Công ty Mua bán điện (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) đã cắt giảm huy động công suất điện xuống 278 megawatt (MW) từ 450 MW tại nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam ở tỉnh Ninh Thuận, chính phủ cho biết trong một thông cáo báo chí.
Các nhà phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam được cho là thường phải đối mặt với lo ngại về các quy định của địa phương và mối quan hệ của họ với EVN.
Việt Nam năm ngoái đã cam kết với mục tiêu cắt giảm phát thải carbon vào năm 2050.
EVN cho biết việc cắt giảm công suất tiêu thụ điện mặt trời có hiệu lực từ ngày 1/9 là do thiếu cơ chế định giá, theo một bức thư mà Reuters được tiếp cận, gửi cho Tập đoàn Trung Nam.
"Chúng tôi không thể sử dụng lượng điện năng mà biểu giá cấp điện chưa được cơ quan chức năng phê duyệt," Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Anh Tài cho biết trong thông cáo của Chính phủ.
Trong khi đó, Tập đoàn Trung Nam (Trungnam Group) cho biết nếu dự án chỉ vận hành 60% công suất so với thiết kế thì sẽ phá vỡ cam kết của nhà đầu tư về phương án tài chính, dẫn đến dự án mất khả năng cân đối trả nợ vay, theo Tuổi Trẻ.
Cơ chế giá hiện tại, ở mức 9,35 US cent / kWh, chỉ áp dụng cho 2.000 MW đầu tiên từ lưới điện mặt trời của nhà máy đặt tại tỉnh Ninh Thuận.
Trong một bức thư riêng, Tập đoàn Trung Nam đã yêu cầu Bộ Công Thương và EVN tiếp tục sử dụng toàn bộ công suất điện mà nhà máy sản xuất.
T"iếp tục sử dụng toàn bộ công suất sẽ giúp nhà đầu tư trang trải chi phí đầu tư và "tránh phá sản", theo bức thư được Reuters tiếp cận.
Chuyên gia phân tích năng lượng Nguyễn Thanh Sơn tại Hà Nội cho biết các nhà phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam thường xuyên phải đối mặt với những lo ngại về các quy định của địa phương và mối quan hệ của họ với EVN.
"Chính phủ cần tách hoạt động truyền tải điện ra khỏi EVN và nhanh chóng thị trường hóa ngành điện".
Đặc phái viên khí hậu Hoa Kỳ John Kerry tuần trước cho biết tại Hà Nội rằng tỷ lệ sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo đã lắp đặt của Việt Nam quá thấp.
Vào tháng Ba, EVN đã kêu gọi người dân tiết kiệm năng lượng khi cảnh báo tình trạng thiếu điện do nguồn cung than khan hiếm.
Trong bối cảnh cắt giảm mua điện từ nhà máy điện mặt trời Ninh Thuận, Việt Nam cũng vừa bắt một loạt nhà hoạt động môi trường, trong đó có 'anh hùng khí hậu' Ngụy Thị Khanh, người được cho là đã đóng góp tích cực vào quá trình vận động để Việt Nam cắt giảm điện than, chuyển sang các nguồn năng lượng sạch, bền vững hơn.
Bà Khanh cũng là người đã hợp tác chặt chẽ với chính phủ Việt Nam vạch ra các chiến lược để giúp đất nước đạt được các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng, chẳng hạn như mục tiêu 'trung hòa phát thải Carbon' (Zero emission) vào 2050 mà Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết tháng 11 năm ngoái tại Hội nghị Cop26 về biến đổi khí hậu ở Glasgow, Anh Quốc.
Các vụ bắt giữ này được xem là lời cảnh báo tới cộng đồng xã hội dân sự của Việt Nam và khiến các tổ chức bảo vệ môi trường Việt Nam lo lắng.
Các nhà hoạt động môi trường Việt Nam vốn luôn quan ngại các hoạt động của họ như thúc đẩy chuyển đổi sang năng lượng sạch của Việt Nam có thể dẫn đến việc họ bị truy tố hình sự, theo The Guardian.
Theo BBC