Con số hàng nghìn tỷ USD dự trữ ngoại hối của Trung Quốc không lớn như nhiều người tưởng tượng.
Trong những ngày nay, hầu hết các cuộc bàn luận về kinh tế Trung Quốc đều nhắc đến một điểm sáng giữa muôn vàn những nỗi lo lắng: với 3.300 tỷ USD dự trữ ngoại hối, các nhà lãnh đạo nước này hoàn toàn có thể mang nguồn lực khổng lồ này ra để bảo vệ đồng nhân dân tệ, cứu rỗi hệ thống ngân hàng hay vung tiền ở nước ngoài để nâng tầm ảnh hưởng.
Tuy nhiên, theo một bài viết mới đăng tải trên Bloomberg, có thể niềm tin đã bị đặt nhầm chỗ.
Con số hàng nghìn tỷ USD không lớn như nhiều người tưởng tượng. Mức tổng hơn 3.000 tỷ USD mà NHTW Trung Quốc (PBOC) đưa ra là khá chính xác. Tuy nhiên, đó chưa phải là toàn bộ câu chuyện. Theo nhiều nguồn ước tính, gần 1/3 dự trữ ngoại hối của Trung Quốc được giữ dưới dạng những tài sản không có tính thanh khoản – ví dụ như những khoản đầu tư dài hạn vào cơ sở hạ tầng mà một phần nằm trong dự án “con đường tơ lụa mới”. Điều này có nghĩa là hơn 1.000 tỷ USD chỉ có thể được tiếp cận sau ít nhất là 1 năm. Kể cả khi con số chỉ dừng lại ở 500 tỷ USD, Trung Quốc chỉ còn khoảng 2.800 tỷ USD dự trữ ngoại hối “có thể sử dụng được”.
Nhưng câu hỏi là Trung Quốc sẽ cần bao nhiêu dự trữ ngoại hối để có thể đảm bảo mọi thứ đang đi đúng hướng? Theo tính toán của IMF dựa trên nghiên cứu về những cuộc khủng hoảng trong quá khứ, các quốc gia nên duy trì dự trữ ngoại hối tương đương khoảng 30% nợ ngắn hạn phải thanh toán bằng ngoại tệ, 15% các khoản nợ khác, 10% cung tiền M2 hoặc 10% kim ngạch xuất khẩu hàng năm.
Trong trường hợp của Trung Quốc, nước này sẽ cần đến gần 3.000 tỷ USD. Cung tiền M2 đang ở mức khoảng 21.000 tỷ USD). Hiện nay, kể cả khi dự trữ ngoại hối của Trung Quốc chỉ tương đương 15% cung tiền M2 (là mức thấp nhất kể từ 2008), hoặc tỷ lệ bị giảm xuống chỉ còn 10% theo như khuyến nghị của IMF, Trung Quốc vẫn cần phải có 2.100 tỷ USD. Ngoài ra cần đến 900 tỷ USD để trang trải những khoản nợ nước ngoài và nghĩa vụ khác.
Con số hơn 3.000 tỷ USD tương đương 110% con số mà IMF đưa ra. Trừ đi các tài sản không có thanh khoản, tỷ lệ chỉ là 93%. Trong khi đó IMF cho rằng các nước nên duy trì mức 150% mới có thể chắc chắn trong ngưỡng an toàn.
Tồi tệ hơn là dự trữ ngoại hối chính thức của Trung Quốc do PBOC quản lý đang giảm rất nhanh, mất tới 100 tỷ USD mỗi tháng kể từ tháng 10/2015. Với các công dân và doanh nghiệp Trung Quốc đang chạy đua để mang tiền ra nước ngoài (tổng cộng khoảng 1.000 tỷ USD đã bị rút ra trong năm ngoái), Chính phủ Trung Quốc đã phải can thiệp để bảo vệ đồng nhân dân tệ và khiến dự trữ ngoại hối sụt giảm rõ rệt.
Có rất ít dấu hiệu cho thấy tình hình có thể đảo ngược. Trên thực tế, PBOC đang ngày càng “đốt” nhiều tiền hơn và với tình hình kinh tế không mấy sáng sủa, mọi chuyện chưa thể dừng lại.
Tùy vào tốc độ rút vốn nhanh đến đâu, sớm nhất là vào tháng 7 tới Bắc Kinh có thể sẽ phải chứng kiến dự trữ rút xuống mức thấp đáng lo ngại. Ở tốc độ hiện tại, đến cuối quý I con số sẽ xuống dưới 3.000 tỷ USD và đến cuối mùa hè dự trữ chỉ còn chưa đến 2.000 tỷ USD nếu không tính đến các tài sản không có thanh khoản. Và, đến cuối năm 2016, nước này chỉ còn một công cụ duy nhất để ngăn dòng vốn tháo chạy và bảo vệ nhân dân tệ: kiểm soát chặt dòng vốn bằng các mệnh lệnh hành chính.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc nên phản ứng như thế nào? Đầu tiên, họ buộc phải chấp nhận sự thực. PBOC có thể xuất sắc trong việc áp dụng chính sách hạ lãi suất. Tuy nhiên, với nhu cầu vay vốn giảm và nỗi lo sợ về TTCK dâng cao, Trung Quốc sẽ buộc phải nới lỏng chính sách hơn nữa để ngăn dòng vốn tháo chạy. Điều đó có nghĩa là nhân dân tệ tiếp tục phải chịu áp lực, buộc PBOC phải chi thêm hàng tỷ USD bảo vệ nó.
Khi vừa nới lỏng chính sách tiền tệ, vừa cố gắng bảo vệ giá trị của nhân dân tệ cùng một lúc, PBOC đang theo đuổi một bộ chính sách mâu thuẫn với nhau và chc chắn sẽ không thể thành công. Thay vào đó PBOC cần vạch ra lộ trình rõ ràng và chỉ được chọn một trong hai: thả nổi đồng nhân dân tệ hoặc áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn. Họ không còn bất kỳ lựa chọn nào khác.
Thứ hai, Trung Quốc buộc phải lấy lại được niềm tin ở cả trong và ngoài nước sau khi mất uy tín nặng nề trong năm vừa qua. Động thái bất ngờ phá giá nhân dân tệ hồi mùa hè năm ngoái khiến không chỉ các nhà đầu tư nước ngoài mà cả bản thân người dân Trung Quốc cũng cảm thấy bất an. Truyền thông nhà nước vẫn chạy các bài báo khẳng định đồng nhân dân tệ vẫn ổn định, nhưng ngày càng có nhiều báo cáo xuất hiện cho thấy có nhiều biện pháp hành chính đã được áp dụng để ngăn dòng vốn tháo chạy. Dù cho các yếu tố kinh tế cơ bản cho thấy vốn sẽ tiếp tục bị rút ra, thay đổi tâm lý của nhà đầu tư có thể phần nào chặn bớt làn sóng. Để làm được điều này, Trung Quốc cần sự lãnh đạo xuất sắc và một chính sách tiền tệ đáng tin cậy hơn.
Diễn biến chóng vánh của thị trường sẽ buộc Trung Quốc phải sớm đưa ra quyết định liệu họ đã sẵn sàng thả nổi đồng nhân dân tệ hay chưa. Giấc mơ quốc tế hóa và nâng tầm vị thế của nhân dân tệ cũng như tự do hóa hệ thống tài chính đang đứng trước nguy cơ vụn vỡ.
Thu Hương
Theo Trí thức trẻ/Bloomberg