TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 223
  • Hôm nay: 198
  • Tháng: 1621
  • Tổng truy cập: 5245625
Chi tiết bài viết

Chủ động trước nguy cơ lạm phát hậu kích cầu trên thế giới và Việt Nam

TCCSĐT - Hàng loạt các giải pháp đã được đưa ra nhằm khôi phục nền kinh tế, trong đó gói giải pháp kích cầu được áp dụng tại hầu hết các nước trên thế giới. Vấn đề này có tác động trực tiếp đến lạm phát. Một bài toán luôn được đặt ra và cân nhắc lựa chọn ở mọi thời điểm với mọi quốc gia là: kiềm chế lạm phát thì phải hy sinh tăng trưởng và ngược lại, nhưng các quốc gia đều muốn đạt được cả hai mục tiêu!   

1- Các kế hoạch kích thích kinh tế trên thế giới  

Gói kích cầu của Mỹ trị giá 787 tỉ USD; Nhật Bản: 144 tỉ USD; Trung Quốc 586 tỉ USD; Nga 340 tỉ USD, Hàn Quốc: 105 tỉ USD, Thái Lan: 48,7 tỉ USD, Ma-lai-xi-a: 18,3 tỉ USD…

Nhằm hạn chế tác động, ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu và ngăn chặn suy giảm kinh tế, lần đầu tiên trong lịch sử kinh tế thế giới, hầu hết các nước đã đưa ra các kế hoạch kích thích kinh tế khẩn cấp với nhiều biện pháp và khối lượng tiền lớn chưa từng có tiền lệ.   Mục tiêu của các kế hoạch  kích cầu đầu tư và tiêu dùng để ngăn chặn suy giảm kinh tế, hỗ trợ các lĩnh vực, khu vực bị tổn thương bởi khủng hoảng tài chính, đảm bảo an sinh xã hội và tạo cơ sở phát triển bền vững. Biện pháp chủ yếu được sử dụng là chính sách tài chính tích cực, chính sách tiền tệ nới lỏng (cắt giảm lãi suất, bơm tiền vào hệ thống ngân hàng và các ngành kinh tế then chốt, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, cắt giảm thuế và đẩy mạnh đầu tư công vào các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng cường chi tiêu đảm bảo an sinh xã hội, tăng chi phúc lợi xã hội…)   Các biện pháp kích thích kinh tế của các nước bước đầu đã đem lại hiệu quả. Sau một thời gian chao đảo, gần đây, kinh tế thế giới đã xuất hiện một số tín hiệu tích cực:   - Thị trường chứng khoán toàn cầu phục hồi mạnh mẽ (từ đầu tháng 3 đến nay, các chỉ số chứng khoán tại Mỹ tăng 30%, khu vực EU tăng 25%, Nhật Bản: 23%, các nước châu Á: trên 40%);   - Tính thanh khoản và niềm tin đang được khôi phục trong hệ thống ngân hàng toàn cầu (mức lãi suất LIBOR (London Interbank Offered Rate) trên thị trường liên ngân hàng đã ổn định ở mức dưới 1%), nhiều tập đoàn ngân hàng lớn tại Mỹ đã công bố lợi nhuận và bắt đầu hoàn trả tiền hỗ trợ của chính phủ;   - Mức độ sụt giảm của thị trường nhà đất đã chững lại (giá nhà và số lượng đăng ký mua nhà mới ở nhiều nước EU như Anh, Pháp đã tăng trở lại, số lượng đơn xin cấp phép xây dựng tại Mỹ cũng tăng lên);   - Hoạt động sản xuất bắt đầu tăng trở lại, đẩy giá nhiều mặt hàng nguyên liệu tăng, trong đó giá dầu tăng 120% (từ 34 USD/thùng ngày 12-2-09 lên 72 USD/thùng ngày 12-6-09), giá vàng tăng gần 30% so với đầu năm 2009;   - Nhiều chỉ số kinh tế tại các nước phát triển đã đạt mức cao nhất trong 6 tháng qua (như chỉ số niềm tin tiêu dùng, niềm tin đầu tư, số lượng đơn đặt hàng);   - Sản xuất công nghiệp của Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc cũng đã tăng 2 tháng liên tiếp gần đây…   

