Trịnh Xuân Thuận (sinh năm 1948) là nhà khoa học người Mỹ gốc Việt trong lĩnh vực vật lý thiên văn, đã viết nhiều quyển sách có giá trị cao về vũ trụ học và về những suy nghĩ của ông trong tương quan giữa khoa học và Phật giáo. Ông còn là một nhà thơ, một triết gia, một Phật tử và một nhà hoạt động cho môi trường và hòa bình. Ông đã được nhận nhiều giải thưởng trong lĩnh vực thiên văn và trong lĩnh vực văn hóa, xã hội. Trịnh Xuân Thuận hiện giảng dạy tại Đại học Virginia - Mỹ. 16 cuốn sách trong lĩnh vực khoa học của ông viết bằng tiếng Pháp đã được dịch ra nhiều thứ tiếng. Tại Việt Nam, sách của ông được Phạm Văn Thiều chuyển ngữ và đã đoạt giải Phan Châu Trinh năm 2010. Từ Đại học Virginia, giáo sư Trịnh Xuân Thuận đã gửi đến Người Đô Thị đôi lời chia sẻ nhân dịp ông nhận giải thưởng Phan Châu Trinh 2016.
Dù quá thông thường nhưng chúng tôi vẫn muốn hỏi ông về cảm nghĩ khi nhận Giải thưởng Phan Châu Trinh?
|
GS. Trịnh Xuân Thuận. Ảnh: Gettyimages
|
Tôi chân thành cảm tạ Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh và tôi rất hãnh diện khi được Quỹ trao cho tôi giải thưởng Vì sự nghiệp văn hóa và giáo dục. Hãnh diện vì tôi luôn đặt ngang hàng công việc phổ biến khoa học với công việc nghiên cứu, giảng dạy tại Đại học Virginia. Tôi may mắn được làm việc trong một ngành khoa học ai cũng đã có dịp chiêm ngưỡng: bầu trời, ngôi sao và vũ trụ. Chắc chắn phổ biến về vũ trụ dễ hơn là phổ biến về các môn khác như là vật lý hạt nhân chẳng hạn. Ai cũng đã chiêm ngưỡng Mặt trăng, Mặt trời và các ngôi sao nhưng rất ít người đã thấy những hạt nhân nguyên tử.
Tôi muốn viết cho “những người nghiêm túc” có ham muốn tìm hiểu về thế giới xung quanh và quan tâm tới những tiến bộ mới nhất trong nghiên cứu vũ trụ mà không cần có hành trang khoa học của một chuyên gia. Tôi cũng muốn đề cập tới những vấn đề vượt ra ngoài khuôn khổ thuần túy khoa học, nhưng không tránh khỏi được đặt ra trong tất cả các cuộc thảo luận về sự sáng tạo vũ trụ: chúng ta có mặt trên đời này là hoàn toàn ngẫu nhiên hay là tất yếu?
Trong suốt tuổi ấu thơ và thanh niên của tôi ở Sài Gòn, vào những năm 1950-1960, một trong những niềm vui lớn của tôi là được đắm mình trong một cuốn sách phổ biến khoa học thật hay. Trong những giờ phút tuyệt vời đó, tôi tạm quên đi thế giới hằng ngày, để mặc cho tác giả dẫn dắt mình vào những tình tiết kỳ lạ của vũ trụ. Cũng như đối với một cuộc điều tra của Sherlock Holmes, tôi hồi hộp theo dõi những diễn tiến của các cuộc khám phá khoa học: những dấu hiệu, những giả thuyết, những con đường lầm lạc, những ngõ cụt và những cuộc tranh luận để rồi cuối cùng đạt tới chân lý.
GS. Trịnh Xuân Thuận được chào đón tại trường PACE. Ảnh Nguyễn Á
Những cuốn sách phổ biến khoa học mà tôi đọc được ở tuổi ấu thơ, nhất là mấy cuốn của ông Albert Einstein đã nuôi dưỡng trí tưởng tượng và hình thành những suy tư của tôi. Chúng đã đóng một vai trò to lớn trong việc dẫn dắt những bước đi đầu tiên của tôi đến với khoa học. Chúng cũng kích thích trong tôi sự ham muốn được đóng vai trò tích cực trong cuộc phiêu lưu vĩ đại của khoa học. Từ đó, tôi đã không ngừng quan sát vũ trụ bằng những kính thiên văn lớn nhất trên mặt đất cũng như trong không gian. Tôi rất hãnh diện là tất cả các tác phẩm viết bằng tiếng Pháp của tôi đã được dịch ra tiếng Việt nhờ tài năng của anh Phạm Văn Thiều (giải thưởng Phan Châu Trinh 2010). Tôi sẽ rất sung sướng nếu các tác phẩm của tôi có thể góp phần nuôi dưỡng sự suy tư và làm thay đổi ít nhiều nhãn quan về vũ trụ của một số người ở Việt Nam.
Bất chấp những thăng trầm của lịch sử, Việt Nam là một đất nước luôn luôn đề cao những giá trị giáo dục và trí thức. Tôi ấp ủ hy vọng rằng các tác phẩm của tôi có thể làm nảy sinh những chí hướng khoa học của một số bạn trẻ có trí tuệ và cũng hy vọng rằng những hạt giống được gieo trong các tác phẩm đó một ngày nào đó sẽ đâm chồi nảy lộc và phát triển thành cây trái sum xuê.
Là nhà khoa học, trong các tác phẩm của mình, ông thường nhắc đến sự nhỏ bé của con người so với vũ trụ bao la. Ông nhận định gì về các thiên tai/ nhân tai mà con người đang phải gánh chịu/ trả giá: sự nóng lên của trái đất - biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao?
Luôn luôn có quy luật và sự liên hệ trong sự vận động của thiên nhiên, vũ trụ. Con người từ đầu thế kỷ XIX với cuộc cách mạng công nghiệp đã bắt đầu có nhà xưởng, xe hơi... và rồi xảy ra hiệu ứng nhà kiếng. Trái đất nóng lên, băng tan chảy nhanh ở vùng Bắc cực, nước biển dâng lên, ngập các đảo, ngập các vùng đất gần biển. Trái đất đã thay đổi quá nhanh theo chiều hướng xấu đi trong vòng mấy trăm năm qua. Mọi người chỉ lo đến cái lợi của mình, không quan tâm đến Trái đất trong khi đây là hành tinh duy nhất có nước, có sự sống của loài người trong 8 hành tinh, điều đó đồng nghĩa với việc mọi người đang giết sự sống. Bây giờ mọi người đang gánh lấy hậu quả, lụt lội, tháng 2 vừa qua là tháng nóng nhất trong lịch sử.
GS-TS. Chu Hảo và GS-TS. Trịnh Xuân Thuận (thứ nhất và thứ hai từ trái) trong phòng thí nghiệm Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM. Ảnh Nguyễn Á
Tình hình hiện tại là hết sức nguy hiểm, đã đến lúc loài người buộc phải bỏ qua mọi bất đồng, mọi tranh chấp để cùng nhau thay đổi lối sống, cứu Trái đất. Phải dần thay đổi đi xe điện, chứ không phải xe chạy bằng xăng. Phải chọn nhiên liệu mặt trời, gió. Phải thay đổi lối nghĩ cũ. Phải ngưng phá rừng, giết hại chim chóc, côn trùng, thú vật.
Ông là người lạc quan hay bi quan khi nhìn thấy những tác động xấu của thiên nhiên lên đời sống con người hiện nay?
Tôi vẫn lạc quan. Tôi tin là loài người có thể thay đổi, có thể bỏ qua mọi mâu thuẫn, tranh chấp. Con người vô cùng thông minh, có thể tìm hiểu về vũ trụ, đã đến được Mặt trăng. Chỉ cần chịu sửa đổi tâm lý, tìm lấy sự trắc ẩn bên trong mình để cứu sự sống của chính mình.
GS. Trịnh Xuân Thuận ký tặng sách tại Đại học Hoa Sen TP.HCM. Ảnh Nguyễn Á
Là một người sống ở phương Tây nhưng ông quan niệm “Hạnh phúc của mình tùy thuộc vào hạnh phúc của người khác”. Nghe khá ngược với lối sống mà nhiều người Việt trẻ đang kêu gọi hiện nay: quan tâm đến chủ nghĩa cá nhân, tôn trọng cảm xúc cá nhân?
Mình không thể hạnh phúc một mình trong khi xung quanh ai cũng khổ. Mình giàu, mình sướng trong khi người xung quanh khổ, thiếu ăn thiếu mặc thì cái sự sướng đó là vô nghĩa lý. Điều đó chỉ dẫn đến sự hủy hoại. Ở phương Tây, nơi tôn sùng giá trị của cá nhân của vật chất như mọi người hình dung, bây giờ họ đã thấy vật chất không mang lại hạnh phúc, họ thấy đời mình phải có ích cho ai, có nghĩa lý với ai thì mới sung sướng. Tỷ phú mà không chia sẻ với tha nhân thì giàu có cũng chẳng để làm gì.
Trâm Anh thực hiện