TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 223
  • Hôm nay: 198
  • Tháng: 1621
  • Tổng truy cập: 5245625
Chi tiết bài viết

Cây xanh đô thị - "đọc vị" tương lai

Đối với một cây gỗ lâu năm, cuộc sống thị thành hiếm khi dễ thở, và các thách thức đang leo thang cùng với sự nóng lên toàn cầu. Nhưng sức khỏe của các đô thị trong mấy thập niên tới thực sự phụ thuộc vào những gì được gieo trồng ngày hôm nay.

Hàng cây sequoia khổng lồ bên ngoài Trung tâm giải trí và giáo dục ngoài trời (Đại học Stanford, Mỹ). Ảnh: Trees of Stanford

Hàng cây sequoia khổng lồ bên ngoài Trung tâm giải trí và giáo dục ngoài trời (Đại học Stanford, Mỹ). Ảnh: Trees of Stanford

Dưới tác động của biến đổi khí hậu, nhiều đô thị đang đối mặt với thách thức nhân đôi, về cả khối lượng công việc lẫn ngân sách: vừa bảo vệ cây cũ vừa trồng thêm cây mới, sau đó giữ cho các mảng xanh, cả hiện hữu và mới tạo, sống sót.

Cây héo mòn vì khí hậu

Năm 2022, khi mùa hè khô hạn nhất trong sách kỷ lục của Seattle (bang Washington) kết thúc, cây cối trên khắp thành phố cảng Hoa Kỳ này đã kêu cứu trong thinh lặng. Môi trường khô hạn hơn và nóng hơn đã để lại những đám lá non sạm nâu, cành trụi và quá nhiều hạt giống - tất cả đều là dấu hiệu của sự căng thẳng.

"Bạn có thể trông thấy những cây phong lá to và cây độc cần mang đầy ắp nón [cơ quan sinh sản - NV] hoặc hạt, giống như nỗ lực cuối cùng của chúng để sinh sản", Hãng tin AP ngày 16-11-2022 dẫn lời Shea Cope, một "bác sĩ cây" (arborist) tại Vườn ươm công viên Washington.

Ngoài sâu bệnh và tuổi già, cây xanh đô thị có vô số kẻ thù. Những dự án mới, tỉ như một bãi đậu xe hoặc một tòa nhà, thỉnh thoảng gây ra cả một vụ "thảm sát". Đối với những cây trồng trên vỉa hè, đất nén chặt có hàm lượng kiềm cao khiến cây khó hấp thụ chất dinh dưỡng hơn, trong khi hố trồng nhỏ thường tiếp nhận rất ít nước mưa. Chúng bị chó tè lên thân, bị dụi tàn thuốc nóng và phải chịu đựng hàng ngàn ống bô ô nhiễm. Theo một nghiên cứu của Cục Kiểm lâm Hoa Kỳ, mỗi năm quốc gia này đang mất khoảng 36 triệu cây đô thị!

Trong cái nóng, cây cối cũng trở nên yếu ớt. Nắng hạn buộc chúng phải tiêu hao năng lượng để sống sót, thay vì để tái sinh, tăng trưởng hoặc chống lại sâu bệnh. "Mọi thứ từ bên ngoài đều cố xơi tái một cái cây, nên các mối căng thẳng càng trở nên trầm trọng" - theo Nicholas Johnson, một arborist của Công viên thành phố Seattle.

Gần đây, một nhóm nhà khoa học từ Pháp và Úc đã phân tích tác động của nhiệt độ tăng và lượng mưa giảm đối với 3.100 loài cây ở 164 thành phố trên 78 quốc gia. Một nửa số cây đã phải chịu đựng những điều kiện khí hậu vượt quá giới hạn của chúng, theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Climate Change. Nếu chúng ta không hành động, 2/3 số cây xanh đô thị trên toàn thế giới sẽ gặp các rủi ro tiềm ẩn do biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu do Manuel Esperon-Rodriguez dẫn đầu có đoạn: "Rủi ro được dự đoán là lớn nhất ở các thành phố có vĩ độ thấp - như New Delhi và Singapore - nơi tất cả các loài cây đô thị đều dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu". Hay ở Úc, gần như tất cả các loài cây đã được trồng trong các thành phố sẽ khó mà tồn tại trong điều kiện sống mới của năm 2050.

Các thành phố khắp thế giới lần lượt cam kết sẽ trồng thêm nhiều cây xanh hấp thụ CO2 để giúp chống lại biến đổi khí hậu. Tháng 4-2021, Chính phủ Việt Nam phê duyệt Đề án trồng 1 tỉ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025, trong đó 69% cây xanh sẽ được phân tán ở khu vực đô thị và nông thôn. Tháng 8 năm ngoái, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký Đạo luật giảm lạm phát (IRA), bao gồm khoản đầu tư 1,5 tỉ USD cho cây xanh đô thị.

Chọn mặt gửi vàng

Các chuyên gia cây xanh thường suy nghĩ cẩn trọng về tương lai xa xăm của thành phố, vì trồng cây là nhiệm vụ dài hơn một đời người. Một cái cây được chăm sóc tốt có thể tồn tại 30 năm, 100 năm hoặc lâu hơn nữa, có thể chứng kiến những thăng trầm của vài thế hệ công dân. Cây xanh giống như cỗ máy thời gian, kết nối những suy nghĩ và tri thức của chúng ta với tương lai.

Tại Bellevue, một thành phố khác của bang Washington, giới chức cây xanh đang nỗ lực trồng thêm những cây cự sam sequoia (Sequoiadendron giganteum, hay sequoia khổng lồ), vì chúng chắc chắn có thể chịu được hạn hán và sâu bệnh.

Vào lúc này, chúng chỉ là đám cây non e ấp trong những chiếc chậu ươm màu đen nhỏ bé. Nhưng như tên gọi "khổng lồ" của nó, đây là loại cây to nhất và cũng là một trong những sinh vật sống thọ nhất trên Trái đất. Như vậy, Bellevue trong tương lai sẽ là một thành phố được che mát bởi những cái cây cao hơn 100 mét và có thể sống đến hàng nghìn năm.

Đó là một ví dụ cho phương pháp "hỗ trợ di cư", bởi vì cự sam không phải là loài bản địa ở Bellevue. Biến đổi khí hậu khiến nhiều arborist cân nhắc việc tăng số loài "di thực" cho mảng xanh của thành phố. Nói chính xác hơn, họ tìm kiếm các loài cây không phải bản địa nhưng không có "khuynh hướng xâm lấn" và thích nghi với tương lai.

Cần hiểu rằng, khi một thành phố nóng lên nó không còn là nó nữa, vì vậy một loài thực vật dù đã tồn tại ở đó hàng trăm năm cũng cảm thấy xa lạ, không thể phát triển tốt. Trên toàn thế giới, các loài phổ biến ở thành thị như mận anh đào, sồi, phong, dương, du, thông, bạch đàn và hạt dẻ nằm trong số hơn 1.000 loài sẽ chật vật với biến đổi khí hậu, theo nghiên cứu của nhóm Esperon-Rodriguez.

Một số loài cây có thể từ từ di cư về phương bắc, và các loài xâm lấn mới sẽ đến thế chỗ. Nếu các thành phố không liên tục thích nghi, mảng xanh đô thị sẽ bị thoái hóa đáng kể, cảnh quan cũng trở nên xấu xí hơn.

Ngoài ra, chiến lược "hỗ trợ di cư" còn giúp tăng sự đa dạng về chủng loại và độ tuổi của mạng lưới cây xanh đô thị. Khi đó, nếu chúng ta mất một loài, chúng ta sẽ không mất tất cả.

Minh họa về bất bình đẳng cây xanh. Ảnh: treeequityscore.org

Minh họa về bất bình đẳng cây xanh. Ảnh: treeequityscore.org

Còn cây, còn khỏe

Vào bất kỳ ngày nắng nóng nào, bạn hãy bước vào bóng râm để được nhắc nhở về vai trò của cây cối đối với sức khỏe và hạnh phúc của chúng ta.

Theo một nghiên cứu đầu năm 2023 trên tạp chí Lancet, nếu các thành phố châu Âu tăng gấp đôi độ che phủ của cây xanh (từ 15% lên 30%), hơn 2.600 người đã có thể được cứu sống trong đợt nắng nóng khắc nghiệt năm 2015, tức là giảm được gần 40% số ca tử vong. Nhiều nghiên cứu khác cho thấy chỉ cần nhìn và ngửi cây cối cũng cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần, và người Nhật còn có hẳn liệu pháp "tắm rừng" (shinrin-yoku).

Ngoài việc cung cấp bóng râm, cây cối còn làm mát không khí thông qua quá trình thoát hơi nước. Khi lá cây giải phóng nước ở thể lỏng, một lượng nhiệt năng trong không khí xung quanh sẽ được sử dụng để làm nước bốc hơi. Việc này còn có tác động tích cực đến biến đổi khí hậu. Khi cây cối làm mát môi trường và che nắng cho các tòa nhà, con người sẽ tiết kiệm được một phần năng lượng, từ đó giảm phát thải. Nhờ tăng trưởng, cây xanh cũng giúp "khóa" CO2 vào các tế bào của chúng. Nhưng nếu điều kiện khí hậu vượt quá khả năng chịu đựng tự nhiên của cây cối, hệ thống điều hòa hoàn hảo này sẽ giảm hiệu quả, thậm chí tắt ngóm - vào thời điểm chúng ta cần nó nhất!

Vì thế, nếu các thành phố muốn duy trì những lợi ích trên đây, họ cần bắt đầu lập kế hoạch cẩn thận cho một tương lai không mấy dễ chịu. Họ sẽ cần tự hỏi khí hậu của chúng ta sẽ như thế nào trong 20 đến 30 năm tới hoặc loài nào sẽ có thể tồn tại trong những điều kiện đó.

Cùng lúc đó, các nhà hoạch định chính sách cần đảm bảo cây cối được phân bổ đồng đều giữa các khu dân cư giàu và nghèo. Tree equity, "công bằng cây xanh", là trồng đúng số lượng cây xanh ở những nơi cần cây xanh nhất, để mọi người có thể trải nghiệm đồng đều những lợi ích mà cây cối mang lại.

May mắn thay, các chuyên gia cây xanh và "bác sĩ cây" là những người đã quen thuộc với kiểu suy nghĩ rất nghiêm túc này. Nếu muốn một con đường rợp bóng cây cổ thụ 50 năm tuổi, họ thường phải đợi nửa thế kỷ để nhìn thấy thành quả lao động của mình... Không ngoa khi nói trồng cây là đỉnh cao của công tác quy hoạch đô thị.

LÊ MY - Theo Tuổi Trẻ

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness