Những chia sẻ của GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân về việc xây dựng "Phương án Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội vùng Nam Bộ”
CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN VÙNG, CÂU CHUYỆN 30 NĂM TRƯỚC VÀ HÔM NAY
Nguyễn Ngọc Trân [1]
Chương trình Điều tra cơ bản tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long (60-B) được nghiệm thu cuối năm 1990 cách đây 30 năm. Báo cáo tổng hợp có tên “Đồng bằng sông Cửu Long, Tài nguyên – Môi trường – Phát triển”. Sau đó không lâu, ngày 25 tháng 3 năm 1991, tôi nhận được thư của đồng chí Võ văn Kiệt, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng:
![Chiến lược phát triển vùng, chuyện 30 năm trước và hôm nay Chien luoc phat trien vung, chuyen 30 nam truoc va hom nay](https://st.baodatviet.vn/staticFile/Subject/2020/09/19/32937/title_19919806.jpg) |
Thư đồng chí Võ Văn Kiệt gửi tác giả |
![Chiến lược phát triển vùng, chuyện 30 năm trước và hôm nay Chien luoc phat trien vung, chuyen 30 nam truoc va hom nay](https://st.baodatviet.vn/staticFile/Subject/2020/09/19/32937/title_19920936.jpg) |
Phương pháp luận quy hoạch phát triển vùng |
Thư đề nghị tác giả chủ trì cùng với một số anh chị em khoa học (khoa học tự nhiên và khoa học xã hội) dành thời gian nghiên cứu, xây dựng một chiến lược vùng Nam Bộ. Như vậy để anh chị em khoa học đóng góp được rộng rãi hơn và lãnh đạo có thêm tài liệu để cân nhắc lựa chọn.
Mấy dòng ngắn ngủi giao nhiệm vụ, đơn giản “như trong thời kháng chiến”, không một thủ tục hành chính nào. Chỉ một lời dặn “Mong anh lưu ý xúc tiến” nhưng tôi và một số anh chị em từ nhiều nguồn đào tạo, ngành nghề khác nhau ra sức thực hiện bởi lẽ đó là sự tin cậy của lãnh đạo, tạo điều kiện để anh chị em khoa học rộng rãi đóng góp trí tuệ vào việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội một số vùng kinh tế, và cũng vì lãnh đạo muốn nghe nhiều phương án để lựa chọn.
Lĩnh hội được ý nghĩa này, lãnh đạo các tỉnh Nam Bộ giao các Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật các tỉnh, thành phố, tạo mọi điều kiện để nhóm chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ. Cuối tháng 9/1991, “Phương án Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội vùng Nam Bộ” được trình đồng chí Sáu Dân và sau đó trình bày tại cuộc họp tại Thành phố Biên Hòa do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt chủ trì.
Khi sắp hoàn thành công việc chúng tôi cân nhắc việc đặt tên cho công trình. Cuối cùng hai từ “phương án” được ghi ở đầu, hàm ý đây chỉ là một phương án.
Tài liệu của công trình gồm có bốn tập: Báo cáo, Các đề tài tổng quát (Khảo hướng của Chiến lược, Chiến lược và chính sách, 5 cải tổ), Các đề tài chuyên ngành (Điều kiện tự nhiên, Bố trí sử dụng đất, Dân số - lao động, Tồng trọt, Thủy lợi, Lâm nghiệp, Chăn nuôi, Ngư nghiệp, Diêm nghiệp, Khai thác khoáng, Công nghiệp -Tiểu thủ công nghiệp, Xây dựng (tập 1); Giao thông vận tải, Du lịch, Điện, Nước, Thông tin liên lạc, Giáo dục, Y tế, Văn xã, Mô hình nội ngoại thương, Mô hình kinh tế vĩ mô (tập 2)).
Có một số nội dung mà Phương án đề xuất đã được thảo luận nhiều tại cuộc họp ở Biên Hòa:
+ Về không gian của Phương án chiến lược, xuất phát từ mối giao lưu kinh tế văn hóa gắn bó trong quá trình lịch sử, từ các kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật, và từ các điều kiện tự nhiên và môi trường vật lý, không gian được đề xuất mở rộng đến các tỉnh Lâm Đồng và Thuận Hải (nay là Ninh Thuận và Bình Thuận).
+ Thời kỳ của Phương án là thời kỳ kinh tế cần thiết để Nam Bộ vượt qua ngưỡng kém phát triển, thu nhập thấp, theo tiêu chí của Ngân hàng thế giới.
+ Vì sức nặng của Thành phố Hồ Chí Minh và Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo rất lớn, chúng tôi xem Nam Bộ là hợp thành của Đông Nam Bộ không có Thành phố và Đặc khu, Thành phố Hồ Chí Minh và Đặc khu, và Đồng bằng sông Cửu Long.
+ Về hệ thống thống kê, các số liệu thống kê chính thức theo hệ thống MPS (Material Product System) được chuyển sang hệ thống thống kê SNA (System of National Account) để xây dựng Phương án như chúng tôi đã làm trong Phương án quy hoạch tổng thể Bán đảo Cà Mau (1989)[2];
+ Với các biện pháp chủ yếu, bao gồm 6 chương trình mục tiêu [3], 6 chính sách căn bản [4] và 5 cải tổ [5], nếu được sự chỉ đạo phát triển kinh tế theo vùng, GDP bình quân đầu người của vùng Nam Bộ sẽ vượt ngưỡng thu nhập thấp vào khoảng các năm 2007 – 2010. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh và Đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo, vào năm 2007.
Chuyển đổi số liệu MPS sang SNA là một khối lượng công việc đòi hỏi nhiều công sức, nhưng công việc chiếm nhiều suy nghĩ và thảo luận là các chương trình mục tiêu, các chính sách, các cải tổ. Phương pháp luận tổng hợp là một công việc khá mới mẻ ở Việt Nam, đòi hỏi số liệu nhiều và chính xác, tổng hợp đa chiều, không gian (lãnh thổ), ngành, theo dõi theo thời gian. Phương pháp luận mà chúng tôi đã áp dụng được trình bày trong sơ đồ.
Ngoài bốn tập báo cáo, sản phẩm còn có cơ sở dữ liệu kinh tế - xã hội vùng Nam Bộ (dưới dạng số) và tập Atlas tự nhiên, kinh tế, xã hội vùng Nam Bộ số hóa.
Lời khen của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng trong công văn số 1424/Pg ngày 22/10/1991 và công văn cảm ơn của Ban Kinh tế TW Đảng (số153/KT-TW ngày 19/10/1991) là niềm động viên lớn đối với tập thể cán bộ khoa học đã tham gia xây dựng Phương án [6].
Ba mươi năm đã qua, sơ đồ tổng hợp trên đây cần được cập nhật vì khi ấy nền kinh tế của Việt Nam chưa rộng mở, biến đổi khí hậu chưa mạnh mẽ, khó lường và nhiều cực đoan như hiện nay, các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong chưa chận lại một lượng trầm tích đáng kể và một lượng nước rất cần thiết đối với sự phát triển của đồng bằng, vấn đề khai thác cát trên sông Tiền, sông Hậu chưa nóng và đặt năng lực quản lý nhà nước trước một thách thức gay gắt như hiện nay.
Tuy nhiên cách tiếp cận của phương pháp luận vẫn còn nguyên giá trị. Điều cần nhấn mạnh là bối cảnh càng phức tạp, càng nhiều yếu tố bất định thì càng cần có phương pháp luận mạch lạc, rõ ràng để việc theo dõi, sửa đổi kịp thời và đúng lúc.
Mong rằng câu chuyện quy hoạch tổng thể Nam Bộ đã làm cách đây ba mươi năm góp được đôi điều bổ ích, cho dù khiêm tốn, cho công việc quy hoạch tổng thể phát triển vùng ngày hôm nay.
Chú thích:
[1] Giáo sư Tiến sĩ khoa học, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Khoa học Kỹ thuật nhà nước (1980-1992), Chủ nhiệm Chương trình Điều tra cơ bản tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long (1983-1990), Đại biểu Quốc hội (1992-2007), nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Đối ngoại của Quốc hội (1997-2007).
[2] Lúc bấy giờ bi chất vấn khá gay gắt khi báo cáo ở Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, nhưng chúng tôi đã bảo vệ được. Từ năm 1992, Việt Nam đã từng bước chuyển sang sử dụng về cơ bản hệ thống thống kê SNA.
[3] Chương trình ổn định kinh tế và chống lạm phát, Chương trình cải tổ hệ thống quản lý kinh tế - xã hội, Chương trình phát triển giáo dục đào tạo, Chương trình hoàn chỉnh và xây dựng mới kết cấu hạ tầng kỹ thuật, Chương trình phát triển ngoại thương, Chương trình xây dựng nông thôn mới.
[4] Chính sách gia tăng sản xuất, Chính sách tài chính, Chính sách tiền tệ, tín dụng, Chinh sách giáo dục đào tạo, y tế, Chính sách nhân dụng, Chính sách về khoa học và công nghệ.
[5] 5 cải tổ nằm trong Chương trình cải tổ hệ thống quản lý kinh tế - xã hội là Cải tổ hệ thống pháp luật và tư pháp, tín dung, Cải tổ hệ thống hành chính, tăng cường hiệu năng bộ máy hành chính và công quyền, Cải tổ hệ thống ngân hàng tín dụng và bảo hiểm, phát triển hệ thống ngân hàng nông thôn, Cải tiến quản lý kỹ thuật.
[6] Nguyễn Ngọc Trân, Trần Kim Thạch, Nguyễn văn Sơn, Lê mạnh Hùng, Trần Quý Hỉ, Đỗ Nguyên Dzũng, Nguyễn văn Ngôn, Lâm Võ Hoàng, Nguyễn Hoàng Sơn, Lâm Ngọc Bích, Võ Tòng Xuân, Bùi Đắc Tuấn, Nguyễn Thế Diễn, Lê Minh Đức, Mai Kim Đính, Đỗ Hải Minh, Võ Gia Minh, Lê Văn Bình
Theo Báo Đất Việt