Ảnh minh họa: Công nhân may khẩu trang tại một nhà máy ở Thái Nguyên hôm 23/3/2020
Mạng báo The Star của Malaysia loan tin ngày 28/8 dẫn nhận định của giới chuyên gia và người trong cuộc như vừa nêu. Cụ thể, về mặt lý thuyết, công ty nước ngoài có thể thuê đất từ chính phủ Việt Nam để xây dựng cơ sở hạ tầng; tuy nhiên quá trình thực hiện thường kém minh bạch, mất thời gian, phức tạp mà không có hỗ trợ từ một công ty tư vấn trong lĩnh vực này.
The Star dẫn phát biểu của giám đốc một quỹ đầu tư Nhật Bản rằng các bộ, ngành Chính phủ Hà Nội đưa ra giải thích về các qui định pháp luật và các nhà đầu tư theo đó để thực hiện. Tuy vậy, sau một thời gian có những thay đổi nhưng quyền lợi của nhà đầu tư không được bảo đảm.
Một điểm được nêu ra là giá đất trong những thập niên qua gia tăng liên tục làm phức tạp thêm quá trình bồi thường cho người dân và bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư.
Giới đầu tư cho biết đã bày tỏ quan ngại đối với qui trình phức tạp về đất đai khiến nhiều doanh nghiệp có thể rời đi; đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh gia tăng hiện nay giữa các nước trong khu vực.
Thống kê cho thấy trong giai đoạn 1988-2021, trung tâm kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, thu hút 82 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); nhưng vào năm ngoái con số này chỉ còn 4,33 tỷ USD. Mức giảm so với cùng kỳ là gần 40%.
Theo RFA