“Sự thật trần trụi về tương lai của Hồng Kông có thể được tóm gọn chỉ ở hai từ “qua rồi”, theo quan điểm được tạp chí Fortune đăng tải.
Rõ ràng, có nhiều người bi quan tin rằng vai trò mong manh của Hồng Kông trong vai trò trung tâm kết nối giữa Trung Quốc và hệ thống tài chính thế giới đã qua.
Tuy nhiên, điều mà tạp chí Fortune danh tiếng nói đến đã được đưa ra từ 24 năm trước, cho đến nay, Hồng Kông vẫn vững vàng về vị thế. Trên thực tế, sự trỗi dậy của ngân hàng Trung Quốc chỉ củng cố thêm cho vị thế của Hồng Kông chứ không hề làm yếu đi vị thế của Hồng Kông. Khi mà các ngân hàng Trung Quốc theo đuổi tham vọng vươn ra toàn cầu, thành phố Hồng Kông trở thành bàn đạp quan trọng, theo bài bình luận mới đây trên Wall Street Journal.
Theo tính toán chỉ số các trung tâm dịch vụ tài chính của Z-Yen, Thượng Hải đã leo lên đuổi sát nút Hồng Kông. Thế nhưng hai thành phố này vừa cạnh tranh vừa bổ sung cho nhau. Các ngân hàng cho vay Trung Quốc đã phát triển mạnh, họ đứng đầu trong nhóm các ngân hàng lớn nhất thế giới, thế nhưng họ lại chưa thể hiện được rằng họ có thể hiện thực được nhiều tham vọng quốc tế từ Trung Quốc.
Số liệu từ ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS) cho thấy vị thế trung tâm ngân hàng của Hồng Kông: Trong tổng số 1,548 nghìn tỷ USD hoạt động tín dụng liên biên giới do ngân hàng tại Hồng Kông giao dịch, chỉ chưa đầy 4% từ các ngân hàng có trụ sở tại Hồng Kông, Phần còn lại do các chi nhánh ngân hàng có trụ sở nơi khác thực hiện.
Ngay cả khi Thượng Hải đang ngày một nổi lên, số liệu của Trung Quốc cũng không khác nhiều. Trong tổng số giao dịch quốc tế 2,2226 nghìn tỷ USD trong 1 năm tính đến hết tháng 3/2019, chỉ chưa đầy nửa được thực hiện tại Trung Quốc.
Phần lớn hoạt động tài chính nước ngoài của ngân hàng Trung Quốc được xử lý qua kênh Hồng Kông, nơi mà tài sản của họ đã tăng trưởng gấp 5 lần trong thập kỷ qua, con số này chiếm hơn nửa trong tăng trưởng của ngành ngân hàng Hồng Kông.
Hồng Kông giữ vai trò như ngôi nhà thứ 2 của ngành tài chính Trung Quốc. Tính trong tổng số các chi nhánh nước ngoài của ngân hàng Trung Quốc, có đến 416 chi nhánh tại Hồng Kông, theo phân tích của giáo sư ngành địa lý kinh tế tại đại học Beijing Normal, ông Fenghua. Macao đứng vị trí thứ 2 với 47 ngân hàng sau đó đến Singapore với 19 ngân hàng, New York 16, và London 14.
Sẽ thật khó để tìm thấy một nơi nào khác mà giới chức ngành tài chính làm việc với nhau chặt chẽ như Hồng Kông hay Trung Quốc đại lục.
Bắc Kinh cũng cần đến Hồng Kông để có thể thực hiện tham vọng toàn cầu. Vai trò quốc tế của đồng nhân dân tệ phụ thuộc vào vị thế của Hồng Kông trong ngành tài chính toàn cầu. Singapore chiếm 3,5% giao dịch quốc tế bằng đồng nhân dân tệ còn Hồng Kông chiếm 75,5%. Tỷ lệ này không thay đổi nhiều trong khoảng 5 năm trở lại đây.
Rất nhiều người từng nói rằng vị thế của Hồng Kông trong vai trò trung tâm của ngành ngân hàng đang yếu đi so với Thượng Hải, họ đã sai. Vai trò ngày một lớn dần của Hồng Kông trong vị thế xuất phát điểm giúp ngành tài chính Trung Quốc hội nhập vào thế giới là không thể thay thế. Trung Quốc càng thịnh vượng, Hồng Kông càng giàu có.