Bắt đầu từ 15/8/2017, Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu chính thức có hiệu lực. Khi ra đời, đây được xem là “cứu cánh” cho giới ngân hàng, các tổ chức tín dụng trong việc tháo gỡ những vướng mắc để xử lý tài sản đảm bảo.
Tuy nhiên, theo Luật sư Lê Nguyễn Thế Hưng, Chủ tịch Công ty Luật TNHH Vega, tình trạng nợ xấu dẫn đến việc thu giữ tài sản bảo đảm và kéo theo những tranh chấp giữa các bên liên quan đến dự án hiện nay, ngoài các nguyên nhân như: người mua không xem xét một cách cẩn trọng về tình trạng pháp lý của dự án, chủ đầu tư thiếu năng lực thực hiện, thì phần trách nhiệm lớn cần phải kể đến là các tổ chức tín dụng nói chung và ngân hàng nói riêng.
Cụ thể, theo Luật sư Lê Nguyễn Thế Hưng, khi cấp tín dụng cho chủ đầu tư để thực hiện dự án, ngân hàng phải chịu sự điều chỉnh của quy chế cho vay (trước đây là quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN, và hiện nay là Thông tư 39/2016/TT-NHNN) từ khâu xem xét đánh giá hồ sơ đến thẩm định và cho vay.