Chỉ 158 gia đình, cùng với các công ty họ sở hữu hoặc nắm quyền kiểm soát, đã đóng góp 176 triệu USD trong giai đoạn đầu cuộc vận động tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016, theo điều tra của báo The New York Times. Họ hầu hết là người da trắng, giàu có, lớn tuổi.
Sống biệt lập
Bài báo nêu trên xác nhận hầu hết những người đóng góp các khoản tiền lớn đều sống trong những khu vực riêng biệt, nơi có vệ sĩ tư nhân canh gác thay vì nhân viên cảnh sát, có nhiều cơ sở y tế tư nhân hơn là công viên và hồ bơi công cộng. Đa phần đều gửi con cháu đến những trường học tư hàng đầu thay vì các ngôi trường công lập. Họ đi những chiếc máy bay và xe riêng sang trọng thay vì phụ thuộc vào phương tiện công cộng.
Những người này không phải lo lắng về an sinh xã hội hoặc chế độ chăm sóc sức khỏe khi nghỉ hưu vì họ đã để dành sẵn khoản tiền khổng lồ. Họ cũng chẳng phải lo lắng về tình trạng biến đổi khí hậu vì không sống trong những căn nhà tầm thường mỏng manh có thể đổ sập bất cứ lúc nào trước mưa bão. Họ cũng không cần phải nghĩ ngợi liệu nguồn nước có đáng sợ không, nguồn cung cấp thực phẩm có an toàn không...
Vợ chồng tỉ phú Farris Wilks và vợ chồng người em trai cùng tài trợ 15 triệu USD cho quỹ tranh cử tổng thống của ứng viên Cộng hòa Ted CruzẢnh: REUTERS
Báo The New York Times đặt vấn đề: Thật đáng ngờ khi nói hầu hết 158 gia đình đóng góp vào các cuộc vận động tranh cử tổng thống năm nay xuất phát từ lòng hảo tâm hoặc tinh thần trách nhiệm chung. Trái lại, phần lớn họ đang làm công việc đầu tư và đây là cách để họ sinh lợi thêm vốn đầu tư. Các khoản đầu tư này thành công hay thất bại phụ thuộc vào chuyện ứng cử viên “gà” của họ có được bầu hay không. Nếu “gà” chiến thắng sẽ giảm thêm thuế suất cho những người này, khoét rộng hơn lỗ hổng về thuế, điều chỉnh các quy định về y tế, an toàn và môi trường để công ty của họ có thể kiếm được nhiều tiền hơn; đồng thời cắt giảm các chương trình an sinh xã hội, chăm sóc y tế cho người già cũng như các chương trình dành cho người nghèo.
Nhờ đó, 158 gia đình này và những người khác giống như họ có thể tách rời hẳn phần còn lại của xã hội Mỹ. Sau cùng, những người này đang sống trong một xã hội riêng biệt và họ muốn bầu người sẽ đại diện cho mình, chứ không phải cho đa số người dân Mỹ.
Chân dung nhà tài trợ
Tài sản của các nhà tài trợ này phản ánh thành phần giới thống trị về kinh tế ở nước Mỹ đang thay đổi. Khá ít người nắm giữ các vị trí truyền thống hoặc xuất thân từ những “triều đại” thừa kế tài sản.
Hầu hết họ đều tạo dựng cơ nghiệp riêng và chuẩn bị phương án đối phó với nguy cơ xảy đến cho khối tài sản khổng lồ, như: thiết lập các quỹ đầu cơ ở New York, mua những hợp đồng dầu mỏ rẻ mạt ở Texas, tham gia làm các bộ phim bom tấn ở Hollywood. Cả chục nhà tài trợ cao cấp này sinh ra bên ngoài nước Mỹ, nhập cư từ các nước như Cuba, Pakistan, Ấn Độ, Israel và Liên Xô trước đây.
Bất chấp ngành nghề, hầu hết các gia đình đóng góp hàng chục triệu USD hỗ trợ những ứng viên phe Cộng hòa được hứa hẹn điều chỉnh chính sách, cắt giảm thuế đối với thu nhập, nguồn lợi từ vốn đầu tư và của cải thừa kế... Mỗi nhà trong số 158 gia đình này đã đóng góp ít nhất 250.000 USD cho cuộc vận động tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016, trong khi 200 người khác đóng góp hơn 100.000 USD. Hai nhóm này đóng góp hơn một nửa số tiền trong cuộc tranh cử tổng thống năm nay, đa số được sử dụng để ủng hộ các ứng viên Cộng hòa.
Một nhóm nhân vật khác trong số này, bao gồm nhà đầu tư George Soros và con trai Jonathan, có mối liên hệ với Liên minh Dân chủ - mạng lưới các nhà tài trợ tự do đã thúc đẩy các ứng viên Dân chủ có động thái quyết liệt hơn về dự luật biến đổi khí hậu và hệ thống thuế tiến bộ. Các nhà tài trợ này, đa phần đến từ Hollywood hoặc Phố Wall, đã đổ hàng triệu USD sau lưng bà Hillary Rodham Clinton.
Ở một mức độ nào đó, các gia đình tài trợ tranh cử vì họ có những mối quan hệ cá nhân, khu vực và nghề nghiệp với các ứng viên. “Họ không mong muốn gì từ chính phủ ngoại trừ muốn xuất khẩu dầu và hầu hết đều muốn đầu tư dự án đường ống dẫn dầu Keystone” - ông T. Boone Pickens, nhà đầu tư và là người ủng hộ khí đốt thiên nhiên, nói về các đồng nghiệp trong lĩnh vực năng lượng.
Tuy nhiên, rất ít người trong số họ muốn nói về phần đóng góp hoặc quan điểm chính trị của mình. Nhiều khoản tài trợ được gửi từ các địa chỉ doanh nghiệp, hộp thư bưu điện hoặc qua các công ty trách nhiệm hữu hạn. Ngoài ra, một số người đóng góp - vì lý do riêng nào đó - đã không nêu tên là chủ sở hữu ngôi nhà họ đang sống, che giấu các mối quan hệ gia đình và ràng buộc xã hội.
Tài sản của các nhà tài trợ phản ánh một phần sự tăng trưởng mạnh của khu vực dịch vụ - tài chính và dầu khí vốn đã giúp kinh tế Mỹ chuyển mình trong mấy thập niên vừa qua. Họ cũng là những kẻ hưởng lợi từ các thế lực chính trị và kinh tế đang làm cho tình trạng bất bình đẳng xã hội ở Mỹ ngày càng nới rộng.
Giàu cực nhanh
Sự tích lũy tài sản đã diễn ra cực kỳ nhanh chóng trong giới siêu giàu tại trung tâm tài chính Phố Wall, nơi các nhà tư bản tài chính đang sở hữu ngày càng nhiều số vốn của những người khác mà trước đây họ từng quản lý. Theo một công trình nghiên cứu, từ năm 1979, 1/10 trong số 1% người đóng thuế ở Mỹ làm việc trong ngành tài chính đã tăng tỉ lệ đóng góp của họ trong thu nhập quốc dân lên gấp 5 lần. Trong đó, 64 gia đình đã làm giàu trong ngành tài chính, chiếm tỉ lệ cao nhất trong các nhà siêu tài trợ cho cuộc bầu cử năm 2016. Nhìn chung, 2 ngành tài chính và năng lượng chiếm đến hơn một nửa số tiền mặt mà 158 gia đình nêu trên đóng góp.
“Đây là những người thành đạt cao độ. Họ thường làm những chuyện kinh thiên động địa và thích đánh bại sự khôn ngoan truyền thống” - ông David McCurdy, cựu nghị sĩ bang Oklahoma - hiện là chủ tịch Hiệp hội Khí đốt Mỹ, nhận định.
NGÔ SINH