Theo báo cáo tài chính quý IV/2015, Hoàng Anh Gia Lai nợ ngân hàng khoảng 12.000 tỷ đồng. Trong đó, các chủ nợ ngân hàng là BIDV, ACB…
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2015 vừa công bố trong tháng 3/2016, tính đến cuối kỳ, nợ phải trả đã tăng 54,5% lên 32.650 tỷ đồng, trong đó, Hoàng Anh Gia Lai nợ ngân hàng khoảng 12.000 tỷ đồng. Tổng tài sản tập đoàn tăng lên 48.604 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 15.963 tỷ đồng.
Mặc dù kinh doanh có bước khởi sắc nhờ lĩnh vực chăn nuôi bò, đưa khu phức hợp HAGL Myanmar Centre vào hoạt động, song nhìn vào số nợ của tập đoàn, cổ đông HAGL không khỏi lo lắng. Nhiều chủ nợ ngân hàng của Hoàng Anh Gia Lai như Bản Việt, ACB đã có động thái mới đối với cổ phiếu của HAGL -bán giải chấp cổ phiếu HNG để thu hồi nợ.
Hoàng Anh Gia Lai group.
Thông tin trên báo Đời sống pháp luật có đưa, từ ngày 14-15/3/2016, Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) đã bán giải chấp hơn 2,6 triệu cổ phiếu HNG thuộc sở hữu của HAGL.
Như vậy, ngay sau ngân hàng ACB, đến lượt ngân hàng Bản Việt đã phải bán giải chấp cổ phiếu HNG – tài sản tập đoàn này cầm cố, để thu hồi nợ. Mức giá HNG dao động trong khoảng 8.900 – 9.400 đồng/cổ phiếu, thanh khoản HNG tăng mạnh, gấp 3 lần so với phiên trước đó. Tổng khớp lệnh tại HNG đạt 13,4 triệu cổ phiếu trong phiên. Do đó, Bản Việt thu về khoảng 23,1 – 24,4 tỷ đồng từ việc bán giải chấp hơn 2,6 triệu cổ phiếu HNG.
Trước đó, đầu tháng 3, ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) – chi nhánh Gia Lai cũng đã bán giải chấp 5,82 triệu cổ phiếu HNG (HAGL Agrico) thuộc sở hữu của công ty mẹ là Hoàng Anh Gia Lai để thu hồi nợ vay.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên, HAGL Agrico (HNG) vay ACB – chi nhánh Gia Lai 135 tỷ đồng với với tài sản thể chấp là 19 triệu cổ phiếu HNG thuộc sở hữu công ty mẹ HAG và tiền gửi có kỳ hạn của HAG là 24 tỷ đồng. Đây là khoản vay kỳ hạn dài, hoàn trả trong vòng 10 năm kể từ ngày 4/11/2010.
Trong khoảng thời gian này, cổ phiếu HNG được giao dịch trong khoảng giá từ 7.500 – 8.100 đồng/cổ phiếu. Sau lần bán giải chấp gần 6 triệu cổ phiếu, tổng số cổ phần HNG do HAGL sở hữu đã giảm từ hơn 548,9 triệu cổ phiếu xuống còn 543 triệu cổ phiếu.
Ngoài ra, thông tin trên Thời báo kinh tế Sài Gòn Online cho biết, ngoài BIDV, tập đoàn cũng vay của ngân hàng Liên doanh Lào – Việt hơn 451 tỷ đồng, vay ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HD Bank) 119 tỷ đồng. Tổng số nợ mà Hoàng Anh Gia Lai vay là hơn 2000 tỷ đồng….
Các khoản nợ trên được đảm bảo bằng cổ phiếu HAG của Chủ tịch HĐQT công ty, các tài sản của tập đoàn như quyền thuê đất và tài sản gắn liền với đất của một số dự án tại Việt Nam và Lào, quyền sử dụng đất và vườn cây cao su.
Dù con số thống kê số lượng và số tiền mà các Ngân hàng cho HAGL vay không được công bố cụ thể nhưng mới đây nhất, thông tin ngân hàng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tiếp tục rót vốn cho HAGL đầu tư giai đoạn 2 dự án HAGL Myanmar Centre tại TP.Yangon (tổng vốn đầu tư khoảng 230 triệu USD) đã khiến dư luận chú ý.
Báo Dân Việt có đưa thông tin, tại lễ khởi công, đại diện Ngân hàng BIDV Việt Nam cho biết, ngân hàng này cam kết thu xếp cho giai đoạn 2 dự án HAGL Myanmar Centre với giá trị 35% tổng vốn đầu tư. Ngân hàng BIDV được cho là chủ nợ lớn nhất của HAGL trong khi các ngân hàng khác đang cho tập đoàn này vay từ hơn 100 – 3.000 tỷ đồng.
Trước đó, theo Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ tại thời điểm ngày 30/6/2015, HAG vay ngắn hạn tại BIDV hơn 1.500 tỷ đồng.
Ngân hàng BIDV Việt Nam rót vốn cho giai đoạn 2 dự án HAGL Myanmar Centre với giá trị 35% tổng vốn đầu tư. Hình ảnh Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) Myanmar Center
Về khoản nợ ngân hàng 12.000 tỷ đồng, HAGL khẳng định cơ cấu nằm ở cổ phiếu, tài sản và cả khoản xóa sổ do thiết bị cũ cần thay thế. Với nợ đến hạn, Hoàng Anh Gia Lai đã làm việc với ngân hàng, tổ chức tín dụng để thu xếp và con số này thấp hơn rất nhiều.
(Theo Kiến Thức)