Hầu hết những năm nóng nhất trong lịch sử đều xảy ra trong gian có El Nino. Các nhà khoa học cảnh báo mùa hè năm nay và năm sau có thể chứng kiến nhiệt độ ở mức kỷ lục trên đất liền và trên biển. Nhiều quốc gia và châu lục khi đó đã ghi nhận một năm nắng nóng kỷ lục. Riêng năm nay, các nhà khí tượng học nhận định, El Nino kết hợp với sự nóng lên do biến đổi khí hậu sẽ khiến thế giới phải đối mặt với nền nhiệt cao kỷ lục.
Chưa kể, khi El Nino xảy ra, nước biển ở phía Đông Thái Bình Dương sẽ ấm hơn bình thường. Với tình hình hiện tại, khi nhiệt độ bề mặt nước biển trung bình toàn cầu cao trong tháng 5 hơn khoảng 0,1 độ C so với số liệ trong quá khứ, thời tiết được dự kiến sẽ trở nên khắc nghiệt hơn nữa.
Về điều này, bà Michelle L'Heureux, nhà khí tượng học thuộc Trung tâm Dự báo Khí hậu của NOAA cho biết, nhân loại đang ở trong tình trạng chưa từng có. Theo một nghiên cứu hồi tháng 5 trên tạp chí Science, El Nino năm nay có thể dẫn đến thiệt hại kinh tế toàn cầu lên tới 3.000 tỷ USD, làm suy giảm GDP, sản xuất cùng nông nghiệp. Đặc biệt, nó có thể khiến dịch bệnh lây lan nhanh hơn.
Tác động của El Nino đến Việt Nam
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Việt Nam cho biết, El Nino là một kiểu khí hậu tự nhiên sinh ra từ vùng nước ấm bất thường ở phía đông Thái Bình Dương.
El Nino là hiện tượng nhiệt độ nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và phía Đông Thái Bình Dương (đặc trưng bởi khu vực Nino3.4) cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 0,5 độ C trở lên, thường kéo dài 8-12 tháng, với tần suất lặp lại khoảng 3-4 năm 1 lần.
Chênh lệch nhiệt độ mặt nước biển khu vực Nino3.4 trung bình mùa 03 tháng 2-3-4/2023 đang thấp hơn trung bình nhiều năm là 0,2 0C và tiếp tục tăng hơn so với mùa 03 tháng 1-2-3/2023 là 0,2 độ C.
Trong tuần đầu tháng 5/2023, nhiệt độ mặt nước biển khu vực Nino3.4 đã tăng và hiện tại đang cao hơn mức trung bình nhiều năm là 0,4 độ C.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong điều kiện El Nino, nhiệt độ trung bình các tháng ở hầu hết các vùng trong cả nước có xu thế cao hơn bình thường; nắng nóng có thể nhiều hơn và gay gắt hơn; khả năng xuất hiện nhiều kỷ lục về nhiệt độ cao nhất tuyệt đối.
Hoạt động của bão/áp thấp nhiệt đới có thể không nhiều nhưng tập trung nhiều vào giữa mùa, dị thường hơn cả về cường độ và quỹ đạo.
Đặc biệt, El Nino thường gây thâm hụt lượng mưa ở đa phần diện tích cả nước với mức phổ biến từ 25 đến 50%. Từ đó, dẫn đến nguy cơ cao xảy ra khô hạn cục bộ, hoặc diện rộng ở những nơi có nhu cầu dùng nước nhiều cho sản xuất và sinh hoạt trong các tháng mùa khô năm 2023.
Bên cạnh đó, cần đề phòng tình trạng ít mưa dẫn đến tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước trong những tháng đầu năm 2024 trên phạm vi toàn quốc. Trước đó, El Nino đã gây ra các đợt hạn mặn kỷ lục vào năm 2015, 2016 và 2019,2020.
Ước tính trung bình mỗi năm có 5-7 xoáy thuận nhiệt đới bao gồm bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến Việt Nam, trung bình mỗi tháng có 0,58 cơn. Trong những năm El Nino, trung bình mỗi tháng có 0,42 cơn, ít hơn trung bình nhiều năm khoảng 28%. Ngoài ra, khi có El Nino, xoáy thuận nhiệt đới thường tập trung vào giữa mùa bão (tháng 7, 8, 9).
Với El Nino, nhiệt độ trung bình các tháng đều cao hơn bình thường, mùa đông chênh lệch rõ rệt hơn mùa hè, các khu vực phía Nam chịu ảnh hưởng nhiều hơn phía Bắc. Các đợt El Nino mạnh thậm chí có thể gây ra nhiều kỷ lục về nhiệt độ cao nhất tuyệt đối ở nhiều nơi.
El Nino thường gây thiếu hụt lượng mưa trong hầu hết các vùng trong cả nước, phổ biến từ 25 đến 50% (rõ rệt nhất là Bắc Trung Bộ). Điều đặc biệt, một số đợt El Nino gây ra những kỷ lục về lượng mưa lớn nhất trong 24h và số tháng liên tục hụt mưa ở một số nơi. Điều này cho thấy El Nino làm tăng tính biến động về mưa ở Việt Nam, chẳng hạn như năm 2015 xảy ra El Nino nhưng tại Quảng Ninh lại xuất hiện mưa lớn lịch sử vào cuối tháng 7.
Năm 2002, trong điều kiện El Nino, mưa lớn vẫn xuất hiện và gây lũ lớn trên các khu vực, như lũ lớn trên báo động 3 vào tháng 7 đầu tháng 8 trên sông Hồng ở Thái Bình, lũ lớn Trung Bộ cuối tháng 9 trong đó có xuất hiện lũ lịch sử xuất hiện thượng nguồn sông Cả (Hà Tĩnh); xuất hiện lũ lớn kéo dài ở đồng bằng sông Cửu Long.
Năm 2009, cơn bão số 9 (Ketsana) đi vào địa phận các tỉnh Quảng Nam - Quảng Ngãi cũng gây ra đợt lũ lớn lịch sử vào cuối tháng 9. Đỉnh lũ năm 2009, tại các sông chính từ Quảng Bình đến Phú Yên đều vượt báo động 3. Ngập lụt ngiêm trọng xảy ra từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và Kon Tum.
Theo SputnikNews