Nguồn: “Has covid-19 killed globalisation?”, The Economist, 14/05/2020.
Biên dịch: Phan Nguyên
Ngay cả trước đại dịch, toàn cầu hóa đã gặp rắc rối. Hệ thống thương mại mở thống trị nền kinh tế thế giới trong nhiều thập niên đã bị phá hủy bởi sự sụp đổ tài chính và chiến tranh thương mại Trung – Mỹ. Bây giờ nó đang quay cuồng trước cú đánh chí mạng thứ ba trong hàng chục năm khi các đợt phong toả làm đóng cửa biên giới và gây gián đoạn thương mại. Số hành khách tại sân bay Heathrow đã giảm 97% so với năm trước; Xuất khẩu ô tô củaMexico giảm 90% trong tháng 4; 21% các chuyến tàu container xuyên Thái Bình Dương trong tháng Năm đã bị hủy. Khi các nền kinh tế mở cửa trở lại, hoạt động sẽ phục hồi, nhưng đừng mong đợi sự trở lại nhanh chóng với một thế giới vô tư với đi lại không bị cản trở và thương mại tự do. Đại dịch sẽ chính trị hóa việc đi lại và di cư, và tạo nên cảm giác lâu dài muốn tự lực. Sự hướng nội từ từ này sẽ làm suy yếu sự phục hồi, khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương và lây lan bất ổn địa chính trị.
Thế giới đã có một số kỷ nguyên hội nhập, nhưng hệ thống thương mại xuất hiện vào những năm 1990 đã đi xa hơn tất cả. Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới và biên giới được mở tung cho đi lại, hàng hóa, vốn và thông tin. Sau khi Lehman Brothers sụp đổ năm 2008, hầu hết các ngân hàng và một số công ty đa quốc gia đã colại. Tỉ lệ thương mại và đầu tư nước ngoài bị chững lại so với GDP, một quá trình mà The Economist sau này gọi là “sự chậm lại toàn cầu” (slowbalization). Sau đó xảy ra cuộc chiến thương mại của Tổng thống Donald Trump, pha trộn những lo ngại về việc đánh mất các công việc cổ cồn xanh và chủ nghĩa tư bản độc đoán của Trung Quốc với một chương trình nghị sự lớn hơn dựa trên chủ nghĩa sô vanh và sự xem thường các liên minh. Vào thời điểm virus bắt đầu lây lan ở Vũ Hán vào năm ngoái, thuế suất thuế nhập khẩu của Mỹ đối với hàng nhập khẩu đã trở lại mức cao nhất kể từ năm 1993 và cả Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu tách rời các ngành công nghệ của họ khỏi nhau.
Kể từ tháng Giêng, một làn sóng gián đoạn mới đã lan rộng từ châu Á về phía Tây. Việc đóng cửa nhà máy, cửa hàng và văn phòng đã khiến nhu cầu sụt giảm và ngăn các nhà cung cấp tiếp cận khách hàng. Thiệt hại không diễnra ở mọi ngành nghề. Thực phẩm vẫn đang được thông quan, Apple khẳng định họ vẫn có thể sản xuất iPhone và hàng xuất khẩu của Trung Quốc vẫn duy trì được cho đến nay, được hỗ trợ nhờ doanh số bán thiết bị y tế. Nhưng tác động tổng thể vẫn khủng khiếp. Thương mại hàng hóa thế giới có thể giảm 10-30% trong năm nay. Trong mười ngày đầu tiên của tháng 5, xuất khẩu của Hàn Quốc, một cường quốc thương mại, đã giảm 46% so với cùng kỳ năm ngoái, có lẽ là sự suy giảm tồi tệ nhất kể từ khi dữ liệu bắt đầu được thu thập vào năm 1967.
Tình trạng vô chính phủ trong quản trị toàn cầu đang được phơi bày. Pháp và Anh tranh cãi về các quy tắc kiểm dịch, Trung Quốc đang đe dọa áp thuế trừng phạt Úc vì nước này yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra về nguồn gốc virus, và Nhà Trắng vẫn trên đường tiếp tục chiến tranh thương mại. Mặc dù có một số trường hợp hợp tác trong đại dịch, chẳng hạn như các khoản cho vay của Cục Dự trữ Liên bang cho các ngân hàng trung ương khác, nhưng Mỹ vẫn miễn cưỡng đóng vai người lãnh đạo thế giới. Sự hỗn loạn và chia rẽ trong nước đã làm mất uy tín của Mỹ. Sự thiếu minh bạch và xu hướng bắt nạt của Trung Quốc càng xác nhận rằng họ không sẵn sàng – và cũng không thích hợp để tiếp nhận vai trò này. Trên khắp thế giới, dư luận đang chuyển hướng khỏi sự ủng hộ toàn cầu hóa. Mọi người đã lo lắng khi nhận thấy rằng sức khỏe của họ phụ thuộc vào một cuộc cãi lộn để giànhnhập khẩu thiết bị bảo vệ và vào những người lao động nhập cư chăm sóc người bệnh hay thu hoạch mùa màng.
Đây mới chỉ là khởi đầu. Mặc dù luồng thông tin phần lớn vẫn tự do bên ngoài Trung Quốc, nhưng sự di chuyển của con người, hàng hóa và dòng vốn thì không. Hãy xem xét việc đi lại. Chính quyền Trump đang đề xuất cắt giảm nhập cư hơn nữa, lập luận rằng các công việc nên được giành cho người Mỹ. Các nước khác có khả năng làm theo. Đi lại bị hạn chế, làm thu hẹp phạm vi tìm việc, giám sát nhà máy và tăng đơn đặt hàng. Khoảng 90% người dân sống ở các quốc gia có biên giới khép kín. Nhiều chính phủ sẽ chỉ mở cửa cho các quốc gia có quy chế quản lý y tế tương đồng: một “bong bóng đi lại” như vậy được đề xuất bao gồm Úc và New Zealand, và có lẽ cảĐài Loan và Singapore. Ngành công nghiệp hàng không đang báo hiệu rằng sự gián đoạn đi lại sẽ kéo dài. Airbus đã cắt giảm sản lượng một phần ba và Emirates, một biểu tượng của toàn cầu hóa, dự kiến sẽ không phục hồi cho đến năm 2022.
Thương mại sẽ bị ảnh hưởng khi các quốc gia từ bỏ ý tưởng rằng các công ty và hàng hóa được đối xử bình đẳng bất kể nguồn gốc. Chính phủ và các ngân hàng trung ương đang yêu cầu người nộp thuế cứu trợ cho các công ty quốc gia thông qua các gói kích thích, tạo ra động lực lớn và liên tục trong việc ưu tiên “cây nhà lá vườn”. Và sự thúc đẩy đưa chuỗi cung ứng về nước dưới danh nghĩa đảm bảo sự dẻo dai của nền kinh tế đang tăng tốc. Vào ngày 12 tháng 5, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói với cả nước rằng một kỷ nguyên mới về tự chủ kinh tế đã bắt đầu. Gói kích thích chống covid-19 của Nhật Bản bao gồm trợ cấp cho các công ty hồi hương các nhà máy; các quan chức Liên minh châu Âu nói về sự “tự chủ chiến lược” và đang tạo ra một quỹ để mua cổ phần trong các công ty. Mỹ đang thúc giục Intel xây dựng nhà máy trong nước. Thương mại kỹ thuật số đang phát triển mạnh nhưng quy mô vẫn còn khiêm tốn. Doanh số bán ra nước ngoài của Amazon, Apple, Facebook và Microsoft mớitương đương 1,3% xuất khẩu toàn thế giới.
Dòng vốn cũng bị ảnh hưởng khi đầu tư dài hạn giảm. Đầu tư vốn mạo hiểm của Trung Quốc vào Mỹ đã giảm chỉcòn 400 triệu đô la trong quý đầu tiên của năm nay, giảm 60% so với mức hai năm trước. Các công ty đa quốc gia có thể cắt giảm một phần ba đầu tư xuyên biên giới trong năm nay. Mỹ vừa chỉ đạo quỹ hưu trí chính của liên bang ngừng mua cổ phiếu Trung Quốc, và cho đến nay, các quốc gia chiếm 59% GDP thế giới đã thắt chặt các quy tắc về đầu tư nước ngoài. Khi các chính phủ cố gắng trả các khoản nợ mới của họ bằng cách đánh thuế các công ty và nhà đầu tư, một số quốc gia có thể muốn hạn chế hơn nữa dòng chảy vốn xuyên biên giới.
Đừng nghĩ đơn giản rằng một hệ thống thương mại với một mạng lưới kiểm soát quốc gia sẽ nhân văn hơn hoặc an toàn hơn. Các nước nghèo sẽ khó theo kịp hơn, còn ở các nước giàu, cuộc sống sẽ đắt đỏ hơn và ít tự do hơn. Cách làm cho chuỗi cung ứng trở nên bền vững hơn không phải là đưa nó về nước, điều làm tăng cao rủi ro và đánh mất lợi thế về quy mô, mà phải đa dạng hóa chúng. Hơn nữa, một thế giới nứt nẻ sẽ khiến việc giải quyết các vấn đề toàn cầu trở nên khó khăn hơn, bao gồm việc tìm vắc-xin và đảm bảo phục hồi kinh tế.
Đáng tiếc thay, logic này không còn hợp thời nữa. Ba cú đánh chí mạng đó đã làm tổn thương hệ thống thương mại mở đến mức những lý lẽ mạnh mẽ ủng hộ toàn cầu hoá đang bị ngó lơ. Hãy vẫy tay tạm biệt kỷ nguyên toàn cầu hóa vĩ đại nhất và bắt đầu lo lắng về những gì sẽ diễn ra trong tương lai. ■
Theo Nghiên Cứu Quốc Tế