TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 223
  • Hôm nay: 198
  • Tháng: 1621
  • Tổng truy cập: 5245625
Chi tiết bài viết

Kinh tế thế giới nổi bật (14-20/1): Nga mạnh tay nhằm hạ lạm phát, Belarus là con nợ lớn nhất của Moscow, Gazprom dọa Moldova về khí đốt

Nga đang làm mọi cách để hạ lạm phát, thị trường bất động sản Trung Quốc tiếp tục suy giảm, Gazprom cảnh báo cắt nguồn cung khí đốt cho Moldova, còn quá sớm để Mỹ dỡ bỏ thuế quan với hàng Trung Quốc… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.

Kinh tế thế giới

Kinh tế thế giới nổi bật (14-20/1): Nga nói không chấp nhận mức lạm phát, Belarus là ‘con nợ’ lớn nhất của Moscow, Gazprom dọa không bán khí đốt cho M
Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) 2022 kéo dài 1 tuần từ ngày 17-21/1 với chủ đề 'Cùng nhau làm việc, Khôi phục lòng tin'. (Nguồn: Reuters)

Khai mạc Diễn đàn Kinh tế thế giới 2022

Ngày 17/1, Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2022 đã chính thức khai mạc tại khu nghỉ dưỡng Alpine, Davos, Thụy Sỹ dưới hình thức trực tuyến.

Sự kiện kéo dài 1 tuần từ ngày 17-21/1 với chủ đề "Cùng nhau làm việc, Khôi phục lòng tin" quy tụ các nhà lãnh đạo thế giới để giải quyết tình trạng của thế giới, nhất là các vấn đề kinh tế, môi trường, chính trị và xã hội do đại dịch trầm trọng thêm.

Các nguyên thủ quốc gia và chính phủ, các giám đốc điều hành và các nhà lãnh đạo khác sẽ tiến hành thảo luận về những thách thức quan trọng mà thế giới hiện phải đối mặt và trình bày ý tưởng của họ về cách giải quyết chúng.

Sự kiện cũng đánh dấu việc khởi động một số sáng kiến của Diễn đàn, bao gồm nỗ lực đẩy nhanh cuộc đua tới mức phát thải ròng bằng không, đảm bảo cơ hội kinh tế, tạo khả năng phục hồi không gian mạng, tăng cường chuỗi giá trị toàn cầu, xây dựng nền kinh tế ở các thị trường mong manh, thu hẹp khoảng cách sản xuất vaccine và sử dụng các giải pháp dữ liệu để chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo.

WEF kêu gọi các thành phố trên toàn thế giới nên tăng cường đầu tư vào việc mở rộng các không gian xanh và nuôi dưỡng các hệ thống tự nhiên cung cấp nước, thực phẩm và không khí trong lành, không chỉ vì sức khỏe của người dân và giải quyết các nguy cơ về biến đổi khí hậu, mà còn để thúc đẩy kinh tế. (TTXVN)

Ngành du lịch thế giới đối mặt nhiều khó khăn

Tổ chức Du lịch thế giới thuộc Liên hợp quốc (UNWTO) ngày 18/1 công bố báo cáo cho biết ngành du lịch thế giới trong năm 2021 hầu như không có sự cải thiện so với năm 2020, với mọi chỉ số đều ở mức thấp hơn so với thời trước đại dịch Covid-19.

Theo báo cáo, tỷ lệ tiêm chủng gia tăng và việc nới lỏng các hạn chế đi lại đã giúp ngành du lịch thế giới có chút phục hồi trong nửa cuối năm 2021, nhưng sự lây lan của biến thể Omicron vào tháng 12/2021 đã khiến lượng đặt vé du lịch sụt giảm.

Báo cáo của UNWTO nêu rõ: "Tốc độ phục hồi của ngành du lịch vẫn chậm và không đồng đều ở các khu vực trên thế giới do mức độ khác nhau của các biện pháp hạn chế đi lại, tỷ lệ tiêm chủng và lòng tin của du khách".

Theo UNWTO: "Sự gia tăng số ca mắc Covid-19 và biến thể Omicron trong thời gian gần đây được cho là sẽ làm gián đoạn sự phục hồi của ngành du lịch thế giới và ảnh hưởng tới lòng tin của du khách trong suốt đầu năm 2022 bởi một số quốc gia áp đặt trở lại các lệnh cấm đi lại và áp đặt hạn chế đối với một số thị trường du lịch nhất định". (AFP)

Kinh tế Mỹ

* Tổng thống Joe Biden ngày 19/1 khẳng định vẫn còn quá sớm để đưa ra các cam kết dỡ bỏ thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, song cho biết trưởng đoàn đàm phán thương mại Mỹ Katherine Tai đang nghiên cứu về khả năng này.

Phát biểu tại buổi họp báo ở Nhà Trắng, ông Biden chia sẻ: “Tôi mong muốn được đứng vào một vị thế để có thể tuyên bố rằng họ đang đáp ứng các cam kết, hoặc nhiều cam kết hơn, và có thể dỡ bỏ một số quy định (về thuế quan)… nhưng chúng tôi vẫn chưa đạt được mục tiêu đó”. (TTXVN)

* Mỹ và Anh ngày 19/1 ra thông cáo chung cho biết hai bên đã khởi động tiến trình đàm phán nhằm giải quyết tình trạng dư thừa năng lực sản xuất hiện nay trên thị trường thép và nhôm toàn cầu.

Theo thông cáo, Mỹ và Anh cam kết nỗ lực hợp tác hướng tới một kết quả nhanh chóng nhằm đảm bảo khả năng tồn tại của các ngành công nghiệp thép và nhôm của hai nước trước thách thức do tình trạng dư thừa năng lực sản xuất toàn cầu gây ra, cũng như những tác động của tình trạng này.

Tuyên bố nhấn mạnh, những ảnh hưởng do tình trạng dư thừa năng lực sản xuất đã gây ra “mối đe dọa nghiêm trọng” đối với các ngành công nghiệp thép và nhôm hai nước. (Reuters)

Kinh tế Trung Quốc

* Ngày 19/1, Ủy ban Quản lý và giám sát tài sản nhà nước (SASAC) thuộc chính phủ Trung Quốc cho biết, các doanh nghiệp nhà nước (SOE) trực thuộc trung ương có sự tăng trưởng vững chắc về lợi nhuận ròng trong năm 2021, bất chấp những tác động kéo dài của đại dịch Covid-19.

Theo SASAC, lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp trung ương trong năm 2021 tăng 29,8% so với một năm trước đó, đạt 1.800 tỷ Nhân dân tệ (NDT), khoảng 282,81 tỷ USD. Qua đó, tỷ lệ tăng trưởng trung bình trong hai năm của các SOE trung ương là 15,3%.

Tổng doanh thu của các SOE trung ương năm 2021 tăng 19,5% so với năm trước đó, đạt 36.300 tỷ NDT. (TTXVN)

* Trung Quốc đang đặt mục tiêu đến năm 2025 gia tăng tỷ trọng của nền kinh tế số trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này, nhờ các công nghệ thế hệ mới như mạng 6G và dữ liệu lớn (big data).

Trong một tài liệu được công bố mới đây, Quốc vụ viện Trung Quốc cho biết “các ngành cốt lõi của nền kinh tế số” sẽ chiếm 10% GDP của nước này vào năm 2025, tăng so với mức 7,8% trong năm 2020. Mục tiêu này nằm trong Quy hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc trong giai đoạn 2021-2025. (CNBC)

* Đà "lao dốc" của thị trường bất động sản tại Trung Quốc tiếp tục trong tháng 12/2021, là một nguyên nhân góp phần khiến tăng trưởng kinh tế giảm tốc.

Theo các tính toán của hãng tin Bloomberg (Mỹ) dựa trên số liệu năm 2021 được chính phủ công bố ngày 17/1, đầu tư vào bất động sản trong tháng 12 đặc biệt gây lo ngại, khi giảm 17% so với tháng 11 và giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Khoản đầu tư trực tiếp này đóng góp 13% trong GDP năm ngoái. Doanh số bán nhà giảm 19,6% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm tháng thứ sáu liên tiếp. Nguồn vốn rót vào các công ty động sản giảm 19,3%, mức giảm mạnh nhất trong hơn bảy năm. (Bloomberg)

Kinh tế châu Âu

* Trong tháng 12/2021, lạm phát giá tiêu dùng của Vương quốc Anh đã tăng mạnh hơn dự kiến lên 5,4%, mức cao nhất trong gần 30 năm. Số liệu chính thức này đang gây thêm sức ép lên Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) trong việc tăng lãi suất thêm một lần nữa vào tháng tới.

Trong cuộc khảo sát trước đó, các nhà kinh tế dự báo Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Anh ước tăng 5,2% trong tháng 12/2021, so với mức tăng 5,1% trong tháng 11/2021. BoE dự báo mức tăng CPI sẽ đạt đỉnh khoảng 6% vào tháng 4 do hóa đơn năng lượng cao hơn và sẽ mất hơn 2 năm để CPI trở lại mục tiêu 2%. (Reuters)

* Ngày 18/1, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire tái khẳng định sự cần thiết phải cải thiện hoạt động của thị trường năng lượng châu Âu, trong bối cảnh giá cả tăng cao trong khu vực gây áp lực cho người tiêu dùng.

Giá dầu ngày 18/1 tăng hơn 1 USD lên mức cao nhất trong hơn 7 năm, do lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung sau diễn biến địa chính trị tại khu vực vùng Vịnh. Cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu đang ngày càng nghiêm trọng, khi nguy cơ xung đột diễn ra đẩy giá khí đốt lên cao. (AFP)

* Bất chấp đại dịch Covid-19 và nhiều khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, nền kinh tế Đức đã lấy lại được đà tăng trưởng trong năm thứ hai của đại dịch sau khi suy giảm mạnh vào năm 2020.

Số liệu sơ bộ do Cơ quan Thống kê liên bang Đức (Destatis) công bố ngày 14/1 cho biết, GDP của nền kinh tế lớn nhất châu Âu trong năm 2021 tăng 2,7% so với năm trước đó.

Theo những dự báo mới nhất, tăng trưởng của nền kinh tế Đức sẽ ở mức 3,5% đến 4% trong năm nay, thấp hơn so với những dự báo trước đó. (TTXVN)

* Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov ngày 19/1 cho hay mức độ lạm phát hiện nay ở Nga là không thể chấp nhận được và các nhà chức trách đang thực hiện các biện pháp mạnh tay để đưa chỉ số này trở lại các giá trị mục tiêu.

Về tỷ giá đồng Ruble, ông Peskov nhận định rằng có những bất ổn và các yếu tố tiêu cực ảnh hưởng tới đồng tiền quốc gia. (TTXVN)

* Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2020, chính phủ các nước đang phát triển đang nợ Nga 27,3 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2019. Các khoản nợ Nga tăng đáng kể ở hai quốc gia: Ấn Độ, tăng 74%, lên gần 3 tỷ USD, và Bangladesh tăng 37%, lên 3,3 tỷ USD.

Cũng theo báo cáo, Belarus là quốc gia nợ Nga nhiều nhất với 8,3 tỷ USD, tiếp theo là Bangladesh, Venezuela, Ấn Độ. Ukraine, với khoản nợ 600 triệu USD, đứng ở vị trí thứ 9. Nga đứng thứ năm trong số các chủ nợ có chủ quyền lớn nhất của các nước đang phát triển (đứng đầu là Trung Quốc). (TTXVN)

Kinh tế thế giới nổi bật (14-20/1): Nga nói không chấp nhận mức lạm phát, Belarus là ‘con nợ’ lớn nhất của Moscow, Gazprom dọa không bán khí đốt cho M
Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom cảnh báo các nhà chức trách Moldova về khả năng ngừng cung cấp khí đốt. (Nguồn: parstoday)

* Trong cuộc họp giao ban của chính phủ ngày 19/1, Thủ tướng Moldova Natalia Gavrilitsa cho hay, tập đoàn năng lượng Nga Gazprom đã cảnh báo các nhà chức trách Moldova về khả năng ngừng cung cấp khí đốt do không thanh toán hóa đơn khí đốt giao vào tháng 1 theo hợp đồng.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng Andrey Spinu cho hay Moldova đang yêu cầu Gazprom cho phép họ thanh toán khoản nợ khí đốt giao vào tháng 1 theo từng giai đoạn.

Moldovagaz sẽ trả khoản thanh toán trước 38 triệu USD cho Gazprom trước ngày 20/1; 25 triệu USD khác cũng phải được trả trong tháng 1, và đề nghị được hoãn thanh toán khoản này, nhưng chưa tìm được tiếng nói chung với Gazprom. (TTXVN)

* Theo số liệu chính thức của Viện Thống kê quốc gia Italy (ISTAT), sản xuất công nghiệp tại nước này đã tăng lên trên mức trước đại dịch vào tháng 11/2021, trong khi niềm tin của cả doanh nghiệp và người tiêu dùng vẫn ở mức cao bất chấp sự không chắc chắn đi kèm với làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới nhất.

Cũng theo ISTAT, sản lượng tăng trưởng ở tất cả các ngành hành chính của Italy, bao gồm lĩnh vực năng lượng tăng 4,6%, hàng hóa vốn là 2%, hàng tiêu dùng là 1,7% và hàng hóa trung gian là 0,8%. (TTXVN)

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

* Trong báo cáo đánh giá kinh tế tháng 1, Văn phòng Nội các Nhật Bản cho rằng nền kinh tế nước này “đang cho thấy những diễn biến phục hồi trong thời gian gần đây, khi tình hình nghiêm trọng (của các hoạt động kinh tế) do dịch Covid-19 đang dần giảm xuống”.

Tuy nhiên, báo cáo cảnh báo cần chú ý sát sao khả năng các nguy cơ có thể gia tăng hơn nữa từ sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19, những căng thẳng trong nguồn cung giá nguyên vật liệu thô tăng cao. (Japan Times)

* Cơ quan Du lịch Nhật Bản ngày 19/1 cho biết, số du khách nước ngoài đến nước này trong năm 2021 đã giảm xuống 245.900 lượt khách, mức thấp nhất kể từ khi số liệu này bắt đầu được thống kê vào năm 1964, trong bối cảnh Nhật Bản đang thắt chặt các quy định kiểm soát tại biên giới để phòng dịch Covid-19.

Con số du khách nước ngoài đến Nhật Bản nói trên đã giảm 94% so với năm 2020, mức giảm mạnh nhất từ trước đến nay. Nếu so với trước đại dịch vào năm 2019, mức giảm này còn lên đến 99,2%. (Kyodo)

* Ngày 18/1, công ty sản xuất thép hàng đầu Hàn Quốc POSCO và công ty xây dựng Samsung C&T Corp đã ký một thỏa thuận với Quỹ đầu tư quốc gia (PIF) của Saudi Arabia để sản xuất hydro xanh.

Theo thỏa thuận, hai công ty Hàn Quốc sẽ bắt tay với quỹ PIF để bắt đầu một dự án ở Saudi Arabia, nhằm sản xuất hydro bằng các nguồn năng lượng tái tạo, như năng lượng Mặt trời và gió. (Yonhap)

* Theo Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK), trong năm 2021, số lượng tiền giả tại Hàn Quốc đã chạm mức thấp kỷ lục, phần lớn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Cụ thể, số lượng tiền giả được phát hiện tại nền kinh tế lớn thứ tư châu Á là 176 tờ trong năm 2021, giảm 96 tờ so với một năm trước và ghi dấu lần kiểm đếm thấp nhất kể từ khi BoK bắt đầu thống kê dữ liệu vào năm 1998. (Yonhap)

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Hãng Deloitte Access Economics vừa đưa ra dự báo nền kinh tế Australia sẽ tăng trưởng 3,6% trong năm 2022, trong đó bang New South Wales và Vùng lãnh thổ Bắc Australia đạt mức tăng trưởng cao nhất, với các mức lần lượt là 5,2% và 6,9%.

Các dự báo của Deloitte thấp hơn so với dự báo của Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) - vốn cho rằng GDP của nước này sẽ tăng 4% trong 6 tháng đầu năm và 5,5% trong cả năm 2022, được đưa ra trước khi bùng phát dịch Covid-19 do biến thể Omicron. (TTXVN)

* Ngày 17/1, Ngân hàng Trung ương Brazil (BCB) cho biết, GDP của nước này trong tháng 11/2021 đã tăng trưởng 0,69% so với tháng trước đó, qua đó chấm dứt 4 tháng tăng trưởng âm liên tiếp.

BCB nhấn mạnh, tuy GDP lấy lại đà tăng trưởng trong tháng 11/2021 nhưng triển vọng kinh tế của Brazil trong quý cuối cùng của năm 2021 là không rõ ràng, với việc tỷ lệ lạm phát ở mức hai con số tác động mạnh tới tiêu dùng và đầu tư.

Cùng ngày, thị trường tài chính Brazil điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng GDP của nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh này trong năm nay từ mức 0,28% lên 0,29%. Các chuyên gia tài chính dự báo tăng trưởng kinh tế ở mức 1,75% trong năm 2023 và ở mức 2% trong năm 2024. (TTXVN)

* Nội các Thái Lan ngày 18/1 thông qua các quy định mới để thu hút những người nước ngoài giàu có ở lại dài ngày tại quốc gia Đông Nam Á này nhằm thúc đẩy nền kinh tế và đầu tư trong nước.

Các quy định của Bộ Nội vụ cung cấp thị thực cư trú dài hạn (LTR) cho người nộp đơn, mỗi đơn gồm tối đa bốn thành viên gia đình kể cả con cái hợp pháp không quá 20 tuổi. Ủy ban Đầu tư (BoI) sẽ quy định tiêu chuẩn của người nộp đơn. (TTXVN)

* Theo dữ liệu do Cơ quan chính phủ Enterprise Singapore (ESG) công bố ngày 17/1, xuất khẩu chính trong tháng 12/2021 của Singapore đã tăng tháng thứ 13 liên tiếp, từ đó đưa 2021 trở thành năm tốt nhất đối với xuất khẩu của nước này kể từ năm 2010.

Các nhà phân tích dự kiến tăng trưởng xuất khẩu của Singapore có thể chậm lại trong năm 2022 do nền tảng cơ bản cao của năm 2021, đặc biệt là đối với xuất khẩu hàng điện tử. (TTXVN)

* Bộ trưởng Bộ Thương mại Indonesia Muhammad Lutfi cho biết Indonesia sẽ ưu tiên sớm thông qua một số hiệp định thương mại song phương, trong đó có Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Indonesia- Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (IUEA-CEPA).

Ngoài ra, Bộ Thương mại cũng sẽ tiếp tục đàm phán Hiệp định thương mại ưu đãi Indonesia-Bangladesh (IB-PTA). Các hiệp định song phương với Tunisia, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Liên minh châu Âu (EU) sẽ được thúc đẩy hoàn thành trong năm nay. 

HẢI AN - TTXVN

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness