Trong khi đó, theo quan điểm của ông Đinh La Thăng - Bí thư Thành ủy TPHCM, phải đầu tư mở rộng các cửa ngõ TPHCM.
Mở rộng cửa ngõ đông bắc Sài Gòn, tại sao không?
Ông Nguyễn Mạnh Đức - Tổng GĐ Cty TNHH Đông Giao (TPHCM) - nói: “Phải khẳng định 4,5km QL13 từ ngã tư Bình Phước đến chân cầu Bình Triệu là cửa ngõ đông bắc hết sức quan trọng của TPHCM. Từ cửa ngõ này để TPHCM nối kết với tỉnh Bình Dương - vùng kinh tế trọng điểm phía nam, thông với các tỉnh Bình Phước, Đắc Nông và hàng loạt tỉnh Tây Nguyên.
Ngược lại, các tỉnh trên về TPHCM đều phải thông qua cửa ngõ này. Vì vậy, không thể nghĩ hạn hẹp nhờ các tuyến đường khác giảm tải, nên không cần mở rộng QL13”. Theo tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa - Trưởng bộ môn Đô thị học, thuộc Trường Đại học KHXH&NV TPHCM: “Khu vực cầu Bình Triệu vốn thường xuyên xảy ra kẹt xe. Nhưng thật ra là kẹt cả tuyến, nên nhất thiết phải nâng cấp, mở rộng QL13. Hơn nữa, phải nhìn tổng thể quy hoạch vùng.
Không thể các cửa ngõ khác của TPHCM đều thông thoáng, lại để cửa ngõ này tắc nghẽn? Trong khi, cửa ngõ này thông với quy hoạch chung để phát triển cả vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Thực tế, phía tỉnh Bình Dương đã mở rộng đường, thì không lý do gì TPHCM lại để QL13 như… đường làng?”.
Liên quan đến vấn đề trên, làm việc với Bộ GTVT mới đây, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng nhấn mạnh: “Phải thấy được TPHCM là trung tâm thu hút và lan tỏa, thì trước hết phải thông thoáng. Thu hút mà ông chỉ đến được cửa ngõ thành phố, ông lại tắc thì làm sao mà thu hút được? Muốn lan tỏa từ đây đi thì cũng đến ngoài rìa thành phố lại tắc, thì còn lan tỏa kiểu gì? Đây là vấn đề rất mấu chốt phải làm”.
Ông Đinh La Thăng chỉ đạo: “Vướng mắc chỗ nào phải đề xuất giải pháp ra sao để giải quyết trong thời gian tới. Không để các dự án triển khai chậm, khiến dân bức xúc”. Trong đó, lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm đẩy mạnh các dự án giao thông tại các cửa ngõ của TPHCM sao cho thông thoáng hơn. “TPHCM phải có hệ thống đường cửa ngõ như Hà Nội” - ông Thăng khẳng định.
Đói vốn, dự án hết phình ra lại… teo vào
Một kỹ sư cầu đường từng công tác tại Cienco 5 nói: “Dự án cầu đường Bình Triệu 2 có thể nói là dự án kỳ quặc mà tôi chưa từng thấy. Cách đây hơn 10 năm, từ thiết kế dự kiến mở rộng QL13 có 32m, TPHCM yêu cầu nâng lên 53m, rồi 60m. Vì điều chỉnh này mà Cienco 5 trả lại thành phố vì không kham nổi tiền đền bù giải tỏa phát sinh. Dự án “treo” suốt 16 năm, do thiếu vốn, lại nghe đâu chủ đầu tư giờ phải tính phương án thu hẹp mặt đường, may ra mới tiếp tục triển khai dự án”.
Thật vậy, Cty CP đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) đã đề nghị TPHCM cho phép thu hẹp mặt đường từ 53m như thiết kế trước đây xuống còn 42m. Việc teo tóp mỗi con số này giúp số vốn đầu tư giảm từ 4.733 tỉ đồng xuống còn 3.182 tỉ đồng. Song, ngân sách thành phố vẫn không đủ, nên dự án vẫn tiếp tục đình trệ. Trong khi đó, theo ông Trần Quang Lâm - Phó GĐ Sở GTVT TPHCM: “Số tiền đền bù, giải phóng mặt bằng QL13 đội vốn quá lớn, ngân sách thành phố khó chi trong bối cảnh nguồn vốn hạn hẹp”.
Ông Dương Quang Châu - GĐ đầu tư CII - phát biểu: “Với số vốn hơn 5.000 tỉ đồng cho dự án này quả là rất lớn. CII đang lên các phương án nhằm tháo gỡ để triển khai tiếp tục dự án. Việc giảm quy mô mở rộng con đường từ 53m xuống còn 42m cũng là một phương án khả thi, vì giảm được gần 2.000 tỉ đồng vốn xây dựng và giải tỏa mặt bằng”.