Ý nghĩa chiến lược của Đài Loan với Trung Quốc khiến tương lai của hòn đảo này trở nên khó lường.
Du khách nhìn một chiếc máy bay quân sự Trung Quốc bay qua đảo Bình Đàm, một trong những điểm thuộc đại lục gần Đài Loan nhất, ở tỉnh Phúc Kiến tuần trước, ngay trước các cuộc tập trận dồn dập của Trung Quốc. Ảnh: AFP
Năm 2016, khi bà Thái Anh Văn, người của Đảng Dân tiến, đánh bại đối thủ Chu Lập Luân của Quốc dân Đảng trong cuộc bầu cử chọn người lãnh đạo hòn đảo này, bà đã đi vào lịch sử với nhiều điều "đầu tiên".
Bà Thái không chỉ là người phụ nữ đầu tiên giữ vị trí lãnh đạo Đài Loan, mà còn là vị lãnh đạo Đài Loan đầu tiên chưa lập gia đình và người đầu tiên mang trong người một phần dòng máu dân bản xứ: bà nội của bà là người tộc Paiwan.
Căng thẳng xuyên eo biển đã leo thang kể từ năm bầu cử đó, khi bà Thái chủ đích xây dựng hình ảnh mình là một chính trị gia sẽ bảo vệ chủ quyền của Đài Loan chống lại quan điểm chính thống của đại lục vốn cho rằng hòn đảo là một phần không thể tách rời của Trung Quốc và sớm muộn phải được thống nhất.
Bà Thái cũng bác bỏ Đồng thuận 1992, thỏa thuận chính trị giữa Bắc Kinh và Đài Bắc về quan hệ giữa hai bờ eo biển, theo đó nhất trí chỉ có "Một Trung Quốc" (dù có quan điểm khác nhau về diễn giải Một Trung Quốc đó là gì).
"Không thể trì hoãn vô thời hạn"
Với những người theo chủ nghĩa quốc gia ở cả hai bên bờ eo biển Đài Loan, việc thống nhất Đài Loan (hay thống nhất đại lục, tùy quan điểm) được coi là chương cuối, là sự kiện sẽ khép lại cuộc nội chiến hơn 70 năm trước.
Bất kể nhà lãnh đạo nào đang nắm quyền ở Trung Nam Hải, Bắc Kinh đã, đang và ắt sẽ không bao giờ từ bỏ mục tiêu đưa Đài Loan trở về với "đất mẹ". Vấn đề Đài Loan trước sau như một đã là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc và có ý nghĩa lớn lao với tính chính danh của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong nỗ lực lãnh đạo toàn bộ đất nước Trung Hoa rộng lớn.
Tuy nhiên, đây không chỉ là vấn đề của các chính trị gia. Tôi vẫn còn nhớ từ cách đây hơn 15 năm, trong các buổi nói chuyện của khách mời là các giáo sư Mỹ ngành quan hệ quốc tế ở Đại học Phúc Đán (Thượng Hải, câu hỏi được đặt ra nhiều nhất từ cử tọa luôn là quan điểm của Mỹ về vấn đề Đài Loan. Mối ưu tư về lịch sử dân tộc Trung Hoa được thống nhất kéo dài âm ỉ trong lòng nhiều người dân Trung Quốc đại lục, và với không ít người trong số đó, nước Mỹ đang ngáng đường lịch sử.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc từ Mao Trạch Đông đến Đặng Tiểu Bình đều thừa nhận công cuộc thống nhất Đài Loan sẽ mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, khi nền kinh tế Trung Quốc phát triển vượt bậc kể từ những năm 1990, đưa nước này lên vị thế siêu cường đích thực, thì giới lãnh đạo Bắc Kinh dễ hiểu là muốn đẩy nhanh vấn đề thống nhất Đài Loan. Năm 2002, báo cáo Đại hội Đảng lần thứ 16 dưới thời Tổng bí thư Giang Trạch Dân lần đầu tiên hé lộ ý định đó với tuyên bố: "Vấn đề Đài Loan không thể trì hoãn vô thời hạn".
Năm 2013, chỉ một năm sau khi lên nắm quyền tối cao ở Trung Quốc, ông Tập Cận Bình tuyên bố: "Chúng ta không nên để vấn đề [Đài Loan] truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác". Cũng kể từ đó, công cuộc thống nhất Đài Loan trở thành một điều kiện tiên quyết cho "Sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa" - sứ mệnh dân tộc có vẻ sẽ gắn với di sản cá nhân của chính ông Tập.
Trong bài phát biểu quan trọng vào tháng 1-2019, ông tiếp tục kêu gọi thống nhất và nói hiện trạng không thể tiếp tục mãi mãi. Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi không hứa sẽ từ bỏ vũ lực và bảo lưu mọi biện pháp cần thiết [để thống nhất Đài Loan]". Ông Tập cũng nhấn mạnh thống nhất là cần thiết để thực hiện "Trung Quốc mộng" nhằm khôi phục vị thế siêu cường của đất nước trên thế giới vào năm 2049. Mới đây nhất, ở Đại hội toàn quốc ĐCSTQ lần thứ 20 tháng 10-2022, ông nhắc lại điều đó và nói thêm Trung Quốc sẽ chống lại "mọi can thiệp" của nước ngoài vào Đài Loan, đồng thời khẳng định "bánh xe lịch sử đang quay về phía Trung Quốc" trong vấn đề này.
Không chỉ là ý nghĩa tinh thần
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), GDP Đài Loan năm 2022 là hơn 820 tỉ USD, là một nền kinh tế thị trường phát triển cao với quy mô lớn thứ 8 ở châu Á theo sức mua tương đương, dù dân số chỉ khoảng 23,5 triệu người. Nền kinh tế Đài Loan không chỉ lớn, mà còn rất hiện đại: hòn đảo hiện thống trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu với riêng Công ty Sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) đã chiếm hơn 50% thị trường thế giới. Chất bán dẫn hết sức quan trọng với tham vọng của Trung Quốc muốn tự chủ về công nghệ và trở thành cường quốc hàng đầu thế giới. Đây cũng là một trong những khúc mắc then chốt của quan hệ Mỹ - Trung hiện nay.
Thống nhất Đài Loan cũng có ý nghĩa quyết định về địa chính trị với Trung Quốc. Hòn đảo là một tiền đồn đúng nghĩa ở đông Thái Bình Dương. Kiểm soát được Đài Loan, Trung Quốc có thể thoải mái thiết lập các căn cứ xa hơn vào sâu trong Thái Bình Dương, thật sự mở ra một ưu thế chưa từng thấy cho nước này trên biển, không chỉ ở phạm vi khu vực mà sẽ là toàn cầu. Khả năng Trung Quốc kiểm soát Đài Loan sẽ phá vỡ khái niệm an ninh "chiến lược chuỗi đảo thứ nhất" của Mỹ. Về cơ bản, nếu có được Đài Loan, Trung Quốc sẽ kiểm soát gần như mọi tuyến vận tải biển chính của châu Á.
Cũng chính vì vậy, Đài Loan quan trọng không kém với Mỹ và đồng minh. Năm 1979, Washington đã hủy bỏ quan hệ ngoại giao và hiệp ước phòng thủ chung với Đài Bắc để chính thức bang giao với Trung Quốc đại lục, nhưng trên thực tế, Mỹ vẫn duy trì mối quan hệ không chính thức chặt chẽ với Đài Bắc. Bắt đầu từ năm 1987, khi Đài Loan trải qua quá trình dân chủ hóa, hòn đảo càng trở thành đối tác giá trị với Mỹ - đã có lúc giới lãnh đạo ở Washington kỳ vọng Đài Loan sẽ là hình mẫu của các giá trị tự do, dân chủ kiểu Mỹ cho khu vực và cho chính Trung Quốc đại lục.
Mỹ cũng tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan, bất chấp những cảnh báo và om sòm từ Bắc Kinh. Tàu chiến hải quân Mỹ cũng thường xuyên đi qua eo biển Đài Loan để phô trương sức mạnh quân sự của Mỹ trong khu vực và thực thi quyền tự do hàng hải quốc tế.
Chiến thuật và chiến lược của Trung Quốc
Từ sau khi bà Thái thắng cử năm 2016, Trung Quốc đã sử dụng nhiều chiến thuật đe doạ quân sự, chỉ dừng lại ngay trước mức xung đột vũ trang. Mục tiêu của chiến thuật này là làm suy yếu nguồn lực hạn chế của Đài Loan khi phải căng sức đối phó. Bắc Kinh hy vọng đến một lúc nào đó, người dân Đài Loan sẽ phải tin rằng lựa chọn tốt nhất của họ là thống nhất với đại lục.
Để đạt mục đích đó, Trung Quốc liên tục tăng tần suất và quy mô tuần tra của máy bay ném bom, máy bay chiến đấu và máy bay giám sát trên và xung quanh Đài Loan. Tương tự là tần suất hoạt động mạnh khác thường của tàu chiến và tàu sân bay ở khu vực eo biển Đài Loan.
Những hoạt động này đặc biệt nhộn nhịp khi giới lãnh đạo Đài Loan và Mỹ có những động thái mà Bắc Kinh coi là cấm kỵ. Khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến Đài Loan vào tháng 8-2022, Trung Quốc tập trận quân sự dồn dập ở eo biển, bắn tên lửa vào các mục tiêu ở vùng biển xung quanh Đài Loan, hủy bỏ "đối thoại quân sự" và các kênh hợp tác với Mỹ.
Tháng 4 này, khi bà Thái ghé Mỹ và gặp gỡ với Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, Trung Quốc đã mở tập trận "Liên hợp lợi kiếm" (Kiếm sắc phối hợp), mô phỏng một cuộc tấn công chính xác vào các "mục tiêu chủ chốt" ở Đài Loan. Tuy nhiên, cũng phải nói là người Đài Loan có vẻ đã quá quen với áp lực kiểu này. Những người Đài Loan tôi gặp vẫn bình thản trước hành động răn đe kiểu này. Hoạt động sản xuất mua bán trên đường phố vẫn bình thường.
Về mặt chiến lược, Trung Quốc vẫn tiếp tục mục tiêu thống nhất hòn đảo hòa bình qua phương tiện kinh tế và kêu gọi chủ nghĩa dân tộc từ những người Đài Loan muốn thúc đẩy hai bờ eo biển gần lại nhau hơn. Cách này lâu hơn, nhưng ít tổn thất nhất. Quan trọng không kém, giải pháp hòa bình nhận được sự ủng hộ từ một bộ phận không nhỏ người Đài Loan bao gồm đảng đối lập hiện nay - Quốc dân Đảng.
Trước khi bà Thái nắm quyền, tiền nhiệm của bà Mã Anh Cửu (2008 - 2015) là người của Quốc dân Đảng có khuynh hướng hòa giải và thúc đẩy hội nhập kinh tế giữa hai bờ eo biển. Chính sách của ông Mã ít nhiều thuận chiều với Bắc Kinh và làm gia tăng sự phụ thuộc kinh tế Đài Loan vào Trung Quốc.
Đến năm 2022, buôn bán với đại lục chiếm 25,3% tổng thương mại của Đài Loan, bất chấp chính sách hướng Nam mới của bà Thái nhằm đa dạng hóa đối tác kinh tế. Hấp lực từ thị trường 1,4 tỉ dân có thu nhập bình quân đầu người đã là 12.000 USD là khó cưỡng lại với mọi nền kinh tế láng giềng mà Đài Loan không phải ngoại lệ.■
Tháng 1-2024, Đài Loan sẽ tổ chức cuộc bầu cử nhà lãnh đạo mới. Bà Thái không thể tiếp tục tranh cử sau hai nhiệm kỳ. Người dân Đài Loan sẽ đứng trước lựa chọn tiếp tục với một ứng viên thuộc Đảng Dân tiến, dự kiến sẽ có chủ trương không khác nhiều so với bà Thái, hay quay lại với Quốc dân Đảng. Tương lai của Đài Loan sẽ nằm trong tay các cử tri trẻ tuổi. Bên phía Đảng Dân tiến thì ứng viên đã được xác định rõ: ông Lại Thanh Đức, người phó của bà Thái từ năm 2020. Bên phía Quốc dân Đảng, người duy nhất đã tuyên bố sẽ tranh cử là một nhân vật rất nổi tiếng: tỉ phú Terry Gou (Quách Đài Minh), người sáng lập Tập đoàn Foxconn lừng lẫy.
TS NGUYỄN THÀNH TRUNG - Theo Tuổi Trẻ