Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 bế mạc chiều tối nay, 5-12, sau một ngày làm việc được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá “đầy ắp thông tin”. Nhiều ý kiến đóng góp, đến từ nhiều cấp, từ cỡ Ủy viên Ban Thường vụ các tỉnh, lãnh đạo địa phương, đại diện cơ quan trung ương, cộng đồng doanh nghiệp đã trực tiếp tới 04 Uỷ viên Bộ Chính trị, 01 Bí thư Trung ương Đảng, 20 Uỷ viên Trung ương, 25 bộ trưởng, trường ban đảng, trưởng ngành.
Khách dự còn có chín vị đại sứ, đại diện lâm thời của các nước trong khu vực cũng như trên thế giới và đại diện của năm tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Tất cả các ý kiến đều tập trung vào các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế bền vững ở giai đoạn Việt Nam chuyển sang trạng thái thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát có hiệu quả đại dịch COVID-19.
Mất ổn định kinh tế vĩ mô là mất hết
Từ các tham luận, ý kiến tại Diễn đàn, người đứng đầu Quốc hội đánh giá tác động của đại dịch COVID là bất ngờ, chưa có tiền lệ, không lường trước được và chưa biết rồi sẽ thế nào, bao giờ chấm dứt. Hậu quả mà COVID gây ra là rất nặng nề, sâu rộng cho các nước trên thế giới và Việt Nam không phải là ngoại lệ.
Dẫn lại tính toán của Phó Trưởng ban Kinh tế Nguyễn Thành Phong, Việt Nam sau hai năm đại dịch, chịu thiệt hại khoảng 37 tỉ USD, tương đương 847 nghìn tỉ, ông Huệ nhấn mạnh: “Đó mới chỉ là thiệt hại trực tiếp về GDP, chưa tính những thiệt hại khác”.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021. Ảnh: DOÃN TẤN
Tới đây, ban tổ chức sẽ có một báo cáo tổng thuật đầy đủ toàn bộ diễn biến và kết quả của Diễn đàn; tổ chức biên soạn, in kỷ yếu chính thức của diễn đàn để gửi đến các cơ quan hữu quan trong nghiên cứu hoạch định chính sách, gửi đến các ĐBQH… Đây là căn cứ để chuẩn bị cho các phiên họp tới đây của UBTVQH và cho kỳ họp bất thường của QH dự kiến diễn ra vào cuối năm nay hoặc chậm nhất là đầu năm 2022.
Tại diễn đàn, nhiều ý kiến đề nghị gói hỗ trợ cần tập trung tăng cả tổng cung và tổng cầu, trong đó ưu tiên nhiều là tổng cung. Đồng thời phối hợp linh hoạt, chặt chẽ, hài hoà cả chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác với quy mô đủ lớn, diện bao phủ rộng hơn, liều lượng hợp lý, thời điểm phù hợp, có lộ trình…
Các gói hỗ trợ cần có mục tiêu cụ thể, dễ dàng trong tổ chức thực hiện, bảo đảm tính khả thi, nhanh chóng, kịp thời, đáp ứng yêu cầu hỗ trợ người dân, DN… Thời gian thực hiện trong khoảng hai năm (2022- 2023), cùng lắm có thể một số tháng, quý đầu năm 2024 cho những mục tiêu dài hạn và những dự án đầu tư công.
Tóm lược các góp ý này, vị Chủ tịch Quốc hội xuất thân từ ngành tài chính, kiểm toán lưu ý: “Ổn định vĩ mô mà giữ được thì rất lâu dài, rất khó nhưng để mất ổn định vĩ mô thì rất nhanh, rất dễ. Chúng ta phải thấm thía điều này. Mất ổn định kinh tế vĩ mô là mất hết do vậy, giải pháp trước mắt phải gắn với giải pháp lâu dài”.
“Điểm nghẽn” là khả năng hấp thụ của nền kinh tế
Ông Vương Đình Huệ cũng nêu lại ý kiến các đại biểu, rằng chính sách hỗ trợ cùng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được triển khai sớm sẽ thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong cải cách, tăng cường niềm tin của người dân, DN và tín nhiệm của quốc gia với các tổ chức và cộng đồng quốc tế…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: DOÃN TẤN
Các chính sách tổng thể tập trung hỗ trợ phục hồi các ngành, lĩnh vực quan trọng và các DN bị tác động trực tiếp bởi dịch COVID- 19; giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, chuẩn bị năng lực đầu tư, tạo điều kiện phục hồi kinh tế. Trong đó đưa ra gói kích thích kinh tế lớn hơn đối với các ngành, lĩnh vực có khả năng tăng trưởng cao và có tính dài hạn trong việc cải cách thể chế, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững…
“Cần xác định đúng, trúng các đối tượng hỗ trợ để tạo ra tác động lan toả, kích thích phục hồi nền kinh tế và bảo đảm hiệu quả của dòng vốn đầu tư” - ông Huệ nói.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý một “điểm nghẽn” của Việt Nam là khả năng hấp thụ của nền kinh tế nên cần cải thiện điều này. Bên cạnh đó là tác động đa chiều của chính sách, “độ trễ” của chính sách.
Theo Plo