Việc hầu hết doanh nghiệp thuộc các ngành nghề khác nhau đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023 ở mức kém tích cực hơn so với năm 2022 là điều dễ hiểu xét trong bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong khi những sức ép từ bên ngoài cũng không nhỏ.
Ngành cảng biển, năm 2023, dự báo sản lượng vận tải hàng hóa sẽ chịu sức ép khi nhu cầu suy yếu. Ảnh: H.P
Thận trọng ở hầu hết các nhóm ngành
2022 là năm thắng lớn của ngành phân bón khi hầu hết các doanh nghiệp trong ngành đều báo lãi tăng trưởng mạnh nhờ hưởng lợi từ tình trạng thiếu hụt phân bón toàn cầu và giá bán tăng. Tuy vậy, thành tích này sẽ rất khó để lặp lại trong năm 2023 khi giá phân bón dần hạ nhiệt và dự báo có thể giảm mạnh khi sản lượng xuất khẩu từ Nga và Trung Quốc phục hồi cũng như nhu cầu urê suy yếu trên toàn cầu. Với triển vọng ngành kém khả quan, nhiều doanh nghiệp phân bón đã công bố chỉ tiêu kinh doanh năm 2023 sụt giảm khá mạnh so với đỉnh cao lợi nhuận năm 2022. Cụ thể, Tổng công ty Phân bón và hóa chất Dầu khí (mã DPM) đặt chỉ tiêu doanh thu 17.400 tỉ đồng; lợi nhuận trước thuế gần 2.700 tỉ đồng, giảm mạnh so với con số hơn 6.640 tỉ đồng đạt được trong năm 2022. Tương tự, Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (mã DCM) đặt kế hoạch doanh thu năm nay chỉ ở mức 13.458 tỉ đồng, giảm 18%; lãi sau thuế chỉ ở mức 1.383 tỉ đồng, tương đương một phần ba mức thực hiện năm 2022.
Ở ngành bán lẻ, việc người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu, sức mua sụt giảm đã tác động trực tiếp tới ngành này. Theo Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect, trong cuộc gặp gỡ mới đây với Công ty cổ phần Sữa Việt Nam – Vinamilk (mã VNM), ban lãnh đạo Vinamilk cho biết, sản phẩm sữa là mặt hàng có mức độ nhạy cảm cao với giá bán và thu nhập do phần lớn người tiêu dùng Việt Nam chưa coi sữa là sản phẩm dinh dưỡng thiết yếu. Nhu cầu đối với các sản phẩm sữa sẽ yếu đi khi người tiêu dùng thắt chặt thói quen chi tiêu. Ban lãnh đạo Vinamilk dự đoán nhu cầu tiêu thụ sữa trong năm nay chỉ tăng trưởng dưới 5%.
Các nhà đầu tư cần có sự suy xét kỹ khi lựa chọn đầu tư vì chỉ số P/E của các cổ phiếu có thể sẽ vẫn ở mức cao khi thu nhập trên cổ phiếu giảm. Hầu hết các dự báo đều cho biết sự khởi sắc (nếu có) nhiều khả năng sẽ chỉ diễn ra trong nửa cuối năm 2023.
Xu hướng tiêu dùng đi xuống cũng thể hiện rõ ở kết quả kinh doanh quí 4-2022 của các doanh nghiệp bán lẻ như Đầu tư Thế Giới Di Động (mã MWG), Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã FRT), Dịch vụ tổng hợp Dầu khí (Petrosetco, mã PET), Thế giới số (Digiworld, mã DGW). Doanh thu đi xuống do nhu cầu yếu đi, các chi phí bán hàng, lãi vay tăng lên khiến lợi nhuận sau thuế giảm mạnh so với cùng kỳ. Trong bối cảnh đó, mới đây, Hội đồng quản trị Digiworld đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu 25.109 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 787 tỉ đồng. Theo Digiworld, khó khăn chung của thị trường được dự đoán sẽ tiếp diễn ít nhất đến giữa năm 2023, nên người tiêu dùng vẫn sẽ có xu hướng thắt chặt chi tiêu, sức cầu với các mặt hàng không thiết yếu có thể đi xuống đáng kể. Với tình hình này, công ty sẽ có quan điểm thận trọng trong lập kế hoạch tăng trưởng.
Với ngành cảng biển, năm 2023, dự báo sản lượng vận tải hàng hóa sẽ chịu sức ép khi nhu cầu suy yếu. Theo đó, thương mại toàn cầu năm 2023 nhiều khả năng tăng trưởng thấp nhất từ năm 2021 và thấp hơn nhiều so với mức trung bình của giai đoạn 2000 – 2019. Bên cạnh đó, tăng trưởng thấp kết hợp với lạm phát chưa được kiểm soát hoàn toàn có khả năng làm giảm nhu cầu tiêu thụ ở các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, ảnh hưởng đến sản lượng xuất nhập khẩu và thông quan. Dự phóng giá trị xuất nhập khẩu và sản lượng thông quan rất khó duy trì tăng trưởng như các năm trước và nhiều khả năng sẽ đi ngang trong năm 2023. Điều này sẽ khiến cạnh tranh ở mảng khai thác cảng gay gắt hơn, đặc biệt ở khu vực miền Bắc khi công suất liên tục được mở rộng. Đây có thể cũng là lý do chính khiến Công ty cổ phần Vận tải và xếp dỡ Hải An (mã HAH) đặt kế hoạch kinh doanh đi lùi trong năm 2023, với tổng sản lượng 874.000 TEU, giảm gần 13% so với ước kết quả năm 2022. Theo đó, tổng doanh thu năm 2023 của Hải An dự kiến đạt 2.698 tỉ đồng, giảm hơn 15%; lãi sau thuế giảm gần 64%, về còn 300 tỉ đồng.
Ngành ngân hàng cũng không phải ngoại lệ
Trong khi hầu hết các nhóm ngành khác đều đặt kế hoạch kinh doanh giảm sút so với năm 2022 thì ngành ngân hàng vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng dương, tuy vậy mức tăng trưởng đều được dự báo sẽ chậm lại đáng kể. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 với các chỉ tiêu chính như lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 2.400 tỉ đồng, chỉ tăng 5-6% (năm 2022, lợi nhuận trước thuế đạt 2.268 tỉ đồng, tăng 26,1%).
Tài liệu phục vụ họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cũng cho thấy, ngân hàng này khá thận trọng khi đặt mục tiêu lợi nhuận trong năm nay. Cụ thể, ngân hàng dự kiến lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 12.200 tỉ đồng, tăng 15,3% so với năm 2022. Dù lợi nhuận dự kiến vẫn tăng trưởng hai chữ số nhưng tốc độ tăng chỉ bằng một nửa so với kế hoạch lợi nhuận năm trước đó (năm 2022 đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 31% so với năm 2021).
Trước đó, tại hội nghị triển khai kế hoạch kinh doanh năm 2023, lãnh đạo Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 12% so với năm 2022. Năm 2022, Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế riêng lẻ tăng 39% và đạt 119% kế hoạch năm.
Ở một góc độ khác, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quí 1-2023 của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy các tổ chức tín dụng tỏ ra thận trọng hơn khi dự báo kết quả kinh doanh cho thời gian tới. Theo đó, có 56,4-75,4% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quí 1 và cả năm 2023, nhưng mức độ kỳ vọng cải thiện thấp hơn so với năm 2022. Kết quả điều tra cũng cho biết, có 95,3% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng dương trong năm 2023 so với năm 2022; trong khi đó có 2,8% tổ chức tín dụng dự kiến lợi nhuận tăng trưởng âm và 1,9% dự kiến lợi nhuận không thay đổi. Trên cơ sở đó, những ngân hàng còn lại chưa công bố kế hoạch kinh doanh nhiều khả năng cũng sẽ đặt ra các con số thận trọng trong mùa họp đại hội đồng cổ đông sắp tới.
Nhìn chung việc hầu hết doanh nghiệp thuộc các ngành nghề khác nhau đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023 ở mức kém tích cực hơn so với năm 2022 là điều dễ hiểu xét trong bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước đang phải đối mặt với nhiều thách thức (lạm phát tăng, lãi suất cao, cầu tiêu dùng suy giảm) trong khi những sức ép từ bên ngoài cũng không nhỏ (kinh tế thế giới hạ nhiệt, Cục Dự trữ liên bang Mỹ vẫn tiếp tục tiến trình tăng lãi suất…). Điều này dẫn tới việc các nhà đầu tư cần có sự suy xét kỹ khi lựa chọn đầu tư vì chỉ số P/E (giá thị trường/thu nhập mỗi cổ phiếu) của các cổ phiếu có thể sẽ vẫn ở mức cao khi thu nhập trên cổ phiếu giảm. Hầu hết các dự báo đều cho biết sự khởi sắc (nếu có) nhiều khả năng sẽ chỉ diễn ra trong nửa cuối năm 2023.
Linh Trang - Theo TheSaigonTimes