“Từ năm 2002 đến 2012, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, viết tắt là PBOC) duy trì hoạt động tích cực trên thị trường tiền tệ, thường xuyên mua USD để neo giữ tỷ giá hợp lý với đồng NDT và để đảm bảo hàng xuất khẩu của Trung Quốc luôn ở mức rẻ. Trong giai đoạn này, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc tăng đều đặn.
Nhưng một điều đáng chú ý đã xảy ra trong vòng 10 năm qua: Dự trữ của Trung Quốc đã ngừng tăng. Mặc dù các con số được báo cáo bởi các cơ quan theo dõi dự trữ ngoại hối có thay đổi, nhưng theo báo cáo từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, dự trữ ngoại hối của nước này gần như không hề thay đổi”.
Trên đây là phần mở đầu một bài viết có tiêu đề “Dự trữ ẩn - cách Trung Quốc che giấu hàng nghìn tỷ USD” của ông Brad Setser - một quan chức thuộc Bộ Tài chính Mỹ, đăng tải trên trang The China Project. Ông Brad là Phó Trợ lý Bộ trưởng Phân tích Kinh tế Quốc tế tại Bộ Tài chính Mỹ, đồng thời là thành viên cao cấp về kinh tế quốc tế tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại trong chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Trong bài viết của mình, vị quan chức Mỹ cho rằng Bắc Kinh đã tìm cách che giấu hàng nghìn tỷ USD dự trữ ngoại hối, đồng thời bày tỏ sự quan ngại sâu sắc việc này có thể tạo ra mối nguy cho cả thế giới.
“Sự thiếu minh bạch của Trung Quốc ở đây là một vấn đề đối với thế giới. Về mặt cấu trúc, Trung Quốc là trung tâm của nền kinh tế toàn cầu đến nỗi bất cứ điều gì nước này làm, dù chúng ta được biết tới hay không, cuối cùng sẽ có tác động to lớn đến phần còn lại của thế giới”, quan chức Mỹ nhận định.
Hơn 3.000 tỷ USD bị “che giấu”
Theo bài viết của ông Brad Setser, số dự trữ ngoại hối của Trung Quốc là khoảng gần 6.000 tỷ USD, chênh 3.000 tỷ USD so với con số 3.120 tỷ USD được báo cáo vào tháng 12/2022. Theo dữ liệu từ Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước (SAFE), tính đến tháng 04/2023, Trung Quốc chính thức có 3.204 tỷ USD tài sản ngoại quốc trên sổ sách, bao gồm tiền mặt, trái phiếu, tiền gửi ngân hàng, vàng, và các loại tiền tệ khác.
Để dễ hình dung, khoản dự trữ “ngầm” này thậm chí lớn hơn so với số tài sản ngoại hối của Nhật Bản - nước nắm giữ dự trữ lớn thứ hai thế giới, và lớn hơn cả tài sản của quốc gia có chủ quyền lớn nhất thế giới là Na Uy.
Câu hỏi đặt ra ở đây là: Tại sao lại có sự chênh lệch “khổng lồ” này? Công cụ nào giúp Bắc Kinh có khả năng “hô biến” một khoản tiền lớn đến vậy?
Theo lý giải từ quan chức kinh tế Mỹ, “màn ảo thuật" này thành công nhờ hệ thống ngân hàng nhà nước lớn của Bắc Kinh.
Trước hết, phải nói tới việc PBOC có thể chuyển tiền qua các ngân hàng thương mại nhà nước. Các ngân hàng thương mại nhà nước lớn là Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc.
Trong quãng thời gian 2003 - 2008, có các báo cáo ghi chép đầy đủ việc PBOC chuyển tiền qua các ngân hàng thương mại nhà nước. Bắt đầu từ năm 2003, Trung Quốc đã sử dụng 45 tỷ USD dự trữ - một khoản tiền lớn vào thời điểm đó - để tái cấp vốn cho Ngân hàng Trung Quốc và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc. ICBC và một trong 4 ngân hàng quốc doanh lớn khác, có 15 tỷ USD vào năm 2005.
Thời điểm đó, các ngân hàng này tiếp quản quản lý 45 tỷ USD dự trữ của Trung Quốc. PBoC cũng đã chuyển khoảng 150 tỷ USD cho các ngân hàng thương mại nhà nước vào cuối năm 2005 và năm 2006, thông qua hình thức đổi USD lấy NDT do các ngân hàng nắm giữ, khiến các giao dịch như vậy không bị ghi lại trong bảng cân đối kế toán chính thức của PBOC.
Đến cuối năm 2008, chính phủ Trung Quốc có khoảng 400 tỷ USD dự trữ “ẩn” trong các ngân hàng thương mại. Con số này khi đó bằng khoảng 10% GDP của đất nước.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009, Trung Quốc đã đưa ra một chiến lược mới để sử dụng dự trữ ngoại hối, đó là chuyển một phần ngoại hối của mình cho các ngân hàng chính sách lớn, bao gồm Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc.
Khoản ngoại hối này được các ngân hàng chính sách Trung Quốc cho các quốc gia, tổ chức nước ngoài vay, và do được cho vay bởi các ngân hàng chính sách, nên không còn được tính là dự trữ ngoại hối của Trung Quốc nữa.
Một trong những dấu hiệu đầu tiên của sự thay đổi chính sách này là khi Ngân hàng Phát triển Trung Quốc bắt đầu cho vay những khoản tiền khổng lồ để hỗ trợ tăng sản lượng dầu toàn cầu nhằm đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế đang phát triển của Trung Quốc. CDB và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc cũng cho các nước muốn mua thiết bị viễn thông của Trung Quốc vay một khoản tiền lớn. Điều đó đã giúp thúc đẩy sự mở rộng toàn cầu của các công ty như Huawei, công ty có hạn mức tín dụng ít nhất 30 tỷ USD với CDB. Đến năm 2013, chính sách này đã được “thể chế hoá" thông qua sự ra mắt chính thức của Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Tuy nhiên, dấu vết dòng tiền chảy qua các ngân hàng chính sách khó theo dõi hơn nhiều so với dấu vết dòng tiền trước khủng hoảng toàn cầu đến các ngân hàng thương mại nhà nước. Chỉ có một chút “manh mối” mỏng manh vào năm 2010, khi có các báo cáo về việc CDB và ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc đang thực hiện “các khoản vay ủy thác” thay mặt cho Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước (SAFE).
“Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước (SAFE) đã thực hiện các bước ban đầu hướng tới trao quyền cho các ngân hàng chính sách và ngân hàng thương mại xử lý các khoản vay cho các dự án hợp tác liên chính phủ. Các cải cách cũng mở rộng trách nhiệm của SAFE ngoài vai trò truyền thống là quản lý dự trữ ngoại hối, biến cơ quan này thành một người cho vay ngoại tệ một cách hiệu quả. Hướng ngoại hối mới bắt đầu từ cuối năm ngoái (2009), khi Hội đồng Nhà nước yêu cầu SAFE đi đầu trong các dự án, bao gồm cả thỏa thuận trao đổi dầu mỏ của Trung Quốc lấy dầu của Nga. Cơ quan này cũng được yêu cầu nghiên cứu đổi mới bổ sung cho chính sách cho vay”, trích báo cáo từ tờ Caixin về vấn đề này.
Ngoài ra, nguồn ngoại hối của Trung Quốc còn được “che giấu" dưới dạng tiền gửi ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại nhà nước. Theo ông Brad Setser, các ngân hàng thương mại hiện nắm giữ hơn 1.100 tỷ USD tài sản nước ngoài của Trung Quốc, trong khi chỉ có 200 tỷ USD nợ nước ngoài.
'Quả bom nổ chậm'?
Trung Quốc là một nền kinh tế lớn có thể chi phối kinh tế toàn cầu, đồng thời cũng là một “chủ nợ" lớn của thế giới.
Lấy một ví dụ cụ thể, nếu như các khoản cho vay của Trung Quốc thực sự được tài trợ từ nguồn dự trữ ngoại hối xuất phát từ PBOC, rõ ràng, PBOC có đòn bẩy đáng kể đối với các tổ chức từng là trung tâm của Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, vì nhiều tổ chức/quốc gia thu nhập thấp đã được tài trợ trực tiếp từ nguồn dự trữ của Trung Quốc.
Chưa kể tới việc một số khoản vay của Trung Quốc tại các quốc gia nghèo hiện đang bị “mắc kẹt”, tình hình kinh tế kém khởi sắc tại nước này cũng khiến nguồn dự trữ ngoại hối bị ảnh hưởng đáng kể. Mà bất kỳ sự bất ổn nào tại quốc gia tỷ dân thời điểm này cũng có khả năng tạo ra những “hiệu ứng domino" trên thế giới.
Mặc dù về bản chất, việc dự trữ ngoại hối của Bắc Kinh được “xoay vòng" cho thấy nền kinh tế vẫn đang duy trì trong trạng thái khá ổn định, nhưng không ai biết liệu những khoản đầu tư thua lỗ tại nước ngoài của nước này có quy mô lớn thế nào, và có khả năng tác động ra sao tới nền kinh tế quốc gia. Do đó, khoản dự trữ “ẩn" của Trung Quốc, nếu thực sự tồn tại, cũng giống như một quả “bom nổ chậm" với Bắc Kinh, và cả với thế giới.