- Cách mạng công nghiệp lần 1: Động cơ hơi nước và sản xuất bằng máy móc cơ học.
- Cách mạng công nghiệp lần 2: Động cơ điện và sản xuất hàng loạt.
- Cách mạng công nghiệp lần 3: Điện tử và công nghệ tin học – Dây chuyền sản xuất tự động hoá.
- Cách mạnh công nghiệp lần 4: Hệ thống kết nối ảo toàn cầu.
Cách chia thời kỳ công nghiệp làm bốn giai đoạn chủ yếu dựa trên tốc độ xử lý thông tin và vận hành của hệ thống máy móc công nghiệp. Tốc độ càng cao thì năng suất, hiệu quả càng lớn. Tuy nhiên đó chỉ là quan sát bề ngoài. Câu hỏi cốt lõi (đằng sau cái bề ngoài ấy) là tại sao năng suất, tốc độ sản xuất lại là chỉ số chính để đánh dấu các bước tiến của thời kỳ công nghiệp?
Để trả lời câu hỏi này cần tìm hiểu thời đại công nghiệp đã được gây dựng trên nền tảng, là những trụ cột chính nào về mặt triết lý và tư tưởng.
Ba trụ cột chính
Đầu tiên là khoa học vũ trụ. Từ thế kỉ 16, 17, với những tên tuổi nổi tiếng như Kopemik, Kepler, Gagile, Newton v.v. loài người đã từng bước gây dựng nên một vũ trụ quan cơ học, với quan điểm chính là Vũ trụ về bản chất là một cỗ máy cơ học, tuy rất phức tạp nhưng vẫn tuân theo những quy luật khách quan.
Con người có khả năng tìm hiểu dần dần các quy luật đó, và giả sử con người có khả năng thu thập rất nhiều thông tin và xử lý chúng cực nhanh thì có thể tiệm cận tới việc thấu hiểu sự thật về vũ trụ.
Hệ quả thực tế của vũ trụ quan cơ học này là triết lý cho rằng mọi thứ chỉ là lượng. Chất là do lượng mà thành, lượng đổi chất đổi (chẳng hạn như con người cũng là một tổ hợp các nguyên tố đơn giản ghép lại với nhau, đến một mức độ phức tạp nhất định nó sẽ tạo ra sự sống, tạo ra tri thức).
Từ triết lý tất cả là lượng đã dẫn đến một tiền giả định vô cùng quan trọng là yếu tố tăng trưởng sẽ là chỉ số quan trọng nhất để đánh giá tiến bộ (vì nếu như mọi sự chỉ là lượng thôi, thì càng nhiều càng tốt ).
Trước đó hoàn toàn không phải như thế, ở thời kỳ tiền công nghiệp yếu tố định tính là thước đo, nó quan trọng hơn lượng. Chẳng hạn một cái áo kỷ niệm do bố để lại không thể thay bằng 10 cái áo khác v.v.
Thứ hai là triết học thực nghiệm. Từ thế kỉ 17, 18 những triết gia nổi tiếng như Hobbes, Hume, Descart, Spinoza đã sáng lập nên trường phái triết học thực nghiệm, cốt lõi của trào lưu tư tưởng này là phương pháp khoa học, được cho là phương pháp duy nhất để tìm hiểu sự thật về vũ trụ cơ học.