Hiện tượng cá chết xảy ra suốt một tháng tại miền Trung Việt Nam
El Niño hiểu đơn giản là hiện tượng nóng lên của vùng xích đạo Thái Bình Dương tập trung ở khu vực trung tâm và phía đông của đại dương này.
Trung bình cứ 2 - 7 năm sẽ có một đợt El Niño. Mỗi đợt El Niño sẽ gây ra những hậu quả nặng nhẹ khác nhau, rất khó để dự đoán. Nhìn chung, El Niño sẽ có thể gây ra bão, lụt, hạn hán, cháy rừng, dịch bệnh, nạn đói, mùa màng thất bát, các giống loài bị phân bổ lại, động vật bị chết hàng loạt, cá chết hàng loạt, và san hô bị tẩy trắng (không hẳn là chết nhưng nếu bị tẩy trắng quá lâu thì cũng sẽ chết).
Đợt El Niño năm 1997-1998 là đợt nóng kinh khủng nhất trong lịch sử của El Niño, được gọi là Siêu El Niño, và gây hậu quả nghiêm trọng nhất bao gồm: bão nhiệt đới ở miền Đông Canada và Mỹ, lũ ở Trung Quốc, cháy rừng ở Úc, dịch sốt xuất huyết bùng nổ ở Tây Thái Bình Dương và Châu Á, hơn 35 nước tuyên bố có thiên tai, mùa màng thất bát, đất đai mất chất, ô nhiễm sông ngòi, nguồn nước ngầm bị cạn kiệt dẫn đến đói kém, cá chết hàng loạt ở nhiều nơi trên thế giới, san hô cũng bị tẩy trắng khắp nơi trên thế giới, và có 23,000 người tử vong do hậu quả của trận Siêu El Niño này.
Đầu năm 2014, một nhóm các nhà khoa học trên thế giới chuyên về dự đoán khí hậu đã đưa ra minh chứng cho mối liên quan giữa biến đổi khí hậu toàn cầu và El Niño trên tạp chí danh tiếng Nature Climate Change.
Theo dự đoán có cơ sở của họ thì khi trái đất ngày càng nóng lên, tần số Siêu El Niño xảy ra cũng sẽ tăng theo, từ một lần mỗi 20 năm thì bây giờ sẽ là một lần mỗi 10 năm.
Bắt đầu từ tháng 8/2015, nhiều báo đài uy tín trên toàn cầu, trong đó có NOAA, đã đưa ra cảnh báo El Niño 2015-16 sẽ là đợt El Niño tương đương với đợt Siêu El Niño 1997-98 và thậm chí có thể kinh khủng hơn.
Vậy những lý do nào khiến El Niño và việc trái đất nóng lên có thể là thủ phạm của việc gây chết cá tại vùng biển Hà Tĩnh đến Đà Nẵng của Việt Nam?
El Niño dẫn đến thiếu hụt oxygen và thức ăn cho cá
Đoạn hoạt hình ngắn sau cung cấp bởi NOAA (National Oceanic and Atmostpheric Administration - Cơ quan Theo dõi Đại dương và Khí hậu Quốc gia của Mỹ) cho thấy sự thay đổi về nhiệt độ bề mặt của biển (SST - sea surface temperature) Thái Bình Dương do ảnh hưởng của El Niño từ đầu tháng 2 đến cuối tháng 4/2016 rất rõ rệt. Màu càng đỏ thì nghĩa là nhiệt độ càng cao.
Image copyrightCPC
Nếu chú ý nhìn vào khu vực biển bao quanh Việt Nam thì có thể thấy rõ đây là khu vực bị tăng nhiệt độ theo hướng lấn sâu vào bờ, và có màu đỏ đậm. Nghĩa là khu vực biển Đông này có nhiệt độ bề mặt của biển tăng nhiều nhất, từ 1 - 2 độ C. Hậu quả là nhiệt độ bề mặt của nước biển dọc theo sườn Việt Nam tăng lên trên 28 độ C trong giai đoạn này, cũng là giai đoạn có cá chết hàng loạt từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng.
Đợt Siêu El Niño năm 1997-1998 cũng đã khiến nhiệt độ bề mặt của biển của khu vực đông Thái Bình Dương này tăng trên 28 độ C. Rất tiếc là khi đó báo mạng ở Việt Nam chưa có nên không thể tìm lại được thông tin gì nhiều xoay quanh hậu quả của đợt Siêu El Niño này tại Việt Nam.
Bình thường, "đường phân cách nhiệt" (thermocline) ở biển Đông khu vực Hà Tĩnh - Đà Nẵng thuộc loại nông, và nằm trong khoảng từ dưới 50m đến dưới 100m mặt nước biển, theo nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học Trung Quốc dẫn đầu bởi tiến sỹ Fan Wei, đã xuất bản trên tạp chí khoa học biển Acta Oceanol.Sin. năm 2014.
Đường phân cách nhiệt là vùng biển chuyển tiếp từ vùng biển bề mặt có nhiệt độ ấm hơn và vùng biển đáy có nhiệt độ lạnh. Phía trên đường này, lượng oxygen hoà tan trong nước biển (DO level) là 100%. Và phía dưới đường này thì DO sẽ dưới 100%. Các loại sinh vật biển đã thích nghi với điều kiện sống như thế tuỳ theo môi trường chúng đang sống.
Image copyrightMINH NGUYEN
Do ảnh hưởng của El Niño, bề mặt nước biển nóng lên, lượng oxygen hoà tan trong bề mặt nước biển sẽ bị giảm mạnh, và làm đường phân cách nhiệt này bị tăng lên, trong khoảng từ 20 đến 40m dưới mặt nước biển (thay vì quanh mức 50-100m). Hậu quả của điều này là cá sống ở từ 20 - 100m dưới mặt biển sẽ thích ứng không kịp với việc thiếu oxygen (DO giảm đột ngột xuống dưới 100%), dẫn đến tử vong hàng loạt.
Điều này phù hợp với việc các cá chết dọc bờ biển Hà Tĩnh-Đà Nẵng đa số là sống trong khoảng 30 - 40m dưới mặt nước biển.
Không chỉ vậy, El Niño còn ngăn cản lớp nước biển lạnh ở sâu dưới đường phân cách nhiệt trồi lên trên, mà đây lại là lớp nước biển giàu dinh dưỡng.
Do đó, cá ở trên đường phân cách nhiệt sẽ bị thiếu cả thức ăn, ngoài việc thiếu oxygen ra. Và như thế, cá ở dọc Hà Tĩnh-Đà Nẵng sẽ còn tiếp tục chết cho đến khi El Niño chấm dứt, dự đoán có thể là vào tháng 6 này.
Cá chết hàng loạt ở nhiều nơi trên thế giới do ảnh hưởng của El Niño
Tính từ năm 2015 đến nay (cũng là lúc Siêu El Niño bắt đầu), tình trạng các sinh vật biển chết hàng loạt đã xảy ra liên tiếp cận kề nhau ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là các nước nằm trong vùng ảnh hưởng của El Niño.
Gần Việt Nam nhất về phía Tây có Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Bangladesh, Ấn Độ, Malaysia, Singapore; về phía đông có đảo Hải Nam (Trung Quốc), Hong Kong, Nhật, Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia, Philippines, Úc, New Zealand v…v.. rồi đến các nước xa hơn nhưng cũng nằm trong vùng ảnh hưởng ở châu Mỹ (Canada, Mỹ, Mexico, Nicaragua, Panama, Colombia, Brazil, Peru, Chile, Argentina v..v..), châu Âu (Iraq, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha, Anh, Ai Cập v…v…), và châu Phi (Algeria, Mauritania, Nam Phi).
Điển hình là tại Florida, hàng km bờ biển đã bị phủ trắng bởi cá chết. Các nhà chức trách đã kết luận là do El Niño.
Hay gần chúng ta hơn nữa là Campuchia, cuối tháng Tư vừa qua cũng có chừng 65 tấn cá chết trong các hồ, và cũng đã được các nhà chức trách kết luận do El Niño. Malaysia, Chile, Ấn Độ cũng đều bị cá chết hàng loạt và đều được các nhà chuyên môn cho là do El Niño.
Còn đây là bản đồ nhiệt độ bề mặt nước biển (SST) bị tăng do El Niño lấy từ NOAA, và mỗi chấm là một nước có tình trạng cá chết hàng loạt xảy ra vào năm 2015 và 2016 vừa qua. Nhìn vào bản đồ này, có thể thấy rằng các nước bị cá chết đều nằm trong vùng ảnh hưởng của El Niño, trong đó có Việt Nam.
Image copyrightMINH NGUYEN
Có vài điểm trùng khớp xoay quanh việc giống nhau giữa Siêu El Niño năm 1997-1998 và 2015-2016
Nếu là do El Niño làm cá chết thì tại sao trước giờ Việt Nam chưa từng có điều này xảy ra?
Điều này có thể giải thích là vì mỗi El Niño lại có biểu hiện và gây ra hậu quả khác nhau, nên sẽ không có lần nào như lần nào.
Tuy nhiên, El Niño lần này được cho là giống nhất với lần xảy ra năm 1997-1998. Và điều thú vị là hiện tượng cá chết hàng loạt này cũng đã chỉ xảy ra với một số nơi vào hai khoảng thời gian này là 1997 - 1998 và 2015 - 2016. Ví dụ gần Việt Nam nhất là Hong Kong và Úc.
Tại Hong Kong, các nơi nuôi cá biển khắp nơi bị cá chết lên đến 80% vào tháng 3-4/1998. Nguyên nhân được kết luận là do tảo đỏ hay còn gọi là thuỷ triều đỏ (red tides).
Tuy nhiên, một nhóm các nhà khoa học Hong Kong và Canada, dẫn đầu bởi tiến sỹ Kedong Yin, trên tạp chí khoa học Marine Ecology Progress Series năm 1999, đã khẳng định vụ cá chết mùa xuân năm 1998 có nguyên nhân sâu xa là do El Niño dẫn đến hiện tượng tảo nảy nở quá độ, khiến cá bị chết vì thiếu oxygen và bị ngộ độc tảo.
Bắt đầu từ tháng 12/2015 đến nay, Hongkong lại bị một trận cá chết, và được so sánh là tương đương với trận năm 1998. Tổng cộng 36 tấn cá biển nuôi bị chết dọc sông Shing Mun. Nguyên nhân cũng là do thuỷ triều đỏ. Còn tại sao có thuỷ triều đỏ thì chưa rõ, nhưng được khẳng định là không phải do ô nhiễm nước.
Trong lịch sử của Hong Kong chỉ mới có hai trận cá chết với số lượng lớn như thế, và thật tình cờ là cả hai lần đều trùng với lúc xảy ra Siêu El Niño.
Tại Úc, El Niño đã được kết luận là thủ phạm tẩy trắng (coral bleaching) Rặng San Hô Great Barrier Reef của Úc lần đầu tiên vào năm 1997-98, và đã được ghi nhận lại trong quyển “The Geomorphology of the Great Barrier Reef: Development, Diversity and Change” của tác giả David Hopley, Scott G. Smithers, và Kevin Parnell.
Lần thứ hai rặng san hô này bị tẩy trắng vào đợt El Niño năm 2002 - 2003 và bị tiêu hủy hết 18%, nhưng đợt El Niño này không giống với đợt năm 1997 - 1998.
Đây là lần thứ ba Great Barrier Reef bị tẩy trắng, và lần này, El Niño có thể là một trong những nguyên nhân phá huỷ đến 93% rặng san hô này. Như vậy trong lịch sử bị tẩy trắng của Great Barrier Reef có ba đợt thì hết hai đợt xảy ra cùng lúc với El Niño, và đợt thứ ba là đợt kinh khủng nhất.
Cũng thật trùng khớp là ngày 7/5/2016 vừa qua, báo Pháp Luật cũng đã đưa tin các rặng san hô gần bờ ở Quảng Bình cũng đã bị tẩy trắng.
35 tấn cá chết ở đảo Hải Nam ngày 4/5/2016
Đây là điều tôi đã trông đợi xem có xảy ra không. Và nó đã xảy ra. Lý do tôi nghĩ nó sẽ xảy ra là vì nó nằm rất gần Hà Tĩnh của Việt Nam trong vùng bị El Niño ảnh hưởng, và có nhiều đặc điểm khí hậu/dòng chảy/nhiệt độ v..v.. cùng với vùng bờ biển từ Bắc bộ đến Trung bộ của Việt Nam, nên có khả năng cao là sẽ chịu ảnh hưởng tương tự.
Với tất cả những lý do trên để chứng minh cho giả thuyết El Niño là nguyên nhân dẫn đến cá chết ở Việt Nam, thì sau tất cả, nguyên nhân sâu xa nhất vẫn là yếu tố con người.
Theo một nghiên cứu mới nhất xuất bản tháng 4/2016 vừa qua của nhà khoa học Andrew King, tại trường University of Melbourne, trên tạp chí khoa học Geophysical Research Letters, thì con người đã bắt đầu làm ảnh hưởng đến khí hậu và khiến trái đất nóng lên từ những năm 1930.
Theo mô hình của họ, nếu không vì con người làm thay đổi khí hậu, thì những đợt nóng khủng khiếp đã không xảy ra trong những năm vừa qua, và khả năng rặng san hô Great Barrier Reef bị tẩy trắng sẽ giảm đến 175 lần. Họ cũng tìm ra rằng việc nước biển Coral Sea quanh khu vực rặng san hô này bị nóng lên 1,5 độ C là trong đó 1 độ C do khí thải của con người từ năm 1900, và chỉ có 0,5 độ C là do yếu tố thay đổi tự nhiên mà thôi.
Những kết luận này không có gì ngạc nhiên, nhưng quan trọng là nó là nghiên cứu đầu tiên chứng minh được con người là thủ phạm.
Thêm vào việc gây ô nhiễm không khí, đương nhiên việc con người gây ô nhiễm nguồn nước là không thể bỏ qua. Tất cả những điều này đều góp phần vào việc làm trái đất bị nóng lên, khí hậu bị thay đổi theo hướng tệ hơn, và do đó, El Niño ngày càng khủng khiếp.
Trong một tương lai rất gần, trước khi thế kỷ này kết thúc, biển đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng hàng loạt, theo một nghiên cứu năm 2010 của các nhà khoa học môi trường, dẫn đầu bởi tiến sỹ Hoegh-Guldberg tại Center of Excellence for Coral Reef Studies tại Queesland, Úc, và lý do chính có thể sẽ là do thiếu hụt oxygen trong nước biển.
Câu hỏi đặt ra là: Chúng ta đã và đang làm gì để ngăn chặn điều đó xảy ra?
Khoảng 300Km (300,000m) là chiều dài đường bờ biển từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng.
Biển Đông sâu 40m gần bờ và 100m xa bờ.
Ống xả của Vũng Áng đặt ở 2km (2000m) ngoài khơi, tính từ đất liền.
Khi đó, thể tích nước biển là: 300,000m đường bờ biển x 40m độ sâu cạn nhất của biển Đông x 2000m bán kính ngắn nhất của biển bị ảnh hưởng bởi sự có mặt của kim loại nặng Pb = 24.000.000.000m3 = 24.000.000.000.000L.
Theo Trung Tâm Phòng Ngừa và Kiểm Soát Dịch Bệnh Mỹ (CDC) thì nồng độ chì IDLH gây nguy hiểm đến mạng sống và sức khoẻ con người là 100g/1,000,000L chứ không phải là 1g/1,000,000L.
Như vậy, cần có ít nhất 2.400.000.000g chì hoà tan trong khối nước biển tối thiểu đã tính ở trên, tương đương 2.400.000kg hay 2.400 tấn chì trong nước biển. Con số này quá kinh khủng để một khu công nghiệp như Vũng Áng có thể thải ra trong một thời gian ngắn.
Để so sánh tương đối, một nghiên cứu xuất bản năm 2014 của tác giả Jong-Mi Lee trên tạp chí Earth and Planetary Science Letters cho thấy, toàn nước Ấn Độ thải ra tổng cộng cao nhất là 3500 tấn chì trong 1 năm. Và Ấn Độ cũng là nước thải ra chì nhiều nhất trong các nước Nam Á. Do đó, việc chỉ một khu công nghiệp Vũng Áng thải ra được 2400 tấn chì là không hợp lý cho lắm khi so sánh với số liệu kể trên của Ấn Độ.
Theo một số nhà khoa học Việt nào đó trích dẫn, 1gram chì/1,000,000L là đủ để gây chết người. Và số liệu được tác giả lấy từ EPA (https://moitruongvadoisong.vn/2016/04/27/ca-chet-hang-loat-nguy-co-ngo-doc-kim-loai-nang-va-cac-luy/ ).
Nhưng khi tôi tìm kiếm thì kết quả cho ra số liệu IDLH của chì (Pb) không phải là 1g Pb/1,000,000L mà là 100mg/m3, tương đương 100g/1,000,000L.
Tính toán cụ thể như sau: IDLH (Pb): 100mg/m3 = 100mg/1000L = 100.000mg/1.000.000L = 100g/1.000.000L
Số liệu này được lấy từ trang của Trung tâm Phòng và Kiểm soát Dịch bệnh của Hoa Kỳ, tại https://www.cdc.gov/niosh/idlh/7439921
- Bài viết thể hiện quan điểm và ý kiến riêng của Tiến sỹ Nguyễn Thị Thanh Minh, ngành Di truyền học, Trường Albert Einstein College of Medicine, New York, Hoa Kỳ, đã đăng trên blog Khoa Học và Em của tác giả