Giá dầu thấp đang chia tách thế giới thành 2 nhóm rõ ràng với hai tình cảnh đối lập, một nhóm là các nước xuất khẩu dầu, còn lại là các nước phải nhập khẩu dầu.
Hiện giờ đang gặp khó khăn, nhưng các nước sản xuất dầu đã “cưỡi” trên một con sóng giá dầu cao chót vót trong nhiều năm liền. Họ “mua” sự ủng hộ của người dân bằng việc dùng nguồn thu dồi dào từ dầu mỏ để tăng chi tiêu, phúc lợi xã hội nhằm làm dịu bớt những tổn hại nặng nề trong công cuộc cải cách kinh tế của chính phủ.
Trong khi đó những nước mua dầu (như Ấn Độ và Ai Cập) hiện giờ đang hưởng lợi từ việc giá dầu thấp chỉ còn 1/3 so với giá ở tại thời điểm 2 năm về trước. Ngoài ra họ có thế có thể chuyển các khoản tiền trợ cấp giá nhiên liệu và tiết kiệm chi tiêu sang các khoản chi tiêu khác cho xã hội.
Hệ quả là, hầu hết các nhà sản xuất dầu hiện nay đang ở vào một tình cảnh đáng lo ngại. Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro sẽ phải đối mặt với một cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 12 tới đây trong bối cảnh sự tín nhiệm dành cho ông đang giảm sút mạnh. Một cuộc thăm dò mới đây cho thấy có 66% người dân Venezuela sẽ bỏ phiếu cho phe đối lập thay vì Đảng Xã Hội của ông Maduro.
Thứ mà chính phủ của ông Maduro đang thiếu chính là Chủ nghĩa dân túy lôi cuốn như của người tiền nhiệm đã qua đời, ông Hugo Chavez. Ông Chavez nhận được nhiều sự ủng hộ của người dân chủ yếu dựa trên cam kết rằng nguồn thu cao từ dầu mỏ mang lại lợi ích cho những người nghèo (và thực tế cũng đúng là như vậy do Venezuela đã trích một lượng tiền lớn từ doanh thu xuất khẩu dầu để hỗ trợ phúc lợi xã hội cho người nghèo). Giờ đây, vì giá dầu giảm, ông Maduro không thể đi theo con đường này.
Tại Canada, đảng Bảo thủ của Thủ tướng Stephen Harper vừa thất bại. Ông Harper lên nắm quyền từ năm 2006, vì vậy "chính thể rệu rã" của ông được cho là một yếu tố lớn tạo nên mối mâu thuẫn giữa ông với công chúng.
Với giá dầu đi xuống, trong khi chỉ riêng doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ đã chiếm tới 1/4 kim ngạch xuất khẩu của Canada và đóng góp gần 10% GDP, xu hướng suy giảm hiện nay của kinh tế Canada không phải hoàn toàn là lỗi của ông Harper. Tuy vậy, việc tình hình kinh tế gặp khó khăn dưới nhiệm kỳ của ông sẽ càng làm trầm trọng thêm sự “rệu rã” cho chính phủ già cỗi.
Nigeria là một trong những nhà sản xuất dầu lớn khác. Tổng thống nước này, ông Muhammadu Buhari, sẽ không phải đối mặt với một cuộc bầu cử như ông Harper hay ông Maduro – vì đơn giản ông này vừa mới đắc cử gần đây. Nhưng cũng giống như các nhà lãnh đạo khác của các quốc gia sản xuất dầu mỏ, ông cũng phải đối phó với sự sụt giảm của giá dầu. Doanh thu từ xuất khẩu dầu chiếm tới 80% thu ngân sách. Điều này dẫn đến việc các công chức, nhân viên nhà nước ở hầu hết các bang đều đang bị nợ lương; các dự án sử dụng vốn đầu tư của chính phủ bị đóng băng. Hiện tại nước này còn đang phải chống lại Boko Haram - nhóm phiến quân được cho là có liên hệ với tổ chức khủng bố IS.
Có thể cảm nhận rõ ràng tình cảnh rối loạn, xáo trộn của các nước Trung Đông hiện nay. Sự xáo trộn diễn ra tại những nước phụ thuộc chủ yếu vào nguồn thu từ dầu mỏ như Iraq, Syri và Li-bi và thậm chí ở cả những nước có lượng tài sản lớn và giàu có như Ả-rập-xê-út.
Trong bối cảnh ấy, Nga nổi lên như một trường hợp ngoại lệ. Các nhà lãnh đạo tại những nước này được Reuter miêu tả là những “Teflon Kids” (Teflon là một hợp chất rất bền, ít chịu tác động từ bên ngoài) nhằm ám chỉ những chính trị gia này trong tình hình giá dầu sụt giảm: họ chỉ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi giá dầu, còn độ tín nhiệm của họ gần như không bị ảnh hưởng.
Theo số liệu thống kê mới đây của Levada, tỉ lệ ủng hộ đối với Tổng thống Vladimir Putin đạt mức kỷ lục lên tới 89% hồi tháng 6 và hiện giờ là 84%.
Điều gì làm cho ông Putin tránh được khỏi công kích, búa rìu từ dư luận khi giá dầu trượt giá? Đó là bởi vì ông là chính trị gia luôn giữ ngọn lửa Chủ nghĩa dân tộc hừng hực trong mình. Ông không bỏ lỡ bất kỳ một cơ hội nào để phát triển, vinh danh đất nước của họ.
Trong một chuyến thăm tới hạm đội Baltic tại cảng Baltiysk, ông nói rằng đất nước của ông một lần nữa lại phải đối mặt với sự thù địch từ phương Tây, và một lần nữa Nga phải dùng đến nguồn dự trữ nhân lực riêng của mình để giành chiến thắng trước những đè nén từ phương Tây.
Sự ủng hộ giành cho ông Putin được thúc đẩy bởi một nguồn lực còn mạnh mẽ hơn cả việc nâng cao mức sống cho người dân. Người dân Nga mang trong mình một niềm tự hào đặc biệt khi thể hiện sự can đảm và lòng yêu nước trước những thiếu thốn và áp lực chèn ép. Lệnh trừng phạt của Mỹ và EU do đó mà đã phản tác dụng.
Chủ nghĩa dân tộc không đến một cách nhẹ nhàng như những dòng nước êm đềm, mà nó xô đến mạnh mẽ như những cơn sóng lớn táp vào bờ. Và. cho đến nay người ta vẫn chưa thể khẳng định chắc đây là điều tốt lành hay sẽ mang đến những hệ lụy không lường trước.
Thành Đông
Theo Trí thức trẻ