Chỉ số Shanghai Composite giảm 8,5%
Thị trường chứng khoán ở London, Paris và Frankfurt sụt mạnh khi mở cửa sau khi cổ phiếu Trung Quốc tiếp tục rớt giá.
Tại Việt Nam, cổ phiếu cũng tụt điểm và tin cho hay Vn-Index chiều 24/8 có lúc mất hơn 32 điểm - mức mất điểm chưa từng xuất hiện kể từ tháng 5/2014.
Ở Trung Quốc, quan ngại gia tăng về suy giảm kinh tế và thị trường trồi sụt thất thường khiến các nhà đầu tư hoảng loạn.
Chỉ số chứng khoán chính của đại lục, Shanghai Composite, giảm 8,5% còn 3.209,91 điểm, tiếp tục xu hướng đi xuống của tuần trước.
Tình trạng bán tháo vẫn xảy ra cho dù Bắc Kinh đã đưa ra một số biện pháp trấn an nhà đầu tư.
Sự sụt giảm của chứng khoán Trung Quốc kéo theo các thị trường khác trong khu vực.
Chỉ số Hang Seng ở Hong Kong giảm 4,9% còn 21.313,28 điểm trong khi chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 4,6% còn 18.540,68 điểm, thấp nhất trong gần 5 năm nay.
Tại Australia, chỉ số S&P/ASX 200 sụt 4,1% còn 5.001,30 điểm, trong khi chỉ số Kospi của Nam Hàn giảm 2,5% xuống 1.829,81 điểm.
Biện pháp can thiệp mới nhất của Bắc Kinh là cho phép quỹ lương hưu lớn nhất của nhà nước đầu tư vào chứng khoán, đã không mang lại hiệu quả mong muốn.
Theo quy định mới, quỹ này được phép đầu tư tới 30% tài sản vào cổ phiếu của các công ty trên thị trường nội địa. Chính phủ hy vọng với động thái này giá cổ phiếu sẽ tăng lên.
Không hiệu quả
Simon Littlewood, chủ tịch công ty tư vấn ACG Global nói với BBC rằng đang có quan ngại về quyết định đổ thêm vốn vào nền kinh tế của chính phủ Trung Quốc, vì cho tới nay biện pháp này không trấn tĩnh được thị trường.
Trong tuần qua, chỉ số Shanghai Composite giảm tổng cộng 12%, sau khi đã giảm 30% kể từ giữa tháng Sáu.
Mức độ giảm kỷ lục này dẫn theo tình trạng bán tháo trên toàn cầu, chỉ số Dow Jones ở Hoa Kỳ giảm 6%, chỉ số FTSE 100 của Anh quốc tuần qua giảm chưa từng thấy, tới 5%.
Giá dầu lửa cũng giảm xuống mức thấp nhất trong sáu năm.
Hồi đầu tháng, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã phá giá đồng Nhân dân tệ nhằm thúc đẩy xuất khẩu.
Tuy nhiên, dịp cuối tuần qua Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đưa ra bình luận nhằm trấn an thị trường.
Một quan chức cao cấp của IMF hôm Chủ nhật 23/8 nói tình trạng chững lại của kinh tế Trung Quốc cũng như chứng khoán giảm "không phải là khủng hoảng" mà là điều chỉnh cần thiết cho nền kinh tế.
Carlo Cottarelli, đại diện cho Ý và Hy Lạp tại IMF, nói tại một cuộc họp báo: "Hiện còn quá sớm để nói về khủng hoảng ở Trung Quốc". Ông cũng nhắc lại dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tăng 6,8% trong năm nay, dưới mức 7,4% trong năm 2014.