Trong cuộc đời hoạt động sôi nổi, nhiệt huyết của mình, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã có nhiều đóng góp to lớn đối với Đảng và dân tộc. Một trong những đóng góp quan trọng, để lại dấu ấn đậm nét trong sự nghiệp cách mạng nước ta, đó là các quan điểm chỉ đạo, những việc làm sâu sát, cụ thể của đồng chí đối với các giai đoạn bước ngoặt của nền kinh tế Việt Nam.
Cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh
Những năm đầu sau ngày đất nước thống nhất, bên cạnh những công việc quan trọng khác, Trung ương Đảng rất quan tâm đến việc tiến hành cải tạo công thương nghiệp tư bản ở miền Nam, một địa bàn xung yếu, được coi là tâm điểm của cơn xoáy cách mạng trong thời kỳ mới. Người được Trung ương tin tưởng, giao trọng trách nặng nề, khó khăn ấy, không ai khác, chính là đồng chí Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Linh.
Để thực hiện nhiệm vụ cải tạo công thương nghiệp tư bản ở miền Nam, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã dành không ít thời gian để nghiên cứu lý luận, bám sát thực tiễn, phân tích những kinh nghiệm hay, những điển hình tốt cả trong nước và nước ngoài. Nguyên tắc mà đồng chí luôn tuân thủ là: nắm vững chủ trương của Trung ương, phân tích chính xác tình hình thực tiễn của miền Nam để vận dụng một cách sáng tạo, nhằm đem lại hiệu quả cao nhất cho công cuộc cải tạo. Theo đồng chí, cải tạo không được làm tụt lực lượng sản xuất; cải tạo quan hệ sản xuất nhưng phải làm sao để sản xuất tiếp tục phát triển. Đồng chí đấu tranh phê phán tư tưởng tả khuynh, duy ý chí, nôn nóng, đốt cháy giai đoạn, làm trái quy luật, trái lòng dân, muốn xóa bỏ nhanh kinh doanh của tư sản; đồng thời, phê phán tư tưởng hữu khuynh, không thấy cải tạo xã hội chủ nghĩa là một cuộc vận động cách mạng khó khăn để quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ngại giáo dục, không dám đấu tranh, thậm chí vì lợi ích cá nhân mà bao che cho tư sản làm trái đường lối của Đảng và bị giai cấp tư sản “cải tạo lại”.
Sau Đại hội IV của Đảng, từ tháng 4-1977, với tư cách là Trưởng Ban Cải tạo xã hội chủ nghĩa Trung ương, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã khẳng định rõ quan điểm: “Vấn đề cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh là cần thiết vì muốn đưa nền kinh tế phát triển thì nhất thiết phải tổ chức sắp xếp lại bộ máy, thay đổi cơ cấu. Nhưng không phải ai cũng cải tạo. Đảng chủ trương chỉ quốc hữu hóa những cơ sở trước đây phục vụ cho chiến tranh và chỉ cải tạo những tư sản mại bản đã làm giàu bất minh do quyền lợi họ gắn liền với guồng máy chiến tranh xâm lược của Mỹ. Còn những thành phần khác: tư sản dân tộc, tiểu thương, tiểu chủ thì Đảng luôn luôn khuyến khích hỗ trợ cho họ phát triển sản xuất, xây dựng đất nước”(1).
Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, vấn đề cải tạo đối với người buôn bán nhỏ được đồng chí Nguyễn Văn Linh hết sức quan tâm, suy nghĩ. Tại Hội nghị tập huấn cán bộ ngành nội thương các tỉnh phía Nam (tháng 6-1987), đồng chí phân tích: “Cần lưu ý đến số đông người kinh doanh thương nghiệp là tiểu thương. Trong kháng chiến, nhiều tiểu thương đã che chở cho cán bộ ta hoạt động an toàn. Phải nhìn nhận tiểu thương cũng là người lao động. Dưới chế độ cũ, tiểu thương cũng bị áp bức, bóc lột nặng nề. Đại đa số tiểu thương là nữ và không ít người là vợ công nhân viên chức, vì đồng lương ít ỏi buộc phải buôn bán lặt vặt kiếm lời nuôi sống gia đình… Vì vậy, phải hướng dẫn, giúp đỡ họ, không đánh thuế cao đối với họ, khuyên họ không tiếp tay cho gian thương và bọn đầu cơ tích trữ”(2).
