TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 223
  • Hôm nay: 198
  • Tháng: 1621
  • Tổng truy cập: 5245625
Chi tiết bài viết

Không thế không phải “dân Sài Gòn

“Tính cách của người Sài Gòn là tính cách của người Việt từ những miền quê của cả nước hội tụ lại, hòa quyện với văn hóa của các cộng đồng người Hoa, người Chăm, người Khmer, người Ấn và người phương Tây chung sống với nhau từ trên ba thế kỷ ở vùng đất mới, kết tinh lại thành nét riêng”

Người Sài Gòn là người tứ xứ, vậy có hay không một tính cách người Sài Gòn? Với tôi là có.

Tôi có thể tự coi là người Sài Gòn chính gốc. Mẹ tôi sinh tôi tại nhà thương Từ Dũ, số 284 đường Arras, nay là Cống Quỳnh. Khai sanh của tôi ghi rõ ngày, giờ và nơi sinh, do Trưởng ty Hộ tịch Võ Văn Để ký tên, đóng dấu. Trên tờ biên lai khai sanh (chú thích là “phát không”) có in “Lời dặn cần yếu”: “Cha mẹ đứa nhỏ phải giữ giấy biên lai này, hầu tiện việc xin sao lục tờ khai sanh rời”. Cũng trên giấy ấy có một dòng chữ in chữ Việt và chữ Nho như sau: “Phải đem đứa nhỏ mới sanh này đi trồng trái tại nhà thương thí Sài Gòn trong vòng ba tháng. Nếu để trễ, cha mẹ nó phải bị buộc tội”. Trời đất, thời ấy, 1953, đã có tiêm chủng miễn phí cho toàn dân, và cha mẹ sẽ bị khởi tố hình sự nếu không đưa con đi tiêm chủng đúng hạn!

Sài Gòn không là quê nên người Sài Gòn nào cũng mang nỗi nhớ quê. Ảnh Huỳnh Minh Khánh

Tôi học trường mẫu giáo tại Bàn Cờ, sau đó học lớp tiểu học đầu đời, hồi đó gọi là lớp 5, tại trường tiểu học Phan Đình Phùng. Lúc đó, má tôi là cán bộ kháng chiến, hoạt động bí mật. Khi bị lộ, má tôi phải trốn tránh về Mỹ Tho, nên mang tôi gửi về quê ngoại ở Long Hựu, Cần Đước (Long An) cho dì Năm, chị ruột của má nuôi giùm. Thế là, từ một học sinh Sài Gòn, tôi trở thành học sinh trường làng. Trường nằm bên dòng kinh nước mặn nên có tên trường tiểu học Kinh Nước Mặn, sân trường trồng đầy cây điệp và me keo. Mùa mưa, đường đến trường trơn trợt, mỗi lần té bị bạn học reo hò, chọc ghẹo là “chụp ếch”. Học hết lớp nhứt (lớp 5 bây giờ), tôi được miễn thi mà vẫn được cấp bằng tiểu học. Mười sáu năm sau, tôi trở lại Sài Gòn khi ấy đã mang tên TP.HCM, làm việc, lập gia đình. Rồi con trai tôi cũng ra đời tại nhà thương Từ Dũ. Hơn sáu mươi tuổi đời, tôi sinh ra và sống ở thành phố này gần năm mươi năm, “vắt qua hai thế kỷ”.

Nét nhận biết đầu tiên của tôi từ hồi nhỏ, đó là rất nhiều người Sài Gòn đều có một quê hương ở nơi khác. Không ai nói “tôi quê ở Sài Gòn”. Sài Gòn là nơi sinh sống, học hành, làm ăn, lập gia đình, gầy dựng cơ nghiệp, tích lũy tài sản, thậm chí định cư cả đời ở đây, nhưng không ai coi Sài Gòn là quê hương. Quê hương là ở nơi khác, trước hết là lục tỉnh, xa hơn là Phan Thiết, là Nha Trang, là Đà Lạt, là Nam, Ngãi, Bình, Phú, Huế, Quảng Trị, và sau 1954, là Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, xứ Đoài, xứ Đông, vùng Kinh Bắc... Quê hương là phải có một dòng sông, một con đò, một cánh đồng, một vườn cây, một ngôi chùa, một mái nhà thờ, một trường làng; quê hương là nơi thả diều, chăn trâu, mò cua, bắt cá; quê hương là nơi những người già trong dòng tộc đang sống, có nhà thờ họ và mồ mả tổ tiên. Tuổi nhỏ, sướng nhất là mỗi lần được về quê ăn giỗ hay Tết, vì sẽ được gặp ông bà nội, ngoại, cô dì, chú bác, chơi đùa với anh chị em họ, được ăn những món quê, hái trái cây, bơi lội trên kinh rạch. Ngày Tết, ai nấy kéo về quê, Sài Gòn yên vắng hẳn.

Quê hương cũng là nơi đùm bọc khi khốn khó.Thời bao cấp sau ngày 30.4.1975, chính quyền ngăn sông, cấm chợ để buộc dân phải bán nông sản thừa cho xí nghiệp nhà nước. Người dân bị cấm mang nông sản tươi sống ở quê đem lên cho người thân ở Sài Gòn. Không cho mang đồ tươi sống thì mang đồ nấu chín. Thỉnh thoảng, tôi về quê chơi, dì tôi nấu một nồi cơm to, kho thịt, rim tôm, bỏ vào bao bàng cho tôi xách lên Sài Gòn, tiếp tế cho anh chị tôi và năm đứa cháu ngoại đang tuổi ăn học. Chấp hành đến vậy mà dì còn bảo: “Mầy là Việt cộng, làm vậy chắc tụi nó không bắt!”.

Ảnh Doãn Quang

Không ai coi Sài Gòn là quê, nhưng dân tỉnh nào cũng không thể thiếu. Sài Gòn là nơi cung ứng hàng công nghiệp cho các tỉnh, hàng ngày hàng trăm chuyến xe đò chở người đi “bổ hàng” về quê bán. Sài Gòn là nơi tiêu thụ nông sản cho các vùng nông nghiệp, rau và hoa Đà Lạt theo xe đò về, trái cây miền Tây theo ghe chài lên, đổ xuống các chợ đầu mối, từ đó lan tỏa ra hàng trăm ngôi chợ nhỏ khắp các quận huyện. Đặc biệt, Sài Gòn là nguồn văn hóa, giáo dục cho các miền quê. Ở quê nhiều nơi chỉ có trường tiểu học, lên đến huyện thì chỉ có trường trung học đến cấp hai. Nhiều gia đình dành tiền gửi con đi học ở Sài Gòn. Học xong, ai giỏi thì ở lại lập nghiệp, nếu không lại về quê làm nghề nông, dạy học trường làng, hoặc buôn bán nhỏ trong chợ xã. Sách báo hàng ngày, và cả những bản tân nhạc in khổ A4, những tập bài hát vọng cổ, từ Sài Gòn theo xe đò về đến tận chợ quê. Để dân quê kịp đọc báo hàng ngày vào sáng sớm, báo Sài Gòn toàn phát hành chiều hôm trước. Đừng quên, Sài Gòn là đất học với những trường đại học lớn dành cho cả miền Nam như Văn khoa, trường Luật, Nông Lâm Súc, Sư phạm, trường Y... Sài Gòn với những học giả tài ba và những giáo sư lỗi lạc. Những người học giỏi và lập nghiệp thành công nhất có lẽ là những người miền Trung cơ cực, tìm cơ hội đổi đời bằng con đường học vấn ở Sài Gòn, một đô thị tân tiến và cửa ngõ giao lưu quốc tế của cả nước. Cũng đừng quên, Sài Gòn là đất văn hóa. Từ rất sớm, đây là nơi ra đời những tờ báo tiên phong như Gia Định Báo, Phụ Nữ Tân Văn; là nơi xuất bản cuốn tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên của văn học Việt Nam (truyện Thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản, năm 1887), là nơi sống và sáng tác của những nhà văn, nhạc sĩ, soạn giả lừng danh (Trương Vĩnh Ký, Hồ Biểu Chánh, Võ Phiến, Sơn Nam, Phạm Duy, Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Anh Bằng, Trịnh Công Sơn...); nơi công diễn đầu tiên của nhiều tác phẩm điện ảnh, tuồng cải lương kinh điển. Sau năm 1975, Sài Gòn là nơi đón nhận nồng nhiệt các vở kịch hay mà “khó xem” của Lưu Quang Vũ, Doãn Hoàng Giang. Những ca khúc hay nhất của các nhạc sĩ tài ba từ Hà Nội vào như Phú Quang, Trần Tiến dường như đã ra đời, đã thăng hoa ở chính Sài Gòn này.

Người Sài Gòn là người tứ xứ, vậy có hay không một tính cách người Sài Gòn? Với tôi là có. Trước hết là lòng trượng nghĩa, quân tử, hào hiệp, giữa đường thấy sự bất bằng chẳng tha! Có người té xe, sẽ có người chạy ra đỡ lên, đưa dầu cho xức hoặc nếu nặng thì đưa vào bệnh viện. Đang đi, có người nhắc “gạt chân chống lên”, chưa kịp cảm ơn họ đã vọt mất. Có người bị giựt dây chuyền, đồng hồ, là sẽ có người rượt theo bắt giao cho công an.

Người Sài Gòn, nhất là lớp trẻ, rất tự tin, chững chạc, nhiệt tình, tốt bụng với khách nơi khác đến, kể cả khách quốc tế, đặc biệt học ngoại ngữ rất nhanh. Những tính cách này là tài sản quý của dân tộc trong thời hội nhập quốc tế, nhưng gần đây có dấu hiệu suy thoái, và sẽ sứt mẻ nhiều, nếu chính quyền và xã hội không có cách bảo vệ và phát huy.

       

 Tính cách thứ hai là thói quen ủng hộ và thực hành văn minh đô thị. Văn minh đô thị khác văn minh làng xã, và nhờ nó mà đô thị phát triển một cách văn minh. Rất nhiều người từ các tỉnh khác dễ nhận thấy, người Sài Gòn chấp hành luật giao thông tốt nhất. Dừng xe đúng vạch, đi đúng làn, chờ đợi nhau chứ không chen lấn, đội mũ bảo hiểm nghiêm túc. Không ít lần tôi chứng kiến cảnh những người ngồi xe hai bánh dừng lại chờ đèn xanh giữa trưa nắng, lúc sáng sớm hay đêm khuya, thậm chí giữa trời mưa, dù đường vắng. Người Sài Gòn có thói quen đốt pháo đã hàng trăm năm, mỗi dịp Tết đã từng đốt hàng trăm tỷ đồng tiền pháo, nhưng khi có lệnh cấm thì nhất nhất chấp hành, đến nay đã mấy chục năm, không hề vi phạm. Người Sài Gòn biết xếp hàng tự giác, không xả rác, phóng uế nơi công cộng. Suốt hơn nửa thế kỷ qua, từ khi còn nhỏ cho tới nay tôi nhận thấy người Sài Gòn luôn coi sự thanh lịch là tiêu chuẩn của người có văn hóa. Thanh lịch trong cư xử và nói năng: đi thưa, về trình, ai giúp thì cám ơn, lỡ đụng chạm ai thì xin lỗi, không chửi thề, ở chỗ đông người thì nhường nhịn chứ không giành giựt, lượm được đồ thì tìm cách trả lại. Có cả một cái “giọng Sài Gòn” tao nhã, chuẩn xác trên đài phát thanh, đài truyền hình, trong các vở kịch, tuồng cải lương. Đào kép, ca sĩ là tầng lớp có văn hóa, biết tự trọng trước công chúng, từ cái cách rèn phát âm không nói đớt cho đến cách ăn mặc, cư xử với công chúng. Người Sài Gòn, nhất là lớp trẻ, rất tự tin, chững chạc, nhiệt tình, tốt bụng với khách nơi khác đến, kể cả khách quốc tế, đặc biệt học ngoại ngữ rất nhanh. Những tính cách này là tài sản quý của dân tộc trong thời hội nhập quốc tế, nhưng gần đây có dấu hiệu suy thoái, và sẽ sứt mẻ nhiều, nếu chính quyền và xã hội không có cách bảo vệ và phát huy.

Lòng nhân ái, sự hào phóng và sự bao dung là một tính cách đáng quý khác của người Sài Gòn. Có người nhân ái nhưng không hào phóng, có người hào phóng nhưng không nhân ái, còn người Sài Gòn thì kết hợp cả hai thành một tính cách rất riêng. Thương thì phải cho, phải giúp, phải làm thiệt chứ không chỉ nói miệng. Người Sài Gòn ghét những người nói mà không làm, gọi họ là “nói dóc”, là “ba xạo”, là “nói vậy mà không phải vậy”. Cho là vì thương, vì cần giúp, chứ không vì thừa thãi, bố thí để lấy phước cho mình. Đã thương, đã cho, đã giúp thì rất hào phóng, nhất là người giàu, nhưng người nghèo cũng ráng “nhín chút đỉnh” để san sẻ với người khó hơn mình. Người Sài Gòn không chia rẽ vùng miền, không kỳ thị dân tộc, lúc vui đùa có thể chọc ghẹo, pha tiếng nhưng dứt khoát không phải là kỳ thị, trái lại luôn tiếp nhận, hòa đồng một cách bình đẳng. Ai yếu hơn mình thì giúp, ai giỏi hơn mình thì phục, ai giàu hơn mình thì mừng cho họ. Đối với nhiều cánh chim tài hoa văn hóa, nghệ thuật bị sa cơ, bạc đãi ở nơi khác thì vẫn có thể dừng cánh trên mảnh đất lành ấm áp là Sài Gòn. Vì nhân ái, hào phóng nên bao dung, ai sai trái với mình, nếu “biết phải quấy”, “biết điều” thì cũng dễ làm lành, bỏ qua. Người Sài Gòn không có tính “thù dai, nhớ lâu”, có lẽ bởi xã hội ở đây luôn sôi động, cơ hội đến nhiều và nhanh, luôn phải nắm bắt, phải sáng tạo, cải tiến, không có thời giờ, tâm trí đâu mà gặm nhấm những hiềm khích cũ để chờ dịp trả thù. Nhân ái, hào phóng, lại dễ tin nên đôi khi bị lừa, nhưng “chứng nào tật ấy”, đến nay người Sài Gòn vẫn cứ nhân ái và hào phóng như thế, bao dung như thế và nếu không thế thì không phải “dân Sài Gòn”!

Ảnh Doãn Quang

Lạc quan, yêu đời là tính cách của nhiều vùng miền, nhưng nồng nhiệt, sôi nổi và vô tư là một tính cách rất Sài Gòn. Lạc quan, yêu đời, và thích biểu hiện ra, thích hát hò, đờn ca, nhảy múa, tụ họp, vui chơi. Ai đã từng chứng kiến những trận “đi bão” khi Việt Nam thắng bóng đá thì cảm nhận được sự nồng nhiệt này. Kết hợp với lòng yêu nước, tính cách nồng nhiệt sôi nổi biến thành những cuộc biểu tình chống bất công, những phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”, bất chấp tù đày, tra tấn trong giai đoạn đất nước chưa có hòa bình, thống nhất. Tuy nhiên, nếu rơi vào hoàn cảnh khốn khó thì lòng yêu đời lại chuyển thành sự nhẫn nại, cần cù lao động để sống, để tồn tại và vượt qua. Không làm nhân viên biên chế nên không được cung cấp nhu yếu phẩm thì đạp xích lô, mở quán cà phê, bán sạp ngoài chợ, làm bánh trái bỏ mối hay dạy sinh ngữ tại nhà để nuôi gia đình. Luôn đi chùa, đi lễ nhà thờ, giữ gìn nhân cách và lòng lương thiện vì tin rằng sẽ có một “ngày mai tốt đẹp hơn”. Khách nước ngoài lần đầu đến Việt Nam, đi thăm nhiều địa phương, khi đến Sài Gòn đều nhận xét: Sài Gòn hết mình buôn bán, làm lụng cần cù, mà mua sắm, ăn chơi cũng hết mình. Một thành phố mải miết hoạt động 24/24, dường như không ngủ, không nghỉ, giống như New York của Mỹ.

Vậy tính cách của người Sài Gòn từ đâu ra? Trong lòng mỗi người Sài Gòn đều có một miền quê để yêu, nhớ và trân trọng gìn giữ. Ở đây rồi mà vẫn cảm thấy “nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát, bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông”, vẫn vọng về phương Bắc với “thương nhớ mười hai”, vẫn thắc thỏm “đã lâu lắm rồi không về miền Trung thăm người em”, vẫn trông ngóng “về miệt rừng tràm”, vẫn đau đáu “nắng đẹp miền quê ngoại”, vẫn nhung nhớ “quê nhà ở phía ngôi sao” mà không về được, đành “qua sông mượn khúc ca dao làm cầu”. Tính cách ấy là tính cách của người Việt Nam từ những miền quê của cả nước hội tụ lại, hòa quyện với văn hóa của các cộng đồng Hoa, Chăm, Khmer, Ấn và người phương Tây chung sống với nhau từ trên ba thế kỷ ở vùng đất mới này, kết tinh lại thành nét riêng. Người Sài Gòn tự hào, giữ gìn và hành xử với tính cách ấy, ai đến đây cũng ảnh hưởng tính cách ấy. Không như thế không phải là người Sài Gòn, dù đã có một giấy khai sinh hay tờ hộ khẩu ở thành phố vô tư, náo nhiệt này.

Trương Trọng Nghĩa

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness