Mưa sầm sập suốt ngày. Mây sũng nước. Đất trời cứ như bị cái chăn ẩm trùm lên.
Một ngày ở với Thượng tọa mà tôi phát hãi bởi sức làm việc của ông.
Sáng, ông dậy từ 4h để thiền và trì chú. 6h30’ ăn sáng bằng bánh mì với ly cà phê pha lẫn bột sâm Ngọc Linh, rồi đi làm việc ở khu trồng phong lan, hay khu trồng sâm hoặc khu cấy mô sâm… Trưa ăn chút cơm chay, rồi lại đi làm cho tới tối mịt. Ăn bữa tối xong, lại ngồi viết sách… Với Thượng tọa, mỗi ngày chỉ ngủ khoảng 4, 5 giờ.
|
Bác Hồ đi khất thực khi hoạt động ở Thái Lan |
Ở tuổi gần 80, vậy mà Thượng tọa vẫn đi lại nhanh thoăn thoắt, tiếng nói sang sảng và tư duy thì vẫn cực kỳ mẫn tiệp, sắc sảo. Nhìn Thượng tọa làm việc, không ai có thể nghĩ rằng ông từng bị ung thư dạ dày và các giáo sư, bác sĩ của bệnh viện như Chợ Rẫy, Việt - Đức, Bạch Mai… đều chẩn đoán giống nhau và khuyên ông nên mổ cắt khối u, với hy vọng sống thêm… 6 tháng. Vậy là Thượng tọa về giam mình trong mật thất, tự dùng Yoga tiêu diệt khối u. Sau 12 ngày ở trong mật thất, không ăn uống, dùng nội lực của Yoga, thầy đã chiến thắng. Khối u biến mất và từ năm 2012 thầy không còn thấy triệu chứng gì về căn bệnh này nữa.
Việc Thượng tọa Thích Huệ Đăng tìm ra phương pháp Kriya Yoga (Hợp nhất với đấng Vô Cùng do sự trung gian của một nghi thức hay hành động), được giới Yoga Ấn Độ đánh giá rất cao và sau khi khảo sát, chứng nghiệm phương pháp của Thượng tọa, Trung tâm Sivanada Yoga Vedante Quốc tế thuộc Học viện Yoga Vedante Forest đã cấp bằng cho ông với tước hiệu là “Bậc thầy Yoga”.
Chuyện Thượng tọa luyện Yoga, tìm ra phương pháp “thở bằng xương sống”, vốn bị thất truyền từ gần 2.000 năm, chúng tôi sẽ đề cập đến trong một phóng sự khác.
Thượng tọa Thích Huệ Đăng là một nhà tu hành rất nổi tiếng ở Việt Nam. Ông nổi tiếng đến mức, nhiều người còn cho rằng, ông cũng là một vị Bồ Tát tái sinh. Thôi thì, chuyện trong Phật giáo có kiếp trước, kiếp sau cũng chẳng biết thế nào, nhưng quả thật, khi nói chuyện với Thượng tọa và tận mắt nhìn những gì ông đang làm, những chồng sách ông viết ra mới thấy rằng người bình thường khó có thể làm như vậy.
Ở Việt Nam, có lẽ chưa có một vị Thượng tọa nào lại có thể giảng giải 21 bộ Kinh Phật mà không cần sổ sách, giấy tờ. Và sau này người ta cứ mang băng ghi âm mà Thượng tọa đã giảng, gỡ ra rồi in thành sách.
Cũng chưa có một Thượng tọa nào kiên quyết không nhận sự cúng dường của thí chủ, mà tự mình làm ra của cải vật chất, để vừa nuôi mình vừa đóng góp cho xã hội.
|
Thượng tọa Thích Huệ Đăng |
Cũng chưa có một Thượng tọa nào lại là một nhà khoa học và được cấp bằng sáng chế về cấy mô sâm Ngọc Linh và hoa phong lan. Và công trình cấy mô sâm Ngọc linh của ông đang được đề nghị xét Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Xem ra, Thượng tọa Thích Huệ Đăng đang đi một mình trên con đường chân lý của Đức Thích Ca Mâu Ni để lại, đó là người tu hành cũng phải tạo ra của cải vật chất để giúp mình và giúp người.
Thượng tọa phản đối một cách quyết liệt về tình trạng bây giờ người ta biến Phật giáo thành một thứ tôn giáo mê tín dị đoan, suốt ngày “cốc cốc cheng cheng”, cầu xin Phật cho từ sự bình an đến sức khỏe, rồi thăng quan tiến chức, phát tài phát lộc và khấn vái theo kiểu: “Buôn một bán mười, đi tươi về tốt…”.
Tôi để ý thấy ở đầu giường của Thượng tọa có bức ảnh một nhà sư mặc áo vàng, nét mặt trang nghiêm, đang cầm bát đi khất thực. Nhìn bức ảnh này, tôi ngờ ngợ vì thấy quen quen. Tôi hỏi Thượng tọa, người này là ai? Thượng tọa nói luôn: “Đó là Đại Bồ Tát Hồ Chí Minh”.
Tôi ngạc nhiên vô cùng và nhớ ra trong sử sách, thời gian hoạt động ở Thái Lan, Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy bí danh là Thầu Chín và đã từng đi tu. Rồi Thượng tọa Thích Huệ Đăng nói với tôi rằng: “Ngài là Đại Bồ Tát Hồ Chí Minh. Hằng ngày tôi vẫn hai lần nói chuyện với Ngài. Buổi sáng trước khi đi làm, tôi trình bày với ngài rằng, hôm nay tôi phải làm việc gì và nếu có khó khăn tôi cũng sẽ trình bày với Ngài - Buổi tối trước khi đi ngủ, tôi cũng lại báo cáo với Ngài ngày hôm nay tôi đã làm được những việc gì. Và đã hàng chục năm nay, nếu như đi xa thì thôi, còn nếu ở nhà, không bao giờ tôi bỏ việc nói chuyện với Ngài như vậy”.
|
Bác Hồ ngồi thiền trong hang đá (ảnh tư liệu của Nhà văn Sơn Tùng) |
Nghe Thượng tọa nói tôi rất ngạc nhiên, dường như nhận thấy điều này ở tôi, Thượng tọa bảo rằng: “Các anh chưa nghiên cứu Phật pháp hoặc cũng có thể anh chưa tìm hiểu tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về Phật pháp và con đường đi cứu dân, cứu nước, giành độc lập cho dân tộc của Người. Con đường của Người cũng là đi theo chân lý của Đức Phật. Người là một vị Đại Bồ Tát tái sinh, đã nhập thế, từ bỏ mọi vinh hoa phú quý, từ bỏ cuộc sống đang yên bình để dấn thân vào con đường mịt mù chông gai, gian khổ, từ đó tìm ra con đường giành độc lập cho dân tộc. Điều này giống Phật Thích Ca Mâu Ni từ bỏ cung vàng điện ngọc, ngai vàng, vợ đẹp con ngoan, đi tu hành tìm ra chân lý cứu độ chúng sinh.
Đã có nhiều người cho rằng, Ngài mang bát đi khất thực ở Thái Lan đó là cách che mắt mật thám, thật ra không phải như vậy. Đi khất thực ngoài ý nghĩa nhận sự cúng dường của chúng sinh còn là một hình thức tu thiền, đi để cảm nhận được cuộc sống vất vả lầm than, đi để mà suy ngẫm về số phận của chúng sinh. Nhà sư đi khất thực chỉ được đi theo một con đường luôn hướng về phía trước và không được quay ngược trở lại, đây chính là ý nghĩa đích thực của việc đi khất thực. Cũng như Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đã lên tàu bôn ba năm châu bốn biển tìm đường cứu nước, đã đi sẽ không quay trở lại, mà chỉ về khi đã tìm ra chân lý”.
Rồi Thượng tọa cho tôi xem những tập bài giảng, bài nói chuyện và tham luận của ông về tư tưởng Phật giáo của Hồ Chí Minh, Trần Nhân Tông và của Phật Thích Ca Mâu Ni, Thượng tọa luôn giữ quan điểm rằng, giữa 3 người này có một nét chung đó là tìm đường cứu dân, cứu nước bằng chân lý Phật pháp.
Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh chúng ta thấy có nhiều nét tương đồng với các tư tưởng lớn của Phật giáo. Đó là:
1- Tư tưởng hy sinh cho nhân loại và chúng sinh;
2- Tư tưởng vì con người, lo cho con người;
3- Tư tưởng sống thanh bạch, giản dị, tránh xa hoa lãng phí;
4- Tư tưởng chống chủ nghĩa cá nhân, chống thói hư tật xấu tha hóa về đạo đức;
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người suốt đời cống hiến cho nhân dân Việt Nam.
Người bộc bạch: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành".
Người thấm nhuần sâu sắc tư tưởng từ bi hỉ xả của Phật giáo. Khi nhìn thấy một tù binh Pháp bị thương đang run lên vì gió rét, Người đã không ngần ngại cởi ngay tấm áo đang mặc khoác lên người tù binh trước con mắt ngạc nhiên và cảm phục đến thẫn thờ của hàng nghìn tù binh Pháp trong trận Điện Biên Phủ.
Trên bình diện tư tưởng, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều mặt gần gũi, gặp gỡ với giáo lý Phật giáo. Cốt tủy của Phật giáo là Từ bi hỉ xả, Vô ngã vị tha, Cứu khổ cứu nạn. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Tôn chỉ mục đích của đạo Phật nhằm xây dựng cuộc đời thuần mỹ, chí thiện, bình đẳng, yên vui và no ấm”.
Hồ Chí Minh khẳng định, đại đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược, là điều kiện tiên quyết bảo đảm thành công của cách mạng. “Dân” là chỉ mọi người con đất Việt, đều là con Rồng cháu Tiên, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, già hay trẻ..: “Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phụng sự nhân dân thì ta đoàn kết với họ”. Người khuyên: “Dân ta xin nhớ chữ đồng: Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh” và khẳng định: “Đại đoàn kết dân tộc không chỉ là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng mà còn là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cả dân tộc”.
Theo Người, muốn đoàn kết thì phải biết “Cầu đồng tồn dị”: Lấy cái chung để hạn chế cái riêng, cái khác biệt; kế thừa truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, đoàn kết của dân tộc; phải khoan dung, độ lượng với con người; phải chống khuynh hướng: “Cô độc, hẹp hòi; đoàn kết vô nguyên tắc”. Người nhấn mạnh, lợi ích tối cao của dân tộc là độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; là tự do, dân chủ, bình đẳng; đó chính là ngọn cờ đoàn kết, là nguyên tắc bất di bất dịch của cách mạng Việt Nam. Chính nguyên tắc đó đã thu hút, tập hợp các tầng lớp nhân dân thành một khối dưới sự lãnh đạo của Đảng, tạo nên sức mạnh vĩ đại chiến thắng 2 đế quốc Pháp, Mỹ.
Theo Hồ Chí Minh, đồng bào lương hay giáo đều là người Việt Nam, cách mạng là sự nghiệp chung không phải chỉ của một, hai người. Người kêu gọi: "Lương giáo đoàn kết, toàn dân đoàn kết, cả nước một lòng, nhân dân ta nhất định sẽ thắng lợi trong công cuộc đấu tranh thực hiện hòa bình, thống nhất Tổ quốc và xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập dân chủ và giàu mạnh".
Phật hoàng Trần Nhân Tông - vị sư tổ của Phái Trúc Lâm là một ông vua đã từng chỉ huy quân dân Đại Việt hai lần đánh thắng quân Nguyên, ông đã vận dụng tư tưởng Phật giáo vào lãnh đạo nhân dân, đoàn kết một lòng chống giặc ngoại xâm, ông đã dẹp đi những mối thù những xích mích trong hoàng tộc, để đoàn kết trên dưới một lòng tạo ra sức mạnh thống nhất toàn dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng vậy. Câu nói của Người: “Đoàn kết, đoàn kết đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” chính là thể hiện một cách cụ thể nhất tư tưởng của Phật giáo.
Con đường của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như của Phật hoàng Trần Nhân Tông rất giống nhau. Chính vì thế mà mong ước của Thượng tọa Thích Huệ Đăng là làm sao xây dựng được một hệ tư tưởng Phật giáo Việt Nam dựa trên ba tư tưởng cốt lõi là: Chân lý Phật giáo của Thích Ca Mâu Ni - Chân lý Phật giáo của Phái Trúc Lâm và Tư tưởng Hồ Chí Minh. Còn nếu cứ để Phật giáo phát triển pha tạp như hiện nay, không có bản sắc Việt, chẳng giống Ấn Độ, chẳng ra Đài Loan, Trung Quốc… và biến Phật thành một lực lượng siêu nhiên, bởi chính những nhà tu hành đã làm như vậy để kiếm tiền thì đó không phải là con đường của Phật giáo.
Nguyễn Như