Từng bước tháo gỡ khó khăn, giải phóng cho sản xuất phát triển
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, trên cương vị Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã có những trăn trở, tìm tòi để làm sao vừa cải tạo và xây dựng Thành phố theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa mà vẫn tôn trọng quy luật phát triển của một vùng đã quen sống với kinh tế thị trường, đã đạt tới một nền sản xuất hàng hóa tương đối phát triển; làm sao vừa cải tạo, vừa đẩy mạnh được sản xuất, phát huy được sức mạnh của các thành phần kinh tế, góp phần vào việc ổn định cuộc sống của nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, xã hội.
Cuộc đấu tranh giữa bảo thủ, trì trệ và đổi mới cách nghĩ, cách làm diễn ra khá gay gắt. Trước tình hình đó, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã kiên trì xuống cơ sở, gặp gỡ cán bộ và nhân dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, thắc mắc của nhân dân, cùng cán bộ cơ sở bàn bạc tháo gỡ. Từ trăn trở của bản thân, với kinh nghiệm trong quản lý, điều hành và qua khảo sát thực tế, đồng chí nhận thấy một số chính sách kinh tế và cơ chế quản lý kinh tế của chúng ta đã lỗi thời, chậm sửa chữa, làm giảm sút nhiệt tình lao động của quần chúng, tạo khe hở để phát sinh nhiều hiện tượng tiêu cực, làm cho tình hình sản xuất bị sa sút, đình trệ.
Từ sau khi có Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa IV (tháng 9-1979), tình hình sản xuất công nghiệp đã phát triển tốt hơn. Tuy nhiên, do chưa có nhiều kinh nghiệm nên trong lãnh đạo kinh tế cũng có lúc, có nơi xảy ra tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, gây ra nhiều thiệt hại. Khi được Trung ương phân công trở lại làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ hai (tháng 12-1981), đồng chí Nguyễn Văn Linh và tập thể lãnh đạo Thành phố đã chú trọng đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá, kiên quyết sửa đổi và điều chỉnh kịp thời. Đồng chí nói: “Trả về cho sản xuất sự vận hành đúng quy luật của nó”(3).
Muốn sản xuất “bung ra”, các doanh nghiệp phải được giao quyền tự chủ, phải phá bỏ cơ chế quản lý quan liêu, bao cấp. Đây là điều đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn nhắc tới. Sau khi nắm bắt tình hình, đồng chí quyết định xây dựng mô hình thí điểm, nơi được chọn là Xí nghiệp Dệt Thành Công và giao cho Ban Công nghiệp Thành ủy, các chuyên viên giúp việc cùng với Ban Giám đốc Xí nghiệp tổng kết các bài học kinh nghiệm. Qua mô hình thí điểm Xí nghiệp Dệt Thành Công, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã xuất hiện nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh thực hiện cơ chế lương khoán sản phẩm, tự tìm tòi, tháo gỡ những khó khăn về vật tư, nguyên liệu; sản phẩm làm ra không chỉ được Nhà nước bao tiêu mà còn được bán tự do trên thị trường theo giá bảo đảm kinh doanh.
Qua nghiên cứu, khảo sát thực tế, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã chỉ rõ: “Thực tế đã chứng minh rằng trong cuộc đấu tranh giằng co giữa cái mới và cái cũ, giữa cái tiến bộ và lạc hậu, những cái phù hợp quy luật, có sức sống thường xuất hiện ở cơ sở, ở những nơi khó khăn, phức tạp nhất”(4). Đồng chí đề nghị Thành ủy cho phép nhân rộng điển hình, đồng thời mở rộng cơ chế tự chủ ra nhiều xí nghiệp, nhiều loại hình sở hữu khác nhau, cũng như phát triển ra ngoài phạm vi Thành phố bằng việc liên hợp, liên kết với các xí nghiệp của tỉnh bạn và các xí nghiệp của Trung ương, bước đầu tính đến việc mở rộng quan hệ kinh tế, làm ăn với nước ngoài.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh cũng đồng ý về việc thành lập Câu lạc bộ Giám đốc - một hình thức sinh hoạt diễn đàn nhằm trao đổi kinh nghiệm tổ chức, quản lý sản xuất, kinh doanh. Tháng 7-1983, đồng chí tổ chức cho một số giám đốc các xí nghiệp năng động, sản xuất, kinh doanh có hiệu quả được gặp gỡ, báo cáo trực tiếp với các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước về tình hình sản xuất, kinh doanh và đề đạt nguyện vọng của cơ sở mình. Qua nghe báo cáo và trực tiếp đi thực tế cơ sở, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Trung ương càng có thêm quyết tâm xóa bỏ cơ chế cũ, dứt khoát thực hiện đổi mới cơ chế. Đại hội VI của Đảng đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện, trong đó có đổi mới trên lĩnh vực kinh tế. Một bước ngoặt mới đã mở ra cho cách mạng Việt Nam, trong đó có phần đóng góp tích cực, hiệu quả của đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh.
Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Linh, một mặt, ra sức tìm tòi để cụ thể hóa đường lối đổi mới của Đại hội VI bằng những cơ chế, chính sách, bước đi, cách làm phù hợp, đem lại hiệu quả thiết thực; mặt khác, kịp thời đặt ra những nguyên tắc cơ bản để chỉ đạo sự nghiệp đổi mới nhằm giữ vững định hướng chính trị - xã hội cho toàn Đảng, toàn dân. Đồng chí nói: “Đổi mới là công việc mới mẻ, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm để giành thắng lợi từng bước, từng phần, rồi tiến lên toàn diện”(5). Để có được những quan điểm đúng đắn trong đổi mới toàn diện nền kinh tế, đồng chí đã dành nhiều thời gian đi khảo sát các khu công nghiệp lớn và công nghiệp địa phương, như dệt Nam Định, cơ khí và tiểu thủ công nghiệp Hà Nội, các cơ sở sản xuất kinh doanh tư nhân. Đồng chí luôn trăn trở: “Đất nước bao giờ mới được bình quân 5 mét vải/đầu người; làm gì để mọi nguồn lực trong dân được khai thác để đẩy mạnh sản xuất”(6). Những trăn trở của đồng chí, cùng với quá trình gắn bó, sâu sát với cơ sở đã trở thành động lực, thành sức mạnh để đồng chí phấn đấu và thành công trong quá trình tìm tòi, khảo nghiệm cũng như chỉ đạo thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới kinh tế ở nước ta.
Chú trọng tới xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa
Đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn quan tâm đến phát triển các thành phần kinh tế. Ngay từ Hội nghị Trung ương 24 khóa III (năm 1975), đồng chí đã biểu thị sự đồng tình sâu sắc với chủ trương này. Sau Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị (năm 1980), đồng chí và Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh càng kiên trì quan điểm phát huy chính sách kinh tế nhiều thành phần và kiên quyết, triệt để chống cơ chế quản lý hành chính, quan liêu, bao cấp.
Từ thực tiễn Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác, quan điểm về xây dựng một nền kinh tế hàng hóa với cơ cấu kinh tế nhiều thành phần, xóa bỏ phương thức quản lý hành chính, bao cấp của đồng chí Nguyễn Văn Linh đã hình thành rõ dần. Sự kiên định về quan điểm, nhuần nhuyễn trong bước đi và biện pháp thực hiện của đồng chí đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng đường lối đổi mới kinh tế tại Đại hội VI của Đảng.
Ngay sau Đại hội VI, đồng chí Nguyễn Văn Linh ngỏ ý muốn đi thăm một số cơ sở sản xuất, kinh doanh. Có một số người khuyên đồng chí nên đi thăm xí nghiệp quốc doanh hay tập thể để biểu thị thái độ chính trị của Đảng và Nhà nước, đồng chí nói: “Chương trình đi thăm có cơ sở quốc doanh và tập thể, nhưng nói để biểu thị thái độ chính trị của chúng ta thì không chuẩn. Thái độ chính trị của chúng ta không chỉ bó hẹp ở hai thành phần kinh tế, mà là các thành phần kinh tế, trong đó có các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh”(7). Sau đó, chương trình Tổng Bí thư đi thăm các cơ sở kinh tế có cả cơ sở tư nhân dệt lụa ở quận Đống Đa, thành phố Hà Nội; các hộ gia đình và tập thể sản xuất gốm sứ Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội…
Theo đồng chí Nguyễn Văn Linh, đi vào kinh tế thị trường thì vai trò thương nghiệp quốc doanh và tập thể rất quan trọng và nên hoạt động như thế nào để có thể làm chủ được thị trường trong khi vẫn không hạn chế những hoạt động lành mạnh của các lực lượng thương nghiệp khác. Đồng chí luôn trăn trở về việc làm thế nào để kinh tế quốc doanh vươn lên cạnh tranh được với các thành phần kinh tế khác, tiêu thụ được sản phẩm, làm ăn có lãi, giữ được vai trò chủ đạo. Vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh phải thể hiện ở chỗ nắm vững sản phẩm then chốt của nền kinh tế, phải lấy giá cả, chất lượng hàng hóa, thái độ phục vụ, hiệu quả kinh tế… để cạnh tranh và làm gương cho các thành phần kinh tế khác. Đồng chí cho rằng, làm kinh tế thị trường mà không có thị trường là bế tắc. Do đó, các cơ sở quốc doanh, trước hết là các giám đốc, phải năng động, làm quen với thị trường, làm ra hàng hóa hợp với thị hiếu người tiêu dùng, lấy chất lượng cao và giá thành hạ làm mục tiêu phấn đấu để tồn tại và phát triển. Đồng chí gợi ý việc mở rộng xí nghiệp cổ phần để huy động vốn và tạo điều kiện cho mọi công nhân có cơ hội tham gia quản lý, làm chủ nhà máy.
Vượt qua khó khăn, thách thức, đưa nền kinh tế từng bước đi lên trong những năm đầu thời kỳ đổi mới
Nhờ phương hướng đổi mới do Đại hội VI của Đảng đề ra, tình hình kinh tế - xã hội đã mở ra một bước mới, kinh tế có phát triển, không khí xã hội cởi mở hơn, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Năm 1986, lạm phát lên mức ba con số, nhiều xí nghiệp quốc doanh và hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp đình đốn, thua lỗ, có nơi phải đóng cửa, đời sống công nhân, người lao động gặp rất nhiều khó khăn. Tình trạng một bộ phận cơ sở sản xuất vẫn còn “lời giả, lỗ thật” diễn ra khá phổ biến. Công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu còn lỏng lẻo, tạo kẽ hở cho những tổ chức, cá nhân làm ăn phi pháp. Một số cán bộ lợi dụng chức quyền tham ô, lãng phí, làm tăng bất công xã hội, gây mất lòng tin của nhân dân.
Trước tình hình đó, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng với Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương quyết tâm thực hiện đổi mới kinh tế theo đường lối Đại hội VI đề ra. Theo đồng chí, muốn từng bước thoát ra khỏi khó khăn lúc này, phải thực hiện đồng bộ một số biện pháp cơ bản sau:
1- Tập trung sức đẩy mạnh ba chương trình kinh tế lớn, lấy sản xuất làm gốc; chấn chỉnh bộ máy tổ chức cho gọn nhẹ, bỏ bớt tầng nấc trung gian; chấn chỉnh khâu lưu thông - phân phối, cung ứng, dịch vụ; tích cực đấu tranh chống tiêu cực.
2- Thấu suốt quan điểm lấy dân làm gốc trong quản lý kinh tế, phát huy quyền tự chủ của các cơ sở, xóa bỏ bao cấp, đi vào hạch toán kinh doanh. Đa dạng hóa các thành phần kinh tế, trong đó coi trọng củng cố các cơ sở quốc doanh và kinh tế tập thể. Chú trọng tổ chức lại sản xuất, tiết kiệm nguyên vật liệu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bảo đảm đời sống cho công nhân để tái sản xuất sức lao động, giảm bớt cán bộ gián tiếp và chống các chi tiêu không hợp lý, bảo đảm “ba lợi ích”, mà “đầu ra” không đội giá thị trường.
3- Bảo đảm giữ vững và phát triển sản xuất, không để những cơ sở làm ăn có hiệu quả thiếu vốn, tìm cách huy động vốn trong nhân dân. Chính sách thuế và lãi suất ngân hàng cần hợp lý hơn để các đơn vị, cá nhân mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh.
4- Kiên quyết chống buôn lậu, bảo vệ sản xuất trong nước. Các cơ quan nhà nước, xí nghiệp quốc doanh, các đơn vị quân đội, công an nêu gương và cùng nhân dân tích cực chống buôn lậu. Tiết kiệm từng đồng ngoại tệ để nhập vật tư, nguyên liệu cho sản xuất, không nên vì lợi ích địa phương, cục bộ mà làm hại đến nền kinh tế chung. Hạn chế nhập khẩu những sản phẩm cho tiêu dùng, ưu tiên nhập khẩu những thiết bị phục vụ sản xuất; mở rộng sản xuất những mặt hàng làm từ nguyên liệu trong nước; có chính sách khuyến khích những cơ sở và người làm hàng xuất khẩu; tăng những mặt hàng xuất khẩu đã qua chế biến; tăng cường liên kết, liên doanh giữa các cơ sở sản xuất, các địa phương khác nhau, các bên đều có lợi; tăng cường việc mua bán trực tiếp trên thị trường thế giới không qua trung gian; đơn giản hóa thủ tục hành chính trong xuất, nhập khẩu; mở rộng thị trường ra ngoài nước…
5- Một điều hết sức quan trọng là, để nền kinh tế phát triển bền vững, nhất thiết phải quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý cả về phẩm chất chính trị và năng lực công tác, trong đó có những cán bộ trực tiếp làm kinh tế, như giám đốc công ty, xí nghiệp, phụ trách cơ sở sản xuất, cửa hàng… Chú trọng tổng kết kinh nghiệm, lắng nghe những vướng mắc của cơ sở để giúp tháo gỡ; cổ vũ những sáng kiến hay, khuyến khích tranh luận để làm sáng tỏ những vấn đề mới mẻ, đồng thời ngăn ngừa những khuynh hướng lệch lạc xuất hiện. Coi trọng nhân rộng điển hình tiên tiến trong tổ chức, quản lý sản xuất, kinh doanh. Thực hiện dân chủ hóa hoạt động của Đảng, công khai hóa trong đấu tranh chống tiêu cực, tham ô, lãng phí, quan liêu…
Trọn cuộc đời gắn bó với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã đem hết trí tuệ, sức lực để cống hiến cho Đảng và nhân dân, luôn luôn trau dồi kiến thức và lắng nghe ý kiến đồng bào, đồng chí, quan tâm tổng kết thực tiễn để làm sáng tỏ và góp phần xây dựng các quan điểm, đường lối của Đảng. Cùng với nhiều cống hiến khác, đồng chí đã để lại nhiều đóng góp quan trọng trên lĩnh vực lãnh đạo, chỉ đạo đối với những bước phát triển của nền kinh tế nước nhà, được Đảng và nhân dân ta ghi nhận và tiếp tục phấn đấu, biến những dự định của đồng chí thành hiện thực trên con đường xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, có vị trí xứng đáng trên trường quốc tế./.
----------------------------------------------
(1) Nguyễn Văn Linh, nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr. 463
(2) Nguyễn Văn Linh, nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo, sđd, tr. 271
(3) Nguyễn Văn Linh: Thành phố Hồ Chí Minh 10 năm, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1985, tr. 105
(4) Nguyễn Văn Linh: Thành phố Hồ Chí Minh 10 năm, sđd, tr. 104
(5) Nguyễn Văn Linh, nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo, sđd, tr. 79
(6) Nguyễn Văn Linh, nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo, sđd, tr. 65
(7) Nguyễn Văn Linh, nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo, sđd, tr. 90
ThS. Đinh Ngọc QuýViện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh