Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết rất xúc động khi đọc báo cáo thấy con số hơn 260 người chết trong lúc bị tạm giam, tạm giữ.
Sáng nay (10/4), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về kết quả giám sát về “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”.
Qua giám sát cho thấy một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng mà dư luận quan tâm thì có những vụ án đã xảy ra từ những năm trước, đến nay, có vụ đã được giám đốc thẩm, quá trình điều tra, truy tố, xét xử lại cơ bản đã khắc phục được những thiếu sót, vi phạm về thủ tục tố tụng.
Ví như vụ Lê Bá Mai (Bình Phước); bản án phúc thẩm sau cùng năm 2013 có hiệu lực pháp kết án Lê Bá Mai tù chung thân về tội “Hiếp dâm trẻ em” và “Giết người” là có căn cứ, không sai.
Đối với vụ Hồ Duy Hải (Long An) bị kết án tử hình về tội “Giết người” và “Cướp tài sản” có những vi phạm về thủ tục, hiện nay các cơ quan có thẩm quyền đang tiến hành xem xét.
Đối với các vụ được nhiều cử tri quan tâm như vụ: Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) bị kết án chung thân về tội “Giết người” và “Cướp tài sản”;
Vụ Đỗ Minh Đức (Hải Phòng) bị kết án chung thân về tội “Giết người”; vụ Hàn Đức Long (Bắc Giang) bị kết án tử hình về tội “Hiếp dâm trẻ em” và “Giết người” và vụ Đỗ thị Hằng (Bắc Giang) bị kết án về tội“Mua bán phụ nữ” chưa có căn cứ xác định bị oan, nhưng đã xác định có những vi phạm nghiêm trọng trong điều tra, truy tố, xét xử.
|
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: "Quốc hội yêu cầu không để xảy ra oan sai". ảnh: Ngọc Quang. |
Trước tình hình trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nhận định, oan sai hiện nay vẫn còn, và phải làm rõ còn ở mức nào?
"Đã oan, đã sai là nghiêm trọng. Nếu lấy công lý, nếu lấy quyền con người, nếu lấy trách nhiệm của nhà nước đối với dân, nhà nước phục vụ nhân dân thì đã oan, đã sai là nghiêm trọng. Còn oan, còn sai, còn nghiêm trọng. Dù 1 trường hợp, 5 trường hợp cũng như vậy.
Oan sai ở đâu? Bắt đầu từ đánh giá nghi người ta có tội, điều tra người ta, đến lúc tạm giam, tạm giữ, truy tố, buộc tội và xét xử người ta mà lại không làm nghiêm túc chứng minh theo trình tự của pháp luật, không thực hiện đúng theo quy định của pháp luật thì mới oan sai. Thực hiện đúng theo quy định của pháp luật thì không oan sai", Chủ tịch Quốc hội đánh giá.
Án oan sai và 4 vấn đề thuộc trách nhiệm cơ quan điều tra
Báo cáo giám sát đã chỉ ra, cũng như những năm trước đây, loại án thường dẫn đến oan chủ yếu là án giết người, cướp tài sản hoặc hiếp dâm, giết người không quả tang mà quá trình điều tra gặp nhiều khó khăn và loại án về kinh tế do chủ quan của một số cơ quan tố tụng nhận thức không đúng, chưa phân biệt được vi phạm pháp luật và hành vi phạm tội đã hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế thành các tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Trước thực trạng này, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu chỉ rõ từng khâu xảy ra oan sai: "Trong khâu điều tra có chuyện gì oan sai? Trong khâu truy tố có chuyện gì oan sai? Trong khâu xét xử có chuyện gì oan sai?
Oan sai ở đâu thì cơ quan đấy, tổ chức đấy phải chịu trách nhiệm; người chỉ huy ở tổ chức ấy phải chịu trách nhiệm; cán bộ ở tổ chức ấy phải chịu trách nhiệm.
Sai ở điều tra là Công an chịu, sai ở truy tố thì Viện Kiểm sát chịu, sai ở xét xử thì Tòa án chịu. Ai chịu? Cái bộ phận phụ trách việc ấy, người đảm nhận việc ấy và thủ trưởng phụ trách việc ấy phải chịu trách nhiệm, phải bị xem xét.
Chúng ta phải nói rõ trách nhiệm ở từng khâu chứ không thể nói chung chung được, càng không thể nói công tác lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, hay là của hệ thống các cơ quan tư pháp".
Chánh án TAND Tối cao – ông Trương Hòa Bình cho biết: “Vụ của ông Chấn thì hiện đang thụ lý đơn, mà theo quy định của pháp luật thì phải chứng minh cái này, cái kia thì tòa mới giải quyết được.
Nếu chưa chứng minh được thì tòa cũng chưa thể ra quyết định bồi thường được. Quy định có rườm rà rắc rối thì phải sửa, còn tòa phải tiến hành theo đúng pháp luật, chứ không thể giải quyết nhanh ngay được.
Chủ tịch Quốc hội dẫn lại câu nói “Một ngày tại tù thiên thu tại ngoại” và bày tỏ: “Trong báo cáo có một con số tôi đọc thấy rất xúc động, trong 3 năm vừa qua có hơn 260 người chết trong quá trình tạm giam, tạm giữ.
Cái đó là Công an hoàn toàn chịu trách nhiệm. Dù là tự tử, dù là bức cung nhục hình đánh chết thì đều phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Tôi nói với các đồng chí là không có cái chuyện tội nặng hay tội nhẹ, sai ít hay sai nhiều, mà không được để xảy ra oan sai. Cứ xảy ra oan sai ở đâu thì chỗ đó phải chịu trách nhiệm.
Mục tiêu của Quốc hội là không được để xảy ra oan sai, đi liền với đó là không bỏ lọt tội phạm, đi liền với đó là đã oan sai thì phải đền bù thỏa đáng theo quy định của pháp luật".
|
Dù đã được minh oan, nhưng ông Nguyễn Thanh Chấn chưa biết bao giờ mới nhận được tiền đền bù cho 10 năm tù oan. ảnh: DSPL. |
Oan sai nhưng bồi thường phải... từ từ
Báo cáo giám sát cũng chỉ ra rằng, các trường hợp bị oan đã được phát hiện và có đơn yêu cầu bồi thường đều được các cơ quan có trách nhiệm xem xét, giải quyết.
Tuy nhiên, có một số trường hợp người bị oan chưa được tạo điều kiện về thủ tục, xác nhận giấy tờ làm căn cứ yêu cầu bồi thường; có vụ đã kéo dài nhiều năm nhưng chưa được giải quyết như vụ ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình) đã hơn 9 năm có kết luận bị oan đến nay vẫn chưa giải quyết xong việc bồi thường.
Chánh án Trương Hòa Bình cho biết: “Đối với vụ án Hồ Duy Hải, Chánh án không kháng nghị, Viện trưởng không kháng nghị, Chủ tịch nước bác đơn xin giảm án tử hình. Vì thận trọng Chủ tịch nước yêu cầu xem xét lại, và liên ngành xem lại cho đến bây giờ chưa thấy có căn cứ gì khác để phán xét. Theo quy định của pháp luật tới đây là hết rồi, không thể giải quyết gì khác, nếu giải quyết khác là trái pháp luật”.
Đồng thời, qua giám sát và xử lý các khiếu nại, tố cáo cho thấy, số đơn đề nghị bồi thường còn khá lớn, có trường hợp gay gắt, kéo dài nhưng chưa được Viện kiểm sát, Tòa án kịp thời xem xét, trả lời.
Đáng lưu ý, còn có những trường hợp đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự bị can không đúng quy định tại khoản 1 Điều 25 Bộ luật hình sự; khoản 2 Điều 107 Bộ luật Tố tụng hình sự để tránh bồi thường.
Việc bồi thường còn chưa thống nhất, có nơi đình chỉ điều tra do hết thời hạn điều tra không chứng minh được bị can thực hiện tội phạm (khoản 2 Điều 164 Bộ Luật tố tụng hình sự) thì bị can được bồi thường, có nơi bị can không bồi thường.
Tình trạng chậm bồi thường cho người bị oan và số trường hợp phải bồi thường chủ yếu do việc lập hồ sơ bồi thường, thủ cấp kinh phí cấp bồi thường còn phức tạp;
Một số hướng dẫn của Thông tư liên tịch số: 05 ngày 2/11/2012 của liên ngành có dấu hiệu thu hẹp phạm vi người được bồi thường thiệt hại so với quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước còn có một số quy định chưa thật hợp lý như giao cho cơ quan có thẩm quyền tố tụng đã làm oan bồi thường cho người bị oan;
Buộc người bị oan phải có đơn yêu cầu mới giải quyết bồi thường; các giấy tờ làm căn cứ xác định bồi thường; thủ tục và việc cấp kinh phí bồi thường… còn rườm rà, phức tạp làm kéo dài việc giải quyết bồi thường, ảnh hưởng đến quyền lợi cho người bị oan.
Giải trình làm rõ về việc đền bù tại một số vụ án điển hình dư luận đang hết sức chú ý, Chánh án TAND Tối cao – ông Trương Hòa Bình cho biết: “Vụ của ông Chấn thì hiện đang thụ lý đơn, mà theo quy định của pháp luật thì phải chứng minh cái này, cái kia thì tòa mới giải quyết được.
Nếu chưa chứng minh được thì tòa cũng chưa thể ra quyết định bồi thường được.
Quy định có rườm rà rắc rối thì phải sửa, còn tòa phải tiến hành theo đúng pháp luật, chứ không thể giải quyết nhanh ngay được.
Đối với vụ ông Lương Ngọc Phi, tòa đã giải quyết bồi thường trên 600 triệu rồi. Bây giờ yêu cầu bồi thường thiệt hại tài sản lên tới 22 tỷ, sơ thẩm đã xử chấp nhận và không có kháng cáo, kháng nghị.
Nhưng giám đốc thẩm thấy căn cứ bồi thường 22 tỷ là không đảm bảo cho nên đã hủy án để giải quyết lại theo quy định của tố tụng thì cũng không thể giải quyết ngay được, mà phải theo đúng quy định của pháp luật".
Ngọc Quang