2- Nguy cơ lạm phát trong dài hạn trên thế giới   Bên cạnh những tín hiệu tích cực, việc đưa lượng tiền khổng lồ hàng ngàn tỉ USD vào lưu thông để kích cầu đầu tư và tiêu dùng của các nước có thể sẽ dẫn tới sự đảo chiều nhanh chóng - nguy cơ lạm phát của nền kinh tế thế giới qua một số vấn đề sau:   Dòng tiền đang được kích thích lưu thông trên thị trường do lãi suất cơ bản ở các nước trên thế giới hiện ở mức rất thấp.   Ở Mỹ, lãi suất là 0-0,25%, ở Anh là 0,5% (thấp nhất trong lịch sử 315 năm của ngân hàng nước này), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) là 1%, Nhật Bản là 0,1%... Ở các nước đang phát triển, mức lãi suất có cao hơn nhưng trung bình vẫn ở mức một con số.   Nhiều nước đã thực hiện chính sách nới lỏng định lượng (tăng cung tiền) để bổ sung cho các chương trình chi tiêu công.   Tại Mỹ, nguồn cung tiền đang tăng nhanh nhất trong 25 năm qua và ngân hàng trung ương nước này đã in thêm 1.000 tỉ USD tiền mới để trực tiếp mua cổ phiếu ngân hàng, trái phiếu chính phủ và nợ của các tập đoàn gặp khó khăn. Sự bùng nổ nguồn cung tiền mặt này là một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho đồng USD giảm giá trên thị trường quốc tế thời gian qua (từ tháng 2 đến tháng 6, đồng USD đã giảm từ 5,4% đến 19% so với các đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới). Tại Anh, Chính phủ đã tuyên bố giải pháp chưa từng có tiền lệ khi công khai kế hoạch in tiền để bơm 75 tỉ bảng Anh (tương đương 120 tỉ USD) vào nền kinh tế.   Thâm hụt ngân sách của các quốc gia đang tăng lên, tạo áp lực rất lớn dẫn tới việc in tiền để bù đắp.   Tình trạng thâm hụt ngân sách trung bình ở các nước phát triển có thể gần 9% GDP vào năm 2010 (cao gấp 6 lần so với trước khi khủng hoảng). Đặc biệt, thâm hụt ngân sách năm 2009 của Chính phủ Mỹ có thể gấp 4 lần mức của năm tài khóa 2008 và chiếm 12,9% GDP nước này.   Nợ công của các quốc gia cũng tăng vọt đang gây áp lực dẫn đến lạm phát trong dài hạn.   Ba mươi nước phát triển nhất thế giới hiện đang có tỷ lệ nợ bình quân lên tới 75% so với GDP. Chỉ riêng nợ nước ngoài của Mỹ thông qua lượng trái phiếu chính phủ phát hành đã lên tới 11.000 tỉ USD (đồng nghĩa với việc mỗi gia đình Mỹ phải chịu khoản nợ tới 96.000USD).   Lượng tiền lớn và nhanh từ các gói kích cầu của các chính phủ trên toàn thế giới đang là điều kiện hấp dẫn để giới đầu cơ “tạo sóng” trên thị trường nguyên, nhiên liệu thế giới, nhất là trên thị trường dầu mỏ.   Trong tháng 5-2009, chỉ số giá hàng hoá quốc tế của 19 mặt hàng thiết yếu (trong đó có năng lượng, kim loại, và nông sản) đã tăng tới 14% - mức tăng mạnh nhất trong 35 năm qua, giá dầu thời điểm này đã tăng trên 120% kể từ điểm đáy tháng 2-2009.  

Trước tình hình đó, mặc dù những biểu hiện của lạm phát tại các nước chưa thực sự rõ nét, nhưng chính phủ các nước đều nhận thức được tính tất yếu và độ trễ chính sách của việc thực hiện các gói kích thích kinh tế đối với vấn đề lạm phát.

Quan điểm của hầu hết các ngân hàng trung ương các nước là giữ nguyên mặt bằng lãi suất hiện nay (từ tháng 5-2009 đến nay, lãi suất của 7 nước có nền công nghiệp phát triển không đổi) và sẵn sàng điều chỉnh tăng lãi suất theo diễn biến hồi phục của nền kinh tế.

Tại Mỹ, do lo ngại về tình trạng thâm hụt ngân sách và khả năng lạm phát xuất hiện, ngày càng có nhiều ý kiến từ Quốc hội và giới nghiên cứu kinh tế đòi Chính phủ nên giảm dần các chương trình kích thích kinh tế tốn kém.   

3- Quan tâm tới vấn đề tái lạm phát ở Việt Nam là một nhu cầu cấp bách  

Năm 2008, suy giảm kinh tế thế giới đã tác động trực tiếp đến kinh tế nước ta, làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu giảm sút, ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm và đời sống nhân dân. Trước những diễn biến mới của tình hình, Chính phủ đã chuyển mục tiêu từ ưu tiên kiềm chế lạm phát sang tập trung ngăn chặn suy giảm kinh tế. Cụ thể hoá chủ trương trên, Chính phủ đã đưa ra gói kích cầu 143.000 tỉ đồng - tương đương 8 tỉ USD (Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố ngày 12-5-2009).

Các nhóm giải pháp để thực hiện gói kích cầu:  

- Thông qua chính sách tiền tệ (hỗ trợ lãi suất):

 

Gói kích cầu bù lãi suất 4% trong ngắn hạn (8 tháng bắt đầu từ tháng 2-2009). Tiếp theo là gói hỗ trợ lãi suất thứ hai hướng vào các nguồn vốn trung và dài hạn (24 tháng từ ngày 1-4-2009.

 

Riêng khu vực nông thôn, Chính phủ có chương trình hỗ trợ 100% lãi suất trong vòng 2 năm cho nông dân mua sắm máy móc, thiết bị, phương tiện, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và hỗ trợ lãi suất 4% đối với các khoản tiêu dùng ngắn hạn, trung hạn.   

 

- Thông qua chính sách tài khóa:   Trong nhóm này có chính sách về thuế, huy động nguồn tiền từ trái phiếu chính phủ để tăng cường đầu tư xây dựng cơ bản.  

 

 Gói giải pháp đảm bảo an sinh xã hội:  

 

Bao gồm các chương trình như trợ cấp kinh phí cho người nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán năm 2009, nâng lương theo lộ trình cho cán bộ công nhân viên chức từ tháng 5 - 2009, xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp, hỗ trợ lao động mất việc làm trong doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế, đào tạo nghề cho 1 triệu lao động nông thôn/năm từ nay đến năm 2020…

Hiệu quả của các nhóm giải pháp kích thích tăng trưởng kinh tế của Chính phủ:  

Tốc độ tăng trưởng kinh tế mặc dù thấp hơn so với chỉ tiêu đặt ra, nhưng ở mức khá cao trong khu vực và thế giới. Tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm đạt gần 15% khiến cho thanh khoản và lợi nhuận của hệ thống ngân hàng được cải thiện rõ rệt.

Tiêu thụ trên thị trường nội địa khởi sắc (tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 5 tháng tăng 21%).

Hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước bước đầu có chuyển biến tích cực (từ đầu năm đến nay, có tới 34.800 doanh nghiệp đăng ký mới, sản xuất công nghiệp sau khi giảm sâu trong tháng 1 đã phục hồi và tăng liên tục từ tháng 2-2009 đến nay).   Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện nhanh, nhất là các chương trình hỗ trợ 61 huyện nghèo, xây nhà cho sinh viên và người có thu nhập thấp...;   Chỉ số niềm tin của người dân Việt Nam tăng cao gấp đôi so với một số nước trong khu vực.   Thị trường chứng khoán đã tăng mạnh hơn 116% kể từ vùng đáy của tháng 2-2009.   Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống, đồng thời, đã có trên 80% số lao động mất việc trong quý I năm 2008 và quý I năm 2009 ở các địa phương đã tìm lại được việc làm mới.   Thực chất các biện pháp kích thích kinh tế của Việt Nam đang mang lại hiệu quả tích cực, góp phần giữ vững và ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc phòng, nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.   

Một số tín hiệu cảnh báo nguy cơ tái lạm phát   Bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế cũng đang xuất hiện một số tín hiệu cảnh báo nguy cơ lạm phát quay trở lại cần được quan tâm, cụ thể là:

Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã ở mức cao.   Năm tháng đầu năm 2009, tín dụng đã tăng 14,01% so với cuối năm 2008 (Ngân hàng Nhà nước công bố ngày 17-6), tổng phương tiện thanh toán của nền kinh tế cũng tăng 14,6% trong 5 tháng đầu năm (theo Báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 5 - 2009 tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ). Tốc độ tăng này, nếu không có biện pháp kìm hãm, sẽ còn mạnh hơn trong những tháng tới, khi chu kỳ tín dụng và thanh toán những tháng cuối năm thường tăng mạnh hơn đầu năm và nhất là được cộng hưởng cùng đà tăng trưởng cao hơn của nền kinh tế.   

Thứ hai, thâm hụt ngân sách quá mức mà không có nguồn bù đắp hợp lý sẽ tạo ra áp lực in tiền.   Gói kích cầu quy mô 9,6% GDP được đẩy mạnh trong bối cảnh nguồn thu ngân sách hiện đang bị thu hẹp (tổng thu ngân sách những tháng đầu năm nay giảm gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái), trong khi những đợt phát hành trái phiếu Chính phủ thời gian gần đây đang gặp khó khăn.   

Thứ ba, tình trạng mất cân đối dư nợ cho vay bằng tiền Đồng và ngoại tệ.   Trong những tháng đầu năm 2009, tín dụng bằng tiền đồng tăng trưởng tới 20,6% trong khi tín dụng ngoại tệ giảm 6,3% làm cho lưu lượng tiền đồng ra lưu thông nhiều hơn so với USD.   

Thứ tư, sức mua trong dân cư đã phục hồi.   Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 5 tháng đầu năm 2009 tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái, dẫn đến chỉ số CPI tháng 5-2009 tăng 0,44%. Chỉ số này, dự báo, sẽ còn tăng hơn trong những tháng tới khi các gói kích cầu tiêu dùng của Chính phủ tiếp tục phát huy tác dụng, đẩy giá cả hàng hóa dịch vụ tăng cao hơn.   

Thứ năm, hoạt động đầu cơ đã bắt đầu xuất hiện cùng với nhu cầu và giá hàng hóa phục hồi.   Từ tháng 4-2009 đến nay, mặt hàng sắt thép đã tăng giá 5 lần trong khi nguồn cung vẫn đang dư thừa, một số nhà cung cấp hàng thực phẩm, hàng điện gia dụng có dấu hiệu “găm giữ” hàng và đề nghị siêu thị tăng giá thêm 10%.   

Thứ sáu, kinh tế thế giới trong thời gian gần đây đã có nhiều dấu hiệu phục hồi.   Đây cũng là tín hiệu tốt lành, song cũng là một nguyên nhân dẫn đến giá cả nhiều hàng hoá trên thị trường quốc tế đã tăng mạnh trở lại. Điều này sẽ kéo theo giá trong nước tăng do đầu vào cho hoạt động sản xuất của nước ta còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên, vật liệu nhập khẩu từ nước ngoài.   

4- Một số giải pháp chủ động ngăn chặn tái lạm phát ở Việt Nam  

Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XII đã thông qua một số chỉ tiêu kinh tế cho năm 2009, trong đó chỉ tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5%, mức bội chi ngân sách không quá 7% GDP và chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 10%.

Trên cơ sở những định hướng lớn này, để ngăn chặn đà suy giảm kinh tế và khả năng xuất hiện lạm phát, những vấn đề cần quan tâm, thực hiện tốt trong thời gian tới là:   - Tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và ưu tiên triển khai quyết liệt có hiệu quả các gói kích thích của Chính phủ. Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức trong các cấp ủy Đảng, địa phương về tư duy và hành động, không quá bi quan trước những khó khăn, phức tạp mà nền kinh tế đang phải đối mặt, nhưng cũng không quá lạc quan trước những tín hiệu tốt lành và sự khởi sắc ban đầu của kinh tế thế giới và Việt Nam. Đặc biệt, cần nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động xây dựng các phương án phòng ngừa khả năng lạm phát quay trở lại khi độ trễ của chính sách kích cầu hiện nay có thể ảnh hưởng trong dài hạn.   Đặt mục tiêu và duy trì tăng trưởng ở mức vừa phải trên cơ sở đảm bảo tốt an sinh xã hội, và nhất là giữ vững được các yếu tố cơ bản của kinh tế vĩ mô (như thâm hụt ngân sách, dự trữ ngoại hối, cán cân thanh toán, lạm phát) để tạo sự phát triển bền vững sau này.  

- Linh hoạt trong việc điều chỉnh liều lượng của gói kích thích kinh tế. Cần có những biện pháp hạn chế các “tác dụng phụ” trong việc thực hiện, sao cho phù hợp với những diễn biến mới của tình hình kinh tế trong nước và thế giới.

Việc thực hiện chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ nới lỏng cần linh hoạt nhưng cũng phải thận trọng. Trong đó, có thể nghiên cứu lộ trình thu hẹp gói hỗ trợ lãi suất trước tiên, cố gắng kiểm soát mức tăng trưởng tín dụng chung của hệ thống ngân hàng dưới 30%, tổ chức tốt các đợt phát hành trái phiếu chính phủ để huy động được nguồn tiền trong lưu thông đầu tư cho các dự án công trình trọng điểm có ý nghĩa kinh tế - xã hội cao, tăng cường các giải pháp chấn chỉnh thị trường ngoại hối và đảm bảo độ chênh lệch hợp lý giữa lãi suất USD và lãi suất VND để đảm bảo cân đối cơ cấu dư nợ cho vay… Tuyệt đối, không dùng biện pháp tạo tiền mới để bù đắp cho thâm hụt ngân sách.   - Siết chặt kỷ luật trong chính sách tài khóa và nâng cao hiệu quả đầu tư công bằng các công cụ luật pháp, biện pháp hành chính, thanh tra, kiểm tra, thông tin tuyên truyền, giáo dục đào tạo… để ngăn ngừa các biểu hiện tiêu cực, sử dụng các nguồn vốn kích cầu sai mục đích và lãng phí. Hiệu quả đầu tư không chỉ mang tính chất ngắn hạn là chống suy giảm kinh tế, mà còn phải lan tỏa trong dài hạn, giúp giảm thâm hụt ngân sách và nhất là giảm sức ép tái lạm phát.   - Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền nhằm cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin, số liệu thống kê về tình hình và chính sách kinh tế của Việt Nam và thế giới để người dân hiểu đúng thực lực của nền kinh tế cũng như chủ trương điều hành kinh tế vĩ mô của Nhà nước ta. Chủ động tấn công nhằm vô hiệu hoá, ngăn chặn và xử lý nghiêm các thông tin xuyên tạc, phản động, kích động gây tâm lý hoang mang, lo sợ, hoài nghi sự lãnh đạo của Đảng và công tác quản lý, điều hành của Chính phủ, ngăn chặn kịp thời các hoạt động gây chia rẽ, mất đoàn kết, nghi ngờ lẫn nhau trong nội bộ.  

- Nghiêm trị kịp thời những phần tử cơ hội, xử lý kịp thời, không khoan dung những kẻ lợi dụng tình hình kinh tế khó khăn để xuyên tạc, bóp méo sự thật, làm giảm sút lòng tin của nhân dân và các nhà đầu tư vào quá trình điều hành quản lý kinh tế nước ta, trong điều kiện kinh tế thế giới đang có biến động và luôn xuất hiện sự đảo chiều nhanh chóng như hiện nay. Xử lý nghiêm, triệt để đối với các đối tượng đầu cơ tích trữ hàng - tiền, những nguyên nhân góp phần làm cho tình hình càng thêm phức tạp và khó khăn./. 

Phạm Minh Chính

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness