Phải lo cho thế hệ tương lai
Hiện nay, Việt Nam đang xuất khẩu lương thực khá ổn định. Vì vậy, an ninh lương thực ở cấp quốc gia chưa phải là điều đáng quan ngại. Tuy nhiên, phải lo cho thế hệ tương lai. Vì đất nông nghiệp không thể phục hồi hoặc có thể thì rất ít. Trong khi dân số cứ đều đặn tăng lên mỗi năm khoảng 1 triệu người còn đất thì ít đi. Tốc độ chuyển đổi đất nông nghiệp phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đất đã chuyển đổi được sử dụng ngày càng hiệu quả thì có thể giảm tốc độ chuyển đổi.
Có nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng đất, nhưng động lực để vận dụng giải pháp đó là quy luật giá cả của kinh tế thị trường. Giá đất đắt lên, không thể sử dụng vô tội vạ. Giá đất còn nói lên quy luật cung cầu vì giá đất tăng làm cho chi phí đầu tư tăng, dẫn đến hệ số ICOR tăng lên (hệ số ICOR là chi phí đầu tư để thu được một đơn vị tăng trưởng).
Giá đất cao cũng không tốt, thấp cũng không tốt. Vì vậy, Chính phủ cũng cần tham gia điều tiết nhất định giá cả bằng những biện pháp kinh tế thích hợp, biện pháp tiền tệ như thuế, lãi suất ngân hàng, quy hoạch đất đai… và tìm cách sử dụng các loại đất có giá trị thấp như đất đồi núi, đất bãi cát… Mặt khác, việc giảm lượng đất nông nghiệp phải bù lại bằng cách nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, chứ không phải chỉ bằng cách nâng cao hiệu quả sử dụng đất đã chuyển đổi từ đất nông nghiệp.
PGS. TS. Phạm Sỹ Liêm
Kém hiểu biết: Hỏng môi trường, xấu đô thị!
Phải đặt câu hỏi rằng, chúng ta khai thác nguồn lợi từ đất để làm gì? Trước hết, là để sản xuất nông nghiệp, mà nông nghiệp ngày nay gắn nhiều với hóa chất như phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ, thuốc kích thích tăng trưởng… Dù những loại thuốc này nhanh chóng bị phân hủy, nhưng sản phẩm phân hủy ấy vẫn gây độc hại cho môi trường. Nước mưa trôi xuống sông ngòi làm ô nhiễm tài nguyên nước. Đất còn dùng để sản xuất công nghiệp và dịch vụ, kể cả khai khoáng. Điển hình nước ta khai thác vàng sa khoáng làm tổn hại các dòng sông.
Đất để xây dựng đô thị. Nói chung xây dựng cần nhiều vật liệu từ đá vôi, cát, đất sét, sỏi… Việc khai thác này làm ô nhiễm, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên… Các nước hiện nay lại khuyến khích dùng gạch bê tông chứ không phải dùng gạch đúc. Bởi bê tông lấy từ đá, không mất đất nông nghiệp mà mất đất núi. Họ dùng cát, sỏi nhân tạo nhiều chứ không dùng cát sỏi khai thác trực tiếp từ thiên nhiên. Khai thác cát sỏi có tổ chức, có hướng dẫn cũng có cái tốt là khơi thông dòng chảy cho sông. Tuy nhiên, ở Hà Nội, Đồng Nai…, người ta đã khai thác một cách vô tội vạ. Trong quá trình xây dựng thì các chất thải xây dựng cần có chỗ chôn lấp. Hà Nội hiện nay đổ hết ra đường, thậm chí tôn đường thì đào núi, kênh hồ để lấy đất tôn nền.
