TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 11
  • Hôm nay: 114
  • Tháng: 7953
  • Tổng truy cập: 5153217
Chi tiết bài viết

Để XÁC ĐỊNH ĐIỂM LÂY virus corona 72021 (BS PHAN XUÂN TRUNG)

Bạn hỏi tôi nếu không giãn cách thì có giải pháp gì để ngăn dịch?

Tôi ủng hộ giãn cách nhưng giãn cách đúng chỗ để có hiệu quả cao, chi phí thấp, chống thiệt hại.

Đúng chỗ là thế nào?

Kể lại chuyện cũ mà tôi nhai đi nhai lại. Ngày xưa, ở Trung Hoa xảy ra dịch tiêu chảy. Quan ngự y giở hết bài thuốc ra để trị bệnh cho dân chúng nhưng chỉ điều trị theo ca bệnh chứ không dập được dịch. Thần y Hỷ Lai Lạc được mời đến để tham gia dập dịch. Sau 1 tuần lễ thì dịch tan. Khi được hỏi ông đã dùng thuốc gì để dập dịch, Thần y đáp vẫn là thuốc của các quan ngự y, không có gì khác. Cái khác là ông không cho từng người dùng thuốc mà sai lính mang thuốc bỏ vào những cái giếng trong vùng dịch.

Bài học ở đây là Thần y đã xác định được điểm lây là các giếng nước. Tác kích vào các điểm lây này thì dẫn đến thành công.

Trong trận dịch Covid này, đã qua 18 tháng, từ lúc ban đầu không biết gì nên phản ứng theo kiểu đánh bao vây. Nay đã tường minh về điểm lây của Covid thì ta cứ tác kích vào điểm lây để chống dịch.

Trước đây ta nghĩ rằng Covid lây qua hắt hơi, ho, khạc... tạo giọt bắn... và virus dính vào đồ vật nên bảo nhau rửa tay, đeo khẩu trang. Nay ta biết virus đã "hòa tan" trong hơi thở, chỉ cẩn nói chuyện bình thường thì người bị nhiễm cũng phóng thích ra virus. Chính vì vậy là tính lây lan trở nên kinh khủng. Virus sẽ lây khi hít hơi thở của nhau hoặc hít virus tồn lưu trong không khí. Trong thực tế, ta thấy hàng ngàn công nhân Bắc Giang, Bắc Ninh bị lây nhau trong tại cách ly tập trung, trước đó là Hải Dương. Rồi ta cũng có nhiều dữ liệu về việc lây trong không gian kín, từ vụ quản bar Buddah, nhân viên dịch vụ Bạch Mai, nhân viên bốc xếp Tân Sơn Nhất và điển hình nhất là phòng CNTT BV Bệnh Nhiệt Đới. 

Ta chưa có bằng chứng nào về việc bị lây trong công viên hay ngoài bãi biển. Nếu điều đó xảy ra thì tình hình đã toang ngay tuần lễ đầu tiên sau lễ, khi mà số lượng đông người đi chơi lễ. Có người hỏi móc họng: Ấn Độ không lây ngoài trời thì là gì? Cần biết hoàn cảnh Ấn Độ hoàn toàn khác ở ta, họ sinh hoạt tôn giáo nhiệt tình, bất chấp dịch bệnh, kề vai sát cánnh, ngửi hơi thở của nhau thì đó chính là môi trường lây nhiễm. 

Giãn cách xã hội mà TPHCM đang áp dụng là giãn cách... ngoài đường, trong khi việc lây nhiễm lại xảy ra trong nhà. Nhà ở đây bao hàm các văn phòng, không gian kín. Như vậy, lệnh giãn cách xã hội là hoàn toàn vô dụng, vô ích, vô nghĩa và gây thiệt hại. Cần thay đổi lại ngay và luôn. Cần tác kích vào điểm lây, đó là môi trường trong nhà. Điều này tôi đã nói như gào, như khùng từ năm ngoái về một môi trường thoáng gió. Thoáng gió để làm loãng mật độ virus. Người ta hít virus với lượng đủ lớn mới sẽ thành F0.

Tóm lại, thay đổi cách chống dịch bằng cách thay đổi môi trường không khí trong nhà. Phải bật quạt máy liên tục, phải mở cửa thông thoáng, phải chiếu đèn cực tím trong không gian kín, phải cấm sinh hoạt đông người trong phòng kín, phải cấm karaoke, quán bar, phải tháo bỏ kính xe bus... 

Ta không giãn cách con người mà là giãn cách virus, phải phân tán chúng ra, pha loãng chúng ra đến mức không còn nguy hiểm.

Thần y Hỷ Lai Lạc trăm năm trước đã biết cách chống dịch từ điểm lây mà sao đến nay thế kỷ 21 Việt Nam không áp dụng?

BS PHAN XUÂN TRUNG


Quan tâm

 

Cách ly F1

Tôi băn khoăn: Việt Nam nên giữ nguyên mô hình cách ly tập trung hay chuyển sang cách ly tại nhà với các F1?

Con gái bạn tôi đang ở Mỹ, phải cách ly tại nhà 14 ngày. Lý do, ngày nghỉ cuối tuần cháu chơi thể thao và ăn uống với bạn thân cùng lớp. Đêm chủ nhật, bạn sốt và đau họng rất nhẹ, kết quả xét nghiệm Covid-19 dương tính vào sáng thứ hai.

Con của bạn tôi phải cách ly tại nhà. Cả lớp vẫn đi học bình thường vì không thuộc đối tượng tiếp xúc với bệnh nhân. 7 ngày sau, bệnh nhân hết sốt và xét nghiệm âm tính nên được quay trở lại trường.

"Người Mỹ đã không còn sợ bệnh nhân Covid-19, họ chấp nhận sống chung như bệnh cúm mùa", bạn nói, "cách ly tại nhà tuân theo quy trình rất đơn giản".

Việt Nam đang ngược lại. Chỉ cần một học sinh dương tính, cả lớp trở thành F1, bắt buộc phải cách ly tập trung. Hình ảnh đã trở nên quen thuộc, những trẻ em ngơ ngác trong bộ quần áo phòng dịch, thậm chí mặc áo mưa, cùng thầy cô cách ly tập trung.

Chúng ta đã duy trì hình thức cách ly các trường hợp F1 nghiêm ngặt nhất thế giới trong 16 tháng kể từ khi có ca nhiễm đầu tiên. Bất kỳ ai có tiền sử tiếp xúc với ca bệnh Covid-19 được gọi là F1. Họ phải cách ly tập trung 21 ngày, sau đó tiếp tục ở nhà hạn chế tiếp xúc ít nhất 7 ngày nữa.

Hai tháng sau khi WHO công bố đại dịch Covid-19, tỷ lệ tử vong trên ca bệnh ở một số quốc gia rất cao, Bỉ và Anh khoảng 16%, Pháp 15%, Ý 14%, Tây Ban Nha và Thuỵ Điển khoảng 12%.

Những con số lây nhiễm và tử vong mỗi ngày đã làm cả thế giới hoang mang, rất ít người hình dung nổi loài người sẽ rủi ro đến đâu. Virus hoàn toàn mới lạ, không ai có kháng thể với nó, không quốc gia nào có kinh nghiệm và kiến thức đối phó với đại dịch.

Trước mối đe doạ khẩn cấp, tôi đồng ý rằng Việt Nam áp dụng các biện pháp phòng chống dịch mạnh mẽ nhất là hoàn toàn đúng đắn. Cách ly tập trung là một trong số những biện pháp mạnh như vậy.

Cách ly tập trung nghiêm ngặt các trường hợp F1 trở thành biện pháp chống dịch độc đáo. Nó nhanh chóng cắt đứt nguồn lây nhiễm, dập tắt các ổ dịch, đảm bảo sự an toàn cho cộng đồng. Tính đến ngày 26/4/2021, Việt Nam chỉ có 1.570 ca bệnh, 35 trường hợp tử vong. Con số làm cả thế giới ngạc nhiên.

Nhưng ở làn sóng dịch thứ tư này, mọi chuyện đã trở nên rất khác.

Trong thời gian rất ngắn, sự gia tăng quá nhanh trường hợp F1 tạo nên gánh nặng đe dọa hệ thống vận hành mạng lưới khu cách ly tập trung, kèm theo đó là chi phí rất tốn kém.

Nhưng vấn đề chính tôi quan tâm là tốc độ lây lan của hai biến thể Alpha và Delta - tăng từ 40% đến 90% so với chủng virus Vũ Hán. Quan sát tại Việt Nam, tôi thấy hai biến thể này có tốc độ lây rất cao, gấp hai đến ba lần chủng cũ.

Không những thế, trong nhóm bệnh nhân Covid-19 có đến 60% trường hợp không triệu chứng, xét nghiệm nhiều lần âm tính. Sẽ có nhiều người phải đối mặt với rủi ro. Những người mang virus chưa được phát hiện, họ vẫn tiếp xúc mỗi ngày, tiếp tục trung chuyển virus.

Một khi quần thể F1 bị trộn lẫn những ca bệnh chưa được phát hiện, sẽ có sự lây nhiễm tương đối lớn, bài học tàu Diamond Princess tái hiện.

Vào ngày 20/1/2020, tàu Diamond Princess đi vòng quanh châu Á để quảng bá du lịch, trên tàu có một hành khách 80 tuổi đến từ Hongkong. Ông bị ho trước đó một ngày, kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19.

Tối 3/2/2020, con tàu cập cảng Yokohama nhưng phải thả neo ngoài khơi xa. Chính phủ Nhật Bản phát hiện 10 người dương tính. Trong 26 ngày đứng im trên biển, tàu du lịch Diamond Princess có 712 ca nhiễm trong số 3.711 người trên tàu, chiếm tới 19,2%. Tôi cảm giác con tàu như "lò ấp" virus.

Đó là ví dụ minh chứng mạnh mẽ cho luận điểm: khi virus vào được quần thể nhạy cảm, nơi nhiều người bị trộn lẫn, sự lây nhiễm sẽ bùng phát.

Bài học này đã được tái hiện ở nhiều nơi trên thế giới. Tâm dịch Bắc Giang và có thể thêm tâm dịch mới ở TP HCM hôm nay là ví dụ. 79% trường hợp F1 ở Khu công nghiệp Vân Trung chuyển thành F0, 55% tại Công ty Hosiden. Đã hơn một tháng nhưng số ca nhiễm ở các khu cách ly vẫn chưa dừng lại.

Mức độ lây nhiễm phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố lưu ý là kích thước nhóm cách ly. Giả sử có một ca bệnh trong phòng cách ly 10 người, dùng chung khu vệ sinh, gần như ngay lập tức 9 người còn lại bị nhiễm. Chưa kể các yếu tố như điều kiện sống khép kín, vẫn có những ngóc ngách lưu thông giữa các phòng cách ly, thói quen sinh hoạt, giao lưu giữa các cá thể trong khu cách ly, ý thức phòng vệ cá nhân, dùng chung khu vệ sinh. Tất cả đều có thể tạo ra những chuỗi lây nhiễm.

Vẫn là trường hợp dương tính chưa được phát hiện trên, nếu thực hiện cách ly tại nhà trong điều kiện gia đình bốn người, nguy cơ lây nhiễm sẽ là ba người. Rõ ràng, con số ba khác biệt hoàn toàn với con số 9. Tất nhiên, mệnh đề này chỉ đúng với các trường hợp cá thể hoá cách ly tuân thủ nghiêm quy tắc phòng dịch, không phải cách ly tại chỗ mà vẫn có tiếp xúc.

Điều lo ngại nhất khi cách ly tại nhà là gia đình có người già, người có bệnh nền. Tỷ lệ mắc và tử vong do Covid-19 ở nhóm này là chính.

Mô hình dân số Việt Nam hiện có 7,7% người già. Tôi tạm ước tính hộ gia đình trẻ có bốn người và hộ gia đình ba thế hệ có 6 người, tức Việt Nam đang có 75% số hộ gia đình trẻ. Tin tốt là trẻ em có tỷ lệ mắc Covid-19 rất thấp, hầu hết biểu hiện lâm sàng rất nhẹ, hiếm khi tử vong.

Hệ thống y tế đang chuẩn bị cho một giai đoạn chống dịch rất thách thức là thời điểm để chúng ta thay đổi chiến thuật về cách ly F1.

Nếu Việt Nam xây dựng và sớm công bố bộ tiêu chuẩn cách ly tại nhà, trong đó có tiêu chí: hộ gia đình gồm những người trẻ khoẻ, có phòng riêng biệt, kèm theo các tiêu chí khoa học khác, ta hoàn toàn có thể cách ly an toàn các F1.

Tôi tin chắc, tỷ lệ lây nhiễm sẽ giảm, đồng thời giảm tải về người và chi phí cho hệ thống y tế quốc gia.

Dịch tễ học hiện đại đã và đang thay đổi rất nhiều. Sau hơn một năm rưỡi, loài người cũng hiểu biết hơn về virus. Cách ly tại nhà đúng quy tắc là sự thích nghi dựa trên sự hiểu biết. Nó có thể coi như một bước "tiến hóa" để sinh tồn.

Trần Văn Phúc

 

Giãn cách hay chưa?

Hà Nội và một số địa phương nên phong toả hay giãn cách xã hội trên diện rộng khi số ca nhiễm Covid-19 đang tăng?

Đi tìm câu trả lời cho làn sóng dịch thứ tư, tôi tiếp cận nhiều nghiên cứu khoa học, tìm hiểu 49 quốc gia đã thực hiện phong toả hoặc giãn cách xã hội trong hai năm qua.

Những việc họ đã làm gồm: yêu cầu người dân ở trong nhà, tạm ngừng hoạt động nơi làm việc và trường học, phương tiện giao thông công cộng, các hoạt động vui chơi giải trí và thể dục thể thao, lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ không thiết yếu.

Hầu hết trong số 49 quốc gia đã phải phong toả đất nước trong thời gian dài, một số nền kinh tế phải giãn cách xã hội hàng năm. Hậu quả để lại là tổn thương tâm lý cho con người và suy yếu về kinh tế.

Nhưng đó là năm đầu của đại dịch. Nhiều dự đoán cho rằng sẽ còn nhiều làn sóng Covid nữa, sóng sau luôn nặng nề hơn sóng trước. Mỗi lần giãn cách xã hội hàng tháng, các đô thị dễ bị đẩy vào tình trạng sa mạc hoá thực phẩm - người dân bị hạn chế tiếp cận thực phẩm rẻ và phong phú trong khi nông sản phải đổ bỏ. Viễn cảnh mất việc, mất thu nhập, nợ nần và tái nghèo xảy ra ở nhóm người yếu thế.

Một năm rưỡi tìm hiểu và theo dõi các chùm ca bệnh, tôi nhận thấy virus chủ yếu tấn công trong nhà, tạo nên những chuỗi lây nhiễm dữ dội. Rất hiếm khi nó lây truyền ngoài trời, ở những nơi không gian thoáng đãng, đặc biệt thoáng gió.

Làn sóng dịch lần này ở nước ta có thể là một bằng chứng.

Đến hôm nay, các ổ dịch vẫn chỉ bùng phát trong khu cách ly, quán karaoke, quán bar, nhà hàng khách sạn, liên hoan tụ tập trong nhà, trên máy bay, trong bệnh viện. Ngược lại, dù quá sớm để khẳng định, nhưng trong bốn ngày nghỉ lễ với các bãi tắm đông người hay khu giải trí ngoài trời, chưa thấy phát sinh ổ dịch nào.

Điều này có vẻ tương đồng với thế giới. Đa số ổ dịch ở các nước cũng liên quan đến nhà máy đông lạnh, tàu du lịch, viện dưỡng lão, quán bar, nhà thờ, máy bay, các tụ tập trong không gian kín, trong bệnh viện.

Nghiên cứu khoa học trên các tạp chí uy tín hầu hết đều khẳng định, SARS-CoV-2 thường bùng phát ở những nơi thỏa mãn điều kiện: không gian khép kín, ít trao đổi khí, nhiệt độ thấp và khô, sử dụng máy lạnh, mật độ người quá đông.

Covid-19 chủ yếu lây nhiễm trong nhà. Gần như không có ví dụ về sự gia tăng lây truyền virus ở bãi biển và không gian nhiều nắng, gió, giúp phân tán nhanh các hạt trong không khí. Độ ẩm và tia cực tím làm virus mau chóng bị phá hủy.

Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London ghi nhận 96% số trường hợp lây nhiễm xảy ra trong nhà. Dữ liệu này thu thập cả ở những quốc gia thu nhập thấp, chỉ số ít trường hợp lây nhiễm ngoài trời do tụ tập quá đông và quá gần như biểu tình, hội chợ.

Một nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật Bản cho thấy virus có khả năng lây lan cao hơn 19 lần trong môi trường kín. Có 6 trong số 7 trường hợp siêu lây nhiễm đều xảy ra ở trong nhà.

Để hiểu Covid-19 lây truyền ngoài trời thấp đến mức nào, nhà khoa học Franco Belosi người Italy đã sử dụng mô hình toán học. Ông thiết lập một viễn cảnh nghiệt ngã với giả thiết quần thể có 10% dân số nhiễm bệnh. Kết quả tính toán, một người ở ngoài trời tại thành phố Milan sẽ phải hít thở không khí trung bình 31,5 ngày mới tải đủ lượng virus để mắc bệnh, ở thành phố Bergamo sẽ phải hít thở trung bình 51,2 ngày. Mô phỏng cũng ước tính, ngay cả khi 25% dân bị nhiễm bệnh, mỗi mét khối không khí chỉ dưới một virus. Khả năng lây nhiễm ngoài trời vì thế rất hiếm xảy ra.

Hiếm nhưng vẫn có nếu đám đông không giữ khoảng cách an toàn, không đeo khẩu trang hay hò hét, cười nói sát vào mặt nhau.

Lúc đại dịch mới xảy ra, loài người chưa hiểu nhiều về virus nên phong toả hay giãn cách xã hội diện rộng được coi là phương pháp chống dịch hiệu quả. Nhưng đến nay, với hàng vạn công trình nghiên cứu khoa học về Covid-19, con người đã hiểu biết về cách lây truyền của nó.

Đó là lý do nhiều quốc gia đã không còn ưu tiên giải pháp phong toả hay giãn cách. Thay vào đó, họ đánh trực diện vào các yếu tố nguy cơ, cắt đứt nguồn lây nhiễm để dập dịch, đồng thời duy trì các hoạt động xã hội trong trạng thái bình thường mới để tránh đổ vỡ.

Với Việt Nam, tôi cho rằng biện pháp chống dịch chủ động, thần tốc ngăn chặn ca xâm nhập, xét nghiệm sàng lọc diện rộng, truy vết chuỗi lây nhiễm, khoanh vùng, cách ly ổ dịch đang là cách thức hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, chìa khoá hiệu quả là tập trung "chống dịch trong nhà", chưa nên giãn cách xã hội.

Chống dịch trong nhà là dừng các hoạt động như karaoke, bar, vũ trường, phòng tập thể dục, massage, rạp chiếu phim, sân khấu trong nhà; dừng các hội nghị đông người trong nhà, hoạt động thờ cúng đền chùa, lễ hội truyền thống; không ăn uống tụ tập đông người. Các bệnh viện, trường học, cơ quan, siêu thị và mỗi gia đình phải tuân thủ chặt chẽ quy trình phòng chống lây nhiễm Covid-19.

Tôi liên tưởng đến ngày bầu cử 23/5 tới, hơn 71 triệu cử tri có đi bỏ phiếu được hay không?

Đại dịch có thể truyền cảm hứng cho việc tìm kiếm phương pháp bỏ phiếu sáng tạo thay thế cách thức truyền thống để hạn chế tiếp xúc virus gây chết người. Bầu cử online cũng là một giải pháp, nhưng sẽ tạo ra rất nhiều thách thức và tiêu tốn nguồn lực cho Việt Nam.

Không giãn cách xã hội, tổ chức tốt bầu cử ở những không gian ngoài trời thoáng đãng như quảng trường, công viên, đường phố hay những cánh đồng lộng gió, công dân đeo khẩu trang và giữ khoảng cách hai mét đến thùng phiếu vẫn là hình ảnh đẹp.

Giãn cách xã hội vẫn giữ nguyên giá trị ngăn chặn dịch, nhưng đó chỉ là giải pháp cuối cùng, khi các giải pháp ít hậu quả hơn bất lực.

Trần Văn Phúc

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness