|
Người Mỹ gốc Mễ giương biểu ngữ ủng hộ Trump tại một buổi tập hợp ở California ngày 25-5 - Ảnh: Reuters |
Điều đặc biệt là mặc dù ông đang tranh cử bên Đảng Cộng hòa nhưng các chính sách của ông lại trái ngược với đường lối của đảng này. Chúng giống với những chương trình nghị sự của Đảng Dân chủ hơn.
Làm thế nào để ông Trump có thể trở thành tổng thống với những lập trường chính sách đối lập như vậy? Câu trả lời ngắn gọn là cuộc bầu cử năm nay không phải là về những chính sách hay các vấn đề tồn đọng ở Mỹ, mà là về khả năng lãnh đạo.
Cuộc đua năm nay có nhiều điểm nổi bật như chính sách tiên tiến của bà Hillary Clinton, quan điểm xã hội của ông Bernie Sanders, và vị thế trung dung của ông Trump.
Thế nhưng, người dân Mỹ không quan tâm mấy đến những chính sách quốc gia. Điều họ cần trước nhất là một người có khả năng lãnh đạo giỏi.
Do thấy tiến trình đề cử ứng viên của bên Dân chủ hoàn toàn dối trá, rồi thì cái bà Hillary gian dối cùng bà chủ tịch đảng Debbie Wasserman-Schultz không cho phép Bernie Sanders giành chiến thắng và cũng do thấy nay tôi đã trở thành ứng viên của bên Đảng Cộng hòa nên tôi thấy không nên tranh luận với ứng viên hạng hai.
|
Tỉ phú Donald Trump tối 27-5 lại chọc ngoáy các ứng viên đối thủ lẫn Đảng Dân chủ khi tuyên bố từ chối cuộc tranh luận dự kiến trực tiếp trên truyền hình với ứng viên Bernie Sanders bên Đảng Dân chủ |
Quan điểm thay đổi xoành xoạch
Chúng ta hãy cùng xem xét cách thay đổi quan điểm của ông Trump trong quá trình tranh cử.
Thứ nhất là chính sách đối với người Hồi giáo. Ông Trump tuyên bố nếu đắc cử sẽ cấm tất cả người Hồi giáo đặt chân vào lãnh thổ Mỹ cho đến khi Quốc hội giải quyết xong nạn khủng bố.
Tuy nhiên, sau đó ông lại hạ nhiệt bằng tuyên bố những công dân Mỹ theo đạo Hồi được phép xuất nhập cảnh một cách tự do. Tiếp theo đó, ông mở rộng việc đi lại cho các chính khách và doanh nhân Hồi giáo. Cuối cùng thì ông chỉ ngăn cấm những người tị nạn Syria đi vào nước Mỹ!
Ông Trump viết rất nhiều sách và trả lời phỏng vấn, trong đó nêu rõ quan điểm không đồng tình với vấn đề sở hữu vũ khí. Tuy nhiên, phe Cộng hòa lại ủng hộ quyền này như là một chính sách cốt yếu của đảng.
Gần đây, ông Trump tham dự một hội nghị của Hiệp hội Súng trường quốc gia (NRA). Đây là nhóm vận động hành lang đầy thế lực cho chính sách sở hữu vũ khí ở Mỹ. Tại hội nghị này, ông Trump tuyên bố hết sức ủng hộ quyền sở hữu vũ khí và thậm chí bản thân mình cũng đang sở hữu súng!
Đảng Cộng hòa xem thương mại quốc tế là một chính sách nòng cốt của mình. Tuy nhiên, ông Trump lại đồng quan điểm với bà Hillary Clinton và ông Bernie Sanders - hai ứng viên Đảng Dân chủ - rằng Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một quyết định sai lầm của Chính phủ Mỹ.
Chưa kể Donald Trump là một bậc thầy trong việc tự giải thoát khỏi những rắc rối từ các phát ngôn gây sốc của mình. Khi bắt đầu tranh cử, ông đưa ra nhiều phát ngôn rất cực đoan.
Ví dụ ông phản đối mạnh mẽ việc phá thai và sau đó tiếp tục nói rằng những phụ nữ phá thai cần phải bị trừng trị. Nhưng sau đó ông làm giảm chỉ trích của dư luận bằng việc nói rằng những phát biểu đó chỉ là “gợi ý” chứ không phải là “đề nghị”.
Khi bị áp lực mạnh mẽ từ dư luận, ông Trump sử dụng một chiến thuật kinh điển mà tất cả các chính trị gia thường dùng là tuyên bố rằng những phát ngôn về các chính sách của mình chưa được đặt vào đúng bối cảnh xã hội!
Chiến thuật đánh trả cuối cùng của ông Trump là công kích cá nhân để kéo dư luận ra khỏi những vấn đề về chính sách. Chẳng hạn như khi bà Clinton đề nghị cấm vũ khí, ông Trump biến nó thành “vấn đề của phụ nữ”, và nói rằng những người phụ nữ không có súng sẽ không thể bảo vệ bản thân khỏi kẻ xấu.
