Ngày 21/06 này luật phong tỏa hết hiệu lực và tới 31/07 thì toàn bộ dân số trên 18 tuổi sẽ được tiêm chủng.
Nhân đây cũng cần viết để các bạn ở Việt Nam được rõ và không hiểu lầm rằng chính quyền Anh lỏng lẻo trong việc truy vết, chống dịch, sau giai đoạn đầu năm ngoái đồng ý là có nhiều sự cố.
Ví dụ khi xuất hiện biến thể Nam Phi họ cử quân đội và nhân viên y tế đến từng nhà dân ở các vùng nghi có lây nhiễm và làm test ngay trước cửa.
Anh Quốc đã ghi nhận con số tử vong rất cao, có nguồn nói là trên 140 nghìn ca "có liên quan đến Covid", nhưng về mặt dân số, trên 9/10 người bị chết là cư dân quá tuổi hưu, thậm chí quá nhiều.
Theo phóng viên Y tế của BBC, Nick Triggle, viết vào cuối 2020 thì số ca tử vong vì Covid ở Anh trong nhóm dưới 44 tuổi là không tới 1%, còn tuổi trung bình của nạn nhân tử vong là trên 80.
Cái chết nào cũng là niềm đau đớn vô cùng cho gia đình, nhưng cùng lúc có ý kiến rằng Covid không đánh quá nặng vào lực lượng ở tuổi lao động, khác hẳn cúm Tây Ban Nha giết hàng triệu thanh niên châu Âu thời xưa.
Tâm lý chống dịch ở Anh nhìn chung khá văn minh, không gây ra sợ hãi, nhấn mạnh sự tự nguyện.
Xét cho cùng, tôi thấy các nước có tiềm năng như Anh vay nợ nhiều thì họ sẽ tăng trưởng kinh tế mạnh để trả nhanh.
Một ví dụ là kinh tế Anh bật lại, tăng trưởng tới 16% trong Quý III năm 2020 ngay khi chính phủ tạm nới các quy định cách ly, phong tỏa.
Bức tranh kinh tế Anh có nợ công cao (280 tỷ bảng đã vay để chi vào chống dịch) nhưng cũng có điểm sáng.
Tin tuần qua nói bên cạnh hai triệu dân thất nghiệp và nhiều triệu người ăn trợ cấp (furlough), thì sáu triệu dân Anh khác lại tiết kiệm được cả chục nghìn bảng nhờ cắt giảm chi phí đi lại, ăn tiêu.
Khoản tiền tích luỹ lên tới hàng tỷ bảng này có khả năng tạo cú "bùng nổ chi tiêu" một khi dịch Covid giảm đi.
Các nước Nam Âu như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Malta...đã sẵn sàng đón du khách Anh ngay khi họ được phép xuất cảnh.
Kinh tế Anh nợ công lên cao nhưng có hy vọng phục hồi sau dịch Covid
Nhưng du khách Anh cũng rất sẵn sàng đi xa, tới Đông Nam Á, gồm Việt Nam nếu các tuyến bay được phục hồi.
Quan hệ Anh -Việt cũng đang chờ sự tái khởi động của giao thương hai bên đã được ký kết sau Brexit, và việc Anh cung cấp cho Việt Nam những liều vaccine đầu tiên chắc chắn sẽ giúp cho việc này.
Singapore luôn khôn ngoan tính xa
Ở Đông Nam Á, Singapore là quốc gia đi đầu trong chiến lược tái mở cửa với các bước mới nhất được công bố ngày đầu tháng Ba.
Doanh nhân Singapore gốc Việt, ông Michael Nguyễn cho chúng tôi biết:
"Ngân sách chống dịch của Singapore ngay từ đầu được phân bổ hợp lý: phần cứu trợ trực tiếp người dân, phần cứu trợ doanh nghiệp (ngắn hạn, ổn định trước mắt), phần chuyển đổi toàn diện nền kinh tế số (dài hạn, lâu bền). Họ có chiến lược và quyết tâm chuyển đổi căn bản nền kinh tế sang số hóa."
"Xin nhắc lại rằng Singapore cũng làm mạnh tay, cho đóng cửa, phong tỏa chặt (lockdown) ngay khi tình hình dịch chuyển biến xấu, nhưng cũng có lộ trình rõ ràng mở cửa lại theo giai đoạn.
Vẫn theo ông Michael Nguyễn thì giai đoạn 3 bắt đầu ngày 28/12/2020 chính thức nới lỏng hầu hết các ngành dịch vụ và sản xuất.
"Nhìn chung, Singapore đã nhanh chóng đầu tư vào vaccine, thỏa thuận với các nước về hộ chiếu tiêm chủng để mở cửa đất nước. Cho phép công dân các nước kiểm soát tốt dịch được nhập cảnh Singapore mà không phải cách ly tập trung."
Ông Michael Nguyễn tin rằng Việt Nam có thể học được nhiều từ cách chống dịch của Singapore vốn mạnh mẽ, linh hoạt nhưng không có tâm lý "đóng chặt" tất cả.
"Singapore chống dịch một cách rõ ràng, minh bạch, không giấu dịch khi xảy ra vụ ký túc xá công nhân nước ngoài thành ổ lây nhiễm, đồng thời phối hợp các bộ, ngành rất tốt.
"Họ cũng có sáng kiến dùng công nghệ thông tin để truy vết dịch, được Châu Âu, Anh… học tập như phần mềm ứng dụng TraceTogether.
"Và ngay từ đầu dịch đã có sáng kiến tạo các "green line/travel bubble" tức hành lang đi lại, giao thương tạo điều kiện đi lại thiết yếu giữa Singapore và các quốc gia cùng mô hình. Nhà nước cũng ký ngay các hợp đồng đảm bảo cung cấp hàng hóa thiết yếu giữa các quốc gia như New Zealand, Hoa Kỳ."
Hoa Kỳ thì sao?
Tại Mỹ, các tin tức đen tối về số người chết do Covid vẫn nặng trĩu tâm lý dư luận, nhưng cùng lúc, các đại công ty, các nhà tài chính của họ đã tính đến chiến lược phục hồi.
Một bài của Ben Winck hôm 20/02 nêu ra bảy lý do kinh tế Mỹ sẽ bùng nổ hậu Covid.
Điểm qua các lý do đó, tôi thấy có khoản tiết kiệm trong dân như trường hợp 'accidental savers' ở Anh mà Hoa Kỳ gọi là 'pent-up savings', chỉ có điều ở Mỹ nó là con số khổng lồ: 11 nghìn tỷ USD.
Ngoài ra là các khoản cũng khổng lồ không kém do chính phủ Biden tung ra để tái kích cầu chi tiêu.
Người ta đang nói về 'boomtime' hay thời kỳ bùng nổ cho kinh tế Mỹ ở mức lớn nhất từ sau Thế Chiến thứ II.
Thêm vào đó là các khoản tài sản 'nở tung ra' (ballooning): 48 nghìn tỷ USD nữa, theo JPMorgan.
Bloomberg trong bài 'U.S. Economic Recovery Sustains Positive Momentum' (22/02) cũng nêu ra các con số rất tốt cho kinh tế Mỹ giai đoạn vừa qua và sắp tới.
Người Mỹ sẽ mua nhiều từ thế giới, Việt Kiều Mỹ sẽ tiếp tục gửi tiền về Việt Nam, và nền kinh tế Việt Nam cần tạo vị thế chờ đón đúng lúc để tự vực dậy.
Nhưng đáng nể hơn cả, theo tôi là bài học của các đại công ty công nghệ Hoa Kỳ.
Họ đã nhìn xa trông rộng về tương lai, thậm chí bắt tay vào tái cấu trúc chế độ lao động để giảm giá thành: chuyên gia tay nghề cao nay có thể ngồi ở bất cứ đâu mà đóng góp cho Sillicon Valley, và họ sẽ số hóa tiếp tục các chương trình AI, xe hơi chạy bằng điện, năng lượng sạch.
Ở Mỹ, Canada, Anh, Úc người ta đang nói về thế giới 'virtual-first' và các dịch vụ kiến trúc, xây cất in 3-D, design, y tế, thậm chí phẫu thuật robot hoặc khám, chẩn đoán bệnh từ xa.
Tóm lại là một không gian rất mới đang dần hiện ra, chứ không phải chuyện ngăn xe rau, bắt người lẽo đẽo xuyên rừng về quê.
Ngay chuyện Whatsapp, Instagram có thể bị buộc phải tách ra khỏi Google cũng là tin vui cho thị trường lao động Mỹ: họ sẽ tuyển thêm hàng nghìn nhân viên ở nhiều nước.
Việt Nam có học được gì hay đón bắt được lợi ích gì từ các đại công trình đó thì chưa rõ.
Trước mắt, việc cần làm là xác định rằng thành tích chống dịch đã tốt, nhưng để kinh tế chết thì đó không còn là thành tích nữa.
Điều quan trọng là chính phủ và nhất là truyền thông Việt Nam cần nhanh chóng chuẩn bị cho bước hai, bước ba, có lộ trình là làm sao dần mở lại nền kinh tế và giao thương quốc tế.
Để làm đúng, làm nghiêm túc thì việc đầu tiên là cần thay đổi tâm lý coi Covid như "dịch hạch", coi bệnh nhân như kẻ thù tiềm tàng, vốn còn rơi rớt lại của tư duy thời chiến.
Người viết bài này không phủ nhận dịch bệnh gây ra bao đau thương, tang tóc trên toàn cầu và đánh gục nhiều nền kinh tế.
Nhưng những gì đã xảy ra thì đã xảy ra.
Nay, nước nào biết biến nguy cơ thành hành động, sớm có biện pháp khôn ngoan, tháo gỡ dần ách tắc, tăng tốc chuyển đổi qua công nghệ số, tái cấu trúc kinh tế, thì sẽ được có được tương lai tốt đẹp.
Việt Nam gặp thách thức kinh tế năm Con Trâu
Theo BBC