Với tuyến vành đai 3, cú hích tăng trưởng mới của TP.HCM đã chính thức được kích hoạt, hứa hẹn mang đến nhiều lợi thế và tiềm năng cho các đô thị vệ tinh xung quanh.
Hình thành đô thị đa cực quanh đường vành đai
Phát triển đa cực vừa là mô hình kinh điển vừa là lối đi ưu việt của các thành phố lớn trên toàn cầu để mở rộng không gian đô thị, giảm sức ép về dân cư, tạo nguồn việc làm mới, gia tăng cơ hội đầu tư… Trong đó, chìa khóa để phát triển các khu đô thị vệ tinh, trung tâm mới nằm ở việc phát triển các tuyến đường vành đai.
Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, các tuyến vành đai không chỉ giảm tải áp lực giao thông nội đô, mà còn là đòn bẩy thúc đẩy phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tạo nguồn lực đầu tư phát triển cho tương lai. Đi cùng sự phát triển của các dự án vành đai là hệ thống hạ tầng quy mô, các trung tâm kinh tế, tài chính sôi động...
Điển hình như London, đường vành đai M25 chạy bao quanh thủ đô là con đường đông đúc và quan trọng bậc nhất nước Anh, cũng là tuyến đường vành đai lớn nhất châu Âu. Tại Paris (Pháp), đại lộ Périph dài hơn 35 km, đóng vai trò huyết mạch kết nối các đô thị bên ngoài thủ đô với nhau. Còn tại Berlin (Đức), tuyến vành đai số 10 đã hình thành nên những vùng đô thị sầm uất, đông đúc, kết nối tới sân bay và các tuyến tàu quan trọng.
Đường vành đai giúp hình thành các đô thị sầm uất bên ngoài vùng lõi khắp thế giới
Tại Việt Nam, Hà Nội đã hướng đến xây dựng thành phố trực thuộc tại các huyện phía Bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (Hòa Lạc, Xuân Mai) thông qua đường vành đai 4 - tuyến đường quan trọng để phát triển kinh tế, xã hội vùng Thủ đô, dự kiến được khởi công trong năm 2023.
Riêng TP.HCM, đường vành đai 3 kết nối TP.HCM - Đồng Nai - Bình Dương - Long An sẽ khởi công đồng loạt trong tháng 6 và 7 này, hứa hẹn sẽ tạo động lực tăng trưởng kinh tế cho toàn bộ vùng Đông Nam Bộ.
Tiềm năng rộng mở cho thị trường địa ốc
Hạ tầng giao thông là một trong những cú hích quan trọng thúc đẩy đô thị hóa và sự tăng trưởng của thị trường bất động sản. Do đó, tất cả những khu vực có tuyến đường vành đai đi qua, thị trường đều tăng trưởng vượt trội.
Tại nhiều nước, quy hoạch đường vành đai đã khiến giá trị bất động sản có những bước nhảy vọt. Tại Singapore, các dự án dọc tuyến vành đai rìa thành phố ghi nhận mức tăng giá 11% sau khi con đường đi vào vận hành. Riêng thị trường bất động sản quanh vành đai 3 của Bangkok (Thái Lan) đã đạt mức tăng tới 50% so với trước khi quy hoạch.
Các dự án bất động sản kề cận đường vành đai hưởng lợi nhờ đòn bẩy tăng giá
Nhận định về tác động của tuyến đường vành đai 3 (TP.HCM) tới thị trường bất động sản, ông Trần Quốc Thái, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng cho hay, mặt bằng giá chung sẽ có sự biến động theo chiều hướng tích cực hơn. Qua thực tiễn của địa phương và thế giới, mức tăng giá 11-12% là tối thiểu.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, trong 5-10 năm tới, kế cận các dự án bất động sản tại TP. Thủ Đức còn có hàng loạt công trình lớn như vành đai 2 được khép kín, vành đai 4, sân bay Long Thành… Với tiềm năng gia tăng giá trị về dài hạn, khu vực này sẽ là thỏi nam châm thu hút các dự án lớn. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần tỉnh táo để ưu tiên lựa chọn các dự án có pháp lý hoàn chỉnh, quy hoạch và liên kết vùng tốt với đầy đủ tiện ích để tránh tình trạng “tiền mất tật mang” khi chạy theo những dự án “ảo” ăn theo cơ sở hạ tầng.
Như Loan - Theo Báo Đầu Tư