Các nghiên cứu mới đang thách thức những ý tưởng cũ, bằng cách chứng tỏ rằng các cuộc di cư đầu tiên của con người diễn ra trên khắp châu Á sớm hơn hẳn những gì ta đã biết.
Tranh vẽ trong hang Leang Tedongnge ở Sulawesi, Indonesia, ít nhất đã 45.500 năm tuổi. Ảnh_Maxime Aubert, ĐH Griffith.
Chính trị, địa lý và truyền thống lâu nay đã tập trung sự chú ý của ngành khảo cổ học vào sự tiến hóa của Homo sapiens ở châu Âu và châu Phi. Giờ đây, các nghiên cứu mới đang thách thức những ý tưởng cũ, bằng cách chứng tỏ rằng các cuộc di cư đầu tiên của con người diễn ra trên khắp châu Á sớm hơn hẳn những gì ta đã biết.
Năm 2015, các nhà nghiên cứu tại Trung Quốc công bố phát hiện về 47 chiếc răng người, có niên đại từ 85.000 đến 120.000 năm tuổi, trong một hang động ở tỉnh Hồ Nam. Năm 2018, tới lượt Ấn Độ công bố phát hiện về một bộ sưu tập các công cụ bằng đá tiên tiến, gợi ý rằng có sự hiện diện của tổ tiên loài người từ ít nhất 170.000 năm trước - sớm hơn rất nhiều so với kết luận của các nghiên cứu trước đó.
Những phát hiện mới này "buộc ta phải nghĩ lại về thời điểm và cách thức mà chúng ta [loài người] đã phân tán [khắp Trái đất]", theo nhà nhân chủng học María Martinón-Torres, một thành viên trong nhóm nghiên cứu những chiếc răng kể trên. Bà nói: "Có thể đã có nhiều hơn một cuộc phân tán ra khỏi châu Phi".
Với giới khảo cổ học, các phát hiện còn làm nổi bật một "điểm mù". "Trong một thời gian dài, châu Á được xem là ngõ cụt với vai trò thứ yếu trong mạch truyện chính về sự tiến hóa của loài người", Martinón-Torres cho biết.
Nhà nhân chủng học Michael Petraglia, thuộc Viện Khoa học lịch sử nhân loại Max Planck (Đức), nhận định: "Có một sự thiên vị rất lớn trong nghiên cứu thực địa khảo cổ học và nơi nó diễn ra, và các lý thuyết của chúng ta về sự tiến hóa của loài người được xây dựng dựa trên những thành kiến địa lý này".
Nhà khảo cổ kiêm nhà văn Nadia Durrani giải thích rằng: khảo cổ học bắt đầu từ hơn một thế kỷ trước "với tư cách là một ngành khoa học phương Tây". Các nhà khảo cổ đầu tiên - những người châu Âu và người Mỹ - chủ yếu tập trung vào châu Âu Địa Trung Hải và các vùng đất được đề cập trong kinh thánh, bao gồm Iran, Iraq, Ai Cập, Israel và Bờ Tây ngày nay.
Ở những nơi họ chọn khám phá, mối quan tâm tăng lên, các trường, viện cũng mọc lên - và điều này lại thúc đẩy việc nghiên cứu nở rộ. Ngược lại, sẽ khó mà thuyết phục chuyên gia hay nhà tài trợ để mắt đến một địa điểm chưa được khám phá và thiếu thốn một số cơ sở hạ tầng.
Mảnh xương trán và xương ống chân của con người nằm trong cùng một lớp trầm tích với răng động vật có niên đại từ 68.000 đến 86.000 năm trước. Ảnh: Fabrice Demeter
Nhưng thái độ mà khảo cổ học dành cho châu Á đang thay đổi, với sự chú ý gia tăng. Thay đổi này cũng trùng khớp với những thay đổi kinh tế và chính trị. Trong hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã mời gọi việc nghiên cứu ở những vùng chưa ai khám phá. Hay Saudi Arabia đã mở cửa một số địa điểm cho khảo cổ học và du lịch. Các nhà khoa học hy vọng, theo thời gian, khả năng tiếp cận và các điều kiện nghiên cứu sẽ được cải thiện hơn nữa.
Tuy nhiên, một số phát hiện ở châu Á gặp phải sự hoài nghi. Jeffrey Schwartz, giáo sư danh dự tại ĐH Pittsburgh (Mỹ), cảnh báo: "Tôi nghĩ chúng ta đang gọi quá nhiều thứ là Homo sapiens".
Mina Weinstein-Evron, nhà khảo cổ học tại Đại học Haifa (Israel), nhận xét: "Chúng ta không biết gì cả. Chúng ta có một điểm bằng chứng ở đây và một điểm ở kia. Và sau đó chúng ta sử dụng những từ to tát như 'di cư' và 'phân tán'. Chúng ta cứ nói như thể họ mua cái vé xe. Nhưng họ không biết họ sẽ đi đâu. Với họ, đó có lẽ chẳng phải là sự di chuyển, có lẽ mỗi thế hệ đã xê dịch 10 cây số".
Hơn nữa, một số phát hiện di truyền gợi ý rằng ngay cả khi con người rời khỏi châu Phi và đến châu Á sớm hơn, có thể những cuộc di cư sớm này đã không thành công từ góc độ tiến hóa. Tuy nhiên, lý do họ thất bại có thể làm sáng tỏ những câu hỏi lớn trong khảo cổ học. Ví dụ, Petraglia nghi ngờ rằng nhóm người di cư sớm có thể đã sống tốt ở khu vực Ả Rập cho đến khi nước biến mất và sa mạc mở rộng.
"Nếu bạn muốn biết biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào trong tương lai, thì ở đây ta có cả một câu chuyện về tác động của nó lên các quần thể loài người", ông nói. Tóm lại, những lớp người dũng cảm đó có thể không còn hậu duệ, nhưng câu chuyện của họ vẫn có thể dẫn đường cho chúng ta đi về tương lai.
SARA TOTH STUB (TẠP CHÍ SAPIENS)
Lê My (lược dịch từ bài viết gốc ngày 16-4-2020) - Theo Tuổi Trẻ