Với thực trạng rừng, núi, biển đang bị xâm phạm ngày một nghiêm trọng, môi trường ngày càng bị suy thoái nặng nề, đặt trong bối cảnh những dự báo ảm đạm về biến đổi khí hậu cực đoan đang và sắp xảy ra, phải nói thẳng rằng chúng ta đang tự hại mình và tương lai của chính mình.
Một trong những đợt nắng nóng kinh khủng nhất, trên diện rộng tại Đông Nam Á đã được ghi nhận tại ba nước Thái Lan, Lào và Việt Nam vào cuối tháng tư đầu tháng năm 2023 vừa qua. Nhiệt độ cao nhất trong lịch sử quan trắc tại Việt Nam là 44,1oC đã được ghi nhận tại Hồi Xuân (huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa) vào ngày 6.5.2023, còn nhiệt độ cao nhất trong lịch sử tại Lào là 43,5oC đã được ghi nhận tại cố đô Lào Luang Prabang, và nhiệt độ kỷ lục được ghi nhận tại Thái Lan là hơn 45oC ba tuần trước đó.
Tổng cục Khí tượng thủy văn nhận định, với 44,1 độ, đây là kỷ lục mới về nhiệt độ cao nhất đo được ở Việt Nam từ trước đến nay. Theo chuyên gia thời tiết Lê Thị Xuân Lan, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino, các hình thế thời tiết đang trở nên cực đoan hơn. Mùa khô nắng nóng sẽ dữ dội hơn, mùa đông sẽ lạnh hơn. Các hiện tượng mưa đá, lốc xoáy, sét, bão lũ... sẽ diễn ra nhiều hơn và mức độ nguy hiểm hơn.
Theo dự báo, từ 2025, nghĩa là chỉ trong vòng 2-3 năm nữa thôi, chúng ta sẽ đối mặt với thời kỳ cực đoan của biến đổi khí hậu. Tùy nơi tùy lúc mà mức độ nắng, hạn, bão, lụt, động đất, ngập nặng tăng lên gấp đôi, gấp ba lần hiện nay. Cứ nhìn trận ngập lụt ở Pakistan tháng 8.2022 là rõ.
Một công bố mới đây của Liên Hợp Quốc cho biết khả năng hiện tượng El Nino phát triển trong vài tháng tới đang gia tăng, góp phần đẩy nhiệt độ toàn cầu lên ngưỡng cao hơn và tạo ra những kỷ lục nhiệt độ mới.
Cùng lúc với tin tức về đợt nóng kỷ lục là thông tin và hình ảnh về đỉnh núi Bà Nà gần đây. Năm 2008 Đà Nẵng đã trao quyền khai thác đỉnh Bà Nà cho Sun Group. Họ san bằng đỉnh núi, xây dựng những tuyến cáp treo vận chuyển người lên đỉnh núi và những công trình kiến trúc châu Âu giả cổ trên đó. Nghe nói có những lúc trên đỉnh núi có hàng chục nghìn người cùng lúc.
Một facebooker mới đây cho biết, 15 năm đã trôi qua, nhưng công trường trên đỉnh Bà Nà vẫn cứ tấp nập, mỗi năm người ta lại xén đi vài ha để mở rộng khu vui chơi, hầm rượu, những tòa lâu đài giả mới tinh trên đỉnh Bà Nà, khiến cho những dòng suối đầu nguồn đổ ra ba con sông chính của Quảng Nam - Đà Nẵng ngập đầy bùn đất. Và cũng từng ấy năm không còn nhà khoa học hay trung tâm nghiên cứu nào ghi nhận được sự xuất hiện của các loài động vật quý hiếm nơi đây.
Một facebooker khác so sánh: Vườn Quốc gia Bạch Mã (Huế) và Khu Bảo tồn thiên nhiên Bà Nà Núi Chúa (Đà Nẵng) đều có chung đường ranh giới với tỉnh Quảng Nam. Hai khu rừng này có độ cao tương đương nhau, khoảng 1.500m so với mực nước biển, cùng được người Pháp phát hiện ra vào những năm 1930 và đều được xây dựng thành khu nghỉ dưỡng mùa hè với khoảng hơn 100 căn biệt thự.
Hai khu rừng này có nhiều loài động thực vật tương đồng nhau, có phần khác nhau là rừng Bạch Mã nằm hướng đón gió đông nên mưa ẩm nhiều hơn. Tuy nhiên đai trên cao không khí đều trong lành rất phù hợp cho nghỉ dưỡng nghỉ mát… Cho đến khi Sun Group xuất hiện ở Bà Nà thì hai khu rừng này mang hai số phận khác nhau.
Một khu rừng hoang sơ, nước suối quanh năm trong xanh, hoa trái, cỏ cây đua nở… là nơi để mọi người đều có thể được đến và tắm rừng. Còn một khu rừng đã trở nên kiệt quệ, toàn bộ phía đỉnh núi bị san ủi để nhường chỗ cho những tòa lâu đài san sát mới tinh, cho những khu vui chơi giải trí đông người ngột ngạt.
Cùng số phận là nhiều đỉnh núi khác mà điển hình là đỉnh núi Chín Khúc, Nha Trang; đèo Hòang Liên trên dãy Hoàng Liên Sơn, tỉnh Lai Châu.
Dù được quy hoạch là đất rừng sản xuất, nhưng núi Chín Khúc thuộc TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, có tới 8 dự án đang triển khai, trong đó có cả dự án khu đô thị, biệt thự. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa mới đây đã khởi tố hai vụ án "vi phạm quy định về quản lý đất đai" trong quá trình cho triển khai hai dự án “sinh thái tâm linh” Cửu Long Sơn Tự và Biệt thự sông núi Vĩnh Trung trên núi Chín Khúc.
Núi Chín Khúc ở Nha Trang bị san ủi năm 2021. Ảnh: Thanh Minh
Theo Tuổi Trẻ Online, trong quy hoạch chung phát triển TP Nha Trang đến năm 2025, được Thủ tướng phê duyệt năm 2012, núi Chín Khúc (diện tích chủ yếu ở phía tây nam TP Nha Trang, một phần thuộc hai huyện Diên Khánh và Cam Lâm) không quy hoạch phát triển đô thị. Đất trên núi Chín Khúc là đất quy hoạch rừng sản xuất.
Vậy mà đến năm 2019, đã có 8 dự án được UBND tỉnh Khánh Hòa cho triển khai ở núi này, trong đó hai dự án khu biệt thự, hai dự án trồng rừng kết hợp du lịch sinh thái, một dự án khu đô thị, một dự án công viên nghĩa trang, một dự án mở rộng khu dân cư và một dự án kinh tế trang trại.
Hầu hết các dự án chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý về đầu tư, môi trường, xây dựng… nhưng đã bạt núi, mở đường, dọn đất rừng để triển khai dự án.
Hậu quả là hai cựu chủ tịch, một cựu phó chủ tịch, ba cựu giám đốc sở và một cựu chi cục trưởng tỉnh Khánh Hòa đã bị truy tố về tội "vi phạm quy định về quản lý đất đai" khi cho triển khai hai dự án trên núi Chín Khúc.
Tại Lai Châu, theo Tiền Phong Online, cơ quan chức năng tỉnh đã kiểm tra, phát hiện Công ty Pusamcap Lai Châu - chủ đầu tư dự án khu du lịch sinh thái đỉnh đèo Hoàng Liên (xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) cho máy móc san ủi, cày xới 3,5ha trong đó có nhiều diện tích rừng bị tàn phá. Công ty Pusamcap Lai Châu thực hiện dự án khu du lịch đỉnh đèo Hoàng Liên trên diện tích đất thuê là 517.541m2. Từ năm 2012 đến 2017, giá tiền thuê đất được xác định với diện tích 100.000m2 sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp có đơn giá chỉ 420 đồng/m2/năm. Diện tích 417.541m2 đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp có đơn giá thuê là 30 đồng/m2/năm.
Nhưng không chỉ có rừng, núi bị tàn phá, góp phần vào sự biến đổi khí hậu và hủy hoại môi trường sống. Môi trường biển Việt Nam cũng đang bị hủy hoại nặng nề, với tốc độ cực nhanh. Ai đã từng đến đảo Bình Ba (vịnh Cam Ranh, Khánh Hòa) hay đảo Nam Du ở ngoài khơi xa phía Nam để tham quan cũng có thể tận mắt thấy biển xung quanh các đảo này bị ô nhiễm nặng nề bởi nuôi trồng và du lịch.
Chỉ cần đặt chân xuống biển xung quanh đảo Bình Ba chân bạn sẽ đạp ngay phải các bao tải nhựa đựng đồ ăn công nghiệp để nuôi tôm, cá vứt bừa bãi dưới biển, còn xung quanh đảo Nam Du là rác thải nhựa dày đặc. Những bãi biển đẹp của Việt Nam đang nhanh chóng bị ô nhiễm do làn sóng du lịch với những du khách kém hiểu biết, kém ý thức gây ra, đồng thời với sự quản lý lỏng lẻo và biện pháp xử lý thiếu kiên quyết với các vi phạm về môi trường.
Một bãi biển thuộc xã Chí Công (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) ngập đầy rác. Ảnh: Hùng Lekima
Mặt khác, nếu không bị ô nhiễm do làn sóng du lịch thì nhiều bãi biển đẹp lại bị hủy hoại bởi ngành công nghiệp nuôi trồng khi không có sự quy hoạch rõ ràng diện tích biển dành cho nuôi trồng và diện tích biển, bãi biển dành cho du lịch. Ở nhiều địa phương có biển và bãi biển đẹp, thu hút ngày càng nhiều khách du lịch như các bãi biển hoang sơ nằm trên vịnh Cam Ranh, thuộc thôn Bình Lập, xã Cam Lập, thành phố Cam Ranh, với cát trắng, nước biển trong vắt có thể nhìn tận đáy, chỉ sau mấy năm nay đã trở thành những vùng biển ô nhiễm nặng nề với vô số lồng nuôi tôm hùm ken dày trên mặt vịnh, thức ăn nuôi tôm dư thừa và rác rưởi từ các lồng nuôi, các nhà bè xả xuống vịnh biển, những lồng nuôi tôm được kéo từ dưới biển lên làm vệ sinh và xả thẳng lưới cũ, chất thải từ các lồng ra gần các bãi tắm nơi du khách đang tắm. Liệu du khách nào còn dám đến tắm ở những bãi biển như vậy?
Tất nhiên, người dân cần hoạt động kinh tế, cần mưu sinh từ rừng, từ biển. Nhưng tôn trọng và bảo vệ môi trường cũng là một yêu cầu, không chỉ cho hiện tại mà còn cho các thế hệ mai sau. Mưu sinh từ rừng, từ biển là một nhu cầu nhưng phát triển du lịch đi đôi với bảo vệ môi trường cũng mang lại thu nhập cho người dân. Vấn đề là chính quyền từng địa phương cần quy hoạch, xác định rõ khu vực nào dành cho nuôi trồng, khu vực nào dành cho du lịch và phải giám sát chặt chẽ, có biện pháp xử lý nghiêm khi quy hoạch bị vi phạm. Có thể nói, quy hoạch và thực hiện quy hoạch hiện có lẽ là khâu yếu nhất trong công tác quản lý của các nhà chức trách địa phương.
Cứ như thế, với thực trạng rừng, núi, biển đang bị xâm phạm ngày một nghiêm trọng, môi trường ngày càng bị suy thoái nặng nề, đặt trong bối cảnh những dự báo ảm đạm về biến đổi khí hậu cực đoan đang và sắp xảy ra, phải nói thẳng rằng chúng ta đang tự hại mình và tương lai của chính mình.
Chẳng lẽ phải đợi thiên nhiên dạy cho ta một bài học nặng nề (mà đợt nắng nóng vừa rồi mới chỉ là màn mở đầu) rồi chúng ta mới giật mình thay đổi, sống biết tôn trọng thiên nhiên, tuyệt đối không làm gì có hại tới môi trường?
Và trong câu chuyện này, mỗi công dân cần nâng cao ý thức, nhưng Nhà nước - với các đòn bẩy và công cụ quản lý của mình - cần phải là người vạch đường chỉ lối có hiệu quả.
Đoàn Khắc Xuyên - Theo Người Đô Thị