PV: Xin ông kể lại cho bạn đọc Petrotimes được rõ hơn về không khí ngày 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập?
Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái: Thật ra nội các Dương Văn Minh từ sáng 30/4/1975 đã đi đến quyết định bàn giao chính quyền cho cách mạng, cho nên không khí tại Dinh Độc Lập là nôn nóng chờ đợi quân cách mạng tới. Binh sĩ bảo vệ Dinh Độc Lập được lệnh buông súng, không kháng cự.
Bản thân tôi tuy đến Dinh Độc Lập khá sớm nhưng là để tìm người bạn Tổng trưởng thông tin Lý Quý Chung ra đài phát thanh Sài Gòn nói lên tiếng nói cách mạng. Sau đó lại cùng anh bộ đội Bùi Quang Thận lên nóc dinh cắm cờ, khi quay xuống sân thì chúng tôi đã nhìn thấy nhóm tướng Dương Văn Minh và ông Vũ Văn Mẫu (Thủ tướng) cùng bộ đội ra đài phát thanh để chính thức tuyên bố đầu hàng.
Sau này, nghe Chính ủy Bùi Văn Tùng kể lại: “Sự gặp gỡ lần đầu giữa những người của 2 bên chiến tuyến không khỏi có những lời qua tiếng lại nhưng 2 bên đã quyết định nhanh chóng ra đài phát thanh cùng tuyên bố chiến tranh đã chấm dứt”.
|
Tướng Dương Văn Minh và ông Nguyễn Hữu Thái (năm 1971) (ảnh nhân vật cung cấp)
|
PV: Đến hôm nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về sự kiện ngày 30-4, còn quan điểm của ông?
Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái:Đối với thế hệ chúng tôi, ngày 30/4/1975 là một sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu mốc hòa bình, độc lập và thống nhất đất nước. Thế hệ chúng tôi lớn lên trong bối cảnh đất nước không có một ngày bình yên nên việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình cho Việt Nam là tất cả. Hạnh phúc đó khó nói thành lời. Bản thân tôi cũng tận mắt chứng kiến cảnh tượng anh em Bắc Nam sum họp một nhà như một cuộc đoàn tụ gia đình lớn.
PV: Là người từng tiếp xúc với ông Dương Văn Minh, một nhân vật có dấu ấn rất lớn trong sự kiện 30-4, quyết định của Tướng Minh giúp tránh cho một Sài Gòn đổ máu trong ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh 20 năm, ông đánh giá thế nào về ông Dương Văn Minh?
Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái: Bản thân tôi đã tiếp xúc với Tướng Minh từ năm 1963-1964 khi ông còn là Chủ tịch Hội đồng quân nhân cách mạng (xem như Quốc trưởng) khi nhóm ông lật đổ chính thể Ngô Đình Diệm, và biết ông nghiên về khuynh hướng trung lập thân Pháp. Có lẽ do lập trường này mà ông không được người Mỹ ưa thích, phải lưu vong đến năm 1969 mới được về lại Việt Nam. Lúc đó ông Minh có ý định chuẩn bị ra tranh cử tổng thống với chiêu bài trung lập, chấm dứt chiến tranh. Chính ông cùng thầy Trí Quang (Phật giáo Ấn Quang nghiêng về hòa hợp hòa giải dân tộc) đã đích thân ủng hộ tôi ra tranh cử dân biểu Quốc hội Sài Gòn như thành phần thứ ba, nghiêng về phía cách mạng.
Vào cuối cuộc chiến, có lẽ mong muốn ban đầu của nhóm tướng Minh là vận động cho giải pháp chính phủ liên hiệp 3 thành phần như đã ghi trong Hiệp định Paris. Nhưng vào mấy ngày chót, tôi nghĩ nhóm ông đã quyết định bàn giao chính quyền cho phía cách mạng càng sớm càng tốt. Vì rõ ràng nhóm ông lo sợ không kiểm soát được quân đội Sài Gòn, dễ xảy ra hỗn loạn cướp bóc kiểu ở Đà Nẵng…Và nhất là không muốn đổ máu thêm một cách vô ích giữa người Việt Nam.
|
Tướng Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng tại Đài Phát thanh Sài Gòn trưa ngày 30-4-1975, KTS Nguyễn Hữu Thái cầm tập giấy màu trắng |
PV: Nhưng đến nay, vẫn còn nhiều cách đánh giá khác nhau về nhân vật Dương Văn Minh?
Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái: Bản thân tôi ít muốn tranh luận về vấn đề này. Chỉ xin ghi lại lời của 2 nhân vật thuộc 2 phe đối nghịch là Chủ tịch Ủy ban quân quản Sài Gòn- Gia Định, Tướng Trần Văn Trà và Tướng Dương Văn Minh trong buổi lễ trao trả tự do cho nội các Việt Nam Cộng hòa tối 2/5/1975.
