TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 223
  • Hôm nay: 198
  • Tháng: 1621
  • Tổng truy cập: 5245625
Chi tiết bài viết

Doanh nghiệp lo Thông tư 06 làm khó khăn thêm trầm trọng

Các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) cho rằng nhiều quy định tại Thông tư 06 có thể làm trầm trọng thêm khó khăn của doanh nghiệp, thậm chí chặn đứng cánh cửa tiếp cận vốn.

Doanh nghiệp lo khó chồng khó

Từ ngày 1.9 tới, Thông tư 06/2023 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng sẽ có hiệu lực.

Các doanh nghiệp BĐS cho rằng nhiều quy định tại Thông tư 06 có thể làm trầm trọng thêm khó khăn của doanh nghiệp, thậm chí chặn đứng cánh cửa tiếp cận vốn.

Theo các doanh nghiệp, hiện nay, “pháp lý” và “nguồn vốn” đang là 2 khó khăn chính và cơ hữu của thị trường BĐS. Mặc dù Chính phủ đã ban hành rất nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ và giải quyết, nhưng cho tới thời điểm hiện tại, 2 khó khăn này vẫn chưa thực sự tìm được “lối thoát” và hướng giải quyết dứt điểm.

Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) cho rằng có hàng ngàn dự án khó triển khai, bị đắp chiếu vì vướng mắc pháp lý, phải dừng lại để rà soát. Và cũng có rất nhiều những dự án bị đứt gãy tiếp cận tín dụng, vốn đầu tư từ khách hàng. Đặc biệt, là các dự án đang dở dang trong khâu giải phóng mặt bằng, chờ duyệt tiền sử dụng đất, đang xây dựng dở dang…

Điều này dẫn đến tình trạng cả khách hàng và nhà đầu tư cùng gặp khó trong khâu tiếp cận dòng tiền khiến cho thanh khoản trên thị trường bị ách tắc, đóng băng mọi giao dịch, ngưng trệ mọi hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh…

tt-06-2.jpeg
Ông Nguyễn Anh Quê, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn G6

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, ông Nguyễn Anh Quê, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn G6 cho rằng đối với các doanh nghiệp triển khai dự án, thông thường họ sẽ có vốn để triển khai thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng.

"Riêng nguồn tiền này, bắt buộc chủ đầu tư phải có. Tuy nhiên, đến lúc làm hạ tầng thì tiền đó họ cần ngân hàng và trước nay vẫn được ngân hàng tạo điều kiện, nhưng với Thông tư 06 lại không rõ ràng", ông Quê nói.

Còn theo VARS, Thông tư 06/2023/TT-NHNN sẽ khiến tinh thần của Nghị quyết 33/NQ-CP không được đảm bảo.

Theo đó, Nghị quyết 33 thể hiện một cách rõ ràng và quyết liệt mục tiêu tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn tín dụng, nhằm khơi thông dòng vốn cho thị trường BĐS, góp phần tăng thanh khoản cho thị trường BĐS Việt Nam. Thông qua việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người mua nhà và đầu tư thuận lợi trong khâu tiếp cận các nguồn vốn tín dụng với mức lãi suất ưu đãi. Nhờ đó, các dự án khả thi, hiệu quả sẽ có cơ hội được thực hiện, góp phần cải thiện nguồn cung cho thị trường.

Tuy nhiên, Thông tư 06/2023/TT-NHNN gần như không bám trúng tinh thần của Nghị quyết 33/NQ-CP, chưa chỉ rõ các đối tượng được hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về tín dụng. Trong khi đó, nó lại chỉ ra những đối tượng không được vay một cách chung chung, mơ hồ, khiến cho các ngân hàng thương mại, nếu không có thiện chí cho vay sẽ dễ dàng từ chối hồ sơ của khách hàng BĐS một cách “đúng quy định”.

“Điều này, vô hình trung sẽ gây ảnh hưởng tới nỗ lực của Chính phủ, các cơ quan ban ngành, thậm chí của cả hệ thống ngân hàng trong công cuộc đồng hành và vực dậy thị trường BĐS Việt Nam”, VARS nêu.

VARS cho rằng các dự án đang bị vướng mắc pháp lý hoặc đang thiếu vốn chưa đủ điều kiện để triển khai tiếp. Nếu không được cho vay, thì doanh nghiệp coi như bị “đứng hình”, không có cơ hội xoay chuyển. Điều này chẳng khác nào “thấy chết mà không cứu”.

Ngoài ra, hiện nay M&A đang được coi là một kênh góp phần hỗ trợ tích cực, mở ra lối thoát cho doanh nghiệp và cho cả thị trường. Khi các chủ đầu tư gặp khó khăn, đứng trên nguy cơ “chết chìm trên đống tài sản” có thể bán bớt một phần tài sản để cứu các phần tài sản còn lại. Nhờ đó các dự án có cơ hội được tái khởi động. Nguồn cung trên thị trường cũng từ đó ra tăng. Thay vì tạo điều kiện, nới lỏng và hỗ trợ cho hoạt động M&A, Thông tư 06/2023/TT-NHNN có nguy cơ sẽ khiến hoạt động này trở lên khó khăn hơn.

tt-06-1.jpeg
Doanh nghiệp lo thêm khó khăn với Thông tư 06 vì khó tiếp cận vốn

Một bất cập nữa là các quy định, thủ tục thể hiện trong Thông tư 06/2023/TT-NHNN còn nhiều điểm chưa rõ, mơ hồ, rất dễ khiến thị trường thêm rối. Từ đó, kéo dài thời gian chững của thị trường, gây ảnh hưởng đến quá trình “hồi sức” của thị trường.

Đề xuất thu hồi Thông tư 06

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) phân tích, theo khoản 9, điều 8 của Thông tư 06 thì nhà đầu tư không được vay vốn tín dụng để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh tại thời điểm tổ chức tín dụng quyết định cho vay. Điều này bất hợp lý, không hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và người mua nhà.

Theo HoREA , giai đoạn chuẩn bị đầu tư của một dự án gồm các công việc nhận chuyển quyền sử dụng đất; có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư; duyệt quy hoạch 1/500; có quyết định giao đất, cho thuê đất; cấp giấy phép xây dựng.

Trong giai đoạn này, chủ đầu tư đã bỏ ra nguồn vốn đầu tư rất lớn, chủ yếu là chi phí nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để tạo lập quỹ đất dự án.

chau.jpeg
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM

Giai đoạn tiếp theo khi thực hiện dự án, sẽ bao gồm các công việc ký hợp đồng với các nhà thầu thi công xây lắp, cung cấp vật tư, vật liệu xây dựng, máy móc, trang thiết bị để thi công các công trình trong dự án. Giai đoạn này thường mất thời gian khoảng 1 - 3 năm. Đây cũng chính là giai đoạn mà chủ đầu tư đã có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép triển khai thực hiện dự án và phát sinh nhu cầu cần vay vốn tín dụng.

Do đó, với khoản 9, điều 8 của Thông tư 06, nhà đầu tư không thể vay vốn tín dụng để đầu tư vào các dự án bất động sản, nhà ở thương mại, khu đô thị ngay tại thời điểm phát sinh nhu cầu bổ sung vốn nhiều nhất.

Theo quan điểm của VARS, tốt nhất, thời điểm này nên thu hồi lại Thông tư 06/2023/TT-NHNN. Theo đó, việc ban hành thông tư mới cần làm rõ đối tượng được vay, phương án cho vay đối với những đối tượng đặc biệt; cơ chế giám sát, bảo đảm hiệu quả sau cho vay; thủ tục cho vay cần quy định chi tiết, rõ ràng.

“Chỉ nên căn cứ những gì pháp luật cấm. Không nên cấm những gì mà pháp luật chưa phù hợp, đang phải xem xét, điều chỉnh”, VARS nêu.

Trước những kiến nghị của doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan liên quan họp và báo cáo Thủ tướng.

Sơn Lam - Theo 1TheGioi

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness