Ở chiều ngược lại, một số dự báo cho rằng, khó có thể diễn ra cơn sốt bởi thị trường vẫn xuất hiện tâm lý dè chừng của người mua.
Ngay khi dịch Covid-19 tại Tp.HCM và các tỉnh thành phía Nam dần được kiểm soát, trong điều kiện thích ứng an toàn, thị trường bất động sản quay lại đà phục hồi.
Theo báo cáo nghiên cứu thị trường của Batdongsan.vn, trong tháng 10/2021, nhu cầu tìm mua nhà đất toàn quốc đã tăng hơn 55% so với tháng 9 và 8% so với cùng thời điểm 2020. Riêng thời điểm cuối tháng 10, mức độ quan tâm nhà đất tăng hơn 67%, ngay sau khi Tp.HCM nới lỏng giãn cách và tiến hành giao thương trở lại với nhiều tỉnh thành miền Nam.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, từ nay đến đầu năm 2022, thị trường bất động sản chưa có nhiều thay đổi lớn. Nhà đầu tư thực hiện các giao dịch lướt sóng, ngắn hạn sẽ không thực sự khả thi, nhất là khi Việt Nam chưa hoàn toàn kiểm soát được dịch và còn những hạn chế trong mặt giao tiếp xã hội, cũng như các hoạt động kinh doanh. Để đảm bảo an toàn dòng vốn, các nhà đầu tư nên nhắm vào tầm nhìn trung hoặc dài hạn.
Từng chia sẻ về diễn biến của thị trường BĐS sau dịch, ông Trần Khánh Quang, chuyên gia BĐs cho rằng, thị trường nhà đất sẽ diễn ra theo 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu, thị trường đi ngang trong 3 tháng, giao dịch xuất hiện rải rác tại một số khu vực. Giai đoạn 2, thị trường sốt nhẹ trong 3 tháng. Và giai đoạn 3, thị trường bình ổn trong 6 tháng, điều chỉnh tăng hoặc giảm nhẹ theo đà phục hồi của nền kinh tế, trước khi bắt đầu chu kỳ mới.
Thời điểm hiện tại, hoạt động đi xem BĐS đã ổn hơn rất nhiều, giao dịch đất nền tại các tỉnh vùng ven Tp.HCM như Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu... đã có dấu hiệu tích cực trở lại. Đà phục hồi này theo ông Quang nhanh dự đoán trước, nhưng chỉ diễn ra cục bộ ở một vài địa phương và một số phân khúc nhất định. Do đó, khả năng sốt giá nhẹ chưa thể xảy ra ít nhất cho đến tết Nguyên đán.
Ông Quang cho rằng, giai đoạn hiện nay chính là thời cơ cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp lựa chọn đúng khu vực có triển vọng tăng giá cũng như sản phẩm đang có giá tốt. Riêng với những nhà đầu tư mới "nhảy" vào thị trường, ông cho rằng đây chưa phải thời điểm thích hợp, cần thời gian quan sát thêm. Bởi diễn biến hiện tại chưa thể hiện rõ bản chất của thị trường, mới chỉ mang tính hiện tượng.
Quan điểm về điều này, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận R&D DKRA Vietnam cho rằng, có thể nói, cuối năm, thị trường có thể sôi động và phục hồi hơn so với quý 3 nhưng khó gọi là bùng nổ giao dịch. "Đồng thời, tôi cũng không đồng thuận với một số ý kiến cho rằng sẽ có những cơn sốt đất hoặc sốt nóng bất động sản vì "bị nén" sau một thời gian", ông Hoàng nhấn mạnh.
Theo ông Hoàng, sức mua chung trong cuối năm, về cơ bản tương tự hoặc tăng nhẹ so với trước đó, nhưng vẫn suy giảm so với Quý 1 hoặc cùng kì năm 2020. Nguyên nhân do người mua bị ảnh hưởng về thu nhập, một số khác cũng đang thận trọng quan sát. Thị trường thứ cấp chưa tích cực nên cũng tác động đến sức mua của thị trường sơ cấp. Thị trường cuối năm vẫn dựa vào những người có tiềm lực tài chính lựa chọn bất động sản là kênh hàng đầu để đầu tư lâu dài và đa dạng hoá/bảo toàn giá trị tài sản.
"Phân tích sâu hơn, mặc dù có tâm lý tích cực và niềm tin vào thị trường, nhưng cũng phải nhìn thẳng vào những khó khăn, thách thức thị trường đã và đang đối mặt trong thời gian qua và trong cuối năm, đó là: Nguồn cung mới vẫn hạn chế, không được dồi dào; Nhiều dự án vẫn chưa được tháo gỡ vướng mắc về pháp lý; Một số vấn đề về pháp lý vẫn chưa theo kịp sự thay đổi và phát triển của thị trường, ví dụ dễ thấy là loại hình condotel vẫn chưa có quy định rõ ràng, cụ thể trong văn bản luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người sở hữu cũng như những quy định về trách nhiệm của các bên liên quan; Sự bất hợp lý về cung cầu giữa các phân khúc; Mức giá đã tăng cao trong mấy năm qua…", ông Hoàng cho biết.
Cùng nhìn thận trọng về thị trường, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho hay, hoạt động mua bán hăng hái của nhà đầu tư ở một vài khu vực xuất phát từ nỗ lực của một số môi giới cũng như chủ đầu tư những dự án nhỏ. Nhưng thực tế, các nhà đầu tư chưa thể tự do "lùng sục" sản phẩm tốt tại những vùng đất mới. Cùng với đó, phần đông nhà đầu tư vẫn giữ tâm lý thận trọng quan sát, vì đang có sự mâu thuẫn giữa lòng tham và thực tế tài chính của họ. Các thông tin họ nghe ngóng được cho thấy giá bất động sản còn tăng nhưng dòng tiền của họ đang bế tắc. Họ muốn bỏ tiền đầu tư bất động sản thay vì kiếm tiền qua kinh doanh, nhưng lại đang gặp khó khăn về thu nhập và trả nợ.
Ngoài ra, cơ hội để khai phá những vùng đất tiềm năng với giá "mềm" ngày càng hiếm. Thị trường không còn nhiều khả năng tạo được những cơn sóng đầu tư như cách đây vài năm.
Tuy vâỵ, việc tìm kiếm BĐS là kênh đầu tư an toàn theo các chuyên gia vẫn là tâm lý chủ đạo của nhà đầu tư ở thời điểm này. Việc cân nhắc bỏ tiền vào phân khúc BĐS nào để yên tâm, lợi nhuận ổn tuỳ thuộc vào tài chính cũng như sở thích của nhà đầu tư.
Hạ Vy - Theo Nhịp sống kinh tế
Cung – cầu đang chênh lệch trên thị trường địa ốc
Từ đầu năm đến nay, cả nước có 47,515 sản phẩm. Trong đó, Hà Nội: 3,163 sản phẩm; Tp.HCM: 5,006 sản phẩm và chỉ chiếm 1/3 tổng sản phẩm.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư kí Hiệp hội BĐS Việt Nam, về lực cung, tổng lượng sản phẩm chào bán trên thị trường cả nước đạt 165,742 sản phẩm. Trong đó: Chung cư: 106,804 sản phẩm chiếm 64% tổng sản phẩm; Thấp tầng (bao gồm cả đất nền): 58,938 sản phẩm chiếm 36% tổng sản phẩm.
Dòng sản phẩm cũ: Cả nước: 118,227 sản phẩm. Trong đó: Hà Nội: 23,339 sản phẩm; Tp.HCM: 7,677 sản phẩm.
Dòng sản phẩm mới, cả nước co 47,515 sản phẩm. Trong đó, Hà Nội là 3,163 sản phẩm; Tp.HCM là 5,006 sản phẩm và chỉ chiếm 1/3 tổng sản phẩm.
Về lực cầu, tổng lượng giao dịch cả nước: 61,766 sản phẩm, cụ thể: Chung cư: 30,190 sản phẩm; thấp tầng (bao gồm cả đất nền): 31,576 sản phẩm. Phản ánh thực trạng về dự án chung cư ở Hà Nội và Tp.HCM hiện nay đang dần ít đi. Trong đó, Hà Nội là 8.965 sản phẩm; Tp.HCM là 6.213 sản phẩm.
"Như vậy, tương quan cung cầu đang có sự chênh lệch. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, trong 4 năm trở lại đây các chỉ số về sản phẩm đang có sự tăng trưởng khá mạnh mặc dù 2 năm gần đây ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Thị trường vẫn rất khả quan và tốt", ông Đính nhấn mạnh.
Về thị trường bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng, vị chuyên gia này cho rằng, mặc dù hoạt động du lịch – nghỉ dưỡng bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 nhưng vẫn duy trì trạng thái sôi động, thu hút hoạt động đầu tư. Bởi các nhà đầu tư đánh giá cao tiềm năng phát triển của kinh tế du lịch ở Việt Nam. Thống kê 10 địa phương có hoạt động giao dịch thị trường mạnh: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quy Nhơn, Bình Thuận, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu, Phú Quốc.
Những dự án được các nhà đầu tư quan tâm, chủ yếu phải là dự án có quy mô lớn, cung cấp đa chức năng (đô thị du lịch); Dự án có pháp lý và cung cấp pháp lý đầy đủ cho nhà đầu tư; được tạo lập bởi chủ đầu tư có uy tín, thương hiệu.
Condotel vẫn là dòng sản phẩm bán chậm, bởi chưa cải thiện được pháp lý.
Về thị trường bất động sản công nghiệp, bất chấp Covid-19, hầu hết các khu công nghiệp vẫn duy trì hoạt động sản xuất. Giá thuê mặt bằng không biến động nhiều so với năm trước, không chịu nhiều tác động từ thị trường bất động sản bên ngoài, quanh các khu công nghiệp.
Nhà cho công nhân thuê bị trả lại nhiều ước đạt khoảng 30%. Chủ cho thuê phải hỗ trợ giá trung bình 20 - 30% cho các đối tượng còn thuê. Bất động sản cung cấp dịch vụ không thiết yếu phục vụ xung quanh khu công nghiệp không thể hoạt động.
Về thị trường bất động sản văn phòng, bán lẻ, nhà phố thương mại.Với bất động sản văn phòng (Tại Hà Nội, Tp.HCM): Ảnh hưởng do Covid-19, có mức độ khác nhau với từng loại phân khúc. Phân khúc hạng A gần như không bị ảnh hưởng, không có biến động nhiều. Phân khúc hạng B, C bị ảnh hưởng mạnh. Trả lại mặt bằng khoảng 30%. Giá cho thuê văn phòng không giảm. Nhưng phần lớn chủ mặt bằng phải hỗ trợ đơn vị thuê từ 10 - 30% giá thuê, trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ và chính sách hỗ trợ đơn vị thuê mới từ 2 - 3 tháng tiền thuê.
Trên 50% cửa hàng bán lẻ ngoài phố phải dừng hoạt động. Các trung tâm thương mại duy trì được hoạt động nhưng đều bị ảnh hưởng bởi chỉ hoạt động loại hàng hóa thiết yếu.
Hạ Vy - Theo Nhịp sống kinh tế
Sau giãn cách, nhiều nhà đầu tư 'ôm' đất cuống cuồng xả hàng
“Ôm” nhiều lô đất nền từ cơn sốt bất động sản hồi đầu năm 2021, nhiều nhà đầu tư đang đau đầu lên kế hoạch thoát hàng.
Anh Nguyễn Tú, nhà đầu tư ở Hà Nội chia sẻ, đầu năm 2021, thấy thị trường “sốt nóng”, anh đã ôm gần chục lô đất tại một dự án ở Hưng Yên. Tuy nhiên, sau khi bán được 1, 2 lô có lời thì thị trường chững lại. Đến đầu tháng 5/2021, dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát, Hà Nội và nhiều địa phương giãn cách khiến thị trường bất động sản gần như đóng băng.
Để có tiền đầu tư gần chục lô đất này, anh Tú đã cầm cố căn biệt thự đang ở trị giá hơn 10 tỷ đồng. Dịch bệnh kéo dài, anh đã cố gồng mình trả lãi ngân hàng suốt 3 - 4 tháng qua, mỗi tháng lên tới hàng chục triệu đồng.
“Không đủ sức cầm cự, tôi quyết định bán đất. Nhưng giờ muốn bán nhanh cũng khó vì thị trường chưa khởi sắc, nhà đầu tư cũng chỉ mới bắt đầu trở lại nên tôi phải đợi thêm để tránh lỗ nặng”, anh Tú chia sẻ.
Nhiều nhà đầu tư bất động sản khó thoát hàng vì thị trường đóng băng. (Ảnh minh họa).
Anh Nguyễn Thái có khoảng 20 sào đất ở thôn Dy, xã Minh Quang, Ba Vì. Anh Thái cho biết, nếu những ngày trước khu vực này luôn nườm nượp ô tô đi tìm mua đất thì sau giãn cách đã thưa vắng hẳn.
Khi giá đất nông nghiệp tăng chóng mặt, giá mua bán trao tay chỉ 40 triệu đồng/sào (360m2), sau đó cứ tăng dần lên tới 100 triệu, rồi 120 triệu đồng/sào, thậm chí có thời điểm là 450 triệu đồng/sào...rất nhiều người đã đổ về “ôm” đất với mục đích lướt sóng kiếm lời. Có những cụm hàng chục người ở thành phố kéo nhau về mua dọc một khu. Nhưng hiện nay, theo anh Thái chỉ còn 2 hộ ở lại, các các hộ khác đang đồng loạt rao bán.
"Đó hầu hết là đất của những nhà đầu tư và môi giới trước đây đã “ôm” nhưng không kịp “thoát” hàng thời điểm sốt nên bây giờ ráo riết tìm cách đẩy hàng, chào bán khắp nơi. Hiện tôi cũng nhờ bán mấy tháng nay nhưng gần như không có ai hỏi mua. Chấp nhận bán lỗ để thu hồi vốn về, nhưng cũng khó quá”, anh Thái chia sẻ.
Theo chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang, suốt 4 tháng qua, nhiều nhà đầu tư phải gồng mình trả lãi vay ngân hàng chưa nói đến nhiều chi phí khác, nên việc họ có nhu cầu "xả hàng" bất động sản để giải quyết nhu cầu tài chính là điều dễ hiểu.
Ông Quang cho rằng, 10-20% nhà đầu tư muốn bán bất động sản sau dịch đa số là những người dùng đòn bẩy tài chính cao, sức chịu đựng gần như cạn trong mấy tháng dịch bệnh. Những người này chỉ mong thị trường phục hồi để bán được bất động sản.
Ông Nguyễn Minh Khang - Tổng giám đốc Công ty LDG Group - từng nói, sau mỗi cơn sốt đất đều có bàn tay của những nhóm cá mập tác động, tạo thị trường. Trong 100 người đua theo sốt đất thì 80 người “chết yểu”, chỉ tầm 20 người là thành công thoát ra.
Còn theo ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản EZ, khi thị trường chững lại, thanh khoản giảm, việc bán bất động sản khó khăn nên giá bán chắc chắn phải giảm mới giao dịch được.
“Với các nhà đầu tư vốn tự có thấp, phải đi vay mượn thì phương án tối ưu là chấp nhận cắt lỗ, thậm chí cắt lỗ sâu để thoát hàng do áp lực lãi vay hàng ngày. Còn với những nhà đầu tư sử dụng vốn tự có, nếu đang nắm trong tay bất động sản tiềm năng tốt thì nên kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi thị trường phục hồi hoặc những yếu tố hạ tầng, quy hoạch được thực thi”, ông Toản đưa ra lời khuyên.
Giá đất sẽ tăng mạnh từ năm 2022
Tại hội thảo “Triển vọng thị trường bất động sản sau dịch COVID-19”, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển R&D DKRA Vietnam, cho rằng, trong quý IV, giao dịch trên thị trường khó có thể tăng mạnh mà vẫn ổn định như quý III.
Tuy nhiên, bước sang năm 2022, áp lực tăng giá sẽ rất lớn bởi các lý do chính đã bắt đầu xuất hiện từ quý I/2021 (lạm phát, chi phí vật liệu xây dựng tăng, chi phí đầu vào tăng).
“Đặc biệt, từ quý II/2022, khi kinh tế phát triển mạnh trở lại, Việt Nam hoàn thành mục tiêu tiêm chủng toàn dân cho cả trẻ em, thì bất động sản sẽ càng có đà tăng giá”, vị chuyên gia đưa ra dự báo.
Còn ông Nguyễn Thanh Quyền, Tổng giám đốc Tập đoàn Bất động sản Thắng Lợi, thì cho rằng giai đoạn từ 1/10 đến 17/1/2022 sẽ là thời điểm tăng trưởng trở lại của giá đất, với mức tăng khoảng 5-10%; giai đoạn 2 từ 18/1/2022 đến 15/2/2022; giai đoạn nghỉ ngơi sẽ rơi vào Tết Nguyên đán.
Từ 16/2/2022 đến 31/3/2022 sẽ là giai đoạn tăng trưởng dự đoán khoảng 10-15%. Nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính sẽ dừng lại nhưng nhà đầu tư lâu năm sẽ tích cực săn hàng.
Giai đoạn cuối cùng khoảng 120 ngày, thị trường có tâm thế giằng co và dự báo nhích nhẹ khoảng 5%.
NGỌC VY - Theo VTC
Chịu nhiều tác động tiêu cực bởi đại dịch, nhưng các chuyên gia đánh giá thị trường bất động sản vẫn đang giai đoạn vàng tăng trưởng. Khi bước qua thời bị kìm hãm, thị trường sẽ bật lên mạnh mẽ.
Theo ông Nguyễn Văn Điềm, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Đô thị mới Thủ Thiêm, thời gian qua, việc Nhà nước siết chặt hoạt động tín dụng vào thị trường bất động sản để ổn định kinh tế vĩ mô, giảm lạm phát đã tác động không nhỏ đến thị trường. Thế nhưng, khi nhìn về các chu kỳ tăng trưởng của thị trường bất động sản thời gian qua, ông Điềm đánh giá đây không phải là chu kỳ suy thoái của thị trường bởi nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất, trong suốt thời gian qua, thị trường gần như không giảm giá. Tại các chu kỳ trước, thị trường luôn tăng trưởng và có suy thoái về giá thì chu kỳ này lại không như vậy.
Thứ hai, hiện nay, tuy Nhà nước vẫn siết chặt tín dụng vào bất động sản nhưng hoạt động đầu tư vẫn tạo ra giá trị thanh khoản, lượng tiền trong dân vẫn rất lớn. Các nhà đầu tư đã trải qua 3 – 4 chu kỳ trước, không còn cơ hội đầu tư lướt song. Việc đầu tư không còn trong ngắn hạn nữa mà bắt đầu chuyển qua dài hạn.
Lãi suất tiền gửi giảm, nhưng giá nhà hiện không giảm. Ông Điềm cho rằng, có thể thấy việc Nhà nước điều chỉnh khung giá đất từ 2019 tới nay, cứ 5 năm 1 lần với hệ số điều chỉnh rất cao từ 1-5 lần nên cơ cấu giá thành lên bất động sản sẽ cao. Do đó, việc bất động sản vẫn tiếp đà tăng giá là có cơ sở.
Thứ ba, thông qua lãi suất ngân hàng giảm xuống, người có khả năng vay để mua nhà, đầu tư sẽ thuận lợi hơn, khả năng chịu đựng tốt hơn. Cũng theo ông Điềm, trong suốt thời gian qua có thể thấy tại Mỹ, Úc, Nhật Bản, Singapore… mặc dù dịch COVID-19 vẫn diễn ra nhưng giá bất động sản tăng từ 2-5%. Nguyên nhân là do tâm lý nhà đầu tư. Khi có biến cố, họ luôn có xu hướng mang tiền đi đầu tư, mua nhà hoặc vàng. Ở Việt Nam, tiền của nhà đầu tư vẫn còn rất nhiều, cơ hội đầu tư vẫn còn rất lớn. Vì vậy, thị trường sắp tới sẽ có nhiều tín hiệu khả quan.
Cũng theo vị chuyên gia này, có thể trong 3 tháng tới, khi đại dịch kiểm soát, doanh nghiệp hoạt động trở lại, người dân đi lại bình thường thì thị trường bất động sản năm 2022 sẽ phát triển rất tốt. Thị trường sẽ trở lại thời điểm huy hoàng hơn cả trước khi xuất hiện COVID-19.
Sức nóng lan ra các vùng ven
Ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Việt An Hòa chia sẻ, trước đây thị trường bất động sản thường tăng 2 năm, giảm 3 năm. Tuy nhiên, chu kỳ bất động sản từ năm 2014 đến nay là tăng liên tục. Thời gian qua, lượng giao dịch bất động sản giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư áp lực lớn từ chi phí trả nợ vay, nhưng giá vẫn được đẩy lên cao. Điều này chứng tỏ thị trường không hề có biểu hiện suy thoái.
Dự báo về diễn biến thị trường sau dịch, ông Quang đánh giá, xu hướng thị trường sắp tới sẽ có khoảng 10-20% nhà đầu tư muốn bán bất động sản để trả nợ vay. Còn khoảng 80% nhà đầu tư sẽ đi xem bất động sản và ngắm nghía trước khi quyết định.
“Ba tháng sau dịch, thị trường sẽ có sự giằng co. Người bán chưa chắc bán, người muốn mua thì chưa chắc mua. Tuy nhiên, từ tháng thứ 4 trở đi, thị trường sẽ có sốt nhẹ, bất động sản tăng giá từ 15-20%. Nghiên cứu các nước thì sau dịch bất động sản đều sẽ tăng. Từ tháng 7 tới một năm sau dịch, giá bất động sản sẽ có xu hướng giảm nhẹ, đi ngang. Đầu năm 2022, thị trường sẽ bắt đầu bước vào tăng trưởng, có thể sốt nhẹ tại một số khu vực, đặc biệt là ở vùng ven”, ông Quang đánh giá.
Ông Quang cho rằng, thời gian tới, thị trường sẽ xuất hiện các khu đô thị vệ tinh, vệ tinh của vệ tinh. Khi lo ngại dịch bệnh, dân cư không còn tập trung quá đông vào những khu đô thị lớn như TP.HCM, các công ty lớn sẽ phân tán nhà xưởng, cơ sở sản xuất ra vùng ven, không tập trung tại thành phố lớn như trước đây nữa. Đây là một xu hướng mới cho thấy bất động sản vùng ven vẫn tiếp đà tăng trưởng trong vài năm tới.
Ông Nguyễn Lộc Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty Ngọc Châu Á nhận định, thị trường bất động sản hiện nay “trong nguy có cơ”, khó khăn đều song hành cùng cơ hội. Nếu nhà đầu tư biết nắm bắt, lựa chọn sản phẩm chuẩn pháp lý, có tính thanh khoản tốt, chọn nơi phát triển về hạ tầng và hội đủ các yếu tố về du lịch – cảng biển – hàng không – công nghiệp thì chắc chắn sẽ thắng lớn.
Cũng theo ông Hạnh, đã đầu tư bất động sản thì đa phần đều có lời, nhưng quan trọng là chúng ta kỳ vọng như thế nào. Bất động sản ăn theo hạ tầng thì phải chờ hạ tầng để bứt phá.
“Tôi dự đoán năm 2022 sẽ là năm bùng nổ trong đầu tư công. Việc giải ngân tiền cho các dự án hạ tầng bắt buộc phải nhanh chóng hơn để đầu tư toàn bộ đường sá, cao tốc, các tuyến giao thông nhằm cứu kinh tế. Khi những hạ tầng đó được thực hiện, việc vận chuyển đi lại dễ hơn, thời gian, không gian được rút ngắn, từ đó bất động sản sẽ phát triển. Trong đó, riêng tuyến về Bà Rịa – Vũng Tàu, hàng loạt tuyến cao tốc chạy qua sẽ là tiền đề cho khu vực này tăng trưởng”, ông Hạnh nhận định.
Đồng quan điểm, ông Phạm Việt Anh, Tổng Giám đốc Hưng Vượng Holdings cũng nhận định, trong thời buổi nhiều biến động như hiện nay, sự chuẩn bị là quan trọng nhất. Công ty bất động sản, chủ đầu tư, môi giới cũng cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng thì mới có thể trụ vững với thị trường.
Theo Khánh Hòa/reatimes.vn