Tướng Trần Văn Trà phát biểu: “Trong cuộc chiến đấu lâu dài này không có ai là kẻ thắng ai là kẻ bại. Toàn quân và toàn dân Việt Nam là người chiến thắng, chỉ có đế quốc Mỹ xâm lược là kẻ chiến bại… Đây là niềm hãnh diện chung của tất cả nhân dân Việt Nam chúng ta”.
Còn Tướng Dương Văn Minh trả lời thật chân tình: “Ngày hôm nay, đại diện cho các anh em có mặt tại đây, tôi nhiệt liệt hoan nghênh sự thành công của Chính phủ cách mạng trong công cuộc vãn hồi hòa bình cho đất nước.Tôi nghĩ rằng với hành động của mình, tôi đã góp phần tránh một cuộc đổ máu vô ích cuối cùng cho Sài Gòn. Đó là phần đóng góp cụ thể của tôi trong cuộc chiến đấu này. Riêng cá nhân tôi, hôm nay tôi rất hân hoan khi 60 tuổi, trở thành một công dân của một nước Việt Nam độc lập”.
PV: Sau năm 1975, ông có dịp tiếp xúc với các nhà báo nước ngoài có mặt tại Dinh Độc Lập ngày 30-4? Cách nhìn nhận của họ về sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc Việt Nam ra sao, thưa ông?
Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái: Ngày đó, ở Sài Gòn còn rất nhiều nhà báo người nước ngoài và họ chính là những nhân chứng khách quan nhất, loan đi những bài tường thuật trung thực, gửi các hình ảnh sống động. Hầu hết họ rất bất ngờ về những gì họ đã tận mắt nhìn thấy: chấm dứt một cuộc chiến tranh đẫm máu 20 năm mà trông giống như một cuộc đoàn tụ gia đình lớn. Do đó, các tuyên truyền xuyên tạc về miền Bắc xâm lăng miền Nam, tắm máu trước đó bỗng chốc trở thành trò dối gạt…
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, lực lượng thứ ba có đóng góp không nhỏ vào sự kiện ngày 30-4, kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam kéo dài 20 năm? Là một nhân chứng trong ngày trọng đại của dân tộc, ông có thể phân tích vai trò của thành phần thứ ba?
Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái: Nguyên cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt năm 2005 đã xác nhận điều này với tư cách người lãnh đạo cách mạng vùng Sài Gòn - Gia Định thời đó. Ông nói, phải ở chiến trường mới thở phào nhẹ nhõm khi nghe Tướng Dương Văn Minh đầu hàng sáng 30/4. Ông cũng nhấn mạnh vai trò của lực lượng thứ ba từ sau Hiệp định Paris 1973, gồm nhiều nhóm, nhiều phía cả trong lẫn ngoài nước đã tác động mạnh mẽ đến nội các Dương Văn Minh vào những ngày cuối tháng 4/1975.
Bản thân tôi trước đó cũng vận động nhóm thầy Trí Quang và luật sư Vũ Văn Mẫu (Thủ tướng nội các Dương Văn Minh) bên Phật giáo, kể cả các tướng lãnh Việt Nam Cộng hòa hoặc các nhóm trí thức trung lập khác nhau ở Sài Gòn, và nhất là đa số tầng lớp nhân dân mong muốn hòa bình… Tất cả đều hưởng ứng việc bàn giao chính quyền, chấm dứt chiến tranh trong hoà bình.
|
KTS Nguyễn Hữu Thái trước Dinh Độc Lập - nay là Dinh Thống Nhất |
PV: Theo ông, chúng ta phải làm sao để câu chuyện hòa hợp – hòa giải dân tộc đạt kết quả cao hơn mong đợi sau 41 năm ngày nước nhà thống nhất?
Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái: Hòa hợp, hòa giải nên được chủ động thực hiện từ bên thắng cuộc là phía cách mạng. Hơn 40 năm đã trôi qua, chúng ta không thể để mãi chủ nghĩa lý lịch, phân biệt đối xử tồn tại, nhất là đối với lớp trẻ lớn lên sau ngày giải phóng đất nước. Phải làm sao cho tất cả mọi con dân Việt không phân biệt gốc gác, thành phần cùng được góp tay xây dựng đất nước. Tôi vẫn ước gì tinh thần hòa hợp, hòa giải thực sự diễn ra vào ngày 30/4/1975 ấy ở Sài Gòn sống mãi giữa những người con dân đất Việt hôm nay.
PV: Xin cảm ơn ông!
Thiên Thanh (thực hiện)