Bài 1: Một mình ngậm đắng nuốt cay
Có trái chủ vừa ầng ậc nước mắt, vừa nghẹn ngào nói không ngưng với chúng tôi, như tìm được chỗ trút nỗi lòng, bởi đã nhiều tháng qua phải kìm lại, phải luôn cười để gia đình không biết hàng tỷ đồng tích cóp đang bặt vô âm tín. Có người xin không nêu tên hoặc dùng khẩu trang che mặt để bố mẹ, họ hàng hay đối tác làm ăn không biết, để còn đường sinh tồn, kiếm cơm nuôi gia đình…
Những người đàn ông bật khóc
Xòe một xấp 18 giấy chứng nhận quyền sở hữu trái phiếu Vạn Trường Phát (Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Vạn Trường Phát phát hành) do Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) thay mặt tổ chức phát hành ký, ông Lê Quốc Thành uất nghẹn cho hay, ông đã bán hết 3 tài sản ở TP.HCM, Hà Nội, rồi cả tiền con cái gửi nuôi dưỡng, tiền ông bà để lại được tổng cộng 31 tỷ đồng, rồi mang gửi tiết kiệm tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) Chi nhánh Phạm Văn Hai, TP.HCM để tìm mua căn nhà trong TP.HCM cho con cái. Lâu nay, mua bán nhà cửa ông đều giao dịch tại ngân hàng này.
“Tôi là dân buôn bán quần áo, nghĩ đầu tư trái phiếu, chứng khoán gì đó là trò chơi cờ bạc, trong khi mình rất ghét cờ bạc. Nhưng các cháu nhân viên ngân hàng giới thiệu là trái phiếu linh hoạt, vừa lãi cao, sau 31 ngày có thể rút tiền bất kỳ lúc nào tại bất kỳ chi nhánh nào, 6 tháng trả lãi một lần và sau 365 ngày sẽ được rút toàn bộ vốn và lãi, nên tôi đồng ý mua. Tôi tin các cháu, nên bảo ký cái gì là tôi ký. Sau đó, tôi mang đống giấy chứng nhận này nhét trong kho. Đến năm ngoái (2022), khi xảy ra chuyện trái phiếu, tôi mới mở ra xem và ngã ngửa…”, ông Thành uất nghẹn.
Chưa nói các mã khác, theo các giấy chứng nhận quyền sở hữu trái phiếu, năm 2021, tổng số tiền ông Thành mua trái phiếu Vạn Trường Phát gần 19 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm, đáo hạn vào năm 2026, được trả lãi suất định kỳ 6 tháng/lần.
Điểm chung của các trái chủ là đều có chữ ký hợp đồng mua bán trái phiếu với TVSI, nhưng đều không hề biết Vạn Trường Phát hay TVSI là ai; không phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp; chỉ là người gửi tiết kiệm thông thường, nhưng bị chuyển sang trái phiếu bởi nhân viên SCB tư vấn, dẫn dụ là sản phẩm “tiết kiệm trái phiếu linh hoạt” với cùng một nội dung tư vấn như nhau, như lãi suất cao hơn so với tiết kiệm thông thường, được rút cả gốc và lãi sau 31 ngày và cũng có thể được tất toán trước 31 ngày và là sản phẩm của SCB được chọn lọc kỹ càng, đảm bảo; việc có chữ ký hợp đồng TVSI tại trụ sở các chi nhánh SCB là do tin tưởng nhân viên SCB.
Thế nhưng tới giờ này, ông Thành không những không nhận được đồng lãi suất nào, mà gần 19 tỷ đồng tiền gốc cũng… bặt vô âm tín, khi Vạn Trường Phát vừa không trả lãi, vừa không hồi đáp yêu cầu mua bán lại…
Người đàn ông này đành phải bỏ lại nhà cửa đi kêu cứu khắp nơi.
Và trong số hàng chục trái chủ của Vạn Trường Phát tới Văn phòng Báo Đầu tư kêu cứu, chỉ ông Thành sẵn sàng cho rõ họ tên, không che mặt, bởi như ông giãi bày, “tôi còn gì để mất nữa đâu! Hàng chục tỷ đồng có từ bán nhà, tiền nuôi dưỡng con cháu gửi, tiền ông bà tích cóp để lại… Giờ vợ thì sống như ly thân, con cái chẳng buồn nói chuyện. Tại tôi cả…”.
Người đàn ông thứ hai nghẹn ngào trước chúng tôi là trái chủ Đ.T.Tùng (39 tuổi ngụ tại quận 3, TP.HCM). Tùng kể, tháng 4/2021, anh đến Chi nhánh SCB tại phường 9, quận 3 để gửi tiền tiết kiệm và đáo hạn sổ tiết kiệm, thì được nhân viên ngân hàng mời chào trái phiếu linh hoạt y như với ông Thành.
“Cũng vào năm đó, cha tôi tiên lượng là ung thư phổi, nên 2 vợ chồng tôi dự tính cần tiền đột xuất bất cứ lúc nào đề điều trị cho cha. Qua tư vấn của nhân viên SCB, nhận thấy việc được rút linh hoạt, mà không mất lãi như gửi tiền tiết kiệm 6 tháng, lại an toàn vì được SCB bảo đảm, nên chúng tôi đã chuyển dần nhiều sổ tiết kiệm 6 tháng thành các sản phẩm trái phiếu. Thực tình, vợ chồng tôi chưa bao giờ nghĩ đem số tiền chữa bệnh cho cha mình đi đầu tư. Và tôi nghĩ, không một người con nào lại có thể dùng tiền chữa bệnh cha mình để đi đầu tư cả…”, Tùng nghèn nghẹn.
Kết quả, Tùng lấy hết số tiền hơn 7,7 tỷ đồng mua trái phiếu Vạn Trường Phát.
Cuối tháng 7/2022, cha Tùng nhập viện, nhưng ông từ chối các phương pháp điều trị vì muốn để số tiền cả đời tích cóp cho con cái. Hai tháng sau, ông qua đời. Hai tuần sau khi cha mất, ông Tùng “chết đứng” khi xảy ra vụ án tại Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan, trong đó có liên hệ tới khối tài sản đảm bảo cho trái phiếu Vạn Trường Phát và những lình xình ở SCB.
Chưa hề nhận được đồng lãi nào, hơn 7,7 tỷ đồng người cha để lại cho con cái có nguy cơ biến mất, Tùng chỉ còn biết chạy khắp nơi kêu cứu.
Tân Thành Long An đã lấy sổ đỏ của phần diện tích hơn 177 ha trong Dự án Khu đô thị Việt Phát (nay đổi tên Khu công nghiệp đô thị Việt Phát - Long An) làm tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu 10.000 tỷ đồng của Vạn Trường Phát
Những người phụ nữ cười trong trầm uất
Lấy khẩu trang bịt kín mặt chưa đủ, chị N.T.A.N (ngụ quận 5, TP.HCM) còn xin giấu tên, bởi hơn 6,5 tỷ đồng nghe lời tư vấn mà mua trái phiếu Vạn Trường Phát, giờ không thấy đâu. “Đó là tiền buôn bán bao năm nay của gia đình tôi, tiền góp chung của một người họ hàng nữa. Giờ không che mặt, giấu tên, ông xã biết thì gia đình có chuyện, bạn hàng, đối tác biết mình không còn tiền thì việc kinh doanh sẽ ra sao, lấy tiền đâu nuôi con cái…”, chị N.T.A.N tức tưởi nói.
Chị N.T.A.N cho biết, từ năm ngoái tới nay phải giấu kín chuyện, về tới nhà vẫn phải cố mà cười, cố nuốt miếng cơm để mọi người trong nhà không biết.
Với trái chủ H.H.A (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) thì bi kịch hơn nữa, khi là chủ lô trái phiếu Vạn Trường Phát có tổng trị giá 4 tỷ đồng, mà giờ không còn đồng nào để cho mẹ già 82 tuổi đi mổ cột sống, chưa nói tiền thuốc men cho căn bệnh tim của cá nhân.
“Năm ngoái, lúc xảy ra chuyện trái phiếu, tôi vốn bị bệnh tim, nên bị sốc, phải nhập viện cấp cứu liên tục. Tôi là mẹ đơn thân. Tiền đó là tiền tôi tằn tiện bao năm làm việc, tính rút để chữa bệnh cho mẹ già, còn mình thì về hưu non để giữ sức khỏe. Giờ thì phải ráng đi làm để có tiền nuôi mẹ, nuôi con…”, chị H.H.A òa khóc.
Trong khi đó, bà V.T.L.Đ mua gần 4 tỷ đồng trái phiếu, giờ phải đi vay tiền để sống; bà N.T.N.A mua hơn 8 tỷ đồng trái phiếu định mua căn hộ, giờ phải đi ở nhà trọ; chị L.T.V.T đầu tư 5 tỷ đồng trái phiếu, 7 tháng nay giấu gia đình và sống trong hồi hộp, sợ mẹ già biết chuyện, lên cơn đau tim thì hối hận cả đời…
Trang báo có hạn, nên không thể liệt kê hết bi kịch của những người mua lô trái phiếu 10.000 tỷ đồng của Vạn Trường Phát. Nhưng điểm chung của hầu hết trái chủ là có gia đình và đều đề nghị không nêu rõ tên, rõ mặt trên báo, bởi sợ. Người sợ cha mẹ biết chuyện mà thêm đau lòng. Người sợ chồng con nhận ra dễ tan nát gia đình. Có người sợ bạn hàng, đối tác biết, ảnh hưởng tới công việc kinh doanh…
Vạn Trường Phát thành lập tháng 6/2019, tiền thân là Công ty cổ phần Star Zone (trụ sở tại Tòa nhà CT Office Building, 56 - Yên Thế, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM). Ngành nghề chính là xây dựng nhà, kinh doanh bất động sản, quản lý, tư vấn bất động sản, với vốn điều lệ ban đầu 320 tỷ đồng.
Hơn 2 năm sau, năm 2021, Vạn Trường Phát phát hành 5 đợt trái phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chuyên nghiệp, mỗi đợt 2.000 tỷ đồng (các mã VTPCH2126001, VTPCH2126002, VTPCH2126003, VTPCH2126004, VTPCH2126005), thu về 10.000 tỷ đồng, là một trong những doanh nghiệp có khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất trong năm 2021.
Trái phiếu có tài sản đảm bảo là quyền sử dụng một khu đất hơn 177 ha thuộc Dự án Khu đô thị Việt Phát do Công ty cổ phần Đầu tư Tân Thành Long An làm chủ đầu tư. Đại lý đăng ký lưu ký và đại lý thanh toán, đồng thời đại diện người sở hữu trái phiếu là TVSI. Tổ chức nhận và quản lý tài sản đảm bảo là Ngân hàng SCB.
Tới kỳ hạn trả lãi, nhưng từ tháng 10/2022 tới cuối năm 2022, TVSI liên tục gửi thông báo yêu cầu thanh toán cho trái chủ, mua lại trái phiếu hoặc phối hợp xử lý tài sản đảm bảo, nhưng Vạn Trường Phát không hề có bất kỳ hồi đáp nào.
(Còn tiếp)