Phòng Tình huống (WHSR) được thành lập năm 1961 ở trong tầng hầm chái Tây của Nhà Trắng.
Phim ảnh và tiểu thuyết gián điệp mô tả WHSR là nơi duy nhất mà các tổng thống Mỹ họp bàn cùng các trợ lý để đưa ra những quyết định tuyệt mật về một cuộc khủng hoảng nào đó. Trên thực tế, đó là một dãy phòng mà các quan chức Nhà Trắng khẳng định "an toàn nhất thế giới".
Phòng Tình huống được nâng cấp lần gần nhất vào năm 2006, trước khi đóng cửa trong một năm qua để tiến hành đại tu với chi phí lên tới 50 triệu USD. Cuộc đại tu đặc biệt chú ý đến các thiết bị và công nghệ liên lạc tinh vi để ngăn chặn đối thủ của Mỹ nghe lén.
Phòng Tình huống của Nhà Trắng mới được Tổng thống Joe Biden cho đại tu gần đây. Ảnh: Reuters
"Bước vào trung tâm Phòng Tình huống mới được tân trang, có cảm giác giống như bước vào bối cảnh của một bộ phim kinh dị do Hollywood sản xuất" - báo The New York Times bình luận sau khi các phóng viên được tham quan căn phòng này hồi giữa tuần rồi.
Trong tầng hầm không có cửa sổ, cách Phòng Bầu dục một tầng, chiếc ghế xoay ngoại cỡ của tổng thống Mỹ đối diện với 3 màn hình lớn có thể "giám sát các hoạt động bí mật trên khắp thế giới".
Bên trong Phòng Tình huống còn có những chiếc đồng hồ đang hiển thị thời gian thực khắp các thành phố trên thế giới, bao gồm Teheran (Iran) và Kiev (Ukraine). Vì vậy, các trợ lý luôn biết thời gian dù tổng thống Mỹ có đang ở bất cứ nơi đâu.
Các bức tường của WHSR được ghép với các loại gỗ quý, che giấu những gì mà các quan chức Nhà Trắng mô tả là những công nghệ tinh vi nhất trong kho vũ khí của Mỹ để giữ an toàn cho căn phòng.
Bàn họp chính trong Phòng Tình huống mới được cải tạo của Nhà Trắng, còn được gọi là phòng John F. Kennedy. Ảnh: Reuters
Chính cuộc chạy đua vũ trang tình báo đã khiến Tổng thống Biden chấp thuận việc nâng cấp Phòng Tình huống.
Thực tế, màn hình máy tính và máy chủ tưởng chừng như hiện đại vào năm 2006 – một năm trước khi iPhone được công bố – đã trở nên cũ kỹ và lạc hậu. Công nghệ chặn tín hiệu cần được hiện đại hóa trong thời đại cạnh tranh công nghệ cao với Trung Quốc và Nga.
"Bạn phải không ngừng nâng cấp để theo kịp các đối thủ nước ngoài. Việc đại tu đã nâng Phòng Tình huống lên tiêu chuẩn cao nhất hiện nay" – ông Marc Gustafson, quan chức đứng đầu và phụ trách việc đại tu WHSR, cho biết.
Tổng thống Joe Biden đã cắt băng khánh thành và tổ chức cuộc họp đầu tiên tại Phòng Tình huống mới vào hôm 5-9-2023, tức chỉ 2 ngày trước khi lên đường công du tới Ấn Độ và Việt Nam.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cắt băng khánh thành Phòng Tình huống mới được đại tu của Nhà Trắng vào ngày 5-9-2023. Ảnh: Reuters
Tầng Giám sát
Đầu não của Phòng Tình huống là căn phòng lớn nhất tại đây mang tên Tầng Giám sát (Watch Floor). Tường phòng này gắn một loạt màn hình phẳng cỡ lớn, trên đó hiển thị rất nhiều dữ liệu như video, mạng xã hội, các loại bản đồ và báo cáo tình báo của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA), Bộ Quốc phòng... cũng như các bản tin của nhiều cơ quan truyền thông lớn.
Trong phòng có 3 dãy bàn, là nơi làm việc của 17 quan chức đến từ các cơ quan chính phủ, quân đội, tình báo và Bộ Ngoại giao, Bộ An ninh nội địa...
Ca làm việc ban ngày từ 5 giờ sáng đến 5 giờ chiều, tiếp đó là ca đêm. Những người này chịu trách nhiệm cấp báo cho tổng thống Mỹ và dàn trợ lý của ông về bất cứ khủng hoảng nào nổ ra. Giả sử Triều Tiên phóng tên lửa trong đêm thì chính Tầng Giám sát sẽ đánh thức (thường là) cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống dậy.
Tầng Giám sát cũng đảm bảo an ninh cho các cuộc gọi đi và tới Nhà Trắng.
Bằng Hưng - Hải Ngọc - Theo Người Lao Động