Những con phố "buồn"
Ông Nguyễn Đức Nhân (55 tuổi, quận 3) không thể ngờ có một ngày, mặt bằng bán lẻ ở mặt tiền Đồng Khởi, quận 1, TPHCM lại ế ẩm khách thuê như hiện nay.
Được sinh ra và lớn lên ở thành phố hoa lệ, lại có duyên với nghề môi giới bất động sản, ông Nhân từng chứng kiến cảnh người ta tranh nhau để có thể thuê được một cửa hàng trên phố Đồng Khởi, dù giá không hề rẻ, có thể lên đến vài trăm triệu đồng/tháng.
Nay, từ đoạn Đồng Khởi giao Nhà hát Thành phố tới khúc giao Tôn Đức Thắng, ông đếm vội cũng tới 5-6 mặt bằng tìm khách thuê. Thậm chí, một khách sạn 4 sao cũng đã cửa đóng then cài nhiều tháng trở lại đây, bên trong hoang tàn chưa được mở lại. Những tấm biển rao cho thuê nhà được dán chi chít lên các tấm kính cửa ra vào khách sạn - nơi một vài năm trước tấp nập người tới người đi.
Mặt bằng bán lẻ tìm khách thuê trên đường Ngô Đức Kế, quận 1 (Ảnh: Khổng Chiêm).
Nếu lấy Đồng Khởi là trung tâm, câu chuyện khách thuê trả mặt bằng rồi mặt bằng bị bỏ trống, không người thuê lan rộng ra các khu vực khác, như con sóng xô bờ lớp này tới lớp khác.
Các tuyến phố của quận 1 như Lê Lợi, Lê Thánh Tôn, Lý Tự Trọng, Mạc Thị Bưởi, Hai Bà Trưng, Hồ Tùng Mậu, Ngô Đức Kế... đều la liệt mặt bằng cần khách thuê. Sang quận 3, khu vực hồ Con Rùa hay các con đường Trương Định, Trần Cao Vân chung tình cảnh.
Con đường Phan Xích Long - "trái tim" của quận Phú Nhuận - cũng dày đặc các mặt bằng cần cho thuê, dù khu vực này vốn rất sầm uất, từng được cho thuê cả trăm triệu đồng/tháng mà vẫn không đủ nguồn cung. Nhiều phố khu vực xa trung tâm hơn, ở Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, với giá thuê mềm hơn, khoảng 10-20 triệu đồng/tháng cũng ế ẩm. Cả thành phố dường như đang loang lổ chỗ trống mặt bằng cần khách thuê.
Một số môi giới cho biết giá thuê các khu vực đều đã giảm tới mức thấp nhất và không thể giảm thêm được nữa. Một mặt bằng nhỏ khoảng 50 m2 trong khu đô thị An Phú - An Khánh, TP Thủ Đức muốn sang nhượng với giá 8 triệu đồng/tháng, thấp hơn nhiều so với trước đây khoảng 12-13 triệu đồng/tháng nhưng không có người thuê. Anh Nguyễn Hoàng, môi giới mặt bằng nói chủ nhà sẽ không tiếp tục giảm thêm, chấp nhận bỏ không vì không thể phá vỡ giới hạn cuối cùng được.
"Đôi vai" người thuê nhà
Bên cạnh việc giá cho thuê cao ở nhiều vị trí đẹp, câu chuyện với người thuê lại khác. Chị Vũ Thị Lan, chủ một cửa hàng cắt tóc, gội đầu, làm móng ở quận 10, TPHCM kể thuê nhà để kinh doanh đã mấy năm nay, giá thuê 8 triệu đồng/tháng không đổi trong nhiều năm. Tuy nhiên hiện tại, chị vẫn muốn trả nhà.
Chị Lan tự ý thức mặt bằng khoảng 30m2 trong một khu dân cư đông đúc, giá chỉ 8 triệu đồng/tháng là quá rẻ. Nhưng các loại chi phí để chị kinh doanh thì ngày một gia tăng, như giá điện, giá nước, rồi nguyên phụ liệu làm móng cũng tăng.
"Mỗi thứ tăng chút chút cũng đều tính vào chi phí, nhưng không thể gội 1 cái đầu tăng thêm 5.000 đồng, sơn bộ móng nói khách trả thêm 10.000-20.000 đồng", chị trăn trở.
Chưa kể, từ sau khi xảy ra dịch Covid-19, lượng khách tới quán chị dần thưa vắng. Nếu như trước đây, mỗi ngày chị có thể có 20-25 khách thì giờ chỉ chục người, có hôm còn ít hơn. Chi phí tăng, doanh thu giảm, chị loay hoay chưa biết sẽ phải làm sao. Tất nhiên mỗi ngày, chị vẫn đang phải trả gần 300.000 đồng tiền phí mặt bằng.
Một mặt bằng 2 mặt tiền phố Trương Định - Lý Tự Trọng tìm khách thuê nhiều tháng nay (Ảnh: Khổng Chiêm).
Anh Vũ, một chủ cửa hàng bán trà sữa khác ở quận 2, TPHCM cho biết mỗi ngày từng bán ra 200-300 ly trà sữa nhưng nhiều tháng nay ế ẩm. Mỗi ngày quán anh có khi chỉ bán được vài chục ly, có khi ít hơn. Anh thuê cửa hàng mỗi tháng 10 triệu đồng, nay lên kế hoạch trả lại.
Cũng giống chị Lan, những chi phí phát sinh nhỏ nhỏ như giá trà, giá sữa, giá ly... mỗi thứ một ít nhưng không thể tính vào ly trà sữa để tăng giá, vì "các chuỗi lớn có tăng đâu", anh Vũ nói. Vì vậy, anh dự tính sẽ thuê một cửa hàng nhỏ hơn nữa, ưu tiên bán theo hình thức trực tuyến.
Hy vọng sự khởi sắc
Savills Việt Nam cũng thừa nhận thời gian gần đây, một số thương hiệu lớn đã đưa ra quyết định rời bỏ những mặt bằng nhà phố có vị trí đắc địa tại khu trung tâm quận 1. Bà Trần Phạm Phương Quyên, Quản lý Bộ phận Cho thuê Bán lẻ Savills TPHCM cho biết những kế hoạch này đã được các doanh nghiệp đưa ra từ lâu, tùy vào những thay đổi của tình hình kinh doanh cũng như chiến lược phát triển của mỗi thương hiệu.
Bà Quyên giải thích lý do một số nơi đóng cửa các mặt bằng đắc địa vì mô hình kinh doanh chưa đạt được hiệu quả hoặc do thị hiếu người tiêu dùng thay đổi nên các cửa hàng phải thay đổi để thích nghi. Hoặc với một số thương hiệu, sau khi đã đạt được mục tiêu quảng bá nhờ mặt bằng đắc địa, họ chuyển sang giai đoạn tiếp theo là cắt bớt chi phí thuê. Đồng thời, họ mở rộng cửa hàng ở các khu vực bán trung tâm để tiết giảm chi phí thuê mặt bằng mà vẫn giữ hiệu quả kinh doanh.
Đại diện đơn vị trên cho rằng từ nay tới cuối năm sẽ có một số thương hiệu mới xuất hiện ở những vị trí đẹp. Nhiều thương hiệu cao cấp trong nước cũng sẽ giới thiệu những dòng sản phẩm đặc biệt, tìm kiếm các mặt bằng tầng trệt của các trung tâm thương mại hoặc nhà phố tại những con đường có vị trí vàng.
Cục Thống kê TPHCM nêu số liệu 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 9,4% so với cùng kỳ. Sức mua nội địa tăng trưởng được xem là điểm sáng của nền kinh tế khi hoạt động xuất khẩu suy giảm. Một số ngành hàng thương mại, dịch vụ có chuyển biến tích cực, như bán lẻ đồ dùng dụng cụ gia đình tăng 6,5%; bán lẻ điện thoại, máy tính, linh kiện điện từ tăng 8,4%; dịch vụ lữ hành tăng 12%; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 7,9%...
Với tình hình kinh tế thành phố đang vươn lên sau quý đầu năm trầm lắng, Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển lạc quan TPHCM sẽ đạt được những kết quả tích cực trong nửa cuối năm.
Ông đặt nhiều kỳ vọng vào lĩnh vực thương mại dịch vụ sẽ tăng trưởng, du lịch được mở cửa, khách quốc tế đến TPHCM nhiều hơn, thúc đẩy tiêu dùng. Điều này cũng sẽ làm giảm tình trạng hàng loạt cửa hàng bỏ trống ở các tuyến phố thời gian gần đây.
Khổng Chiêm - Theo Dân Trí