Do đó, trong quá trình xây dựng, đất chỉ để tôn nền cũng chiếm khá lớn. Cần hạn chế cao nhất việc đào đắp trong xây dựng, nhất là những đào đắp có khả năng phá vỡ sự ổn định của đồi núi, sông biển…
Ở nước ngoài, chẳng hạn như thành phố San Francisco (Mỹ) giàu như thế nhưng vẫn giữ nguyên núi đồi, đường dốc không tưởng tượng. Hồng Kông cũng vậy, đường ôtô đi rất thấp. Trong khi các nhà quy hoạch Việt Nam cho rằng, cứ phải ủi mọi thứ lấy mặt bằng mới là đô thị. Lãng phí, kém hiểu biết mà còn làm mất vẻ đẹp của các đô thị khác nhau. Những người làm quy hoạch nhìn trên bản đồ, thấy chỗ nào cần xây dựng thì san bằng phẳng hết. Nguy cơ đó đã là hiện hữu chứ không phải là tiềm ẩn.
Kết cấu hạ tầng hiện nay mới tính đến chi phí xây dựng, mà bỏ qua chi phí sửa chữa, bảo dưỡng. Chỉ chú ý giá thành xây dựng công trình mà không tính toán đến hiệu quả kinh tế xã hội, môi trường. Chúng ta đang bỏ nhiều tiền của của Nhà nước để phát triển hạ tầng nhưng chưa có một chiến lược hạ tầng quốc gia, không có một chiến lược chung. “ông” ngành nào thì biết ngành đó.
Nâng cao giá trị đất để giữ dân, giữ đất
Đất sử dụng về biên giới hải đảo và an ninh quốc phòng:
Đất biên giới của chúng ta thường là đất nông nghiệp. Nhất là ở phía Bắc, người dân thường bỏ đất mà đi. Người ở Cao Bằng bỏ vào Lâm Đồng, Tây Nguyên…, đất mà dân bỏ đi thì lấy ai mà giữ?
Vì vậy, cần có chính sách khai thác nâng cao giá trị đất ở biên giới để giữ chân người dân - những người sống mấy thế hệ từ ông cha bà chú, người ta phải giữ đất của người ta. Nhà nước phải đầu tư, đầu tư không phải chỉ để phát triển nông nghiệp mà để giữ biên giới. Nhưng việc này hình như là của quân đội, bộ đội biên phòng, Chính phủ chứ không phải vấn đề của xã hội Việt Nam, trí thức Việt Nam.
Về hải đảo, việc giữ địa hình đất là rất cần thiết. Ví dụ, trong quy hoạch Côn Đảo, nên làm đường hầm chứ đừng đem ủi núi đi như thế. Làm đường hầm có nhiều cái lợi. Như Đài Loan đã làm tuyến đường cao tốc ở phía Đông, với rất nhiều hầm. Nếu có chiến tranh, đường cao tốc là đường băng dự bị của sân bay, hầm là kho chứa tài nguyên dự bị nếu có chiến tranh nguyên tử. Hầm Tuyết Sơn dài 13km.
Một người sống “cõng” một người chết!
Đất nghĩa trang của Việt Nam gần bằng đất đô thị. Đất nghĩa trang là 95 ngàn hecta, còn đất đô thị là 101 ngàn hecta. Nghĩa là cứ một người dân ở đô thị thì gánh một người ở nghĩa trang.
Ở Hoa Đông không có mồ mả là do họ thiêu hết. Trong Nghị quyết Trung ương 6 có nói một câu là khuyến khích việc hỏa táng. Theo tập quán của cha ông ta thì đến đời thứ năm không còn mộ. Nay nếu cứ để xây mộ bê tông thì bảy, tám đời sau vẫn còn. Đây là vấn đề quá khó. Khu Ciputra (Hà Nội) xây ngay cạnh khu nghĩa trang, họ phải xây tường cao bằng nóc nhà để che đi, còn ô nhiễm nước ngầm.
Cuối cùng, vấn đề xói mòn đất cũng là một vấn đề cần chú ý, khi cả hai phần ba lãnh thổ là đất dốc cả. Nói chung là đất đang bị xói mòn, giữ thế nào cũng cần suy nghĩ thấu đáo.
GS.TSKH Đặng Hùng Võ: Lâu đài kinh tế sẽ sụp đổ nếu xây dựng trên nền đất không bền vững
Việt Nam là nước ít đất, đông dân. Bình quân đất đai trên đầu người chỉ khoảng 0,4ha, đứng thứ hai từ dưới lên trong 10 nước ASEAN. Trong tổng số trên 33 triệu hecta đất của cả nước, chúng ta phải tính đến việc giữ diện tích rừng cố định khoảng 50% tổng diện tích tự nhiên (bao gồm cả đất trồng cây lâu năm), giữ 4 triệu hecta đất chuyên trồng lúa nước, như vậy tối thiểu phải giữ 20 triệu hecta cho mục đích môi trường và an ninh lương thực.
Diện tích còn lại 13 triệu hecta cần được tính toán kỹ lưỡng để tăng diện tích đất phi nông nghiệp, phục vụ phát triển kinh tế theo một cách thức lựa chọn vị trí hợp lý, giải pháp thực hiện hợp lý nhằm đảm bảo ổn định xã hội và bảo vệ môi trường.
Đất đai với nhiều vai trò khác nhau, là một đầu vào của hoạt động kinh tế, là tài sản để tạo vốn đầu tư, là địa bàn để con người sinh sống và hoạt động, là nơi hứng chịu cuối cùng của thiên tai và các thảm họa môi trường do con người gây ra.
Nếu chỉ tính đến việc có đất để đầu tư phát triển phi nông nghiệp mà không nghĩ tới những hậu quả về xã hội và môi trường thì sự phát triển đó là thiếu bền vững. Lâu đài kinh tế sẽ sụp đổ nếu được xây trên một nền đất không bền vững. Trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà việc chuyển dịch mạnh cơ cấu sử dụng đất đang có biểu hiện khá rõ ràng về sự thiếu bền vững.
Lý do có thể do nhiệt tình nóng vội muốn phát triển của một số địa phương, có thể do thiếu tri thức trong quy hoạch, có thể do có tư lợi trong giao đất cho các chủ đầu tư, có thể do khung pháp lý còn nhiều xung đột và có thể do nhiều yếu tố khác nữa. Phát hiện bất cập và chấn chỉnh là nhiệm vụ rất cấp bách hiện nay.
PGS. TS. Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng
Kết nối giao thông - Tạo sức bật vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Năm 2010, nhiều công trình giao thông quan trọng được hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần đưa TPHCM vươn lên tầm cao mới, không chỉ giải quyết khó khăn về giao thông, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội mà còn làm thay đổi diện mạo thành phố một cách cơ bản.
Kỳ vọng từ đại lộ Đông Tây
Từ năm 2005-2010, TPHCM đã đầu tư mạnh mẽ cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật thành phố, đặc biệt là hệ thống giao thông. Qua đó, TPHCM đã xây dựng mới 210km đường, 50 cây cầu, tạo cơ sở quan trọng cho việc phát triển kinh tế, xã hội và đổi mới bộ mặt đô thị thành phố. Cụ thể như toàn bộ dự án cầu Thủ Thiêm, đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, nút giao thông khu A Nam Sài Gòn, nút giao Cát Lái, đường song hành quốc lộ 22, cầu Hoàng Hoa Thám...
Bên cạnh hệ thống đường vành đai, nhiều tuyến đường xuyên tâm cũng được xây mới hoặc cải tạo mở rộng. Ấn tượng nhất là đại lộ Đông Tây dài hơn 20km với 6-10 làn xe chạy từ quốc lộ 1A (trên địa bàn huyện Bình Chánh) qua các quận 6, 5, 4, 1, 2 đến xa lộ Hà Nội. Hiện dự án xây dựng đại lộ Đông Tây đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn hạng mục hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn sẽ hoàn thành vào giữa năm 2011.
- Ảnh bên : Đại lộ Đông Tây - một công trình trọng điểm của TPHCM hoàn thành trong năm 2010. (Ảnh: Việt Dũng)
Sự xuất hiện của công trình này không những giải quyết tình trạng ùn ứ giao thông dọc trục Đông Tây của thành phố mà còn góp phần rất lớn vào việc chỉnh trang đô thị dọc bờ kênh Tàu Hủ-Bến Nghé. Hiệu quả của đại lộ Đông Tây không chỉ dừng lại ở các tuyến phố dọc kênh Tàu Hủ-Bến Nghé mà rất nhiều vùng đất rộng lớn gần đó, thuộc quận 6, quận 8, huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè… cũng được “đánh thức”.
Bật lên cửa ngõ phía Đông...
Ở cửa ngõ phía Đông, vùng đất hai bên tuyến xa lộ Hà Nội cũng đang chuyển động với những khu dân cư mới và hàng trăm tòa nhà cao ốc hiện đại mọc lên.
Sự phát triển nhanh chóng của khu vực quận 2 khiến giao thông thường xuyên bị ùn tắc. Để khắc phục tình trạng trên, hàng loạt các công trình giao thông quan trọng đã và đang được khẩn trương xây dựng. Đó là đường song hành xa lộ Hà Nội, cầu vượt nút giao thông ngã ba Cát Lái và trong năm 2011 sẽ xây dựng cầu Sài Gòn 2 với quy mô như cầu Sài Gòn hiện hữu, dài 1.500m, rộng 23,5m, gồm 6 làn xe, vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng.
Có thể thấy, trong tương lai các quận 2, 9, Thủ Đức… với tuyến đường xa lộ Hà Nội, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây... sẽ trở thành những tuyến đường trục kết nối TPHCM với các tỉnh miền Đông Nam bộ, đưa tam giác kinh tế (TPHCM - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu) bật lên sức sống mới cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Cửa ngõ phía Nam: khu cảng biển mới
Song song với hệ thống cảng biển cũ nằm bên sông Sài Gòn, một hệ thống cảng biển mới nằm bên sông Soài Rạp cũng đang dần hình thành cùng với sự phát triển mạng lưới giao thông phía Nam thành phố. Các cảng Sài Gòn, Ba Son, Bến Nghé sau nhiều năm phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế của thành phố đã không còn phù hợp. Khu vực quận 7, Phú Xuân - Nhà Bè đang xuất hiện các cảng biển mới. Hiện các hạng mục hạ tầng tại cảng Hiệp Phước đang được đẩy nhanh, trong đó việc nạo vét sông Soài Rạp đến độ sâu 9,5m là hạng mục được ưu tiên làm trước để đón các loại tàu từ 30.000 – 50.000 tấn.
Những kết quả đạt được trong 5 năm qua trên lĩnh vực cải tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng đã tạo cho thành phố diện mạo mới xứng tầm là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học hàng đầu cả nước. Trong năm 2011, 18 công trình giao thông lớn, quan trọng tiếp tục được xây dựng sẽ làm thay đổi nhanh hơn, mạnh hơn bộ mặt kinh tế - xã hội thành phố, góp phần nâng cao đời sống, văn hóa người dân.
Ng.Khoa - T.Long
Sức sống mới phía Đông (TPHCM)
Từ một vùng đất thấp trũng, lầy lội ven bờ sông Sài Gòn, quận 2 đã trở mình, vươn lên một cách mạnh mẽ và nay là một quận có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc phát triển của TPHCM trong tương lai. Ở đó không chỉ có đô thị mới Thủ Thiêm mà còn có khu cảng biển container lớn nhất Việt Nam.
Vươn mình
Sự thay da đổi thịt của một quận xưa kia là bưng biền, lau sậy um tùm sẽ thật bất ngờ với nhiều người khi thấy diện mạo của quận 2 ngày hôm nay. Hàng loạt dự án trọng điểm và công trình hạ tầng giao thông được đầu tư đã giúp cho quận 2 từ vùng quê đã trở thành một khu đô thị sầm uất. Đi qua quận 2 giờ đây không phải xuống phà Thủ Thiêm hoặc đánh một vòng ra mãi ngoài Thủ Đức mới tới được, mà từ trung tâm TP theo đường Nguyễn Hữu Cảnh, rồi đi qua cầu Thủ Thiêm, chỉ khoảng 10 phút đi xe máy là bạn đã có thể đặt chân tới quận 2.
Ông Lê Minh Bá, người dân sống lâu năm ở quận 2, nhớ lại: “Cách đây khoảng hơn chục năm, mặc dù chỉ cách nhau một con sông thôi nhưng giữa quận 2 và quận 1 là cả một khoảng cách rất lớn về mọi mặt”. Rồi ông Bá hồ hởi kể tiếp: “Khoảng 3 năm nay, khi cây cầu Thủ Thiêm đã hoàn thành, người dân chúng tôi thường hay gọi là “cây cầu mơ ước”, không chỉ nối liền hai bờ vui mà còn xóa luôn khoảng cách giữa một trung tâm sầm uất như quận 1 và một quận ven nông thôn như quận 2".
- Ảnh bên : Một khu chung cư tái định cư ở quận 2 (Ảnh: Cao Thăng)
Không chỉ có cầu Thủ Thiêm, năm ngoái người dân tại quận 2 cũng đã có thể chạy bon bon một mạch tới quận 7 trên cây cầu Phú Mỹ rất hiện đại. Sắp tới đây hầm Thủ Thiêm hoàn thành sẽ kéo quận 2 gần hơn với trung tâm hiện hữu của TPHCM. Cầu hay hầm Thủ Thiêm đều là những công trình giao thông trọng điểm của TPHCM được xây dựng nhằm tạo điều kiện cho đô thị mới Thủ Thiêm phát triển.
Gặp người dân tại đây, ai nấy đều phấn khởi: Khi cầu Thủ Thiêm hoàn thành hay lúc hợp long hầm Thủ Thiêm đều tác động rất tích cực đến đời sống của người dân và sự phát triển của quận.
Từ một khu ốc đảo, hiện nay quận 2 đã có những khu biệt thự, những dự án nhà ở cao cấp nằm ven sông Sài Gòn đẹp mê hồn. Trong tương lai, khi Khu đô thị mới Thủ Thiêm được hoàn thành, quận 2 trở thành trung tâm tài chính - dịch vụ - thương mại cao cấp, có hệ thống hạ tầng hiện đại với một không gian sống và làm việc rất lý tưởng.
Có thể nói, chưa có quận huyện nào trên địa bàn TPHCM lại hấp dẫn các nhà đầu tư phát triển đô thị như quận 2. Theo bà Trần Thị Hồng Nguyệt, Chánh Văn phòng UBND quận 2, hiện nay hơn 90% diện tích đất quận 2 đã “phủ kín” các dự án xây dựng khu dân cư mới với khoảng 300 dự án đang được thi công xây dựng. Trong đó, có nhiều công trình trọng điểm của TP như đường Vành đai phía Đông, Liên tỉnh lộ 25B giai đoạn 2, xa lộ Hà Nội giai đoạn 2, Khu đô thị mới Thủ Thiêm…
Từ cầu Thủ Thiêm để đến quận 2, chúng tôi thấy dọc tuyến đường Lương Định Của, người dân đã di dời, giao trả mặt bằng để giao cho các chủ đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Điều đáng nói, ngày càng nhiều người dân tự nguyện giao mặt bằng để cùng chung tay để phát triển một đô thị quận 2 đẹp hơn, đàng hoàng hơn.
Đáp đền bù lại sự hy sinh của người dân, dự án 12.500 căn hộ tái định cư cho người dân thuộc 5 phường trung tâm của Thủ Thiêm hiện cũng đang trong giai đoạn xây dựng. Bà Trần Thị Hồng Nguyệt cho biết, 3 công trình thuộc dự án 12.500 căn hiện nay đang được gấp rút xây dựng. Vào tháng 12-2010, 600 căn chung cư đầu tiên của 1.884 căn thuộc dự án 17,3 ha sẽ được chủ đầu tư bàn giao để bố trí cho người dân thuộc 5 phường trung tâm tại Thủ Thiêm, số còn lại sẽ được hoàn thành và bàn giao vào cuối năm 2011.
Thay đổi từng ngày Cùng với quận Thủ Đức và quận 9, quận 2 là một trong những quận cửa ngõ phía Đông của TP, thông thương trực tiếp với các trung tâm công nghiệp ở miền Đông Nam bộ như Đồng Nai, Bình Dương… Không chỉ có thế, trên địa bàn quận 2 còn có khu cảng biển container Cát Lái, cho đến thời điểm hiện nay vẫn là khu cảng biển container lớn nhất Việt Nam, với tổng lượng container lưu thông chiếm 70% lượng container qua toàn bộ hệ thống cảng Việt Nam.
Do vậy, ở quận 2 không chỉ có Đô thị mới Thủ Thiêm mà còn có một trung tâm giao thương hàng hải quan trọng của TPHCM. Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng giao thông cho quận 2 phục vụ cho việc đi lại của người dân và để lưu thông hàng hóa, vì thế luôn được Đảng bộ chính quyền TPHCM cùng Đảng bộ chính quyền quận 2 quan tâm.
Khoảng hơn một tháng trước, cầu Giồng Ông Tố mới đã được thông xe. Đây là cây cầu nằm trên tuyến Liên tỉnh lộ 25B-con đường huyết mạch nối khu cảng container Cát Lái với xa lộ Hà Nội, thông ra quốc lộ 1A để đi tới Đồng Nai, Bình Dương.
Trục đường này, trong thời gian gần đây liên tục bị kẹt xe do lượng hàng hóa lưu thông qua lại tăng cao. Cầu Giồng Ông Tố mới chỉ là một hạng mục của toàn bộ dự án mở rộng đường Liên tỉnh lộ 25B nhưng bước đầu cũng đã giúp cải thiện đáng kể tình trạng quá tải ở đây.
Ông Đinh Nam Dinh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TPHCM, cho biết nhờ có cầu này thời gian lưu thông qua toàn bộ tuyến Liên tỉnh lộ 25B đã giảm khoảng 10% so với trước. Tất nhiên, mục tiêu cuối cùng của Đảng bộ, chính quyền quận 2 không dừng ở đây. Theo bà Trần Thị Hồng Nguyệt, quận đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng thi công toàn bộ tuyến Liên tỉnh lộ 25B để nhà thầu có thể sớm triển khai dự án.
Bên cạnh dự án mở rộng Liên tỉnh lộ 25B, dự án mở rộng xa lộ Hà Nội cũng đang được UBND quận 2 xúc tiến mạnh mẽ (phần giải phóng mặt bằng). Bà Trần Thị Hồng Nguyệt cũng cho biết thêm, quận 2 hiểu rằng, cùng với việc mở rộng Liên tỉnh 25B thì phải triển khai ngay việc mở rộng xa lộ Hà Nội vì hai tuyến đường này thông thương với nhau, có vậy hoạt động giao thương hàng hóa giữa khu cảng Cát Lái với các khu công nghiệp-khu chế xuất ở Đồng Nai, Bình Dương mới thông thoáng.
Hoạt động của các cảng biển, đặc biệt là các cảng biển ở Cát Lái, trung bình mỗi năm đóng góp cho ngân sách thành phố hàng chục ngàn tỷ đồng. Do vậy, quận 2 tự nhận thấy phải có trách nhiệm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho 2 tuyến đường huyết mạch này.
HẠNH NHUNG - NGUYỄN KHOA