Dẹp nhiều chi nhánh vì không thể gồng lỗ
Một ngày cuối tháng 6, đầu tháng 7, chị Hạnh (38 tuổi, ngụ TP.HCM), một chủ quán bún bò quen gọi cho tôi một cuộc điện thoại… “cầu cứu”. Chị đang bối rối, cần tôi tư vấn để tháo gỡ những khó khăn của hàng quán mình hiện tại.
Không hiểu sao mấy tháng gần đây, tình hình buôn bán ế ẩm quá em! Chất lượng bún bò thì vẫn như vậy, giá cũng không đổi, nhưng không hiểu sao khách giảm 40%, không còn được như xưa. Có cách nào để vực dậy quán không em? Chị Hạnh, Chủ quán bún bò
Quán ăn của chị Hạnh năm ngoái đông đúc khách, năm nay vắng vẻ hơn. CAO AN BIÊN
Tôi hiểu được nỗi lo lắng của bà chủ, bởi chị Hạnh hiện đang điều hành hơn 40 quán bún bò ở TP.HCM và các tỉnh thành Quảng Ngãi, Bình Phước, Bình Thuận, Vũng Tàu. Dưới chị, có hơn 100 nhân viên, trong số đó nhiều người là người thân. Với tình hình khó khăn hiện tại, nếu không khéo nhiều quán có thể không trụ được và cũng sẽ có nhiều nhân viên của chị mất việc.
Có thâm niên hơn 20 năm buôn bán đồ ăn, đồ uống ở TP.HCM cũng như hơn 12 năm mở quán bún bò Đông Ba Gia Hội Hoàng Kim này, chưa năm nào chị chủ gặp phải chuyện “kỳ lạ" như năm nay.
Chị nói giá tô bún bò vẫn giữ nguyên, bình dân từ 35.000 - 50.000 đồng, ngay cả đợt xăng tăng giá, vật giá leo thang chị vẫn giữ nguyên không đổi. Chất lượng tô bún bò của quán được bà chủ khẳng định vẫn vậy, nhiều chi nhánh quán nằm ở mặt tiền các con đường lớn ở TP.HCM, nhưng chị Hạnh không hiểu sao việc buôn bán năm nay trở nên ế ẩm chưa từng thấy.
Chị Hạnh cho biết đang tìm mọi cách để vực dậy quán bún bò của mình vượt qua giai đoạn khó khăn. CAO AN BIÊN
“Hỏi thăm thì mới biết không chỉ riêng quán tôi, mà còn có nhiều quán khác cũng buôn bán đồ ăn, uống giống mình rơi vào tình trạng này. Trước đó, tôi cũng có nghe dự báo là tình hình kinh tế sẽ khó khăn, nhưng chưa nghĩ là quán sẽ đìu hiu như vậy", bà chủ bày tỏ.
Về vấn đề mặt bằng, chị Hạnh cho biết tất cả các quán ăn đều thuê. Nhiều quán nằm ở mặt tiền nên chi phí thuê khá đắt. May mắn, một số chủ cho thuê mặt bằng không tăng giá, chị vẫn tiếp tục hợp tác. Một số nơi quyết tăng, chị không tiếp tục hợp đồng mà dời tới những địa điểm khác phù hợp hơn.
Từ đầu năm tới nay, bà chủ cho biết 2 chi nhánh trong hệ thống bún bò của mình đã phải đóng cửa vì nhiều lý do, cái chính là việc buôn khó khăn và không thể gồng lỗ. Nhiều chi nhánh quán chị hiện tại đang hoạt động cũng trong tình trạng đang gồng lỗ, đa phần các chi nhánh còn lại doanh thu giảm đột biến khiến chị băn khoăn tìm cách cải thiện tình hình.
Nhiều chủ quán cho biết việc buôn bán chậm ở các hàng quán ở TP.HCM đã là tình hình chung. CAO AN BIÊN
Trước tình hình hiện tại, chị Hạnh nói rằng mình không thể buôn bán cầm chừng chờ qua khó khăn hay tiếp tục gồng lỗ vì nguồn lực có hạn. Chị đang tìm mọi cách để có thể cải thiện tình hình hiện tại, từ việc cải thiện chất lượng tô bún bò đến mở các chương trình khuyến mãi hút khách.
"Việc buôn bán trên các ứng dụng giao hàng được quán chúng tôi áp dụng thời gian vừa qua, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục đẩy mạnh cũng như có thể nhờ vào sự hỗ trợ về mặt truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội để quảng bá tới nhiều khách hơn. Tôi đoán khó khăn vẫn sẽ còn kéo dài, nhưng mình cứ cố được tới đâu thì cố", bà chủ dự tính.
Không thể… ngồi yên chờ chết!
Dù là chủ nhật nhưng quán lẩu, bò nướng BBQ nằm ở số 187 đường Phạm Văn Chiêu (Q.Gò Vấp) của anh Huỳnh Lê Hải Hiền (25 tuổi) cũng vắng khách. Hàng chục cái bàn được sắp xếp ngay ngắn trong không gian quán khang trang, nhưng chỉ có đúng 1 nhóm khách.
Nhìn ra quán vắng, anh chủ thở dài tâm sự quán ăn mới mở gần 1 năm nay, từ cuối năm 2022. Thời điểm quán mới mở, khách đông đúc, nhất là vào dịp giáng sinh và tất niên cuối năm, anh Hiền cùng hơn chục nhân viên quán làm tất bật.
Dù là ngày cuối tuần, nhưng quán của anh Hiền thưa khách. CAO AN BIÊN
Từ tết vô, chính xác là sau tháng 2, việc buôn bán của quán ế ẩm, doanh thu cứ thế giảm dần đều. So với năm ngoái, hiện tại lượng khách của quán giảm 50%. 3 tháng gần nhất, quán tôi gồng lỗ. Tháng rồi tôi lỗ hơn 20 triệu đồng. Năm nay cũng là một năm khó khăn với quán tôi, cũng như nhiều quán khác mà tôi biết! Anh Huỳnh Lê Hải Hiền, Chủ quán
Tình hình buôn bán khó khăn, quán lại nằm trên con đường nổi tiếng là "rốn ngập" ở Gò Vấp nên anh Hiền nói thê thảm nhất là những ngày chiều mưa. Khi đó, đường ngập lênh láng, có ngày anh bán từ 15 giờ 30 phút tới 22 giờ 30 phút, mà chỉ có 2 bàn, doanh thu chưa tới 1 triệu. Với một quán ăn thuộc dạng mới khởi nghiệp như quán anh, đó là điều thực sự kinh khủng.
Không thể để tình trạng này kéo dài, anh chủ đã làm mọi cách để cải thiện tình hình. Từ việc cắt giảm một nửa nhân viên, cho thuê mặt bằng quán vào buổi sáng, giảm tối đa các chi phí đầu vào, tăng cường chạy quảng cáo trên fanpage để tiếp cận được nhiều khách hàng hơn… nhưng vẫn chưa có kết quả rõ rệt.
Anh chủ cho biết nhu cầu ăn uống của thực khách giảm từ sau tết năm nay, doanh thu quán giảm dần đều. CAO AN BIÊN
"Có một gia đình là khách quen của quán, năm ngoái hầu như một tuần cũng tới ăn thường lắm. Từ mấy tháng nay, 2 - 3 tuần anh chị mới ghé 1 lần. Hỏi ra mới biết anh bị mất việc, chị bị giảm lương nên phải thắt chặt chi tiêu, hạn chế ăn uống hàng quán bên ngoài để đỡ tốn. Tôi cũng hỏi chất lượng món ăn, thì hầu hết các khách đều nói không thay đổi, chỉ là nhu cầu cho ăn uống của họ bị thắt chặt", anh chủ nói.
Không thể mãi gồng lỗ, thời gian tới anh dự định sẽ có nhiều chương trình khuyến mãi, quà tặng để hút khách. Anh cũng dự định sẽ mở bán thêm một số món bò bình dân vào buổi sáng với giá từ 25.000 đồng, cùng với việc bán các món ăn có mức giá cao hơn vào buổi tối, từ 200.000 đồng như những tháng qua để cải thiện tình hình.
Chủ quán tìm mọi cách để cải thiện tình hình hiện tại. CAO AN BIÊN
Thay vì quảng cáo thông qua các kênh ẩm thực, KOLs mà anh cho là hiện tại không mấy hiệu quả, vì quán nào cũng khó khăn và cũng sử dụng cách thức này, anh tập trung nâng cao chất lượng món ăn và chăm sóc khách hàng thân quen hy vọng tình hình khó khăn sớm qua.
Tương tự, ông Thắng (60 tuổi), chủ một quán hủ tiếu mì nằm trên mặt tiền đường Võ Văn Tần (Q.3) cũng cho biết việc buôn bán khó khăn, thưa khách là tình hình chung, trong đó có quán của mình.
Chỉ vào những hàng quán bên cạnh, ông chủ cho biết may mắn quán ăn này là quán gia đình, không phải thuê mặt bằng nên có thể trụ đến giờ. Trong khi đó, nhiều quán ăn, uống cạnh đây đều không thể trụ được vì tiền mặt bằng cao nhưng doanh thu thì không được như kỳ vọng nên đã trả mặt bằng, chuyển vào hẻm hoặc tạm dừng kinh doanh một thời gian.
Một quán cà phê nằm ở mặt tiền đường Điện Biên Phủ (Q.1) được nhiều người biết tới khi chủ quán đầu tư gần 15 tỷ đồng vừa đóng cửa sau một năm kinh doanh. Chủ quán cho biết có thời gian đã phải gồng lỗ liên tục. CAO AN BIÊN
Khách giảm nhiều, chủ quán cũng tìm cách thích nghi. “Hồi xưa quán tôi bán nhiều món lắm, chừng 30 món. Nhưng giờ giảm còn mười mấy thôi! Bán càng nhiều, mỗi cái lỗ chút là thành lỗ nhiều. Bán ít, tập trung vào chất lượng món ăn thì đỡ hơn", ông nói.
Trong khi đó, bà chủ một quán bún thịt nướng trong chợ Bến Thành (Q.1) cũng tâm sự dù tình hình du lịch hiện tại đã sôi động và nhộn nhịp, nhưng việc buôn bán của quán cũng không còn được như ngày xưa.
“Khó khăn là tình hình chung, may mắn là quán tôi cũng có thâm niên hơn nửa thế kỷ, nhiều khách quen tới ủng hộ nên tình hình vẫn chưa tới nỗi. Nhưng mình cũng buồn, cũng lo hy vọng trong một ngày gần nhất tình hình buôn bán trở lại thời hoàng kim giống như lúc trước dịch Covid-19”, bà chủ nói.
Cao An Biên - Theo Thanh Niên