Dự án Công viên 23-9 tại quận 1, TP.HCM dự kiến được xây dựng thành công trình hiện đại nhất TP đầu năm nay, với công trình phức hợp trên mặt đất và không gian công cộng, bến xe buýt, bãi đậu xe, trung tâm thương mại ngầm.
Phối cảnh công viên 23-9 nhìn từ trên cao - Ảnh: LAVA
Dự án do Công ty TNHH LAVA (Úc) liên danh cùng ASPECT Studio thiết kế, sẽ nhận danh hiệu Dự án tương lai của năm vào 11-1 tại Hà Nội, cùng 9 hạng mục khác của giải thưởng kiến trúc Ashui.
Trước đó, phương án thiết kế này từng đoạt giải nhì (cao nhất) tại Cuộc thi Ý tưởng thiết kế quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 khu vực Công viên 23-9 do Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM tổ chức.
Thiết kế tối đa hóa mảng xanh, nhiều đường đi bộ, các tấm pin mặt trời, những màn hình thông tin, trạm sạc thiết bị di động và điểm phát WIFI - Ảnh: LAVA
Đây là dự án do UBND TP.HCM làm chủ đầu tư, dự kiến sẽ được xây dựng thành công trình hiện đại nhất TP.HCM đầu năm nay, được kỳ vọng là điểm nhấn kiến trúc và không gian công cộng cho người dân thành phố và du lịch.
Theo đơn vị thiết kế, phương án thiết kế này hướng tới 4 yếu tố: thiên nhiên, con người, quá khứ, tương lai.
Công viên 23-9 dự kiến sẽ được xây dựng thành công trình hiện đại nhất TP.HCM vào đầu năm nay - Ảnh: LAVA
Với thiên nhiên, thiết kế này tôn trọng mảng xanh hiện hữu, thay đổi cao độ thiết kế tạo cảm giác gần gũi thiên nhiên, tối đa hóa mảng xanh, hệ thống vườn âm...
Với con người, thiết kế này mang đến không gian điêu khắc, khu trưng bày nghệ thuật ngoài trời, khu chức năng với nước, không gian biểu diễn nhạc kịch, sân trượt ván, khu vực thể thao, khu vui chơi thiếu nhi, mảng cây xanh, thác nước, kết hợp cùng với các khu vực mua sắm, biến nơi đây trở thành điểm đến với mọi hoạt động cho cả ngày lẫn đêm.
Thiết kế này chú trọng hướng tới quá khứ khi đặt ra mục tiêu lưu giữ một phần linh hồn của đô thị Sài Gòn xưa, bằng cách chọn lọc những đường nét của đường ray xe lửa cũ qua thiết kế những đường dạo, cầu bộ hành. Đây là nỗ lực để gợi nhắc về lịch sử khu vực này từng là ga xe lửa đầu tiên ở Đông Dương.
Công viên 23-9 sẽ là một điểm đến đẹp cho người dân thành phố và du khách - Ảnh: LAVA
Công trình cũng rất hiện đại với các cây nhân tạo tôn lên vẻ đẹp của cảnh quan cùng nhiều chức năng khác. "Cây lọc nước" thu nước mưa và tái sử dụng để tưới cây, cung cấp nước uống và hệ thống PCCC. "Cây thông gió" làm giảm nhiệt lượng hấp thụ và tạo ra những luồng gió trong lành.
"Cây mặt trời" được trang bị tấm pin năng lượng mặt trời, với thiết kế nghiên theo hướng tối ưu với bức xạ mặt trời và trữ năng lượng đã thu được, những màn hình thông tin, trạm sạc thiết bị di động và điểm phát WiFi.
Công viên sẽ có "cây lọc nước" giúp thu nước mưa và tái sử dụng để tưới cây, cung cấp nước uống và hệ thống PCCC; các "cây thông gió" sẽ làm giảm nhiệt lượng hấp thụ và tạo ra những luồng gió trong lành - Ảnh: LAVA
Công viên sẽ không chỉ là công trình phức hợp trên mặt đất mà còn có không gian công cộng, bến xe buýt, bãi đậu xe, trung tâm thương mại ngầm. Tất cả đều kết nối với nhà ga Metro Bến Thành.
Dự kiến 100% diện tích mặt đất là công viên công cộng, các chức năng khác được bố trí ở 4 tầng ngầm.
Phối cảnh một góc công viên vào ban đêm - Ảnh: LAVA
Công viên kết nối tuyến Metro Số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) ở tầng hầm, và kết nối mặt đất bằng không gian mở (nhiều cây xanh) tại trục Hàm Nghi, Lê Lợi, đường đi bộ Nguyễn Huệ, Công viên cảng Bạch Đằng, hai cầu đi bộ qua Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2).
Dự kiến 100% diện tích mặt đất là công viên công cộng, các chức năng khác được bố trí ở 4 tầng ngầm - Ảnh: LAVA