Ông gọi bà Clinton là “Hillary nhẫn tâm” khiến dư luận và truyền thông tập trung vào bà Clinton thay vì vào vấn đề sở hữu vũ khí.
Donald Trump có rất ít bài phát biểu về chính sách trong chiến dịch tranh cử. Ông thường chỉ việc đứng lên và thẳng thắn nói ra những suy nghĩ của mình - đây là một chiến thuật rất bất lợi đối với một chính trị gia.
Trang web của ông đầy những phát ngôn ngắn gọn về các vấn đề nan giải của Mỹ và không có những giải pháp cụ thể nào. Vì lẽ đó, những ai hi vọng ông Trump sẽ đưa ra được những chính sách đúng đắn có lẽ sẽ bị thất vọng rất nhiều. Rất khó để phản đối những chính sách của ông Trump nếu bạn không hiểu rõ về chúng.
Dân muốn lãnh đạo cứng rắn
Kết quả tranh cử sơ bộ hoàn toàn khác những số liệu thăm dò dư luận. Trong kết quả thăm dò của NBC News/Wall Street Journal vừa công bố hôm 23-5, có đến 60% cử tri thấy lo lắng về sự thiếu kinh nghiệm của ông Trump trong vấn đề quân sự hoặc điều hành chính phủ. Vậy vì sao ông Trump vẫn được chọn?
Dường như những người ủng hộ ông Trump đang khao khát một vị lãnh đạo mới có thể đảo ngược những chính sách thất bại của bà Clinton.
Thay vì ủng hộ các chính sách “Lãnh đạo từ phía sau” hay “Ngoại giao mềm mỏng”, những người ủng hộ ông Trump mong muốn tổng thống sắp tới sẽ tái thiết lập vai trò lãnh đạo hàng đầu của Mỹ trên thế giới. Họ muốn một lãnh đạo có thể đương đầu với tất cả những khó khăn của Mỹ. Họ muốn khôi phục vị thế của Mỹ mà cả thế giới từng tôn sùng.
Bên cạnh đó, họ cảm thấy các lãnh đạo chính trị hiện tại không còn lắng nghe họ nữa. Những người cầm quyền không tôn trọng những mong muốn và cũng không thấu hiểu những khó khăn của người dân. Những người ủng hộ nhìn thấy ở ông Trump hình ảnh một nhà lãnh đạo dám chống lại những thể chế trong các đảng phái, Quốc hội, tầng lớp đặc quyền về kinh tế và truyền thông.
Sự tài tình của ông Trump ở chỗ biết cách lảng tránh chuyện hoạch định chính sách nhưng vẫn cho mọi người thấy mình là một nhà lãnh đạo có khả năng giải quyết mọi vấn đề.
Dù đã 69 tuổi nhưng ông vẫn còn tràn đầy nhiệt huyết như đang ở tuổi 25. Những phát ngôn cực đoan trước công luận lại được những người ủng hộ xem như là thiện chí của ông trong việc dám bày tỏ sự thật. Những đả kích cá nhân đối với các ứng viên khác được nhìn nhận như sự dũng cảm.
Ông Trump không bao giờ nói chuyện trước đám đông với bài diễn văn trên tay hay dùng máy nhắc chữ như các chính trị gia khác. Quan trọng hơn hết, ông Trump là một người có thể gây hoạt náo - điều mà các ứng viên chính trị khác không có được. Những người ủng hộ ông dễ dàng nhận thấy điều đó. Vì đóng vai trò là “người giúp vui” thay vì chính trị gia, ông Trump thường không bị chỉ trích nhiều về những hành vi hay phát ngôn cực đoan của mình.
Những lợi thế nói trên giúp chúng ta hiểu rõ tại sao ông Trump lại được sự ủng hộ mạnh mẽ và rộng rãi, nhưng lại không được yêu thích cho lắm. Những người ủng hộ dường như phớt lờ các điểm yếu của ông vì những phẩm chất lãnh đạo tuyệt vời của ông đã làm lu mờ chúng.
Tiến sĩ TERRY F. BUSS
Con mắt tinh đời của người làm ăn
Ông Trump tinh ý hơn bất kỳ chính trị gia nào khác, đã nhận thấy tiềm năng và cơ hội kết nối với những người bị bỏ rơi và không được lắng nghe. Dù là một tỉ phú nhưng ông Trump lại có rất nhiều người ủng hộ thuộc tầng lớp lao động.
Lý do? Ông Trump tuyên bố sẽ dùng những kiến thức của người giàu để tạo lợi ích cho những người kém may mắn hơn. Chắc chắn không ai có thể đứng ra chống lại thể chế chính phủ tốt hơn một siêu tỉ phú như ông Trump.
|