào tai mình khi Gorbachev ra lệnh cho ông nắm lấy cương vị này. ‘Nhưng tôi không phải người Nga và tuyệt đối không có kinh nghiệm về những vấn đề đối ngoại,’ ông do dự nói. Gorbachev xua tay phản bác: ‘Về phần quốc tịch của anh, đúng anh người xứ Georgia [một cộng hòa thuộc LNXV], nhưng trên hết anh là một người Xô viết,’ ông nói. ‘Không có kinh nghiệm ư? Có lẽ trong tình hình này đó lại là một điều tốt. Chính sách ngoại giao của chúng ta đang cần một lối tiếp cận mới mẻ, cần sự táo bạo, cơ động và cách tân.’ Gorbachev không phải lúc nào cũng giỏi chọn những người cố vấn, phụ tá hay đồng nghiệp đáng tin cậy. Nhưng Shevardnadze lại là một sự lựa chọn tuyệt vời. Họ đã hiểu nhau và thích nhau nhiều năm rồi, nhưng, trên tất cả, họ hợp ý nhau về những điểm then chốt. Không người nào là thành viên của nhóm đã quyết định xâm lăng Afghanistan. Khi đó họ chỉ là những thành viên trẻ trong giới lãnh đạo ở Kremlin và không hay biết gì cho đến ngày quân đội đã tràn vào Kabul. Tại cuộc họp khi Shevardnadze nhận chức vụ mới cả hai người đều dùng chung một từ hầu như cùng một lúc để mô tả cuộc chiến – ‘tội ác’.

        Shevardnadze, như Gorbachev, thường cho rằng chiến tranh đã nhào nặn con người ông. Ông lên 13 khi Đức xâm lăng LBXV và một người anh của ông tử trận trong những ngày đầu của cuộc chiến. Một trong hai người anh khác ngay lập tức được gởi ra chiến trường để thay thế và ở lại chiến tuyến cho đến hết cuộc chiến. Cha ông, một giáo viên, sống sót qua cuộc Đại Thanh Trừng của Stalin, chỉ trong gang tấc. Ông đã là một người Men-se-vich trong thời gian cuộc cách mạng 1917, rồi gia nhập Bô-se-vich chỉ trong thời Nội Chiến. Ông bị bắt năm 1937, vì nghi ngờ thuộc thành phần ‘thiên hữu’, nhưng may mắn được một sĩ quan NKVD [lực lượng Công an Xô viết, tiền thân của KGB sau này], vốn là một học trò cũ của ông, nhận ra ông giữa đám tù nhân, và tìm cách thả ông.

Shevardnadze, từ Mamati, một ngôi làng hẻo lánh cách Tbilisi chừng 150 dặm về hướng tây, dùng ngôn ngữ Georgian làm tiếng mẹ đẻ và luôn nói tiếng Nga với giọng hơi nặng. Ông trở thành đảng viên vào năm 1948 và là một cán bộ nhiệt thành. ‘Chủ nghĩa cộng sản là tôn giáo của tôi,’ ông nói, và nó đem lại cho ông nhiều phần thưởng vật chất. Ông gia nhập bộ máy nhà nước, và nhanh chóng leo lên các chức vị cao hơn trong ngành an ninh nội chính. Rồi tiếp theo là cảnh sát trưởng ở Georgia và sau đó Bộ trưởng Nội vụ, qua đó ông liên hệ sát với công tác tình báo. Năm 1951 ông kết hôn với một phụ nữ nhỏ nhắn, xinh đẹp, Nanuli Tsargareishvili. Trong thời thanh trừng bà đã chứng kiến cảnh cha mình, một vị tướng có tiếng là gan dạ, bị bắt vào giữa đêm. Ông bị lôi đi và bị bắn chết. Bà nhớ lại thời gian dài sau đó bà khóc mãi cho đến khi thiếp đi vào giấc ngủ. Sau này bà cũng nhớ mình đã rơi lệ khi Stalin chết vì bà cũng trở thành một người Cộng sản trung kiên.

        Trong những năm trì trệ Đảng Cộng sản Georgia là một trong những đảng thối nát nhất trong Liên bang. Năm 1972 thủ lĩnh Đảng trong Cộng hòa Georgia, Vasily Mzhavanadze, bị cách chức vì dính vào một vụ tai tiếng hối lộ được xét xử công khai và Shevardnadze thay thế y, được lệnh phải làm sạch bộ máy bê bối. Ông được kính trọng như một con người trong sạch và nhiều câu chuyện kể về cách ông tiến hành chiến dịch cam go chống lại căn bệnh đút lót và sách nhiễu. Có lần ông kêu gọi các đồng sự trong giới lãnh đạo Georgia hãy biểu quyết bằng cánh tay trái trong một buổi họp Đảng. Khi họ dơ tay lên ông ghi nhận có bao nhiều người đeo những chiếc đồng hồ kiểu cách rất đắt tiền, vào thời buổi đó là những món xa xỉ chỉ có thể có được bằng những cách đáng ngờ. Ăn vận như một người nông dân, có lần ông đi về hướng bắc từ Tbilisi và tiến về Moscow trong chiếc ô tô cũ tồi tàn, trong cốp xe chất đầy cà chua. Lúc đó ở Georgia đã ra quyết định là không được chở rau quả ra khỏi bang. Trên đường đi, ông đếm xem có bao nhiêu chốt cảnh sát mà ông phải hối lộ để được đi tiếp. Sau vụ đó ông thanh lọc ngành cảnh sát Georgia.

        Ông được đề bạt vào văn phòng bộ trưởng ở Moscow nằm 1976, một vài năm trước Gorbachev, nhưng tiếp tục giữ những vị trí mờ nhạt. Ông gặp Gorbachev rất thường khi họ là những ông trùm của Đảng tại địa phương, nhưng họ trở nên thân thiết khi cùng làm việc tại Moscow. Họ là những đảng viên thận trọng và kín đáo, nhưng khi trao đổi họ nhận ra cả hai đều nhìn thấy những khuyết điểm trong hệ thống mà, như Shevardnadze nói, có thể ‘biến một người thành một bánh  răng trong bộ máy có thể bị nghiền nát mà không bị trừng phạt’. Họ nhất trí về những loại cải cách nội bộ cần thiết và cách duy nhất chúng có thể được vận dụng. ‘Gorbachev bảo với tôi là có hai con đường hành động’ theo lời Shevardnadze. ‘Hoặc chúng ta thắt lưng buộc bụng và giảm thiểu tiêu thụ, điều mà dân chúng sẽ không sao chịu nổi nữa – hoặc chúng ta giảm bớt sự căng thẳng trong quan hệ quốc tế và vượt qua những bất đồng giữa Đông và Tây – . . . giải phóng những chi tiêu khổng lố cho vũ khí.’ Họ gặp riêng mỗi tuần hai lần để bàn bạc thật sâu, ngoài những buổi họp trong chính quyền và Đảng. Qua nhiều năm họ trở nên gắn bó sâu sát, một trường hợp ít thấy trong giới chính trị Xô viết.        Ông tương đối cấp tiến, nhưng cũng có thể hành động theo cách thức Xô viết truyền thống. Ông đã bắt bớ hàng tá người bất đồng chính kiến và tống giam họ trong vụ đàn áp những người đấu tranh nhân quyền những năm 1970, trong đó có nhà khoa học và nhà văn nổi tiếng Zviad Gamsakhurdia. Khi cần, ông có thể vượt xa Gorbachev trong việc luồn cúi để leo lên chức vị cao hơn. Trong một bài diễn văn ông đã từng ca ngợi Brezhnev về ‘tầm nhìn cao rộng, tính nhân đạo, không thỏa hiệp với giai cấp, lòng trung kiên, các nguyên tắc và kỹ năng đi sâu vào tâm hồn của người đối thoại’. Georgia, ông nói, ‘sẽ mãi mãi trung thành với anh cả Nga . . . Người ta nói Georgia là vùng đất đầy nắng. Nhưng đối với chúng tôi . . . mặt trời thực sự không mọc từ phương đông, mà từ phương bắc, ở nước Nga, mặt trời của chủ nghĩa Lenin.’

        Shevardnadze là người học nhanh với một trí nhớ phi thường, phụ tá thân cận nhất của ông, Sergei Tarasenko, cho biết. Ông phải thế thôi. Trong ba tuần sau khi được bổ nhiệm ông lên lịch gặp tại Helsinki ngài Ngoại trưởng Mỹ, George Shulz – một chuyên gia ngoại vụ nhiều kinh nghiệm – khi đó ông không giấu giếm gì về sự dốt nát của mình đối với những chi tiết đàm phán hạn chế vũ trang và những vấn đề kỹ thuật khác. Shultz tỏ ra ấn tượng trước sự thành thật và thẳng thắn của người đối tác. Trong bản ghi nhớ ông gởi cho Tổng thống Reagan ngay sau đó ông viết: ‘Sự tương phản giữa ông ta và Gromyko thật ngoạn mục. Ông ta biết mỉm cười, giao tiếp, và trò chuyện. Ông ta có thể thuyết phục và có thể bị thuyết phục.’

        Đối với công chúng, Shevardnadze biểu lộ một sự thay đổi hầu như tức thì, với gương mặt ấm áp, điển trai, mái tóc trắng có vẻ chú bác, phong thái vui vẻ, ưa nói đùa và tán gẩu. Ông có kỹ năng quan hệ công chúng bậc nhất.

Tarasenko nói:

Ông là bộ trưởng Xô viết đầu tiên đối thoại với người chống đối. Ngay khi ông trông thấy những biểu ngữ như ‘người Nga hãy rút khỏi Afghanistan’ ông sẽ bước ra khỏi ô tô, nói chuyện với họ, mời các đại diện của họ đến tòa đại sứ và bỏ ra vài tiếng đồng hồ với họ. Kết quả là những cuộc biểu tình chống đối dừng lại ít nhiều. Trong khoảng thời gian nửa năm ông đã xóa bỏ được ác cảm đối với chúng tôi. Trước đó không có nhà lãnh đạo nào của chúng tôi quá cởi mở như thế hoặc, chân thật như thế. Họ thường tránh né những câu hỏi. Gromyko thường nói đại để như ‘Đó là một sự khiêu khích. Tôi từ chối trả lời câu hỏi đó.’ Nhưng Shevardnadze sẽ trả lời câu hỏi, và tranh luận về nó. Ông luôn đối đáp khôn khéo với dân chúng.’ Đó là một chiến thuật đã tính toán mà ông và Gorbachev đã bàn bạc rất kỹ nhằm ‘xóa bỏ hình ảnh của LBXV như một kẻ thù’.

          Có sự thay đổi nhanh chóng trong cách thức Kremlin điều hành đế chế của mình. Khi các nhà lãnh đạo Nga trước đây bảo với tay sai của mình ở thuộc địa rằng họ sẽ được hưởng độc lập và quyền kiểm soát những vấn đề của họ nhiều hơn, thật ra họ không có ý đó. Còn Shevardnadze và Gorbachev thì có. Tập tục từ thời Stalin qui định rằng bất kỳ nhà nước vệ tinh nào xem xét bất kỳ vấn đề gì, dù lớn hay nhỏ, có can dự đến quốc tế, đều phải hỏi ý kiến của Moscow trước khi thi hành. ‘Người của chúng tôi sau đó sẽ chuẩn bị câu trả lời – nghĩ thêm về nó hoặc loại bỏ nó,’ Tarasenko nói. ‘Ngay sau khi ông trở thành Ngoại trưởng, Shevardnadze được hỏi ý kiến về việc gì đó và ông trả lời ông không có ý kiến gì cả. Họ là những nhà nước có chủ quyền và họ có thể làm những gì họ thấy là cần thiết. Ông hoàn toàn thông cảm về chuyện đó và nói rằng ‘tập tục này nên dừng lại được rồi”.‘

        Ronald Reagan gặp được đối tác Xô viết chịu thương thảo mà ông tìm kiếm. Gorbachev nôn nóng gặp ông ngay sau khi sắp xếp được. Ông ta tin rằng mình có thể ranh hơn chàng Mỹ còn Reagan tin rằng mình có thể dụ được anh Nga. Họ họp thượng đỉnh tại Geneva vào tháng mười 1985 – phiên  đầu tiên trong bốn phiên họp kéo dài trong ba năm, đã làm biến đổi thế giới thời hậu chiến. Không có đột phá gì lớn tại cuộc gặp gỡ Thụy sĩ đó – không có hiệp ước nào được ký kết hoặc lời tuyên bố nào trọng đại được đưa ra. Nhưng nó đã tạo ra một phiên độc nhất của mối ngoại giao cá nhân mà rốt cục – và một cách nhanh chóng – đưa Chiến tranh Lạnh đến điểm kết thúc. Đó là một sự gắn kết kỳ lạ, như Reagan đã chỉ ra cho Gorbachev tại phiên họp tay đôi cuối cùng của họ trên đỉnh Château Fleur d’Eau trên bờ hồ Léman: ‘Tôi cá là bọn cực đoan trong cả hai nước chúng ta đang đổ máu khi chúng ta bắt tay nhau,’ ông nói. Từ thời điểm đó trở đi Reagan đẩy nhanh tiến trình mà ông đã khởi đầu về việc tránh xa ra đám bảo thủ trước đây ở Mỹ. Còn Gorbachev bắt đầu một loạt các trận đánh trầy vi tróc dảy với bọn phản động ở Kremlin, như cách ông mô tả họ, lúc nào cũng muốn lôi kéo LBXV trở về thời cô lập với lực lượng quân sự hùng mạnh. Gorbachev lúc đầu coi thường kiến thức của Reagan. ‘Tôi có cảm tưởng mình  đã gặp một người ở hang động,’ ông nói với các phụ tá. ‘Ông ta nói những điều không có gì khác hơn là cũ rích. Ông ta cũng đầy những khuôn đúc khiến ông chấp nhận lý lẽ thật khó. Bất cứ khi nào tôi gợi ra chi tiết, Tổng thống lập tức nhờ Schultz giải quyết. Và khi chúng tôi ‘chuyện trò bên đống lửa’ như cách nói của Tổng thống, thì Reagan lại đọc vào giấy viết sẵn.’ Sau này ông trở nên khâm phục và kính trọng Reagan. Ngay từ đầu Reagan đã thích Gorbachev, một người quá khác biệt với nhà lãnh đạo từ ‘đế chế xấu xa’ mà ông mong chờ sẽ được gặp, nhưng ông luôn tự hỏi không biết người Nga có đáng tin cậy không và có thành khẩn trong công cuộc đổi mới LBXV không. Ông định rằng mình không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải ‘làm ăn’ với ông ta.

        Một điểm tắc nghẽn chính yếu dẫn đến một cuộc đấu khẩu ồn ào tại Geneva, mặc dù không khí ấm áp trong phần lớn thời gian năm giờ trao đổi riêng tư. Reagan tuyệt đối theo đuổi dự án Chiến tranh giữa các Vì Sao. Người Xô viết sợ rằng nó sẽ dẫn đến cuộc leo thang vũ khí mới trong không gian, mà họ sẽ thua. Reagan bảo lưu ý kiến cho rằng SDI (Sáng Kiến Phòng Thủ Chiến Lược) là một hệ thống phòng thủ. Gorbachev luôn miệng đáp lại rằng theo quan điểm của người Nga nó được xem là tấn công: Nếu người Mỹ chế tạo được lá chắn hữu hiệu, điều gì sẽ ngăn cản họ phát động một cuộc tấn công vào LBXV, vì biết rằng mình an toàn khi bị đánh trả? Chiến tranh giữa các Vì Sao sẽ ‘làm mất ổn định mọi thứ’, ông nhận xét. ‘Chúng tôi sẽ phải tăng cường để bắn xuyên qua lá chắn của ngài.’ Reagan nói việc đó hoàn toàn không cần thiết: ‘Ngài phải tin rằng việc này quá quan trọng cho an ninh thế giới nên chúng tôi sẽ chuyển giao cho ngài công nghệ sau khi tôi phát triển nó.’ Gorbachev cười lớn và trả lời thẳng thừng: ‘Chắc mẫm ngài biết là tôi không thể tin có chuyện đó đâu, vì ngay cả công nghệ làm máy vắt sữa cho nông trại chúng tôi ngài chưa chắc đã giao.’

        Thế bế tắc trong đàm phán Chiến tranh giữa các Vì Sao tiếp tục suốt nhiệm kỳ tổng thống của Reagan, mặc dù điều đó không cản trở việc ký kết một loạt những hiệp ước vũ khí sau đó, khiến làm giảm nhiệt sự căng thẳng giữa các siêu cường. Gorbachev nhận được những lời cố vấn xung đột nhau về vũ khí không gian. Phe quân sự của ông thì cho rằng Chiến tranh giữa các Vì Sao là mối đe dọa mới nguy hiểm. Các khoa học gia xuất sắc của ông khẳng định kế hoạch đó của người  Mỹ là ‘điều tưởng tượng’ có thể không có tác dụng. Nhà vật lý hàng đầu Yevgeni Velikhov, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Liên xô, và Roald Sagdeyev, người đứng đầu chương trình không gian Xô viết, bảo đảm rằng một lá chắn 100 phần trăm hiệu quả và không thể bị xâm nhập không thể nào phát triển được. Họ bảo ông rằng người Xô viết cũng có thể phát triển một hệ thống hiệu quả tương tự để đối kháng với SDI, sử dụng những tên lửa chỉ ở trên không gian một thời gian ngắn, mà theo lời Gorbachev, ‘chỉ tốn 10 phần trăm chi phí so với Chiến tranh giữa các Vì Sao’. Vẫn còn có câu hỏi: nếu Gorbachev tin vào điều đó, tại sao người Xô viết cứ khăng khăng chống đối dự án? Các phụ tá của Gorbachev cho rằng lý do có tính chính trị hơn là có tính chiến lược. Người Mỹ càng chi tiêu nhiều hơn cho công nghệ Chiến tranh giữa các Vì Sao, Gorbachev càng chịu nhiều sức ép phải cạnh tranh hơn từ giới quân sự. Tình hình càng khó khăn cho Gorbachev khi ông phải giảm chi tiêu ngân sách quốc phòng để dồn tiền bạc vào phúc lợi trong nước nhằm cứu lấy chủ nghĩa xã hội của LBXV.

        Một người hoài nghi khác về tầm nhìn Chiến tranh giữa các Vì Sao của Reagan là người gần gũi ông hơn về mặt ý thức hệ. Người bạn lớn và đồng đội của ông Margaret Thatcher bảo thủ tỏ ra không tin lá chắn phòng vệ là có thể về mặt kỹ thuật, và tỏ ra quan tâm thực sự về mục đích chính yếu của nó. Bà cho rằng vũ khí hạt nhân đã đem lại hòa bình cho bốn thập niên. Sự phòng thủ của hai siêu cường dựa trên lý thuyết cả hai đều thua trong cuộc chiến hạt nhân, bà lập luận. Nó đã duy trì được tính ổn định, và có thể gãy đổ nếu cứ mơ về một lá chắn phòng thủ. Bà thường cố thuyết phục Reagan thôi tin vào dự án theo cách thẳng thừng của bà, nhưng vô ích. Reagan bảo Cố vấn An ninh Quốc gia của mình, Robert McFarlane là ông đã bị bà ta ‘trấn lột’ và phái ông ta đến London để thuyết phục ‘Margaret ít nhất hãy hạ bớt mức độ chỉ trích . . . Bà ta lại giảng cùng một bài mà bà đã giảng cho Tổng thống và thấy tôi không phản ứng gì, và khi bà tạm ngưng nói tôi chen vào: “Thưa Thủ tướng, Tổng thống Reagan tính rằng có ít nhất 300,000 đô la mỗi năm phải ký hợp đồng phụ với các công ty Anh nào ủng hộ SDI.” . . . Suy nghĩ một lúc lâu, cuối cùng bà nói “Như vậy sau cùng trong chuyện này cũng có điều gì đấy”.’                     

7

Hội nghị Thượng đỉnh Genava 1985 giữa Reagan và Gorbachev

MƯỜI SÁU

‘CỨ ĐỂ CHÚNG CĂM THÙ’

Bucharest, chủ nhật, ngày 26 tháng 1 năm 1986

Ở ROMANIA của Nicolae Ceausescu, 26 tháng 1 là ngày quan trọng nhất. Mừng lễ Giáng sinh, tất nhiên, đã bị cấm và Ngày Giải Phóng, đánh dấu Chiến Tranh Thế Giới II kết thúc, là một ngày lễ im lìm. Ngày Tháng Năm [tức ngày lễ Lao Đông 1/5] là một sự kiện lớn, với những đoàn diễu hành đông đúc đi khắp các thành phố chính. Nhưng sinh nhật của tên độc tài đã được chế độ biến thành một lễ kỷ niệm hoành tráng mừng cuộc đời và thành tích của một người. Đây là ngày sau rốt nhất trong năm mà dân chúng Romania muốn sống trong tâm trạng hội hè – ngày ra đời của vị Lãnh Tụ Anh Minh Vĩ Đại đã đưa đất nước vào cảnh bần cùng. Nhưng trong ngày này ai có bộ mặt đưa đám có thể bị ghép tội thành phần có nghi vấn về mặt chính trị, vì thế dân chúng đều chăm chút dung nhan cho tươi rói. Đời sống ở Romania trong những năm cuối cùng dưới ách cai trị của Ceausescu đã trở thành, nói như một đồng chí đã từng ở chung xà lim với y, ‘một nghi thức thường xuyên được cả xứ đồng diễn trước mặt một khán giả duy nhất’.

        Vào ngày 26/1/1986 Conducator [lãnh tụ, biệt hiệu mà Ceausescu thường xưng hô] đã được 68 tuổi, mặc dù trên tất cả nhiều triệu áp phích và tranh ảnh trưng bày khắp nơi trong xứ y không hề lớn hơn 42 tuổi. Các thi sĩ cung đình thi nhau ca tụng y trên trang nhất của mọi tờ báo. ‘Ta không thể cầm lòng mà không ca tụng người và hôn lên thái dương người,’ Dumitru Brandescu viết. Nhà thơ quốc doanh sủng ái của lãnh tụ, Adrian Paunescu, ói ra thứ nhớt nhầy hơn:

Khi nói về người không hề có sự tâng bốc. Chúng ta yêu người vì tinh thần chiến đấu và lòng nhân đạo của người. Chúng ta yêu người, vì đất nước này tự do dưới ánh Mặt Trời. Tâm hồn ta thôi thúc tung lên người những lời tán tụng.

          Tờ báo Luceafarul viết rằng đây là ‘một ngày cực kỳ quan trọng trong lịch sử Romania nhờ nó đất nước, tuyên dương những người được chọn, tuyên dương chính mình’. Trên mọi ấn bản đặc biệt khác, xuất hiện nhiều hình tượng quen thuộc của nhà lãnh tụ thần thánh.

          Người Carpathia Khổng Lồ

          Nguồn Cội của Ánh Sáng Chúng Ta

          Kho Báu của Minh Triết và Thánh Đức

          Hoàng Đạo

          Đại Chuẩn Mực của Chúng Ta

          Kiến Trúc Sư Vĩ Đại

          Ngọn Lửa Vĩnh Cữu

          Vị Kim Tinh Mới

          Thiên Thể

          Ngay cả Mao Trạch Đông và Stalin cũng rùng mình trước những xưng tụng này. Nhưng Nicolae Ceaucescu và bà vợ Elena của y, vốn khoái nghe lời bợ đỡ này hơn cả y, không thấy đó là điều khôi hài. Họ tin vào những lời được phun ra và vào đám nịnh thần và bầy tôi bao quanh mình.

        Một ít tuần trước sinh nhật của y người Sáng Tạo Thời Đại Tân Kỳ Không Tiền Khoáng Hậu, theo cách gọi của tờ báo Đảng Cộng sản Scinteia, thông báo là sẽ có một đợt phân phối lương thực bổ sung. Luôn luôn ý thức về vòng eo của mình, y và Elena không phải là người háu ăn. Y đã bị chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường trong giữa những năm 1970 và phải tiêm insulin để kiểm soát đường huyết. Họ phê phán dân Romania quá mập và thành lập một Ủy ban Dinh dưỡng Hợp lý qui định một khẩu phần ăn ‘khoa học’: 114 trứng gà mỗi năm, 20 kí ‘trái cây và nho’, 54.88 kí thịt, 14.8 kí khoai tây, 114.5 kí bột. Về lý thuyết đây không phải là một khẩu phần tồi. Nhưng trong thực tế còn lâu mới cung ứng đủ những yêu cầu đó. Vào giữa những năm 1980 chỉ cần được đủ ăn đã là nỗ lực rất lớn cho phần đông gia đình Romania. Cuối năm 1985 sự phân phối bánh mì, sữa, trứng, thịt và rau củ càng trở nên cấp bách hơn và hàng xếp càng dài hơn. Romania là một trong những vùng đất màu mở nhất ở Âu châu và đáng ra phải sản xuất một số lượng lương thực dồi dào. Vâng có đấy. Nhưng chính sách kinh tế quái lạ của Ceaucescu có chủ tâm buộc dân chúng phải chịu bần cùng. Lãnh tụ quyết tâm không chịu mắc nợ nước ngoài nhiều, như là một cách, theo y nghĩ, để bảo đảm sự độc lập.

   Nếu xét gánh nặng mà nợ tín dụng của phương Tây áp đặt lên các xứ khác ở Đông Âu, thì việc giảm mức vay mượn không phải là điều tệ. Nhưng cách thức mà Lãnh Tụ Vĩ Đại thực hiện thật thảm hại. Vào năm 1982 y thông báo rằng sẽ trả hết nợ nước ngoài vào năm 1990. Để làm được điều ấy, y vắt kiệt sức người Romania. Hơn ba phần tự sản lượng lương thực quốc gia được bán ra nước ngoài. Năng lượng được phân phối nghiêm nhặt đến nổi có thể bán cho Ý và Đông Đức. Người Romania chỉ được phép sử dụng một bóng đèn 40 watt mỗi phòng, khi có điện. Hệ thống sưởi ấm bằng điện chỉ cho phép sử dụng hai giờ một ngày, và chỉ cung cấp cho một số hộ, nên mới có câu đùa cợt độc địa, được dân chúng ưa thích: ‘Ở Romania có gì lạnh hơn nước lạnh? Nước nóng.’ Trong những mùa đông khác nghiệt nhiều người già chết cứng trong căn hộ của mình vì giảm thân nhiệt, điều không hề xảy ra ở Tây Âu. Một hiện tượng thường thấy ở Romania là tình trạng người trẻ bị chết ngạt do khí ga trong nhà họ. Không phải họ tự tử mà vì họ đốt ga trên lò bếp để sưởi ấm và họ đã ngủ quên. Trong lúc họ đang ngủ nguồn cung cấp ga bị cắt, sau đó được phục hồi mà họ không hay biết.

        Ban đêm phố xá ít khi lên đèn. Ngay cả những đại lộ rộng lớn ở Bucharest – mà một thời được ví như Paris của vùng Balkan – đều hoang vắng và tối tăm sau hoàng hôn. Xuất chiếu phim cuối cùng là vào 5 giờ chiều. Bucharest đã từng nổi tiếng với nền văn hóa cà phê và cuộc sống về đêm. Bây giờ thì không có quán rượu hay cà phê nào mở cửa trừ một số ít nhà hàng mà các quan thầy của Đảng và gia đình họ lui tới hoặc khách sạn nơi cư trú của một số ít du khách được cho phép nhập cảnh. Ceaucescu có một kế hoạch nhằm giảm sức tiêu thụ dầu. Một trong những thông báo ông đưa ra ngay sau sinh nhật lần thứ 68 của y, vào mùa xuân 1986, là phát động một chương trình gây giống ngựa để thay thế các phương tiện vận chuyển ngốn quá nhiều xăng dầu. Trên những nông trại mà vào thập niên 1960 và 1970 đã sử dụng máy kéo, thì vào những năm 1980 người ta thu hoạch bằng lưỡi hái và lưỡi liềm. Lãnh tụ đang đưa Romania trở về thể kỷ trước – hoặc thế kỷ trước đó nữa. Để tối đa hóa việc sản xuất các tài nguyên thiên nhiên như dầu và khí đốt và các sản phẩm từ đất đai, y chế định một hệ thống phân công cưỡng bách người dân làm việc cả ngày chủ nhật và ngày lễ, không khác lao động khổ sai ở Pháp thời trước Cánh Mạng 1789.

        Đất nước chìm đắm trong nổi sợ hải và nghi kỵ lẫn nhau trên một qui mô không giống nơi nào khác đằng sau Bức Màn Sắt. Ceaucescu công khai ca tụng Stalin, và tại tang lễ của tên đồ tể này người ta thấy y rơi nước mắt. Romania là một nhà nước cảnh sát tàn độc nhất trong khối Đông Âu, nhưng được điều hành theo kiểu Romania độc đáo. Cơ quan Stasi ở Đông Đức được trù tính để giữ gìn trật tự, mắc dù nó cũng sử dụng các thủ đoạn khủng khiếp để hủy diệt nạn nhân của nó. Nhưng cơ quan Securitate được lập ra để gieo rắc sợ hãi. Liviu Turcu là sĩ quan cao cấp trong tổ chức cho đến khi ông đào nhiệm vào thập niên 1980, người biết rất rõ từ bên trong cách thức nó hoạt động ra sao. ‘Tưởng tượng một bộ máy khổng lồ lan truyền tin đồn, sợ hãi và khủng bố, một không khí trong đó dân chúng biết được rằng nếu họ cố làm điều vô nghĩa nhất nhưng được coi là một hành động chống đối Ceaucescu, họ sẽ lập tức biến mất.’ ông nói. ‘Đó là một sự khủng bố về tâm lý làm tê liệt cả dân tộc Romania và mẫu thông tin giả trá nổi bật nhất là những tin đồn, được Securitate truyền tai nhau một cách có tính toán, là cứ trong bốn người Romania là có một người đưa tin cho Securitate. ‘Cơ quan Securitate có chân rết trong mọi tầng lớp nhân dân và gieo rắc sự ngờ vực nhiều đến nổi con số ấy là có thể. Tin hay không, không ai dám thử. Số đặc vụ và người đưa tin không là điều quan trọng. Securitate loan truyền là họ có mặt khắp nơi và không hề thất bại qua những lời nói bóng gió, lời bịp bợm và bịp bợm gấp hai. Dân chúng tin là thật và tuân phục nó. Họ – bọn đầu trâu mặt ngựa – không cần theo dõi nhân dân nếu mọi người đều tin là mình đang bị theo dõi,’ Alex Serban, một giáo viên ở một thị trấn nhỏ ngoài Bucharest trong những năm 1980, nói. ‘Đó là một trong những điều nham hiểm nhất.’

    Đối với dân Romania, nói chuyện với người ngoại quốc là không hợp pháp. Mọi cuộc trao đổi đều phải được trình báo lại cảnh sát trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Và sau đó thế nào cũng bị thẩm vấm và sách nhiễu, khiến không ai tha thiết đến việc gặp gỡ du khách. Không có Hiến chương 77, không có Công đoàn Đoàn kết, không có KOR hay Vòng Tay Danube ở đất nước Romania. Cũng có lẻ tẻ các nhà văn bất đồng chính kiến tồn tại, nhưng nhóm chống đối thì khó thể nào thành lập được. Có một nhóm được thành lập vào giữa thập niên 1980 mang cái tên giản dị Diễn Đàn Chống Chuyên Chế. Chỉ có ba gia đình là thành viên. Người cầm đầu nhóm, Viorel Hancu, giải thích: ‘Nếu chúng tôi nhận thêm ai khác nhóm rất dễ có nguy cơ bị Securitate xâm nhập.’

        Ceaucescu giải quyết những tình huống náo động trong công nhân bằng biện pháp mạnh bạo. Các công nhân mỏ ở thung lũng mỏ Jiu đình công vào năm 1977 để đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc. Thoạt đầu vị lãnh tụ rất mềm dẽo, thương thuyết và đồng ý các yêu sách của thợ mỏ. Một vài tuần sau các công nhân trở lại làm việc, y cho người tóm hết những người cầm đầu đình công, hành hình một số và tống vào tù số còn lại. Năm sau số lương tăng bị bãi bỏ. Một thập niên sau các công nhân xưởng chế tạo máy kéo Sao Đỏ  ở Brasov, bắc Romania, lại đình công. Ceaucescu cũng sử dụng chính xác biện pháp tương tự. Y không phải là người có học vấn về văn hóa cổ điển, nhưng y thường trích dẫn câu nói của Hoàng đế Caligula cho đám phụ tá nghe: ‘Làm người ta sợ mình tốt hơn là làm người ta yêu mình.’ Nếu cần, y loại ra những người y sủng ái ngay cái một. Ion Iliescu là một đảng viên đang lên, tiến rất nhanh trên đường hoạn lộ. Ngay từ năm ba mươi mấy đã giữ chức Bộ trưởng Thanh niên, và trở thành người đứng đầu trong bộ máy tuyên truyền của Đảng khi chỉ bốn mươi mấy. Gã đều đặn đến ăn tối với Ceaucescu và thường chơi cờ với lãnh tụ, khôn khéo giả bộ cho y thắng. Khi vào năm 1917 Ceaucescu nghe tin người ta nói Iliescu sẽ là hoàng thái tử, y liền đày chàng trai trẻ ra một tỉnh xa, cho giữ một chức vụ nhỏ. Sau đó, y được phép trở lại Bucharest, nhưng chỉ coi sóc một công ty ấn loát cẩm nang kỹ thuật.         

        Không ai biết có tất cả bao nhiêu tù chính trị; con số không hề được kiểm định, mặc dù các con số thống kê về hầu như mọi thứ khác trong xứ đều được kiểm định. Không ai hoàn toàn chắc chắn yếu tố nào cấu thành một tội chính trị. Điều đó tùy thuộc vào cơn tùy hứng của Ceaucescu. Vào năm 1982, không biết gì cớ gì, y bổng phát động một chiến dịch chống yoga. Một sinh viên y khoa ở Bucharest, vừa trở về nhà từ một lớp dạy yoga, liền bị bọn an ninh đánh đập túi bụi và ra lệnh phải ngừng tập yoga. Cô ta phải vâng lời – sau khi biết rằng có đến bốn tên cảnh sát chìm tiếp tục theo dõi mình 24 giờ một ngày. Ngay khi biết được tập yoga được coi như là hoạt động chính trị môn nghệ thuật này hoàn toàn biến mất khỏi Romania.

        Dân chúng không tìm thấy niềm an ủi trong tôn giáo. Ceaucescu làm băng hoại nhà thờ, vì y đã có nhiều kẻ đồng lõa tự nguyện trong số các tu sĩ Cơ đốc và giáo sĩ Do thái. Các giám mục Chính thống giáo và các nhà lãnh đạo Tin lành như Gyula Nagy và Laszlo Papp trong thiểu số dân gốc  Hungary ở Transylvania hoàn toàn thỏa hiệp qua mối quan hệ sâu sát của họ với cơ quan an ninh. Như chính quyền Đông Đức, người Romania thúc đẩy việc ‘buôn bán người’ liên can đến chính trị. Ceaucescu không thể ra giá quá cao như Erich Honecker – Romania nhận được khoảng 10,000 đô la Mỹ cho mỗi người Đức ‘bán’ qua Tây Đức và Do Thái qua Israel. Có lần Ceaucescu giải thích cho Ion Pacepa, xếp phản gián của y đào nhiệm qua Mỹ, rằng ‘dầu thô, dân Do Thái và Đức là mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của chúng ta’. Nhà lãnh đạo nhóm thiểu số gốc Đức, Szekler, và Moses Rosen, Trưởng giáo Do Thái, là những người đồng lõa trong việc mua bán này và những vụ khác nữa với chế độ.

        Gần như không có tình trạng báo chui ở Romania. Chỉ có một số ít máy photocopy trong toàn xứ sở, hầu hết nằm trong văn phòng Đảng hoặc chính quyền. Theo luật ban hành vào tháng ba 1983 mọi máy đánh chữ đều phải đăng kí với cảnh sát và một mẫu chữ trên mọi máy đánh chữ đều được cho vào hồ sơ để khi cần có thể truy ra nguồn gốc. Sắc luật liên quan đến việc sở hữu một máy đánh chữ đã nói lên nhiều điều về đời sống trong đất nước Romania của Ceaucescu:              

Cho thuê hay cho mượn máy đánh chữ đều bị ngăn cấm. Mọi người sở hữu máy đánh chữ đều phải xin giấy phép chính quyền địa phương, và chỉ có thể được cấp phép khi có đơn xin phép sử dụng. Tất cả tư nhân đã có máy đánh chữ phải, trong vòng đôi ba ngày sau, phải trình báo để được cấp phép. Đơn yêu cầu, viết tay, phải được gởi đến chính quyền địa phương nơi người đứng đơn cư ngụ, và phải cung cấp những chi tiết sau đây: tên và họ người đứng đơn; tên cha mẹ; nơi sinh và ngày sinh; địa chỉ; nghề nghiệp; nơi làm việc; loại và kiểu của máy đánh chữ; lý do có được (mua, quà biếu, thừa kế); và mục đích sử dụng. Nếu đơn được chấp thuận, người đứng đơn sẽ được cấp phép sử dụng máy đánh chữ trong vòng 60 ngày. Vào một ngày được ấn định, người sở hữu máy phải mang máy đến văn phòng chính quyền để cung cấp mẫu chữ của máy mình. Một mẫu tương tự phải được trình duyệt mỗi năm, đặc biệt trong hai tháng đầu của năm, cũng như sau mỗi lần sửa chữa máy đánh chữ. Nếu đơn bị từ chối, người đứng đơn có thể gởi kháng cáo trong vòng 10 ngày đến chính quyền địa phương. Nếu kháng cáo bị từ chối, phải bán máy đánh chữ trong vòng 10 ngày (có hóa đơn) hoặc làm quà biếu cho bất kỳ ai có giấy phép sử dụng, Bất kỳ ai muốn mua máy đánh chữ trước tiên phải làm đơn xin phép. Bất kỳ ai thừa kế hay được tặng cho một máy đánh chữ phải làm đơn xin phép ngay. Những máy đánh chữ hư hỏng không còn sửa chữa được nữa phải được gởi đến điểm tập kết qui định, sau khi tất cả các thanh gõ chữ đã nộp cho chính quyền. Nếu người sở hữu thay đổi địa chỉ, y phải trình báo với chính quyền trong vòng năm ngày.

          Các nhà văn bị cô lập vì chỉ trích chế độ, thường phát ngôn một cách dũng cảm. Doina Cornea, một chuyên gia về văn chương Pháp tại Đại học Cluj, miền tây băc Romania, bị quản thúc tại nhà nhiều năm. Bà nói chế độ Ceaucescu đang ‘nghiền nát nội tâm sâu kín nhất của con người, xúc phạm những khát vọng và quyền hợp pháp của họ, xỉ nhục lương tâm họ và bằng khủng bố ép buộc họ chấp nhận dối trá là sự thật và sự thật là điều dối trá.’ Dối trá lớn có, nhỏ có – cho dù trong lãnh vực dự báo thời tiết. Ở Romania nhiệt độ chính thức không bao giờ xuống dưới 10o C, cho dù trên mặt đất có băng và tuyết, vì có luật nói rằng trong các công sở chỉ được bật hệ thống sưởi ấm khi nhiệt độ tụt dưới 10oC.

        Trong mỗi văn phòng có hơn vài trăm nhân viên luôn có một liên lạc viên toàn thời gian hay bán thời gian có nhiệm vụ báo cáo với Securitate – không kể những người đưa tin không chính thức muốn theo dõi các đồng nghiệp của mình. Những nghề nghiệp nhạy cảm có vài đặc vụ tình báo gài vào. Chẳng hạn, tại trung tâm truyền hình do nhà nước sở hữu cơ quan Securitate có nguyên một ‘bộ sậu nghi thức’ mà công việc chính của họ là đảm bảo Ceausescu phải luôn luôn xuất hiện dưới ánh sáng tốt nhất có thể. Các biên tập viên phim ảnh được mật vụ theo dõi chặt chẽ. ‘Tất cả những quãng tạm dừng vô ý, những do dự, nói lắp và nhăn mặt của Ceausescu đều phải bị loại bỏ trước khi phát hình,’ một đạo diễn tin tức truyền hình nói. ‘Phải mất hàng giờ làm thêm. Những đoạn cắt bỏ được Securitate gom lại rồi hủy bỏ sợ lọt vào tay những kẻ “xấu”.’ Nhà sản xuất TV Nick Melinescu có lần phạm phải điều cấm kỵ này, và đã gặp hậu quả nghiêm trọng. ‘Có lần tôi biên tập một bộ phim tài liệu trong đó có vài giây Ceausescu làm vài cử chỉ vụng về. Y gãi đầu, chớp mắt, nói lắp nhưng tôi sơ ý vẫn để nguyên ở đó. Thế là địa ngục đổ xuống . . . Tôi bị qui lỗi và kết quả là bị đuổi việc . . . lương bị cắt ba tháng. Thật là tồi tệ, đó là một trong những điều tồi tệ nhất xảy ra với tôi.’ Quốc Mẫu Elena cũng chăm chút hình ảnh của mình không kém: ‘Có cả một danh sách những điều nên và không nên làm khi thu hình bà ta. Trước tiên và trên hết là không được thu hình bà ta nhìn nghiêng vì bà ta có cái mũi quá khổ – và bà ta cũng không đẹp nữa.’ Phòng tuyên truyền của Đảng đã có chỉ thị không nên quay phim hay chụp ảnh làm nổi bật chiều cao khiêm nhượng của lãnh tụ (năm bộ năm in-xơ). Khi có vị quốc khách nào cao hơn y, thì khi thu hình cả hai, phải quay làm sao cho sự chênh lệch về chiều cao được giảm thiểu tối đa – Tổng thống Pháp Valery Giscard d’Estaing cao sừng sững bên trên nhà lãnh tụ Romania. Họ không hề được quay khi đứng cạnh nhau. Mọi tờ báo đều thuê một tiểu biên tập viên chuyên làm mỗi công việc quan trọng: kiểm tra xem tên Nicolae Ceausescu xuất hiện trên mặt báo có bị viết sai không.                            

Nhà độc tài của Romania sinh ra tại một ngôi làng nhỏ ở Scornicesti trong vùng Wallachia bị Đức chiếm đóng, ở miền nam Romania. Mẹ ông, Alexandra, và cha ông, Nicolae Andruta, là những nông dân trung bình, có thể khá giả hơn nếu người cha không tiêu tốn tài sản của vợ và bảy đứa con vào men rượu. Ông đặt tên ba người con trai đều là Nicolae, viện cớ lý do khi đi đến thị trấn gần nhất để đăng kí hộ tịch ông đang say xỉn đến nổi chỉ còn nhớ mỗi một tên của đứa con hiện có. Học bạ của bé Ceausescu thì tệ, mặc dù các thầy giáo thời tiểu học của y đều nhớ y là đứa trẻ tinh ranh và hay nổi khùng. Việc học tập ở trường của y chấm dứt ở tuổi 14 khi y đến sống với một người chị đã lập gia đình ở Bucharest. Y tập sự nghề đóng giày và y biến thành người quá khích một phần vì chịu ảnh hưởng của ông anh rễ theo chủ nghĩa xã hội và một phần vì cuộc sống dữ dội mà một người cánh tả hoạt động ngầm phải trải qua. Như một người đương thời nói, ‘Ông ta bị bạo lực thu hút hơn là ý thức hệ . . . ông sốt sắng có mặt trên đường phố tại nơi xảy ra uyên náo, ấu đả.’

   Romania trong thập niên 1930 loạng choạng từ khủng hoảng này đến khủng hoảng khác dưới triều đại suy đồi và bại hoại của Vua Carol II, người dính líu vào những thỏa thuận tài chính đáng ngờ và có cuộc đời tình ái bê bối như một vở opera. Quan hệ bất chính của ông với nàng Magda Lupescu đã li dị tốn bao nhiêu giấy mực không chỉ trên báo chí Romania mà cả ở Âu châu. Chính việc ông ve vản với phát xít đã khiến tương lai đất nước ông thêm nghiêm trọng. Dưới quyền ông là Vệ binh Sắt tai tiếng có uy thế lớn trong đời sống dân chúng và gã thanh niên Ceausescu trở thành tên du đảng đường phố có mác chính trị đương đầu với bọn côn đồ cánh Hữu. Y bị bắt lần đầu tiên lúc 16 tuổi, vào năm 1933, và ra vào tù như cơm bữa trong hơn mười năm sau. Làm đảng viên cộng sản là bất hợp pháp và Ceausescu nhận được sự giáo huấn từ những nhà trí thức Mác xít ở cùng phòng giam với y. Trong những điều y học được có cách kiểm soát tật nói lắp, nhưng khi y lúng túng, mệt mõi hoặc căng thẳng thì tật nói lắp lại trở lại đến mãi những năm sau này. Y tỏ ra rất đắc lực cho họ trong những việc như chạy bận, xoáy thêm thức ăn và tìm cách liên lạc với thế giới bên ngoài.

        Ra tù năm 1938, tại cuộc họp Đoàn Thanh niên Cộng sản, y gặp và yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên một thiếu nữ tóc đen, rất hấp dẫn mà các bạn gọi cô là ‘Pasarica’ (nghĩa là con chim nhỏ). Cô gái đó là Elena Petrescu, lớn hơn y một tuổi và cũng có xuất thân nông dân như y. Là một người đàn ông cả thẹn, Ceausescu không hề dám ‘đá lông nheo’ với một phụ nữ nào khác trong suốt cuộc đời ông. Cô ta thì từng trải và tự tin  trong tình trường vì trước khi họ lấy nhau cô nàng đã có vài mối tình lận lưng. Y lại bị tống vào tù trước khi họ có thể tiến tới xa hơn, nhưng ngay sau khi được phóng thích khỏi nhà giam Targu Jiu vào cuối chiến tranh họ lại gặp nhau và kết hôn không lâu sau đó.

        Người Xô viết thiết lập một chính quyền bù nhìn tại Romania và Stalin cắt đặt một nhà chính trị mưu trí, quyền biến và lạnh lùng, Gheorghe Gheorghiu-Dej dạn dày kinh nghiệm, lên nắm chính quyền Cộng sản mới. Ceausescu đã từng ở tù với Gheorghiu-Dej, y ngưỡng mộ đầu óc và tính tàn độc của ông ta. Người đàn ông cao niên bắt đầu sử dụng Ceausescu làm một chuyên viên dàn xếp, vào thời điểm đó đã có một số kỹ năng giao tiếp và chính trị bẩm sinh cùng với khả năng áp đặt các thủ đoạn trấn áp để chạy việc. Y được giao nhiệm vụ thành lập quân đội Cộng sản và sau đó tiến lên các chức vụ cao hơn trong Đảng. Y thường thi hành những công việc bẩn thỉu cho nhà lãnh đạo, như chỉ đạo những cuộc thanh trừng khác nhau và săn lùng những kẻ chống đối theo cách điển hình của chủ nghĩa cộng sản Xô viết. Y xuôi ngược trên con đường chính trị thường bấp bênh của vùng Balkan khéo léo hơn những nhà trí thức nho nhả, hóm hỉnh, thông thái chung quanh y. Sau khi Gheorghiu-Dej chết – sau cơn đau đớn vì bệnh ung thư vào năm 1965 – Ceausescu chưa phải là ứng viên sáng giá để lên kế vị ông ta. Trong khi các lão tướng âm mưu triệt hạ lẫn nhau, y xuất hiện như một ứng viên thỏa hiệp, vừa lòng cả các bên.

        Thoạt đầu y thể hiện một bộ mặt cấp tiến. Y dỡ bỏ kiểm duyệt chút ít, khuyến khích tư nhân làm ăn và hình như có một làn gió tươi mát thổi qua trong vài năm đầu tiên của y. Y thường ra vẻ là một nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa quốc gia hơn là một người Cộng sản kiên quyết. Nhưng tất cả đã thay đổi một cách căn cơ sau chuyến thăm cấp nhà nước đến Bắc Triều Tiên và Trung Quốc của y vào cuối năm 1971. Y có ấn tượng mạnh mẽ với cách cai trị đầy cá tính của Kim Nhật Thành và Mao Trạch Đông, sự sùng bái cá nhân mà họ được hưởng, những cuộc biểu dương hoành tráng ở Bắc Kinh và Bình Nhưỡng với hàng trăm ngàn người vẩy hình các lãnh tụ và xem họ như thánh sống. Y thấy mình cũng xứng đáng được như vậy ở Bucharest, nơi y tin là mình cũng được nhân dân yêu quí, có điều là họ cần phải biểu lộ ra nhiều hơn. Y trở về nước cứng rắn hơn và theo đuổi quyết liệt các đường lối của Stalin. Y gia tăng sức ép lên kẻ thù truyền thống của Romania, khối thiểu số gốc Hungary sống ở Transylvania. Những luật lệ mới được đưa ra, cấm họ dạy tiếng Hungary trong trường học và cấm các trung tâm văn hóa hoạt động. Y bỏ ra tiền càng lúc càng nhiều hơn cho cơ quan Securitate. Một cách có chọn lựa, y cho người ám sát hoặc bỏ tù các đối thủ và biến Romania thành một khu vực khổ sở và nghèo khó nhất của Đông Âu.

Trong khi Ceausescu ngày càng bị thù ghét ở trong nước, thì ở nước ngoài y được tiếp đón tưng bừng. Y là người Cộng sản được phương Tây ưa thích. Lý do thì đơn giản. Y lèo lái đất nước theo một con đường độc lập như có thể với LBXV và trong thời Chiến tranh Lạnh điều này mới là quan trọng. Người tiền nhiệm của y Gheorghiu-Dej đã chơi lá bài quốc gia chủ nghĩa và y được hưởng lây. Ông ta đạt được thỏa thuận đưa quân đội Xô viết rút khỏi đất Romania, mặc dù Romania vẫn là một thành viên trung thành của Hiệp ước Warsaw, vẫn có tiếng nói của riêng mình. Ceausescu tiếp tục đi theo bước chân của ông ta. Ngay trước khi quân đội trong khối Hiệp ước Warsaw mở cuộc xâm lăng Tiệp Khắc vào 1968 y xuất hiện ở Prague lên tiếng ủng hộ Alexander Dubcek. Y từ chối góp binh sĩ Romania vào đội quân xâm lược và nhiều lần lên tiếng phản đối Liên xô can thiệp vào nội tình của các xứ Đông Âu. Y muốn nền kinh tế Romania ít phụ thuộc vào nền kinh tế Nga và bắt đầu nói chuyện với phương Tây để cải thiện mối quan hệ.                                                                                        Các nhà lãnh đạo của thế giới tự do xếp hàng để lấy lòng người Cộng sản này, người đã dám thách thức Moscow. Họ không vọng tưởng có thể tách Romania ra khỏi vòng tay của Moscow, nhưng họ tin rằng nếu họ cổ vũ Ceausescu tranh thủ nhiều độc lập hơn nữa, họ có thể gây khó cho LBXV. Vì thế y được tặng thưởng nhiều huy chương và bằng danh dự và được mời viếng thăm cấp nhà nước đến các thủ đô phương Tây. Y đến Paris và ngụ tại tại Elysée. Tổng thống Pháp, Giscard d’Estaing, cảnh báo với chủ nhà tiếp theo, ở London, về tình trạng các tùy tùng của Ceausescu có thói quen chôm chỉa các bật lửa, gạt tàn và mọi loại đồ trang trí nho nhỏ ở những nơi họ đi qua.

        Khi Ceausescu ngụ tại Cung điện Buckingham vào tháng sáu 1978 Nữ hoàng Elizabeth II tỏ ra thích thú khi được kể là Chủ tịch Romania và các phụ tá ra họp ở ngoài trời vì họ cho rằng mọi phòng ngủ trong Cung điện đều bị đặt máy nghe lén. Tại cuộc tiếp đón chính thức bà nói: ‘Chúng tôi tại Anh quốc đều ấn tượng trước quyết tâm của ngài đứng trên tư thế độc lập. Nhờ đó Romania giữ một vị trí khác biệt và đóng một một vai trò có ý nghĩa trong các vấn đề quốc tế. Nhân cách của ngài, thưa ngài Chủ tịch, trong cương vị một chính khách có tiếng tăm trên toàn thế giới, kinh nghiệm và ảnh hưởng của ngài được khắp nơi thừa nhận.’ Margaret Thatcher cũng không muốn bị qua mặt. Bà nói bà rất ‘cảm kích trước nhân cách của Chủ tịch Ceausescu . . . và cho tôi một ấn tượng đặc biệt về ngài như một nhà lãnh đạo của một đất nước muốn phát triển hợp tác với các quốc gia khác’. Y được tặng tước hiệu hiệp sĩ danh dự và một số huy chương.

        Elena khao khát vinh dự còn nhiều hơn y. Mặc dù quá trình học tập của bà đứt đoạn – bà bị đuổi học khi 14 tuổi – cuối cùng bà cũng lấy được bằng hóa học. Bà muốn người ta coi mình là một nhà khoa học đúng nghĩa. Chồng bà đã phong bà làm người cầm đầu ICEHCM, phòng nghiên cứu hóa học nổi tiếng nhất của Hungary, cho dù bà không đủ học vị để được nhận vào đây, nói chi là làm lãnh đạo. Khi chuyến thăm London được lên kế hoạch, các phụ tá của bà phái người đến London dàn xếp xin cho bà một bằng FRS danh dự, phẩn thưởng cao nhất của khoa học Anh. Bà bị từ chối. Họ cũng tiếp cận Oxford và Cambridge với mục đích tương tự nhưng cũng bị bác bỏ. Nhưng rồi bà cũng được phong là hội viên danh dự của Viện Hoàng Gia Hóa Học và một bằng danh dự của trường Bách Khoa Trung Tâm London. Tại buổi lễ phong tặng Sir Richard Norman, Viện trưởng, ca tụng bà đã có công đóng góp ‘cho ngành hóa học thực nghiệm phân tử vĩ mô, nhất là trong lãnh vực trùng hợp hóa định vị không gian của chất ijisoprene trên việc ổn định hóa cao su tổng hợp và trên việc đồng trùng hợp hóa’. Mircea Corciovei, nhà hóa học hàng đầu Romania, người đóng góp nhiều nhất vào công trình nghiên cứu mang tên bà, điềm nhiên nói: ‘Chúng tôi được lệnh: không có bài viết nào, không có bài thuyết trình hội nghị nào được công bố mà không có tên Elena Ceausescu ở hàng đầu. Chúng tôi không hề nhìn thấy bà, nghe về bà, trong thời gian chúng tôi nghiên cứu hoặc sau đó. Bà thậm chí không hề thừa nhận sự tồn tại của chúng tôi. Chúng tôi công bố những bài viết bằng những từ mà chúng tôi biết bà ta không thể phát âm nói chi đến hiểu rõ.’

        Ceausescu là chủ đề cho những cuốn tiểu sử xu nịnh, không chỉ ở Romania mà còn ở tận Tây Âu. Một cuốn ‘thánh sử’ được xuất bản ở Anh vào năm 1983, nhà xuất bản là một cựu nghị sĩ – và sau đó là một ông trùm báo chí tai tiếng – Robert Maxwel. Trong lời nói đầu do ông ta viết, dưới dạng một bài ‘phỏng vấn’ cởi mở, một trong những câu hỏi đầu tiên ông hỏi là: ‘Thưa ngài Chủ tịch, ngài đã giữ những chức vị cao nhất trong chính quyền và trong đảng ở Romania gần 18 năm, một sự kiện mà chúng tôi hết sức ngưỡng mộ. Điều gì – theo ý kiến của ngài – đã làm ngài được nhân dân Romania yêu quí đến thế?’

        Ở Mỹ y cũng được tung hê tương tự bằng những bằng vinh dự và lời ca tụng. Tổng thống Geralf Ford nói: ‘Ảnh hưởng của Chủ tịch Ceausescu trong vũ đài thế giới thật nổi bật.’ Còn Tổng thống Jimmy Carter khẳng định: ‘Uy tín của ông đã vượt qua biên giới của Romania và Âu châu. Toàn thể thế giới đánh giá cao ông và nhìn ông với lòng khâm phục.’ Thậm chí những hành vi quái gở của y cũng không khiến người Mỹ dừng lại để suy nghĩ. Trong chuyến viếng thăm Mỹ ba ngày vào năm 1979 y bước ra khỏi bàn tiệc trong buổi chiêu đãi dành cho y ở New Orleans vì phật ý khi thấy vị hồng y ngồi cùng bàn đọc kinh trước khi ăn. Vào buổi chiều cuối cùng ở Mỹ y gặp gỡ Thị trưởng New York, Edward Koch. Bên ngoài khách sạn Manhattan nơi phái đoàn Ceausescu dừng chân có một cuộc biểu tình nhỏ của một nhóm người Hungary lưu vong. Ngay giữa buổi họp, Koch nói: ‘Thưa ngài Chủ tịch, bên dưới một vài người bạn của tôi đang biểu tình chống ngài, họ bảo với tôi là ngài không cho người Hungary ở Transylvania được tự do tôn giáo và tự do văn hóa. Có đúng không, thưa ngài?’ Ceausescu liền nổi dóa, y quay sang viên chức ngoại giao Mỹ tháp tùng y trong chuyến đi, hạch sách: ’Bộ Ngoại giao trả lời ra sao về chuyện này? Sao ông ta dám nói với tôi như thế? Y được trả lời là cho dù chính quyền Liên bang có chính sách gì đi nữa thì Thị trưởng New York có quyền phát ngôn theo ý mình. Nghe vậy, vị Conducator càng nổi nóng hơn. Y ra lệnh cho đoàn phải lập tức quay về Bucharest. Nhưng kế hoạch bị trục trặc. Elena đang ở khu mua sắm Cartier trong chuyến tham quan dành riêng, và khăng khăng phải nán lại ba tiếng rưỡi nữa. Họ bay về nước đúng như chương trình đã đề ra. Bốn năm sau George Bush, lúc đó là Phó Tổng thổng, đến thăm Bucharest và tuyên bố vào cuối buổi họp kéo dài vài giờ với Ceausescu là ‘ông ấy là một người Cộng sản tốt’.

Dân Romania, vốn thích khôi hài đen, gọi chế độ của họ là chủ nghĩa xã hội gia đình trị. Ceausescu lấp đầy những vị trí cao tột trong chính quyền và trong Đảng cầm quyền cho anh em y và anh em rễ, cháu y và cháu rễ. Ông anh, Nicolae Andruta, là Trung tướng và là người liên thông giữa Bộ Nội vụ và mật vụ. Một ông anh khác, Ilie, là Tùy viên Bộ trưởng Quốc phòng, cùng với một ông anh khác, Marian, điều hành việc buôn bán vũ khí tối mật: họ bán các tên lửa và hệ thống liên lạc điện tử của Xô viết cho người Mỹ, ngược lại cung cấp cho Romania các khí tài Tây phương, sau đó chuyển giao cho người Xô viết. Một anh em khác, Florea, là mắt và tai của lãnh tụ trong tờ báo Đảng, dưới vai trò biên tập viên báo Scinteia. Ông anh rễ ưa thích của y, Gheorghe Petrescu, là Phó Thủ tướng. Anh rễ Ilie Verdet và Manea Manescu có chức vụ cao tột trong Đảng. Cháu ưa thích của y, Maria, được cho đứng đầu tổ chức Chữ Thập Đỏ Romania. Nhưng cố vấn thân cận nhất của y luôn luôn là Elena, càng ngày càng được nắm nhiều quyền lực. Vào đầu những năm 1980 bà được giao trọng trách điều hành đất nước trong thời gian y công du nước ngoài. Romania không bao giờ là một chế độ độc tài do nhiều người cầm quyền – Elena là nhân vật số hai – nhưng càng ngày bà càng bẳn tính hơn, kênh kiệu hơn và càng ngày y càng dựa vào bà hơn. Bà luôn nói cho mọi người nghe thấy: ‘Tôi là người duy nhất các anh có thể tin cậy thực sự.’ Có những dấu hiệu cho thấy y rất sợ những khi bà nổi cơn. ‘Ông ấy sợ bả, tôi chắc chắn như thế,’ sử gia của Đảng Ion Ardeleanu, người không lạ gì họ, nói. ‘Khi ông ta trễ giờ cơm, hoặc trễ hẹn với bả ông cứ xem đồng hồ miết và bắt đầu vã mồ hôi và nói lắp.’

        Họ không may mắn về đường con cái. Đứa lớn nhất, Valentin, được nhận làm con nuôi từ khi mới sinh vào năm 1948, luôn cố giữ một khoảng cách với cha mẹ nuôi. Ông là một nhà vật lý, khá nổi tiếng, tốt nghiệp hạng giỏi tại Imperial College ở London. Họ không đồng ý cho ông cưới Iordana Borila, một phần vì bà là người Do Thái nhưng, tệ hơn nữa, vì bà là con gái của một trong những đối thủ của Ceausescu trong cuộc tranh giành quyền lực trong nội bộ Đảng những năm 1960. Petre Borila có một quá khứ lãng mạn, là chiến binh trong Nội Chiến Tây Ban Nha, trong khi đó thì Ceausescu lặn hụp trong chốn lao tù. Valentin và vợ sống trong căn hộ hai phòng khiêm nhượng ở khu dân cư không sáng trọng tại Bucharest, như người dân Romania trung bình, và bị rút hết các đặc quyền về thân thế. Ông lặng lẽ làm việc trong Viện Vật Lý. Cuộc hôn nhân của họ không kéo dài lâu, nhưng Valentin không hề được tha thứ. Ông tránh xa chính trị, mặc dù có lần ông nói với các đồng bào của mình, ‘Quyền lực tuyệt đối thì suy đồi tuyệt đối, nhưng sự tuân phục cũng làm ta suy đồi’.

        Con gái ruột của họ, Zoia, sinh năm 1950, cũng muốn nổi loạn, nhưng câu chuyện của cô thì buồn hơn. Cô là một nhà toán học sáng giá và, trong khi còn là sinh viên tại Đại học Bucharest, đã mở mắt trước điều kiện sống của phần đông dân chúng Romania. Cô hết sức sững sờ. Năm 1974 cô bỏ trốn với một người bạn trai. Nhưng bọn Securitate đã vươn những cái vòi dài và lần ra họ. * Sau đó, theo lời Zoia kể với bạn bè, cô đã bị sập bẫy.

        Đệ Nhất Phu Thê nổi giận và trả thù bằng một hành động ‘lãng xẹt’. Họ đổ lỗi cho Viện Toán học Bucharest, nơi Zoia đang học để lấy bằng Tiến sĩ. Họ cho rằng Viện tiêm nhiễm ‘tâm tính du mục’ cho đứa con gái độc nhất của mình, vì thế họ đơn giản đóng cửa Viện, phân tán ban giảng huấn về nơi khác. Nhưng thật bốc đồng, họ cho phép một số bộ óc xuất sắc nhất của Viện ra nước ngoài. Toán học là một trong số ít ngành chuyên môn mà người Romania đang tiến hành những công trình nghiên cứu cao cấp. Mọi thứ đều biến mất, khi hơn 100 nhà toán học hàng đầu trốn qua phương Tây. Zoia trở về với nền nếp gia đình, một cách miễn cưỡng, và khi có cơ hội cô cố nói với cha mẹ về những hàng dài người đứng chờ lấy thực phẩm cùng cảnh khốn khổ của nhân dân. ‘nhưng họ không hề nghe tôi’, cô nói. Cô thu mình lại, cô độc và quay sang uống rượu.

        Hoàng tử kế vị là Nicu, đứa con trai ruột khác, sinh năm 1951. Gã này không nghiêm túc như các anh chị mình và hình như khoái hưởng thụ những đặc quyền mình có từ lúc mới ra  đời. Gã là là một dân chơi thứ thiệt mà ngay khi còn trẻ đã lêu lõng khắp Bucarest và các thủ đô nước ngoài, khoái lái ô tô nhanh, và cũng như người chị gái đắm chìm vào men rượu. Nhưng vì là đứa con cưng nên vợ chồng Ceausescu quan tâm đến gã nhiều hơn. Khi lớn hơn gã bớt quậy chút ít nhưng cũng còn tiếp tục mê rượu, một tật xấu mà cuối cùng đã giết chết gã. Gã được giao những trọng trách chính trị, được điều hành nguyên một tỉnh lị ở miền bắc Romania. Cha mẹ gã chăm chút để sau này gã lên nắm quyền cai trị một triều đại Cộng sản như họ kì vọng. *

  • Vợ chồng Ceausescu giám sát và can thiệp vào những mối quan hệ của con cái mình. Trong một thời gian ngắn vào thập niên 1970 Zoia có hẹn hò với Petre Roman, con một quan chức hàng đầu của Đảng, một sinh viên thích giao du và đẹp trai, người sau này trở thành Thủ tướng Romania thời hậu-Cộng sản sau Cách mạng. Elena đặc biệt không tán thành mối giao du này. Bà điện cho cha của Petre, Walter Roman, và yêu cầu vợ chồng ông ta lập tức cắt đứt mối quan hệ của họ. ‘Một người Do Thái trong gia đình là đủ rồi,’ bà nói – ám chỉ chị dâu mình là người Do Thái. Bà và Walter tống khứ chàng trai trẻ ra nước ngoài học tập và cuộc tình lãng mạn tàn lụi dần. Bà tìm cách mai mối cho con trai cưng Nicu của bà với một phụ nữ bà ứng ý, Poliana Cristecu. Hôn nhân là viêc cuối cùng mà gã Ceausescu con phóng đãng này muốn làm. Lễ cưới được Thị trưởng Bucharest tổ chức, gia đình và một ít thủ lĩnh của Đảng đến dự. Ngay sau khi ký vào tờ đăng kí kết hôn, gã quay về phía cô dâu mới và nói: ‘Nào, giờ hãy đến sống với mẹ tôi nhé. Bà ấy sẽ ngủ với cô vì bả chọn cô.’

Phụ nữ chịu thiệt thòi nhiều nhất trong nhà nước Romania của nhân dân. Năm 1986, ngay ngày sinh nhật y, Ceausescu công bố một sắc luật mới ngăn cấm phụ nữ dưới 45 tuổi phá thai. Trong vòng hai mươi năm qua luật cấm áp dụng với tất cả phụ nữ dưới 40, nhưng vì luật cũ không hiệu quả nên được sửa đổi gắt gao hơn, nhà lãnh tụ nghĩ như thế. Ceausescu mơ ước tăng dân số Romania từ 23 triệu lên 30 triệu. Vào năm 1966 y phát động một chiến dịch bằng nghị định coi việc thai sản là một chính sách nhà nước. Vào giữa những năm 1980 y nói: ‘Bào thai là tài sản của toàn xã hội. Ai tránh mang bầu là người đào ngũ khỏi qui luật nối dõi quốc gia.’ Romania là nước duy nhất trong khối xã hội chủ nghĩa có luật chống phá thai, vốn đã được áp dụng rông rãi trên khắp khối Đông Âu coi như biện pháp chủ yếu để kế hoạch hóa gia đình. Ở Romania phương pháp ngừa thai bị cấm, giáo dục giới tính không được dạy ở trường, và tuổi kết hôn tối thiểu đối với nữ được giảm còn 15.

  • Zoia Ceausescu bị bỏ tù 8 tháng sau cách mạng nhưng thể tìm được việc làm sau khi được phóng thích. Nhà cửa cô bị tịch biên và những năm cuối cùng cô phải sống trong căn phòng dư ra của bạn bè. Cô chết vì ung thư phổi năm 2006. Nicu bị giam hai năm rưỡi. Thỉnh thoảng gã được nhắc tới trên báo chí Romania để minh chứng cho hành động của cha mẹ mình, trước khi chết vào năm 1996 vì bênh xơ gan do nghiện rượu. Valentina vẫn con sống khi tôi viết quyển sách này; ông thường phê phán cha mẹ mình sau cách mạng và bị giam 9 tháng trước khi mọi cáo buộc về ông đều bị hủy bỏ. Ông theo đuổi một vụ kiện tụng kéo dài với các cấp chính quyền Romania hậu-Cộng sản trong đó ông tuyên bố tài sản bị tịch biên đúng lý thuộc về gia đình Ceausescu dù cho cha mẹ ông có làm gì đi nữa trong lúc cầm quyền. Ông thua kiện.

        Lúc đầu tỷ lệ sinh sản tăng cao, nhưng sau chừng ba năm nó bắt đầu tụt xuống thê thảm và Ceausescu phải dùng đến các hình thức cưỡng bách man rợ. Phụ nữ bắt buộc phải

đi kiểm tra y tế định kỳ mỗi một đến ba tháng. Họ được tập trung tại nơi làm việc và được các tổ nhân viên có vũ trang – được dân chúng phong cho cái tên cảnh sát kinh nguyệt – hộ tống xuống các phòng khám. Tại đó, thường là dưới sự hiện diện của một sĩ quan Securitate, họ được kiểm tra xem có bầu chưa hay tìm chứng cứ họ đã phá thai. Một phụ nữ có bầu tới  thời hạn mà chưa đẻ có thể sẽ bị cảnh sát mời lên để thẩm vấn. Phụ nữ bị sẩy thai có thể bị nghi là đã dàn xếp một vụ phá thai. Bác sĩ sản khoa trong các khu vực có tỷ lệ sinh sản giảm sẽ bị trừng phạt, vì thế họ thường quay ra ‘táy máy’ với những số liệu. ‘Nếu có một trẻ chết trong khu vực của chúng tôi, chúng tôi bị trừ từ 10 đến 25 phần trăm lương, dù đó không phải lổi của mình,’ Geta Stanescu, một bác sĩ Bucharest, nói.*

Có thể lường trước được, việc phá thai phải hoạt động chui. Tử suất do phá thai ở Romania cao hơn bất kỳ nơi nào khác ở Âu châu. Việc phá thai lậu được thực hiện trong những điều kiện kinh khuảng. Bệnh viện Thành phố Bucharest giải quyết khoảng 3,000 vụ phá thai thất bại mỗi năm, trong đó có khoảng 200 thai phụ cần giải phẩu. Nhiều phụ nữ quá sợ không dám đến bệnh viện. Hơn 1,000 phụ nữ chết ở Bucharest mỗi năm vì phá thai thất bại. Các vụ phá thai bất hợp pháp thường có chi phí từ hai đến bốn tháng lương trung bình. Nếu gặp xui xẻo, họ không dám đến bệnh viện để chữa trị. ‘Thường thì phụ nữ sợ đến bệnh viện đến nổi lúc chúng tôi nhận bệnh thì đã quá trễ,’ Bác sĩ Alexander ở Bệnh viện Thánh phố nói. ‘Thường họ chết tại nhà.’ Vào thập niên 1980  khi điều kiện càng tồi tệ hơn và đất nước lâm vào cảnh khốn khổ, tử suất của trẻ em tăng lên nhanh chóng – đến 25 ca chết trên mỗi 1,000 ca sinh, gấp ba lần tử suất trung bình của Âu châu. Một sự gia tăng khác cũng bi thảm là sự gia tăng các cô nhi viện nhà nước, đầy ắp với khoảng 100,000 trẻ bị bỏ rơi vì cha mẹ không mong muốn hoặc không đủ sức nuôi vào  giữa những năm 1980. Trong vòng bạn bè thân hữu, người ta thường ví Bucharest là ‘Thành phố hoang tưởng’. Người dân Romania càng đói, càng chết lạnh khi đông về, càng phải cố tung hô lớn hơn kẻ đã mang đến khốn cùng cho họ.

  • Phụ nữ có 5 hay 6 con được phong danh hiệu Mẹ Tốt; có từ 7 đến 9 con được tặng huy chương Mẹ Quang Vinh, từ 10 con trở lên huy chương Mẹ Anh Hùng. Ngược lại, nếu không sinh sản được cho đất nước phụ nữ phải chịu hình phạt về tài chính khắt khe. Cặp nào đến tuổi 25 mà không có con sẽ bị đánh thuế cao hơn.

8

Ceausescu và bà vợ Elena

MƯỜI BẢY

CHERNOBYL: THẢM HỌA HẠT NHÂN

Pripyat, Ukraine, thứ bảy ngày 26 tháng 4 năm 1986

BA NGÀY LIỀN các kỹ sư tiến hành thử nghiệm như thường lệ Lò phản ứng Số 4 tại nhà máy năng lượng hạt nhân Chernobyl cách Kiev 140 km về phía bắc. Họ đang cố thử nghiệm xem lò phản ứng có thể hoạt động dưới điện lực do các tua bin của nó phát ra hay không. Đáng lẽ nó không phức tạp hay nguy hiểm về mọi mặt. Thủ tục này đã được thi hành đều đặn trên hàng chục lò phản ứng RBMK làm mát bằng nước tương tự mà người Xô viết đã xây dựng từ thập niên 1950. Nhưng các kỹ sư đã phạm một loạt các sai sót và chậm chạp trong việc giám sát tình hình cuộc thử nghiệm đang tiến hành. Không sai nhận ra là họ đã để năng lượng trong lò phản ứng tụt thấp đến mức nguy hiểm. Lỗi cuối cùng được phát hiện vào chiều tối hôm trước. Các nhà khoa học ở nhà máy xét nên hủy bỏ thủ tục  và sẽ khởi động lại vào một thời điểm khác. Không có gì phải vội vã về cuộc thủ nghiệm này. Nhưng Phó giám đốc nhà máy, Anatoli Dyatlov, đoan chắc là mọi lỗi trước đây đã được khắc phục nên ông quyết định tiến hành như lịch trình.

        Chỉ sau 1 giờ sáng một chút, các kỹ sư lại nhận thấy mức năng lượng lại tụt xuống một cách nguy hiểm thấp hơn 1 phần trăm của mức bình thường. Điều này có nghĩa các máy bơm có tác dụng lưu thông nước để làm nguội nhân lò phản ứng không còn hoạt động. Một phần ba kí nhiên liệu hạt nhân trong 1,661 thanh thép áp lực đã nóng vượt mức một cách điên cuồng. Các kỹ sư nhận nút dừng khẩn cấp, nhưng đã qua trễ. Đúng 1.23 sáng, một tiếng nổ khủng khiếp xé toạc mái vòm của nhà lò, phun ra những mãnh nhiên liệu hạt nhân nóng đỏ, những cục xi măng và thép bắn lên bầu trời đêm. Đó là một vụ phóng thích phóng xạ mạnh gấp 10 lần quả bom nguyên tử tại Hiroshima. Bốn giây sau một tiếng nổ dữ dội khác phá tan hai trong bốn bức tường của nhà Lò phản ứng 4 và bùng phát một đám cháy bắn ra các tia lửa và các hạt than phóng xạ nhỏ li ti lên cao 1,200 m trong không khí. Một đám mây phóng xạ ngay lập tức bị gió thổi về hướng tây-bắc. Khoảng 5 phút sau đó, người đầu tiên trong số các kỹ sư thử kiểm soát lò phản ứng được cử đi làm một công việc tuyệt vọng không có quần áo bảo hộ hoặc mặt nạ dưỡng khí trong một nỗ lực vô ích là dừng lò phản ứng bằng tay. Hai công nhân có mặt trong nhà lò trong vụ nổ đã bị bỏng hết sức nặng. Họ được mang đến phòng cấp cứu của nhà máy, đã đóng cửa mấy năm trước. Các quản lí cho rằng nó không hề cần thiết, vì nhà máy đã vận hành quá trơn tru. Trong nhiều giờ không ai ở Chernobyl biết được phóng xạ đã thoát ra bao nhiêu. Máy đo mức phóng xạ Geiger mà họ sử dụng bên trong khu nhà được thiết kế để đo những mức phóng xa thấp. Ở đây mức phóng xạ đã vượt mức chỉ số. Những máy đo mạnh hơn đã được cất vào tủ khóa kín, với lý do là chắc chúng không hề cần đến.

      Đội cứu hỏa khu vực đã có mặt tại hiện trường  10 phút sau, nhưng không có trang bị gì chuyên dùng. Lính cứu hỏa quân đội được gọi đến yểm trợ và tới nơi sau nửa tiếng. Hai đội đã kiểm soát được ngọn lửa trong nhà lò vào khoảng 3.30 sáng, nhưng lò phản ứng vẫn còn nóng và ợ ra bụi phóng xạ. Lúc bình minh Giám đốc Chernobyl, Viktor Bryukhanov, báo cáo cho cấp trên của mình ở Moscow là đã xảy ra vài sự cố nhỏ nhưng Lò phản ứng 4 vẫn còn hoạt động và mức phóng xạ tại nhà máy ‘vẫn trong ở mức bình thường’. Đó là một lời nói dối. Nhưng Bryukhanov chưa đến chức vị để có thể báo cáo với các trùm của anh những gì họ không muốn nghe.

        Là một viên chức trèo cao, gốc là kỹ sư nhưng không phải ngành năng lượng hạt nhân, lần đầu được bổ nhiệm làm giám đốc một nhà mát hạt nhân khi chỉ mới 35 tuổi. Đó là tuổi rất trẻ trong hệ thống Xô viết cho thấy anh tiến rất nhanh trên đường hoạn lộ. Anh luôn xoay sở để hoàn thành những mục tiêu đề ra trong Kế Họach, làm cấp trên rất vừa ý – và công nhân cũng vậy vì lãnh thêm tiền thưởng. Nếu phải làm tắc trách một chút, cũng chả sao. Vào lúc những sai sót được phát hiện thì anh chắc chắn đã đáp xuống một nơi khác, với công việc tốt hơn. Cách đây bốn năm nhà máy đã gặp một tai nạn nhỏ trong lò phản ứng khác; nhưng Bryukhanov đã tìm cách ém nhẹm mọi thông tin về tai nạn và khắc phục thiêt hại trước khi Moscow biết tin.

        Quan tâm đầu tiên của anh là bảo vệ mình – không được nhiễm độc phóng xạ quá nhiều. Lúc đầu anh không tin sự cố nghiêm trọng đến như vậy. Anh muốn che chắn khỏi trách nhiệm, theo kiểu các quan chức Xô viết quen làm. Một trong những kỹ sư thâm niên nhất của anh, Anatoli Sitnikov, cho anh hay là ông ta tin rằng lò phản ứng đã bị phá hủy. Bryukhanov không tin điều ấy. Sitnikov phải tự mình đi kiểm tra và nhiễm một lượng phóng xa chết người. Ông bảo với vị Giám đốc những gì mình thấy bằng mắt trần. Bryukhanov cho rằng ông nói quá. Dù vậy anh ta cũng bắt đầu hành động: ngay sau khi trao đổi với Sitnikov – lúc này đã là người chết biết đi và ông hiểu điều đó – vị Giám đốc ra lệnh cắt tất cả các đường dây điện thoại không cẩn thiết quanh Chernobyl, để giảm thiểu thông tin ‘không được cho phép’ lọt ra dân chúng.

        Giới quân sự là những người bên ngoài cuộc đầu tiên nghe tin về thảm họa. Bản năng giữ bí mật của họ còn mạnh hơn bản năng của các viên chức bậc giữa của Đảng. Việc cố công bưng bít một cách vô lý vụ nổ Chernobyl – thậm chí khi cả thế giới đều biết – là một phần vì ở LBXV mọi vấn đề liên quan đến hạt nhân, dân sự hay quân sự, thực sự đều do quân đội kiểm soát. Tổng Tư lệnh Quân đội Thống chế Sergei Akhromeyev được báo tin vào khoảng 2.20 chiều, mặc dù chi tiết rất sơ sài. Ông ta không hiểu qui mô của thảm họa Chernobyl, hoặc không biết rằng một luồng phóng xạ độc địa đang phát tán ra ngoài biên giới Xô viết. Thủ tướng Xô viết, Nicolai Ryzhkov, được thông tin vào lúc 6 sáng và ông lập tức điện cho Gorbachev. Cả hai đều bị đánh lừa; họ tưởng rằng đám cháy đã tắt, và không xảy ra rò rĩ phóng xạ nào đáng kể. Họ được cho hay chín người ở nhà máy bị thường nghiêm trọng và 25 quân nhân bị thương vừa phải, nhưng quân đội và Bộ Năng lượng khuyến cáo không nên di tản dân cư ra khỏi thực địa. Việc đó sẽ gây hoảng loạn.

        Một ít giờ sau, giới quân sự mới nắm được qui mô của thảm họa. Lò phản ứng còn nóng đỏ và vào sáng chủ nhật các chuyên viên khoa học quyết định rằng cách duy nhất để làm nguội nó là phủ lấp lò phản ứng bằng cát lấy từ khu mỏ gần đó và đổ từ trên cao xuống. Đây là nhiệm vụ khó khăn và nguy hiểm, đòi hỏi sự can đảm và chính xác của phi công. Một phi đội trực thăng ‘ngựa thồ’ MiG-8 được tuyển chọn cho công tác này. Mức hơi nóng và phóng xạ cao kinh khủng và các phi công phải tìm một lộ trình nhanh nhất bay đến nóc nhà lò, thả bao cát xuống đúng vị trí một cách chính xác rồi bay nhanh ra ngay khỏi vùng hơi nóng, thời gian thao tác chỉ tính bằng giây. Họ đã thực hiện 93 chuyến ‘oanh tạc’ này, mà không mặc quần áo bảo hộ. Một phi công trong đội sau đó nhớ lại là họ đã lót các tấm chì dưới ghế ngồi và nói đùa với nhau, ‘Nếu mầy muốn làm cha, hãy nhớ bọc dái lại bằng chì.’ Câu nói đùa không làm một số họ tránh được bệnh ung thư vào cuối đời.

        Các viên chức ở Moscow biết nhân của lò phản ứng vẫn còn nóng, Gorbachev đã phái một ủy ban do Thủ tướng dẫn đầu lập tức đến hiện trường để nắm tình hình và báo lại trung thực cho Kremlin. Họ đến trễ vào chiều tối thứ bảy. Vào sáng chủ nhật, cách vụ nổ hơn một ngày rưỡi, chính quyền địa phương quyết định đã đến lúc phải cho sơ tán Pripyat, thị trấn có khoảng 45,000 dân chỉ cách Chernobyl 3 cây số. Theo tiêu chuẩn Xô viết, đó là thị trấn kỹ nghệ khang trang, trong một khung cảnh thơ mộng mà những mái vòm của lò phản ứng và tiếng máy chạy rì rầm của nhà máy không ảnh hưởng mấy đến vẻ đẹp của nó. Pripyat sạch sẽ, những khu căn hộ chắc chắn với những tiện ích giải trí tuyệt vời cho dân cư, phần lớn làm việc tại Chernobyl. Khu vực chung quanh là đất rừng xinh đẹp, với các cây thông dọc theo bồ sông uốn khúc. Lúc đó là một ngày cuối tuần mùa xuân ấp áp, đẹp trời. Từ rìa thị trấn, một nơi tản bộ ưa thích, người ta có thể nhìn thấy sự thiệt hại của nhà máy năng lượng  và các đoàn cấp cứu đang làm việc hối hả. Nhưng trong suốt thứ bảy người ta thông báo rằng không có gì nguy hiểm, rằng mức phóng xạ chỉ hơi cao hơn bình thường một chút, và không có gì phải lo lắng. Vì thế họ tranh thủ thời tiết ấm áp. Họ đi dạo cảnh quê. Trẻ em chơi đùa ngoài trời. Mười sáu cặp đôi đang làm lễ cưới. Đó là một ngày mùa xuân bình thường.

        Vào giữa sáng ngày chủ nhật các dân cư được ra lệnh phải đi ngay, hầu hết đều nghĩ là sẽ trở về an toàn sau một ít ngày. Họ bỏ lại hầu hết đồ đạc phía sau. Vào 1.30 chiều mọi người dân đều rời khỏi nhà và Pripyat trông như một thị trấn ma, những cư dân duy nhất còn lại là các thú cưng bị bỏ lại tự xoay sở lấy. Chúng sau đó hoặc chết hoặc hóa điên. Việc sơ tán đã thực hiện quá trễ. Nếu cư dân được đưa ra sớm hơn họ có thể không bị phơi nhiễm phóng xạ ở mức độ cao trong thời gain quá lâu. Hoặc nếu trong một ít giờ họ được phát iodine để uống họ có thể tránh khỏi các u xơ tuyến giáp mà sau này hàng ngàn cư dân Pripyat phải gánh chịu. Hàng trăm người chết vì bệnh ung thư và bạch cầu trong vòng ba năm – và

nhiều hơn nữa sau một thập kỷ.

Vào chiều chủ nhật thế giới bắt đầu nghe tin về Chernobyl. Một đám mây phóng xạ bay theo hướng tây-bắc, rắc bụi phóng xạ xuống miền đông Ba Lan, vùng Baltic và Scandinavia. Đến chiều chủ nhật ở Helsinki một phòng thí nghiệm thông báo là họ đo được mức phóng xạ cao gấp sáu lần bình thường. Vào bình minh thứ hai 28/4 phòng thí nghiệm năng lượng Studsvid trên bờ biển Baltic ở Thụy Điển và nhà máy năng lượng hạt nhân Fordsmark cách Stockholm khoảng 80 km về hướng bắc ghi nhận mức phóng xạ cao gấp 150 lần bình thường. Thoạt đầu người ta nghĩ rằng sự lây nhiễm có thể đến từ một vụ thử tên lửa hoặc một vũ khí hạt nhân gặp nạn nổ tung trong hầm phóng của nó. Nhưng chẳng bao lâu sau người Thụy Điển phát hiện là đám mây chắc đến từ một nhà máy năng lượng – vũ khí hạt nhân và năng lượng hạt nhân sinh ra những chất liệu phân hạt khác nhau. Tình hướng gió và tốc độ, Thụy Điển chính thức thông báo phải xảy ra một vụ nổ lớn tại một nhà máy năng lượng hạt nhân Xô viết đang phát tán phóng xạ qua vùng Bắc Âu. Đó là tin tức giật gân xuất hiện nơi trang đầu của các báo trên khắp thế giới trong vài ngày sau.

   Người Xô viết không nói gì. Họ không thông báo cho chính quyền các nước bị lây nhiễm, hoặc các người dân của họ ở Ukraine, Nga hoặc Byelorussia. Họ cũng không báo cho các đồng chí của mình ở khối ‘thịnh vượng chung xã hội chủ nghĩa’. Đây không phải là thảm họa đầu tiên trong lịch sử Xô viết. Không hay biết đối với phần còn lại của thế giới và công luận Xô viết đã có ít nhất một tai nạn tại địa điểm thử vũ khí và 13 tai nạn nghiêm trọng tại lò phản ứng từ khi LBXV trở thành một quốc gia hạt nhân vào cuối thập niên 1940. Trong tai nạn trước đây tại lò phản ứng số 1 ở Chernobyl vào năm 1982 phòng nhiên liệu trung tâm đã sụp đổ và mức phóng xạ tương đối thấp đã rò rĩ. Vào năm 1975 nhân của nhà máy Leningrad, một lò phản ứng RBMK tương tự như lò số 4 ở Chernobyl, hơi tan chảy, phun phóng xạ vào không khí. Nhưng gió đã mang đám mây phóng xạ qua miền Siberia. Vào năm 1985, 14 công nhân tại nhà máy Balakovo trên bờ sông Volga gần Samara bị giết chết khi luồng hơi nóng 500o C phun tràn qua nhà lò phản ứng tại đó họ đang phục hồi lõi theo qui trình thường nhật.

        Phản ứng của LBXV luôn luôn là phải giữ im lặng, hoặc nếu bị cật vấn thì chối là không có tai nạn gì xảy ra. Với sự cố này bản năng đó lại tiếp tục như truyền thống. Đây là bài kiểm tra chủ yếu đầu tiên trong chính sách gladnost của  Mikhail Gorbachev – và ông đã bị đánh rớt một cách thảm hại. Vào chủ nhật, một ngày sau vụ nổ, báo Izvestia được lệnh không được đề cập đến tai nạn. Gorbachev không ra lệnh bịt miệng một cách trực tiếp, nhưng ông biết nó đã được phát đi và ông không ra chỉ thị ngược lại. Vào sáng thứ hai truyền thông thế giới làm nghẽn đường điện thoại nối LBXV bằng  những câu hỏi tìm hiểu chính thức. Chính quyền Xô viết vẫn còn nói không có gì. Vào 11 sáng, các quan chức cấp cao họp tại Kremlin lần đầu tiên từ lúc thảm họa xảy ra. Giới quân sự còn khuyến cáo nên tiếp tục im lặng, lập luận rằng Chernobyl phải được coi là một bí mật nhà nước. Cuộc thảo luận về tai nạn kéo dài. Phần lớn tập trung vào việc phải đưa ra bao nhiêu thông tin là vừa. Thật ngạc nhiên Shevardnadze đã không hay biết gì về vụ tai nạn mãi cho đến sáng sớm hôm đó, hơn 48 giờ kể từ vụ nổ. Chẳng bao lâu các lãnh đạo thế giới và tòa đại sứ người quốc sẽ phản kháng động thái của Xô viết. Nhưng đó chính là văn hóa bưng bít, và không ai nghĩ phải báo cho Ngoại trưởng là chẳng bao lâu ông sẽ được yêu cầu phải xử lý một khủng hoảng ngoại giao.

        Lúc đầu, chỉ có Shevardnadze và Yakovlev đề nghị không nói gì về Chernobyl. Shevardnadze trích dẫn một bài diễn văn mà Gorbachev đã đọc nói về ‘tính công khai’ chỉ một ít ngày trước đây, trong đó ông nói: ‘Chúng ta dứt khoát chống đối những người chủ trương nhỏ giọt thông tin. Không bao giờ có thể có quá nhiều sự thật.’ Shevardnadze bình luận mà không hề nhướng lông mày tỏ vẻ mỉa mai. Rồi ông nói không thể nào chối vụ Chernobyl. ‘Đây là sự xỉ nhục lương tri thông thường, là điều vô lý. Làm sao ta có thể che đậy cái không thể giấu giếm được? Làm sao ai có thể kêu ca là chúng ta vạch áo cho người xem lưng, khi phóng xạ đã lọt ra ngoài bất chấp chúng ta có muốn hay không?’ Gorbachev đã bị thuyết phục. ‘Chúng ta phải đưa ra thông báo càng sớm càng tốt. Chúng ta không được đình hoãn,’ ông nói. Nhưng giới quân sự và bọn bảo thủ không hài lòng. Hàng giờ liền không có gì xảy ra, cho đến chiều tối chỉ xuất hiện một thông cáo nhạt nhẽo: ‘Từ Hội đồng các Bộ trưởng LBXV. Một tai nạn đã xảy ra tại trạm năng lượng hạt nhân Chernobyl. Một trong bốn lò phản ứng nguyên tử đã bị hỏng. Các biện pháp đã được tiến hành để giảm thiểu hậu quả của tai nạn. Các nạn nhân đã được cứu giúp. Một ủy ban nhà nước đã được thành lập.’

        Đó là lời phát biểu gần như là vô ích, dấy lên nhiều câu hỏi hơn là trả lời. Có thể lường trước được là, khi truyền thông phương Tây nhận được quá ít thông tin từ Moscow và không có nhà báo nào được cho phép đến gần địa điểm thảm họa, người ta mặc tình đồn thổi những câu chuyện ghê gớm. Những báo cáo nói có hàng ngàn người chết trong vụ nổ và một số lớn hơn nữa bị phơi nhiễm phóng xạ ở Ukraine. Một số người trong ban lãnh đạo Xô viết hình như quan tâm đến báo chí ở Au châu hơn là đám mây phóng xạ. Trùm KGB Viktor Chebrikov cho rằng có một âm mưu nhằm bôi nhọ LBXV và y đề nghị sử dụng những phương thức truyền thống để xử lý. Y báo cáo lên Gorbachev vào thứ ba ngày 30/4, bốn ngày sau thảm họa: ‘Các biện pháp đang được thi hành . . . nhằm theo dõi động thái của các nhà ngoại giao và thông tín viên nước ngoài hạn chế cơ hội thu thập thông tin của họ về Chernobyl và để bẻ gãy những nổ lực sử dụng thông tin để dựng lên một chiến dịch chống Xô viết ở phương Tây.’       

Thứ ba đó tờ Pravda được phép loan tin về thảm họa lần đầu tiên, nhưng tin tức đã bị kiểm duyệt cẩn thận và rút ngắn. Nó cho biết ’18 người đang trong tình trạng nghiêm trọng’. Cùng ngày một báo cáo mật gởi đến Kremlin nói rằng 1,882 người đang được chạy chữa tại bệnh viện và 204 người (trong đó có 64 trẻ em) bị nhiễm độc phóng xạ nặng. Người Xô viết đang thua trong mặt trận tuyên truyền. Hậu quả của thảm họa Chernobyl không phải là giờ phút đẹp nhất của Gorbachev. Ông ta không đến đó để gặp và thăm hỏi nạn nhân, hoặc để chứng tỏ mình chịu trách nhiệm. Ông không bảo đảm là chính sách công khai của mình được tuân thủ. Đúng ra, ông tiếp tay không đem sự thật ra trước công chúng và thế giới bên ngoài. Ông không nói gì về nó mãi đến 18 ngày sau tai nạn – và chỉ là một bài diễn văn nhạt nhẽo. Ông nói về ‘một tai họa khủng khiếp đã giáng xuống chúng ta’, nhưng bóp méo con số thương vong và những nỗ lực để khắc phục thiệt hại. Khi ông nói trên TV vào ngày 18/5 nhân lò phản ứng vẫn còn nóng và sẽ tiếp tục nóng trong ba tuần nữa. Ông ta không đề cập đến điều đó vì ông chỉ trích phương Tây, với luận điêu cũ rích thời Chiến tranh Lạnh, là đã ra sức ‘hạ nhục LBXV trong một chiến dịch chống Xô viết cố tình và một núi lời nói dối’. Điều này không có vẻ gì là ‘cách suy nghĩ mới’.

Chernobyl tác động sâu xa đến Gorbachev. Đó là một cú đấm phá vỡ niềm tin của dân chúng đối với ông, và niềm tin của những người làm việc cho ông. Chernobyl là sự nhắc nhở bi thảm cho ta biết hệ thống Xô viết vận hành tồi tệ ra sao, và thúc đẩy ông cải cách nó với lòng nhiệt thành mới mẻ. Ông xử lý cuộc khủng hoảng kém cỏi, nhưng ông quyết tâm học lấy bài học này. Ông bị các viên chức tự mãn lừa dối để giữ an toàn cái ghế của mình. Ba cán bộ cốt cán tại Chernobyl ra tòa và bị phạt tù với những mức án lên đến 10 năm vì đánh giá sai, phạm lỗi và lừa dối vào cái đêm định mệnh đó: Giám đốc nhà máy, Bryukhanov, người phó của ông, Dyatlov và kỹ sư trưởng Nikolai Fomin. Nhưng toàn bộ hệ thống phải chịu trách nhiệm, như Gorbachev hiểu rõ: nhà máy phải đưa vào phục vụ vội vã dưới áp lực phải hoàn thành đúng Kế Hoạch; các qui định an toàn bị bỏ qua; các lò phản ứng được thiết kế sai nguyên tắc. Nếu nhà lò được kết cấu bằng bê tông và thép như các nhà máy của Mỹ, Tây Âu và Nhật thì gần như chắc chắn nó có thể giam hãm được vụ nổ. Nhưng các nhà lò phản ứng Xô viết không được xây dựng như thế, vì sẽ ngốn chi phí  và tốn nhiều thời gian xây dựng. Chernobyl là một thất bại trong cách thức làm việc của người Xô viết. Dù sao thì ông cũng cần tìm thêm một số cá nhân để trút tội. Ông giận sôi lên với tổ chức khoa học và các thủ lĩnh hạt nhân, đang đùn đẩy trách nhiệm, và các viên chức trong văn phòng Bộ Năng lượng và Kế hoạch mà ông cho là bất tài. Chín tuần sau vụ nổ, vào thứ hai 3/7/1986, ông triệu tập một nhóm khoảng 20 người trong số họ để lên lớp. Ông không nói vòng vo:

Trong ba mươi năm các ông bảo với chúng tôi là mọi thứ đều an toàn hoàn hảo. Các ông làm như chúng tôi phải ngước nhìn các ông như những ông thần. Đó là lý do tại sao chuyện này xảy ra, tại sao nó kết thúc trong thảm họa. Không có ai kiểm tra các văn phòng bộ, các trung tâm khoa học. Mọi thứ đều được giữ bí mật. . . Ngay cả những quyết định phải xây dựng trạm năng lượng hạt nhân ở đâu cũng không do lãnh đạo đưa ra. Hệ thống đã bị lũng đoạn bởi sự điều hành của những kẻ chỉ biết quị lụy, liếm giày, giữ bí mật, nể nang và bè cánh. Và không có dấu hiệu là các ông đang rút ra được những kết luận cần thiết. Đúng ra là các ông còn đang cố che đậy mọi thứ. . . Chúng ta phải chấm dứt tất cả chuyện này. Chúng ta đã gánh chịu những tổn thất lớn lao, và không chỉ là những tổn thất kinh tế. Đã có những nạn nhân là con người và sẽ có nhiều hơn nữa. Chúng ta đã bị thiệt hại về chính trị. Công nghệ và khoa học của chúng ta đã chịu tổn thất vì những gì đã xảy ra. . . Từ giờ trở đi, những gì chúng ta làm phải nhân dân và thế giới phải được biết. Chúng ta cần được thông tin đầy đủ

Ông nói các nhà khoa học, và giới quân sự, cần tiến hành những cuộc kiểm tra độc lập và họ sẽ phải học cách tự lý giải cho mình.

        Chernobyl biến Gorbachev thành một người giải trừ vũ khí nhiệt thành hơn. Từ giờ trở đi ông thường nói điệp khúc là chiến tranh hạt nhân sẽ  là ‘vô cùng tệ hơn cả một ngàn Chernobyl’. Ông nổ lực gấp bội trong việc đi đến một thỏa thuận hạn chế vũ khí với người Mỹ. ‘Hiệu quả của nó là sự kiện lớn nhất đối với giới lãnh đạo Xô viết kể từ cuộc Khủng hoảng Tên Lửa Cuba,’ một trong các phụ tá của ông nói. Lần đầu tiên lãnh vực không thể xâm nhập, bất khả xâm phạm, và bí mật nhất của hệ thống Xô viết – chương trình hạt nhân – trở thành mục tiêu của sự chỉ trích.

        Nó cũng có tác động sâu xa lên cá nhân ông Gorbachev. Có những viên chức bao quanh Reagan ngờ ngợ không biết liệu ông ta có bấm nút hạt nhân dưới bất kỳ tình huống nào không. Ở LBXV có những quân nhân nghĩ là ông sẽ không bấm, và một số người khác lại tỏ ra dè bĩu neu đúng là như vậy. Không lâu sau thảm họa Chernobyl Gorbachev tham gia thực tập trò chơi chiến tranh mô phỏng trong dưới boongke ở Kremlin. Đến đoạn Xô viết cần đáp ứng một cuộc tấn công giả định của Mỹ. Theo lời ông kể cho một viên chức của mình sau đó, ‘Từ bảng điều khiển trung tâm phát ra cảnh báo các tên lửa địch đang bay về phía lãnh thổ của bạn, hãy ra quyết định. Một vài phút trôi qua. Các thông tin đổ tràn về. Tôi phải ra lệnh đánh trả ngay. Tôi nói “Không. Tôi sẽ không ấn nút dù đây chỉ là một trò thực tập mô phỏng.”’

9

Nhà lò phản ứng số 4 bị phá hủy sau vụ nổ

MƯỜI TÁM

THANH TẨY SẮC TỘC

Sofia, tháng 6 năm 1987

CHÚNG ĐẾN LÚC NỬA ĐÊM. Những xe bọc thép Bulgaria bao vây ngôi làng, đèn pha rọi sáng rực và tiếng la hét của binh lính đánh thức dân chúng đang say giấc trên giường, và rồi sự khủng bố bắt đầu. Các dân quân, theo lời nhân chứng kể sau đó, xông vào mọi nhà mà người sắc tộc Thổ đang cư ngụ. Súng đã lên nòng, chúng chìa một mảnh giấy ra trước mặt gia chủ. Đó là một tờ đơn trên đó y được lệnh phải viết ra tên gốc Xla-vơ mới của mình và toàn bộ gia đình y để thay thế các tên Hồi giáo khi khai sinh. Nếu họ từ chối hoặc trù trừ họ sẽ đánh đập. Trong nhiều trường hợp chúng bất họ phải chứng kiến vợ hay con gái mình bị hãm hiếp. Nếu họ còn từ chối – vì các tên Hồi giáo được xem là thiêng liêng – họ sẽ bị lôi đi về các trại giam hoặc đơn giản là bị giết ngay tại chỗ. Việc này là cần thiết, như lời Thủ tướng Bugaria nói riêng với các xếp khác trong Đảng Cộng sản ở Sofia, ‘để kết thúc vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ, bằng lửa và gươm, một lần cho tất cả’.

        Phần đông người Bulgaria không biết là tồn tại ‘vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ’. Sắc tộc Thổ có khoảng 900,000 người, bằng 10 phần trăm dân số Bulgaria, tập trung tại hai khu vực chính ở đông bắc và nam của đất nước. Họ là hậu duệ của dân Ottoman đã từng cai trị Bulgaria hàng thế kỷ, nhưng bây giờ họ chỉ là thiểu số yếu thế. Họ đã sống yên bình với xóm giềng qua nhiều thế hệ trên vùng đất nông nghiệp phì nhiêu, là những nhà nông cần cù, giỏi giang. Mặc dù theo một số phong tục Hồi giáo, họ không thờ phụng tôn giáo nào. Họ có giáo dục và hình như là một phần không thể tách rời trong xã hội Bulgaria. ‘Thật khó để biết ai thuộc sắc tộc Thổ và ai không, trừ ra nói tên ra,’ là lời của Ionni Pojaleff, một nhà vật lý cư ngụ tại Sofia nhưng nhiều năm liền có tậu một nhà nghỉ thôn quê trong một ngôi làng Thổ. ‘Tất cả chúng tôi đều bị áp bức. Nhưng rồi từ giữa những năm 1980 chế độ chỉa mủi dùi sang người Thổ – và điều đó đã thay đổi mọi thứ.’

        Đó là một chiến dịch tàn độc do tên độc tài xứ Bulgaria phát động nhằm lôi kéo tâm trí của thần dân khỏi nghĩ về những điều kiện tối tăm và mục nát của đất nước. Todor Zhivkov đã lên nắm quyền từ 1954. Ngoài mặt y hình như còn nắm bàn tay sắt, khiến nhân dân khiếp sợ như bao giờ, nhưng bên trong giữa thập niên 1980 đã có dấu hiệu là y bắt đầu nhuốm bệnh. Bulgaria, cũng như nước láng giềng Romania, chưa hề là một xứ dân chủ. Nó chỉ được độc lập trong thập niên 1870 và được cai trị bởi một dòng dõi các nhà độc tài kiểu phương Đông cổ không khác chế độ Cộng sản. Nền cai trị của Zhivkov là tuyệt đối và chuyên quyền. Mặc dù y không phải là tên quái vật cỡ Ceausescu, nhưng y cũng có thể tàn độc. Có những trại tập trung khắc nghiệt trong vùng Balkan, như hai trại nổi tiếng ở Skravena và Belene, tại đó, đến giữa thập niên 1960, đã nhốt đến hàng ngàn tù chính trị. Zhivkov đã sát hại hàng trăm đối thủ và sở hữu một lực lượng mật vụ trung thành, cơ quan Sigmost, làm thanh gươm sắc và lá chắn dày của y. 

        Trước khi y trở thành nhà lãnh tụ tối cao y coi sóc quân đội riêng của Đảng, Lực lượng Dân Quân, và đã tổ chức các vụ thanh trừng vào cuối thập niên 1940 chống lại bọn ‘lệch lạc’. Y biết cách dùng bạo lực. Nhưng y không hề nhắm làm thánh sống. Y chỉ muốn ngồi chễm chệ trên  quyền lực, nhờ đó y có thể tiếp tục biển thủ tiền bạc kết sù đem giấu ở Thụy Sĩ, rồi du hành khắp đất nước và khoan khoái nghỉ dưỡng tại hai tá lâu đài sang trọng mà ông đã chiếm đoạt cho gia đình sử dụng. Một người thấp, vạm vỡ, mũi tẹt, y có thể là một ‘bác Tosho’, với nét duyên dân giã nếu y muốn biểu lộ, nói thứ ngôn ngữ bình dân Bulgaria. Nhưng như Ngoại trưởng lâu năm của y, Petar Mladenov, thường nói ở chốn riêng tư, ‘Zhivkov là người bệnh hoạn, đa nghi và tham vọng điên cuồng.’

        Y đã xuất hiện như một Stalin-nít chính thống, nhưng trong ba thập niên y sử dụng chiến thuật ‘nắng bề nào che bề nấy’ khi cần. Chính cái lúc y cảm thấy mình bị đe dọa y liền chơi lá bài chủ nghĩa quốc gia và bắt đầu cưỡng bách đồng hóa người Thổ. Trước đây, vào thập niên 1970, chế độ đã cưỡng bách 100,000 người Bulgaria gốc Thổ – gọi là dân Pomak – đổi tên Hồi của họ. Việc này gây ra rắc rối tương đối nhỏ hoặc chống đối công khai. Mặc dù có khoảng 500 Pomak bị tống giam vì không chịu theo luật, nhưng bạo lực chỉ sử dụng hạn chế. Năm 1985, Zhivkov bãi bỏ việc giảng dạy bằng tiếng Thổ, đóng cửa các trung tâm văn hóa Hồi giáo và bảo rằng mình đang ‘khuyến khích’ người Thổ đổi tên. Hàng trăm ngàn người đã chịu làm thế vào giữa năm 1987 và chiến dịch được báo là hoàn thành. Một phụ tá của Zhivkov nói đó là ‘công việc hoàn toàn tình nguyện vì một làn sóng tự hào tự phát đã dâng cao khắp đất nước’. Không xuất phát từ thủ đô và công luận nào, sự thật về chiến dịch đồng hóa xuất hiện sau đó. Dân quân đã tiến hành các vụ đột kích đêm vào hàng trăm ngôi làng, gần 1,000 người sắc tộc Thổ đã bị sát hại và hơn 25,000 người bị cầm tù.

Trong lúc các làng người Thổ bị cướp phá, các công trình xây dựng được tiến hành nhanh chóng trong vùng nông thôn khác của của Bulgaria. Pravets, cách Sofia khoảng 120 km về hướng đông, được biến thành một ‘ngôi làng kiểu mẫu’ có khoảng 4,200 dân cư. Một trong số ít các đường ô tô trong làng nối trực tiếp nó với thủ đô. Vài nhà máy kỹ nghệ nhẹ mọc lên ở đây lần đầu tiên. Những trang bị mới được đưa vào nông trại tập thể và một ít lô đất tư được cho phép nông dân làm riêng. Nhiều nhà cửa được xây dựng lại, kể cả ngôi nhà từng rất khiêm nhượng nơi Todor Zhivkov ra đời vào ngày 7/9/1911. Giờ nó trở thành một viện bảo tàng ca tụng thành tích anh hùng mà nhà lãnh tụ đạt được trong cuộc chiến đấu vì chủ nghĩa xã hội, sự hi sinh quả cảm khi là dân quân du kích trong cuộc chiến và tài lãnh đạo đất nước đầy hứng khởi qua bao thập niên. Zhivkov, một thợ in trong nhà máy giấy quốc doanh trong gần hết thời đầu đời, sự thật là một viên chức nhỏ trong lực lượng Cộng sản bí mật vào thập niên 1930, và không hề tham gia lực lượng du kích trong cuộc kháng chiến chống Phát xít Đức. Y trở thành một nhân vật lãnh đạo trong phong trào Cộng sản chỉ sau chiến tranh khi ông là nhân vật đứng đầu cảnh sát Sofia bị nhiều người ghê tỡm.

Đối với các nhà độc tài trong các nhà nước chư hầu, chủ nghĩa quốc gia là con dao hai lưỡi. Thật khó cho một nhà lãnh đạo Cộng sản đã được LBXV đặt vào vị trí có thể nắm giữ vị trí ấy lâu dài. Dân chúng im lặng vì sợ hãi, nhưng ở chốn riêng tư họ bắt đầu đặt ra những câu hỏi bất tiện về tình trạng thuộc địa của đất nước như một thành phần của đế chế Xô viết. Trong trường hợp Bulgaria càng phức tạp thêm nữa. Bulagaria từ lầu có mối dây liên hệ văn hóa gần gũi và lâu dài với Nga. Sa hoàng đã giải phóng người Bulgaria khỏi ách cai trị của người Ottaman và hai xứ sở này là đồng minh truyền thống. Ngôn ngữ thì tương tự. Họ đều dùng chung mẫu tự Cyrillic. Về lịch sử cả hai đều theo Chính thống Giáo. Sau Thế Chiến II, Bulgaria hình như theo đuôi Nga nhất trong số các nhà nước chư hầu. Nhà lãnh đạo đầu tiên của họ, Georgi Dimitrov, sinh tại Bulgaria nhưng đã lưu vong gần hai thập niên. Ông là một nhà hoạt động Bôn-sê-vich mưu mẹo, nổi danh thế giới sau khi bọn Phát xít kết tội (sai) là người phóng hỏa Reichstag, tòa nhà nghị viện Đức sau khi Hitler lên làm Thủ tướng. Ông ta sống ở LBXV nhiều năm liền như là nhà đáng sợ của Comintern (Quốc tế Công sản). Ông là công dân Xô viết khi Stalin đưa ông trở lại Sofia để biến Bulgaria thành một nhà nước cộng sản theo kiểu Liên xô.

        Sau khi Dimitrov chết vào năm 1949 một cuộc đấu đá quyền lực dữ dội xảy ra ở Sofia. Zhivkov được chọn, với sự hậu thuẫn của Moscow, làm nhà lãnh đạo Bulgaria vào năm 1955. Khi Zhivkov nắm quyền lực y qua mặt tất cả lãnh đạo xã hội chủ nghĩa khác trong việc xun xoe đút lót bất cứ quan thầy nào tại Kremlin. Ở Sofia loan truyền truyện cười là một lần Khrushev (sau đó được gán cho Brezhnev) gặp Zhivkov ông ta hỏi, ‘Ê, Todor, cậu có hút thuốc không?’. Y trả lời nhanh như chớp: ‘Sao cơ, em phải hút thuốc à?’ Đó không hẳn là truyện đùa khi vào năm 1972 Zhivkov tiến gần Brezhnev và khẩn khoản xin cho Bulgaria gia nhập LBXV thành nước cộng hòa thứ 16. Bzehnev khôn khéo gạt đi.

     Zhivkov đã duy trì quyền lực trong ba thập niên bằng cách thẳng thừng làm theo bất cứ việc Moscow yêu cầu. Nhưng hiện giờ mối quan hệ của y với LBXV đang nguội lạnh. Lý do chính, mặc dù không phải duy nhất, là vấn đề tài chính. Người Xô viết ban cho Bulgary, cũng như các nước khác trong khối COMECON một sự trợ cấp khổng lồ dưới dạng dầu giá rẻ. Nhưng Bulgaria ngay lập tức quay ra bán hết cho phương Tây với giá thị trường thế giới và bỏ túi một số tiền tệ cứng. Khi người Xô viết phát hiện được việc gian lận này họ nổi điên lên. Bulgaria, như hầu hết các nhà nước chư hầu khác, mắc nợ phương Tây trầm trọng – hơn 10 tỷ đô la Mỹ vào giữa thập niên 1980. Người Bulgary sử dụng mức nợ nần của họ như một cái cớ, điều này làm người Xô viết càng tức điên thêm. Khi giá dầu cao và đang tăng, trò chơi khăm của Bulgary là một nổi bực bội, nhưng dù sao lúc đó bản thân người Xô viết cũng nhận được doanh thu cao. Nhưng khi dầu rớt giá thê thảm như giữa thập niên 1980 LNXV mất gần phần nửa ngoại tệ kiếm được. Nó bắt đầu đi tới một thảm họa về kinh tế và sự bất mãn của Moscow đối với Bulgaria càng dâng cao. Các viên chức ở Kremlin không hề tha thứ cho Zhivkov, nhất là Gorbachev, khi tuyên bố rằng ‘hoàn toàn không thể chấp nhận được việc các công dân Xô viết phải hi sinh để giúp đỡ Đồng chí Zhivkov theo kiểu này’.

        Đối với Gobachev, nhà độc tài Bulgary là một trong cái mà các phụ tá của nhà lãnh đạo Xô viết gọi là ‘lũ bốn tên’ lì lợm, tàn dư của một thời đại khác, không chịu tiến lên theo thời đại và học tập ‘lối suy nghĩ mới’ để cứu vớt chủ nghĩa cộng sản. Nhà lãnh đạo Xô viết gán y với Honecker, Husak và Ceausescu. Ông đã mất kiên nhẫn với họ. Gorbachev là một điều bí ẩn đối với Zhivkov, giờ đang qua tuổi thất thập và từ lâu đã thối nát vì  quyền lực và sống hoang phí. Thoạt đầu Zhivkov cũng bắt chước người chóp bu ở Kremlin. Y chào đón perstroika và gladnost. Y lên tiếng ca tụng Gorbachev và để ra những chương trình cải cách của riêng mình, được gọi một cách khoa trương là ‘Nguyên tắc Nhận thức Chủ đạo về việc Xây dựng Mới Xã hội Chủ nghĩa ở Bulgaria’. Các đề cương còn đi xa hơn của LBXV, đặc biệt về mở rộng mậu dịch và đưa vào sản xuất tư nhân. Nhưng y nói vậy mà không phải vậy. Lỗi lầm lớn nhất của y là y tưởng Gorbachev cũng không tin vào những ý tưởng cải cách này. Y tưởng chỉ cần đơn giản phát biểu những lời dao to búa lớn, nhất trí với nhà lãnh đạo Xô viết mỗi khi được hỏi ý kiến, nhưng thực tế thì không làm gì cả. Khi y biết rằng Gorbachev nghiêm túc y cố lách ra xa người Xô viết. Nhưng đã quá trễ.

        Trong nước, y đang bắt đầu đối mặt với loại chống đối mà y chưa hề gặp trước đây. Nó còn câm lặng, nhưng giờ thì y phải tìm cách mới để giải quyết sự bất đồng chính kiến. Zhivkov đã rất khéo léo vun đắp tình cảm và làm đẹp lòng giới trí thức để leo kéo họ về phe mình. Thỉnh thoảng y trở lại với biện pháp nhẫn tâm của quá khứ, nhưng nói chung, như nhà tiểu luận và sử gia Marioa Todorova nói, ‘ông thành công trong việc làm băng hoại và chia rẽ chúng tôi trong khi không tạo ra những người tử đạo’. Sự kết hợp giữa mua chuộc và hù dọa đã có hiệu quả trong một thời gian dài. Nhưng giờ thì không còn nữa. Vẫn chưa có tình trạng in ấn báo chui ở Bulgaria, nhưng lần đầu tiên các người bất đồng chính kiến không chịu cô lập nữa. Họ bắt đầu nhóm họp, nếu không nói là còn lập ra những nhóm bán chính thức nữa. Họ chưa dám, vâng, đề cập đến việc dẹp bỏ chủ nghĩa cộng sản, nói chi đến việc đụng tới lãnh tụ tối cao. Điều đó quá nguy hiểm. Nhưng họ thảo luận về việc thành lập các nghiệp đoàn độc lập tương tự như Công đoàn Đoàn kết và, đặc biệt, nói về môi trường. Một thị trấn biên giới cổ xinh đẹp bên sông Danube ở phía bắc đất nước, Ruse, đang bị hủy hoại do sự ô nhiễm từ Giurgiu, một nhà máy hóa chất ở Romania phun chất độc ra không khí. Nhiều người dân của thị trấn và các làng gần đấy bị bệnh phổi nghiêm trọng. Tu viện lịch sử ở Rila trong vùng tây nam xứ sở, một trong những điểm đến du lịch quan trọng nhất của Bulgaria, bị đe dọa bởi một dự án xây đập bắc qua hai phụ lưu sông Danube để làm nhà máy thủy điện. Bình nguyên Traika, gần biên giới với Hy Lạp, từng là vùng đất màu mỡ nhất Bulgaria. Nhưng trong thập niên cuối cùng nó đã bị ô nhiễm do nhà máy kim loại chứa sắt. Các thành phố Bulgaria có mức độ ô nhiễm không khí cao gấp 17 lần trung bình của Âu châu. Sự phản kháng đã bắt đầu lớn mạnh dưới một tổ chức lõng lẽo có tên Ecogladnost. [Công khai sinh thái: ND]

     Zhivkov không lo lắng quá về một số ít chiến dịch môi trường, nhưng y ghét ý tưởng về nghiệp đoàn tự do có thể kích động giới công nhân. Y vẫn  còn nắm giữ tất cả đòn bẩy của quyền lực trong tay. Y và một số ít nịnh thần đồng tuổi lui về sau trong thế giới riêng của họ, và không ngừng đắm chìm trong men rượu. Vào cuối thập niên 1980, một nhà báo Pháp, Sylvie Kaufman, được phép phỏng vấn y, buổi phỏng vấn ấn định lúc 10 giờ sáng. Zhivkov bắt đầu cuộc phỏng vấn bằng cách mời người phỏng vấn một ly rượu. Cô từ chối, vì vừa mới ăn sáng xong. Y uống một vài ly. Trong buổi nói chuyện y thường nói không được mạch lạc. ‘Thật lúng túng,’ cô nói. ‘Khi y có ý nói Gorbachev thì y nói lệch sang Brezhnev. Người thông dịch cố đính chính cho y nhưng y vẫn nói Brezhnev lần nữa.’

10

Brezhnev và Zhivkov tay trong tay

MƯỜI CHÍN

MẤT MẶT GIỮA  QUẢNG TRƯỜNG ĐỎ

Moscow, thứ năm ngày 28 tháng 5 năm 1987

VÀO MỘT BUỔI CHIỀU MÙA XUÂN ÁM ÁP, mọi thứ hình như yên tĩnh, bất động và bình thường ở Quảng Trường Đỏ. Một nghệ sĩ nghiệp dư dựng một giá vẽ tại một trong những vị trí truyền thống để nắm bắt những tia nắng mặt trời trên mái vòm củ hành của thánh đường St Basil. Một ít du khách đang lẩn quẩn quanh lối vào lăng Lenin. Những người khác đang ngắm nghỉa các cửa sổ của cửa hàng GUM để xem có mặt hàng gì mới mẻ hoặc lý thú vừa mới về để mua. Nhưng, như thường lệ ở Nga trong thời gian đó, không có gì cả. Điều bất thường là, sau sáu giờ một chút, người ta nghe có tiếng vù vù yếu ớt ở phía trên cao khu buôn bán của Moscow và rồi xuất hiện một phi cơ cánh quạt nhỏ bay thấp xuống. Ở LBXV không có máy bay tư nhân, vì thế sự hiện diện của nó là một điều bí ẩn. Chiếc phi cơ trắng mất hút trong một lúc. Rồi, thình lình nó xuất hiện lại, chạy trên măt đất. Người ta nghe thấy tiếng bánh máy bay nghiến lên lớp đá sỏi trải bên ngoài Cổng Spassky dẫn đến Kremlin và rồi nó ngừng lại gần như ngay giữa Quảng Trường Đỏ.

        Người họa sĩ nghĩ rằng đây có lẽ là một mẫu trưng bày trong triển lãm hàng không hoặc một sự kiện thể thao, vì hôm đó là ngày Phòng Vệ Biên Giới, một ngày lễ nhỏ. Một số khách ngoại quốc bổng phấn khích hẳn lên khi họ nghĩ có thể là máy bay của Gorbachev cũng nên. Văn phòng của ông chỉ cách đây khoảng 300 mét. Một số nhân viên an ninh đứng quanh đó, vẻ mặt sửng sốt nhưng vẫn không làm gì cả. Động cơ máy bay đã dừng, cánh quạt ngừng quay và bước ra là một thanh niên trẻ tuổi tóc đen, sôi nổi, mảnh khảnh đeo kính và mặc trang phục phi công. Anh tự giới thiệu là Matthias Rust, một thư ký ngân hàng 19 tuổi từ Hambourg, đến thủ đô Xô viết trong ‘sứ mạng hòa bình’. Một đám đông thân hữu vây quanh anh và anh ký thủ bút của mình, nhai mẫu bánh mì mà một người thiện chí vừa dúi vào tay anh. Gương mặt hồ hởi, anh giải thích rằng mình đã mang theo một kế hoạch 22 trang nhằm bãi bỏ vũ khí và chấm dứt Chiến tranh Lạnh. Anh nói anh muốn gặp nhà lãnh đạo Xô viết để thảo luận về kế hoạch đó. Sau khoảng ba phần tư giờ hoàn toàn lúng túng cuối cùng anh bị cảnh sát dẫn đi.

Cuộc phiêu lưu kỳ lạ và táo tợn của Matthias Rust đã bắt đầu nửa tháng trước. Vào 13/5 anh thuê từ một câu lạc bộ bên ngoài Hamburg ở Tây Đức một máy bay Cessna 172-B, một trong những loại máy bay thương mãi nhỏ nhất trên thị trường và bay thẳng qua Baltic đến Na Uy. Asnh dừng chân tại đó một ít ngày rồi bay đến Phần Lan. Vừa qua 1 giờ chiều vào ngày 28/5 anh cất cánh từ Phi trường Malmi ở Helsinki, bảo với phòng kiểm soát hàng không Phần Lan là mình bay đến Stockholm. Ngay sau khi liên lạc lần đầu tiên với họ anh quay về hướng đông. Những nhân viên kiểm soát Helsinki cố bắt liên lạc với anh để báo cho anh biết là anh đã lạc hướng bay đến Thụy Điển, nhưng anh đã tắt máy truyền tin. Ra đa quân sự của Xô viết đã phát hiện ra anh lúc 14.29 giờ ngay khi anh đi vào không phận của họ trên biên giới Phần Lan/Estonia và bay ở độ cao 1,800 bộ. Họ gán cho máy bay anh mã số ‘liên lạc’ – 8255 – được sử dụng cho các phi cơ địch đáng ngờ. Nhưng rồi một loạt những tai nạn gây lúng túng, các sai sót và đánh giá sai đã dẫn đến một sự cố làm bẽ mặt nhiều nhất cho quân lực Xô viết kể từ Thế Chiến II.

        Một phi cơ tiêm kích MiG-23 được lệnh bay lên điều nghiên máy bay của Rust ngay khi nó bị phòng không Nga phát hiện. Phi công thông báo rằng đó là một ‘máy bay thể thao nhỏ bay ngay dưới đám mây’. Điều đó hình như không thích hợp lắm đối với tư lệnh không lực, vì kể từ thảm họa của Chuyến bay 007 của Hàn Quốc cách đây bốn năm lực lượng phòng không Xô viết được lệnh cấm nghiêm nhặt bất cứ hành động nào có tính gây hấn đối với phi cơ dân sự. Khi Rust bay xa hơn về hướng đông tiến đến Moscow, hai máy tiêm kích khác được phái đến để theo dõi chiếc Cesna, nhưng họ đã để

mất dấu nó giữa các đám mây thấp. Khi ra đa bắt được Rust lần nữa, máy bay anh được nhận diện lầm là một quả bóng khí tượng. Sau đó anh lại mất dấu thêm một lần nữa, rồi 15 phút sau các nhân viên ở hệ thống phòng không quốc gia lần theo được anh nhưng nhận định chiêc Cesna là ‘một đàn chim. . .  chúng tôi kết luận đó là đàn ngỗng trời’. Trong 20 phút quyết định cuối cùng trước khi Rust đến được Moscow, khu phòng không trung tâm của thủ đô đang đóng cửa vì đang tiến hành việc bảo trì thường lệ các thiết bị ra đa, vì thế không bắt được tín  hiệu của máy bay Rust. * ‘Kế hoạch của tôi là đáp xuống Quảng Trường Đỏ,’ anh nói. ‘Nhưng có quá nhiều người ở đó, tôi sợ sẽ gây thương vong. Tôi cũng đã nghĩ đến việc đáp xuống điện Kremlin nhưng không đủ chỗ trống. Tôi vòng quanh Quảng Trường ba lần tìm chỗ đáp.’ Cuối cùng tôi đáp xuống Vasilevsky Spusk, kế bên tường Kremlin, và anh chạy khoảng 300 m trước khi dừng lại. Anh đã bay hơn 600 km qua lãnh địa Xô viết và được phép đáp xuống, không

bị thách thức, ngay trung tâm của quyền lực Xô viết.

Nhà lãnh đạo Xô viết không có mặt ở Moscow khi phi cơ của Rust đáp xuống. Ông đang ở Berlin tham dự hội nghị thượng đỉnh khối Hiệp ước vác-sa-va, và rõ ràng trong tâm trạng tồi tệ khi nghe tin quái lạ đó. Ông vừa trải qua vài giờ chịu đựng khi ngồi cùng Erich Honecker, Gustav Husak, và những tên tàn dư Stalin-nit già rủ khác của khối Đông Âu, làm ông rầu rĩ và chán ngấy. Tổng tham mưu Trưởng Xô viết Thống chế Sergei Akhromeyev, không hay biết gì cả về vụ Rust mãi cho đến khi chàng trai trẻ bị nhốt vào phòng thẩm vấn, đối đầu với những câu hỏi của KGB. Akhromeyev đã chiến đấu trong mặt trận Leningrad trong thời chiến và được phong tặng huy hiệu Anh Hùng của LBXV. Nhưng ông sợ phải báo cho Gorbachev về các sự cố ở Moscow chiều hôm đó. Nhà lãnh đạo nổi cơn thịnh nộ. Tất cả bọn tùy tùng của ông đều biết là ở nơi riêng tư ông thường sử dụng ngôn ngữ chưởi thề đầu màu sắc. Và đây là lúc ông tuôn ra lời chưởi rủa. ‘Thật là nổi nhục quốc gia . . . tệ không kém Chernobyl,’ ông gầm lên. Người lính già chỉ biết có nhất trí. Gorbachev bảo với các phụ tá mình là ông nghi ngờ giới lãnh đạo quân sự – vốn không đồng thuận với ông về vụ kiểm soát vũ khí và cắt giảm ngân sách quốc phòng – đã cố tình làm ngơ cho máy bay đáp xuống Quảng Trường Đỏ để gây khó khăn cho ông về mặt chính trị. Ông nói sẽ không bỏ qua cho họ một trò bẩn như vậy. ‘Họ đã là mất thể diện đất nước . . . làm bẽ mặt nhân dân. Nào, hãy cho mọi người biết quyền lực nhà nước nằm ở đâu. Nó nằm trong tay giới lãnh đạo chính trị . . . Chúng ta sẽ đặt dấu chấm hết đối với lời rêu rao điên cuồng về việc giới quân sự chống đối với Gorbachev.’

  • Rust bị kết án bốn năm tù nhưng chỉ phục vụ 18 tháng trong một xà lim KGB ngăn cách với các tù nhân khác. Anh bị đối xử tương đối tố so với sự lộn xộn mà anh đã gây ra. Anatoly Chernyaev ghi lại trong nhật ký của mình rằng cách thức nhẹ nhàng mà vụ án được xét xử cho thấy sự biến chuyển của LBXV. ‘Nếu trước đây không lâu thì anh đã bị lôi đi, và bị thủ tiêu,’ ông nói. Rust trở lại Tây Đức nhưng không bao giờ chịu ngồi yên. Anh làm những công việc lặt vặt trong ngành tài chính và ra vào tù nhiều lần vì phạm các hình tội khác nhau từ ăn cắp đến gian lận đến tấn công tình dục một nữ tu.

        Ông rút ngắn thời gian ở Berlin và trở về Moscow, tại đó ngày hôm sau ông triệu tập nhóm chóp bu quân sự để lên lớp họ, ngay trước mặt các quan chức cao cấp ở Kremlin. Gorbachev rất gay gắt. Ông nói với Tướng Pyotr Lushev, tư lệnh quân đội, có trách nhiệm về phòng vệ Moscow: ‘Việc này tiếp diễn trong hai giờ rưỡi, trong khi máy bay xâm phạm bay trong khu vực của Quân đoàn Thứ Sáu . . . Chuyện này có báo cáo cho ông chứ?’  Lushev đáp: ‘Không. Tôi chỉ hay tin khi máy bay đáp xuống Moscow.’ Gorbachev vặn lại với giọng châm biếm cay độc: ‘Chắc cảnh sát lưu thông báo lại cho ông chứ gì?’ Ông huyên thuyên hơn một giờ, kết tội Bộ Quốc Phòng  là ‘hoàn toàn hết thuốc chữa . . . chễng mãng, thiếu chuyên nghiệp’ và các tướng lãnh cao cấp cố tình phá hoại chương trình cải tổ của mình. Quay nhìn Bộ trưởng Quốc Phòng, Thống chế Sergei Sokolov, ông nói, ‘Trong tình huống này, nếu là ông, tôi sẽ từ chức ngay lập tức.’ Solokov, người đã chỉ huy quân đội Xô viết xâm lăng Afghanistan, đứng nghiêm, chào, và xin từ chức tại chỗ. Ông được thay thế ngay lập tức bởi Tướng Dmitri Yazov, một nhân vật tương đắc, thân mật có tiếng là ‘người vâng ạ’, đã nhảy vọt qua một số ứng viên cao cấp hơn, có tư cách hơn. Alexander Koldunov, tư lệnh phòng không Xô viết, một chiến binh cừ khôi thời Thế chiến II, không được phép từ chức hoặc về hưu. Ông bị sa thải ngay lập tức vì ‘thiếu tinh thần trách nhiệm’. Gorbachev kết luận: ‘Một sự cố đã xảy ra vượt xa mọi sự cố từng có trước đây xét về mặt hậu quả chính trị . . . Chúng ta đang nói về sự mất lòng tin của nhân dân đã dành cho quân đội, mà vì lợi ích của nó nhân dân đã chịu bao nhiêu hi sinh trong một thời gian dài. Một cú đấm cũng đã giáng xuống giới lãnh đạo chính trị, xuống quyền lực của chúng ta.’

        Akhromeyev sống sót, cũng như Lushev, nhưng hơn 150 sĩ quan bị cách chức, một số ra toà án binh, cho vai trò của họ trong vụ án Rust. Phần lớn là những quân nhân đã ra mặt chống đối perestroika. Có thể chỉ là làm nhục, nhưng, luôn là người cơ hội, Gorbachev sử dụng sự cố để đè bẹp giới quân sự. Trong vòng một năm, toàn bộ những sĩ quan ở cấp cao nhất trong Bộ Quốc Phòng, Tổng Tham mưu, tư lệnh Hiệp ước Warsaw và tất cả tư lệnh đặc khu quân sự đều bị thuyên chuyển. ‘Ngay cả trong những cuộc thanh trừng đẫm máu mà Stalin tiến hành đối với Hồng Quân trong năm 1937-1938, tỷ lệ thuyên chuyển trong các chức vị chóp bu cũng không cao bằng,’ một quan sát viên quân sự cho biết. Gorbachev càng tỏ ra khinh thị các lãnh đạo quân đội. Từ giờ trở đi ở các buổi họp ông thường hay nhạo báng mỉa mai và đưa ra lời chỉ trích với bất cứ ai mặc y phục quanh ông tỉ như ‘Này, Đồng chí Đại tướng, hôm nay chúng ta định xâm lăng ai đây?’ Giới quân sự tất nhiên bất mãn khi bị đối xử như thế. Trong một thời gian ngắn có vẻ như là ông đã thắng họ được một điểm. Nhưng họ sẽ tìm cách đả thương ông để đáp trả.

 

HAI MƯƠI

LŨ BỐN TÊN

Moscow, tháng 6 năm 1987

CÁC NHÀ ĐỘC TÀI ở Đông và Trung Âu phải mất một thời gian dài mới nhận ra mình là của mình. Cho dù sau khi họ được bảo ban rõ ràng là người Nga sẽ không còn bảo vệ chủ nghĩa cộng sản và đế chế Xô viết theo cách truyền thống nữa, bằng xe tăng và quân đội, họ vẫn không muốn tin. Các ông như Honecker, Zhivkov và Husak đã quen nhận lệnh từ Moscow và bày tỏ lòng tuân phục. Ceausescu thì có đầu óc độc lập hơn, nhưng vẫn bị mắc kẹt trong cái ý thực hệ chính thống của những năm 1950. Họ được cho phép một mức độ tự trị hạn chế. Nói chung, một xứ chư hầu càng lớn, thì được cho phép nhiều tự do hơn. Việc này đã tăng lên theo thời gian, nhưng cuối cùng thì tất cả các nhà lãnh đạo Đông Âu chấp nhận tình trạng thuộc địa của họ và cố hết sức tránh xúc phạm với ông chủ của mình. Họ không có tính hợp pháp trong xứ sở mình, một sự kiện họ luôn thấu rõ. Họ đã được quyền lực Xô viết cắt đặt, chống lại ý muốn của nhân dân, và chỉ có thể duy trì vị trí của mình dưới sự yểm trợ của LBXV. Họ phục vụ các mục tiêu của Kremlin.

        Nhưng giờ đây tâm trạng ở Moscow đang thay đổi. Khji Gorbachev nắm được quyền lực và cảnh báo các nhà lãnh đạo chư hầu là họ phải ‘nhận trách nhiệm lớn hơn’ cho xứ sở mình, thoạt đầu họ không tin ông nghiêm túc. Họ nghĩ đó chẳng qua chỉ là một tuyên bố có tính nghi thức, mà nhà lãnh đạo mới nói cho đúng lệ. Qua nhiều thập niên, các lãnh đạo Xô viết khác cũng phát biểu y như vậy nhưng rồi, chẳng bao lâu, lệnh trên lại đưa xuống, áp đặt sự can thiệp thường xuyên vào một loạt các vấn đề nội tình của họ, lớn cũng như nhỏ. Giờ đây số lần chỉ dạy từ người Xô viết đã giảm chỉ còn nhỏ giọt và toàn bộ cơ chế của đế chế đang tan rã. Các cố vấn Xô viết, vốn từng nắm quyền lực và ảnh hưởng lớn lao trong mọi phòng ban chính quyền và Đảng ủy từ Berlin đến Sofa, được lệnh từ Moscow phải đứng ngoài lề. Họ chỉ cố vấn đại loại như ‘Được rồi, các đồng chí có thể làm những gì mình thầy là tốt nhất’. Nó làm lúng túng và mất nhuệ khí Lũ Bốn Tên vốn đã quen phục tùng giờ không quen khi được cho phép tự quyết định.

        Gorbachev ít có kinh nghiệm về Đông Âu khi ông củng cố được quyền lực. Ông đã từng đi công du ngắn ngày các nhà nước chư hầu khi ông coi về nông nghiệp Xô viết, nhưng chưa từng nghĩ sâu xa về mối quan hệ giữa LBXV và các thuộc địa Âu châu. Một trong những người bạn thân nhất của ông trong thời gian ở Đại học Moscow là ‘người cộng sản cải cách’ người Tiệp Zdenek Mlynar, một nhân vật cầm đầu trong Mùa Xuân Prague. Nhưng ông đã bị thanh trừng sau khi Xô viết xâm lược vào năm 1968 và lưu vong đến Vienna. Những năm sau đó Gorbachev nói rằng ‘sai lầm lớn nhất của LBXV là việc chúng ta đã làm vào năm 1968 chống lại những cải cách dân chủ ở Prague. . . nếu tất cả những xứ sở này được phép tiến lên con đường cải cách xã hội, thì đã dẫn đến những kết quả khác’. Ít có chứng cứ cho thấy ông đã nghĩ như thế tại thời điểm đó. Chắc chắn là ông không dám thốt ra những lời báng bổ như thế trong nội bộ Đảng khi mà ông đang leo lên cột mỡ dẫn đến chóp đỉnh quyền lực. Khi ông lãnh nhiệm vụ trong điện Kremlin, ông coi những sở hữu thuộc đế quốc của Xô viết là ổn định. Ba Lan truyền thống thì khó kiểm soát nhưng Tướng Jaruzelski có vẻ như đã tái lập lại hòa bình và trật tự ở đó. Romania đi theo đường lối của mình, nhưng về cơ bản thì vẫn trung thành. ‘Ở nơi khác tình hình bình yên cho thấy ít nhất trong tương lai gần sẽ không có biến động,’ tùy viên của Gorbachev, Andrei Grachev, nói. ‘Đã nhận được những công văn chính thức bày tỏ lòng trung thành từ những nhà lãnh đạo tay sai, Gorbachev cảm thấy yên dạ về tình hình Đông Âu.’

        Sau một năm rưỡi, ông bắt đầu duyệt xét lại vấn đề, do đề nghị của Shevardnadze và Yakovlev, những người chủ trương là Xô viết nên nới lõng nắm tay của họ hơn nữa đối với phần ‘đế chế bên ngoài’. Giờ thì Gorbachev chịu tin rằng các nhà nước vệ tinh là một gánh nặng đối với LBXV đến nổi đất nước khó lòng cáng đáng nổi. ‘Để mua lấy lòng trung thành và sự tin cậy chính trị – và bảo đảm sự ổn định nội bộ tối thiểu – LBXV trợ cấp cho mức sống ở các xứ Đông Âu cao hơn cả mức sống của đa số dân chúng Xô viết,’ Grachev nói. Nhưng cái giá đó đã tăng lên. Mỗi lần xảy ra khủng hoảng chính trị tại một trong các nước vệ tinh, người Xô viết lại phải dàn xếp êm xuôi bằng cách đưa thêm tiền. Gorbachev được cho biết là để duy trì ‘sự ổn định’ của các nước Đông Âu LBXV phải chi khoảng 10 tỷ đô một năm cho an ninh. Một số kinh tế gia cố cố vấn ông là sự hỗ trợ tài chính bổ sung lại rút rỉa nền kinh tế Xô viết thêm 30 tỷ nữa. Ông bị sốc trước những số liệu này và trở nên quyết tâm từ rày trở đi các ‘anh em xã hội chủ nghĩa’ phải chi trả phần mình. Vào tháng 11 năm 1986 ông triệu tập các lãnh đạo những nước vệ tinh đến Moscow họp thượng đỉnh, một cuộc họp làm rung chuyển thế giới xã hội chủ nghĩa.

        Ông loan báo về một cuộc cách mạng trong các phương thức trao đổi giữa các thuộc địa và Moscow đã kéo dài từ thời Stalin đến nay. Hệ thống đã phụ thuộc vào luồng nguyên liệu thô từ LBXV đổ vào các nước vệ tinh, để đổi lại những hàng hóa sản xuất di chuyển theo hướng ngược lại. Giờ đây Gorbachev tuyên bố rằng ‘mậu dịch phải dựa trên nền tảng hai bên đều có lợi và theo tình hình của thị trường thực sự’. Ý ông muốn nói là họ phải trả hàng nhập khẩu của họ theo giá thế giới – và LBXV sẽ có quyền chọn lựa nhiều hơn là nên mua hay không những hàng hóa chất lượng kém sản xuất tại Poznan, Leipzig hay Bratislava. Ông cũng nêu rõ là không có việc LBXV sẽ bảo lãnh cho những khoản vay từ các ngân hàng Tây phương mà các xứ Đông Âu đã chồng chất bao nhiêu năm qua. Không ai trong số các thính giả ngay lập tức hiểu hết tầm vóc của những gợi ý này. Trong một đêm, người Xô viết đã biến đổi đế chế xã hội chủ nghĩa – hay là đã ‘giết nó’, như một viên chức Đông Đức tại cuộc họp nhìn nhận. ‘Về mặt kinh tế nó tương đương với việc rút hết quân đội Xô viết ra khỏi Đông Âu,’ một cán bộ lão thành khi nghe tuyên bố trên, phát biểu.

        Dần dần, hậu quả bắt đầu ngấm dần và những nhà lãnh đạo kia phát hoảng. Họ không còn có thể trông mong vào cuộc sống tương đối dễ chịu, được che chở bằng những tín dụng từ Moscow và suối dầu và khí đốt rẻ từ phương Đông. Cùng lúc đó, Gorbachev đã thuyết giảng cho tất cả bọn họ dài dòng về những thay đổi ông đang tiến hành ở LBXV, về chủ đề perestroika và gladnost. Lũ Bốn Tên càng lắng nghe càng khó chịu. Ông tưởng rằng mình sẽ là tấm gương vẫy gọi một làn sóng người bắt chước  sẽ xuất hiện trên vũ đài của xứ sở họ. Ông hi vọng sẽ thấy được những ‘Gorbachev nhỏ’ ở Đông Âu, tất cả sẽ theo đuổi những cải tổ bắt nhịp bước với ông, bởi vì các người ưu tú của họ đã quá quen nghe theo LBXV. ‘Quán tính của chủ nghĩa gia trưởng đã hình thành từ lâu,’ Gorbachev nói. ‘Trong các nước xã hội chủ nghĩa, truyền thống phục tùng và phụ thuộc vào lãnh đạo, ước muốn nhất trí với ‘người anh cả’ trong hầu hết mọi vấn đề, để không chọc giận Kremlin đã ăn mọc rễ ăn sâu.’ Trên hết ông tin tưởng rằng, nếu được cho lựa chọn, nhân dân trong cộng đồng xã hội chủ nghĩa sẽ chọn ở lại với hệ thống thân thiện, bên trong quỹ đạo của Xô viết. Đó là một giả định ngây thơ của một người quá tha thiết với niềm tin của mình đến nổi ông hình như quên rằng những người tiền nhiệm của mình đã áp đặt chủ nghĩa cộng sản cho nhân dân các nước Đông Âu bằng đầu lưỡi lê. Ông không tin là mình đang làm những điều liều lĩnh căn cơ khi nới lõng gọng kềm Xô viết.

        Gorbachev ‘khinh bĩ’ hầu hết lãnh đạo Đông Âu, trừ Jaruzelski mà ông thích và Kadar mà ông kính trọng, theo lời Valeri Musatov, phó phòng quốc tế của Đảng Cộng Sản Xô viết. Ông hoàn toàn coi thường tên Zhivkov luồn cúi và cho rằng Honecker và Husak là những tên chán phèo. ‘Chúng là những tàn dư phản động, những di vật từ thời Brezhnev,’  ông thường tâm sự. Ngần ngừ một chút, ông tiếp: ‘Điều hiển nhiên là không phải do lão suy, mà là sự phờ phạc của những người lãnh đạo đã bẩy mươi tuổi và đã lèo lái xứ sở đến hai hay ba thập niên.’ Ông đặc biệt chán ghét Ceausescu, mà ông gọi là ‘quốc trưởng Romania’ [quốc trưởng tiếng Đức là fuhrer, danh hiệu người Đức dùng để gọi Hitler: ND] Gorbachev nói: ‘Ai cũng nhận ra cái ảo tưởng vĩ đại của y. . .  Romania hoàn toàn khuất phục trước những tham vọng vô hạn về quyền lực của người lãnh đạo mình đến nổi càng ngày càng giống như một con ngựa bị quất roi và bị điều khiển bởi một tên cầm cương tàn ác. Tôi đã gặp nhiều người tham vọng trong đời . . . Thật khó tìm nhà chính trị lớn nào mà không có ít nhiều tính tự phụ như y. Nhưng với mức độ của y, thì y thuộc một loại riêng biệt.’

        Ông không nhiệt tình khi đi thăm các nước trong khối xã hội chủ nghĩa và một số các phụ tá của ông cho biết luôn gặp rắc rối khi bố trị lộ trình cho ông đi công du vì Gorbachev luôn phân vân tới lui không dứt khoát ai mình muốn đi thăm và ai mình không muốn. Khi ông đi, ông vẫn giữ được lịch sự, nhưng luôn muốn chắc chắn là dân chúng bất cứ nơi nào ông đến đều biết là ông cổ vũ các nhà lãnh đạo cải cách. Nhưng không phải lúc nào ông cũng nói rõ ý định của mình. Khi thăm Tiệp Khắc vào tháng 4 năm 1987, ông thận trọng tránh né không nói cuộc xâm lăng năm 1968 của Nga là sai. Điều này làm bất mãn những người bất đồng chính kiến hoạt động ngầm. Nhưng khi đoàn tùy tùng của ông rời Prague, một phóng viên phương Tây hỏi phát ngôn viên của ông điều gì Ngài Gorbachev nghĩ là sự khác biệt giữa những cải cách trong Mùa Xuân Prague của Alexander Dubcek và những ý tưởng hiện giờ của Xô viết về Perestroika và gladnost. ‘Mười chín năm,’ là câu trả lời nhận được. Điều đó tạo một động lực cho phong trào chống đối và một cú đấm cho chế độ.

        Gorbachev thích đi thăm các thủ đô tráng lệ của phương Tây hơn, ở đó ông nhanh chóng trở thành một siêu sao chính trị. Lúc nào ông cũng được những đám đông hoan hô cuồng nhiệt chào đón, sốt sắng muốn nhìn cho được một nhà lãnh đạo Xô viết biết cười, biết đối thoại mà không cần phải đọc vào giấy, và trông rõ ràng là một con người. Việc ông quay sự chú ý của mình sang phương Tây là có lý do chính trị tốt đẹp. Ông cần làm giảm xuống sự căng thẳng quốc tế, để ông có thể cắt giảm chi phí quân sự và rồi giải quyết những vấn đề cấp bách ở trong nước. Nhưng nhiều người đã từng làm việc kề cận ông đồng ý rằng thành công cá nhân choáng ngợp ở nước ngoài – ‘cơn sốt Gorbachev’ tiếp tục hết những năm đầu ông lên nắm quyền – đã làm ông ngây ngất. Không nhà lãnh đạo Xô viết nào khác đã ăn mặc đúng mốt và xử sự như một chính khách phương Tây như vậy. Báo chí và truyền hình Mỹ và Âu châu xem ông như là một ngôi sao. Họ tường thuật mỗi lần ông xuất hiện, viết về phong thái, cử chỉ, nói chi đến các bài diễn văn của ông, thường là dài quá mức và chứa nhiểu chuyện gẫu. Có một thời gian báo chí phương Tây đâm ra si mê phu nhân ông. Các nhà báo viết không ngừng về tủ quần áo, cách trang điểm, kiểu tóc của bà. Bà yêu thích được chú ý. Ông thì thích gặp gỡ các lãnh đạo thế giới, các đại sứ nước ngoài và nhà báo phương Tây, trong khi đối với các quan chức của Đảng từ Warsaw đến Berlin thì ông chán ngán. Ông trau chuốt hình ảnh của mình và biết cách khai thác giới truyền thông phương Tây. Ông có thể nhiều lời, nhưng cũng biết giá trị của một phát biểu ngắn xúc tích.

HAI MƯƠI BA

ĐOẠN KẾT Ở BA LAN

Warsaw, thứ tư, ngày 31 tháng 8 năm 1988

CÁC NGƯỜI ĐÌNH CÔNG lại đứng ngay rào chắn ở Ba Lan – một lần nữa. Một không khí thân thiết phủ lên làn sóng chống đối vì đời sống công nhân tràn qua đất nước từ đầu mùa hè. Ba Lan đã xuống đường thường xuyên trong chục năm vừa qua. Nhưng lần này ý thức về khủng hoảng và hỗn loạn bao trùm và chế độ đã hết cách để giải quyết. Chính quyền đã sử dụng mọi biện pháp thông thường: mua chuộc, cưỡng chế và cuối cùng một cuộc nội chiến chống lại nhân dân của nó nổ ra. Không có biện pháp nào có hiệu quả. Đất nước đang trong tình trạng suy sụp về kinh tế, chính trị và đạo đức. Chế độ, phần lớn vẫn do giới quân sự điều hành, mặc dù lệnh thiết quân luật đã được dỡ bỏ từ lâu, đang nhắm đến một biện pháp mới: đối thoại với CĐĐK. Khi Bộ trường Nội vụ và nguyên là trùm tình báo Tướng Czeslaw Kiszczak gặp Lech Walesa vào một ngày nóng rát da ở trung tâm Warsaw và đưa ra nguyện vọng thảo luận về mọi vấn đề với ông, đó là sự khởi đầu của một tiến trình thương thảo dẫn đến sự suy sụp của chủ nghĩa cộng sản Đông Âu.

        Thiết quân luận chỉ cho sự nhẹ nhõm tạm thời, chứ không giải quyêt được gì. Nó làm yếu đi Đảng Cộng sản, mà theo một viên chức cao cấp đã ‘sử dụng mọi  quyền lực và óc tưởng tượng trong cuộc chiến chống lại CĐĐK vào những năm 1980-82.’ Đảng đã đánh mất lòng  tự tin một cách thảm hại. Hơn phân nửa trong số ba triệu đảng viên đã rời bỏ Đảng trong năm năm vừa qua. Cuộc điều tra trong nội bộ Đảng vào năm 1986 cho thấy là gần một phần ba nhận là đã đi lễ nhà thở đều đặn, trong khi có 20 phần trăm có đi lễ mà không chịu nhận. Đảng viên bây giờ phần lớn là những cán bộ lớn tuổi hơn và những người tham gia chỉ cốt giữ việc làm và thăng quan tiến chức. Ít có người trẻ tham gia. Họ có thể nhận ra vào đảng bây giờ không còn lợi lộc như trước đây: hệ thống ban bệ đang tan rã.

        Trong một nỗ lực phá bỏ bế tắc, Jaruzelski chơi một canh bạc chiến thuật lớn, và đã thua. Tháng 11 vừa qua – sau khi tham vấn với Gorbachev – ông vội vã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý với ý định sẽ giành được ủng hộ cho gói cải cách kiểu perestroika. Ông cố gắng cho thấy mình là một người cấp tiến mới, mặc dù ông chỉ là biểu tượng, như Adam Michnik nói, ‘không phải là một chủ nghĩa cộng sản với bộ mặt người, mà là một chủ nghĩa cộng sản bị đấm gãy mất vài cái răng’. Trưng cầu dân ý đặt ra những câu hỏi cho cử tri một cách chi tiết và kỳ lạ như: ‘bạn nghĩ vật giá sẽ tăng bao nhiêu’ – và ‘bạn có tán thành những cải cách kinh tế của chính quyền dù phải hi sinh hai ba năm nửa?’ Sau đó nó hỏi những câu hỏi mơ hồ: ‘Bạn có ủng hộ một hình mẫu Ba Lan dân chủ hóa sâu xa không?’ Các cố vấn của vị Tướng trấn an ông rằng cuộc trưng cầu là một biện pháp khôn khéo sẽ mang lực lượng chống đối vào tâm điểm. Nếu CĐĐK kêu gọi chọn Đồng Ý, công đoàn sẽ được kết nạp như một thành viên của chế độ. Nếu công đoàn kêu gọi chọn Không, nó đã lộ bộ mặt chống cải cách. Nhưng trưng cầu cho thấy là một sai lầm ngoạn mục. Kết quả là có 67% người đi bầu trong tổng số người hợp lệ, và trong đó chỉ có 66 % người chọn Đồng Ý. Kết quả này vẫn là một thất bại cho chế độ, vì Jaruzelski đã qui định trước là phải cần 51% cử tri ưng thuận so với tổng số cử tri hợp lệ, có đi bầu hay không – một qui định tự sát. Theo qui định này vị Tướng chỉ đạt 44% số phiếu. Cuộc trưng cầu được hi vọng cho thấy chính quyền cũng có tính dân chủ như CĐĐK. Thay vào đó, Jaruzelski có vẻ là một người thua cuộc.

        Một người thua cuộc tồi tệ. Một cuộc khủng hoảng tài chính có chu kỳ của Ba Lan đánh vào đất nước ngay sau khi cuộc trưng cầu dân ý thất bại, như thường lệ do nợ nước ngoài gây ra. Ba Lan sắp lâm vào cảnh vỡ nợ, một tình hình quen thuộc của đất nước. Nhưng lần này thì tệ hơn trước. Giờ mức lạm phát tăng hơn 50% và còn tăng nữa. Mức sống trở nên tồi tệ. Khan hiếm trầm trọng những nhu yếu phẩm: sữa, thuốc men đủ loại, len bông, giấy vệ sinh, thịt, bánh mì, rau cải tươi, nước khoáng. Đây là thời, nói như Michnik, mà ‘mơ ước lớn nhất là mua được một cuộn giấy vệ sinh’.

        Đối với phụ nữ thì tình trạng càng tệ hơn, vì chính họ phải xếp hàng. Alina Pienkowska là một y tá tại xưởng tàu Lenin, một nhà hoạt động của CĐĐK từ những ngày đầu tiên của các cuộc đình công 1980 và kết hôn với một nhà tổ chức nghiệp đoàn từng là một trong các lãnh đạo của CĐĐK thời kỳ hoạt động ngầm những năm thiết quân luật. ‘Để có được những vật dụng cơ bản như bột giặt là một cuộc chiến đấu thực sự,’ bà nói.

Chuyện đó hình như không thể. . .  Tôi phải gội đầu bằng lòng đỏ trứng vì không có dầu gội. Để có được vật dụng cần nhiều thời gian và kiên nhẫn. . . Một người lao động phụ nữ sẽ không có đủ thời gian trong ngày. Nếu bạn muốn sống ở một mức nào đó, vừa làm việc vừa đứng xếp hàng, bạn sẽ không còn thời gian cho việc gì khác. Một trong những điều tệ hại nhất là mối dây gia đình, liên lạc với con gái tôi, càng trở nên thưa thớt. . . Ta không thể thỏa mãn nhu cầu của bọn thiế niên đang lớn. không đủ chất đạm và các tố chất cần thiết cho trẻ đang phát triển. . . Sau khi trả tiền học mẫu giáo và tiền thuê nhà tôi gần như không còn  gì. Nếu chúng tôi không nhận được thông tin về cuộc sống nơi khác, thì chuyện đó sẽ khác. Nhưng chúng tôi biết về cuộc sống của những dân tộc khác.

Vào tháng tư năm 1988 Jaruzelski làm những việc mà các người tiền nhiệm Cộng sản ở Ba Lan đã làm. Ông cho tăng giá – khoảng 40% lên hầu hết giá lương thực. Trong ba tuần đất nước gần như dừng lại. Cuộc đình công lần 1, vào ngày 1/5, bắt đầu từ nhà ga xe buýt và xe điện ở thành phố đông-tây của Bydgoscz, tại đó công nhân đòi tăng 60% lương. Đình công lan ra nhanh chóng. Tại nhà máy thép Lenin khổng lồ ở Nowa Huta gần Kharkow, 15, 000 người buông bỏ công cụ và yêu sách tăng lương 50%. Lực lượng an ninh tràn đến nhà máy và bắt giam khoảng một chục công nhân, trong đó có cố vấn CĐĐK Jacek Kuron. Đình công đóng cửa 16 mỏ than và xưởng đóng tàu ở Szczecin. Mạng lưới giao thông khắp xứ và các nhà máy ở Gdansk đã lên kế hoạch ngưng làm việc.

        Sự náo loạn làm sống lại CĐĐK, vốn đang trải qua một thời kỳ im ắng. Số đoàn viên chỉ còn ít hơn phân nửa số 9 triệu tại đỉnh cao mà công đoàn đạt tới trong thời kỳ rực rỡ nhất của công đoàn vào 1980-81. Thiết quân luật và những năm tù đọng tiếp theo đã nhấn chìm mọi hi vọng của nhân dân và mang tới sự thờ ơ rộng khắp. Ảnh hưởng của CĐĐK giảm dần. Jerzy Urban, phát ngôn viên của chủ nghĩa cộng sản Ba Lan, thường được nghe nói là gọi CĐĐK là ‘một tổ chức không còn tồn tại’ và gọi Lech Walesa là ‘đầu não trước đây của công đoàn trước đây’ hoặc là ‘một công dân tư nhân’. Tổng Giám mục Glemp đã bảo với Phó Tổng thống Mỹ  Bush, khi ông đến Warsaw trong chuyến viếng ghé thăm vào cuối năm 1987, là ‘CĐĐK là một chương đã đóng lại trong lịch sử Ba Lan’.

Chế độ đã nỗ lực nhiều để làm mất danh tiếng của Walesa. Cảnh sát mật phải dùng đến phương thức gian lận ít nhất hai lần. Nó phát hành bộ phim, Tiền Bạc, với mục đích chiếu cho thấy ông trong một tiệc sinh nhật với người em Stanislav trong đó khán giả nghe thấy họ đang bàn về số tiền của phương Tây cho người lãnh đạo CĐĐK bỏ túi riêng. Đó là một mưu mô hỏng hóc, như quá nhiều các hoạt động khác của lực lượng SB. Họ ghép nối những đoạn phim về những phát biểu của Walesa với những đoạn quay cảnh ông ta đang họp với các nhân vật khác của CĐĐK. Nhưng tiếng nói không phải toàn bộ là của Walesa, mà còn do một người thuyết minh giả giọng của ông. Đó là một trò vu khống ai cũng biết là giả và hoàn toàn phản tác dụng. Jaruzelski bảo với Đại sứ Xô viết, Aristov, là SB đang thu thập tư liệu mới, trong đó có một vài tấm ảnh khiêu dâm của Walesa đang ở trong một tư thế gây tai tiếng, mà theo lời vị Tướng sẽ phơi bày nhà lãnh đạo CĐĐK như một ‘cá nhân bẩn thỉu, mưu mô và tham vọng cùng cực’. Nhưng việc đó không hề được đưa ra ánh sáng, vì nó không thực sự tồn tại.

        Tin đồn lan truyền nói rằng Walesa là một người đưa tin của SB, đã phản bội hàng tá nhà hoạt động công đoàn cho chính quyền trong những năm thiết quân luật. Các đối thủ của ông bên trong công đoàn, những người mà ông không ăn ý với họ nhiều năm, đang sốt sắng loan truyền các chuyện này. Thật sự là trong đầu thập niên 1970 Walesa đã từng liên lạc

với cảnh sát mật, như hồ dơ SB đã cho biết. Các tài liệu gán tên ông là BOLEK và rõ ràng ám chỉ ông có móc nối với hoạt động tình báo. Ông đã ký một vài giấy tờ trong thủ tục thẩm vấn, nhưng hóa ra chúng chỉ là những lời khai thường lệ mà ông đã làm khi bị bắt thẩm vấn. Và còn một điều nhỏ nữa. Đây là thời kỳ trước khi ông làm lãnh đạo CĐĐK, lúc đó ông chỉ là một nhân vật tương đối không quan trọng. Cơ quan SB thường có tai tiếng về việc thổi phòng năng lực của mình, thường ba hoa là mình đã tuyển mộ nhiều người đưa tin nhưng thật ra tất cả việc họ làm là hỏi những nghi can một vài câu hỏi. Như tất cả cơ quan gián điệp, nó nhận được những lợi lộc khi nhận bừa những thắng lợi mà có thể mình không làm ra. Hồ sơ KGB và cơ quan an ninh Ba Lan không đưa ra được gì chống lại Walesa. Một tài liệu Xô viết cho biết là khi ông bị giam giữ dưới thời thiết quân luật bọn SB đã ra sức hù dọa ông bằng cách ‘nhắc ông nhớ là họ đã trả ông tiền và ghi vào lý lịch thông tin từ ông’. Đây là chỉ là lần đề cập duy nhất đến vấn đề tiền bạc trao tay trong suốt hàng ngàn trang tư liệu về ông trong hồ sơ mật vụ Nga và Ba Lan. Không còn nghi ngờ gì nữa đây chính là một phần trong nhiều âm mưu mạ lỵ ông. Walesa luôn bác bỏ là mình có phản bội ai đó với SB và không có chứng cứ là ông đã làm chuyện đó – ít nhất là khi ông bị giam giữ, khi mà sức kháng cự dũng cảm của ông đối với chính quyền quân sự đã làm họ nổi giận.

Các cuộc đình công tiếp tục trong suốt mùa hè và Walesa tự ra nắm quyền lãnh đạo. Giờ ông thêm tin tưởng đây sẽ là hiệp đấu cuối cùng với chủ nghĩa Cộng sản, nhưng thắng lợi sẽ là một tiến trình khó nhọc. ‘Tôi biết rằng hệ thống cộng sản đã cáo chung,’ ông nói. ‘Vấn đề là kết thúc bằng cách nào là tốt nhất.’ Ông nhiều lần kêu gọi đối thoại với chính quyền để thành lập ‘một mặt trận chống khủng hoảng’. Tướng Jaruzelski luôn nghĩ mình là một người thực tế. Chính cuộc tư vấn với Gorbachev cuối cùng đã thuyết phục ông đã đến lúc phải đối mặt với sự kiện là chính quyền cần đến CĐĐK. Một số nhà cải cách cộng sản đã từng nói về điều ấy. Ngoại trưởng của ông, Marian Orzechowski, nói: ‘Thiết quân luật hiệu quả chỉ một lần . . . Không thể huy động quân đội và cảnh sát chống lại xã hội lần nữa.’ Tân Thủ tướng, Mieczyslaw Rakowski, nói rằng ‘trong thực tế ta đã công nhận phong trào chống đối là một nhân tố lâu dài trên bản đồ chính trị của đất nước’, và giờ là lúc chính thức chấp nhận thực tế. Nhưng vị Tướng vẫn còn do dự.

      Vào 12 tháng 7 Gorbachex thăm Warsaw và được tiếp đón trọng thị bởi, phần lớn, những người ủng hộ CĐĐK. Jaruzelski nói là ông đang xem xét việc hợp thức hóa CĐĐK và thương thảo với Walesa. Gorbachev hỏi ông ta đang mong đợi điều gì và giục ông ta cứ tiến hành. Jaruzelski hiểu rằng người Xô viết sẽ không làm gì để cứu ông nếu lớp vỏ chính trị của ông gặp nguy hiểm và ông phải tự mình đề phòng. Các vụ đình công đã làm tê liệt đất nước. Ba Lan hầu như vô chính phủ. Ông đã xoay sở vay được người Xô viết nửa tỷ đô để tránh phá sản ngay lập tức, nhưng ông biết phương Tây chỉ chịu rót tiền vào nếu ông có thể tìm ra cách thỏa thuận với CĐĐK.

        Vào ngày 26/8 Jaruzelski liên lạc với Walesa và đề nghị một ‘hội nghị Bàn Tròn’ để chấm dứt bế tắc đang đối diện Ba Lan, nhưng ông giao cho Bộ trưởng Nội vụ của mình soạn thảo chi tiết. Kiszczak là một nhân vật kỳ lạ, một sĩ quan tình báo chuyên nghiệp 63 tuổi, một con người hoạt bát, có tính khôi hài và rất hấp dẫn so với một người có nghề nghiệp của ông. Ông tạo một mối quan hệ kỳ lạ, hầu như là một tình bằng hữu, với phe chống đối cho dù ông là kẻ thù không đội trời chung với họ, một gương mặt khắc nghiệt đại diện cho ách cai trị quân sự. Ông là một trong những người đỡ đầu chính của Hội nghị Bàn Tròn và nỗ lực để bảo đảm nó thành công, trong khi không quên rình rập phe chống đối. Khi gặp Walesa, ông nói CĐĐK có thể được hợp pháp hóa, và một loạt các cải cách dân chủ có thể được đưa vào, nếu người lãnh đạo công đoàn kêu gọi công nhân trở lại làm việc. Walesa biết rằng mình đang đánh cược cao thế nào. Ông tính rằng mình phải chấp nhận lời đề nghị, mặc dù bãi công lần nữa có thể có nguy cơ hủy hoại  quyền lực của mình trong CĐĐK. Nhiều cố vấn thân cận nhất của ông cảnh báo ông đang phạm một sai lầm lớn nhất trong sự nghiệp của mình nếu bước vào đối thoại. Bronislaw Geremek, một trong những thành viên quyết đoán nhất của ban lãnh đạo công đoàn, hiểu rõ chiến thuật của chế độ. ‘Điều họ nhắm đến là mua chuộc CĐĐK, chia rẻ chúng ta, phá hoại chúng ta,’ ông nói. Walesa thuyết phục ông ta và những thành viên hoài nghi khác là không có phương thức nào khác. Ông hiểu rõ những nguy cơ, ông nói, ‘nhưng một bàn tròn tốt hơn một xà lim vuông vức’. Không có cách nào đạt thắng lợi nếu không đối thoại, ông nói thêm. Một nhân tố vô cùng quan trọng là Giáo hoàng ủng hộ đối thoại, cũng như Giáo hội Ba Lan, một trong những người đỡ đầu chính của Bàn Tròn.

        Nhưng ngay cả những cuộc trao đổi về đối thoại cũng diễn tiến nặng nề. Walesa bảo với Kiszczak rằng phải có một thời khóa cho việc hợp thức hóa CĐĐK. Trùm cảnh sát nói là việc đó thì không thể. Cuối cùng có thể có hoặc không có một công đoàn hợp pháp tùy theo tiến trình của cuộc thương thảo. Walesa chấp nhận. Trong vòng vài ngày sau ông đi khắp đất nước, dùng tất cả kỹ năng và năng lực của mình để thuyết phục công nhân rằng thương lượng với chế độ là cách duy nhất để đạt được những gì họ muốn. Ông trấn an các công nhân là họ có thể tin tưởng nơi ông không bán đứng họ. Một cách miễn cưỡng, hầu hết các thành viên trong ban lãnh đạo tháp tùng cùng ông.

        Jaruzelski cũng có vấn đề của riêng mình. Các cố vấn của ông – đặc biệt Rakowski – phác họa một chiến lược độc địa mà họ bảo đảm vị Tướng vẫn giữ được  quyền lực thực sự cho Đảng, trong khi bề ngoài vẫn chấp thuận những nhượng bộ chính yếu cho CĐĐK. Phe chống đối sẽ nắm được những chức vụ bộ trưởng trong chính quyền ‘thống nhất’ mới. CĐĐK sẽ chia sẻ trách nhiệm về cuộc khủng hoảng – và chịu trách nhiệm nếu có gì trục trặc. Phương Tây sẽ ấn tượng trước biện pháp tiến bộ của Ba Lan và sẽ chịu cho vay tiếp. Jaruzelski bị thuyết phục, và tuyên bố ‘việc này đáng để liều’. Nhiều người giữ chức vụ cao trong Đảng tỏ ra rất hoài nghi. ‘Nhóm xi măng’ gồm những kẻ bảo thủ chắc chắn rằng chia sẻ  quyền lực sẽ cuối cùng để mất nó và họ sợ mất ‘ghế’, mất đặc quyền đặc lợi của mình. ‘Nhiều người trong số chúng tôi sợ rằng [nếu chúng tôi nhìn nhận CĐĐK] ngay bây giờ . . . chúng tôi sẽ không thể nào nhốt ông thần đèn trở lại cây đèn thần được nữa,’ Stanislaw Ciosek, nguyên Đại sứ Ba Lan tại Moscow, nói. ‘Đảng có thể hiểu và tin cậy Giáo hội Thiên chúa, một cấu trúc tập trung và mạnh mẽ khác, tốt hơn là với CĐĐK thiếu kỷ cương.’

  Một số sợ sẽ mất mạng nếu ‘bọn phản cách mạng và phản động nắm được chính quyền. Họ yêu cầu, và được chấp thuận, có nhiều thời gian hơn để cân nhắc một quyết định tối ư quan trọng đến nổi một người trong số họ nói ‘sẽ là sự bắt đầu của đoạn kết của chúng ta’. Vị Tướng phải chiến đấu bằng đôi tay của mình để thuyết phục các đồng chí ông nhìn nhận quyền lãnh đạo của mình.               

11.png     

HAI MƯƠI BỐN

TỔNG THỐNG BUSH CẦM QUYỀN

Washington DC, thứ ba, ngày 8 tháng 11 năm 1988

THẮNG LỢI ÁP ĐẢO của George H.W. Bush trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ không làm mấy ai ngạc nhiên. Ông đã là nhân vật nổi tiếng ngay cả trước khi trở thành Phó Tổng thống của Ronald Reagan tám năm trước. Ông nắm đuôi áo của một trong những Tổng thống được ngưỡng mộ nhất trong lịch sử Hoa Kỳ và ông đối đầu với đối thủ Đảng Dân chủ mờ nhạt, Michael Dukakis, vận động một chiến dịch tranh cử nghèo nàn. Mặc dù vụ tai tiếng Iran-Contra * đã nhận chìm Reagan trong nhiệm kỳ cuối cùng của ông, ông vẫn còn là một nhân vật được yêu thích và khâm phục ở trong nước. Ông tiếp nối mục tiêu chính yếu là làm nước Mỹ thêm tự hào. Và giờ đây ông có thể tuyên bố, một cách hợp lý, là mình đã đóng một vai trò đi đầu trong việc giảm căng thẳng của Chiến tranh Lạnh. Bush được kính trọng rộng rãi, nếu không muốn nói là rất được yêu quí. Ông sáu mươi bốn tuổi khi ra tranh cử, cao ráo, dáng đi nhanh nhẹn và trông như một nhà quí tộc. Trong khi Reagan ấm áp, thân tình, Bush có vẻ như lạnh lùng, xa cách. Ông đã tự rèn luyện để nhận lãnh trọng trách cao nhất trong chính trường Mỹ hàng thập niên. Ông là con của một Thượng Nghị sĩ, một người con của Washington, mặc dù ông đã chuyển về Texas trong những năm tuổi 20 để mong làm giàu trong ngành dầu khí. Trước đó ông đã từng là phi công chiến đấu có huy chương trong Thế Chiến II. Ông đã phục vụ trong chính quyền với những chức vụ Đại sứ ở Trung Quốc, Giám đốc CIA, Đại sứ tại Liên Hiệp Quốc và cuối cùng là Phó Tổng thống. Ông rất có nhiều kinh nghiệm, đặc biệt về lãnh vực đối ngoại.

  • vụ chính quyền Mỹ lén lút bán vũ khi cho Iran dù Iran đang bị cấm vận để nhờ Iran vận động giải thoát con tin đang bị phe Hồi giáo Hezbollah cầm giữ tại Lebanon và đồng thời lấy tiền tài trợ cho phiến quân Contra để chống lại Nicaragua theo chủ nghĩa xã hội: ND

        Bush chưa bao giờ là người ủng hộ phe bảo thủ của Đảng Cộng hòa. Ông là một người có quan điểm ôn hòa, theo truyền thống, không quá coi trọng tôn giáo của mình. Ông không lãng mạn, như Reagan, mà trong vòng thân mật ông thường cho đã trở nên ‘quá ủy mị đối với người Xô viết’. Ông là người chân phương và thực dụng. Bush không là người tân bảo thủ diều hâu như bọn lý thuyết gia vây quanh Reagan trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông ta, những người mà ông mô tả là những tên du côn trí thức ‘ngoài lề’. Nhưng ông là người tuân thủ quy ước, người tin rằng vũ khí hạt nhân đã gìn giữ hòa bình trong bốn chục năm. Ông nghĩ rằng những người chủ trương giải giới kiểu Reagan là những kẻ mộng mơ bất cẩn có thể phá hỏng thế quân bình siêu cường toàn cầu. Ông tỏ ra ngờ vực về hiệp ước ký ở Washington D.C. năm ngoái mà Reagan cho là một trong những điểm sáng trong nhiệm kỳ tổng thống của mình. Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Trung gian (viết tắt là INF) là lần đầu tiên một loạt các vũ khí hạt nhân sẽ bị hủy bỏ. Công khai thì Bush ủng hộ hiệp ước, theo đó hàng trăm tên lửa đặt ở Âu châu và phóng từ mặt đất từ cả hai bên đều bị hủy bỏ. Nhưng bên trong ông biểu lộ những mối ngờ vực. Ông không tin là người Xô viết sẵn sàng nhượng bộ đế chế Đông Âu của họ và ông nghĩ là tất cả những gì họ nói về việc trả độc lập cho các chư hầu chỉ là nói trên đầu môi. Ông tỏ vẻ coi thường những sự kiện gặp gỡ Reagan/Gorbachev mà ông cho là đã thành ‘tuồng hát’. Một cảnh phim ông xem trên TV về chuyến viếng thăm của Reagan đến Moscow vào đầu năm làm ông nổi giận. Tổng thống đang dạo chơi trên Quảng trường đỏ. Gorbachev thình lình dắt một một bé trai đến trước mặt Tổng thống và bảo nó ‘bắt tay với Ông nội Reagan’. Một phóng viên hỏi Tổng thống ông có còn nghĩ LBXV là Đế chế Xấu xa nữa không và ông mỉm cười, nói, ‘Ồ không, tôi đã nói về một thời điểm khác, một thời đại khác.’ Từ lúc đó trở đi Bush bắt đầu tỏ ra hoài nghi một cách cân nhắc về LBXV và trong chiến dịch tranh cử ông nhiều lần tuyên bố ‘rằng Chiến tranh Lạnh chưa qua’.

        Bush đã biết nhiều nhân viên CIA nhiều năm trời ngay cả trước khi ông giữ chức Giám đốc CIA dưới thời Tổng thống Ford. Ông nghiêm túc xem xét những gì CIA báo cáo. Reagan, trái lại, tin tưởng những gì CIA nói khi ông muốn tin điều đó. Ông đã khẳng định Gorbachev là người ông có thể tin tưởng, người thực sự muốn thay đổi triệt để đế chế Xô viết.  Ông cho rằng Gorbachev cần sự động viên nhiệt tình. Các đặc vụ tình báo cao cấp của ông lại cho ông lời khuyên khác. Phó Giám đốc CIA, Robert Gates, nhiều năm liền đã là nhà phân tích hàng đầu của Cục về LBXV. Ông ta vô cùng nghi ngờ về các động cơ và kỳ vọng của Gorbachev và nhiều lần khuyên Reagan đừng thỏa hiệp với ông ta. Vào ngày 24/11/1987, nửa tháng trước khi Hiệp ước INF, ông gởi cho Reagon một bản ghi nhớ tối mật:

Có một sự nhất trí chung giữa những nhà lãnh đạo Xô viết về nhu cầu phải hiện đại hóa nền kinh tế của họ – không phải cho bản thần nền kinh tế hay làm cuộc sống dân Xô viết thịnh vượng hơn, mà là để củng cố LBXV ở trong nước, và sau đó củng cố hơn nữa  quyền lực của riêng họ và cho phép họ củng cố và bành trướng  quyền lực Xô viết ra nước ngoài. Những điều này là những thay đổi nằm bên dưới trong chính sách ngoại giao Xô viết. Thật khó để phát hiện ra những thay đổi cơ bản, hiện nay cũng như về sau, trong cách thức người Xô viết cai trị trong nước hoặc trong những đối tượng chủ yếu của họ ở nguoc ngoài. Đảng sẽ chắc chắn giữ lại quyền lực cho riêng mình. Một mục tiêu chính cho hiện đại hóa kinh tế – như ở nước Nga thời Peter Đại Đế – vẫn là duy trì sự gia tăng nhiều hơn nữa  quyền lực quân sự Xô viết và ảnh hưởng chính trị. Người phương Tây trong hàng thế kỷ đã nhiều lần hi vọng rằng hiện đại hóa kinh tế và cải cách chính trị của người Xô viết – ngay cả cách mạng – đánh dấu sự kết thúc của chế độ độc tài và bắt đầu tiến trình Tây phương hóa. Nhiều lần từ 1917 phương Tây đã hi vọng những thay đổi nội bộ trong LBXV sẽ dẫn đến thay đổi những thay đổi trong việc cai trị áp bức của người Cộng sản ở trong nước và sự gây hấn ở nước ngoài. Những hi vọng này đã bị đánh đổ lần này đến lần khác . . . ‘

Chỉ hai tháng trước kỳ bầu cử, vào tháng chín 1988, CIA tự tin không thừa nhận có sự biến chuyển nào đáng kể trong các nhà nước vệ tinh. Trong một báo cáo mật về tương lai của các nhà nước trong khối Hiệp ước Warsaw, được trình bày đến Reagon, nó viết:

Không có lý do để nghi ngờ ý muốn của Gorbachev can thiệp để duy trì sự cai trị của Đảng Cộng sản và ảnh hưởng Xô viết có tính quyết định tại khu vực. đối với Gorbachev cũng như các người tiền nhiệm của ông, sự quan trọng của Đông Âu ít khi được phóng đại. Nó có tác dụng như một vùng trái độn, về quân sự cũng như về ý thức hệ, giữa LBXV và phương Tây, một căn cứ để phóng  quyền lực và ảnh hưởng của Xô viết qua khắp Âu châu và một ống dẫn du nhập mậu dịch và công nghệ phương Tây. Đó là một cột trụ bên ngoài cốt lõi của chính hệ thống Xô viết. Không có lý do để nghi ngờ mong muốn tối hậu của Xô viết là sử dụng lực lượng quân đội để duy trì sự cai trị của Đảng và giữ gìn vị thế của Xô viết trong khu vực. Tầm nhìn của Gorbachev về ‘ngôi nhà chung Âu châu’ nhằm mở rông sự hợp tác ở bên trong Âu châu hàm ý một mức độ tự trị quốc gia vượt xa những gì ông ta và những nhà lãnh đạo Xô viết khác tán thành. Moscow sẽ thấy ngày càng khó khăn để xúc tiến chiều hướng này với phương Tây nếu không đưa vào những quân đoàn mới tới Đông Âu. Bức Tường Berlin vẫn tiếp tục . . .’

Reagan bác bỏ mọi hoài nghi của CIA. Là một Chiến binh Lạnh lớn tuổi ông biết rõ nó bắt nguồn từ đâu. Gates nói sau đó là chỉ có một cách giải thích tại sao ông ta phớt lờ lời khuyên của CIA, đó là ông bắt đầu bị lão suy. ‘Khi nhiệm kỳ hai của ông sắp kết thúc chúng tôi nghe các chuyện cũ được ông cứ nhắc đi nhắc lại hoài mà không hướng đến chủ điểm nào,’ Gates nói. ‘Tôi nghĩ ông ta còn kiểm soát được các vấn đề, ít nhất là những vấn đề quan trọng, nhưng một chất lượng tôi tin là hạn chế đang suy giảm từng ngày.’ ‘Bàn việc với ông ta vào năm 1987,’ Gates nói, ‘Tôi có cảm tưởng là ông có thể không nhớ nổi tên tôi sau năm phút.’

        Bush chỉ định những người thực dụng và biết kiềm chế vào những vị trí then chốt trong chính quyền của mình. Ngoại trưởng của ông là người bạn thân ở Texas và một chính trị gia đảng Cộng hòa, một người con sắc sảo và tinh tế xuất thân từ công ty luật Houston nổi tiếng đã lâu đời, James Baker III. Ông 58 tuổi, đã từng là Tham mưu Trưởng của Reagan trong nhiệm kỳ đầu và Bộ trưởng Ngân khố trong nhiệm kỳ thứ hai, trước khi ông điều hành chiến dịch tranh cửa cho Bush. Trong chính phủ trước, ông đã gây được tiếng tăm ở Washington như là một người thương thuyết dày dạn và một người đạt đến thỏa thuận một cách tài tình. Những lời cố vấn đầu tiên ông gởi đến vị tân Tổng thống Bush là ‘đừng hấp tấp . . . Lỗi lầm lớn nhất, đặc biệt trong giai đoạn đầu nhậm chức, thường là những lỗi lầm do đảm nhiệm, chứ không phải do từ nhiệm.’ Cố vấn An ninh Quốc gia mới, Tướng Brent Scowcroft, đã từng là chỉ huy không lực và phó Hội đồng An ninh Quốc gia của Henry Kissinger trong thời Tổng thống Nixon. Ông là nhân vật có tính diều hâu hơn nhiều, khuyên Bush cẩn thận trước khi đầu tư nhiều hơn cho Gorbachev. ‘Khi các lãnh đạo ở Kremlin chọn lựa Gorbachev . . . rõ ràng họ không nghĩ sẽ chọn ra một người để lật đổ hệ thống, nhưng là một người có thể lái nó về lại đúng đường,’ ông nói. ‘Tính cách những người đỡ đầu chính cho ông ta leo lên các chức vị hình như đủ khẳng định sự lựa chọn của họ. Không lẽ tất cả họ đều sai lầm? Tôi không nghĩ vậy.’

        Để tạo tương phản và cân bằng ông cũng lắng nghe những tiếng nói khác ủng hộ sốt sắng hơn trong việc làm ăn với người Xô viết. Jack Matlock là Đại sứ tại Moscow và một người có học vị trẻ tuổi xuất sắc tốt nghiệp từ Stanford, Condoleezza Rice, 34 tuổi, được bổ nhiệm làm cố vấn Hội đồng An ninh Quốc gia về vấn đề LBXV và Đông Âu.

 

HAI MƯƠI LĂM

VINH QUANG Ở MANHATTAN

Thành phố New York, thứ tư, ngày 7 tháng 12 năm 1988

TRONG QUẢNG TRƯỜNG THỜI ĐẠI đèn hiệu chớp sáng thông điệp CHÀO MỪNG ĐỒNG CHÍ TỔNG BÍ THƯ GORBACHEV. Bên dưới hàng chữ, lập lòe biểu tượng búa liềm đỏ chói. Khắp Manhattan, thánh địa của chủ nghĩa tư bản thế giới, đứng đầy hai bên đường là người New York vẩy cờ LBXV đợi nhìn cho được đoàn hộ tống 47 ô tô tháp tùng người Cộng sản lừng danh nhất thế giới. Hàng người hô vang ‘Gorby, Gorby’. Hàng trăm biểu ngữ nhấp nhô giữa đám đông đọc thấy ‘Phước lành cho Người Tạo dựng Hòa bình’. Ở Wall Street, sự lạc quan được biểu hiện theo cách truyền thống. Cổ phiếu tăng vọt. Ngồi trong chiếc limousine Zil của mình Gorbachev, như ông thổ lộ, trải qua những cảm xúc lẫn lộn. Một phần trong ông hớn hở. Ông quá thông minh để không thấy được vẻ mỉa mai  của cuộc chào đón nồng nhiệt ông nhận được ở Mỹ. Nhưng ông vẫn say sưa với đám đông hoan hô và trong cơ hội này ông cho rằng mình đáng được sự tung hê của họ.

        Trong diễn văn hùng hồn trước Liên Hiệp Quốc, ông bỏ đi nhiều cái ý thức hệ đã từng định hình nên LBXV trong bảy thập niên qua. Khái niệm về ‘đấu tranh giai cấp’ – nền tảng của chủ nghĩa duy vật lịch sử của Mác – đã chết, nhà lãnh đạo Xô viết tuyên bố, giờ được thay thế bằng ‘những giá trị nhân bản phổ quát’. Điều này bao gồm dân quyền và các quyền tự do mà ông nhìn nhận Moscow đôi khi đã phủ nhận. Chiến tranh Lạnh làm tiêu hao năng lượng của các siêu cường trong bốn mươi năm qua đã kết thúc: ‘Chúng ta đang chứng kiến sự trỗi dậy của một thực tế lịch sử mới – quay mặt lại với siêu vũ trang và hường đến nguyên tắc phòng vệ đúng mức và hợp lý.’ Ông bác bỏ việc sử dụng vũ lực để giải quyết những vấn đề quốc tế. Ông nói về những nguyên tắc phổ quát, và rồi ông tuyên bố thực chất của vấn đề. Để chứng tỏ thành ý của người Xô viết, ông nói, Hồng quân sẽ đơn phương giảm đi nửa triệu người. Ông tuyên bố 50,000 quân và 5,000 xe tăng sẽ được rút bớt khỏi các quân đoàn đồn trú tại Đông Đức, Tiệp Khắc, và Hungary. Ông nói rằng nhân dân Đông Âu được quyền tự do lựa chọn vận mệnh của mình. ‘Mọi người phải có quyền tự do lựa chọn. Và không có ngoại lệ.’ Ông nói chỉ hơn một giờ một chút – ngắn so với tiêu chuẩn của ông – nhưng đó là một cuộc trình diễn phi thường. Phòng Đại Hội đồng im phăng phắc vài giây. Rồi, từ từ, các cử tọa của ông gồm các tổng thống, thủ tướng và đại sứ các quốc gia trên thế giới đứng cả dậy vỗ tay hoan hô như sấm dậy. Những nhân viên thâm niên của Liên Hiệp Quốc nói họ chưa từng thấy ai được LHQ chào đón đầy cảm xúc như vậy.

        Nhưng Gorbachev không thể tận hưởng vinh quang được lâu. Trên đường từ trụ sở LHQ trên bờ Sông Đông để dự buỗi chiêu đãi trưa tại Đảo các Thống đốc với Tổng thống Reagan và Tổng thống mới đắc cử Bush, ông nhận được một cú điện khẩn cấp từ Kremlin. Thủ tướng Nga Nikolai Ryzhkov,  báo ông tin dữ về trận động đất thảm khốc đánh vào Armenia sáng sớm hôm đó có cường độ đo được lên tới 6.9 độ Richter. Chi tiết chưa được biết rõ, Ryzhkov nói, nhưng hàng ngàn người chắc hẵn đã chết. Lúc đầu Gorbachev tính giữ nguyên lịch trình. Nhưng khi ông gặp Reagan vài phút sau đó, Tổng thống xin được viện trợ cho Armenia. Gorbachev suy nghĩ một chút và rồi, trong một động thái đổi chiều có tính lịch sử đối với một nhà lãnh đạo Xô viết, ông chấp nhận với lòng biết ơn. Đây là lần đầu tiên kể từ khi Hitler xâm lăng LBXV mà người Nga đã nhờ đến hỗ trợ của ngoại bang. Gorbachev dự tính dừng lại Mỹ thêm một ngày và sau đó đến London để viếng thăm và trao đổi với Margaret Thatcher. Nhưng suốt ngày hôm đó ông tiếp tục nhận những tin tức cập nhật bi thảm về mức độ tàn phá ở Armenia. Chiều hôm đó ông quyết định rút ngắn chuyến đi và trở về LBXV. Ông bay thẳng từ ánh đèn rực rỡ và tiếng vỗ tay của New York để đến thẳng vùng địa ngục con người tại Leninakan và Spitak, hai thị trấn Armenia gần như hoàn toàn bị trận động đất xóa sổ. ‘Trong đời tôi chưa từng chứng kiến đến một phần ngàn những nổi đau tôi nhìn thấy ở đây,’ ông nói, ngay sau khi đến nơi và chứng kiến thảm họa.

        Nỗ lực cứu trợ là một hoạt động thảm bại. Nó cho thấy LBXV chỉ là một nhà nước trong Thế giới Thứ ba hơn là một siêu cường – ‘Một nước chậm tiến có vũ khí hạt nhân’, như lời nguyên Thủ tướng Tây Đức Helmut Schmidt đã mô tả một cách súc tích. Vừa kém năng lực, vừa tham nhũng và nghèo nàn đã đưa đến những tổn thất sinh mạng và khốn cùng không cần thiết. Binh lính đến hiện trường khá nhanh, nhưng quá ít thiết bị nặng để có thể dọn dẹp đống đổ nát nên họ bị hạn chế trong công tác. Họ đi tuần các ngọn đồi, vũ khí cầm tay, như thể họ đang chờ đón một cuộc đột kích thay vì phản ứng với một thiên tai. Một số lều được chở đến cho người sống sót, nhưng không thấm vào đâu cho gần nủa triệu nạn nhân mất nhà cửa vì trận đông đất. Không có đủ phương tiện giao thông để đến vùng quê bị tàn phá nặng nhất trong mùa đông lạnh lẽo. Trong vài ngày chỉ có một số ít bác sĩ và y tá được gởi đến, với số lượng thuốc men ít ỏi một cách đáng thương. Các đội dân phòng đơn giản không thể đủ sức đương đầu. Người ta nhanh chóng hiểu rõ tại sao mức độ thiệt hại thảm khốc đến thế. Sự thật là không có tòa nhà nào trong các thị trấn bị nạn có thể chịu được ngay cả một trận động đất trung bình. Hóa ra các thanh thép được sử dụng làm bê tông đã bị lấy bớt hoặc thay thế bằng những thanh yếu hơn để bán ra thị trường chợ đen. Các viên chức Đảng và chính quyền đều biết rõ điều ấy [vì hầu hết họ là người đồng lõa: ND] nhưng vẫn làm ngơ, cho phép các khu nhà tập thể, các bệnh viện và trường học xây dựng bất chấp các kết cấu yếu ớt này là một nguy cơ trong một vùng đất của vùng Caucasus được coi là có tiềm năng bị động đất cao. Hầu hết 25,000 nạn nhân chết vì chôn vùi trong đống đổ nát. Như một viên chức Kremlin nhận xét sau đó, đó là một ‘tai họa rất Xô viết’.

        Ngay cả quyết định nhận viện trợ nước ngoài cũng bị phản pháo. Gorbachev và các lãnh đạo Kremlin có thể phấn chấn khi chứng kiến sự hỗ trợ của Anh, Mỹ, Tây Đức và Pháp. Nhưng các quan thầy tại vùng Armenia xa xôi không biết cách xử lý với các ngoại nhân này ra sao, trong số đó có Jeb, con trai nhỏ của Phó Tổng thống Bushmau nhanh chóng có mặt trong đoàn thiện chí Mỹ. Các công nhân cứu trợ gặp vô vàn các thủ tục hành chính quan liêu trước khi đến được hiện trường thảm họa. Dù sao cũng có một lãnh vực trong cuộc cải tổ của Gorbachev đang phát huy hiệu quả: gladnost. Trận động đất đã được đưa tin, không như các thảm họa khác trong nước trước đây, trên truyền hình và báo chí. Tại giờ cao điểm truyền hình, khán giả được xem cảnh Ryzhkov, người điều động công tác cứu trợ, mạt sát các viên chức Bộ Ngoại giao đã không giúp đỡ các tình nguyện viên nước ngoài làm công tác từ thiện. ‘Một số nhóm nước ngoài giờ đang phải bỏ về với trái tim nặng chĩu,’ Thủ tướng nói. ‘Không vì những gì họ chứng kiến, mà vì cách đối xử họ nhận được ở đây.’ Hàng cứu trợ trị giá hàng triệu đô gởi từ nước ngoài – rồi từ Moscow – không bao giờ đến được nơi nào xa hơn phi trường ở thủ đô Armenia, Yerevan. Tại đó, phần lớn hàng cứu trợ bị lấy cắp rồi tuồn ra chợ đen. 

Trong khi trên khắp thế giới danh tiếng của Gorbachev nổi lên như cồn, thì ngay trong nước nó lại tụt xuống. Một biên tập viên của tờ Thời đại New York ngay sau bài nói chuyện vinh quang của ông ở LHQ hỏi độc giả: ’Tưởng tượng một phi thuyền không gian của người ngoài hành tinh tiến gần trái đất và gởi đi thông điệp “Hãy mang tôi đến gặp lãnh đạo của các bạn?” người đó sẽ là ai? Rõ ràng đó là Mikhail Gorbachev.’ Vậy mà ở LBXV, sự xuất hiện của ông giờ đây tốt nhất là được tiếp đón bằng sự lạnh nhạt hoặc xấu nhất, như ở Armenia sau trận động đất, bằng sự thù ghét thẳng thừng. ‘Chúng tôi hứa hẹn mọi việc sẽ tốt hơn, nhưng bây giờ lại đâm ra tệ hơn.’ Yakovlev thú nhận sau những năm đầu tiên ‘tái cơ cấu’. Mức sống hạ thấp nhanh chóng. Sự tụt mạnh của giá dầu và của doanh thu từ rượu đang gây ra một tác dụng tàn phá lên nền kinh tế. LBXV được tự do nhiều hơn, nhưng cũng nhiều hỗn loạn hơn. Gorbachev cảm thấy càng lúc càng khó thực hiện những cải cách trên khắp đất nước, và nhất là trong nội bộ Đảng Cộng sản Xô viết. Thậm chí một số người ủng hộ nhiệt thành của ông cũng nhìn ra một điểm yếu trong phong cách Gorbachev và ‘dự án’ của ông. Nó hơi nặng về ngôn từ kêu gọi, nhưng nhẹ về những chi tiết thực tiễn. ‘Gorbachev không hề nghĩ thông suốt một kế hoạch,’ Anatoli Dobrynin, người yêu quí và vô cũng ngưỡng mộ chủ nhân của mình nhưng cũng thường bực mình ông. ‘Bạn không thể chỉ đứng trên thềm điện Kremlin và tuyên bố từ ngày mai chúng ta sẽ bắt đầu một nền kinh tế thị trường. Gorbachev không hề có một chương trình. Ông ta nhảy từ ý tưởng mà ông thích sang ý tưởng khác. Một ngày ông ‘cải cách’ một thứ và ngày hôm sau ông nhảy đến một thứ khác.’

        Một người ngưỡng mộ khác từng làm việc cho ông nhiều năm trời nói toàn bộ phương thức cai trị của ông là ‘nhún nhảy và len lách’. Ông không thể vạch ra một lộ trình rõ ràng và bám vào nó trong một thời gian. Thường thì ông sẽ tuyên bố một chính sách cấp tiến mới nhưng rồi đợi quá lâu trước khi vận dụng nó. Một ví dụ thấy ngay là việc rút quân khỏi Afghanistan. Ở nơi khác ông cũng chần chừa tương tự. Ông thất bại trong việc phát động bất kỳ cải cách kinh tế có ý nghĩa nào khi ông có cơ hội, theo phụ tá Anatoli Chernyaev của ông. Thế rồi ông bị nhấn chìm trong cuộc khủng hoảng đến nổi vận dụng nó thì không thực tế. Một lý do là vì ông ta ít hiểu biết về cách thức vận hành của nền kinh tế thị trường. Gorbachev có lần nói với Ngoại trưởng Mỹ, James Baker, rằng nếu không kiểm soát giá cả thì thật nguy hiểm vì ‘nó sẽ lấy hết tiền túi của dân chúng’. Baker, từng là Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ, trả lời với một luận điểm thị trường tự do đơn giản: đúng ra thì điều ngược lại sẽ xảy ra về lâu về dài, ông nói. Thả nổi giá cả theo mức thị trường sẽ kích thích sản xuất và tăng trưởng và đem tiền vào túi nhân dân nhiều hơn. Gorbachev hình như không nắm bắt được khái niệm này.

        Một số ông trùm Cộng sản có ảnh hưởng đã chọn ông bắt đầu thấy hối tiếc. Gromyko đã làm nhiều hơn ai khác để đưa Gorbachev vào vị thế. Suốt năm vừa qua ông ta than thở với các viên chức Đảng là ông đã phạm ‘sai lầm’ và gọi đội cố vấn bao quanh Gorbachev là ‘những người Hỏa tinh’ vì không hiểu được thế giới mà hầu hết nhân loại đang sinh sống và vì sự dốt nát của họ về chính sách hưng quốc. ‘Tôi tự hỏi Mỹ và các quốc gia khối Nato chắc phải bối rối cỡ nào . . . Đối với họ quả là một bí ẩn tại sao Gorbachev và đồng chí của anh ta không thể hiểu được cách thức vận dụng sức ép để bảo vệ lợi ích nhà nước.’

        Ông vượt qua một loạt các tranh luận bầm vập với các cán bộ bảo thủ trong Đảng. Một tháng trước chuyến công du của Gorbachev đến Mỹ, các lãnh đạo Đảng thảo luận về việc phục hồi quyền công dân cho nhà văn Alexander Solzhennitsyn, đang sống lưu vong tại Massachusetts. Trùm KGB, Viktor Chebrikov, cực lực chống lại ý kiến này. Y khuyến cáo Gorbachev: ‘Chúng ta phải giữ nguyên sắc lệnh tước quyền công dân của tên phản bội Tổ quốc.’ Gorbachev đáp lại: ’Vâng, Solzhennitsyn là kẻ thù lỳ lợm, cứng đầu của chế độ. Nhưng xét về nguyên tắc và trong một nhà nước pháp trị, chúng ta không được quyền kết án một người vì nhận thức của anh ta. Về phần ‘phản bội’ thực sự thì không chứng cứ phạm tội. Và nói chung, mọi chuẩn thủ tục pháp lý đã bị vi phạm trong trường hợp này, và thậm chí không được đưa ra xét xử. . .  vì thế đề nghị này không có tác dụng.’ Chebrikov gầm lên: ‘Nhưng đúng là y đã phản bội . . .’ và dừng lại không nói hết câu. Gorbachev chỉ tằng hắng, biểu lộ sự bực bội. Nhưng phải mất hai năm ông mới ký sắc lệnh phục hồi quyền công dân cho nhà văn.

        Hai tuần trước bài diễn văn của Gorbachev đọc ở LHQ, ông đụng mạnh với phe quân sự về việc cắt giảm quân số mà ông dự định sẽ tuyên bố tại New York. Bộ trưởng Quốc phòng, Yazov, và hầu hết các tướng đều quyết liệt phản đối. Họ lập luận rằng điều đó chứng tỏ sự mềm yếu và quân đội rất cần để bảo vệ đế chế. Gorbachev lên lớp họ:

Tại sao chúng ta cần một quân đội lớn đến như vậy? Điều chúng ta cần là chất lượng chứ không phải là số lượng. Tại sao chúng ta chi phí cho quốc phòng gấp hai lần rưỡi Hoa Kỳ? Không có xứ sở nào trên thế giới – trừ những nước chậm tiến, mà chúng ta đổ vào ào ạt vũ khí mà không được trả tiền – tốn nhiều chi phí tính theo đầu người cho quân sự đến như vậy.  . . Chúng ta muốn tiếp tục giống như Angola hay sao? . . . Quân đội còn có tài năng kỹ thuật và khoa học, nguồn lực tài chính tốt nhất, luôn sẵn có mà không thắc mắc . . . Tại sao ta cần một quân đội đông đến sáu triệu người? Chúng ta đang làm gì? Đang đánh gục những tài năng trẻ xuất sắc khỏi lãnh vực trí thức. Chúng ta sẽ thực hiện những cải cách với ai đây?

Ông tả xông hữu đột và cắt giảm quốc phòng được chuẩn y, mặc dù chậm chạp. Nhưng ôg đối mặt với sự chống đối ngày càng tăng khi người ta càng ngày càng thấy rõ là những chính sách đối nội của ông không cho ra kết quả như dự tính.

        Một cách kiên trì, Gorbachev và Shevardnadze đấu tranh với người phát ngôn chính của phe bảo thủ ở Kremlin, Yegor Ligachev, một lão cán bộ tóc hoa râm và cổ hũ, lớn hơn Gorbachev mười tuổi, đứng số hai trong ban lãnh đạo Xô viết. Thoạt đầu Ligachev ủng hộ chiến dịch chống tham nhũng và giúp xóa bỏ một số thủ lĩnh Cộng sản bất tài khỏi các tỉnh lị. Nhưng sau vài năm y bắt đầu phàn nàn là Gorbachev muốn ‘phá tan’ trật tự xã hội chủ nghĩa và bắt đầu vận động chống lại ông. Ligachev đã từng bị giáng chức vào đầu năm 1988, nhưng vẫn tiếp tục là một nhân vật có quyền lực trong giới lãnh đạo. Y cảnh báo Gorbachev là ông có nguy cơ phá hủy khối Xô viết. ‘Đúng ra là chúng ta sẽ loay hoay vượt qua nhưng rồi sẽ sống sót,’ ông nói. ‘Nhưng có những nước xã hội chủ nghĩa, phong trào cộng sản thế giới, chúng ta làm gì với họ bây giờ? Không lẽ chúng ta liều lĩnh phá vỡ sự ủng hộ mạnh mẽ này đã tồn tại song song với chúng ta. . . Chúng ta không nên chỉ nghĩ đến quá khứ mà còn đến tương lai.’ Gorbachev trên chọc y và những người khác mà ông coi như ‘những kẻ gieo rắc sự hoảng loạn sợ sự hủy diệt của những gì do Stalin dựng lên’. Shevardnadze phun ra một câu khiến Ligachev và các vệ binh già của Đảng khiếp đảm. ‘Nếu xét theo quan điểm phong trào Cộng sản và giai cấp lao động ngày nay, thì không có gì nhiều phải cứu nguy,’ ông tuyên bố. ’Lấy ví dụ Bulgaria, và giới lãnh đạo già nữa ở Ba Lan, lấy tình hình hiện thời tại CHDCĐ, và tại Romania. Đây có phải là chủ nghĩa xã hội không?’

        Gorbachev chưa hề nghĩ thông suốt về một chính sách phù hợp đối với các nhà nước vệ tinh. Ông không muốn mang gánh nặng của đế chế, nhưng rõ ràng ông chưa hề tính toán rõ ràng hậu quả của sự rút lui. Ông coi mối bang giao với các nước lớn phương Tây quan trọng hơn nhiều so với các ‘nước anh em’ già cỗi trong khối thịnh vượng chung xã hội chủ nghĩa. Khi những vấn đề quốc nội bắt đầu đổ ập lên ông, ông giao người khác xử lý những vấn đề thế tục phải làm với Đông và Trung Âu. Từ lâu ông đã xóa bỏ khỏi tâm trí ông vấn đề sử dụng vũ lực để duy trì quyền kiểm soát lên các nước vệ tinh. Ông đã nói điều này nhiều lần – ít nhất là chưa với các nhà độc tài trông cậy vào binh lính Xô viết để duy trì quyền lực của họ. Hầu hết các cố vấn của ông nhất trí với ông. Như một trong những chuyên gia hiểu biết nhất về Đông Âu, Georgi Shakhnazarov, bảo ông, cách tốt nhất để duy trì ảnh hưởng trong vùng là ‘sử dụng sức mạnh của hình mẫu, chứ không hình mẫu của sức mạnh’.

        Yakovlev và Shevardnadze giờ tìm cách thuyết phục một bộ máy quan liêu miễn cưỡng chấp nhận qui định ‘sự không can thiệp’ là một nguyên tắc tuyệt đối của chính sách đối ngoại của Xô viết. Trong hơn bốn chục năm, duy trì đế chế Âu châu đã là ưu tiên của người Xô viết. Giờ đây một tuyên bố về chính sách của bộ Ngoai giao Xô viết tối mật bàn về tương lai của Đông Âu nói rằng các nhà nước vệ tinh không còn đáng để ôm giữ.

Các đồng minh đang biểu lộ một động thái muốn lấy đi từ Hiệp ước Warsaw, chủ yếu từ Xô viết, nhiều hơn số mà họ đóng góp cho nó và cho thấy sự độc lập có phương hại đến lợi ích chung. Đồng thời không chắc là trong một tương lai gần có nước đồng minh nào đưa ra vấn đề tách khỏi Hiệp ước Warsaw không. Các quyền lực phương Tây không muốn đối đầu với chúng ta vì vấn đề Đông Âu. Trong tình hình các cuộc khủng hoảng tồi tệ hơn . . . trong từng xứ sở riêng lẽ họ sẽ chắc chắn sử dụng biện pháp  kềm chế và không can thiệp vào nội tình, nhất là về quân sự, mà chờ nhận được sự tưởng thưởng do sự kiên nhẫn đem lại. Chúng ta phải nhớ là những người bạn của chúng ta gần đây đã cảm nhận được là, qua những đối thoại gia tăng giữa LBXV và Mỹ, mối quan hệ của chúng ta với các nước xã hội chủ nghĩa đã trở thành phụ đối với chúng ta. . . Chúng ta nên tiến hành trên quan điểm là việc chúng ta sử dụng quân lực trong quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa hoàn toàn bị loại trừ thậm chí trong những tình huống cấp bách (trừ trường hợp có sự gây hấn từ bên ngoài đối với các đồng minh chúng ta). Sự can thiệp quân sự chẳng những không ngăn cản mà còn làm tệ hơn những khủng hoảng xã hội và chính trị, làm bùng phát sự chống đối có thể đưa tới sự kháng cự có vũ trang, và cuối cùng sẽ dẫn đến hiệu quả ngược lại, sự lớn mạnh của chủ nghĩa bài Xô viết. Nó sẽ làm suy yếu nghiêm trọng uy thế của LBXV, sẽ làm tồi tệ mối quan hệ của chúng ta đối với phương Tây và sẽ dẫn đến sự cô lập của LBXV. Nếu tình hình xấu hơn trong các nước xã hội chủ nghĩa, chúng ta sẽ kềm chế không ủng hộ công khai những hành động đàn áp của chính quyền tại đó.

  Gorbachev không tin rằng các nước xã hội chủ nghĩa sẽ vội vàng muốn độc lập. Đó là tính toán sai lầm nhất của ông. Ông nghĩ rằng khi mình đi thăm Berlin hay Prague, được chào đón bởi các đám đông hô vang ‘Gorby, Gorby’ và vẩy những biểu ngữ viết ‘Perestroika’, là dân chúng ủng hộ chủ nghĩa cộng sản cải cách của ông. Ông tin rằng họ sẽ chọn duy trì tình đồng mình với LBXV. Ông không biết rằng mình đã sai cho đến khi LBXV ngừng tồn tại. Gorbachev không thấy được là những người dự mít tinh chào đón ông coi đó là cách thức biểu lộ sự chống đối đối với nhà cầm quyền của họ. Nhưng đôi khi ý nghĩ là họ có thể muốn tự do cũng nảy ra trong trí ông. Như ông tâm sự với những phụ tá của mình vào cuối năm 1988: ‘Nhân dân các xứ này sẽ hỏi “LBXV bị gì vậy . . . Họ dùng loại dây xích nào để buộc đất nước chúng ta vào?” Họ đơn giản không biết rằng nếu họ kéo sợi dây xích này mạnh hơn, nó sẽ đứt.’

12

Hội nghị thượng đỉnh giữa Reagan, Bush và Gorbachev ở New york

HAI MƯƠI MỐT

VIỆT NAM CỦA GORBACHEV

Washington DC, thứ ba ngày 19 tháng 4 năm 1988

TẠI TRỤ SỞ CIA ở Langley, Virginia, có một nhóm viên chức cao cấp được biết dưới tên ‘Người chảy máu’. Họ sử dụng cái tên này từ cụm từ mà Gorbachev thường gọi cuộc chiến Afghanistan – ‘vết thương chảy máu của chúng ta’. Mục tiêu của họ là cầm chân lực lượng Xô viết trong vùng núi Afghan càng lâu và càng tốn phí càng tốt. Chính thức thì người Mỹ tuyên bố họ muốn người Xô viết rút khởi Afghanistan. Tại hội nghị thượng đỉnh Reykjavik vào mùa thu 1986, Tổng thống Reagan đã khẩn khoản kêu gọi người đối thoại hãy rút binh sĩ Xô viết về nước. Ở Iceland hai bên đều nói rằng họ đã tiến sát đến một thỏa thuận táo bạo và hảo huyền về việc bãi bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân. Sự kiên trì của Reagan trong việc theo đuổi dự án Chiến Tranh giữa các Vì Sao đã đặt dấu chấm hết cho ý tưởng đó, mặc dù hiển nhiên cũng có nhiều trở ngại khác khiến sự thỏa thuận đó không thể là một lựa chọn thực sự. Tuy vậy, từ lúc đó trở đi Gorbachev đã ngừng gọi người Mỹ là ‘bọn đó’ hoặc gọi Reagan là ‘người ở hang động’ và hai người đã trở nên tin cậy nhau hơn.

        Nhưng về vấn đế Afghanistan thì không. Từ một tình trạng nhỏ giọt, vũ khí đổ về cho quân Mujjahideen thông qua Pakistan như thác lũ. ‘Đó là một mặt trận chiến đấu bằng vàng của ta, nhưng bằng máu của họ,’ một sĩ quan CIA lo về việc yểm trợ quân du kích, Frank Anderson, nói. Từ cuối năm 1986 trở đi các chiến binh thánh chiến được cung cấp trang bị tối tân, vô cùng tinh vị, như tên lửa đất-đối-không Stinget, làm thay đổi cục diện trận chiến. Người Nga không còn có thể tiến hành các vụ ném bom tầm thấp vào các căn cứ Mujahiden hoặc bắn phá các làng mạc Afgha mà không hứng chịu những tổn thất nghiêm trọng về máy bay và phi công. Bên trong, Nhóm ‘Người chảy máu’ đã thắng lý, vốn được Giám đốc CIA Casey, và, sau khi ông chết vào tháng 5 năm 1987 sau cơn bạo bệnh bất ngờ, người phó của ông là Robert Gates, nhiệt tình ủng hộ. ‘Đây là vẻ đẹp của chiến dịch Afghanistan, ‘Casey trầm ngâm không lâu trước khi mất. ‘Thường thì người Mỹ xấu xa to xác hiếp đáp dân bản địa. Ở Afghanistan thì ngược lại. Bọn Nga đi hiếp đáp người dân yếu ớt. Chúng ta không biến thành cuộc chiến của chúng ta. Quân Mujahideen có mọi động lực cần thiết. Tất cả việc chúng ta phải làm là yểm trợ họ – nhiều nhiều hơn nữa.’

        Họ không biết là người Nga đang tuyệt vọng tìm cách ra khỏi tình trạng sa lầy nầy. CIA đã luôn thiếu thông tin một cách đáng tiếc về các toan tính của Xô viết ở Afghanistan. Nhiều lần trong những tháng trước khi Xô viết xâm lăng Cục luôn báo cáo rằng Nga sẽ không đem quân vào. Vào thứ hai ngày 17/12/1979 Giám đốc CIA khi đó, Đô Đốc Stansfield Turner, tin chắc với Tổng thống Carter rằng mặc dù có sự điều động quân đội Xô viết sát biên giới, ‘chúng tôi không thấy có sự tăng cường cấp bách nào’ và không có gì đáng để quan tâm. Hai ngày sau đó Báo cáo Tình báo Thường nhật của Tổng thống – bản đúc kết gởi Tổng thống về mọi diễn biến quốc tế quan trọng xảy ra trong ngày – dự báo rằng ‘tiến độ triển khai không cho thấy sự bất ngờ khẩn cấp nào’. Ba ngày sau, hai mươi ngàn quân Xô viết vượt biên giới và bắt đầu kiểm soát đất nước Afghanistan.

Việc rút quân Xô viết ra khỏi Afghanistan là một bài toán đau đầu đã kéo dài quá lâu. Một nhà lãnh đạo mới vào năm 1985 chỉ cần đơn giản ra lệnh rút quân và tuyên bố một ‘thắng lợi’ của phe chủ nghĩa xã hội, hoặc, trung thực hơn, rút quân đội, chấp nhận thất bại và đổ lỗi cho những người tiền nhiệm. Gorbachev sẽ nhận được sự hoan hô rộng rãi trên khắp thế giới nêu ông ta làm thế trong những tuần hay tháng sau khi nhậm chức. Nhưng ông thiếu quyết tâm hoặc đảm lược. Ngay cả những người ngưỡng mộ ông nhất cũng thấy ông đang phạm một sai lầm nghiêm trọng. Yakokev, và cố vấn trưởng  chính trị đối ngoại của Gorbachev, Anatoli Chernyev, liên tục bảo ông rằng kết thúc Cuộc Chiến Afghanistan là ưu tiên hàng đầu. Nhưng Gorbachev chần chừ và do dự, không muốn đối đầu với những quan chức bảo thủ ở Kremlin, KGB và giới quân sự. ‘Đó là Việt Nam của chúng ta,’ Chernyyaev nói. ‘Nhưng tệ hơn. Đó là một gánh nặng khủng khiếp cho công cuộc cải tổ và hạn chế rất lớn sự tự do điều động của ông.’

        Babrak Karmal, người mà người Xô viết đã dựng lên làm lãnh đạo Afgha khi họ xâm lăng vào năm 1979, đã bị loại ra vào tháng năm 1986. Y được thay thế bời Mohammed Najibullah, một bác sĩ 39 tuổi thông minh và đẹp trai xuất thân từ dòng dõi Pashtun quí tộc và giàu có nhất ở Afghanistan, đã từng cầm đầu lực lượng an ninh hung hiểm của Đảng cầm quyền vài năm. Mặc dù ‘Najib’ tỉnh táo phần lớn thời gian, không như Karmal, nhưng y không giỏi trong việc lôi kéo sự ủng hộ chế độ Cộng sản của Kabul hoặc vận động nhân dân chống lại quân du kích. 

        Nhiều lần, Gorbachev bày tỏ ông đã quyết tâm rút quân đội về nước. ‘Chúng ta đã chiến đấu ở Afghanistan sáu năm rồi,’ ông bảo các đồng nghiệp ở Kremlin vào ngày 13/11/1986. ‘Nếu chúng ta không bắt đầu thay đổi cách tiếp cận của chúng ta chúng ta sẽ phải ở đó 20 hay 30 năm nữa. Chúng ta đã không học được cách tiến hành chiến tranh ở đó. Chúng ta có một mục tiêu dứt khoát rõ ràng – tạo được một chế độ trung lập và hữu nghị ở Afghanistan. Chúng ta không cần chủ nghĩa xã hội ở đó, phải không nào? Chúng ta phải kết thúc tiến trình nhanh như có thể – để chấm dứt mọi thứ, rút hết quân đội trong một, hay tối đa là hai năm.’ Người cận về già cuối cùng đã góp phần quyết định xâm lăng ngay phút đầu tiên, Andrei Gromyko, vẫn còn là một nhân vật có tầm ảnh hưởng trong giới cầm quyền Moscow. Ông ta đã thay đổi quan điểm về cuộc chiến. ‘Chúng ta đánh giá quá thấp những khó khăn khi chúng đồng ý đưa quân yểm trợ Afghanistan,’ ông ta nói. ‘Giờ thì cần phải theo đuổi một cuộc dàn xếp chính trị tích cực. Nhân dân sẽ cảm thấy nhẹ nhõm nếu chúng ta đi theo lộ trình này.’

        Giờ thì quân đội chấp nhận là cuộc chiến không thể thắng được. Thống chế Sergei Akhromeyev, người đứng đầu lực lượng vũ trang, là một nhân vật mâu thuẫn. Nhiều năm qua ông đã xem Bộ trưởng Quốc phòng Ustinov như người thầy của mình. Akhromeyev là một người Cộng sản nhiệt huyết và lúc nào cũng chủ trương gia tăng chi phí quân sự để tạo đối trọng với ‘sự bành trướng của đế quốc’. Nhưng ông có ý kiến chống đối về việc LBXV tiếp tục chi tiền để chống lưng các chế độ trong những điểm nóng của Thế giới Thứ ba như Ethiopia, Angola và Nicaragua. Một nhân vật đeo kính, khòm lưng, 63 tuổi, ông có vẻ một trí thức Nga hơn là một quân nhân. Ông đã đóng một vai trò then chốt trong việc lên kế hoạch xâm lăng Afghanistan vào năm 1979, theo lệnh trên nhưng không mấy tin tưởng. Đứng trước mặt Gorbachev, giờ đây ông nói không thể thắng cuộc chiến. ‘Không có mảnh đất nhỏ nào của Afghanistan mà binh lính Xô viết không chiếm đóng ở một thời điểm nào đó,’ ông nói. ‘Nhưng cuối cùng thì hầu hết lãnh thổ đều nằm trong tay của bọn phiến loạn. Chúng ta kiểm soát Kabul và các trung tâm tỉnh lị. Nhưng chúng ta không thể có quyền lực chính trị trên những vùng đất mà chúng ta chiếm được. Chúng ta đã thua trong cuộc chiến vì nhân dân Afghanistan. Chỉ một thiểu số dân số ủng hộ chính quyền.’ Các binh sĩ Xô viết không có lỗi, ông nhấn mạnh. Họ đã chiến đấu dũng cảm trong những hoàn cảnh khắc nghiệt. Nhưng để chiếm lấy thị trấn và làng mạc một cách tạm thời không có giá trị nhiều trong vùng đất bao la như thế nơi quân Mujahideen có thể rút vào vùng đồi núi, đợi quân Xô viết bỏ đi, rồi quay lại. Thắng trận là một sứ mạng bất khả. Chúng ta có thể duy trì tình trạng như hiện giờ. Nhưng dưới những điều kiện như thế chiến tranh sẽ tiếp tục lâu dài.’

        Dù đã có ý định, Gorbachev tiếp tục chần chừ và gây ra ngờ vực. Không có lệnh xác định nào được đưa ra cho lực lượng Xô viết rút quân mãi cho đến một năm sau. Các thủ lĩnh Kremlin tiếp tục cân nhắc. Đối với một siêu cường chấp nhận thua trận là một viện thuốc đắng. ‘Tình hình thì không phải đơn giản như thế. Chúng ta đang ở trong . . . nhưng làm sao thoát ra được thật là điên đầu,’ Gorbachev thất vọng ở một điểm:

Chúng ta có thể rút đi nhanh chóng, không nghĩ gì hết . . . Nhưng chúng ta không thể hành động như vậy. Các bạn chúng ta ở Ấn Độ sẽ quan ngại. . . và ở Phi châu. Họ cho rằng việc này sẽ là một quả đấm đối với uy tín của LBXV. . . Và họ sẽ nói với chúng ta chủ nghĩa đế quốc sẽ tiến vào thế tấn công nếu chúng ta rời bỏ Afghanistan. Làm sao chúng ta giải thích cho nhân dân của mình nếu, ngay sau khi chúng ta bỏ đi, sẽ xảy ra một vụ tàn sát thực sự và một định chế được thiết lập thù địch với LBXV? Lãnh vực quốc nội cũng quan trọng nữa. Một triệu chiến sĩ của ta đã có mặt ở Afghanistan. Và tất cả hóa ra là vô ích . . . Họ sẽ nói: các ông đã quên những hi sinh và uy thế của đất nước. Đó là một mùi vị chua cay. Họ sẽ hỏi: những chiến sĩ đó chết cho điều gì?

          Cuộc đàm phán tại Geneva dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc nhằm kết thúc chiến tranh bắt đầu vào đầu năm 1987.  Hội nghị diễn tiến chậm như rùa. Người Xô viết muốn bảo đảm một chính quyền ‘hữu nghị’ với họ nắm quyền ở Kabul. Shevardnadze tiếp tục kêu gọi người Mỹ ngưng viện trợ vũ khí cho Mujahideen, nhưng vô ích. Người Mỹ muốn người Xô viết tiếp tục ở lại đánh nhau để họ có thể kỳ kèo giá cao nhất có thể với LBXV. Việc người Mỹ kéo dài cuộc chiến một cách vô ích bằng cách làm khó người Xô viết bước ra khỏi trận địa Chiến tranh Lạnh là một vấn đề gây tranh cãi. ‘Việc Mỹ cung cấp vũ khí chỉ tổ làm kéo dài chiến tranh,’ Alexander Yakovlev, nhà tư tưởng lớn đứng đằng sau perestroika. ’Gorbachev, Shevardnadze và tôi nhất trí rằng chúng tôi không cần Afghanistan và không có việc gì phải ở đấy. Chúng tôi đằng nào cũng sẽ thua trận. Lẽ ra chúng tôi nên học từ người Anh là Afghanistan là một xứ không thể bị chinh phục. Nhưng sự đấu tranh giữa hai hệ thống chính trị đã buộc chúng tôi và người Mỹ phải làm những việc ngu ngốc.’

        Lập luận của nhóm ‘Người chảy máu’ thật đơn giản: họ không tin người Xô viết nghiêm túc về việc rút quân. Khi Shultz báo cáo tại một buổi họp các cố vấn của Reagan là Shevardnadze đã nói với ông ta là người Nga sẽ nhất định rút quân – ‘và tôi tin tưởng ông ấy’ – Giám đốc CIA Robert Gates khinh khỉnh. ‘Còn tôi thì không tin điều đó,’ ông nói. ‘Tôi không thấy họ có bất cứ thực tâm nào muốn rút quân.’ Ông đề nghị bắt cá 10 đô với Sultz là người Nga sẽ ở lại Afghanistan ‘trong một tương lai trước mắt’. Cuối cùng, vào tháng tư năm 1988, người Xô viết đưa ra một thời khóa cho việc ra đi của mình. Họ sẽ bắt đầu tháo dỡ đội hình từ số 109,000 binh sĩ đóng tại Afghanistan vào ngày 15/5. Tất cả binh sĩ sẽ rút hết vào 15/2 năm sau. Gorbachev vẫn còn tức giận vì người Mỹ ‘không hỗ trợ chúng tôi’. Nhưng cuối cùng ông cũng thấy ra là không có lý do gì từ quan điểm của Washington tại sao họ phải làm như thế. ‘Chúng tôi sẽ rút quân dù người Mỹ làm gì,’ ông bảo các đồng chí quan lớn ở Kremlin. ‘Nếu có một thỏa hiệp thì tốt hơn, nhưng mối quan ngại chính yếu của chúng ta là các chàng trai của chúng ta còn đang hi sinh tại đó. Không kể hàng tỷ tổn phí của chúng ta mỗi năm’. Ông phải mất ba năm mới đi đến quyết định cuối cùng, và gần một năm nữa trước khi người lính Xô viết cuối cùng rời Afghanistan.

 

HAI MƯƠI HAI

TRUYỆN KỂ CỦA CÁC ÔNG GIÀ

Bonn, thứ hai ngày 7 tháng 9 năm 1987

ĐÓ LÀ GIÂY PHÚT TỰ HÀO NHẤT trong cuộc đời của Erich Honecker. Khoảng 11 sáng chiếc phản lực Ilyushin của y đáp xuống phi trường ở Bonn sau chuyến bay dài 55 phút từ Berlin. Y bước xuống các bậc thang máy bay, bắt tay với các viên chức tiếp đón, và duyệt qua hàng rào danh dự. Rồi quốc thiều Đông Đức cất lên, là cờ Cộng Hòa Dân Chủ Đức với biểu tượng Cộng sản được kéo lên trang trọng, và gương mặt nghiêm nghị thường lệ của nhà lãnh đạo CHDCĐ bổng tươi tắn hẳn lên với nụ cười thỏa mãn rộng mở. Y toát ra một vẻ thân thiện. Y là nhà lãnh đạo Đông Đức đầu tiên được Cộng Hòa Liên Bang Đức tiếp đón và cuối cùng xứ sở y cũng nhận được vị thế quốc tế hằng mong ước. ‘Đó là thành tựu cao tột của ông ta, theo cách ông đánh giá,’ Gunter Schabowski, Bí thư Berlin, một trong những nhân vật có quyền lực nhất của CHDCĐ, nói. ‘Mối quan tâm lớn nhất của ông là CHDCĐ được công nhận. Nhưng điều quan trọng nhất, quan trọng hơn sự công nhận của phần còn lại của thế giới, là sự công nhận của Tây Đức . . . đó là sự tuyên bố rằng Đông Đức có quyền tồn tại và không thể công kích được.

        Honecker vẫn duy trì được phong thái hóm hỉnh trong suốt chuyến đi năm ngày của mình. Ngay cả khi Thủ tường Tây Đức Helmut Kohl, một người cao to sừng sững phía trên y, nêu ra một chủ đề coi như là cấm kỵ là việc tái thống nhất Đức, Honecker vẫn giữ vẻ mặt tươi cười. Y không nói gì một cách công khai về Bức Tường Berlin, về vấn đề biên giới, mà chỉ đơn giản chấp nhận công thức mà y lúc nào cũng sử dụng khi được hỏi: ‘Hai hệ thống, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản như nước với lửa.’ Khi riêng tư, y cực lực bác bỏ việc ông ra lệnh lính canh phòng biên giới Đông Đức ‘bắn chết’ những người cố trốn thoát sang Tây Đức. Y mỉm cười khi bảo Kohl rằng việc đó ‘đơn giản là không phải vậy. Chúng tôi chỉ thi hành những qui định về biên giới . . . giống như ngài thôi.’

        Y thực hiện chuyến đi cảm động đến nơi chôn nhau cắt rún ở miền Saarland, và thành phố Trier gần đó, nơi Karl Marx chào đời và được nuôi dưỡng. Các chủ nhà của ông thì không vui vì chuyến đi của y. Như Dorothee Wilms, Bộ trưởng quan hệ hai miền nước Đức, nói: ‘Thật chua chát cho chúng tôi. . . Kohl cho biết đó là những thời điểm bực mình nhất trong cuộc đời chính trị của ông. Nhưng chúng tôi phải làm điều đó – để đạt được những thành tựu xa hơn cho đồng bào Đức chúng tôi.’ Chuyến đi lịch sử suýt nữa không xảy ra. Nhiều năm liền, mặc dù Honecker yêu cầu nhiều lần, người Xô viết không cho phép y đi vì mối quan hệ Đông/Tây quá lạnh nhạt. Nhưng Gorbachev cuối cùng ưng thuận, như là một trong những mục tiêu chính yếu là vun đắp mối dây gần gũi với phương Tây. Cụm từ ưa thích mới của ông ta khi thăm các thủ đô Tây phương là nói về ‘ngôi nhà chung Âu châu của chúng ta’.

        Klhi Honecker trở về Berlin, y có thể ngồi yên trên vòng nguyệt quế và hưởng thụ thắng lợi của mình. Thay vào đó, y bắt tay làm việc với một niềm tin mới, tin tưởng rằng chính nghĩa của mình là đúng đắn và tuổi tác không làm suy giảm sức lực và trí lực của y. Y luôn là người mê say thể dục. Y đã xây một phòng tập thể dục mà y sử dụng mỗi ngày tại dinh cơ của y ở Wandlitz, khu ngoại ô cách Berlin 25 km về phía bắc hoàn toàn dành riêng cho hai tá quan thầy chóp bu của Đảng. Nhà lãnh đạo không thèm nghe những câu chuyện về cải cách kinh tế hay cấp tiến. Mà hoàn toàn ngược lại. Y rút lui vào những tín điều Stalin-nít. Y đã suốt đời thần phục Moscow và Đảng Cộng sãn Xô viết. Giờ đây, lần đầu tiên trong đời, y bắt đầu phê phán giới lãnh đạo Kremlin và coi thường Gorbachev. Y nói với những người tin cẩn: ‘Nếu Gorbachev tiếp tục như thế này, chủ nghĩa xã hội sẽ chết trong vòng hai năm.’ Mặc dù y là một trong số ít người biết rõ về tình trạng nguy hiểm của nền kinh tế CHDCĐ, y xử sự như thể Đông Đức là một hình mẫu thành công của khối Xô viết. Chẳng bao lâu sau chuyến thăm Tây Đức của mình, Honecker có mặt tại LBXV và tháp tùng Gorbachev trong chuyến đi đến thành phố kỹ nghệ Sverdlovsk (giờ đây, cũng như trước Cách mạng 1917, là Yekaterinburg, nơi vị Sa hoàng cuối cùng và gia đình ông bị hành hình). Y giảng cho nhà lãnh đạo nghe về điều gì sẽ đến với dự án perestroika: ‘Nhìn đây, trong cửa hàng dân chúng không có gì để mua, ngay cả giấy vệ sinh cũng không có,’ y nói với Gorbachev. ‘Đó là kết quả của cải tổ. Chúng tôi không cần điều đó ở CHDCĐ.’ Y bảo với trùm phản gián Đông Đức Markus Wolf rất rõ ràng, ‘Tôi sẽ không bao giờ cho phép ở đây những gì đang xảy ra ở LBXV. Không bao giờ.’

    Có một ít tiếng nói trẻ trung hơn nổi lên trong giới lãnh đạo Berlin tán thành một vài biện pháp trung dung nhằm nới lõng quyền kiểm soát truyền thông. Nhưng quan điểm của họ bị phớt lờ. Honecker và những đầu sỏ chính trị đồng chí của y – với số tuổi trung bình lúc đó là 69 – kiên quyết bắt chết những người bất đồng chính kiến. Kiểm duyệt bị xiết chặt. Một trong những bầy tôi chính của Honecker, Joachim Hermann, đang nắm giữ cơ quan tuyên truyền, một vai trò quan trọng trong nền Dân chủ của Nhân dân. Trước đây y là chủ biên tờ Neues Deutschland, cơ quan tuyên truyền chính của Đảng. Y có trên bàn một điện thoại nối trực tiếp với các điện thoại đỏ của các tổng biên tập mọi tờ báo, đài phát thanh và phòng tin tức truyền hình trong xứ. Văn phòng của Hermann liên lạc ít nhất một lần mỗi ngày với mỗi phương tiện truyền thông này. Họ sẽ nhận được những chỉ thị sau cuộc họp mỗi ngày giữa Hemann và Honecker, thường lướt qua bản in thử của hai trang đầu của những tờ báo chính như Newses Deutschland, thay đổi cách dàn trang y không thích và thậm chí cắt xén các hình ảnh. Không viên chức nào hoặc nhà báo CHDCĐ nào tự hỏi nhà lãnh đạo của đất nước tìm đâu ra thì giờ để duyệt bản in thử của tờ báo buổi sáng. Như Schabowski, từng là biên tập viên của báo ND, giải thích về các nhà báo trong cái ‘nền chủ nghĩa xã hội thực sự tồn tại’: ‘Vai trò của họ là người biện giải cho chính quyền. Chức năng bao trùm không phải là cung cấp thông tin, mà là tuyên truyền và giảng dạy giáo điều. Xuyên tạc trực tiếp sự thật có nhiều, nhưng không phải là luôn luôn và trong mọi tình huống. Tác dụng phá hủy của giới truyền thông xã hội chủ nghĩa là cách thức nó phớt lờ thực tại.’

        Không phải vì gladnost là cao trào ở Moscow không có nghĩa nó phải được áp dụng tại Berlin. Nhà ý thức hệ cầm đầu của Đảng Kurt hager giải thích rõ ràng: ‘Không chỉ vì người làng xóm của bạn thay đổi giấy dán tường trong nhà y mà bạn phải trang trí lại nhà bạn,’ ông nói. Một số tờ báo và tuần san Xô viết được cấm lưu hành ở Đông Đức – chẳng hạn, tạp chí Sputnik – vì Honecker cho rằng ủng hộ các cải tổ kiểu Gorbachev sẽ có nguy cơ bị lật đổ. Ông không cho phép các phát ngôn viên của Đảng thốt ra những từ perestroika và gladnost trong diễn văn của mình. Vào tháng một 1988 Honecker tổ chức một cuộc săn bắn tại nhà nghỉ đi săn của mình tại Thuringia cho các nhà ngoại giao. Đó là một sự kiện hàng năm và thường là một cơ hội chính thức. Tại một thời điểm ông kéo Đại sứ Xô viết, Vyacheslav Kochemasov, ra một bên để trao đổi riêng. Theo Đại sứ ông nói:

Tôi muốn nói với ngài từ giờ trở đi chúng ta sẽ không sử dụng từ perestroika ở đây và tôi muốn ngài hiểu tại sao, và rồi ngài sẽ được hoan nghênh khi kể với mọi người cần nghe điều ấy ở LBXV.  Perestroika là một bước lùi của học thuyết Lenin và chúng tôi cực kì chóng đối loại xét lại này theo cách thức chúng tôi diễn giải lịch sử Xô viết. Chúng tôi chống lại hành động bôi đen và phá hủy những thành tựu của nhân dân Xô viết. Có một số vấn đề chúng ta có thể không nhất trí. Ta không thể nói rằng Stalin tệ chẳng kém Hitler như nhật báo Thời Đại Mới của ngài đã viết gần đây. Đó là lý do tại sao chúng tôi không cho phép bản dịch của tờ báo đó lưu hành tại Đức. . . Chúng tôi chống lại hành động phá hoại mọi thứ mà hàng triệu con người, kể cả những người ở CHDCĐ, đã tin tưởng qua nhiều năm.’

          Việc kiểm duyệt sách vở đã trở nên nặng tay và các nhà văn và nghệ sĩ bị nghi ngờ bị giám sát gắt gao. Cơ quan Stasi nhân đối số đặc vụ theo dõi nhà văn Stafan Heym, người đã trốn thoát đến Mỹ dưới thời Đức Quốc xã rồi không biết vì cớ gì chọn quay về sống ở Đông Đức thay vì Tây Đức. Thỉnh thoảng, vào những ngày lạnh giá, ông thường mang những cốc cà phê trên khay đến đãi họ. Ông ngưng ngay cách quan tâm này khi phát hiện người coi sóc nhà cửa là một đặc vụ được trả lương để báo cáo về ông và còn lấy trộm các bản thảo của ông để Stasi photocopy chúng. Các nhà văn đã quen với hệ thống kiểm duyệt tinh vi ở Đông Đức. Như tất cả nơi khác trong khối Đông Âu, không có gì được in ấn mà không qua giấy phép của nhà nước. Nhà nước sở hữu 78 nhà máy in. Nhưng ở CHDCĐ văn chương trở thành một bộ phận của Kế Hoạch. Một số nhà văn có thể có thu nhập rất khá, vì tiền bản quyền của họ tính theo số lượng bản in ra, chứ không theo số được bán. Các nhà văn được sủng ái sẽ được thưởng bằng những số lượng bản sách in ra cho các tác phẩm thường rất khoa trương của họ. Kỳ cục thay, các nhà văn mà tác phẩm của mình bị cấm in ở Đông Đức thường được phép xuất bản ở Tây Đức – miễn là họ chịu trả ba phần tư tiền tác quyền và tiền ứng trước cho nhà nước. Chính quyền sẽ quyết định mỗi năm phải in ra bao nhiêu đầu sách, và sách nào được in. Điều này không cải thiện được tính thời sự của những quyển sách được in ra. Nhưng tệ hơn, trong hệ thống Đông Đức mỗi nhà văn trước khi có tác phẩm được in được giao phó một ‘người hỗ trợ’, vừa là biên tập vừa là cố vấn – và thường là đặc vụ Stasi – có trách nhiệm ‘phụ tá’ cho tác phẩm đi đến nhà in. Kết cấu này khuyên khích một hình thức tự kiểm duyệt quỷ quyệt như thi sĩ và nhà văn Gunter Kunert mô tả:

Là tác giả chúng tôi luôn cố gắng đi trước nhân viên kiểm duyệt, dự liệu bản năng của y về những gì ‘cho’ và những gì ‘cấm’. Điếu đó     có nghĩa chúng tôi tự đặt mình vào vị trí của người kiểm duyệt . . . Sau vài thập niên làm việc này, chúng tôi thành quen với việc lẫn lách này đến nổi chúng tôi coi như đó là bản năng của chính mình. Chúng tôi hóa ra tin là mình được sáng tác tự do, và dưới ảnh    hưởng của riêng mình, nhưng thật ra thì không. Đó là lãnh vực ghê tỡm nhất của hệ thống – nó cho phép chúng ta tưởng là mình tự do và chúng tôi cũng muốn tin tưởng điều đó. Vì thế chúng tôi sống chung với tình trạng bị áp bức của mình.

Trong những từ mà nhân viên kiểm duyệt giờ đây thấy có vấn đề là ‘gladnost’, ‘cải tổ’ và ‘môi trường’ của Xô viết.

        Honecker lập một thỏa hiệp với Tây Đức khi ông ở Bonn vượt xa những điều ngụ ý. Chẳng bao lâu các phụ tá và Stasi của ông bắt đầu nhận ra đó là một sai lầm. Từ lúc Bức tường Berlin được xây dựng, hầu như không ai trừ những người bị lực lượng an ninh tra xét kỹ lưỡng, hoặc những tù nhân được bán qua Tây Đức để kiếm lời, được phép đi qua phương Tây, thậm chí trong một thời hạn ngắn. Giờ, lần đầu tiên, Honecker nới lõng các qui tắc và cho phép những người già cả có thân nhân ở Tây Đức đi thăm gia đình của mình. Đó là một tiến trình chậm chạp và nhọc nhằn khi xin cấp thị thực, nhưng vẫn có thể được và chẳng bao lâu nó gây ra một vấn đề nghiêm trọng cho chế độ. Giờ đây có hai tầng lớp người Đông Đức, người có thể đi ra, dù chỉ là tạm thời, và những người không thể. Những trao đổi về việc đi ‘qua bên kia’ trở thành chủ đề trên hầu hết bàn ăn của người Đông Đức và hàng triệu người luôn mơ đến việc rời bỏ xứ sở của mình.

Từ sáng sớm ngày 8/12/1987, cảnh sát và sĩ quan Tiệp từ lực lượng an ninh StB bắt đầu bao vây Công viên Kampa, một không gian trống trải duyên dáng ở Prague ngay dưới Cầu Charles. Trong năm năm vừa qua vào ngày này hàng ngàn thanh niên trẻ tập trung  để tưởng niệm cái chết của John Lennon. Ngoài những trận đấu bóng đá, đây là những đám tụ tập lớn nhất ở Tiệp Khắc từ Mùa Xuân Prague. Chúng qui tụ hơn 5,000 người. Hai sự kiện cuối cùng được Câu lac bộ Hòa bình John Lennon [Một thành viên trong ban nhạc The Beatles huyền thoại những năm 1960, tác giả bài hát nổi tiếng  Imagine mơ về một thế giới đại đồng, không tôn giáo, không màu da, không biên giới, chỉ có tình yêu :ND] tổ chức bắt đầu như những lễ hội tại đó những bài hát của người nhạc sĩ quá cố được hát lên. Sau đó đám đông bổng trở nên om sòm, mất trật tự và bị cảnh sát đàn áp. Chúng đánh đập một số fan và bắt bớ hàng chục người. Năm nay chế độ đã xét đến việc cấm tụ tập. Nhưng những Lennon-nít, như họ tự gọi mình – đã được phương Tây biết tiếng, vì thế chính quyền để yên cho họ, lệnh cho đám đông phải bảo đảm nó sẽ không được biến thành một cuộc biểu tình chính trị. Những người Cộng sản nghĩ rằng mình biết cách thức đối phó với các nhóm người trẻ tuổi mà họ coi là bọn hippy, bọn bất mãn và bọn hòa bình hổ lốn tôn sùng một ngôi sao nhạc pop đã chết.

        Vào đầu giờ chiều khoảng 1,500 người đã tụ tập tại Công viên Kampa và nhạc Beatles đang được chợi trên hệ thống loa, cũng như một ít bài hát bị cấm của nhà soạn nhạc Tiệp Khắc Karel Kryl. Một số người đang khiêu vũ, dù dưới làn gió lạnh buốt. Cảnh sát không hành động gì. Một số còn hòa giọng theo các giai điệu Lennon. Sau đó một người trong ban tổ chức, Ota Veverka, một nhà văn, nhạc sĩ và người ký tên ban đầu vào Hiến chương 1977, đứng trên bục để nói. Ông đọc, như ông kể lại, ‘một lá đơn thỉnh nguyện chống lại vũ khí hạt nhân, chống lại ‘đội quân hữu nghị’ đang đóng tạm thời trên đất nước chúng ta (mặc dù tạm thời hình như không chấm dứt), và chống lại những biện pháp khác mà tôi không thích. Và tôi tin những người còn lại trong chúng tôi cũng không thích.’ Ngay lập tức từng nhóm người bao quanh ông, hăng hái giành xem tờ thỉnh nguyện. Chỉ chờ có vậy, cảnh sát đến bắt Veverka và khoảng một tá các nhà hoạt động khác, đánh đập một số và ra lệnh giải tán đám người tụ tập.

   Không có gì lạ khi phần đông các cuộc đối kháng to tiếng nhất ở Tiệp Khắc đến từ thành phần trẻ bất mãn và được bày tỏ qua nhạc rock. Trước đây một thập niên nhóm Người Nhựa của Thế Giới đã là chất xúc tác của sự bất mãn. Văn chương in lậu được một nhóm trí thức ở Prague và Bratislava truyền tay đọc. Trong mười năm hoạt động ngầm, và được giới truyền thông phương Tây loan truyền tương đối rộng rãi, Hiến chương 77 đã tìm được một số người ủng hộ mới. Vào cuối 1988 chỉ có khoảng 1,000 người có đủ dũng cảm ký tên vào Hiến chương vì sợ sự dòm ngó của bọn StB. Các người ký tên trong Hiến chương tổ chức một cuộc biểu tình ở Quảng trường Wencesla hai ngày sau cuộc tụ tập John Lennon ở Công viên Kampa. Có khoảng 200 người tham dự. So sánh với Ba Lan, nơi Giáo Hội gần như là một nhà nước bên trong Nhà nước, hoặc thậm chí Đông Đức, tại đó một ít cố đạo Lutherian bắt đầu từng bước do dự cất lên tiếng nói chống đói, Tiệp Khắc là một xã hội phi tôn giáo. Việc này một phần có tính lịch sử. Việc đi lễ  nhà thờ đã giảm từ thời kỳ Khai Sáng. Phần khác vì chế độ Tiệp Khắc sau chiến tranh đã thành công trong việc xóa bỏ, quấy nhiễu và tha hóa tôn giáo đến một mức độ nhất định.

        Giáo hội Thiên chúa chiếm đa số bị hành hình một cách tàn độc vào những năm 1950. Các xứ đạo đơn giản ngừng tồn tại. Hơn 10,000 cha đạo và thầy tu được ném vào các trại lao động và nhiều người không thấy trở ra. Những người Thiên chúa cho phép Đảng chọn ra cha đạo. Những người giảng đạo mà chính quyền không thích sẽ bị cách chức. Vatican vào cuối thập niên 1970 chỉ định Cha Miloslv Vlk làm Giám mục Hrader Kralove, một trung tâm hành hương quan trọng về mặt truyền thống cách Prague 80 km về hướng Đông. Chế độ phủ quyết vì ông đã lối kéo nhiều thanh niên trẻ về giáo xứ của mình. Để chắc ăn, họ rút phép giảng của ông và ông phải tìm việc làm như một người giao sữa. Các tăng lữ trong các nhà thờ Tin Lành bị cảnh sát và đặc vụ sàng lọc. Tôn giáo không còn đóng vai trò quan trọng trong đời sống ở Tiệp Khắc, mặc dù ở Slovakia nơi phần lớn theo đạo Thiên chúa có khá hơn một chút. Nhưng thậm chí ở đó Giáo hội hình như cũng bị chà đạp. Khi không có tiếng nói của tôn giáo hoặc chính trị, người trẻ quay ra tìm cách diễn đạt nỗi bất mãn của mình qua âm nhạc.

        Sau hai mươi năm ‘bị chuẩn hóa’, người Tiệp Khắc đã học được sợ. Có nhiều điều phải sợ. Nhà hoạt động nhân quyền Jiri Wolf chịu ba năm rưỡi tù vì hoạt động Hiến chương 77. Gần như ngay sau khi được thả ra ông viết một bức thư gởi đến tòa Đại sứ Áo ở Prague kể về điều kiện nghèo nàn nơi trại giam ở Tiệp Khắc. Ông liền bị bắt lại, bị kết tội lật đổ và bị kết án thêm sáu năm tù. Và theo một cách đặc trưng, người Tiệp Khắc quay ra sử dụng khôi hài đen để đáp trả. Những người chống đối những án tù quá khắt nghiệt nhớ lại một truyện đùa trong tác phẩm Anh lính tốt Svejk: ‘Tôi không thể tưởng tượng họ đã kết án một người vô tội đến mười năm tù . . . kết án một người vô tội đến năm năm tù, thì tôi nghe rồi, nhưng 10 năm? Hơi nhiều đấy.’

        Ngoài nói đùa, người Tiệp Khắc còn lưu ý đến những cảnh báo và nói chung là họ tuân thủ. Như Havel – người tự hào là mình là người Lenin-nít chỉ ra rằng, hai thập niên quên lãng đã tạo ra sự ghẻ lạnh và tính đạo đức giả:

Số người thành thật tin vào mọi thứ mà các cán bộ tuyên truyền đã giảm xuống chưa từng thấy. Nhưng số bọn đạo đức giả lại tăng lên vững chắc; lên đến điểm mà mọi công dân thực sự buộc phải như thế. Hiếm khi có một hệ thống xã hội nào đã tạo ra cơ hội một cách quá công khai và quá trơ tráo cho những người sẵn sàng ủng hộ miễn là được lợi lộc cho họ; cho những kẻ luồn cúi và vô nguyên tắc sẵn sàng làm bất cứ việc gì để được quyền hành và lợi lộc cá nhân; cho những bọn xu nịnh bẩm sinh. Không có gì ngạc nhiên khi càng có nhiều ‘ghế’ ngon ăn được những tên háo danh, cơ hội, lang băm, và những kẻ có lí lịch đáng ngờ; nói ngắn gọn, những bọn hợp tác điển hình sẵn sàng giành giựt.

          Câu Lạc Bộ John Lennon và những nhóm tương tự mang những cái tên như Khu Jazz và Hội Cho Một Hiện Tại Vui Vẻ Hơn tương đối không mấy quan tâm đến những sự sắp xếp ban bệ trong chính quyền. Nhưng họ cũng lo lắng khi Gustav Husak bắt đầu đánh mất quyền lực. Một nhóm cán bộ bảo thủ từ lâu đã bày mưu hất y ra khỏi chức vị lãnh đạo Đảng, họ nói rằng một Husak 75 tuổi đã tỏ ra quá yếu mềm một cách nguy hiểm đối với phe chống đối. Tin đồn lan truyền là y đã bắt đầu tìm đến men rượu và đã kiệt sức. Họ bắt đầu hành động ngay sau vụ lộn xộn tại Công viên Kampa và cuộc biểu tình của Hiến chương 77 xảy ra sau đó. Husak không làm gì để duy trì vị thế của mình. Y nhìn nhận là mình đã thấm mệt và ra đi với một ân huệ. Vào ngày 17/12 y được ‘thăng chức’ làm Chủ tịch nước, một chức vị chỉ có tính cách nghi thức.

        Khi Tiệp Khắc biết được ai là người kế vị Husak họ tỏ ra rất kinh hãi. Milos Jakes là một phiên bản hơi trẻ hơn (y chỉ mới 65 tuổi) của Husak đang trong thời kỳ Stalin-nít sung sức nhất. Một người tóc đen, mặt nhão, vạm vỡ, xuất thân là thợ điện, y thuộc nhóm bảo thủ ghét cáy ghét đắng những cải cách của Mùa Xuân Prague, đã từng yêu cầu Kremlin gởi quân qua xâm lăng đất nước mình, và có trách nhiệm trong việc làm nhục Dubcek. Y đã từng là vị tướng săn người chỉ huy vụ thanh trừng sau năm 1968. Y thi hành công việc với sự hứng thú. Gần nủa triệu người đảng viên bị loại ra khỏi Đảng; hàng ngàn viện sĩ, giáo viên, công chức và nhà báo bị đuổi việc. Y tự mình giám sát nhiều cuộc phỏng vấn trong đó người ta được yêu cầu phải ký tên vào giấy cam kết trung thành với Nhà nước và với Đảng. Nếu y thấy ai có chút do dự, y tìm cách cho người ấy mất việc. Y là một diễn giả quân chúng tồi, cứ lầm bầm lẩm bẩm suốt bài diễn văn được gia cố với nhiều biệt ngữ. Một số viên chức làm việc cho y coi thường năng lực trí tuệ của y. Một câu nói đùa được loan truyền rộng rãi trong nội bộ Đảng ở Prague là ‘Jakes chắc chắn bị máy nói dối phát hiện khi y bắt đầu đọc một câu có những từ do tôi nghĩ ra.’

        Những người chung quanh y đã sắp xếp cho y lên kế vị cũng xấp xỉ vào U 70 và điều đó ám chỉ sự dập tắt tàn nhẫn những ước mơ 1968. Thủ tướng Luobomir Strougal là tên côn đồ được biết nhiều, có liên hệt sát với KGB. Vasil Bil’ak, một tên môi giới quyền lực cốt cán của Đảng trong 25 năm qua, kiên quyết tin rằng ‘sự tái cơ cấu’ kiểu Gorbachev là một sự phản bội chủ nghĩa cộng sản. Thượng Nghị sĩ Mỹ John Glenn, người cầm đầu phái đoàn Hoa Kỳ qua Prague, hỏi y tại sao người Tiệp Khắc không bắt chước cải tổ như người Xô viết. Y trả lời: ‘người Mỹ các ông thường qui kết chúng tôi là tay sai của Xô viết, luôn theo đuôi mù quáng Liên Xô. Giờ thì các ông lại qui kết chúng tôi là không theo hình mẫu Xô viết sát sao.’ Ông trùm ý thức hệ Jan Fojtik cảnh báo là có thể bị cách chức nếu đề cập đến vấn đề Xô viết xâm lăng: ‘Tôi tin chắc chúng ta có thể thiết lập đối thoại với những người hợp lý,’ y nói. ‘Nhưng sẽ không có đối thoại với những ai mưu tính phá hoại xã hội chúng ta.’

        Người Xô viết muốn loại Husak, nhưng chóang váng trước tin Jakes lên nắm quyền, người mà họ biết là không mặn mà gì với lối suy nghĩ mới của mình. Nhưng đội của Gorbachev không làm gì để ngăn trở việc ấy – chứng cứ, một cố vấn của nhà lãnh đạo Xô viết nói, là ông ta đã mất hết hứng thú về đế chế Đông Âu của mình.

Lũ cá mập vây quanh Janos Kadar ở Budapest sáu tháng sau khi Husak bị hạ bệ thì lại hoàn toàn khác. Họ thuộc thế hệ trẻ từ thành phần ưu tú của Đảng, mất hết kiên nhẫn khi ông già cứ khư khư ôm hết quyền hành – và họ tin rằng chủ nghĩa cộng sản sắp tiêu vong. Không giống như Ba Lan, tại đó cách mạng đi từ dưới lên, từ phong trào Công đoàn Đoàn kết của công nhân, ở Hungary sự thay đổi đến từ trên xuống. Sự thoái lui khỏi chủ nghĩa cộng sản do người Cộng sản Kadar lãnh đạo. Kadar đã ngự trị Hungary trong ba thập niên, nhưng ông đã bắt đầu mất đi sự kính trọng miễn cưỡng mà ông đã có được thậm chí từ những nhiều người chống đối ông. Chủ nghĩa cộng sản kiểu Gulyas của ông đã rất táo bạo và độc đáo vào thời điểm đó. Nhưng những nhược điểm của nó giờ ai cũng thấy rõ ràng.

Kadar đã từng là nhân vật rất uy quyền, mặc dù ông là nhà độc tài tương đối tử tế xét theo tiêu chuẩn Chiến tranh Lạnh. Ông sống khiêm tốn với bà vợ Maria, và không bị thoái hóa bởi những ngôi nhà thanh lịch ở thôn quê với đầy người phục dịch, các tài khoản ngân hàng nước ngoài và những bộ đồ hàng hiệu tiếng tăm. Ông không hề ủng hộ việc tôn sùng cá nhân cho mình. Thật khó để tìm được một người như ông ở Budapest, và tờ báo Đảng Nepszabadsag (Dân Tộc Tự Do) ít khi đăng hình ông. Nhưng rõ là ông đang tàn tạ và ông bắt đầu có vẻ một Stalin-nit về già, mà trong thực tế ông chưa từng như vậy. Ông hơi lú lẩn, hay nói lảm nhảm trong các buổi họp và nói lạc đề trong những lần độc thoại lê thê. Một số người làm việc cho ông cảm thấy ái ngại cho ông và mong muốn ông tình nguyện từ chức. Ban đêm ông ít khi ngủ, dằn vật vì những tội lỗi mình làm, một số người bạn ông cho biết, trong vụ đàn áp tàn bạo sau năm 1956, và đặc biệt khi ra lệnh treo cổ đối thủ của mình khí đó, Imre Nagy. Ông không quá lẩm cẩm để không thấy được tầm nhìn của mình về cải cách đang thất bại. Giải quyết của ông là trở về đường lối chính thống quen thuộc – ít nhất trên các chính sách kinh tế. Ông sợ Gorbachev đang phạm phải những sai lầm nghiên trọng và sẽ đưa chủ nghĩa cộng sản đến mồ chôn. Vào mùa hè 1987, một số kinh tế gia và lý thuyết gia cộng sản trình lên cho ông gói cải cách căn cơ hơn. Ông phủ quyết và đuổi khỏi Đảng những cố vấn dám đệ trình kế hoạch ấy.

        Bọn trẻ thấy rằng cách duy nhất họ có thể cứu lấy địa vị của mình là tống khứ Kadar. Đa số đảng viên đều ủng hộ họ. Nhưng hạ bệ một định chế là một quá trình khó khăn và liều lĩnh. Người thay thế hợp lý là Thủ tướng Karoly Grosz, một nhà kỹ thuật trung dung 57 tuổi, một đảng viên từ trong ra ngoài. Một người dẻo dai, thấp lùn, ông luôn thận trọng và thực dụng, nhưng cũng có thể tàn nhẫn. Người tòng phạm chính của ông – dù họ sẽ sớm tách nhau ra thôi – là phát ngôn viên chính của cảnh cải cách của Đảng, Imre Pozsgay, một người sôi nổi, vui tính, hấp dẫn, người thậm chí lúc đó dám nói với các phóng viên phương Tây là trong vòng một ít năm y nghĩ Hungary sẽ ‘như Áo – hoặc có thể Thụy Điển’. Ở thời điểm đó phát biểu đó là ‘dị giáo’. Nhưng mặc dù tất cả các hàng ngũ của Đảng đã nhất trí đã đến lúc Kadar phải ra đi, bọn sát nhân thấy cần sự hỗ trợ của ngoại bang.

        Grosz đã từng coi Kadar như người cha trong nhiều năm liền, nhưng vào đầu năm 1988 y đã bảo với ông ta rằng đã đến lúc ông ta phải về hưu vì tuổi tác, ‘vì lợi ích của Đảng.’ Kadar vẫn chưa sẵn sàng lắng nghe. Sau đó Grosz phái trung gian đến Moscow, Gyula Thurmer, chuyên gia đặc biệt của Đảng về LBXV. Thurmer có một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với Gorbachev. Mặc dù ông kính trọng Kadar là một chính khách cộng sản lớn tuổi hơn, nhà lãnh đạo Xô viết cũng nghĩ rằng đã đến lúc ông ra đi và ông muốn cổ vũ những nhà cải cách ở Budapest. Nhưng Gorbachev không muốn can thiệp ra mặt. Đã qua những ngày, ông tiếp tục nói, khi LBXV luôn chọn ra ai sẽ là người lãnh đạo của những đất nước khác. Ông bảo Thurmer, với tính cách ngoại giao, là Kadar là một nhân vật xuất sắc ‘sẽ biết ông phải làm gì trong một tình thế lịch sử’. Ông nói thêm, ‘Đây là một đề nghị hoàn toàn không chính thức’. Khi Thurmer trở về Budapest, Kadar hỏi y người Nga nói gì với ông và y báo cáo lại từng lời mà Gorbachev đã sử dụng. ‘Ông ta nghe tôi nói mà không nói gì,’ Thurmer nói.

        Chủ tịch Xô viết, Gromyko, đến thăm Budapest vào cuối tháng hai. Kadar bảo với ông ta rằng mình định yên vị đến năm 1990. Khi các cố vấn của Gorbachev nghe chuyện đó họ bắt đầu cảnh báo với ông ta về những ‘nguy cơ nghiêm trọng  có thể gây ra những biến động làm rung chuyển Hunggary’ nếu Kadar cứ bám víu quyền lực. Ông trùm ý thức hệ của Đảng Cộng sản Xô viết, Vadim Medvedev, bảo với Gorbachev nên thuyết phục Kadar ra đi và Grosz sẽ lên thay thế, nhưng tất cả việc này phải làm ‘trong những chuẩn tắc quan hệ giữa hai đảng’. Thủ tướng Xô viết, Nicolai Ryzhkov, ghé qua Budapest vào tháng tư. Kadar hỏi ông ta mình phải làm gì cho tương lai của mình và Ryzhkov trả lời thẳng thắn, ‘Ngài nên về hưu.’ Kadar đáp lại đầy ác ý, ‘Ông cũng nói thế sao?’ Grosz, bực tức, đã nói công khai về ‘những qui luật sinh lý’ mà những nhà lãnh đạo  già phải trải qua. Vào chiều tối ngày 2/5 Kadar triệu Grosz lên văn phòng và tuyên bố mình muốn từ chức. Vậy mà ông cũng trì hưỡn. Ông không bước xuống nếu không có sự can thiệp trực tiếp của Liên Xô. Phó Giám đốc KGB, Vladimir Kryuchlox, sắp xếp việc ấy. Ông đã từng là sĩ quan tình báo/ngoại giao ở Hungary trong cuộc Nổi Dậy 1956 và hiểu biết vế người lãnh đạo Hungary từ những ngày đau khổ và dữ dội đó. Ông đưa ra thỏa thuận sẽ cho Kadar giữ một chức vị mới tạo ra – Chủ tịch Đảng – nếu ông vui lòng đi. Vậy mà Kadar còn cố bám víu. Tại một cuộc họp Đảng vào 20/5, trong trụ sở nghiệp đoàn rộng thênh thang ở trung tâm Budapest, ông đọc một bài phát biểu dài dòng để biện hộ cho hành động của mình. Người ta lắng nghe ông trong im lặng. Grosz thay ông nắm quyền lãnh đạo Đảng ngay chiều hôm đó. Vào cuối buổi họp Kadar đứng trong sảnh, không nói với ai, chờ đợi bà vợ đến đưa mình về nhà. Đó là một đoạn kết buồn cho một sự nghiệp phi thường và đầy kịch tính.

       Chính quyền Tây Đức cũng đóng một vai trò có ý nghĩa trong việc hạ bệ Kadar. Trong quá trình vận động của Grosz, Horst Teltschik, cố vấn đối ngoại của Thủ tướng Tây Đức Helmut Kohl, bảo với các nhóm âm mưu lật đổ là nếu họ thành công trong việc bắt Kadar ra đi và bắt đầu thực hiện cải cách kinh tế ‘thì chính quyền Tây Đức sẽ ủng hộ chương trình này bằng những tín dụng tài chính trị giá 1 tỷ mác Đức.’ Tại sao chính quyền Tây Đức giúp đỡ lật đổ một nhà lãnh đạo Hungary đã nắm quyền lâu năm? ‘Những gì chúng tôi đang làm là ủng hộ các chính sách cải cách, tại bất cứ nơi đâu chúng bắt đầu phát triển, nhưng rõ ràng chúng tôi cũng muốn gia tăng áp lực lên Đông Đức.’ Ngược lại, người ta ngờ là những nhà lãnh đạo mới ở Budapest sẽ chuyển những bí mật của khối Hiệp ước Warsaw đến Bonn –    trong thực chất là biến Hungary thành một tổ chức gián điệp cho phương Tây. Nhưng nhận định luôn luôn bị bác bỏ và mặc dù còn nhiều nghi vấn, nhưng không có chứng cứ về học thuyết âm mưu tuyệt vời này về sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản.

        Tiền bạc đi thẳng vào việc trả lãi cho các khoản vay nước ngoài lớn khác, giải thích Miklos Nemeth, nhà kinh tế 40 tuổi, người thay Grosz giữ chức Thủ tướng. Nemeth đã nhận từ trước là ‘nói ngắn gọn, mọi thứ đã hóa hỏng với chủ nghĩa cộng sản. Lúc này chúng ta đang kề cận một vực thẳm, kề cận một khủng hoảng toàn bộ. ‘Cái chết của khối xã hội chủ nghĩa, của hệ thống Cộng sản, bắt đầu ngay cái lúc các ngân hàng phương Tây và các định chế tài chính chìa ra cho các nước như Hungary những khoản vay. Ngay lúc đó chúng tôi đã mắc câu.’  ‘Nhưng tôi biết rằng trong một chế độ độc đảng không có cách nào nâng cao mức sống, để cải cách có hiệu quả,’ ông nói. ‘Nếu bạn muốn cải tổ một cách căn cơ bạn phải tạo ra những thay đổi chủ yếu không chỉ trong lãnh vực kinh tế, mà còn trong chính trị. Điếu đó có nghĩa là phải lật đổ hệ thống Cộng sản.’

07/05/2023 - WRITTEN BY TRƯỜNG TIỂU HỌC ĐẰNG HẢI - Trường Tiểu học Đằng Hải được thành lập từ việc tách bộ phận cấp I của trường Phổ thông cơ sở Đằng Hải năm 1993.

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness