Quảng cáo Mate 60 5G tại một cửa hàng Huawei ở Thượng Hải. Ảnh: Alex Plavevski/EPA
Việc Huawei liên tiếp công bố hai sản phẩm cao cấp dùng chip nội địa, ngay trước khi Apple giới thiệu iPhone 15, không phải là một cuộc đấu smartphone giành người dùng, mà là dịp để nhìn nhận: Huawei đã thực sự thành công chống lại hơn ba năm cấm vận của Mỹ, hay vẫn còn nhiều khuất tất?
Ngày 29-8, Huawei ra mắt smartphone Mate 60 Pro và hơn một tuần sau (8-9) tiếp tục giới thiệu dòng điện thoại gập (foldable) Mate X5. Đây là hai sản phẩm 5G dùng chip nội địa đầu tiên của hãng kể từ khi bị Washington cắt nguồn tiếp cận các công nghệ tiên tiến tối quan trọng năm 2020. Con chip "nhà làm" ở đây là Kirin, sản xuất bởi Semiconductor Manufacturing International Co. (SMIC), nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất Trung Quốc đại lục.
Cả hai mẫu điện thoại lặng lẽ ra mắt, song vẫn thu hút chú ý của người tiêu dùng trong nước và lo ngại từ phía Mỹ, đồng thời đặt ra câu hỏi "sự kiểm soát xuất khẩu của Mỹ hiệu quả đến đâu trong việc làm chậm tiến bộ công nghệ của Trung Quốc", theo Nikkei ngày 11-9.
Điện thoại cây nhà lá vườn
Cần lưu ý Huawei không công bố thông tin kỹ thuật chi tiết bao gồm dòng chip được sử dụng cho hai mẫu điện thoại mới. Thông tin chip của Mate 60 Pro là do đơn vị tư vấn TechInsights (Canada) công bố sau khi tháo bung chiếc điện thoại này, còn của Mate X5 là dẫn theo các phân tích trong nước.
Theo phân tích của TechInsights trên Bloomberg, bên cạnh bộ xử lý chính, Huawei còn sử dụng linh kiện của nhiều công ty Trung Quốc khác trong điện thoại thành phẩm: mô đun đầu cuối tần số vô tuyến (RF) của Công ty Beijing OnMicro Electronics, modem liên lạc vệ tinh do Hwa Create sản xuất và bộ thu phát RF đến từ Guangzhou Runxin, theo phân tích của TechInsights. "Huawei dường như đã làm được điều không thể, bất chấp những nghịch cảnh gây ra bởi các biện pháp cấm vận công nghệ" - Bloomberg dẫn lời Radu Trandifir, một chuyên gia của TechInsights.
Những công ty ít được biết đến kể trên đã góp phần tạo nên một thiết bị Huawei ít lệ thuộc vào công nghệ nước ngoài: cho đến nay, phân tích của TechInsights chỉ mới xác định duy nhất bộ nhớ của hãng SK Hynix là một bộ phận có nguồn gốc nước ngoài (Hàn Quốc) trên chiếc Mate 60 Pro. Dù vậy cũng cần lưu ý rằng chưa phải tất cả các linh kiện đều đã xác định được nguồn gốc, trong đó phải kể đến màn hình của máy.
Theo tờ Hoàn Cầu Thời Báo, chip Kirin áp dụng kiến trúc CPU TaiShan do Trung Quốc tự phát triển trong khi điện thoại Mate 60 chạy bằng HarmonyOS - hệ điều hành mã nguồn mở của Huawei. "Sự trỗi dậy của smartphone Huawei sau ba năm buộc phải im hơi lặng tiếng cũng đủ chứng minh sự đàn áp cực đoan của Mỹ đã thất bại" - tờ báo của Trung Quốc tuyên bố hùng hồn.
Sản xuất chip 7nm khó cỡ nào?
Huawei từng là khách hàng thân thiết của công ty sản xuất chip lớn nhất thế giới TSMC có trụ sở tại Đài Loan, trước khi bị chặt đứt nguồn cung từ TSMC cũng như những nhà cung cấp khác kể từ lúc bị Mỹ cấm vận vào năm 2020.
Từ đó đến nay, hãng chỉ duy trì hoạt động kinh doanh mảng di động của mình một cách cầm chừng bằng cách phát hành các thiết bị chạy bằng chip Qualcomm với giới hạn tốc độ không dây 4G thay vì 5G - công nghệ từng là một trong những niềm tự hào của Huawei.
Sau khi Mate 60 Pro ra mắt, các nhà phân tích và giới chuyên gia phương Tây đã có nhiều suy đoán về cách Huawei có trong tay những con chip 7nm. Thông thường chip dưới 14nm phải được sản xuất bằng loại máy quang khắc siêu cực tím (EUV) chuyên dụng được sản xuất và bán gần như độc quyền bởi một công ty duy nhất trên thế giới là ASML của Hà Lan, theo Đài ABC News. Tuy ASML không bị ràng buộc bởi lệnh cấm vận của Washington, công ty này đã đồng ý không bán máy EUV cho Trung Quốc từ năm 2020 trước sức ép từ phía Mỹ.
Năm ngoái, TechInsights từng có bài phân tích cho rằng SMIC có thể đã tìm ra cách sản xuất chip 7nm thông qua việc tinh chỉnh các máy quang khắc cực tím sâu (DUV) mà họ vẫn có thể mua thoải mái từ ASML do không bị giới hạn bởi lệnh cấm. Trước đó, dòng chip tân tiến nhất mà SMIC từng sản xuất chỉ dừng lại ở loại chip 14nm, theo ABC News.
Những phát hiện của TechInsights cùng với phản hồi từ những người dùng Mate 60 Pro đầu tiên về hiệu suất mạnh mẽ của điện thoại này cho thấy Trung Quốc đang đạt được một số bước tiến đáng kể trong việc phát triển dòng chip cao cấp, ABC News dẫn lời chuyên gia phân tích Dan Hutcheson của TechInsights.
"Nó chứng tỏ tiến bộ kỹ thuật mà ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc có thể đạt được mà không cần đến các công cụ EUV. Độ khó của thành tựu này còn cho thấy khả năng phục hồi của năng lực công nghệ chip nước này" - Hutcheson nhận xét.
Đó đồng thời cũng là một thách thức địa chính trị lớn đối với các quốc gia đang tìm cách hạn chế khả năng tiếp cận các công nghệ sản xuất quan trọng của Trung Quốc. "Kết quả rất có thể là nhiều hơn nữa những biện pháp hạn chế [đối với Huawei] so với những gì đang tồn tại hôm nay" - Hutcheson tỏ ra thận trọng.
Đầu xuôi, đuôi chưa chắc lọt
Chuyên gia phân tích Tilly Zhang của công ty nghiên cứu thị trường Gavekal Dragonomics cho rằng thành công lần này của Huawei không có gì là phi thường bởi sử dụng máy DUV để làm ra chip 7nm đồng nghĩa tỉ lệ thành phẩm trên mỗi tấm nền silicon (wafer) thấp hơn, đẩy chi phí sản xuất lên cao.
Zhang cho rằng chỉ có sự kết hợp giữa tiềm lực tài chính khổng lồ của Huawei và những khoản trợ cấp rộng rãi từ Chính phủ Trung Quốc mới có thể giúp hãng này bán những chiếc điện thoại sử dụng con chip đắt đỏ này ở mức giá thị trường.
Bên cạnh đó, còn nhiều câu hỏi quan trọng vẫn chưa được trả lời về Mate 60, đặc biệt là liệu các linh kiện của điện thoại này có thể được sản xuất với số lượng lớn và chi phí hợp lý để giúp Huawei cạnh tranh sòng phẳng với những tên tuổi lớn như Apple và Samsung hay không.
Tháng 6-2023, chính quyền Hà Lan thông báo ban bố một số biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới trong đó buộc các công ty phải xin giấy phép mới có thể xuất thiết bị DUV ra nước ngoài kể từ ngày 1-9. Dù các văn bản không nhắc đích danh một quốc gia hay công ty nào, Bloomberg cho rằng chúng chủ đích nhắm đến hạn chế ASML bán máy quang khắc DUV cho Trung Quốc.
Chip của hãng SK Hynix (Hàn Quốc). Ảnh: Reuters
Công ty Hàn Quốc SK Hynix thì cho biết trong một tuyên bố hôm 7-9 rằng họ đang điều tra xem làm cách nào Huawei có được linh kiện của hãng để sử dụng trong dòng điện thoại mới trong khi họ đã ngừng hợp tác kinh doanh với công ty này kể từ khi lệnh trừng phạt của Mỹ được áp dụng.
Ngày 6-9, chủ tịch Ủy ban Hạ viện Mỹ về vấn đề Trung Quốc Mike Gallagher lên tiếng kêu gọi Bộ Thương mại nước này chấm dứt mọi hoạt động xuất khẩu công nghệ cho SMIC, cáo buộc công ty này vi phạm lệnh cấm vận khi sử dụng công nghệ Mỹ để sản xuất chip bán cho Huawei.
"Đã đến lúc chấm dứt tất cả hoạt động xuất khẩu công nghệ của Mỹ cho cả Huawei và SMIC để khẳng định rõ bất kỳ công ty nào vi phạm luật pháp và làm suy yếu an ninh quốc gia của chúng ta sẽ bị chặn khỏi công nghệ Mỹ" - báo Financial Times dẫn lời Gallagher.
Dù sao đi nữa, việc Huawei có trong tay chip 7nm chỉ có ý nghĩa cho thấy hãng vẫn còn trong cuộc chơi. Đe dọa ngôi vương sẽ còn là chặng đường dài khi ngay cả các đối thủ trong nước như Xiaomi và Oppo cũng đã sử dụng chip Qualcomm 5G đi trước ít nhất hai thế hệ so với chip của Mate 60. Và từ tháng 12 năm ngoái, TSMC đã bắt đầu sản xuất chip 3nm!
Ngày 12-9, Apple công bố các mẫu iPhone 15 và đồng hồ thông minh mới. Công ty phân tích Jefferies ước tính Mate 60 có thể khiến doanh số bán iPhone ở Trung Quốc sụt giảm tới 38% nếu bán được 5 triệu chiếc, nhưng thách thức lớn để đạt tới con số này vẫn là nguồn cung. "Hiện tại, giới chuyên môn đánh giá Huawei có thể sẽ xuất xưởng từ 10 triệu đến 20 triệu chiếc điện thoại dòng Mate 60" - nhà phân tích Steven Leung của UOB Kay Hian nói với Bloomberg.