Bài viết khá hay về phân tích tình hình kinh tế của Việt Nam và thế giới hiện nay.Tôi chỉ băn khoăn có một điều về số liệu GDP của Việt Nam trong bài viết này theo ông Kenichi Ohno là gần 70 tỉ USD, trong khi đó trong một bài viết mới đây có tựa đề "700 tỉ đô cứu nền tài chính Mỹ có nhiều không" của T.S. Trần Sĩ Chương, một người gần đây có những bài phân tích kinh tế rất hay, lại đưa ra con số GDP của Việt Nam là 221 tỉ USD, chênh lệch đến hơn 3lần,.Vậy đâu là số liệu chính xác ? Không biết các tác giả lấy từ nguồn nào để đưa ra số liệu quan trọng và căn bản như GDP ? Nhân đây tôi cũng muốn hỏi quý báo là muốn tìm những số liệu về kinh tế vĩ mô như GDP hay GDP/người,tổng chi ngân sách của Việt Nam thì có thể tìm ở nguồn thông tin đáng tin cậy nào ? Hay những thông tin đó không thể tìm được chính xác ở Việt Nam ???
Nhiều người sẽ trở nên quá giàu trong khi một bộ phận khác quá nghèo. Đó là hệ quả tất yếu của lạm phát.
Bài toán hậu lạm phát
Giáo sư Kenichi Ohno: - Việt Nam mới chỉ quan tâm tới giảm lạm phát mà chưa đặt ra vấn đề sau lạm phát là gì. Điều quan trọng không nằm ở việc VN giảm lạm phát xuống bao nhiêu mà là giải quyết những hệ quả lạm phát để lại.
Theo tôi, có 3 vấn đề VN phải đối mặt sau lạm phát: giá cả lên cao, chi phí tiền lương cao hơn. Với giá lao động không còn rẻ nữa, VN có thể ít hấp dẫn hơn với FDI, vốn đang là động lực phát triển cho kinh tế Việt Nam. Hai là, một số DNNN, ngân hàng, nhất là các ngân hàng nhỏ mới thành lập có thể chết, hoặc bị bát nhập. VN cần nghiên cứu để giải quyết hậu quả sau những cái chết đó.
Ba là, khoảng cách giàu nghèo sẽ nới rộng. Nhiều người sẽ trở nên quá giàu trong khi một bộ phận khác quá nghèo. Đó là hệ quả tất yếu của lạm phát.
- Chính phủ cần làm gì để chuẩn bị cho hậu lạm phát?
- Đối với vấn đề lương và áp lực chi phí, cần có tầm nhìn dài hạn đảm bảo nguồn cung cấp nhân lực theo yêu cầu thị trường, hướng tới ngành công nghệ cao. Nếu VN cam kết sẽ cung cấp những lao động ở trình độ cao hơn trong 5-10 năm, dòng FDI cũng sẽ chuyển dịch theo hướng đó, tập trung vào những ngành công nghệ cao hơn. Nếu Chính phủ không hứa đảm bảo điều đó, sẽ không có gì thay đổi và nhà đầu tư sẽ ra đi. Nhân công giá rẻ không có giá trị về lợi ích so sánh về lâu dài, dù với bất kỳ quốc gia nào.
Khoảng cách giàu nghèo quá lớn thực sự là đại vấn đề. Cần có những chính sách an sinh xã hội cho những người rớt từ tầng lớp trung lưu xuống tầng lớp nghèo đói. Đồng thời, Chính phủ thông qua thuế cần thu được một lượng tiền nhất định từ những người giàu, những người kiếm tiền nhanh chóng nhờ buôn bất động sản chẳng hạn...
Các ngân hàng, cả thương mại và quốc doanh đều phải lo lắng, với rất nhiều những rủi ro cần đối mặt. Đơn cử, hiện nay giá nhà giảm rất mạnh. Nếu ngân hàng cho các nhà đầu tư mua nhà vay với số lượng lớn, đó sẽ là khoản nợ lớn khó đòi. Trong khi đó, thị trường bảo hiểm của VN rất kém phát triển.
Về số lượng, VN đã đủ FDI
- Liên quan tới động lực phát triển của VN - dòng vốn FDI, theo một số người, con số cam kết FDI của VN có vẻ như đang quá nóng. Quan điểm của ông?
Con số FDI cam kết gần 50 tỷ USD là lớn nhưng không phải toàn bộ sẽ được giải ngân. Vài năm trước, con số FDI vào VN quá bé, chỉ khoảng 3 tỷ USD và con số 10 tỷ USD là một ước mơ.
Về mặt số lượng, VN đã có đủ FDI. Nếu nhiều hơn, VN sẽ chuyển sang hướng quá nóng, hệ quả là lạm phát, mất kiểm soát với kinh tế vĩ mô. GDP của VN chỉ chưa khoảng 70 tỷ USD, chắc chắn không thể toàn bộ 50 tỷ USD FDI cam kết sẽ vào.
- VN nên tập trung kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài vào khu vực nào để đảm bảo phát triển bền vững?
VN cần chấp nhận một danh sách hạn chế, ngăn những dự án ô nhiễm, hay có những mối quan ngại về lao động, những điều gây tác hại xấu rõ ràng cho xã hội hay tạo ra những sản phẩm bất hợp pháp như vi phạm luật bản quyền... Những nhà đầu tư từng có thái độ không tốt với lao động, tốt hơn là VN nên từ chối.
Những ngành như khai khoáng, bất động sản, dù hấp dẫn nhà đầu tư nhưng không giúp tăng khả năng cạnh tranh của VN. Lĩnh vực cần thu hút FDI nhiều nhất chính là sản xuất, dịch vụ kỹ thuật cao.
Một khuyến nghị khác là thu hút các ngành công nghiệp phụ trợ. Các bạn có Canon, Panasonic, mới đây là Intel. Chính phủ VN nên có nhiều khuyến khích, ưu đãi hơn để lĩnh vực công nghiệp phụ trợ có thể phát triển, trong đó vai trò của các DN vừa và nhỏ vô cùng quan trọng.
VN nên cảm thấy mình cần FDI hướng vào kỹ thuật cao. Cần có những DN sản xuất những phụ kiện mà Canon, IBM, Panasonic có thể sử dụng. Chính phủ cần nhắm tới khu vực FDI này, nhờ đó nhân lực được đào tạo. Sẽ không chỉ là dệt may, giày da, mà quan trọng hơn là điều hành máy móc không phải là quy trình đơn giản mà thông minh và phức tạp.
Nhập công nghệ hiện đại đôi khi là sự lãng phí khổng lồ với VN
- Hiện nay, nhiều người quan ngại VN sẽ trở thành bãi rác công nghệ cho các nước với chính sách FDI?
Thực ra với những máy móc 20 năm tuổi, nếu bảo trì tốt, có thể nó lại phù hợp với Việt Nam, bởi giá rẻ hơn nhiều.
Ví dụ, ngành sản xuất ô tô ở các nước hầu như sử dụng dây chuyền công nghệ hiện đại và tự động, không cần đến sự tham gia của người lao động trong quá trình sản xuất. Chi phí quá đắt đỏ và các bạn không thể đầu tư quá lớn vào việc tạo nên các rô bốt điều khiển và sản xuất ô tô ở Việt Nam. Sản phẩm phải phù hợp với túi tiền nhỏ của Việt Nam và giá nhân công rẻ. Do đó, ô tô Việt Nam sẽ có xu hướng sử dụng lao động nhiều. Đó có thể là công nghệ cũ nhưng lại phù hợp.
Tình thế của VN: cần ngành sử dụng nhiều lao động và ít tiền, và công nghệ, do đó cần xem xét kỹ thế nào là công nghệ tốt. Các bạn thậm chí vẫn có thể cạnh tranh với công nghệ lạc hậu.
- Đến một lúc nào đó, VN cũng phải từ chối các dự án công nghệ lạc hậu cũng như gây ô nhiễm môi trường?
Ô nhiễm môi trường đương nhiên là không thể cho phép, còn công nghệ cũ thì tùy từng trường hợp.
Rất khó để đưa ra khái niệm thế nào là phù hợp, giữa công nghệ và đường ray phát triển kinh tế. Sẽ là không thích hợp nếu đưa sang VN công nghệ quá mới, và đắt đỏ, bởi sẽ là một sự lãng phí lớn khi không có nhân lực sử dụng và bảo hành. Bạn có thể phải chịu món nợ lớn mà không đổi lại một chút hiệu quả. Đương nhiên cũng có những máy móc không thể chào mừng tới, nhưng không vì thế mà e ngại với tất cả các máy móc cũ.
Điều các chuyên gia WB, ADB quan ngại lại ngược lại khi các nước đang phát triển như VN có xu hướng mua quá nhiều máy móc đắt tiền, mà không quan tâm tới việc làm thế nào vận hành nó. Mua máy với giá đắt nhưng nó lại không được hoạt động bởi công nghệ cao và nhân lực không đáp ứng. Đó là một sự lãng phí khổng lồ, cho DN và cho quốc gia.
Phân cấp quá triệt để, vốn vào VN sẽ quá nóng
- Phải chăng nhiều bất cập trong FDI bởi VN tiến hành phân cấp đầu tư?
Đúng là Việt Nam phân cấp quá triệt để, không chỉ các dự án FDI mà cả ODA.
Ở Thái Lan, mọi quyết định đầu tư phải qua UB Đầu tư Thái Lan BOI, với một quy trình xét duyệt và thu hút FDI rõ ràng, áp dụng cho cả nước. (Thái Lan chia ra ba khu vực thu hút FDI, trong đó nhà đầu tư muốn tham gia các dự án ở Băng Cốc chỉ được hưởng ít khuyến khích và chính sách thuế cao hơn, trong khi các khu vực ngoài Băng Cốc sẽ được hưởng nhiều khuyến khích hơn). Họ đưa ra quy tắc thống nhất, và mỗi tỉnh không thể áp một chính sách thuế riêng, hoặc một có trợ cấp nhất định để thu hút đầu tư.
Tất nhiên, chính quyền các địa phương có thể tăng cường thu hút FDI bằng cách gửi các nhóm chuyên trách tiến hành hoạt động thu hút, chuẩn bị khu đất dành cho FDI, xây dựng đường sá, cơ sở hạ tầng để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, nhưng không phải bằng tài chính: thuế, trợ cấp...
Malaysia cũng áp dụng chính sách tương tự. Họ có hệ thống 2 khu vực, khu vực Kuala Lumpur và ngoài Kuala Lumpur. Đầu tư vào Kuala Lumpur sẽ được hưởng ít khuyến khích hơn, nhưng chính quyền địa phương không được phép đưa ra một chính sách thuế đặc biệt cho nhà đầu tư. Điều này bị chính quyền trung ương ngăn cấm.
Ở Mỹ, với chế độ tài chính liên bang, các bang có quyền cạnh tranh để thu hút đầu tư, nhưng phải cạnh tranh trong thị trường tài chính, nếu anh vượt qua ngưỡng, anh sẽ bị trừng phạt. Đó là một hệ thống tổng thể, có quy định khoản phạt đối với các địa phương vi phạm chính sách thu hút đầu tư.
Nhưng đó là trong trường hợp của nước Mỹ, nơi có thị trường tài chính rất phát triển. Ở những nước như VN, Trung Quốc... các bạn chưa có thị trường tài chính phát triển, không có đủ khả năng để thu hồi lại số vốn, không thể áp dụng cơ chế chứng khoán.
- Như vậy, chính sách FDI phải dựa trên một kế hoạch cụ thể, rõ ràng với những ưu tiên để thu hút đầu tư, trong khi đó quy hoạch và kế hoạch không phải là thế mạnh của Việt Nam. Quan điểm của ông?
Việc thiếu một kế hoạch cụ thể, rõ ràng và thống nhất chỉ là một yếu tố. Bản thân địa phương luôn muốn thu hút và sử dụng được nhiều vốn đầu tư từ bên ngoài. Điều xảy ra nếu các bạn không kiểm soát chính quyền địa phương, để họ cung cấp quá nhiều khuyến khích, họ sẽ đánh mất hầu hết khoản thuế mà nhà đầu tư phải đóng góp cho chính quyền địa phương.
Ở Trung Quốc, với việc phát triển các khu công nghiệp, Chính phủ buộc địa phương phải cạnh tranh với nhau bằng việc cung cấp các khuyến khích. Hệ quả tất yếu là bạn sẽ mất đi các khoản thuế đáng ra có thể được hưởng.
Các địa phương đều muốn mời các nhà đầu tư và tập hợp của họ đều sẽ trở nên quá nóng.
Trung Quốc đã có một thời gian dài phát triển quá nóng và Việt Nam hiện đang tiến gần đến mức đó. Hiện nay các bạn đang kiểm soát một phần lạm phát, nhưng xu hướng chung là sẽ dẫn tới phát triển quá nóng với lượng đầu tư lớn.
Các chính quyền trung ương: Ngân hàng nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư... cần phải tập trung vào nhiệm vụ kiểm soát các vấn đề kinh tế vĩ mô, để tránh phát triển quá chậm hoặc quá nóng. Điều này rất khó. Việt Nam cần làm rất tốt để ngăn chặn xu hướng tăng trưởng nóng và hệ quả của việc vay vốn.
Theo tôi, Việt Nam không nên phân cấp quá nhiều. Nếu Bộ KH-ĐT có thể xây dựng một luật rõ ràng như cách làm của Thái Lan, quy trình thủ tục hành chính sẽ không bị trì hoãn, làm chậm. Quy trình và luật lệ ở trung ương đồng thời sự tích cực năng động của mỗi địa phương để thu hút nhà đầu tư. Dù bị hạn chế bởi thủ tục hành chính nhưng đó là lựa chọn tốt nhất cho VN.
Phân quyền thực chất là trao quyền xét duyệt, cấp phép về địa phương trên cơ sở một quy hoạch, kế hoạch và nền tảng luật pháp tốt ở trung ương. Tuy nhiên, với Việt Nam, khả năng lập kế hoạch, chống tham nhũng vẫn còn thấp ở cấp địa phương. Đó cũng là nguyên tắc chung với tất cả các nước, bao gồm cả Việt Nam. Tiền vào có thể tăng lên, nhưng hành chính chậm chạp, và những hạn chế về năng lực là cơ hội cho những ảnh hưởng tiêu cực.
Đối với các nước phát triển hơn, những nước có thu nhập cao, với các chính quyền địa phương mạnh, xu hướng tiêu cực sẽ ít hơn: tham nhũng, chậm chạp... Ở đó, họ có thể địa phương hóa, phân quyền.
Theo tôi, Việt Nam đã phân quyền hơi nhanh quá.
- Có nước nào có cùng trình độ phát triển như Việt Nam tiến hành phân cấp thành công, thưa ông?
Nhiều nước có cùng trình độ phát triển như Việt Nam cũng áp dụng phân quyền, không chỉ với FDI mà với tất cả quy trình xây dựng chính sách công. Một số nước phải áp dụng bởi sức ép của Ngân hàng thế giới, của IMF, trao nhiều quyền hơn cho chính quyền địa phương.
Indonesia là một ví dụ. Các lĩnh vực FDI, lao động... đều được phân quyền: chăm lo về thu hút FDI, quản lý lao động. Trong khi đó, chính quyền địa phương ở Indonesia rất yếu, do đó gây ra rất nhiều rắc rối, phức tạp. Tôi không nghĩ là các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài thấy vui vẻ với điều đó.
Bolivia ở Mỹ Latin là một ví dụ khác. Gần như chính quyền trung ương không hề xuất hiện. Họ hầu như không làm gì khác ngoài thực hiện ngoại giao, quân sự và cảnh sát. Tất cả các vấn đề khác đều thực hiện ở cấp địa phương. Và chính quyền địa phương cũng rất yếu, do đó, không thể có kế hoạch phát triển hiệu quả. Ví dụ xây dựng trường học đều do địa phương quyết định. Nhưng việc xây dựng đường cao tốc quốc gia hoặc hệ thống tiêu chuẩn giáo dục chung cần phải được tiến hành ở cấp trung ương. Nếu địa phương phải gánh tất cả các việc này trong khi chính quyền địa phương rất yếu, đó sẽ thực sự là thảm họa.
Với Việt Nam, cũng có những địa phương có chính quyền mạnh, năng động như Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... nhưng các địa phương khác thì còn yếu. Tôi tin là những địa phương như Tp. HCM muốn và ủng hộ sự phân quyền, và sẽ đem lại lợi ích và tính hiệu quả cao. Nhưng đề cập ở cấp chung nhất, chúng ta cần hết sức cẩn trọng khi phân quyền.
- VN phải đáp ứng những điều kiện nào để có thể áp dụng chính sách phân cấp đầu tư?
Phân cấp trong tiếp thị FDI thì được nhưng những quy định về thuế, khuyến khích, và phê duyệt dự án đầu tư nên được thông báo rộng rãi ở tất cả các tỉnh. VN có thể cung cấp một quy trình phê duyệt dễ dàng cho tất cả các nhà đầu tư, và việc phê duyệt nên được làm ở cấp trung ương, với VN là Bộ KH-ĐT và cần được thống nhất ở đầu mối này.
Cơ chế khuyến khích đầu tư do trung ương quyết định nhưng mỗi địa phương có quyền tạo các trang web, lập UB xúc tiến đầu tư, tạo sự cạnh tranh bằng phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, xây dựng các đường địa phương kết nối... Những cách làm như vậy là tốt, nhưng phải sử dụng tiền địa phương. Ví dụ Bình Dương đã xây dựng con đường nối tỉnh này với Tp. HCM chất lượng rất tốt. Nhờ đó đã thu hút được khu công nghệ cao VN - Singapore và các nhà đầu tư khác.
Mối nguy săn giấy phép
- Một trong những nguyên nhân của việc phân quyền trong FDI của Việt Nam là đẩy nhanh tốc độ giải ngân. Theo ông, nó đã thực sự hữu ích?
Với những tỉnh năng động như Tp. HCM, Bình Dương, có thể việc phân cấp hữu ích. Các nhà đầu tư đang gặp khó khăn do thủ tục hành chính sẽ được làm nhanh hơn. Nhưng việc chậm trễ trong các dự án FDI cũng như giải ngân chậm phần nhiều là do hiện tượng "săn giấy phép" - license hunting.
Họ chỉ cố gắng có được giấy phép từ Bộ KH-ĐT hoặc từ cơ quan cấp phép địa phương, không quá tốn kém, mà không có ý định đầu tư thật. Bằng cách nào đó, họ chuyển giao giấy phép cho một công ty khác.
Một số nhà đầu tư đến từ Đài Loan, Trung Quốc... có cách làm này. Họ muốn có lựa chọn trong đầu tư, còn chúng ta không thể biết họ có chủ định đầu tư thực hay không.
Nghe con số hàng triệu USD cam kết hay trên các quảng cáo về việc sẽ đổ vào một khu vực nhất định, phải mất một khoảng thời gian dài để đầu tư thực sự vào và thậm chí, ngay cả khi nhà đầu tư muốn hoàn thiện dự án, thì những vấn đề như sự thiếu hụt nguồn lao động, chi phí tăng cao đột biến... các dự án khó có thể hoàn thành theo kế hoạch.
Chưa thể đánh giá được hiệu quả của việc phân quyền cấp phép về địa phương đối với việc tăng tốc độ giải ngân, tuy nhiên, theo tôi, cách hiệu quả hơn để làm là xóa những dự án đặc quyền, những dự án ảo, hoặc không có tính khả thi cao.
Đơn cử, VN có quá nhiều các dự án thép, các bạn cần xem xét giảm bớt. Có nhiều DN không ai biết tên, chưa bao giờ đầu tư vào lĩnh vực thép nhưng lại đăng kí hàng tỷ USD vào dự án đầu tư thép ở Việt Nam. Không ai có thể tin rằng những dự án như vậy có thể thực hiện. Chắc chắn họ sẽ chuyển giấy phép cho một DN khác mà VN chưa biết.
Phương Loan (thực hiện)