Trong số 9 dự án được trao giấy chứng nhận đầu tư vào Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP) vào chiều tối ngày 18-12, có một dự án được rót vốn bởi nhà đầu tư Hồng Kông (Trung Quốc) trị giá 650 triệu đô la Mỹ, và 6 dự án thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) của doanh nghiệp trong nước.
|
Hai đại diện của TTI (giữa) đón nhận Giấy chứng nhận đầu tư và Giấy đăng ký kinh doanh từ Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân (phải) và Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong (trái). Ảnh: Hùng Lê |
Việc thu hút thành công 9 dự án vào những ngày cuối của tháng 12 này đã giúp SHTP vượt kế hoạch thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho cả năm 2019. SHTP đã đăng ký với TPHCM về thu hút 200 triệu đô la vốn nước ngoài, 100 triệu đô la vốn trong nước và các kết quả đạt được lần lượt là 655,5 triệu đô la (đạt 328%) và 146,5 triệu đô la (đạt 146%). Đáng chú ý, SHTP đóng góp 55% vào tổng vốn đầu tư FDI mới và đóng góp 8% vào tổng vốn đầu tư gồm cấp mới, điều chỉnh, góp vốn mua cổ phần của cả năm 2019 của TPHCM.
Điểm nhấn từ nhà đầu tư Hồng Kông
Theo đăng ký, dự án Công ty TNHH Techtronic Tools (Việt Nam) do Công ty Techtronic Industries (TTI) của Hồng Kông làm chủ đầu tư, thuộc lĩnh vực vi điện tử, với mục tiêu xây dựng nhà máy sản xuất phụ kiện, thiết bị điện cầm tay thông minh dùng trong ngành công nghiệp và dân dụng. Nhà đầu tư cũng sẽ thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) trong lĩnh vực điện tử.
Theo bà Lê Bích Loan, quyền Trưởng Ban quản lý SHTP, khi đi vào hoạt động ổn định, dự án sẽ sử dụng khoảng 7.400 lao động trong đó có 500 nhân sự trực tiếp tham gia vào hoạt động nghiên cứu phát triển và dự kiến đóng góp doanh thu xuất khẩu 1,3 tỉ đô la/năm vào năm thứ 3 và khoảng 3 tỉ đô la/năm vào năm thứ 6 trở đi. Với dự án này, nhà đầu tư có kế hoạch sử dụng từ 80 đến 150 nhà cung ứng nội địa với giá trị thu mua nội địa đạt 1 tỉ đô la/năm.
Bà Loan cho rằng doanh nghiệp Hồng Kông này sẽ hỗ trợ đào tạo doanh nghiệp trong nước cải tiến sản xuất và chất lượng sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn của công ty. Và đây sẽ là cơ hội cho Thành phố nói riêng và cả nước nói chung trong kế hoạch nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của quốc gia, thành phố và doanh nghiệp Việt Nam.
Dự án được bố trí vào phân khu sản xuất công nghệ cao và phân khu R&D với tổng diện tích là 13,5 hecta, nơi đây có hạ tầng hoàn chỉnh, đủ điều kiện triển khai xây dựng ngay.
Ông Stephan Pudwill, Phó chủ tịch Công ty Techtronic Industries, cho biết doanh nghiệp của ông chuyên về sản xuất thiết bị điện không dây, thiết bị sử dụng ngoài trời, và việc lựa chọn SHTP để phát triển dự án xuất phát từ vị trí chiến lược, gần kề với trung tâm thành phố, với nhiều trường đại học hàng đầu và kết nối thuận lợi về hậu cần (logistics), cơ sở hạ tầng. Đáng chú ý, thành phố có nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt đội ngũ kỹ sư về R&D, lao động lành nghề, cùng các nhà cung ứng có chất lượng.
Cũng theo bà Loan, dự án thuộc quyền quyết định chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, và trước khi cấp giấy phép Ban quản lý SHTP đã lấy ý kiến thẩm định từ các bộ liên quan như: Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường theo quy định của Luật Đầu tư. Ngoài ra, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: “Giao UBND Thành phố chỉ đạo Ban quản lý Khu công nghệ cao khẩn trương xem xét, giải quyết việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho công ty TTI theo thẩm quyền, đảm bảo thuận lợi, nhanh chóng để nhà đầu tư triển khai dự án theo đúng quy định pháp luật”.
Điểm đến của R&D
|
Chín nhà đầu tư chụp hình cùng lãnh đạo TPHCM, sở ngành và khách mời tại sự kiện. Ảnh: Hùng Lê |
Trong số 8 dự án trong nước được cấp giấy phép ngày 18-12 có đến 6 dự án đầu tư thành lập trung tâm R&D với tổng vốn gần 100 triệu đô la (trong tổng vốn đăng ký 127,27 triệu đô la).
Theo bà Loan, 6 dự án trung tâm nghiên cứu ứng dụng triển khai công nghệ mới này dự kiến sẽ tạo ra hơn 100 sản phẩm công nghệ mới thuộc các lĩnh vực công nghệ thông tin, cơ khí chính xác, tự động hoá, công nghệ sinh học, năng lượng mới và vật liệu mới có hàm lượng công nghệ cao, nhằm góp phần xây dựng thành công khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông của thành phố. Và sáu dự án này được bố trí vào Khu không gian khoa học Khu công nghệ cao với hạ tầng hoàn chỉnh, đủ điều kiện để nhà đầu tư tiến hành xây dựng ngay.
Trong đó đáng chú ý là dự án Trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ cao HDKING do Công ty cổ phần Tập đoàn iSmartcity đầu tư với tổng vốn là 420 tỉ đồng (18,26 triệu đô la) nhằm nghiên cứu công nghệ nhận diện khuôn mặt kết hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) để ứng dụng trong các hoạt động an ninh, xã hội và giám sát giao thông; nghiên cứu công nghệ ảo hóa và điện toán đám mây trong lĩnh vực chính quyền điện tử và đô thị thông minh.
Hay dự án Trung tâm Nghiên cứu phát triển công nghệ DFM do Công ty cổ phần DFM Tech đầu tư với tổng vốn 115 tỉ đồng (5 triệu đô la), với mục tiêu nghiên cứu ứng dụng và sản xuất thử nghiệm trong lĩnh vực IoT, trí tuệ nhân tạo, robot và thực tế ảo; kể cả việc nghiên cứu ứng dụng, triển khai thực nghiệm và sản xuất thử nghiệm trong lĩnh vực hàng không vũ trụ.
Trong khi đó Công ty TNHH Đầu tư CNC Việt Nam - Japan sẽ đầu tư dự án Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ cao Việt Nhật với tổng vốn 360 tỉ đồng (15,85 triệu đô la), mục tiêu nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực điều khiển độ chính xác gia công cơ khí; tự động hoá, đồng bộ trong các nhà máy cơ khí chế tạo; thiết kế, chế tạo khuôn mẫu độ chính xác cao; công nhệ sản xuất hợp kim đặc biệt.
Còn Trung tâm nghiên cứu phát triển CNC Idea sẽ đầu tư 115 tỉ đồng (5 triệu đô la) cho dự án Trung tâm Nghiên cứu phát triển sản xuất thực nghiệm robot và tự động hóa. Công ty cổ phần Chiếu xạ An Phú đầu tư 877,68 tỉ đồng (32,7 triệu đô la) cho dự án Trung tâm Nghiên cứu và phát triển ứng dụng công nghệ chiếu xạ ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới; công nghệ nano, lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe.
Cuối cùng là dự án Trung tâm Nghiên cứu phát triển công nghệ tế bào thực vật, sản xuất nguyên liệu dược liệu do Công ty cổ phần Dược phẩm Goldenlife lđầu tư tổng vốn 478,5 tỉ đồng (20,5 triệu đô la) nhằm nghiên cứu phát triển công nghệ tế bào thực vật để nhân giống cây và sản xuất sinh khối dược liệu; nghiên cứu phát triển công nghệ chiết xuất công nghệ cao để tạo nguyên liệu cao chiết định chuẩn chất lượng cao. Nhà đầu tư cũng sẽ sản xuất thử nghiệm các sản phẩm sinh khối dược liệu, cây giống, cao chiết định chuẩn, hoạt chất tinh khiết; chuyển giao công nghệ đã nghiên cứu thành công cho nhà sản xuất trong và ngoài nước.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, SHTP đã là điểm đến cho 162 nhà đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đầu tư tương đương 7,9 tỉ đô la, riêng vốn FDI là 5,9 tỉ đô la. Trong đó, việc thu hút thành công các dự án công nghệ cao uy tín từ các tập đoàn Intel và Jabil (Mỹ), Nidec (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), Datalogic (Ý), Sonion (Đan Mạch),… vào SHTP đã đóng góp vào doanh thu xuất khẩu của thành phố từ năm 2010 đến năm 2018 là hơn 45,4 tỉ đô la. Riêng năm 2019 đạt 16 tỉ đô la, đóng góp hơn 30% giá trị kim ngạch xuất khẩu của toàn thành phố và tạo ra 32.000 việc làm lao động chất lượng cao.
Hai dự án sản xuất công nghệ cao còn lại, gồm dự án phát triển sản xuất enzyme và sản phẩm dinh dưỡng y học sử dụng enzyme do Công ty TNHH Khoa học Dinh dưỡng Orgalife làm chủ đầu tư, với tổng vốn 700,6 tỉ đồng (18,26 triệu đô la). Dự án khác là xây nhà máy Chất chuẩn Việt Nam do Công ty cổ phần Chất chuẩn Việt Nam đầu tư với tổng vốn đầu tư 270 tỉ đồng (11,7 triệu đô la). Dự án nhằm phục vụ kiểm nghiệm dược liệu, dược phẩm, thực phẩm, mỹ phẩm, sản xuất hợp chất thiên nhiên tinh khiết làm nguyên liệu cho sản xuất thuốc. |
Theo TheSaigonTimes