TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 223
  • Hôm nay: 198
  • Tháng: 1621
  • Tổng truy cập: 5245625
Chi tiết bài viết

Dùng ngân sách giúp ngân hàng kém: Lấy tiền ở đâu?

Đành rằng phải dùng tiền tươi để hỗ trợ ngân hàng yếu kém nhưng Chính phủ sẽ lấy tiền ở đâu, trong dự thảo không thấy đề cập.

Đây là nhận xét của TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính-ngân hàng khi trao đổi với Đất Việt về dự thảo luật Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến.

PV: - NHNN đang lấy ý kiến dự thảo Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu. Trong một bài viết mới đây, chuyên gia kinh tế - TS Phan Minh Ngọc cho rằng, dự thảo đã hợp pháp hóa việc dùng ngân sách để xử lý nợ xấu.

Để minh chứng điều này, TS Ngọc dẫn điều 31 của dự thảo luật về biện pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng yếu kém được mua bắt buộc, trong đó nêu rõ tổ chức tín dụng yếu kém được mua bắt buộc có thể được Chính phủ cấp vốn để bổ sung vốn điều lệ, hoặc được Chính phủ cho vay dài hạn với lãi suất đến 0%.

Ông có đồng tình với quan điểm này của TS Phan Minh Ngọc? Vì sao?

Dung ngan sach giup ngan hang kem: Lay tien o dau?
Ocean Bank là một trong những ngân hàng đã được ngân hàng Nhà nước mua lại 0 đồng.

TS Nguyễn Trí Hiếu: - Tôi đồng tình với nhận định của TS Phan Minh Ngọc. Theo đó, các ngân hàng yếu kém sau khi được NHNN mua với giá 0 đồng cần phải bổ sung vốn điều lệ. Đối với ba ngân hàng đã được NHNN mua với giá 0 đồng (OceanBank, CBBank, GPBank), vốn chủ sở hữu (vốn thực của vốn điều lệ) có thể đã âm, mà theo Luật các tổ chức tín dụng, một ngân hàng phải có vốn điều lệ tối thiểu 3.000 tỷ đồng. Nếu các ngân hàng đó có vốn âm thì bắt buộc NHNN, vốn là công ty mẹ của các ngân hàng đó và là nhà đầu tư duy nhất, phải bổ sung vốn vào để đảm bảo số vốn điều lệ tối thiểu. Tiền đó là tiền của NHNN, tức là tiền ngân sách.

Tuy nhiên, tại thời điểm này, không ai biết 3 ngân hàng đó đã được bổ sung vốn điều lệ bao nhiêu. NHNN giao cho các ngân hàng mà Nhà nước nắm quyền chi phối là VietinBank, Vietcombank hỗ trợ 3 ngân hàng 0 đồng, nhưng họ chỉ hỗ trợ vốn hoạt động, tức cho các ngân hàng 0 đồng vay, các ngân hàng này dùng tiền đó để chi trả cho khách hàng hoặc cho vay lại.

Từ đây, tôi cho rằng trong dự thảo Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu nên bỏ qua bước mua với giá 0 đồng vì bước này không cần thiết.

Sau khi 1 ngân hàng yếu kém bị kiểm soát đặc biệt, thanh tra của NHNN có thể đi đến kết luận ngân hàng này có phục hồi được hay không. Nếu có thể phục hồi được thì đi luôn tới giai đoạn cuối cùng là (tình nguyện/cưỡng bức) sáp nhập, hoặc bán ngân hàng đó cho các nhà đầu tư. Nếu không còn ai muốn mua thì cho ngân hàng phá sản.

Biện pháp mua ngân hàng với giá 0 đồng cách đây 2 năm là để tránh tình trạng đổ vỡ hệ thống, nhưng đó không phải là cách giải quyết hiệu quả. Đến giờ này, chưa thấy các ngân hàng 0 đồng phục hồi mạnh mẽ và nếu cứ trong tình trạng này, cuối cùng chúng cũng đi vào con đường phá sản.

Chính vì thế, tôi đồng ý với TS Phan Minh Ngọc là dự thảo luật đã hợp pháp hóa việc dùng ngân sách để xử lý nợ xấu vì phải bơm vốn vào ngân hàng 0 đồng. Nhưng tôi đề nghị bỏ luôn bước 0 đồng, không cần dùng ngân sách để xử lý nợ xấu và xử lý ngân hàng yếu kém. Thay vào đó, hãy để cho thị trường tự xử lý. Khi vào trong thị trường, nếu ngân hàng hoạt động tốt, có khả năng phục hồi thì thị trường sẽ bơm vốn cho nó hoạt động, còn ngược lại thì cho ngân hàng phá sản luôn, Chính phủ không cần phải bận tâm dùng công quỹ cứu ngân hàng đó nữa.

Nhiều ý kiến băn khoăn rằng: đồng ý phải dùng tiền tươi để hỗ trợ ngân hàng yếu kém nhưng sẽ lấy tiền ở đâu? Trong dự thảo luật không thấy đề cập đến chuyện này.

Khi mua 1 ngân hàng mà vốn của nó âm hoặc bằng 0, muốn nó tồn tại trên thị trường không thể nào không bổ sung vốn điều lệ cho ngân hàng ấy. Thành ra nếu xử lý nợ xấu mà phải bổ sung vốn cho ngân hàng hoạt động, hợp pháp hóa việc NHNN mua với giá 0 đồng thì đến cuối cùng NHNN phải đổ vốn vào, tức tiền của ngân sách đổ vào, đó là điều không tránh được.

Trong bối cảnh ngân sách eo hẹp, nợ công tăng, đi vay khó khăn thì cách hay nhất là không mua lại ngân hàng yếu kém với giá 0 đồng, không tốn công quỹ gì nữa.

Việt Nam rất "nửa chừng xuân" khi đưa ra giải pháp mà không đưa phương tiện để giải quyết mà giải pháp lại không hợp lý nên không cần đến giải pháp đó nữa.

Một điểm không hợp lý khác, theo tôi, đó là cụm từ mua ngân hàng với giá 0 đồng chỉ mang tính ngụy trang, thực chất nó là quốc hữu hóa. Ba ngân hàng 0 đồng là NHNN mua tất cả cổ phần với giá 0 đồng và NHNN trở thành ngân hàng mẹ của 3 ngân hàng đó, thực chất là quốc hữu hóa ngân hàng. Nhưng có lẽ do ngại nhạy cảm nên người ta sử dụng cụm từ mua ngân hàng với giá 0 đồng

Vậy sự khác biệt giữa quốc hữu hóa ở Việt Nam với quốc hữu hóa ở các nước khác như thế nào? Các nước khác khi quốc hữu hóa 1 ngân hàng, Bộ Tài chính sẽ đứng ra bổ sung vốn cũng như tìm cách quản lý ngân hàng đó theo chính sách của quốc gia đó, mà thường họ quốc hữu hóa vì lợi ích chung chứ không phải quốc hữu hóa để cứu ngân hàng yếu kém.

Trong khi đó, ở Việt Nam thì ngược lại, không vì mục đích nào khác ngoài mục đích không cho đổ vỡ hệ thống ngân hàng. Nhưng khi cứu ngân hàng yếu kém thì lại giao cho mấy ngân hàng thương mại có vốn nhà nước 'nuôi', còn NHNN không đụng gì đến, có chăng cho vay chút đỉnh hoặc mua nợ xấu cho ngân hàng.

Tại Mỹ, trong cuộc khủng hoảng 2008, Chính phủ Mỹ bơm đến 700 tỷ USD vào các ngân hàng với hình thức mua cổ phiếu ưu đãi từ các ngân hàng. Trên cổ phiếu ưu đãi đó xác định sẵn mỗi năm cổ tức được chia bao nhiêu. Tuy nhiên, những cổ đông sở hữu cổ phiếu ưu đãi không được phép tham gia hội đồng quản trị. Đáng lưu ý, không chỉ có ngân hàng yếu kém mà rất nhiêu ngân hàng khác của Mỹ cũng được hưởng cổ phiếu ưu đãi lúc đó của chính phủ Mỹ.

Nhờ chương trình này mà sau chừng 5-6 năm, Mỹ đã vực dậy được các ngân hàng và các ngân hàng đó mua lại cổ phiếu ưu đãi từ chính phủ do làm ăn có lời, không cần tiền của chính phủ nữa. Không những thế, chính phủ Mỹ còn được lợi rất nhiều nhờ được chia cổ  tức.

Trong trường hợp hiện tại, NHNN Việt Nam là cổ đông duy nhất của các ngân hàng 0 đồng và tham gia quản trị luôn, nếu không thì cũng giao trách nhiệm quản trị cho Vietcombank, Vietinbank. Tuy nhiên, về bản chất NHNN vẫn là nhà đầu tư duy nhất của các ngân hàng 0 đồng.

Việt Nam hiện chưa có hình thức cổ phiếu ưu đãi mà mới có cổ phiếu phổ thông nhưng trong tương lai có thể áp dụng cách tương tự: lên một chương trình để các ngân hàng yếu kém phát hành cổ phiếu ưu đãi, Chính phủ bơm tiền vào với hình thức mua lại các cổ phiếu này nhưng không có quyền tham gia quản trị.

PV: - Dù vậy, dự thảo luật không quy định rõ nguồn tiền cho vay ở đâu;  mức vay, hình thức vay của tổ chức tín dụng yếu kém như thế nào, tiền vay được sử dụng ra sao... Theo quan điểm của ông, những vấn đề trên cần được làm rõ như thế nào nhằm đảm bảo sự minh bạch?

TS Nguyễn Trí Hiếu: - Chắc chắn phải làm rõ nhưng có một vấn đề phải rất rõ ràng là với các ngân hàng được mua lại với giá 0 đồng phải có 2 nguồn tiền: đó là nguồn tiền cho vay và nguồn tiền đầu tư. Với nguồn tiền cho vay, các ngân hàng phải trả lại tiền vay đó theo 1 kỳ hạn nhất định. Còn nguồn tiền đầu tư, NHNN hay Chính phủ phải bỏ tiền đầu tư vào ngân hàng để bổ sung vốn điều lệ.

Luật phải nói rõ, nếu những ngân hàng được mua với giá 0 đồng thì vốn điều lệ ai bổ sung, bổ sung tới bao nhiêu (theo quy định hiện hành thì phải có tối thiểu 3.000 tỷ đồng). Bên cạnh vốn đầu tư phải có nguồn vốn để hoạt động, nguồn vốn đó ai cấp, lấy ở đâu.

Tôi không rõ hiện tại 3 ngân hàng 0 đồng có vốn đầu tư bao nhiêu, vốn điều lệ đã  đạt 3.000 tỷ đồng chưa hay vẫn là 0 đồng hay âm, được bổ sung bao nhiêu... 

PV: - Các ngân hàng Việt Nam đang hướng tới việc áp dụng tiêu chuẩn về hoạt động kinh doanh theo chuẩn mực quốc tế Basel 2 nhằm lành mạnh hóa và đảm bảo sự an toàn bền vững của hệ thống ngân hàng. Việc tạo cơ chế hỗ trợ các tổ chức tín dụng yếu kém bằng hẳn 1 luật riêng liệu có mâu thuẫn với mục tiêu ngân hàng Việt Nam đang hướng tới hay không, thưa ông?

TS Nguyễn Trí Hiếu: - Không mâu thuẫn vì thật ra hệ thống ngân hàng Việt Nam so với chuẩn mực quốc tế còn rất yếu kém. Vì thế phải có 1 đạo luật để cải thiện tình hình hệ thống ngân hàng Việt Nam rồi mới nói chuyện hội nhập. Đây là bước cần thiết để thúc đẩy tiến trình hội nhập.

Thành Luân

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness