TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 223
  • Hôm nay: 198
  • Tháng: 1621
  • Tổng truy cập: 5245625
Chi tiết bài viết

Chuyến tàu vaccine

Tôi dán mắt vào tin nhắn của một doanh nhân, ông và cộng sự đang tìm vài con đường, không loại trừ sản xuất, để có vaccine.

Du lịch tiêm vaccine Covid-19”: Có phải đòn bẩy du lịch? - Báo Nhân Dân

"Chúng tôi đang triển khai, cả xây nhà máy để nhận chuyển giao công nghệ sản xuất lẫn mua và tài trợ tiền mua vaccine", ông nói. Đó là chủ tịch một tập đoàn lớn với hàng chục nghìn nhân viên.

Ông không bật mí khi nào những lô vaccine do doanh nghiệp mình đặt mua có thể về đến Việt Nam, nhưng ít nhất đã tìm ra thêm một - xin nhấn mạnh là "thêm một" - lối đi để tiếp cận được nguồn cung vaccine trực tiếp cho Việt Nam.

Mua được đủ vaccine cho tối thiểu 70% dân là việc sống còn hôm nay. Bộ Y tế dự kiến mua 150 triệu liều của nhiều hãng dược với tổng kinh phí, kể cả vận chuyển, bảo quản, phân phối, tiêm chủng, ước 25.200 tỷ đồng. Tính ra khoảng 168.000 đồng mỗi liều. Tuy nhiên, kinh phí phòng chống dịch, nhất là xét nghiệm, truy vết và đặc biệt những thiệt hại do giãn cách xã hội như một biện pháp chẳng đặng đừng, cao thấp bao nhiêu so với chi phí mua vaccine thì chưa tính được.

Muốn mua hàng trước hết phải có tiền. Ngay lập tức, các tổ chức và cá nhân đã tự nguyện đóng góp hàng ngàn tỷ đồng vào quỹ vaccine. Thậm chí, rất nhiều người dân chấp nhận trả tiền để được tiêm.

Một số doanh nghiệp nói có thể ứng trước ngay tiền tiêm chủng cho toàn bộ lao động của họ. Không ít doanh nhân cho tôi biết, họ có thể bảo trợ chi phí tiêm cho số lao động cao gấp đôi nhân viên đang có. Số khác đề xuất, doanh nghiệp đóng góp vào quỹ vaccine thì nhân viên của họ sẽ được nhận lại tỷ lệ tiêm bằng 5%-10% giá trị số tiền đã góp. Việc này sẽ tạo động lực tài trợ của các tổ chức.

"Chính phủ mở tất cả các cửa để phấn đấu cuối năm nay sẽ có miễn dịch cộng đồng" , Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh. Và cánh cửa tài chính dường như đã được mở. Vấn đề còn lại, làm thế nào mua được vaccine ngay trong năm nay? Nhu cầu vaccine rất cao và sẽ còn cao trên toàn cầu các năm tới, bởi con người phải tiêm nhắc lại hàng năm cho đến khi tìm ra thuốc chữa.

Có tiền là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Cánh cửa cơ chế, cánh cửa ngoại giao đang chờ chúng ta mở rộng hơn nữa. Và ngay cả trong ngoại giao, không loại trừ đánh đổi lợi ích kinh tế trong chừng mực cho phép, để tiếp cận vaccine.

Liệu doanh nghiệp có thể tận dụng các mối quan hệ sẵn có, vận động hành lang để mua vaccine cho bản thân hay cho cả ngành nghề, lĩnh vực mình? Các doanh nghiệp mà tôi khảo sát một nửa trả lời "có", nửa kia trả lời "không".

Tôi muốn hỏi doanh nhân nọ kỹ hơn về các bước họ triển khai, nhưng ông "chưa tiện đi sâu vào chi tiết", có lẽ vì sợ "việt vị". Ngoài đóng góp tiền, Nhà nước vừa công khai, minh bạch cơ chế, cho phép doanh nghiệp, người dân có thể tham gia mua vaccine theo năng lực xét về mọi phương diện.

Các nhà máy của Samsung, LG hay Foxconn có hàng chục ngàn công nhân. Nhà máy đóng cửa, họ gánh chịu thiệt hại trước tiên. Các tập đoàn đa quốc gia này có tiềm lực tài chính và ngoại giao đủ để thương lượng với các nhà sản xuất, cung cấp vaccine, ví dụ như AstraZeneca đang được sản xuất tại Hàn Quốc, quê hương của Samsung. Họ có thể không mua được hàng chục triệu liều, nhưng biết đâu vài trăm ngàn liều cho người lao động họ sẽ xoay xở được?

Các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài hoàn toàn có thể nhờ cậy các quốc gia mẹ "giúp đỡ" để có vaccine cho doanh nghiệp thành viên. Các tập đoàn lớn Việt Nam có thể hợp tác với các đối tác khách hàng vì có vaccine, đôi bên cùng có lợi.

Trong cơ chế Nhà nước - doanh nghiệp - người dân cùng gánh vác ấy, Nhà nước đảm đương khâu quan trọng nhất: kiểm tra, đảm bảo chất lượng vaccine và việc tiêm chủng, đồng thời lo cho đội ngũ tuyến đầu, đối tượng chính sách. Còn nhớ năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quốc kháng chiến: "Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống giặc cứu nước". Bây giờ, chung tay mua vaccine cũng là toàn quốc kháng chiến vậy.

Ở phía những ý kiến phản biện, tôi thấy không ít lập luận đáng quan tâm. "Chính phủ còn không mua được ngay, phải xếp hàng, doanh nghiệp làm sao tự thương lượng để mua nổi?", một doanh nhân nhận định. Ông phân tích thêm, để doanh nghiệp tự đi mua sẽ "hỗn loạn"; và trong thời "nước sôi lửa bỏng Covid" chẳng hãng sản xuất vaccine nào muốn bán lẻ kiểu đó cho mất công. Doanh nghiệp khác tiết lộ rằng, vài tập đoàn trong nước đã tiếp xúc với Pfizer, nhưng được trả lời hãng "chỉ làm việc với chính phủ".

Đàm phán mua và phân phối vaccine đang ở tầm Chính phủ. Chính phủ đang nỗ lực tối đa. Bộ Ngoại giao đã vào cuộc. Chính phủ cũng đã tham vấn ý kiến và họp với các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, các tập đoàn ngoại lớn hiện diện ở Việt Nam.

Lần đầu tiên trong cuộc chiến vaccine ở quy mô loài người, không có khái niệm giữa bán buôn và bán lẻ. Cũng lần đầu tiên trong cuộc đua này, khách hàng không còn là thượng đế. Vaccine lúc này không đơn thuần là một thứ dược phẩm. Nó là công cụ không chỉ của các hãng dược quốc tế mà của cả một số quốc gia nhằm đạt những mục tiêu gồm kinh tế và chính trị. Nước nào đạt miễn dịch cộng đồng sớm sẽ cất cánh sớm trong phục hồi kinh tế.

"Các nhà hàng, quán cà phê mở bung", con tôi viết từ Paris. "Chưa bao giờ anh thấy ngoài đường và các trung tâm mua sắm đông người đến thế vào cuối tuần", bạn tôi ở châu Âu nhắn, "cứ như thể mọi người được giải phóng và không ai muốn bỏ lỡ chuyến tàu".

Không nghi ngờ, các nước Bắc Mỹ và châu Âu sẽ đạt miễn dịch cộng đồng sớm hơn châu Á, sớm hơn các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Từ đây, sự phục hồi kinh tế cũng như vị thế địa chính trị sẽ ngày càng phân hoá mạnh. Mỹ, Canada, Liên minh châu Âu, vốn có hạ tầng kinh tế "khoẻ" hơn các nước đang phát triển, ở thời hậu Covid, họ có thể vươn lên tầm cao mới.

Thủ tướng đã dùng từ "thần tốc" cho chiến lược vaccine. Để "thần tốc", Việt Nam trước hết rà soát ngay những lợi thế kinh tế đang sở hữu. Chúng ta từng giảm thuế, cải cách môi trường đầu tư, đưa ra ưu đãi để thu hút đầu tư nước ngoài, hấp dẫn các tập đoàn tầm cỡ thế giới. Ta đang có các lợi thế kinh tế, nhân lực và vị trí địa lý không phải quốc gia nào cũng có. Hôm nay, Việt Nam có thể sử dụng các "bảo bối" ấy để đàm phán mua vaccine.

Chống Covid-19 bằng tiêm chủng là một chuyến tàu nhanh. Không quốc gia nào muốn lỡ chuyến tàu siêu tốc để bị bỏ lại phía sau, tụt hậu trong phục hồi kinh tế. Việt Nam cũng phải mau lên kẻo lỡ nhịp đến nơi rồi.

Hải Lý

Hải Lý - Nhà báo

Hải Lý - Theo VnExpress

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness